TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 66/2022/HS-PT NGÀY 14/03/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ HIẾM
Ngày 14 tháng 03 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 41/2022/TLPT-HS ngày 08/02/2022 đối với bị cáo Nguyễn Thanh T. Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 89/2021/HS-ST ngày 30/11/2021 của Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.
Bị cáo có kháng cáo:
Họ và tên: Nguyễn Thanh T, sinh năm 1988; Nơi sinh: tỉnh Bình Định; Nơi cư trú: Tổ dân phố A, thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 10/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn M; con bà Nguyễn Thị B; có vợ là Võ Thị Mỹ L; có 03 người con, con lớn nhất sinh năm 2010, con nhỏ nhất sinh năm 2018; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo được tại ngoại. Có mặt tại phiên tòa.
* Người có quyền, nghĩa vụ liên quan:
1. Chị Võ Thị Mỹ L, sinh năm 1987; Địa chỉ: Tổ dân phố A, thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.
2. Ông Phan Xuân T1, sinh năm 1966; Địa chỉ: Tổ dân phố A, thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng đầu tháng 6 năm 2021, Nguyễn Thanh T mua một số dụng cụ đặt bẫy và mang đến khu vực rừng (không xác định được địa giới hành chính) để săn bắt thú rừng. Trong thời gian đi săn, T bẫy được 02 con Chồn (Cầy vòi hương, Triết nâu) và một số Rắn các loại, ngoài ra T còn thu mua của một số người đi săn (không rõ nhân thân) tại khu vực rừng 14 con Kỳ đà với 200.000 đồng/kg và 06 con Dúi với giá 600.000 đồng/kg. Tất cả số động vật rừng T mang về nhà tại Tổ dân phố A, thị trấn E, huyện E, nuôi nhốt nhằm mục đích bán lại cho người khác kiếm lời. Đến khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 05 tháng 7 năm 2021, khi T đang phân loại Rắn trước sân nhà thì bị Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk, tiến hành kiểm tra hành chính phát hiện có 04 bao đựng nhiều loại Rắn có tổng trọng lượng là 15kg. Khi đó, Phòng Cảnh sát môi trường yêu cầu T xuất trình hồ sơ nguồn gốc số lượng Rắn nhưng T không xuất trình được hồ sơ nguồn gốc số lượng Rắn. Sau đó, T tự nguyện giao nộp 14 con Kỳ đà và 06 con Dúi đang được nuôi nhốt trong nhà không có hồ sơ nguồn gốc và giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền cho phép nuôi, nhốt. Lúc này, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk, đã lập biên bản vi phạm và thu giữ toàn bộ số động vật mà T đang nuôi, nhốt để điều tra xử lý.
Tại biên bản khám nghiệm hiện trường lập ngày 11/7/2021, của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk, xác định: Hiện trường xảy ra vụ việc là nhà Nguyễn Thanh T thuê lại của ông Phan Xuân T1, tại Tổ dân phố A, thị trấn E, huyện E, nhà có kết cấu tường xây, nền lát gạch, mái lợp tôn, gồm 01 phòng khách, 02 phòng ngủ, 01 phòng bếp và khu vệ sinh, trước nhà có khoảng sân kích thước 06m x 3,2m.
Tại bản kết luận giám định Tên, chủng loại, nhóm, trọng lượng loại động vật của Trường đại học T và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Kỳ đà vân, tên khoa học Varanus bengalensic, lớp bò sát, thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; số lượng 14 cá thể, tổng trọng lượng 13,3kg; Dúi mốc, tên khoa học rhizomys pruinosus; lớp thú, thuộc nhóm động vật rừng thông thường, số lượng 06 cá thể; tổng trọng lượng 03 kg; Cầy vòi hương, tên khoa học Paradoxurus hermaphroditus, lớp thú, thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm; số lượng 01 cá thể; trọng lượng 0,6 kg; Triết nâu, tên khoa học Mustela nivalis, lớp thú, thuộc nhóm động vật rừng thông thường; số lượng 01 cá thể; tổng trọng lượng 0,6kg; Rắn ráo trâu, tên khoa học Ptyas mucosus, lớp bò sát, thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm; tổng trọng lượng 4,5 kg; Rắn ráo thường, tên khoa học Ptyas korros, lớp bò sát, thuộc nhóm động vật rừng thông thường, trọng lượng 02 kg; Rắn nước, tên khoa học Xenochrophis sp, lớp bò sát, thuộc nhóm động vật rừng thông thường, trọng lượng 01 kg; Rắn sọc dưa, tên khoa học Coelognathus radiata, lớp bò sát, thuộc nhóm động vật rừng thông thường, trọng lượng 7,4 kg.
Kỳ đà vân thuộc nhóm IB và các loại Cầy vòi hương, Rắn ráo trâu thuộc nhóm IIB, theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, các loại Triết nâu, Dúi, Rắn ráo thường, Rắn nước, Rắn sọc dưa thuộc nhóm động vật rừng thông thường.
