Bản án về tội vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng số 35/2020/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

BẢN ÁN 35/2020/HS-PT NGÀY 25/02/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KẾ TOÁN GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Ngày 25 tháng 02 năm 2020 tại Trụ sở Toà án nhân tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm, thụ lý số 176/2019/TLPT-HS ngày 11 tháng 12 năm 2019, do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Thu T và các bị cáo khác đối với bản án hình sự sơ thẩm số 569/2019/HSST ngày 30/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Thị Thu T; tên gọi khác: Không có; sinh ngày 20 tháng 5 năm 1974; Nơi ĐKHKTT: tổ 10, phường TĐ, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Văn hóa: lớp 12/12; Nghề nghiệp: Nguyên Kế toán Trung tâm điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh, tỉnh Thái Nguyên; là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng). Con ông: Nguyễn Hữu T1 (đã chết); Con bà: Dương Thị H, sinh năm 1932; có chồng là Nguyễn Hùng C, sinh năm 1962; Có 01 con sinh năm 2016. Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại không bị giam giữ (có mặt).

2. Tạ Hồng S; tên gọi khác: Không có; sinh ngày 26 tháng 11 năm 1968; Nơi ĐKHKTT: Xóm TĐ1 1, xã TĐ2, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên. Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Văn hóa: lớp 10/10; Nghề nghiệp: Nguyên Trưởng phòng hành chính Trung tâm điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh, tỉnh Thái Nguyên; là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng); Con ông: Tạ Hồng P, sinh năm 1936; Con bà: Trần Thị Đ, sinh năm 1945; có vợ: Cao Thị Kim A, sinh 1 năm 1972; Có 02 con chung. Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại không bị giam giữ (có mặt).

3. Đoàn Thị Kim D, tên gọi khác: Không có; sinh ngày 20 tháng 10 năm 1988. Nơi ĐKHKTT: Xóm ĐX, xã SC, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên. Chỗ ở: Xóm 1, xã PH, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Văn hóa: lớp 12/12; Nghề nghiệp: Nguyên Kế toán nhà ăn Trung tâm điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh, tỉnh Thái Nguyên. Con ông: Đoàn Văn T2, sinh năm 1961; Con bà: Nguyễn Thị S1, sinh năm 1964; có chồng: Vũ Quang M, sinh năm 1981; Có 02 con chung, con lớn sinh năm 2012, con nhỏ sinh năm 2018. Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại không bị giam giữ (có mặt).

Bị hại: Trung tâm điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh tỉnh Thái Nguyên.

Địa chỉ: Xóm AS, xã TĐ2, thành phố TN.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đức H1 – Giám đốc.

Người được ủy quyền: Ông Nguyễn Hữu T3, sinh năm 1985

Địa chỉ: Tổ 18, phường HVT, thành phố TN; Chỗ ở: Xóm 10, xã QT, thành phố TN (có mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Dương Xuân H2, sinh năm 1963. (có mặt)

Nơi cư trú: Tổ 3, phường QV, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thu T: Luật sư Nguyễn Đình H3 và Luật sư Nguyễn Hữu D1, Văn phòng Luật sư TT – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Địa chỉ: Số nhà 68, đường TV, phường MD, quận CG, thành phố Hà Nội (các Luật sư có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo Đoàn Thị Kim D: Luật sư Lê Minh T4, Công ty Luật TNHH MTV K và Cộng sự – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (có mặt).

Trong vụ án này những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không bị kháng nghị, vắng mặt do Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Nguyên và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trung tâm điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh tỉnh Thái Nguyên (sau đây gọi tắt là Trung tâm) trực thuộc sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ của Trung tâm là tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị, và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần gồm: Bệnh nhân vào điều trị theo quyết định của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên và bệnh nhân tự nguyện vào điều trị theo hợp đồng ký với Trung tâm.

Hằng năm, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Trung tâm xây dựng dự toán ngân sách trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên duyệt, tổng hợp gửi Sở Tài chính. Trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được UBND tỉnh giao, thông báo thẩm định của Sở Tài chính, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giao dự toán cho trung tâm. Hết năm tài chính, Trung tâm lập báo cáo tài chính theo quy định hiện hành gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội duyệt quyết toán. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo gửi Sở Tài chính thẩm định.

Thời điểm năm 2015 đến 2016, tổ chức bộ máy của Trung tâm gồm 01 Giám đốc, 01 Phó Giám đốc, 05 phòng chuyên môn, 04 khoa điều trị.

Dương Xuân H2 được bổ nhiệm chức danh Giám đốc của Trung tâm theo Quyết định số 2014 ngày 10/8/2011 của UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian bổ nhiệm 05 năm. Đến ngày 10/8/2016 H2 hết nhiệm kỳ và không được bổ nhiệm lại.

Nguyễn Thị Thu T được bổ nhiệm chức vụ Kế toán trưởng của Trung tâm theo quyết định số 294 ngày 23/5/2012 của Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên, thời gian giữ chức vụ là 05 năm; đồng thời T được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Phòng Kế hoạch – Tài chính của Trung tâm theo quyết định số 251 ngày 18/4/2014 của Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên, thời gian bổ nhiệm 05 năm.

