Bản án về tội vi phạm quy định kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng số 559/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 559/2022/HS-PT NGÀY 20/12/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KẾ TOÁN, GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Ngày 20-12-2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 489/2022/TLPT-HS ngày 24-10-2022 đối với bị cáo Phan Thị T cùng đồng phạm, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 83/2022/HS-ST ngày 31-8-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.

Các bị cáo kháng cáo:

1. Phan Thị T, sinh ngày 11-7-1963 tại Quảng Bình; nơi đăng ký NKTT và chỗ ở: thành phố P, tỉnh Gia Lai; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nữ; trình độ văn hóa: 10/10; nghề nghiệp: Hưu trí, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, bị đình chỉ sinh hoạt đảng theo Quyết định số 34-QĐ/KTĐUK ngày 03-8-2022 của Ủy ban Kiểm tra T ủy P; con ông Phan Đình L và bà Cao Thị Nghệ (đều đã chết); chồng là Nguyễn Xuân N và có 03 con (lớn nhất sinh 1988, nhỏ N sinh 1999); tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên toà.

2. Dương Thị L, sinh ngày 15-11-1964 tại T Hóa; nơi đăng ký NKTT và chỗ ở:, tỉnh Gia Lai; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nữ; trình độ văn hóa: 10/10; nghề nghiệp: Hưu trí, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, bị đình chỉ sinh hoạt đảng theo Quyết định số 40-QĐ/KTĐUK ngày 09-12-2021 của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy I; con ông Dương Đình H (đã chết) và bà Nguyễn Thị L; chồng là Trịnh Minh T, sinh 1958 và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên toà.

3. Vũ Văn Đ, sinh ngày 05-11-1969 tại Thái Bình; nơi đăng ký NKTT và chỗ ở:, tỉnh Gia Lai; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; trình độ văn hóa: 10/10; nghề nghiệp: Nguyên Giám đốc Công ty cà phê I 2, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, bị đình chỉ sinh hoạt đảng theo Quyết định số 37-QĐ/KTĐUK ngày 09-12-2021 của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy I; con ông Vũ Văn C (đã chết) và bà Bùi Thị M; vợ là Trần Thị K, sinh 1971 và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, có đơn xin xét xử vắng mặt.

4. Nguyễn Trọng T, sinh ngày 03-7-1985 tại Hà Nội; nơi đăng ký NKTT: thành phố P, tỉnh Gia Lai; chỗ ở: huyện I, tỉnh Gia Lai; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Nguyên Kế toán Công ty cà phê I 2, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, bị đình chỉ sinh hoạt đảng theo Quyết định số 38-QĐ/KTĐUK ngày 09-12-2021 của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy I; con ông Nguyễn Văn T và bà Đỗ Thị Lệ H; vợ là Nguyễn Thị Huy HH, sinh 1983 và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, có đơn xin xét xử vắng mặt.

Người tham gia tố tụng có liên quan đến kháng cáo:

- Người bào chữa cho bị cáo Phan Thị T:

Luật sư Đinh Trọng L - Văn phòng Luật sư Đinh Trọng L, Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, có mặt tại phiên toà.

- Bị hại:

Tổng Công ty Cà phê X (X); địa chỉ: T phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền số 743/TCT-TGĐ-UQ ngày 13-12- 2022):

1. Ông Nguyễn Ngô H - Chức vụ: Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Tổng Công ty Cà phê X - Công ty Cà phê I 2, có đơn xin xét xử vắng mặt.

2. Ông Trần Văn R - Chức vụ: Trưởng phòng Phòng Tổ chức hành chính - Chi nhánh Tổng Công ty Cà phê X - Công ty Cà phê I 2, vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty Cà phê 12; địa chỉ: Xã I, huyện I, tỉnh Gia Lai.

Người đại diện theo pháp luật:

Ông Nguyễn Ngô H - Chức vụ: Phó giám đốc phụ trách, vắng mặt.

2. Công ty TNHH MTV P; địa chỉ: xã I, huyện I, Gia Lai.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị U - Chức vụ: Giám đốc, có đơn xin xét xử vắng mặt.

3. Ông Nguyễn Thắng Q; địa chỉ cư trú: xã I, huyện I, tỉnh Gia Lai, vắng mặt.

4. Ông Nguyễn Tất T; địa chỉ cư trú: xã I, huyện I, tỉnh Gia Lai, có đơn xin xét xử vắng mặt.

5. Ông Nguyễn Công L; địa chỉ cư trú: xã I, huyện I, tỉnh Gia Lai, có đơn xin xét xử vắng mặt.

