Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Tê tê) số 15/2024/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÙ ĐỐP, TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 15/2024/HS-ST NGÀY 13/03/2024 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Vào ngày 13 tháng 03 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước tiến hành xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 07/2024/HSST ngày 01 tháng 02 năm 2024. Đối với bị cáo:

NGÔ XUÂN S – sinh năm: 1983; tại: tỉnh Hà Nam; giới tính: Nam; Nơi thường trú: khu phố P, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; trình độ học vấn: 12/12; Ngheà nghieäp: Xây dựng; con ông Ngô Văn S, sinh năm 1953(đã chết) và bà Ngô Thị N, sinh năm 1957; bị cáo có vợ tên Vũ Thị Kim S, sinh năm 1983 (đã ly hôn) và có 02(hai) người con, lớn sinh năm 2010, nhỏ sinh năm 2012; bị cáo có 02(hai) người em; bản thân bị cáo là con cả trong gia đình; tiền án; tiền sự: không; bị cáo bị tạm giữ từ ngày 25/10/2023 đến ngày 28/10/2023 được tại ngoại điều tra đến nay (có mặt tại phiên tòa).

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: bà Ngô Thị Bích H, sinh năm 1984;

nơi thường trú: ấp T, thị trấn T, huyện B, tỉnh Bình Phước (vắng mặt).

- Người làm chứng: ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1958; nơi thường trú: khu phố T, thị trấn T, huyện B, tỉnh Bình Phước (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 09 giờ ngày 25/10/2023, Ngô Xuân S điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 93A-X chở bà Ngô Thị Bích H đi mời tiệc tân gia của bà H. S chở bà H đến 1 quán miến lươn Hoàng Gia ở khu phố T, thị trấn T, huyện B (đối diện Trường THPT T) ngồi ăn sáng. Trong lúc ăn sáng, có 01(một) người phụ nữ không rõ nhân nhân lai lịch xách 01(một) giỏ xách bằng nhựa màu đỏ đi đến hỏi S có mua động vật rừng hay không, lúc này bà H đứng dậy đi ra ngoài nghe điện thoại còn S và người phụ nữ nói chuyện với nhau, S hỏi con gì thì người này nói con trút (Tê tê) bán rẻ với giá 2.000.000 đồng. S kiểm tra giỏ xách thì thấy con trút (Tê tê) được đựng trong bao lưới màu xanh. Do không đem tiền theo nên S hỏi mượn bà H 2.000.000 đồng để mua.

Sau khi ăn sáng xong, S cầm giỏ xách đựng con trút đặt lên ghế phía sau xe ô tô rồi tiếp tục chở bà H đi mời tiệc tân gia. S điều khiển xe ô tô đi đến trước Trung tâm thương mại B thì bị Công an huyện B kiểm tra và lập biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang.

Tại bản kết luận giám định số 1830/STTNSV ngày 27/10/2023 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết luận: 01(một) cá thể động vật trong bản ảnh gửi giám định là loài Tê Tê java có tên khoa học Manis Javanica.

Loài Tê tê java có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ. Loài Tê tê java có tên trong nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ. Loài Tê tê java có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp ( CITES) ban hành kèm theo Thông báo số 25/TB-CTVN ngày 17/02/2023 của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam.

Cáo trạng số: 08/CT-VKS ngày 31/01/2024 của Viện kiểm sát nhân dân huyện B truy tố bị cáo Ngô Xuân S về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm a khoản 1 Điều 244 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa:

Bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trong bản cáo trạng Viện kiểm sát đã truy tố và kết luận không tham gia tranh luận, xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện B giữ quyền công tố Nhà nước tại phiên tòa, sau khi xem xét các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khẳng định bị cáo có hành vi như trong bản cáo trạng đã truy tố;

đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 244, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 35 của Bộ luật hình sự đề xuất mức hình phạt đối với bị cáo từ 500.000.000đ đến 600.000.000đ.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo và người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện B, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện B, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, đảm bảo đúng quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, những người tham gia tố tụng khác. Tại phiên tòa, các bị cáo và những người tham gia tố tụng không có ý kiến hay khiếu nại gì về hành vi, quyết định của những người tiến hành tố tụng.