Tạ Hồng S được bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng hành chính – Tổng hợp của Trung tâm theo quyết định số 250 ngày 18/4/2014 của Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên, thời gian bổ nhiệm 05 năm.

Đoàn Thị Kim D là Kế toán viên của Phòng Kế hoạch – Tài chính của Trung tâm, D là Kế toán viên 2 tại Trung tâm, một trong những nhiệm vụ được giao là Kế toán nhà ăn.

Tại Trung tâm, kinh phí mua thực phẩm hằng ngày cho bệnh nhân được chi vào quyết toán từ 05 nguồn tiền sau:

- Tiền từ ngân sách Nhà nước chi trả cho các đối tượng vào điều trị theo Quyết định của Sở lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên (bệnh nhân Quyết định Thái Nguyên): kinh phí được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên phân bổ được chuyển vào tài khoản của đơn vị tại kho bạc vào đầu năm tài chính.

- Tiền ăn của 03 bệnh nhân thuộc Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần tỉnh Bắc Kạn gửi điều trị, nay là Trung tâm bảo trợ Xã hội tổng hợp và Công tác xã hội Bắc Kạn, (bệnh nhân Quyết định Bắc Kạn): Kinh phí do Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần tỉnh Bắc Kạn chuyển đến Trung tâm.

- Tiền ăn do bệnh nhân hưởng lương: Bệnh nhân có lương hưu vào Trung tâm điều trị theo Quyết định của Sở lao động

- Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên phải đóng tiền mua thực phẩm hằng ngày, còn các khoản tiền khác từ ngân sách nhà nước.

- Tiền mua thực phẩm của bệnh nhân tự nguyện vào Trung tâm điều trị:

Do người nhà bệnh nhân chi trả toàn bộ chi phí.

- Tiền từ thiện của các cá nhân, tổ chức hảo tâm tặng cho Trung tâm để sử dụng mua Thực phẩm bổ sung vào bữa ăn bệnh nhân.

Tại Trung tâm, việc mua thực phẩm và lập hồ sơ chứng từ quyết toán tiền mua thực phẩm cho bệnh nhân hằng ngày được Dương Xuân H2 giao trực tiếp cho Tạ Hồng S. Hằng ngày, Đoàn Thị Kim D – kế toán nhà ăn sẽ lập thực đơn các món ăn và khối lượng thực phẩm cho ngày hôm sau rồi chuyển cho S 01 bản, bộ phận nhà bếp 01 bản. Căn cứ vào thực đơn do D lập, S trực tiếp đi mua thực phẩm hoặc liên hệ với các cơ sở cung cấp thực phẩm mang thực phẩm đến bộ phận nhà bếp của Trung tâm. S là người trực tiếp giao thực phẩm cho người nấu chính (theo ngày) của bộ phận nhà bếp.

Trong thời gian năm 2015 và 06 tháng đầu năm 2016, Dương Xuân H2 đã chỉ đạo, bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thị Thu T, Tạ Hồng S, Đoàn Thị Kim D nâng khống khối lượng, giá cả một số thực phẩm nhập bếp ăn bệnh nhân cao hơn thực tế để quyết toán lấy tiền chênh lệch, sử dụng vào các hoạt động và công việc khác của Trung tâm. Cũng trong thời gian trên, theo chỉ đạo của Dương Xuân H2, để có thêm nguồn thu cho Trung tâm để chi cho các hoạt động chung, H2 giao cho bộ phận Công đoàn nhập thịt lợn hơi vào Trung tâm, tận dụng thức ăn thừa của bệnh nhân để chăn nuôi rồi thịt bán cho ai có nhu cầu mua và nhập bếp ăn bệnh nhân; trồng rau tăng gia. H2 chỉ đạo S phải nhập thực phẩm từ bộ phận Công Đoàn của Trung tâm nên S đều ưu tiên nhập thịt lợn, rau từ bộ phận công đoàn của Trung tâm với giá bằng giá thực tế thị trường. Đối với trứng vịt, S đều mua của Đoàn Thị Kim D (bố của D chăn nuôi vịt lấy trứng), chỉ những mặt hàng nào Trung tâm không có S mới mua và nhập từ chợ Đ.

