TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 127/2023/HS-PT NGÀY 18/04/2023 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KẾ TOÁN GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG
Ngày 18 tháng 4 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 47/2023/TLPT-HS ngày 18 tháng 01 năm 2023 đối với các bị cáo Dương Tiến P, Nguyễn Văn B về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2022/HS-ST ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị.
- Các bị cáo có kháng cáo:
1. Dương Tiến P, sinh năm 1977, tại Quảng Trị; nơi cư trú: tỉnh Quảng Trị; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Nguyên giám đốc xí nghiệp lợn giống T; đảng viên; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Dương C, sinh năm 1944 và bà Trương Thị L, sinh năm 1945; vợ Lê Thị L; sinh năm 1981; có 02 con, lớn sinh năm 2009, nhỏ sinh năm 2016; tiền án, tiền sự: không.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 19/01/2021 đến ngày 18/5/2021 được áp dụng biện pháp ngăn chặn Bảo lĩnh, hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Có mặt
2. Nguyễn Văn B, sinh năm 1981, tại Quảng Trị; nơi cư trú: tỉnh Quảng Trị; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Nguyên kế toán xí nghiệp lợn giống T; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn T, sinh năm 1937 và bà Võ Thị T (đã chết); vợ Lê Thị Hồng P, sinh năm 1988; có 02 con, lớn sinh năm 2014, nhỏ sinh năm 2021; tiền án, tiền sự: không.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 19/01/2021 đến ngày 18/5/2021 được áp dụng biện pháp ngăn chặn Bảo lĩnh, hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Có mặt
- Người bào chữa cho bị cáo Dương Tiến P: Luật sư Nguyễn Văn P -Văn phòng Luật sư H (HUELAW) - Thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế. Có mặt.
Ngoài ra trong vụ án còn có người tham gia tố tụng khác không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, nội dung vụ án như sau:
Xí nghiệp lợn giống T có địa chỉ tại huyện T, tỉnh Quảng Trị được thành lập từ năm 1997 đến năm 2000 thì sáp nhập vào xí nghiệp giống gia súc và thức ăn chăn nuôi T có địa chỉ tại tỉnh Quảng Nam và đổi tên thành công ty chăn nuôi miền Trung, là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích và là thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam. Năm 2004, Công ty chăn nuôi miền Trung được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển đổi thành công ty cổ phần Chăn nuôi T. Đến năm 2005, công ty cổ phần Chăn nuôi T đăng ký thành lập Chi nhánh xí nghiệp lợn giống T có địa chỉ nêu trên với tư cách là đơn vị trực thuộc, hoạt động với ngành nghề chăn nuôi lợn giống và các loại con giống vật nuôi khác...Ngày 18/4/2011, công ty cổ phần chăn nuôi T bổ nhiệm Dương Tiến P làm Phó tổng giám đốc kiêm giám đốc xí nghiệp lợn giống T. Ngày 12/5/2017, Công ty cổ phần chăn nuôi T bổ nhiệm Nguyễn Văn B làm kế toán trưởng xí nghiệp lợn giống T. Tháng 5/2018, sau khi Nhà nước tiến hành thoái vốn, ông Trần B trú tại thành phố Đà Nẵng mua lại cổ phần và đổi tên thành công ty cổ phần Đầu tư và Chăn nuôi T trong đó có xí nghiệp lợn giống T. Sau khi tiếp quản, ông B giữ nguyên bộ máy trong đó có Dương Tiến P (Giám đốc), Nguyễn Văn B (Kế toán), Nguyễn Đức T (Kế toán, kiêm thủ quỹ), Võ Thị T (Nhân viên kỹ thuật), Lê Thị Xuân T (Nhân viên thú y, chăn nuôi)... và giao toàn bộ hoạt động chuyên môn của xí nghiệp lợn giống T cho Dương Tiến P quản lý, điều hành.