(Vụ án còn có bị cáo Nguyễn Thị Minh H, bị Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt 02 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng cho hưởng án treo. B cáo không kháng cáo, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không triệu tập).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Chi nhánh Tổng công ty Cà phê X - Công ty Cà phê I 2 (sau đây viết tắt là Công ty Cà phê I 2) là Công ty 100% vốn Nhà nước, được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 507/QĐ-TCT-TCCB ngày 09-12-2010 của Tổng Công ty Cà phê X - Công ty TNHH MTV và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh số 0100101509-016 ngày 09-11-2010 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cấp (đăng ký lần đầu), đăng ký thay đổi lần thứ 2 ngày 09-7-2015, do bà Phan Thị T là quyền Giám đốc và đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 09-8-2018, do ông Vũ Văn Đ là Giám đốc. Công ty Cà phê I 2 hoạt động theo ủy quyền của Tổng Công ty Cà phê X, hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty Cà phê X. Có trụ sở chính tại xã I, huyện I, tỉnh Gia Lai. Ngành nghề kinh doanh chính là mua bán hàng nông sản (trừ mủ cao su), sản xuất chế biến cà phê các loại, buôn bán phân bón, thuốc trừ sâu và hóa chất khác sử dụng trong nông nghiệp.

Từ năm 2016 đến năm 2020, Công ty Cà phê I 2 đã tiến hành bán thanh lý cây muồng và vỏ trấu, nhưng không hạch toán, để ngoài sổ sách kế toán, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không kê khai vào nguồn thu của đơn vị và không báo cáo doanh thu về Tổng Công ty Cà phê X theo quy định, cụ T:

1. Đối với việc bán thanh lý cây muồng:

Cây muồng là cây che bóng mát, chắn gió là tài sản của Tổng Công ty Cà phê X giao cho Công ty Cà phê I 2 quản lý, chăm sóc. Việc bán thanh lý cây muồng thực hiện theo quy định tại Quy chế quản lý tài chính Công ty mẹ - Tổng Công ty Cà phê X tại Quyết định số 171A/QĐ-TCT ngày 25-5-2015 của Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cà phê X, thì Giám đốc đơn vị trực thuộc Công ty mẹ quyết định thanh lý, nhượng bán tài sản cố định này.

Từ năm 2017 đến năm 2020, Công ty Cà phê I 2 đã bán thanh lý 591 cây muồng, với tổng số tiền là 331.200.000 đồng cho một số cá nhân sau:

- Năm 2017: Bán cho ông Nguyễn Tất T (địa chỉ: Thôn T, xã I, huyện I, Gia Lai) số lượng 47 cây, tổng số tiền 23.500.000 đồng; bán cho bà Nguyễn Thị U (địa chỉ: Thôn T, xã I, huyện I, tỉnh Gia Lai) số lượng 104 cây, tổng số tiền 64.800.000 đồng.

- Năm 2018: Bán ông Nguyễn Thế Tý và bà Chu Thị Minh (Đội 1), số lượng là 06 cây, số tiền 3.600.000 đồng (thu từ ông Phạm Ngọc Khuê).

- Năm 2019: Bán cho Công ty TNHH MTV P do bà Nguyễn Thị U làm Giám đốc (địa chỉ: Thôn T, xã I, huyện I, tỉnh Gia Lai) theo Hợp đồng số 39/HĐTLGT ngày 01-4- 2019, số lượng 422 cây, số tiền 232.100.000 đong.

- Năm 2020: Bán cây muồng cho ông Mai Quý Q (Đội 1), số lượng 12 cây, số tiền 7.200.000 đồng.

Trong quá trình bán thanh lý cây muồng: Phan Thị T (Giám đốc Công ty Cà phê I 2 - Giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 7-2018) và Vũ Văn Đ (Giám đốc - Giai đoạn từ tháng 8-2018 đến năm 2020) đã chỉ đạo Dương Thị L (Kế toán trưởng - Giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 11-2019) và Nguyễn Trọng T (Kế toán - Giai đoạn từ tháng 12- 2019 đến 2020) cùng với Nguyễn Thị Minh H (Thủ quỹ - Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020) thu tiền bán thanh lý cây muồng, nhưng không nhập vào hệ thống phần mềm FAST (là phần mềm kế toán) để theo dõi, in phiếu thu mà viết tay phiếu thu theo mẫu in sẵn, mẫu này có 02 liên (một liên giao cho người nộp tiền, một liên Thủ quỹ lưu), không có số phiếu thu, không kê khai, không hạch toán doanh thu theo quy định. Việc chi số tiền này được chi theo chỉ đạo của Giám đốc, có kiểm tra, giám sát của Kế toán trưởng. Thủ quỹ có ghi sổ theo dõi, hàng tuần đều tổng hợp thu, chi, số tiền còn tồn vào 01 tờ giấy để báo cho Giám đốc và Kế toán trưởng biết. Khi chi hết tiền đã xé bỏ các tài liệu này, theo sự chỉ đạo của Giám đốc công ty. Trong đó, đã chi 99.100.000 đồng cho các việc hiếu, hỷ, chi kết nghĩa thôn bản, chi tặng quà... (không có chứng từ).