Thực hiện theo chủ trương đã thống nhất, hằng ngày, dựa vào thực đơn do D cung cấp, S là người lập bảng kê mua hàng, đối với những thực phẩm như thịt lợn, S mua từ bộ phận Công đoàn của Trung tâm, trứng vịt S mua của D nhưng trong các bảng kê mua hàng S đều ghi địa chỉ mua hàng là tại Chợ Đ, thành phố TN. Cuối tháng, S tập hợp bảng kê đã mua hàng chuyển cho D. Căn cứ vào bảng kê mua hàng, D lập các bảng kê giao nhận thực phẩm và chuyển chứng từ cho các cá nhân liên quan ký xác nhận (gồm chữ ký của người giao hàng là S; người nhận hàng là người nấu chính của bếp ăn ngày hôm đó; kế toán nhà ăn là D; kế toán trưởng là T; khoa dinh dưỡng là chị Trần Thị L - Trưởng khoa dinh dưỡng của Trung tâm). Sau đó, D tập hợp các chứng từ đã được các bên liên quan ký xác nhận chuyển cho T để quyết toán. Các chứng từ này đều đã được nâng khống khối lượng và giá mua thực phẩm. Khi nhận được chứng từ, qua kiểm soát, T biết số liệu thể hiện trong chứng từ là số liệu đã được nâng khống lên cao hơn so với thực tế và biết việc S nhập thịt lợn từ bộ phận Công đoàn của Trung tâm, mua trứng vịt của D nhưng trong bảng kê mua hàng S đều ghi là mua tại Chợ Đán, thành phố TN, tuy nhiên do đã nhận được chỉ đạo và thống nhất với H2 nên T đã ký xác nhận vào các chứng từ đó để thực hiện việc quyết toán. Sau khi rút được tiền tại kho bạc Nhà nước, số tiền này sẽ được nhập vào quỹ tiền mặt của cơ quan, sau đó bộ phận kế toán sẽ làm thủ tục chi tiền mua thực phẩm cho S. S nhận tiền tại bộ phận thủ quỹ rồi thanh toán tiền mua thực phẩm của tháng trước cho các cơ sở cung cấp thực phẩm (việc mua thực phẩm thực tế hằng ngày, S đều ghi chép lại vào sổ theo dõi do S lập và quản lý để có căn cứ xác định số tiền chênh lệch). Đối với số tiền chênh lệch có được từ việc nâng khống khối lượng và giá mua thực phẩm, Dương Xuân H2 giao cho S quản lý và chi sử dụng cho các công việc, hoạt động của Trung tâm.

Trong thời gian từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2016 (18 tháng), tổng số tiền chi mua thực phẩm cho bệnh nhân của Trung tâm đã quyết toán (theo chứng từ) là 4.008.033.815đ, trong đó, tổng số tiền quyết toán năm 2015 là 2.435.828.545 đồng, tổng số tiền quyết toán 06 tháng đầu năm 2016 là 1.572.205.270 đồng.

Tổng số tiền thực tế đã sử dụng để chi mua thực phẩm trong năm 2015 và 06 tháng đầu năm 2016 tại Trung tâm là 3.521.562.500 đồng, trong đó, số tiền thực tế để chi mua thực phẩm năm 2015 là 2.069.356.900 đồng, số tiền thực tế chi mua thực phẩm 06 tháng đầu năm 2016 là 1.452.205.600 đồng.

Số tiền chênh lệch có được từ việc nâng khống khối lượng và giá mua thực phẩm cao hơn thực tế để quyết toán lấy tiền chênh lệch tại Trung tâm trong thời gian từ tháng 01/2015 đến tháng 06/2016 là 486.471.315 đồng, trong đó số tiền chênh lệch năm 2015 là 366.471.645 đồng, số tiền chênh lệch năm 2016 là 119.999.670 đồng.

Trong đó:

+ Số tiền chênh lệch từ nguồn ngân sách Nhà nước: 416.539.361 đồng.

+ Số tiền chênh lệch từ nguồn của các cá nhân, tổ chức: 69.931.954 đồng. Số tiền trên, Trung tâm đã được Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán ngân sách năm 2015 và 2016.

Tại bản Kết luận giám định số 1029/KL-STC ngày 03/4/2018 của Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên kết luận:

- Số tiền ngân sách Nhà nước bị thiệt hại trong việc nâng khống khối lượng, giá cả một số mặt hàng thực phẩm trong việc quyết toán tiền ăn bệnh nhân tại Trung tâm thời điểm từ tháng 01/2015 đến tháng 06/2016 là 486.471.315 đồng. Trong đó, đã nộp khắc phục 451.698.065 đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan thanh tra tỉnh theo Quyết định số 567/QĐ-TTr ngày 04/10/2016 của Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên.

- Việc lập chứng từ thanh quyết toán tiền chi mua thực phẩm như trên của Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng Tâm thần kinh tỉnh Thái Nguyên là trái với quy định của Nhà nước, cụ thể tại các văn bản sau:

+ Khoản 3, khoản 4, Điều 6 Luật kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/6/2003, yêu cầu kế toán:

3. Phản ánh rõ ràng, dễ hiểu và chính xác thông tin, số liệu kế toán.

4. Phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính”.

+ Khoản 3, Điều 7, Luật kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/6/2003, nguyên tắc kế toán:

“ 3. Đơn vị kế toán phải thu nhập, phản ánh khách quan, đầy đủ, đúng thực tế và đúng kỳ kế toán mà nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh”.

+ Khoản 1, khoản 2, Điều 14, Luật kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/6/2003, các hành vi bị nghiêm cấm:

“1. Giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán.

2. Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật”.