Tại bản kết luận giám định động vật số 626/STTNSV ngày 19/7/2021, của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật – Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, kết luận: Hình ảnh của 14 cá thể động vật (số thứ tự từ 01 đến 14) là ảnh chụp loài Kỳ đà vân có tên khoa học là Varanus nebulosus. Loài Kỳ đà vân thuộc lớp Bò sát; Hình ảnh của 01 cá thể động vật (số thứ tự 15) là ảnh chụp của loài Cầy vòi hương có tên khoa học là Paradoxurus hermaphroditus. Loài Cầy vòi hương thuộc lớp thú. Hình ảnh của 04 cá thể động vật (số thứ tự từ 16 đến 19) là ảnh chụp loại Rắn ráo trâu có tên khoa học là Ptyas mucosus. Loài Rắn trâu thuộc lớp Bò sát. Loài Kỳ đà vân thuộc nhóm IB, danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐCP ngày 22/01/2019 của Chính phủ. Loài Cầy vòi hường và Rắn ráo trâu thuộc nhóm IIB, danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐCP ngày 22/01/2019 của Chính phủ.
Tại bản kết luận định giá tài sản số 453A/BB-ĐGTS ngày 03/8/2021 của Hội đồng định giá tài sản huyện Ea H'Leo, kết luận: 01 cá thể Cầy vòi hương, tên khoa học Paradoxurus hermaphroditus, trị giá 780.000 đồng; 01 cá thể Triết nâu, tên khoa học Mustela nivalis, trị giá 180.000 đồng; 06 cá thể Dúi mốc, tên khoa học rhizomys pruinosus, trị giá 2.100.000 đồng; 4,5 kg Rắn ráo trâu, tên khoa học Ptyas mucosus, trị giá 1.800.000 đồng; 02 kg Rắn ráo thường, tên khoa học Ptyas korros, trị giá 600.000 đồng; 01 kg Rắn nước, tên khoa học Xenochrophis sp, trị giá 250.000 đồng; 7,4 kg Rắn sọc dưa, tên khoa học Coelognathus radiata, trị giá 1.850.000 đồng. Tổng giá trị là 7.500.000 đồng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 89/2021/HS-ST ngày 30/11/2021 của Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Thanh T, phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”.
Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 244, điểm s khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự:
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thanh T 07 (bảy) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án hoặc tự nguyện thi hành án.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo cho bị cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 14/12/2021 bị cáo Nguyễn Thanh T nộp đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh T vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo và đã khai nhận toàn bộ hành vi mà bị cáo đã thực hiện đúng như nội dung vụ án đã được tóm tắt nêu trên.
Quá trình tranh luận tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Thanh T về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo điểm b khoản 2 Điều 244 Bộ luật hình sự là có căn cứ và đảm bảo đúng người, đúng tội. Tại cấp phúc thẩm bị cáo cung cấp giấy xác nhận hoàn cảnh khó khăn và bị cáo có bố vợ là người có công với cách mạng. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh T 07 năm tù là phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thanh T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bị cáo không tranh luận, bào chữa gì và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Lời khai của các bị cáo Nguyễn Thanh T tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 05/7/2021, tại Tổ dân phố A, thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Nguyễn Thanh T đang có hành vi nuôi nhốt 14 cá thể Kỳ đà vân; 01 cá thể Cầy vòi hương; 01 cá thể Triết nâu; 06 cá thể Dúi và 15 kg Rắn các loại, nhằm mục đích bán lại cho người khác kiếm lời thì bị Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện lập biên bản vi phạm và thu giữ toàn bộ số động vật đang nuôi, nhốt để xử lý. Trong đó hành vi nuôi, nhốt, mua 14 cá thể Kỳ đà vân có tên khoa học là Varanus nebulosus, thuộc lớp Bò sát, thuộc nhóm IB, danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐCP ngày 22/01/2019 của Chính phủ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Thanh T về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo điểm b khoản 2 Điều 244 Bộ luật hình sự 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
[2] Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thanh T, Hội đồng xét xử xét thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt đối với bị cáo. Tại cấp phúc thẩm bị cáo cung cấp giấy xác nhận hoàn cảnh khó khăn và bị cáo có bố vợ là người có công với cách mạng. Tuy nhiên, mức hình phạt 07 (Bảy) năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo Nguyễn Thanh T là thỏa đáng và tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo. Do đó, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo là không có căn cứ chấp nhận, mà cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo phù hợp.
[3] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Nguyễn Thanh T phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ: Điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự.
Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thanh T. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 89/2021/HS-ST ngày 30/11/2021 của Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.
[2] Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 244; điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự: Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thanh T 07 (bảy) năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án hoặc tự nguyện thi hành án.
[3] Về án phí: Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
Bị cáo Nguyễn Thanh T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án
Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm số 66/2022/HS-PT
Số hiệu: | 66/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 14/03/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về