Số tiền còn lại là 232.100.000 đồng từ việc bán cây muồng năm 2019 cho Công ty TNHH MTV P, theo Hợp đồng số 39/HĐTLGT ngày 01-4-2019 đã được hai bên thống nhất hình thức thanh toán là được bù trừ vào Hợp đồng thi công Nhà bát giác số 01/2018/HĐKT ngày 01-12-2018, với giá trị là 201.700.000 đồng và thi công hạng mục mương thoát nước, với số tiền 12.411.000 đồng và mua bàn, ghế đặt tại nhà bát giác, với số tiền 30.000.000 đồng. Ngày 22-4-2019, hai bên đã ký biên bản nghiệm thu. Ngày 31-3-2021, Công ty Cà phê I 2 và Công ty TNHH MTV P đã đối chiếu công nợ và thanh lý hợp đồng. Công ty Cà phê I 2 đã có Tờ trình số 50a/Cti/TTr gửi Tổng Công ty Cà phê X xin phê duyệt bổ sung chủ trương đầu tư, chi phí và chấp nhận đưa công trình Nhà bát giác, mua bàn ghế, xây mương thoát nước vào sử dụng năm 2019. Ngày 01-4-2021, Công ty Cà phê I 2 đã có Tờ trình số 54a/TTr-CTi gửi Tổng Công ty Cà phê X xin phê duyệt quyết toán bổ sung công trình Nhà bát giác. Ngày 07-4-2021, Tổng Công ty Cà phê X có Công văn số 157/TCT-TCKT về phê duyệt chi phí xây dựng Nhà bát giác năm 2019. Ngày 08-4-2021, Công ty Cà phê I 2 đã hạch toán tăng tài sản cố định là nhà bát giác xây dựng năm 2019 số tiền là 231.770.000 đồng và hạch toán chi phí xây mương thoát nước tại sân kho số tiền là 12.411.000 đồng.

Như vậy, Công ty cà phê I 2 đã bán thanh lý cây muồng và để ngoài sổ sách kế toán là 331.200.000 đồng. Trong đó, có 232.100.000 đồng là để bù trừ chi phí xây dựng Nhà bát giác, thi công hạng mục mương thoát nước, mua bàn, ghế đặt tại Nhà bát giác. Ngày 07-4-2021, Tổng Công ty Cà phê X đã phê duyệt quyết toán bổ sung công trình xây dựng Nhà bát giác đưa vào sử dụng năm 2019, Công ty Cà phê I 2 đã hạch toán tăng tài sản cố định đối với hạng mục Nhà bát giác, chi phí xây dựng mương thoát nước. Do đó, chấp nhận đây là khoản chi thực tế hợp lý, không gây thiệt hại. số tiền còn lại là 99.100.000 đồng sử dụng chi hiếu hỷ, kết nghĩa thôn làng không đúng quy định, gây thiệt hại cho Tổng Công ty Cà phê X, nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về khoản tiền này.

2. Đối với việc bán thanh lý vỏ trấu:

Vỏ trấu cà phê là sản phẩm phụ sau chế biến cà phê quả tươi sang cà phê nhân xô, Tổng Công ty Cà phê X giao cho Công ty Cà phê I 2 tự quản lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Hàng hóa bán ra có thu tiền là nguồn doanh thu của đơn vị và phải hạch toán doanh thu, hạch toán các chi phí liên quan đến quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13-10-2015 của Chính phủ về đầu vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Trong quá trình chế biến cà phê quả tươi sang nhân xô, từ năm 2016 đến năm 2020, Công ty Cà phê I 2 đã ký hợp đồng bán sản phẩm phụ là vỏ trấu cà phê cho ông Nguyễn Công L (thôn T, xã I, huyện I, tỉnh Gia Lai), với tổng số tiền là 1.792.300.000 đồng, cụ T:

- Năm 2016, ông Nguyễn Công L ký Hợp đồng số 11/HĐMB ngày 27-11-2016, tổng số tiền là 396.900.000 đồng. Ngày 14-4-2017, ông L đã có đơn đề nghị giảm trừ cho 03 xe vỏ trấu cà phê, Công ty đã đồng ý giảm trừ 03 xe, với số tiền 8.100.000 đồng. Ông L thanh toán bằng tiền mặt theo 04 Phiếu thu, với tổng số tiền là 388.800.000 đồng.

- Năm 2017, ông Nguyễn Công L ký Hợp đồng số 13/HĐMB ngày 12-12-2017 và thanh toán bằng tiền mặt theo 04 Phiếu thu với tổng số tiền là 550.000.000 đồng.

- Năm 2018, ông Nguyễn Công L ký Hợp đồng số 16/HĐMB ngày 30-11-2018 và thanh toán bằng tiền mặt theo 03 Phiếu thu, với tổng số tiền là 465.500.000 đồng.

- Năm 2019, ông Nguyễn Công L ký Hợp đồng số 17/HĐMB ngày 15-11-2019 và thanh toán bằng tiền mặt theo 02 Phiếu thu, với tổng số tiền là 388.000.000 đồng.