- Số tiền quyết toán khống từ nguồn ngân sách nhà nước 416.539.361đ, Trung tâm đã sử dụng là trái với quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, tài chính, quy định tại khoản 5, Điều 72 Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002, những hành vi sau đây là những hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách: “Chi sai chế độ, không đúng mục đích, không đúng dự toán ngân sách được giao”.

- Số tiền chênh lệch từ nguồn tiền của bệnh nhân tự nguyện, bệnh nhân hưởng lương và tiền từ thiện là 69.931.954 đồng, Trung tâm đã sử dụng là trái với quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, tài chính, quy định tại khoản 5 Điều 72 Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002, những hành vi sau đây là những hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách “Chi sai chế độ, không đúng mục đích”.

- Xác định trách nhiệm của từng cá nhân đã có hành vi sai phạm, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và các cá nhân như trên.

Những tồn tại, sai phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của Lãnh đạo Trung tâm, kế toán, các bộ phận, cá nhân được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo Trung tâm thời kỳ năm 2015 và 06 tháng đầu năm 2016.

Tháng 6/2016, khi có đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên đến làm việc tại Trung tâm thì việc nâng khống khối lượng, giá cả một số mặt hàng thực phẩm trong việc quyết toán tiền ăn bệnh nhân tại Trung tâm mới được chấm dứt. Ngày 04/12/2017, Thanh tra tỉnh Thái nguyên đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu đã thu thập trong quá trình thanh tra tại Trung tâm cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên để giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 07/10/2016, Dương Xuân H2 và Tạ Hồng S đã nộp số tiền 451.698.065 đồng vào tài khoản của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên là tiền sai phạm phải thu hồi theo Quyết định số 567/QĐ-TTR ngày 04/10/2016 của Chánh Thanh tra tỉnh Thái nguyên.

Ngày 04/04/2018, Tạ Hồng S đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Công an tỉnh Thái Nguyên số tiền 34.773.250 đồng để khắc phục hậu quả.

Về trách nhiệm dân sự: Qua làm việc với người nhà của các bệnh nhân vào điều trị tự nguyện, bệnh nhân hưởng lương điều trị tại Trung tâm trong thời gian từ tháng 01/2015 đến tháng 6/2016, những người này không có yêu cầu đề nghị gì về số tiền ăn đã đóng cho Trung tâm. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 569/2019/HSST ngày 30/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã tuyên bố các bị cáo Dương Xuân H2, Nguyễn Thị Thu T, Tạ Hồng S và Đoàn Thị Kim D phạm tội: “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại điểm a, d khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự.

1) Về hình phạt chính;

+ Áp dụng điểm a, d khoản 2 Điều 221; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự; xử phạt Dương Xuân H2: 26 (hai mươi sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính ngày đi thi hành án.

+ Áp dụng điểm a, d khoản 2 Điều 221; điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Thị Thu T: 24 (hai mươi bốn) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày đi thi hành án

+ Áp dụng điểm a, d khoản 2 Điều 221; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự:

Xử phạt Đoàn Thị Kim D: 18 (mười tám) tháng tù. Thời hạn tính từ ngày đi thi hành án.

Xử phạt Tạ Hồng S: 18 (mười tám) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày đi thi hành án.

2) Về hình phạt bổ sung: Miễn hình phạt bổ sung cho các bị cáo

3) Về trách nhiệm dân sự:

- Ghi nhận các bị cáo Dương Xuân H2 và Tạ Hồng S đã nộp số tiền 451.698.065đ (bốn trăm năm mốt triệu, sáu trăm chín mươi tám ngàn, không trăm sáu mươi lăm đồng) để khắc phục hậu quả theo Quyết định số 567/QĐ- TTR ngày 04/10/2016 của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên. Thanh tra tỉnh Thái Nguyên đã nộp số tiền trên vào ngân sách nhà nước.

- Ghi nhận bị cáo Tạ Hồng S đã nộp tiền 34.773.250đ (ba mươi tư triệu, bảy trăm bảy mươi ba ngàn, hai trăm năm mươi đồng) vào Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên để khắc phục hậu quả.

- Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự, Điều 357, 584, 585, 586, 587, 589 Bộ luật dân sự:

Buộc bị cáo Nguyễn Thị Thu T hoàn trả cho bị cáo Dương Xuân H2 số tiền 75.552.824đ (bảy mươi lăm triệu, năm trăm năm mươi hai ngàn, tám trăm hai mươi bốn đồng) và trả cho bị cáo Tạ Hồng S 24.842.120đ (hai mươi bốn triệu, tám trăm bốn mươi hai ngàn, một trăm hai mươi đồng).

Buộc bị cáo Đoàn Thị Kim D hoàn trả cho bị cáo Dương Xuân H2 số tiền 75.552.824đ (bảy mươi lăm triệu, năm trăm năm mươi hai ngàn, tám trăm hai mươi bốn đồng) và trả lại cho bị cáo Tạ Hồng S 24.842.120đ (hai mươi bốn triệu, tám trăm bốn mươi hai ngàn, một trăm hai mươi đồng).