Căn cứ vào quy định của Chương trình hỗ trợ giống gốc vật nuôi được ban hành theo Quyết định số 125/CT ngày 18/4/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Đây là khoản kinh phí Nhà nước hỗ trợ một phần tiền con giống cho người dân thông qua các cơ sở có đủ điều kiện nuôi giữ đàn giống gốc vật nuôi; triển khai thực hiện chương trình do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, trong đó Cục chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT làm đầu mối được giao trực tiếp nghiên cứu, lựa chọn, ký hợp đồng đặt hàng, tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí với cơ sở có đủ điều kiện nuôi giữ đàn giống gốc vật nuôi). Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình này xí nghiệp lợn giống T đã có nhiều sai phạm trong các năm 2018 và 2019, cụ thể như sau:
1. Đầu năm 2018, công ty cổ phần Chăn nuôi T đăng ký kế hoạch nuôi lợn giống Móng Cái nái thuần SS theo Chương trình giống gốc vật nuôi đã thực hiện từ những năm trước. Ngày 03/5/2018, Bộ NN & PTNT ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng kinh phí trợ giá giống gốc vật nuôi năm 2018 đối với công ty cổ phần chăn nuôi T số lượng sản phẩm giống gốc giao nộp là 576 con lợn, mức giá tiêu thụ tối đa là 1.775.236 đồng/con, mức trợ giá là 2.084.500 đồng/con, tổng số tiền trợ giá là 1.200.672.000 đồng. Cùng ngày, ông Nguyễn Văn T - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi tiến hành ký hợp đồng đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích giống gốc vật nuôi với ông Lý Văn T (lúc này đang là Tổng Giám đốc công ty cổ phần Chăn nuôi T). Ngày 24/8/2018, Bộ NN & PTNT ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng kinh phí trợ giá giống gốc vật nuôi năm 2018, trong đó điều chỉnh lại mức giá tiêu thụ cụ thể là 1.305.528 đồng/con. Cùng ngày, do Công ty cổ phần và chăn nuôi T thay đổi người đại diện theo pháp luật nên ông Nguyễn Văn T ký lại hợp đồng đặt hàng với ông Trần B - Tổng Giám đốc công ty với nội dung tương tự như trên, thời gian hoàn thành từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2018. Sau khi ký hợp đồng, ông Trần B giao cho xí nghiệp lợn giống T thực hiện. Ngày 04/9/2018, công ty cổ phần Đầu tư và chăn nuôi T có Công văn xin tạm ứng kinh phí thực hiện hợp đồng và đã được Cục Tài chính doanh nghiệp cấp số tiền 840.400.000 đồng, tương ứng 70% giá trị hợp đồng.
Tháng 12/2018, sau khi có thông báo về việc nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, P đã yêu cầu B, T, T (lúc này đang phụ trách công việc của Võ Thị T do T nghỉ sinh) kiểm tra lại các tài liệu, sổ sách để phục vụ việc thanh lý hợp đồng. Sau khi kiểm tra các hóa đơn đã xuất bán trong năm 2018, T thông báo với B số lượng lợn giống Móng Cái nái thuần xuất ra thị trường không đảm bảo theo hợp đồng nên B báo lại cho P biết. P yêu cầu sử dụng các hóa đơn GTGT liên 1 bán lợn các loại (gồm hóa đơn bán lợn thịt, lợn thải, lợn choai Móng Cái tận thu…) để thay đổi, viết thêm tên loại sản phẩm, viết tăng số lượng con đã bán thành hóa đơn bán lợn giống cái Móng Cái hậu bị (lợn giống Móng Cái nái thuần) để phù hợp tiêu chuẩn đã ký trong hợp đồng. Sau đó, B cung cấp cho T danh sách bán lợn hàng ngày để T lựa chọn hóa đơn, chỉnh sửa nội dung rồi đưa đi photo, đóng dấu sao y bản chính và giao lại cho B. Trên cơ sở số liệu đã được chỉnh sửa, các bộ phận giao lại cho T để làm các thủ tục có liên quan về mặt kỹ thuật nhưng do không có chuyên môn nên T đưa đến để nhờ T làm các phiếu chu chuyển đàn lợn, phiếu xuất…rồi chuyển lại cho B. B tập hợp các tài liệu rồi lập thành bộ hồ sơ quyết toán đủ 576 con lợn giống Móng Cái nái thuần (trong đó có 37 con hậu bị tăng đàn làm giống tại xí nghiệp, 539 con cung ứng ra thị trường, số lượng lợn đã ghi khống là 432 con). Sau khi hoàn thiện hồ sơ, P đưa báo cáo kết quả thực hiện nuôi giữ giống gốc năm 2018, biên bản thanh lý hợp đồng cho ông Trần B ký rồi cùng B đưa hồ sơ đến Cục chăn nuôi làm thủ tục thanh lý hợp đồng. Ngày 18/01/2019, công ty cổ phần Đầu tư và chăn nuôi T có công văn xin cấp tiếp kinh phí trợ giá giống gốc năm 2018 và đã được Cục Tài chính doanh nghiệp cấp số tiền 360.200.000 đồng, tương ứng 30% giá trị hợp đồng còn lại. Tất cả số tiền quyết toán khống hợp đồng đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích giống gốc vật nuôi năm 2018 được chuyển vào tài khoản của Công ty Cổ phần đầu tư và chăn nuôi T và đã được sử dụng để chi phí cho các hoạt động của công ty.