Phan Thị T và Vũ Văn Đ đã chỉ đạo Kế toán trưởng, Thủ quỹ để ngoài sổ sách kế toán tiền bán vỏ trấu cà phê bằng cách không nhập vào hệ thống phần mềm FAST (là phần mềm kế toán) để theo dõi, in phiếu thu mà viết tay phiếu thu theo mẫu in sẵn, mẫu này có 02 liên (một liên giao cho người nộp tiền, một liên Thủ quỹ lưu), không có số phiếu thu, không xuất hóa đơn GTGT, không kê khai, hạch toán doanh thu số tiền 1.792.300.000 đồng về Tổng công ty Cà phê X.

Từ năm 2016 đến năm 2020, Công ty Cà phê I 2 thực hiện chế biến cà phê quả tươi sang cà phê nhân xô với tổng sản lượng cà phê là:

Niên vụ

Sản lượng cà phê quả tươi giao khoán (tấn)

Sản lượng cà phê quả tươi vượt khoán (tấn)

Tổng cộng (tấn)

2016-2017

1.150,817

3.982,7

5.133,517

2017-2018

1.372,864

6.096,498

7.469,362

2018-2019

1.601,559

4.893,682

6.495,241

2019-2020

1.609,818

5.012,752

6.622.570

Đối với sản lượng cà phê giao khoán: Tổng công ty Cà phê X, Công ty Cà phê I 2 đã phê duyệt định mức chi phí chế biến cà phê quả tươi sang nhân xô (bao gồm chi phí nhân công; điện năng tiêu thụ; nhiên liệu tiêu thụ; công cụ dụng cụ; quản lý, bảo vệ và chi phí sản xuất chung) và phê duyệt tỷ lệ quy đổi cà phê quả tươi sang 01 kg nhân xô tiêu chuẩn. Công ty Cà phê I 2 kê khai, hạch toán chi phí nhân công; chi phí điện năng tiêu thụ; nhiên liệu tiêu thụ; công cụ dụng cụ; quản lý, bảo vệ và chi phí sản xuất chung vào giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, đối với chi phí nhân công trong khoán, từ năm 2016 đến năm 2020, Công ty Cà phê I 2 đã ký hợp đồng khoán gọn công việc theo thời vụ với ông Nguyễn Thắng Q (số CMND: 230752106 cấp ngày 16-3-2005; cư trú tại: Thôn Tân Lập, xã I, huyện I, tỉnh Gia Lai) là người đại diện cho một nhóm nhân công tham gia thực hiện chế biến cà phê quả tươi sang cà phê nhân xô theo đúng định mức chi phí nhân công chế biến cà phê giao khoán để xuất hóa đơn, kê khai, hạch toán chi phí nhân công chế biến vào giá thành sản phẩm. Các nội dung trong Hợp đồng khoán gọn công việc đối với sản lượng cà phê trong khoán đều được thực hiện. Công ty Cà phê I 2 thanh toán tiền nhân công cho ông Q theo đúng ngày công đã thực hiện.

Đối với sản lượng cà phê vượt khoán: Tổng công ty Cà phê X không quy định định mức chi phí chế biến và tỷ lệ chế biến cà phê quả tươi sang cà phê nhân xô. Vì vậy, từ năm 2016 đến 2020, vào mùa vụ thu hái cà phê, căn cứ trên định mức chế biến cà phê trong khoán đã được phê duyệt, thì Công ty Cà phê I 2 đã thỏa thuận với người nhận khoán và ban hành quy định quản lý, bảo vệ, thu hái, giao nhận chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê. Trong đó, quy định định mức quy đổi 4,65 kg cà phê quả tươi ra 01 kg cà phê nhân xô (tỷ lệ quy đổi đã bao gồm các chi phí có liên quan do Công ty Cà phê I 2 chịu trách nhiệm chi trả như: Chi phí nhân công, điện năng tiêu thụ, nhiên liệu tiêu thụ, công cụ dụng cụ, quản lý, bảo vệ và chi phí sản xuất chung). Đồng thời, quy định đối với công tác tổ chức thu hái, thì Công ty Cà phê I 2 phải chi trả tiền công bốc vác sản phẩm qua cân lên xe vận chuyển là 33.000 đồng/tấn và tiền công của Tổ trưởng tổ thu hái là 25.000 đồng/tấn. Công ty Cà phê I 2 không kê khai chi phí chế biến đối với sản lượng cà phê vượt khoán.