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về thi hành án dân sự, xử lý vật chứng, nghĩa vụ nộp án phí và quyền kháng cáo bản án theo quy định. Ngày 05/11/2019, bị cáo Dương Xuân H2 có đơn kháng cáo xin hưởng án treo. Ngày 24/02/2020 bị cáo H2 có đơn xin rút toàn bộ kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm buộc các bị cáo Nguyễn Thị Thu T và Đoàn Thị Kim D hoàn trả số tiền theo quyết định của bản án sơ thẩm. (Tòa án đã ra thông báo về việc rút kháng cáo của bị cáo H2 theo quy định).

Ngày 02/11/2019, bị cáo Tạ Hồng S có đơn kháng cáo xin hưởng án treo. Ngày 11/11/2019, bị cáo Nguyễn Thị Thu T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án; Tại biên bản làm việc ngày 16/12/2019, Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên đã làm rõ nội dung kháng cáo của bị cáo T: Bị cáo xác định bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo tại địa phương; Ngày 11/02/2020 bị cáo T nộp đơn xin cải tạo tại địa phương, biên lai thu tiền án phí.

Ngày 24/02/2020 bị cáo nộp biên lai thu tiền bồi thường theo quyết định của bản án sơ thẩm.

Ngày 12/11/2019 bị cáo Đoàn Thị Kim D có đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo D thay đổi nội dung kháng cáo, bị cáo nhận thức hành vi của mình là vi phạm pháp luật, bị cáo đã cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để phản ánh những vi phạm tại trung tâm mục đích để chấm dứt những vi phạm tại trung tâm, đã có ý thức khắc phục hậu quả, đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, xin được cải tạo tại địa phương.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình đúng như bản án sơ thẩm đã quy kết.

Bị cáo Tạ Hồng S đề nghị xem xét nguyên nhân, điều kiện phạm tội của bị cáo, vai trò của bị cáo trong vụ án để xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được cải tạo tại địa phương, bị cáo tự nguyện không yêu cầu các bị cáo T, D phải hoàn trả số tiền theo quyết định của án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án:

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên tóm tắt nội dung vụ án, đánh giá tính chất vụ án, vai trò của các bị cáo trong vụ án. Bản án sơ thẩm đã xét xử các bị cáo về tội: “ Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy đinh tại điểm a, d khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

- Xét kháng cáo của các bị cáo: Trong vụ án này, bị cáo H2 là Giám đốc Trung tâm, là chủ tài khoản nên phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án, bị cáo T là kế toán trưởng, có trách nhiệm tham mưu cho chủ tài khoản trong công tác quản lý tài chính của Trung tâm nên bị cáo phải chịu trách nhiệm thứ hai trong vụ án, bị cáo D là kế toán nhà ăn, bị cáo có nhiệm vụ lập thực đơn, các bảng kê thanh toán sau đó chuyển cho bị cáo T ký chứng từ quyết toán, bị cáo S là người trực tiếp đi mua thực phẩm và lập các chứng từ mua thực phẩm sau đó chuyển cho bị cáo D lập chứng từ thanh toán, vì vậy bị cáo D và bị cáo S có vai trò ngang nhau. Trong vụ án này, các bị cáo đều được hưởng các tình tiết giảm nhẹ là bồi thường, khắc phục hậu quả, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ. Đối với bị cáo Nguyễn Thị Thu T quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, quá trình công tác được tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, bố đẻ bị cáo được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo T nộp biên lai thu tiền bồi thường theo quyết định của bản án sơ thẩm, bị cáo có đơn xin cải tạo tại địa phương, được chính quyền địa phương xác nhận nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Đối với bị cáo Tạ Hồng S: quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, qúa trình công tác có nhiều thành tích được tặng Giấy khen, Bằng khen, đã bồi thường khắc phục hậu quả, bị cáo có đơn xin cải tạo tại địa phương, được cơ quan xác nhận nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tại cấp phúc thẩm bị cáo không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới.

Đối với bị cáo Đoàn Thị Kim D tại phiên tòa hôm nay bị cáo khai báo thành khẩn, đã nộp một phần tiền để khắc phục hậu quả, bị cáo đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, có đơn xin cải tạo tại địa phương nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Xét đây là vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, hành vi phạm tội của các bị cáo thể hiện sự coi thường kỷ cương pháp luật của Nhà nước, không chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thất thoát tiền của Nhà nước, các bị cáo phạm tội với 02 tình tiết định khung hình phạt quy định tại điểm a, d khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự, tại cấp phúc thẩm mặc dù các bị cáo phát sinh thêm một số tình tiết giảm nhẹ mới, tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đánh giá vai trò của từng bị cáo trong vụ án, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đã căn cứ khoản 1 điều 54 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà các bị cáo bị truy tố là đã xem xét cho các bị cáo, mức án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo là phù hợp và thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của các bị cáo.

Từ phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo T, S và D. Về phần dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ các quy định của Bộ luật dân sự, buộc các bị cáo T, D phải hoàn trả số tiền cho Dương Xuân H2 theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa bị cáo Tạ Hồng S không yêu cầu các bị cáo T, D phải hoàn trả số tiền như bản án sơ thẩm đã tuyên, xét đề nghị của bị cáo S là tự nguyện nên đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận.

