Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 46/2022/HSST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN SỐP CỘP, TỈNH SƠN LA

BẢN ÁN 46/2022/HSST NGÀY 17/08/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 17 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 45/2022/HSST ngày 25 tháng 7 năm 2022, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 45/2022/QĐXXST – HS ngày 05 tháng 8 năm 2022 đối với các bị cáo:

1. Lò Văn S; tên gọi khác: Không; sinh năm: 1993 tại: Huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La; nơi cư trú: Bản H L, xã M L, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ học vấn: 8/12; dân tộc: Khơ Mú; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt nam; Con ông: Lò Văn S3, sinh năm: 1963 và bà Mòng Thị D, sinh năm: 1974; bị cáo chưa có vợ, có 01 con sinh năm 2018; tiền án, tiền sự: Không; bị tạm giữ từ ngày 02/5/2022, chuyển tạm giam ngày 09/5/2022, cho đến nay bị cáo có mặt tại phiên tòa.

2. Sèo Văn S; tên gọi khác: Không; sinh năm: 1993 tại: Huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La; nơi cư trú: Bản H L, xã M L, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ học vấn: 5/12; dân tộc: Khơ Mú; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt nam; Con ông: Sèo Văn P, sinh năm: 1970 và bà Sèo Thị S, sinh năm: 1972; bị cáo có vợ là Sèo Thị T, sinh năm: 1999 và có 02 con (Lớn sinh năm: 2019, nhỏ sinh năm: 2021); tiền án, tiền sự: Không; bị tạm giữ từ ngày 04/5/2022, chuyển tạm giam ngày 10/5/2022, cho đến nay bị cáo có mặt tại phiên tòa.

3. Lò Văn U; tên gọi khác: Không; sinh năm: 1995 tại: Huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La; nơi cư trú: Bản H L, xã M L, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Khơ Mú; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt nam; Con ông: Lò Văn D, sinh năm: 1960 và bà Hùng Thị H, sinh năm: 1962; bị cáo có vợ là Cầm Thị H, sinh năm: 1998 và có 03 con (Lớn nhất sinh năm: 2014, nhỏ nhất sinh năm: 2018); tiền án, tiền sự:

Không; bị tạm giữ từ ngày 02/5/2022, chuyển tạm giam ngày 09/5/2022, cho đến nay bị cáo có mặt tại phiên tòa.

* Người có quyền lợi liên quan đến vụ án: Chị Cầm Thị H, sinh năm: 1998 (Vợ bị cáo Lò Văn U), nơi cư trú: Bản H L, xã M L, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: Trồng trọt (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào hồi 21 giờ 00 phút ngày 02/5/2022, tổ công tác Công an huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, phối hợp với Công an xã Mường Và trong quá trình làm nhiệm vụ tại khu vực bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp đã phát hiện bắt quả tang đối tượng Lò Văn U (Sinh năm: 1995, trú tại: Bản H L, xã M L, huyện Sốp Cộp) và Lò Văn S (Sinh năm: 1993, trú tại: Bản H L, xã M L, huyện Sốp Cộp) về hành vi vận chuyển động vật hoang dã.

Vật chứng thu giữ gồm: 01 cá thể động vật còn sống nghi là Rắn hổ chúa;

01 bao tải dứa màu trắng; 01 khúc cây dài 30cm, một đầu chia 02 nhánh và 01 xe mô tô nhãn hiệu HONDA WINER X màu đỏ-đen, biển kiểm soát: 26F1 - 132.59.

Lò Văn U và Lò Văn S khai nhận cá thể động vật bị thu giữ là Rắn hổ chúa, do Lò Văn S và Sèo Văn S (Người cùng bản) bắt được tại khu vực Huổi Ta Nen, thuộc bản Huổi Lè, xã Mường Lạn ngày 02/5/2022, sau đó thỏa thuận bán cho Lò Văn U với giá 1.100.000 đồng. Cùng ngày 02/5/2022, Lò Văn U rủ Lò Văn S cùng đi ra trung tâm huyện Sốp Cộp để tiêu thụ thì bị phát hiện bắt giữ.

Căn cứ vào lời khai của Lò Văn U và Lò Văn S, cơ quan Điều tra công an huyện Sốp Cộp tiến hành bắt giữ khẩn cấp đối với Sèo Văn S.

Ngày 03/5/2022, cơ quan Điều tra công an huyện Sốp Cộp quyết định trưng cầu giám định Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, đối với 01 cá thể động vật còn sống nghi là Rắn Hổ Chúa, do thu giữ của Lò Văn U và Lò Văn S.