Như vậy, tiền bán vỏ trấu, tiền chi công tổ trưởng thu hái, tiền công bốc vác lên xe và số tiền thiệt hại được tính cụ T như sau:

STT

Mùa vụ

Tiền bán vỏ Trấu

Chi tiền công Tổ trưởng tổ thu hái (25.000đ/tấn)

Chi tiền công bốc vác qua cân lên xe vận chuyển (33.000đ/tấn)

Số tiền thiệt hại

1

2016-2017

388.800.000

99.567.175

131.428.671

157.804.154

2

2017-2018

550.000.000

152.413.000

201.185.000

196.402.000

3

2018-2019

465.500.000

122.342.075

161.491.539

181.666.386

4

2019-2020

388.000.000

125.318.800

165.420.816

97.260.384

Tổng cộng

1.792.300.000

499.641.050

659.526.026

633.132.924

Đối với các chứng từ, hóa đơn liên quan đến chi phí chế biến cà phê vượt khoán do Công ty Cà phê I 2 cung cấp, xác định: Công ty Cà phê I 2 thực tế có sử dụng tiền bán vỏ trấu cà phê và tiền nhân công giao khoán để chi phí chế biến cà phê vượt khoán. Các đơn vị bán hàng đều khẳng định có bán hàng cho Công ty Cà phê I 2 theo đúng nội dung, đúng số tiền ghi trên các hóa đơn và thanh toán tiền bằng tiền mặt. Một số đơn vị có bán hàng thanh toán bằng tiền mặt, không xuất hóa đơn, chỉ lập bảng kê bán hàng nhưng không lưu giữ chứng từ có liên quan và một số đơn vị đã ngừng hoạt động kinh doanh. Những người tham gia chế biến cà phê quả tươi sang cà phê nhân xô đều khẳng định có tham gia chế biến cà phê và nhận tiền theo đứng chứng từ đã thanh toán. Tuy nhiên, các chứng từ chi phí trên do không đưa vào hạch toán nên chứng từ thanh toán chủ yếu là bảng kê bán hàng, danh sách nhận tiền, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định.

Đối với niên vụ năm 2016 - 2017 và năm 2017 - 2018 đã sử dụng hết số tiền bán vỏ trấu và tiền nhân công giao khoán theo hợp đồng đã ký với ông Nguyễn Tháng Q để chi phí chế biến cà phê quả tươi sang nhân xô đối với cà phê vượt khoán. Đối với niên vụ năm 2018 - 2019 và năm 2019 - 2020, Công ty Cà phê I 2 sử dụng tiền bán vỏ trấu cà phê và tiền nhân công giao khoán theo hợp đồng đã ký với ông Q để chi phí chế biến cà phê quả tươi sang cà phê nhân xô, số tiền còn lại sử dụng chi liên hoan, thưởng Tết cho 29 nhân viên của Công ty mỗi người 5.000.000 đồng/niên vụ, cụ T:

STT

Niên vụ cà phê

Tiền bán vỏ trấu

Tiền nhân công trong khoán theo Hợp đồng với ông Nguyễn Thắng Q

Tổng s tin bán vỏ trấu và nhân công giao khoán

Chi tiền công Tổ trưởng tổ thu hái cà phê vượt khoán (25.000đ/tấn)

Chi tiền công bốc vác qua cân lên xe vận chuyển cà phê vượt khoán (33.000đ/tấn)

Các chi phí khác

1

2016-2017

388.800.000

233.602.743

622.402.743

99.567.175

131.428.671

391.406.897

2

2017-2018

550.000.000

323.834.334

873.834.334

152.413.000

201.185.000

520.236.334

3

2018-2019

465.500.000

419.969.523

885.469.523

122.342.075

161.491.539

601.635.909

4

2019-2020

388.000.000

447.246.584

835.246.584

125.318.800

165.420.816

544.506.968

Như vậy, mặc dù Công ty cà phê I có cung cấp các chứng từ liên quan đến việc chi cho việc chế biến cà phê ngoài khoán, nhưng vì các chi phí liên quan đến việc chế biến cà phê đã được tính trong các tỷ lệ phê duyệt trong Quyết định ban hành về việc quản lý, bảo vệ, thu hái, giao nhận, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê giữa công ty và công nhân hàng năm nên toàn bộ các chứng từ về việc chi cho việc chế biến này không có căn cứ. Tuy nhiên, cũng theo quyết định này, thì công ty sẽ chi trả thêm 02 khoản (ngoài các chi phí đã tính trong tỷ lệ trên) là tiền công bốc vác qua cân lên xe vận chuyển 33.000 đồng/tấn và công tổ trưởng đã thu hái 25.000 đồng/tấn. Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền bán thanh lý vỏ trấu sau khi trừ đi khoản tiền công bốc vác và khoản chi cho tổ trưởng thu hái vì đây là các khoản mà Công ty cà phê I 2 phải chi trả, cụ T:

Tổng số tiền bán thanh lý vỏ trấu để ngoài sổ sách kế toán là 1.792.300.000 đồng. Trong đó, tiền tiền công bốc vác vận chuyển lên xe và tiền công của tổ trưởng tổ thu hái là 1.159.167.076 đồng là được chấp nhận, số tiền còn lại các bị can phải chịu trách nhiệm là 633.132.924 đồng.

Như vậy, tổng số tiền các bị cáo phải chịu trách nhiệm về việc để ngoài sổ sách kế toán, không kê khai, không hạch toán, không báo về Tổng Công ty Cà phê X là 732.232.924 đồng (trong đó 99.100.000 đồng tiền bán thanh lý cây Muồng và 633.132.924 đồng tiền bán thanh lý vỏ trấu).