Bị cáo T tranh luận: Bị cáo đề nghị xem xét hành vi phạm tội, vai trò của bị cáo, hoàn cảnh hiện tại của bị cáo để cho bị cáo được cải tạo tại địa phương. Bị cáo S đề nghị xem xét cho bị cáo vì bị cáo đã nhận ra lỗi lầm của mình, quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, đã khắc phục hậu quả, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo D đề nghị xem xét vai trò của bị cáo trong vụ án, xem xét việc bị cáo cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để phản ánh những sai phạm tại Trung tâm để cơ quan báo chí lên tiếng, góp phần ngăn chặn việc làm sai trái tại Trung tâm. Bị cáo hiện tại có hoàn cảnh khó khăn, 02 con còn nhỏ, đề nghị xem xét cho bị cáo được cải tạo tại địa phương.

Ý kiến của các Luật sư bào chữa cho bị cáo T được tóm tắt như sau:

- Không nhất trí với kết luận của Viện kiểm sát, bản án sơ thẩm áp dụng tình tiết định khung tại điểm a khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự (vì vụ lợi) vì trong vụ án này các bị cáo không có mục đích vụ lợi, bản thân các bị cáo không được hưởng lợi từ số tiền chiếm đoạt, toàn bộ số tiền đều chi cho hoạt động thường xuyên của Trung tâm;

- Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá vai trò của bị cáo T chưa đảm bảo sự công bằng vì chủ trương lập chứng từ khống là của lãnh đạo Trung tâm mà người trực tiếp thực hiện việc lập các chứng từ khống là bị cáo S và D.

- Đề nghị xem xét vai trò của các bị cáo để cá thể hóa trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đề nghị không áp dụng điểm a khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự và cho bị cáo T được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại các điểm b, n, s, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự, cho bị cáo được hưởng án treo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo D: Nhất trí với quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo T về việc không áp dụng điểm a khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự vì các bị cáo không có mục đích vụ lợi. Tại cấp phúc thẩm bị cáo D thay đổi nội D kháng cáo, đề nghị được hưởng sự khoan hồng của pháp luật quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Bộ luật hình sự và miễn hình phạt cho bị cáo theo điều 59 Bộ luật hình sự vì bị cáo đủ điều kiện, ngoài ra vụ án này chưa xác định rõ vai trò đồng phạm của các bị cáo, chưa chứng minh được số tiền các bị cáo chiếm đoạt sử dụng vào việc gì, bị cáo D khi biết sai phạm đã phản án với lãnh đạo nhưng không được giải quyết, sau đó đã bàn bạc với bà L để tìm biện pháp chấm dứt những vi phạm, tiếp đó bị cáo đã cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để vào cuộc nhằm phản ánh các sai phạm tại Trung tâm, vì vậy đề nghị cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự để xem xét quyết định hình phạt đối với bị cáo.

Bị cáo T và bị cáo D nhất trí với ý kiến bào chữa của các Luật sư.

Đại diện viện kiểm sát sau khi đối đáp với ý kiến của các Luật sư đã giữ nguyên quan điểm và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét quyết định theo quy định của pháp luật.

Lời nói sau cùng, các bị cáo Tạ Hồng S, Nguyễn Thị Thu T và Đoàn Thị Kim D đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nhân thân của các bị cáo, nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội, hoàn cảnh hiện tại của các bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà các bị cáo được hưởng để xem xét cho các bị cáo được cải tạo tại phương. Bị cáo D đề nghị xem xét khoản tiền bồi thường căn cứ vào vai trò của bị cáo trong vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Đơn kháng cáo của các bị cáo làm trong hạn luật định và đúng theo thủ tục quy định nên được xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Trước khi mở phiên tòa, ngày 24/02/2020 bị cáo Dương Xuân H2 có đơn xin rút toàn bộ kháng cáo và đề nghị các bị cáo Nguyễn Thị Thu T và Đoàn Thị Kim D hoàn trả số tiền theo quyết định của bản án sơ thẩm. Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ra thông báo về việc rút kháng cáo của bị cáo H2 theo quy định, tại phiên tòa hôm nay, Tòa án triệu tập ông Dương Xuân H2 tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

[2]. Tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo Nguyễn Thị Thu T, Tạ Hồng S và Đoàn Thị Kim D đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ vụ án như: Tài liệu do Thanh tra tỉnh Thái Nguyên bàn giao, các biên bản làm việc giữa các bị cáo với Cơ quan điều tra, lời khai của người làm chứng, lời khai của những người tham gia tố tụng khác, kết luận giám định, vật chứng thu giữ. Như vậy Hội đồng xét xử có đủ căn cứ xác định:

Trong thời gian từ tháng 01/2015 đến tháng 06/2016, tại Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng Tâm thần kinh tỉnh Thái Nguyên, bị cáo Dương Xuân H2 là Giám đốc Trung tâm đã chỉ đạo, bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thị Thu T là Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Tạ Hồng S là Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Đoàn Thị Kim D là Kế toán nhà ăn lập hồ sơ nâng khống khối lượng, giá cả một số mặt hàng thực phẩm nhập bếp ăn bệnh nhân cao hơn thực tế để quyết toán lấy tiền chênh lệch sử dụng vào các hoạt động và công việc khác của Trung tâm.