2. Năm 2019, xí nghiệp lợn giống T vẫn duy trì chăn nuôi đàn lợn theo kế hoạch. Trên cở sở kết quả nuôi giữ giống gốc năm 2018, ngày 05/3/2019 Bộ NN & PTNT ban hành Quyết định về việc giao kế hoạch nuôi giữ giống gốc vật nuôi năm 2019, trong đó giao cho công ty cổ phần Đầu tư và chăn nuôi T nuôi giữ lợn móng cái nái thuần SS với số lượng giống gốc 180 con; định mức sản phẩm giống gốc là 3,2; số lượng giao nộp 576 con. Tháng 8/2019, ông Nguyễn Văn T - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đến làm việc tại tỉnh Quảng Trị và trao đổi, đặt vấn đề ký hợp đồng đặt hàng thực hiện Chương trình giống gốc vật nuôi năm 2019 thì P liên lạc với ông B xin cho xí nghiệp lợn giống T được trực tiếp ký hợp đồng đặt hàng với Cục Chăn nuôi, ông B đồng ý. Tuy nhiên, đến tháng 10/2019 do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, đàn lợn tại xí nghiệp bị chết và bị thanh lý hết nên xí nghiệp ngừng hoạt động. Ngày 10/12/2019, Bộ NN & PTNT ban hành Quyết định phê duyệt mức trợ giá và giá tiêu thụ cho 01 đơn vị sản phẩm, phân bổ kinh phí nuôi giữ giống gốc vật nuôi năm 2019 đối với xí nghiệp lợn giống T số lượng sản phẩm giống gốc giao nộp là 371 con lợn, mức giá tiêu thụ tối đa là 1.058.900 đồng/con, mức trợ giá là 1.604.868 đồng/con, tổng số tiền trợ giá là 595.406.028 đồng. Cùng ngày, ông Nguyễn Văn T cùng đoàn công tác của Cục Chăn nuôi trực tiếp đến kiểm tra hồ sơ thực hiện Chương trình giống gốc vật nuôi và ký hợp đồng đặt hàng với nội dung xí nghiệp lợn giống T nhận sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích giống gốc lợn Móng Cái nái thuần (chỉ tính 10 tháng đầu năm) với số lượng và mức giá như trên. Ngày 12/12/2019, xí nghiệp lợn giống T có công văn xin tạm ứng kinh phí thực hiện hợp đồng và đã được Cục Tài chính doanh nghiệp cấp số tiền 416.000.000 đồng, tương ứng 70% giá trị hợp đồng.