Về trách nhiệm dân sự:

Quá trình điều tra, các bị cáo đã bồi thường số tiền thiệt hại là 732.232.924 đồng như sau: Phan Thị T bồi thường 193.134.000 đồng, Dương Thị L bồi thường 194.642.934 đồng, Vũ Văn Đ bồi thường 68.882.000 đồng, Nguyễn Thị Minh H bồi thường 40.634.000 đồng và Nguyễn Trọng T bồi thường 10.000.000 đồng.

(Số tiền còn lại là 225.000.000 đồng, các công nhân Công ty cà phê I 2 tự nguyện nộp lại tiền chi trả Tết đã nhận).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm s 83/2022/HS-ST ngày 31-8-2022, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định:

1. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 221; các điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 38 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Phan Thị T 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.

2. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 221; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 và Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Dương Thị L 02 (hai) năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.

3. Áp dụng điểm C khoản 1 Điều 221; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 36 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Vũ Văn Đ 24 (hai mươi bốn) tháng cải tạo không giam giữ về tội “Vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày UBND xã I, huyện I, tỉnh Gia Lai nhận được bản án, quyết định thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo Đ.

5. Áp dụng điểm C khoản 1 Điều 221; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 36 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Nguyễn Trọng T 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ về tội “Vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày UBND xã Y, huyện I, tỉnh Gia Lai nhận được Bản án, quyết định thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo T.

Giao Vũ Văn Đ cho UBND xã I, huyện I và Nguyễn Trọng T cho UBND xã Y, huyện I, nơi các bị cáo thường trú để giám sát, giáo dục. Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với UBND xã (nơi cư trú) trong việc giám sát, giáo dục. Trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 100 của Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian chấp hành án, các bị cáo phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ.

Khấu trừ thu nhập đối với Vũ Văn Đ, với số tiền 659.000 đồng/tháng, bị cáo Nguyễn Trọng T 300.000 đồng/tháng trong thời gian cải tạo không giam giữ để sung Ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Ngày 09-9-2022, Dương Thị L kháng cáo xin giảm hình phạt; ngày 07-12-2022, thay đổi nội dung kháng cáo, xin được hưởng án treo.

- Ngày 10-9-2022, Phan Thị T kháng cáo, đề nghị hủy toàn bộ vụ án để điều tra lại.

- Ngày 12-9-2022, Vũ Văn Đ và Nguyễn Trọng T kháng cáo xin giảm hình phạt.

Căn cứ các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Từ ngày 09-10 đến ngày 12-10-2022, các bị cáo Phan Thị T, Dương Thị L, Vũ Văn Đ và Nguyễn Trọng T kháng cáo bản án sơ thẩm; đơn kháng cáo của bị cáo là trong hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự, do đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Trước khi xét xử phúc thẩm, các bị cáo Vũ Ván Đ và Nguyễn Trọng T rút kháng cáo. Xét thấy, việc rút kháng cáo của các bị cáo là tự nguyện, nên căn cứ Điều 348 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của các bị cáo Vũ Văn Đ và Nguyễn Trọng T.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phan Thị T thay đổi nội dung kháng cáo, thừa nhận các hành vi phạm tội do mình gây ra; bị cáo Dương Thị L giữ nguyên kháng cáo; đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nang đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ Điều 348, điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của các bị cáo Vũ Văn Đ và Nguyễn Trọng T.

- Chấp nhận nội dung thay đổi kháng cáo của bị cáo Phan Thị T, giảm hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

- Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dương Thị L, giữ nguyên mức hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

Tại phần tranh luận, bị cáo Phan Thị T thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét đến động cơ phạm tội là không có mục đích chiếm đoạt cá nhân, nguyên nhân phạm tội là để làm lợi cho công ty nơi mình có trách nhiệm quản lý, từ đó đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo Dương Thị L đồng ý về tội danh và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

Tổng Công ty cà phê X không cử người đại diện tham gia phiên tòa, nhưng có gửi Công văn số 710/TCT-TCKT ngày 23-11-2022, có nội dung thống nhất về tội danh mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định đối với các bị cáo, nhưng cho rằng bị cáo Dương Thị L có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, từ đó đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm hình phạt và cho bị cáo Dương Thị L được hưởng án treo.

Nói lời sau cùng, các bị cáo đều đề nghị chấp nhận kháng cáo.