[2] Về nội dung: Lời khai nhận tội của bị cáo tại hồ sơ vụ án và tại phiên tòa phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, biên bản hiện trường, biên bản thu giữ vật chứng, vật chứng của vụ án cùng các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và đã được xem xét công khai tại phiên tòa. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở khẳng định: Khoảng 10 giờ 00 phút ngày 25/10/2023, tại khu phố T, thị trấn T, huyện B, tỉnh Bình Phước, Ngô Xuân S đã có hành vi vận chuyển trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là 01(một) cá thể Tê tê Java có tên khoa học Manis Javanica. Do đó, Ngô Xuân S đã phạm tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự như Viện kiểm sát nhân dân huyện B đã truy tố.

[3] Hành vi phạm tội của bị cáo Ngô Xuân S là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo vệ cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học của các loài động vật hoang dã, quý, hiếm trong môi trường sinh thái, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn tại địa phương. Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, mặc dù biết mua bán, vận chuyển cá thể tê tê là vi phạm pháp luật, nhưng bị cáo vẫn cố ý thực hiện. Do đó, cần áp dụng hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo nhằm răn đe, cải tạo, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.

[4] Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; bị cáo phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo có thành tích trong phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm tại địa phương nơi thường trú, được công an tỉnh Bình Phước tặng giấy khen về việc phát hiện, truy đuổi và bắt giữ đối tượng trộm cắp tài sản năm 2010, là hội viên Hội cựu chiến binh, cá thể tê tê đã được thu hồi và thả về môi trường tự nhiên tại Vườn quốc gia B. Đây là những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự, cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

[5] Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng.

[6] Về vật chứng:

Đối với cá thể Tê tê Java: Ngày 30/10/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện B đã ra quyết định xử lý vật chứng số 32 giao Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ, bảo tồn thuộc Vườn quốc gia B chăm sóc. Ngày 28/11/2023, Ban quản lý Vườn quốc gia B đã có quyết định số 704/QĐ-BQLV về việc thả động vật rừng về môi trường tự nhiên. Ngày 30/11/2023, cá thể Tê tê Java nêu trên đã được thả về môi trường tự nhiên tại Vườn quốc gia B là đúng quy định.

Đối với xe ô tô màu vàng –đen, hiệu Toyota RIZE, biển kiểm soát: 93A- X cùng 01(một) giấy chứng nhận kiểm định số DA 3296440 là tài sản hợp pháp của Ngô Thị Bích H không liên quan đến vụ án nên ngày 20/12/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện B đã ra quyết định xử lý vật chứng số 40 trả lại xe cho Ngô Thị Bích H là đúng quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử không xem xét lại.

Đối với 01(một) túi dạng lưới màu xanh, có kích thước (58 x30)cm; 01(một) giỏ 3 xách nhựa màu đỏ có 02(hai) quai xách, có kích thước (30 x 40 x 20)cm là vật chứng của vụ án, tài sản không còn giá trị sử dụng, cần tịch thu tiêu hủy.

Xét đề xuất của đại diện Viện kiểm sát về mức hình phạt và các vấn đề khác trong vụ án là phù hợp nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Về án phí: Bị cáo phải nộp theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Ngô Xuân S phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 35; Điều 50 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt Ngô Xuân S 550.000.000đ (năm trăm năm mươi triệu đồng).

2. Vật chứng: Áp dụng Điều 47, 48 của Bộ luật hình sự; Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tịch thu tiêu hủy 01(một) túi dạng lưới màu xanh, có kích thước (58 x30)cm;

01(một) giỏ xách nhựa màu đỏ có 02(hai) quai xách, có kích thước (30 x 40 x 20)cm.

(Theo biên bản giao nhận vật chứng số 0007889 ngày 24/01/2024 giữa Công an huyện B và Chi cục Thi hành án dân sự huyện B).

Về án phí: Áp dụng Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bị cáo phải nộp 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Bị cáo được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

456
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Tê tê) số 15/2024/HS-ST

Số hiệu:15/2024/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bù Đốp - Bình Phước
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 13/03/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về