Tháng 12/2019, sau khi có thông báo về việc nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, P yêu cầu B, T kiểm tra lại các tài liệu, sổ sách để phục vụ việc thanh lý hợp đồng. B tiến hành kiểm tra số lượng lợn bán ra không đủ chỉ tiêu theo hợp đồng nên báo lại với P thì được P yêu cầu chỉnh sửa hóa đơn bán lợn các loại tương tự như năm 2018, phù hợp tiêu chuẩn đã ký trong hợp đồng để làm hồ sơ quyết toán. Sau khi thống nhất, B tìm kiếm các hóa đơn bán lợn các loại trong năm 2019 tiến hành thay đổi, viết thêm tên loại sản phẩm, viết tăng số lượng con đã bán…rồi đóng dấu sao y bản chính. T thay đổi số liệu bảng cơ cấu và chu chuyển đàn lợn, thay đổi số liệu sản phẩm giống gốc, phiếu xuất...và giao lại cho B để đưa vào hồ sơ quyết toán. Sau đó, P trực tiếp ký các loại báo cáo rồi đưa hồ sơ đến Cục Chăn nuôi để quyết toán 371 con lợn (trong đó số lợn đã ghi khống là 314 con). Ngày 17/01/2020, xí nghiệp lợn giống T có công văn xin cấp tiếp kinh phí trợ giá giống gốc năm 2019 và đã được Cục Tài chính doanh nghiệp cấp số tiền 179.400.000 đồng, tương ứng 30% giá trị hợp đồng còn lại. Toàn bộ số tiền quyết toán khống hợp đồng đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích giống gốc vật nuôi năm 2019 được chuyển vào tài khoản của xí nghiệp lợn giống T và xí nghiệp đã chi mua thức ăn chăn nuôi, tiền lương cho nhân viên, tiền bảo hiểm xã hội và các chi phí khác… còn lại trong tài khoản là 53.125.705 đồng và tiền mặt trong quỹ 31.059.136 đồng đã bàn giao lại cho ông Lâm Quang Tùng (sinh năm: 1973, trú tại: tổ 64, phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng). Sau đó, ông Tùng chuyển lại cho ông Trần B.
- Tại Bản kết luận giám định cá nhân ngày 22/12/2020 của Giám định viên tư pháp theo vụ việc về lĩnh vực kế toán, kiểm toán tỉnh Quảng Trị kết luận:
+ Năm 2018, Xí nghiệp lợn giống T đã có hành vi ghi khống 66 hóa đơn GTGT không đúng so với thực tế xuất bán gây thiệt hại tài sản Nhà nước 900.504.000 đồng.
+ Năm 2019, Xí nghiệp lợn giống T đã có hành vi ghi khống 35 hóa đơn GTGT không đúng so với thực tế xuất bán gây thiệt hại tài sản Nhà nước 503.928.552 đồng.
+ Tổng kinh phí gây thiệt hại 1.404.432.552 đồng.
- Tại Bản kết luận giám định số 1190/KLGĐ-PC09 ngày 07 tháng 12 năm 2021 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị kết luận:
+ Những nội dung chữ viết tại mục “Tên hàng hóa dịch vụ” (có nội dung chữ viết ở bảng kê gửi kèm theo) trên các tài liệu cần giám định ký hiệu từ A1 đến A101 là chữ viết thêm khi so sánh với nội dung chữ viết tại mục “Tên hàng hóa dịch vụ” trên các tài liệu mẫu so sánh có cùng số thứ tự hóa đơn ký hiệu từ M1 đến M101.
+ Chữ viết thêm tại mục “Tên hàng hóa dịch vụ” trên các tài liệu ký hiệu từ A1 đến A66 với chữ viết mang tên Nguyễn Đức T trên tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M109 đến M111 là của cùng một người viết ra.
+ Chữ viết thêm tại mục “Tên hàng hóa dịch vụ” trên tài liệu ký hiệu từ A67 đến A101 với chữ viết mang tên Nguyễn Văn B trên tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M105 đến M108 là của cùng một người viết ra.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2022/HS-ST ngày 12/12/2022, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã quyết định:
“Tuyên bố các bị cáo Dương Tiến P, Nguyễn Văn B phạm tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Áp dụng khoản 3 Điều 221; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự. Xử phạt:
- Bị cáo Dương Tiến P 04 (Bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án nhưng được trừ thời gian tạm giam từ ngày 21/01/2021 đến ngày 18/5/2021.
- Bị cáo Nguyễn Văn B 03 năm 06 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án nhưng được trừ thời gian tạm giam từ ngày 21/01/2021 đến ngày 18/5/2021 … 2. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; điểm b khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 288 Bộ luật dân sự.
- Buộc bị cáo Dương Tiến P phải nộp lại 217.401.000đ, bị cáo đã nộp 180.000.000đ, còn phải nộp lại 37.401.000đ;
- Buộc bị cáo Nguyễn Văn B phải nộp lại 130.440.600đ, bị cáo đã nộp 70.000.000đ, số tiền còn phải nộp lại 60.440.600đ;
(Các khoản tiền đã nộp hiện có tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị)...” Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về hình phạt đối với Nguyễn Đức T, Võ Thị T, phần trách nhiệm dân sự, về xử lý vật chứng, về án phí và thông báo về quyền kháng cáo.