[2]. Xét kháng cáo của bị cáo:

[2.1]. Về tội danh (đối với các bị cáo kháng cáo):

Tổng Công ty Cà phê X là Doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước. Công ty Cà phê I 2 là đơn vị hạch toán phụ thuộc, hoạt động theo ủy quyền của Tổng Công ty Cà phê X. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020, vì muốn có tiền để sử dụng phúc lợi xã hội và chi khác của Công ty Cà phê I 2, các bị cáo Phan Thị T, Vũ Văn Đ (đều là Giám đốc) đã chỉ đạo bộ phận kế toán, thủ quỹ là Dương Thị L và Nguyễn Thị Minh H, Nguyễn Trọng T bán thanh lý cây muồng và vỏ trấu nhưng để ngoài sổ sách kế toán, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không kê khai, không hạch toán vào nguồn thu của đơn vị và không báo cáo xin ý kiến và báo cáo doanh thu về Tổng Công ty Cà phê X, gây thiệt hại 732.232.924 đồng.

- Đối với Phan Thị T:

Việc quy đổi sản phẩm cà phê từ 4,65 kg cà phê quả tươi sang 01 kg cà phê xô nhân đã được quy định tại Quyết định số 233/QĐ-HĐTV ngày 07-8-2017 của Tổng Công ty Cà phê X (Phần IV - Quy định chế biến cà phê quả tươi sang cà phê nhân xô) và tại “Quy định quản lý, bảo vệ sản phẩm cà phê, thu hái, giao nhận, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê của Công ty Cà phê I 2”, do Công ty Cà phê 2 soạn thảo đã được Tổng Công ty Cà phê X và Công ty Cà phê I 2 phê duyệt (bút lục số 132 - 190), T hiện: Hằng năm, Công ty cà phê I 2 thỏa thuận với người lao động tại Hội nghị người lao động về việc quy đổi từ cà phê tươi sang cà phê nhân xô, thì toàn bộ chi phí chế biến cà phê quả tươi sang nhân xô đã nằm trong tỷ lệ quy đổi 4,65 kg quả tươi/lkg nhân xô (không bao gồm 2 loại chi phí tiền công Tổ trưởng Tổ thu hái và chi phí tiền công bốc vác sản phẩm qua cân lên xe vận chuyển) do Công ty Cà phê I 2 chịu trách nhiệm chi trả. Tỷ lệ quy đổi này đã có chi phí chế biến. Do đó, Công ty Cà phê I 2 phải sử dụng tiền có được từ tỷ lệ quy đổi để thực hiện việc chi phí chế biến, vì Công ty Cà phê I 2 nhận cà phê quả tươi, nhưng thanh toán cho người lao động bằng giá tiền của cà phê nhân xô theo tỷ lệ quy đổi. Trường hợp, nếu Công ty Cà phê I 2 không phải chịu chi phí chế biến, thì người lao động có cà phê quả tươi phải chịu chi phí chế biến, lúc này tỷ lệ quy đổi bắt buộc phải nhỏ hơn 4,65 kg quả tươi/lkg nhân xô.

Trong trường hợp quá trình sản xuất, chế biến có dư vỏ trấu, thì sẽ được dùng vỏ trấu bón cho cây cà phê, nhằm tái canh cho cây cà phê cho niên vụ sau. Tuy nhiên, bị cáo đã không làm việc này, mà sử dụng chức vụ “Giám đốc, Quyền giám đốc” ký kết các hợp đồng bán vỏ trấu cho các cá nhân, đơn vị mua sản phẩm là đã thay mặt, nhân danh cho Công ty Cà phê 12 thanh lý tài sản của Tổng Công Cà phê X, thì bị cáo phải có trách nhiệm báo cáo về cho Tổng Công ty, nhưng bị cáo đã chỉ đạo Kế toán trưởng, Thủ quỹ không không báo cáo, không đưa vào hệ thống phần mềm quản lý kế toán FAST là trái quy định của Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, gây thiệt hại cho Tổng Công ty Cà phê X.

Tại Điều 22 “Doanh thu và thu nhập khác” của Quy chế quản lý tài chính Công ty mẹ - Tổng Công ty Cà phê X, ban hành kèm theo Quyết định số 171A/QĐ- TCT/HĐTV ngày 25-5-2015 của Tổng Công ty Cà phê X quy định: “Vỏ trấu cà phê là sản phẩm phụ sinh ra trong quá trình chế biến từ cà phê quả tươi sang cà phê nhân xô”, đây là tài sản của Tổng Công ty Cà phê X, do đó việc Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Cà Phê I 2 thay mặt, nhân danh công ty ký hợp đồng bán vỏ trấu cà phê phát sinh nguồn tiền, thì bắt buộc phải được hạch toán trong hệ thống kế toán của công ty, theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 30 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13-10- 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Doanh nghiệp và quy định tại khoản 3 Điều 6 của Luật Kế toán năm 2015, việc bị cáo không đưa vào sổ sách kế toán đã gây thiệt hại cho Tổng Công ty Cà phê X 732.232.924 đồng.