Tại Kết luận giám định số: 561/STTNSV ngày 04/5/2022 của Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, kết luận:

" - Xác định tên loài động vật: 01 (Một) cá thể động vật đã chết là loài rắn hổ chúa có tên khoa học là Ophiopphagus hannah.

- Xác định tình trạng bảo tồn theo quy định của pháp luật:

1. Loài rắn Hổ chúa có tên trong phụ lục I, Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ.

2. Loài rắn Hổ chúa có tên trong nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ." Tại cơ quan Cảnh sát điều tra, các bị can Lò Văn S, Sèo Văn S và Lò Văn U đã khai nhận hành vi phạm tội như sau:

Khoảng 14 giờ ngày 02/5/2022, Sèo Văn S điều khiển xe mô tô chở theo Lò Văn S đi làm nương ở khu vực Huổi Ta Nen, thuộc bản Huổi Lè, xã Mường Lạn. Trên đường đi Lò Văn S ngồi sau nhìn thấy bên đường có 01 con rắn đang bò trên nương nên bảo Sèo Văn S dừng xe để bắt con rắn. Khi , Sèo Văn S dừng xe thì con rắn chui vào một hốc cây mục rỗng, Lò Văn S nhặt một cành cây gần đó chọc vào lưng con rắn để giữ không cho rắn chạy, Sèo Văn Sẳn thì đi hái lá cây để khi Lò Văn S rút cành cây ra thì Sèo Văn S dùng nắm lá cây bịt vào miệng hốc cây rỗng nhằm giữ con rắn ở lại trong hốc cây. Sau đó Lò Văn S dùng dao chặt lấy một đoạn cành cây phần ngọn có hai nhánh để làm chạc tỳ để đè vào đầu con rắn, tiếp đó Sèo Văn S dùng tay nắm vào đuôi con rắn kéo ra ngoài hốc cây, Lò Văn S dùng tay bóp đầu con rắn đồng thời dùng dây dứa buộc đầu con rắn vào cành cây rồi cho vào bao tải mang về nhà Lò Văn S cất giấu dưới gầm sàn không cho người khác biết. Lò Văn S và Sèo Văn S bàn bạc rồi thống nhất cùng nhau tìm cách bán con rắn cho người khác để lấy tiền tiêu xài.

Lò Văn S một mình đi bộ đến nhà Lò Văn U là người cùng bản H L, nói với U về việc Lò Văn S và Sèo Văn S vừa bắt được 01 con rắn đang giấu tại nhà Lò Văn S nay muốn bán lấy tiền, nếu U đồng ý mua thì đến xem con rắn và thỏa thuận giá cả. Khoảng 18 giờ cùng ngày U đến nhà Lò Văn S, sau khi xem con rắn thì đồng ý mua với giá 300.000 đồng/01Kg với mục đích bán lại kiếm lời, tuy nhiên do U chưa có tiền để trả ngay nên nói với Lò Văn S và Sèo Văn S sẽ mua con rắn với điều kiện sau khi U bán được rắn cho người thứ ba sẽ trả tiền cho Lò Văn S và Sèo Văn S. Lò Văn S, Sèo Văn S đồng ý với điều kiện của U nên đặt con rắn lên bàn cân xác định được khối lượng là 3,8 Kg rồi thống nhất bán cho U với giá 1.100.000 đồng (Một triệu một trăm nghìn đồng). Tiếp đó U nhờ Lò Văn S cùng U đi bằng xe mô tô ra trung tâm huyện Sốp Cộp bán rắn, U hứa với Lò Văn S sẽ cho Lò Văn S 100.000 đồng nếu bán được rắn. Lò Văn S nhất trí ngồi sau xe mô tô, cầm bao tải bên trong có con rắn để U điều khiển đi theo hướng từ nhà Lò Văn S ra trung tâm huyện Sốp Cộp. Khi cả hai đi đến khu vực bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp vào khoảng 21 giờ cùng ngày, thì bị tổ công tác Công an huyện Sốp Cộp, phối hợp với Công an xã Mường Và phát hiện bắt quả tang về hành vi vận chuyển trái phép cá thể rắn Hổ chúa như đã nêu.

Tại bản Cáo trạng số: 33/CT - VKSSC ngày 22/7/2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, đề nghị truy tố các bị can Lò Văn S, Sèo Văn S và Lò Văn U về tội: Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự.