Ngày 15/12/2022, bị cáo Dương Tiến P kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đối với 200 con lợn giống mà Xí nghiệp lợn giống T đã hỗ trợ cho UBND xã H, huyện H, thành phố Đà Nẵng có giá trị 416.000.000 đồng là thiếu sót, dẫn đến truy tố xét xử bị cáo theo khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự là không đúng, từ đó đề nghị huỷ Bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Ngày 20/12/2022, bị cáo Nguyễn Văn B kháng cáo có nội dung giống như kháng cáo của bị cáo Dương Tiến P.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Dương Tiến P, Nguyễn Văn B tiếp tục giữ kháng cáo yêu cầu được trừ số tiền đã hỗ trợ 200 con lợn cho UBND xã H vào số tiền thiệt hại năm 2018 và hủy bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại. Tại lời nói sau cùng, các bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo, xin giảm hình phạt.
Luật sư Nguyễn Văn Phước bào chữa cho bị cáo Dương Tiến P cho rằng trong năm 2018, Xí nghiệp lợn giống T có hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân xã H, huyện H, thành phố Đà Nẵng 200 con lợn giống, do đó cần trừ giá trị số lợn giống này (tương đương 416.900.000 đồng) vào số tiền các bị cáo gây thiệt hại trong năm 2018. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm, giao hồ sơ cho cơ quan điều tra để xem xét đối với 200 con lợn mà Xí nghiệp lợn giống T đã hỗ trợ.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu ý kiến giải quyết vụ án: Quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dương Tiến P, Nguyễn Văn B về việc xem xét 200 con lợn đã hỗ trợ, Tòa án cấp sơ thẩm xử các bị cáo Dương Tiến P 04 năm tù, bị cáo Nguyễn Văn B 03 năm 06 tháng tù là phù hợp. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Dương Tiến P xuất trình tài liệu thể hiện đã nộp 37.401.000 tiền gây thiệt hại cho Nhà nước, đây là tình tiết giảm nhẹ mới nên đề nghị Hội đồng xét xử giảm cho bị cáo một phần hình phạt. Do giảm hình phạt cho bị cáo Dương Tiến P, để đảm bảo công bằng giữa các bị cáo nên cũng cần giảm cho bị cáo Nguyễn Văn B một phần hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, trình bày của bị cáo, luật sư.
[1]. Theo bản án hình sự sơ thẩm và tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời khai nhận tội của bị cáo Dương Tiến P, Nguyễn Văn B, Nguyễn Đức T và Võ Thị T, bản kết luận định giá, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy có đủ cơ sở xác định: Năm 2018 và năm 2019, Công ty cổ phần Đầu tư và chăn nuôi T, Xí nghiệp lợn giống T ký hợp đồng với Cục chăn nuôi - Bộ NN&PTNT về việc nuôi giữ giống gốc đàn lợn tại Xí nghiệp lợn giống T và được trợ giá giống gốc vật nuôi năm 2018 với số tiền 1.200.672.000 đồng, cho số lợn giống được giao là 576 con;
năm 2019 được trợ giá 595.406.028 đồng, cho số lợn giống được giao là 371 con. Do số lợn giống gốc bán ra thị trường trong năm 2018 và 2019 không đủ để thanh toán số tiền được trợ giá theo các hợp đồng đã ký với Cục chăn nuôi - Bộ NN&PTNT nên Dương Tiến P đã chỉ đạo Nguyễn Văn B, Nguyễn Đức T và Võ Thị T sử dụng các hóa đơn GTGT liên 1 bán lợn các loại (gồm hóa đơn bán lợn thịt, lợn thải, lợn choai Móng Cái tận thu…) để thay đổi, viết thêm tên loại sản phẩm, viết tăng số lượng con đã bán thành hóa đơn bán lợn giống cái Móng Cái hậu bị (lợn giống Móng Cái nái thuần) để phù hợp tiêu chuẩn đã ký trong các hợp đồng; thay đổi số liệu bảng cơ cấu và chu chuyển đàn lợn, thay đổi số liệu sản phẩm giống gốc, phiếu xuất... để đưa vào hồ sơ quyết toán. Sau đó, P trực tiếp ký các loại báo cáo rồi đưa hồ sơ đến Cục Chăn nuôi để quyết toán. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử Dương Tiến P, Nguyễn Văn B về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 221 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
[2] Xét kháng cáo của các bị cáo yêu cầu phải xem xét giá trị 200 con lợn đã hỗ trợ cho UBND xã H, huyện H, thành phố Đà Nẵng trong tổng thiệt hại 1.404.432.552 đồng. Quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm, bị cáo Dương Tiến P và Luật sư cung cấp cho Tòa án cấp sơ thẩm tài liệu là các Báo cáo giải trình của Xí nghiệp lợn giống T. Thấy:
[2.1] Tại “Báo cáo tổng hợp hằng tháng Tháng 01/2019”, Xí nghiệp lợn giống T đề nghị “Trong Năm 2018, để thực hiện nuôi dưỡng tốt đàn lợn giống gốc, đảm bảo theo hợp đồng công ty đã ký với Cục chăn nuôi nên xí nghiệp đã đầu tư tăng đàn nái đủ số lượng 180 con, đầu tư thức ăn đảm bảo cho đàn lợn giống gốc, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ nuôi giữ đàn lợn giống gốc công ty giao. Trong khi sản phẩm bán ra giá trị còn thấp, nhưng xí nghiệp còn cung cấp giống theo chủ trương của Công ty cho người dân nghèo ở Đà Nẵng” [2.2] Tại Tờ trình số 02/2019/TTr-TH ngày 26/6/2019, bị cáo Dương Tiến P ký gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Chăn nuôi Miền trung có nội dung: “Năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về vốn lưu động bằng tiền thiếu, tình hình dịch bệnh, thị trường có nhiều biến động, lợn tồn chuồng nhiều do không xuất bán được, xí nghiệp phải thực hiện tiết giảm chi phí như giảm lương, giảm điện nước…nhưng toàn thể người lao động nói trên (từ giám đốc xí nghiệp, cán bộ quản lý, đến người lao động trực tiếp) đã phấn đấu, tích cực làm việc, khắc phục khó khăn thực hiện hoàn thành nhiệm vụ mà Công ty giao, đặc biệt là công tác nuôi giữ đàn lợn giống gốc và công tác từ thiện, đã đem về nguồn thu từ chương trình giống gốc cho Văn phòng Công ty trên 1,2 tỷ đồng và trao ủng hộ lợn giống cho người nghèo xã H, H, Đà Nẵng theo kế hoạch của Tổng giám đốc giá trị trên 155 triệu đồng”.
[2.3] Theo nội dung những văn bản trên (tài liệu bị cáo cung cấp), thì bản thân bị cáo Dương Tiến P thừa nhận năm 2018, Xí nghiệp lợn giống T đã hoàn thành hợp đồng và Công ty Cổ phần Đầu tư và Chăn nuôi T đã thu được 1,2 tỷ đồng (đây là số tiền trợ giá Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đối với 576 con lợn giống vào năm 2018), ngoài ra Xí nghiệp T còn ủng hộ lợn giống cho người nghèo xã H. Như vậy, số 200 con lợn giống mà Xí nghiệp T ủng hộ cho xã H, huyện H, thành phố Đà Nẵng không nằm trong tổng số tiền trợ giá năm 2018. Vì vậy, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dương Tiến P, Nguyễn Văn B.
[2.4] Do các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước với tổng số tiền 1.404.432.552 đồng nên Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Dương Tiến P, Nguyễn Văn B theo khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự là đúng quy định pháp luật.