Như vậy, trước khi giữ chức vụ Phó Giám đốc, quyền Giám đốc, thì bị cáo là Kế toán trưởng của Công ty Cà phê I 2, bị cáo hiểu rất rõ về lĩnh vực tài chính - Kế toán và sau khi được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Công ty Cà phê I 2 (từ năm 2016 đến tháng 7-2018), thì bị cáo là người trực tiếp ký duyệt các khoản thu, chi và báo cáo quyết toán tài chính, bị cáo đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo Dương Thị L là Kế toán trưởng và Nguyễn Thị Minh H là Thủ quỹ để ngoài sổ sách kế toán, không hạch toán vào nguồn thu của đơn vị, không kê khai báo cáo về Tổng Công ty Cà phê X số tiền bán thanh lý vỏ trấu và cây muồng là 446.106.154 đồng. Với hành vi phạm tội này, Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội “Vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 221 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đứng pháp luật.

- Đối với Dương Thị L:

Bị cáo giữ chức vụ Kế toán trưởng Công ty Cà phê I 2 từ năm 2016 đến tháng 11- 2019. Bị cáo là người trực tiếp theo dõi việc thu chi, tham mưu cho Giám đốc và lập các báo cáo quyết toán tài chính, bị cáo đã thực hiện theo sự chỉ đạo của Phan Thị T, để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, không hạch toán vào nguồn thu của công ty, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không kê khai, không báo cáo doanh thu về Tổng Công ty Cà phê X số tiền bán thanh lý cây muồng và vỏ trấu 627.772.540 đồng.

Với hành vi phạm tội nhu nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội “Vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 221 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2.2]. Về hình phạt:

Đây là vụ án có nhiều bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, nhưng giữa các bị cáo không có sự phân công vai trò, nhiệm vụ cụ T, nên thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, quy định của Nhà nước về kế toán. Do đó, cần phải xử phạt các bị cáo hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ xem xét, đánh giá vai trò của bị cáo để có mức hình phạt cụ T đối với từng bị cáo.

- Đối với Phan Thị T:

Bị cáo được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Công ty Cà phê 12- Giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 7-2018. Trong thời gian giữ chức vụ, bị cáo tự quyết định bán tài sản của Tổng Công ty rồi không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không kê khai, không hạch toán vào nguồn thu của đơn vị và không báo cáo doanh thu, nộp vào ngân sách cho Tổng Công ty, tự ý để ngoài sổ sách phục vụ cho công tác khác, từ đó gây thiệt hại Tổng Công ty Cà phê X 446.106.154 đồng. Với hành vi phạm tội này, bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo kháng cáo kêu oan, nhưng tại phiên toà phúc thẩm bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo và T hiện sự ăn năn, hối cải. Xét thấy, trước khi phạm tội bị cáo có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được tặng Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen, Ban Chấp hành Tổng L đoàn Lao động X và Tổng Công ty Cà phê việt Nam tặng Giấy khen; mặc dù, phạm tội không có động cơ vụ lợi cá nhân, nhưng khi hành vi phạm tội bị phát hiện đã tự nguyện nộp 193.134.000 đồng để khắc phục hậu quả; gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, tại cấp phúc thẩm, bị cáo có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, nên theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì bị cáo đủ điều kiện để được áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự. Do đó, để T hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội thành khẩn khai báo, biết ăn năn hối cải, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận nội dung thay đổi kháng cáo của bị cáo.

- Đối với Dương Thị L:

Bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo tiếp tục thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; trước khi phạm tội có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen, được Ban chấp hành Tổng L đoàn lao động X và Tổng Giám đốc Công ty Cà phê X tặng Giấy khen; sau khi phạm tội đã tự nguyện nộp 194.642.934 đồng để khắc phục hậu quả và được Tổng Công ty Cà phê X có công văn xin giảm hình phạt; ngoài ra, bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, tại cấp phúc thẩm, bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, nên theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì bị cáo đủ điều kiện để được áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự. Do đó, để T hiện chính sách nhân đạo của pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Như vậy, kháng cáo của các bị cáo đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét và có cơ sở chấp nhận.

[3]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

[4]. Về án phí hình sự:

Các bị cáo được chấp nhận kháng cáo nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ Điều 348 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Đình chỉ xét xử đối với kháng cáo của các bị cáo Vũ Vãn Đ và Nguyễn Trọng T.

2. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phan Thị T.

- Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Dương Thị L.

- Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 83/2022/HS-ST ngày 31-8-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai về Phần hình phạt đối với các bị cáo Phan Thị T và Dương Thị L.

3. Về hình phạt:

3.1. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 221; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Phan Thị T 03 (ba) năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 05 (năm), tính từ ngày tuyên án phúc thẩm

3.2. Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 221; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Dương Thị L 02 (hai) năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 04 (bốn) năm, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Phan Thị T cho UBND phường Yên Thế, thành phố P, tỉnh Gia Lai; giao bị cáo Dương Thị L cho UBND xã I, huyện I, tỉnh Gia Lai giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có T quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Hình sự.

4. Các quyết định của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5. Về án phí hình sự:

Căn cứ khoản 2 Điều 136 của bộ luật Tố tụng hình sự; điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Các bị cáo Phan Thị T và Dương Thị L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

410
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng số 559/2022/HS-PT

Số hiệu:559/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:20/12/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về