Tại phiên toà đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Sốp Cộp, giữ quan điểm truy tố các bị cáo Lò Văn S, Sèo Văn S và Lò Văn U với tội danh như trên.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51; Điều 58 và Điều 65 Bộ luật hình sự;

- Tuyên bố bị cáo Sèo Văn S phạm tội: Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm và xử phạt bị cáo mức án từ 16 đến 20 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Ấn định thời gian thử thách đối với bị cáo từ 32 đến 40 tháng, tính từ ngày tuyên án.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s, t khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51; Điều 58 và Điều 65 Bộ luật hình sự;

- Tuyên bố bị cáo Lò Văn S phạm tội: Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm và xử phạt bị cáo mức án từ 18 đến 22 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Ấn định thời gian thử thách đối với bị cáo từ 36 đến 44 tháng, tỉnh từ ngày tuyên án.

- Tuyên bố bị cáo Lò Văn U phạm tội: Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm và xử phạt bị cáo mức án từ 14 đến 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ấn định thời gian thử thách đối với bị cáo từ 28 đến 36 tháng, tính từ ngày tuyên án.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 4 Điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự: Tuyên trả tự do cho các bị cáo ngay tại phiên tòa, nếu các bị cáo không bị tạm giam về tội phạm khác.

Giao bị cáo Sèo Văn S, Lò Văn S và Lò Văn U cho chính quyền địa phương nơi cư trú giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

- Không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền được quy định tại khoản 4 Điều 244 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo, do không có tài sản thi hành.

Xử lý vật chứng:

Đề nghị áp dụng điểm a khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự;

- Tuyên tịch thu tiêu hủy 01 bao tải dứa màu trắng; 01 khúc cây dài 30cm, một đầu khúc cây có 02 nhánh (Nhánh to dài 05cm, nhánh nhỏ dài 04cm), trên khúc cây có một đoạn dây dứa màu hồng.

- Tuyên trả lại cho người có quyền lợi liên quan là chị Cầm Thị H 01 xe mô tô nhãn hiệu HONDA Winer X, BKS: 26F1-13259.

- Chấp nhận việc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam giữ lại cá thể rắn Hổ chúa đã bị chết trong quá trình mang đi giám định, để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

Về án phí: Đề nghị áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Miễn cho các bị cáo không phải nộp án phí hình sự sơ thẩm. Tại phiên tòa các bị cáo có ý kiến:

- Bị cáo Lò Văn S thừa nhận ngày 02/5/2022, bị bắt quả tang khi đang vận chuyển 01 cá thể rắn Hổ chúa cùng với bị cáo U. Nay bị cáo đã biết tội, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét việc bị cáo thành khẩn khai báo về nguồn gốc cá thể rắn do bị cáo và bị cáo Sèo Văn S trực tiếp bắt, sau đó bán cho bị cáo U để lấy tiền chi tiêu sinh hoạt cho gia đình mà giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

- Bị cáo Lò Văn U thừa nhận ngày 02/5/2022, bị bắt quả tang khi đang vận chuyển 01 cá thể rắn Hổ chúa cùng bị cáo Sết. Nay bị cáo đã biết tội, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét việc bị cáo thành khẩn khai báo về nguồn gốc cá thể rắn do bị cáo mua chịu của bị cáo Lò Văn S và bị cáo Sèo Văn S, với mục đích kiếm lời do hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

- Bị cáo Sèo Văn S thừa nhận ngày 02/5/2022, đã cùng với bị cáo Lò Văn S bắt cá thể rắn Hổ chúa để bán lấy tiền chia nhau. Nay bị cáo đã biết tội, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét việc bị cáo thành khẩn khai báo; việc bắt rắn do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn; bị cáo là lao động duy nhất trong gia đình, trực tiếp nuôi mẹ già bệnh tật và nuôi em trai bị khuyết tật mà giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tại phiên tòa người có quyền lợi liên quan chị Cầm Thị H có ý kiến: Chiếc xe mô tô nhãn hiệu HONDA WINER X màu đỏ, biển kiểm soát: 26F1 - 132.59 là tài sản chung có giá trị của vợ chồng chị với bị cáo Lò Văn U. Việc bị cáo sử dụng xe làm phương tiện mua bán cá thể rắn Hổ chúa chị không biết. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử trả lại vật chứng là chiếc xe mô tô cho chị.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra Công an huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.

