Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 957/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 957/2023/HS-PT NGÀY 18/12/2023 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 18 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 1191/2023/TLPT- HS ngày 26 tháng 10 năm 2023 đối với các bị cáo Liêu Văn T, Mạ Văn A, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 149/2023/HS-ST ngày 21 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Liêu Văn T, sinh ngày 13 tháng 10 năm 1993 tại H, Cao Bằng; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Xóm L, xã T, huyện H, tỉnh Cao Bằng; nghề nghiệp: Làm rẫy; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Nùng; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Liêu Văn C (đã chết) và bà Lâm Thị N, sinh năm 1952; có vợ là chị Lục Thị Y, sinh năm 2001 và có 02 con, con lớn nhất sinh năm 2018, con nhỏ nhất sinh năm 2022; tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo hiện đang tại ngoại tại nơi cư trú. Có mặt.

2. Mạ Văn A, sinh ngày 05 tháng 01 năm 1998 tại Hà Q, Cao Bằng; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Xóm M, xã T, huyện H, tỉnh Cao Bằng; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ học vấn: 08/12; dân tộc: H’Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Tin lành; quốc tịch: Việt Nam; con ông Mạ Văn L, sinh năm 1979 và bà Hoàng Thị D, sinh năm 1979; có vợ là chị Đào Thị V, sinh năm 2001 và có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2017, con nhỏ nhất sinh năm 2021; tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo hiện đang tại ngoại tại nơi cư trú. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Liêu Văn T: Ông Nông Văn D1 – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh C. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Mạ Văn A: Ông Triệu Bằng G – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh C. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, hành vi của các bị cáo được tóm tắt như sau:

Cuối tháng 5/2023, Mạ Văn A đi vào khu rừng cách nhà khoảng 01km để lấy củi thì phát hiện 01 con vật có hình dạng giống con khỉ nhỏ, màu lông nâu vàng, có trọng lượng khoảng 01kg nên bắt về nhà nuôi. Đến ngày 27/5/2023, qua tìm hiểu Liêu Văn T biết Mạ Văn A có nuôi con Culi nên đã dùng tài khoản M “Lieu Thi” nhắn tin vào tài khoản M “Ma Trịnh Vương” của Mạ Văn A hỏi mua con Culi với ý định mang về nuôi, A đồng ý bán với số tiền 500.000 đồng và hẹn đến cổng trường Tiểu học và Trung học Cơ sở V1, thuộc xã V, huyện H, tỉnh Cao Bằng để giao hàng. Đến khoảng 14 giờ 30 phút ngày 31/5/2023, Anh sử dụng xe mô tô Honda Blade, màu đen, biển kiểm soát 11S1- X chở theo bao tải dựng con Culi đến điểm hẹn gặp Liêu Văn Thị . Thị kiểm tra và nhốt con C1 vào lồng sắt đã chuẩn bị sẵn rồi trả cho Anh số tiền 500.000 đồng. Sau khi mua bán xong, Anh đi về nhà còn T điều khiển xe mô tô Honda Airblade, màu đen trắng đỏ, biển kiểm soát 11H1-268.17 chở theo con C1 xuống thành phố C chơi.

Vào hồi 18 giờ 15 phút ngày 31/5/2023, khi đi đến khu vực K, Quốc lộ C thuộc địa phận tổ G, phường Đ, thành phố C, tỉnh Cao Bằng thì Liêu Văn T bị tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Phòng C2 Công an tỉnh C và Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh C phát hiện, dừng xe và lập biên bản, đưa T và tang vật, phương tiện về Chi cục kiểm lâm tỉnh C để xác minh làm rõ.