Tổng số tiền chênh lệch có được từ việc lập chứng từ quyết toán khống tiền mua thực phẩm cho bệnh nhân của Trung tâm trong thời gian từ tháng 01/2015 đến tháng 06/2016 là 486.471.315 đồng, trong đó số tiền chênh lệch năm 2015 là 366.471.645 đồng, số tiền chênh lệch năm 2016 là 119.999.670 đồng.

Với hành vi nêu trên, các bị cáo bị Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên xét xử về tội: “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại các điểm a, d khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực kế toán, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và của công dân, làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của Trung tâm, cũng như quyền lợi chính đáng của các bệnh nhân.

[3]. Xét kháng cáo của các bị cáo:

- Đối với bị cáo Nguyễn Thị Thu T, quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo nộp biên lai thu tiền án phí và nộp một khoản tiền bồi thường theo quyết định của bản án sơ thẩm, khi phạm tội bị cáo có thai nên bị cáo được hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, n khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

- Đối với bị cáo Tạ Hồng S: quá trình điều tra và tại phiên tòa đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, đã bồi thường khắc phục hậu quả, bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, tại cấp phúc thẩm bị cáo không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới.

- Đối với bị cáo Đoàn Thị Kim D, tại phiên tòa phúc thẩm đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, đã nộp số tiền 5.000.000đ tại Cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên để khắc phục hậu quả, nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, bị cáo D cho rằng: Bị cáo là nhân viên, làm việc theo sự điều hành của Giám đốc trung tâm, khi biết việc H2, S nâng khống giá mua thực phẩm, bản thân bị cáo đã yêu cầu H2 dừng ngay việc đó lại nhưng H2 không nghe, nên bị cáo đã cung cấp thông tin cho báo chí để ngăn chặn sự việc trên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nội dung này cho bị cáo. Xét thấy việc bị cáo cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí nhằm mục đích ngăn chặn những vi phạm tại Trung tâm, đây là việc làm có trách nhiệm của bị cáo, nhưng không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

[4]. Về trách nhiệm dân sự: Do có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước nên các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường, quá trình giải quyết vụ án, bị cáo H2 và bị cáo S đã bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo H2 và bị cáo S yêu cầu các bị cáo T, D phải có trách nhiệm liên đới bồi thường và hoàn trả cho bị cáo H2, S số tiền đã bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong vụ án này, bị cáo T, S, D giữ vai trò thấp hơn so với H2, mức bồi thường theo quyết định của bản án sơ thẩm là có căn cứ, xét yêu cầu của các bị cáo H2 và S là có căn cứ, nên cần buộc các bị cáo T và D phải hoàn trả cho bị cáo H2 và bị cáo S số tiền theo quyết định của bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Tạ Hồng S đề nghị Tòa án không yêu cầu các bị cáo T, D phải hoàn trả số tiền cho bị cáo S theo quyết định của bản án sơ thẩm, xét đề nghị của bị cáo S là tự nguyên, không trái pháp luật nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Dương Xuân H2 yêu cầu các bị cáo T, D phải hoàn trả số tiền theo quyết định của bản án sơ thẩm, các bị cáo T, D nhất trí bồi thường, tuy nhiên về mức bồi thường đề nghị xem xét cho đúng với vai trò của từng bị cáo.

Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo và áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với các bị cáo, mức án đã tuyên đối với các bị cáo là phù hợp, đã thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, mặc dù tại cấp phúc thẩm bị cáo T có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới nhưng căn cứ vào tính chất vụ án, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo thấy mức án đã tuyên đối với bị cáo T và các bị cáo khác là phù hợp, không nặng. Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Thu T, Tạ Hồng S và Đoàn Thị Kim D, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về hình phạt đối với các bị cáo, sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo T, sửa phần bồi thường dân sự và án phí dân sự sơ thẩm.

Đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ chấp nhận.

Những ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo T và bị cáo D đã được đại diện Viện kiểm sát đối đáp tại phiên tòa, về việc áp dụng tình tiết định khung hình phạt và các tình tiết giảm nhẹ các Luật sư đề nghị, Hội đồng xét xử xem xét theo quy định của pháp luật.

[5]. Về án phí: Kháng cáo của các bị cáo không được chấp nhận nên các bị cáo phải nộp án phí hình sự phúc thẩm; bị cáo T, bị cáo D phải chịu án phí dân sự.

Ghi nhận bị cáo Tạ Hồng S đã nộp số tiền 200.000đ án phí Hình sự sơ thẩm, tại biên lai thu tiền số 0000029 ngày 20/02/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên.