[2] Về nội dung: Ngày 02/5/2022, bị cáo Lò Văn S phát hiện 01 cá thể rắn Hổ chúa trên đường đi làm nương đã rủ rê bị cáo Sèo Văn S bắt mang về nhà cất dấu, sau đó bị cáo Lò Văn S trực tiếp liên hệ với bị cáo Lò Văn U thỏa thuận bán với giá 1.100.000 đồng nhằm chia nhau tiêu xài. Cũng trong ngày 02/5/2022, bị cáo Lò Văn U đã mua 01 cá thể rắn Hổ chúa do các bị cáo Lò Văn S và Sèo Văn S săn bắt nhằm bán lại kiếm lời. Hội đồng xét xử xét thấy căn cứ vào Kết luận giám định số: 561/STTNSV ngày 04/5/2022 của Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, thì vật chứng 01 cá thể rắn thu giữ trong vụ án được xác định: " Là loài rắn hổ chúa có tên khoa học là Ophiopphagus hannah; Xác định tình trạng bảo tồn theo quy định của pháp luật: Loài rắn Hổ chúa có tên trong phụ lục I, Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ; Loài rắn Hổ chúa có tên trong nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ.". Về phía các bị cáo là những người có đủ nhận thức pháp luật để nhận biết được hành vi săn bắt, buôn bán cá thể rắn Hổ chúa là trái pháp luật, bị nhà nước nghiêm cấm. Tuy nhiên vẫn cố tình săn bắt, cất dấu và mua bán để nhằm hưởng lợi vật chất. Xét lời khai nhận của các bị cáo trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa là phù hợp với nhau; lời khai của các bị cáo phù hợp với vật chứng thu giữ là 01 cá thể rắn Hổ chúa; phù hợp với Kết luận giám định cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Trên cơ sở đó đã đủ căn cứ kết luận các bị cáo Lò Văn S, Sèo Văn S và Lò Văn U đã phạm vào tội: Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự, như quan điểm truy tố và luận tội của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sốp Cộp là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tại Điều 244 Bộ luật hình sự quy định:

“ 1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Săn bắt, giết, nuôi, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

……..

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

[3] Hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án là nguy hiểm cho xã hội, bởi nó đã xâm phạm Hiến pháp, pháp luật hình sự của nhà nước ta cũng như luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường sinh thái, cân bằng sinh thái, đa dạng hóa sinh học của các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm trong môi trường sinh thái; ngoài ra hành vi phạm tội của các bị cáo còn gián tiếp làm phát sinh vấn nạn buôn bán, sử dụng động vật rừng, thực vật rừng ở một bộ phận xã hội thiếu ý thức bảo vệ môi trường hiện nay. Do đó cần áp dụng chế tài xử phạt nghiêm minh là phạt tù tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của mỗi bị cáo mới có tác dụng trừng trị, cải tạo, giáo dục các bị cáo trong vụ án. Ngoài ra bản án xét xử nghiêm minh còn có tác dụng tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ý thức bảo vệ môi trường chung trong xã hội.

[4] Các bị cáo Lò Văn S và Sèo Văn S đồng phạm về hành vi săn bắt cá thể rắn Hổ chúa. Trong đó bị cáo Lò Văn S là người khởi xướng và tích cực chủ động thực hiện, bị cáo Sèo Văn S giữ vai trò đồng phạm tích cức tham gia cùng bị cáo Lò Văn S bắt cá thể rắn với động cơ để bán và được chia lấy tiền. Bị cáo Lò Văn U và bị cáo Lò Văn S đồng phạm về hành vận chuyển cá thể rắn Hổ chúa để tiêu thụ. Trong đó bị cáo U là người chủ động nhằm hưởng lợi về giá trị mua bán chênh lệch còn bị cáo Lò Văn S nhằm được trả tiền công 100.000 đồng. Do đó cần áp dụng Điều 50, 58 Bộ luật hình sự để làm cơ sở xem xét, quyết định hình phạt tương xứng với vai trò, tính chất thực hiện hành vi phạm tội của mỗi bị cáo.

[5] Tình tiết tăng nặng: Các bị cáo cùng không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự bị áp dụng.