Tại Kết luận giám định động vật số 839/STTNSV ngày 05/6/2023 của V2 xác định: Bản ảnh chụp cá thể động vật gửi giám định của loài Culi lớn, có tên khoa học là N1 bengalensis có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 149/2023/HS-ST ngày 21 tháng 9 năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng quyết định:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 của Bộ luật hình sự; xử phạt các bị cáo Liêu Văn T, Mạ Văn A mỗi bị cáo 12 (mười hai) tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, thời hạn chấp hành án phạt tù được tính kể từ ngày các bị cáo đi chấp hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, cùng ngày 21/9/2023, các bị cáo Liêu Văn T, Mạ Văn A cùng có đơn kháng cáo đều với nội dung xin giảm hình phạt và đề nghị được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và trình bày hoàn cảnh gia đình, điều kiện sinh sống, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, do các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế, đề nghị HĐXX xem xét áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự, giảm hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi tóm tắt nội dung vụ án đã phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, xác định Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Liêu Văn T, Mạ Văn A về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật. Căn cứ tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của từng bị cáo thì mức án Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt các bị cáo Liêu Văn T, Mạ Văn A có phần nặng; Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đã thực sự ăn năn hối cải; Do đó, có cơ sở chấp nhận một phần kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn cần phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đảm bảo răn đe, giáo dục riêng các bị cáo và phòng ngừa chung tội phạm.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Liêu Văn T, Mạ Văn A và sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm hình phạt cho mỗi bị cáo từ 3 – 4 tháng tù.

Người bào chữa cho các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trên cơ sở bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự; đề nghị áp dụng thêm quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự, giảm nhẹ hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo, cho các bị cáo có cơ hội được cải tạo tại địa phương cũng đủ tác dụng răn đe, giáo dục riêng từng bị cáo và phòng ngừa chung tội phạm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định như sau:

[1]. Kháng cáo của các bị cáo Liêu Văn T, Mạ Văn A trong thời hạn luật định và hợp lệ nên được xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

[2]. Lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm; phù hợp với lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, phù hợp với các vật chứng thu giữ, Kết luận giám định cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, HĐXX có đủ cơ sở để kết luận:

Mạ Văn A và Liêu Văn T đã có hành vi bắt, nuôi, nhốt, mua bán trái phép 01 cá thể Culi lớn (tên khoa học là N1 bengalensis) là động vật có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị dịnh 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Mạ Văn A và Liêu Văn T cùng về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.

[3]. Xét kháng cáo xin giảm hình phạt và đề nghị được hưởng án treo của các bị cáo Liêu Văn T, Mạ Văn A, HĐXX thấy:

Mặc dù hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, đã trực tiếp xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học của các loài động vật hoang dã trong môi trường sinh thái tự nhiên, cố ý thực hiện với mục đích nuôi nhốt cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm, bán lấy tiền. Tuy nhiên, các bị cáo trước khi phạm tội đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự và đều không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Các bị cáo sau khi phạm tội đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của bản thân, thành khẩn khai báo, tỏ ra thực sự ăn năn hối cải; bị cáo Liêu Văn T có bố đẻ là người có công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được tặng thưởng huy chương kháng chiến hạng nhất; bị cáo Mạ Văn A thuộc hộ nghèo, trước khi phạm tội ở địa phương đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật, bị cáo có đơn trình bày về hoàn cảnh có xác nhận của chính quyền địa phương; các bị cáo đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính trong gia đình, đều đang phải nuôi các con nhỏ, vợ đều có công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh... là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, HĐXX xét thấy các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn, nhận thức pháp luật của các bị cáo còn hạn chế, nhất là với việc tiếp cận quy định pháp luật về các loài động vật hoang dã được ưu tiên bảo vệ; cá thể Culi bị các bị cáo săn bắt, nuôi nhốt, mua bán trái phép đã được Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh C bàn giao cho Trung tâm C3 để cứu hộ, bảo vệ theo quy định, vì vậy, hậu quả xảy ra là không lớn; Do đó, có cơ sở để HĐXX áp dụng thêm cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự, từ đó áp dụng thêm quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự, chấp nhận một phần kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội là người dân tộc thiểu số, phạm tội lần đầu, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Mặc dù vậy, cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ tác dụng răn đe, giáo dục riêng từng bị cáo và tuyên truyền, phòng ngừa chung tội phạm, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

[4] Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng Hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;

QUYẾT ĐỊNH

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Liêu Văn T, Mạ Văn A; Sửa một phần Bản án Hình sự sơ thẩm số 149/2023/HS-ST ngày 21 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng về phần hình phạt, cụ thể:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 244; điểm h, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 38 của Bộ luật hình sự; xử phạt các bị cáo Liêu Văn T, Mạ Văn A mỗi bị cáo 09 (chín) tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày các bị cáo đi chấp hành án.

2. Các bị cáo Liêu Văn T, Mạ Văn A không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

40
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 957/2023/HS-PT

Số hiệu:957/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:18/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về