Ghi nhận bị cáo Nguyễn Thị Thu T đã nộp số tiền 200.000đ án phí Hình sự sơ thẩm và 5.019.747đ án phí dân sự, tại biên lai thu tiền số 0000028 ngày 20/02/2020 và số tiền bồi thường 5.000.000đ, tại biên lai thu tiền số 0000036 ngày 24/02/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên.

Ghi nhận bị cáo Đoàn Thị Kim D đã nộp số tiền 5.000.000đ tiền bồi thường, tại biên lai thu tiền số 0001309 ngày 12/11/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên.

[6]. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Thu T, Tạ Hồng S và Đoàn Thị Kim D, giữ nguyên quyết định về hình phạt đối với các bị cáo tại bản án hình sự sơ thẩm số 569/2019/HSST ngày 30/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, sửa bản án sơ thẩm, áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, n khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị Thu T, sửa phần bồi thường dân sự và án phí dân sự sơ thẩm.

Tuyên bố: Các bị cáo Nguyễn Thị Thu T, Tạ Hồng S và Đoàn Thị Kim D phạm tội: “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”;

I. Về hình phạt:

1. Căn cứ điểm a, d khoản 2 Điều 221; điểm b, n, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Thu T: 24 (hai mươi bốn) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành bản án.

2. Căn cứ điểm a, d khoản 2 Điều 221; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự:

2.1. Xử phạt bị cáo Tạ Hồng S: 18 (mười tám) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành bản án.

2.2. Xử phạt bị cáo Đoàn Thị Kim D: 18 (mười tám) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành bản án.

II. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự, Điều 357, 468, 584, 585, 586, 587 và Điều 589 Bộ luật dân sự:

1. Buộc bị cáo Nguyễn Thị Thu T hoàn trả cho ông Dương Xuân H2 số tiền 75.552.824đ (bẩy mươi lăm triệu, năm trăm năm mươi hai ngàn, tám trăm hai mươi bốn đồng);

Bị cáo đã nộp số tiền 5.000.000đ (năm triệu đồng) tại biên lai thu tiền số 0000036 ngày 24/02/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên;

Bị cáo còn phải bồi thường tiếp số tiền: 75.552.824đ – 5.000.000đ = 70.552.824đ (by mươi triệu năm trăm năm mươi hai nghìn tám trăm hai mươi bốn đồng).

2. Buộc bị cáo Đoàn Thị Kim D hoàn trả cho ông Dương Xuân H2 số tiền 75.552.824đ (bẩy mươi lăm triệu, năm trăm năm mươi hai ngàn, tám trăm hai bốn đồng);

Bị cáo đã nộp số tiền 5.000.000đ (năm triệu đồng) tại biên lai thu tiền số 0001309 ngày 12/11/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên;

Bị cáo còn phải bồi thường tiếp số tiền: 75.552.824đ – 5.000.000đ = 70.552.824đ (by mươi triệu năm trăm năm mươi hai nghìn tám trăm hai mươi bốn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

III. Vật chứng vụ án: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự:

- Tạm giữ số tiền 5.000.000đ (năm triệu đồng) tại biên lai thu tiền số 0001309 ngày 12/11/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên), để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Đoàn Thị Kim D - Tạm giữ số tiền 5.000.000đ (năm triệu đồng) tại biên lai thu tiền số 0000036 ngày 24/02/2020 và số tiền 5.019.747đ (năm triệu không trăm mười chín nghìn bẩy trăm bốn mươi bẩy đồng), tại biên lai thu tiền số 0000028 ngày 20/02/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên), để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Nguyễn Thị Thu T.

IV. Án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, về án phí và lệ phí Tòa án: Buộc các bị cáo Nguyễn Thị Thu T, Tạ Hồng S và Đoàn Thị Kim D, mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm; Buộc bị cáo Nguyễn Thị Thu T và bị cáo Đoàn Thị Kim D, mỗi bị cáo phải nộp 3.527.641đ (ba triệu năm trăm hai mươi bẩy nghìn sáu trăm bốn mươi mốt đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tai Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án , quyền yêu cầu thi hành án , tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tai các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự ; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tai Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm số 569/2019/HSST ngày 30/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1197
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng số 35/2020/HS-PT

Số hiệu:35/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Nguyên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về
Trong năm 2015 và 06 tháng đầu năm 2016, Dương Xuân H2 đã chỉ đạo, bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thị Thu T, Tạ Hồng S, Đoàn Thị Kim D nâng khống khối lượng, giá cả một số thực phẩm nhập bếp ăn bệnh nhân cao hơn thực tế để quyết toán lấy tiền chênh lệch, sử dụng vào các hoạt động và công việc khác của Trung tâm. Đối với số tiền chênh lệch có được, Dương Xuân H2 giao cho S quản lý và chi sử dụng cho các công việc, hoạt động của Trung tâm. Tổng số tiền chênh lệch có được là 486.471.315 đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: các bị cáo Dương Xuân H2, Nguyễn Thị Thu T, Tạ Hồng S và Đoàn Thị Kim D phạm tội: “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”

Các bị cáo có đơn kháng cáo xin được giảm hình phạt.

Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên quyết định về hình phạt đối với các bị cáo