[3] Xét kháng cáo của Dương Tiến P, thấy: Bị cáo là giám đốc xí nghiệp lợn giống T, là người chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động của Xí nghiệp. Bị cáo là người chỉ đạo cho bị cáo Nguyễn Văn B, Nguyễn Đức T và Võ Thị T sử dụng hóa đơn GTGT liên 1 (hóa đơn đã bán lợn thịt, lợn thải, lợn choai Móng Cái tận thu…) rồi thay đổi như viết thêm tên loại sản phẩm, viết tăng số lượng lợn đã bán thành hóa đơn bán lợn giống cái Móng Cái hậu bị vào năm 2018, 2019, từ đó gây thiệt hại cho Nhà nước 1.404.432.552 đồng. Do đó, trong vụ án này, bị cáo giữ vai trò chính trong vụ án. Bị cáo bị truy tố xét xử theo khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện nộp 180.000.000 đồng để khắc phục hậu quả, bị cáo có ông ngoại được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến, Huân chương chiến thắng, Huân chương độc lập, quá trình công tác được UBND huyện T tặng giấy khen, để xử phạt bị cáo 04 năm tù là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dương Tiến P nộp “Biên lai thu tiền” số 0000083 ngày 14/4/2023 và và “Biên lai thu tiền” số 0000051 ngày 14/12/2022 đều của Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị thể hiện bị cáo đã nộp số tiền 37.401.000 đồng tiền đảm bảo thi hành án và 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, như vậy bị cáo đã khắc phục hết số tiền đã gây thiệt hại cho Nhà nước, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới nên cần phải chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giảm một phần hình phạt để thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, cũng đủ giáo dục bị cáo và ngăn ngừa đối với loại tội phạm này.
[4] Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn B, thấy: Bị cáo là người phạm tội rất tích cực, cụ thể: sau khi được bị cáo P chỉ đạo làm giả hóa đơn GTGT, bị cáo là người cung cấp cho Nguyễn Đức T danh sách bán lợn hàng ngày để T lựa chọn hóa đơn, chỉnh sửa hóa đơn rồi đưa đi photo, đóng dấu sao y bản chính và đưa lại cho bị cáo. Bị cáo đưa những hóa đơn này cho Võ Thị T để làm phiếu chuyển đàn lợn, phiếu xuất…rồi sau đó bị cáo tập hợp tài liệu lập thành hồ sơ quyết toán cho đủ số lợn theo hợp đồng với Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn và đưa cho bị cáo Dương Tiến P. Bị cáo bị truy tố xét xử theo khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự, nhưng với vai trò giúp sức cho bị cáo P nên sau khi thấy bị cáo cũng có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự giống như bị cáo Dương Tiến P như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã nộp số tiền 70.000.000 đồng khắc phục hậu quả, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức hình phạt 03 năm 06 tháng tù là đúng. Mặc dù, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, nhưng do bị cáo Dương Tiến P được xem xét giảm một phần hình phạt nên thấy cũng cần giảm cho bị cáo Nguyễn Văn B một phần hình phạt để đảm bảo sự công bằng giữa các bị cáo.
[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận, bị cáo Dương Tiến P, Nguyễn Văn B không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[6] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự;
Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dương Tiến P, Nguyễn Văn B. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2022/HSST ngày 12/12/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đối với các bị cáo Dương Tiến P, Nguyễn Văn B.
Áp dụng khoản 3 Điều 221; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, khoản 1 Điều 54; Điều 38 Bộ luật hình sự.
1. Xử phạt: Bị cáo Dương Tiến P 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, nhưng được trừ thời gian tạm giam từ ngày 19/01/2021 đến 18/5/2021.
Áp dụng khoản 3 Điều 221; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, khoản 1 Điều 54; Điều 38 Bộ luật hình sự.
2. Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn B 03 (ba) năm tù về tội về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, nhưng được trừ thời gian tạm giam từ ngày 19/01/2021 đến 18/5/2021.
3. Trách nhiệm dân sự: Bị cáo Dương Tiến P đã nộp 37.401.000 đồng theo Biên lai thu tiền số 0000083 ngày 14/4/2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị. Ghi nhận bị cáo đã thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự.
- Áp dụng điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;
4. Về án phí: Bị cáo Dương Tiến P, Nguyễn Văn B không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Bị cáo Dương Tiến P đã nộp 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm theo Biên lai thu tiền số 0000051 ngày 14/12/2022 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị. Ghi nhận bị cáo Dương Tiến P đã thi hành xong phần án phí hình sự sơ thẩm 5. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị gồm: hình phạt đối với Nguyễn Đức T, Võ Thị T, trách nhiệm dân sự, án phí sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng số 127/2023/HS-PT
Số hiệu: | 127/2023/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 18/04/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về