[6] Tình tiết giảm nhẹ:

- Bị cáo Lò Văn S khi bị bắt giữ đã thành khẩn khai nhận tội và khai ra đồng phạm bắt cá thể rắn Hổ chúa là Sèo Văn S giúp cơ quan Điều tra khởi tố thêm bị can Sèo Văn S để điều tra triệt để vụ án; Bị cáo Lò Văn U khi bị bắt giữ đã thành khẩn khai nhận hành vi mua bán cá thể rắn Hổ chúa và khai báo thêm bị cáo Sèo Văn S đồng phạm về hành vi săn bắt cá thể rắn Hổ chúa với bị cáo Lò Văn S. Do đó các bị cáo Lò Văn S và U cùng được áp dụng 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo quy định tại điểm s, t khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

- Bị cáo Sèo Văn S bị bắt giữ qua lời khai của các bị cáo Lò Văn S và U, đã thành khẩn khai nhận tội; gia đình bị cáo hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, bị cáo là lao động chính duy nhất tạo ra thu nhập cho gia đình, bản thân bị cáo phải nuôi mẹ già bệnh tật và em trai khuyết tật. Nên được xem xét áp dụng là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

- Xét nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy: Đối tượng được pháp luật bảo vệ của loại tội này được quy định tại các Nghị định của chính phủ, trong khi các bị cáo là những người dân tộc thiểu số (Khơ Mú); sống ở vùng sâu, vùng xa của một huyện miền núi khó khăn, ít có điều kiện tiếp cận với loại hình văn bản này. Ngoài ra để phân biệt rắn Hổ chúa với các loại rắn khác trên thực tế cũng đòi hỏi người dân phải có một kiến thức nhất định. Do vậy cần xem xét áp dụng là tình tiết giảm nhẹ thứ 3, theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, đối với cả 03 bị cáo.

Từ những đánh giá, phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy: Các bị cáo đều có nhiều tình tiết giảm nhẹ; cùng là những người đàn ông trong gia đình trực tiếp lao động, sản xuất; nếu bắt đi chấp hành án phạt tù sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống bình thường của vợ, con các bị cáo; tại phiên tòa các bị cáo cùng có thái độ ăn năn hối lỗi; cả 03 bị cáo còn được Ban quản lý bản cùng các tổ chức đoàn thể nơi cư trú có đơn đề Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân xem xét giảm nhẹ hình phạt. Do vậy không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra ngoài xã hội mà cho các bị cáo được cải tạo tại địa phương bằng việc cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách, thể hiện tính khoan hồng của pháp luật mà vẫn đảm bảo được mục đích của hình phạt, theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự.

[7] Các bị cáo đang bị tạm giam. Được trả tự do ngay tại phiên tòa, nếu không bị tạm giam về tội phạm khác.

[8] Đối với hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 4 Điều 244 Bộ luật hình sự. Căn cứ vào biên bản xác minh xác định các bị cáo đều không có tài sản để thi hành. Do vậy Hội đồng xét xử không áp dụng.

[9] Xử lý vật chứng:

- Đối với cá thể rắn Hổ chúa đã bị chết trên đường mang đi giám định. Do vậy chấp nhận việc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam giữ lại để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

- Đối với vật chứng gồm: 01 bao tải dứa màu trắng; 01 khúc cây dài 30cm, một đầu khúc cây có 02 nhánh là công cụ các bị cáo sử dụng liên quan đến hành vi phạm tội. Cần áp dụng điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; để tuyên tịch thu tiêu hủy.

- Đối với vật chứng là chiếc xe mô tô nhãn hiệu HONDA Winer X, BKS:

26F1-13259, bị cáo Lò Văn U sử dụng làm phương tiện chở các thể rắn đi tiêu thụ. Kết quả điều tra chiếc xe thuộc tài sản chung của bị cáo với vợ là chị Cầm Thị H. Chị H không biết việc bị cáo sử dụng xe vào việc phạm tội do vậy không có lỗi, nên cần áp dụng điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; để tuyên trả lại cho người có quyền lợi liên quan Cầm Thị H.

[10] Đối với giao dịch mua bán cá thể rắn Hổ chúa giữa bị cáo Lò Văn S + Sèo Văn S với bị cáo U và thỏa thuận giữa bị cáo U với bị cáo Lò Văn S về tiền công bị cáo U phải trả cho bị cáo lò Văn S nếu như bán được rắn. Hội đồng xét xử xét thấy do đối tượng giao dịch (Cá thể rắn Hổ chúa) là vật nhà nước cấm săn, bắn, mua, bán … nên các giao dịch nêu trên là trái pháp luật bị vô hiệu. Ngoài ra trên thực tế cũng chưa có bị cáo nào giao hay nhận tiền của nhau. Do vậy tại phiên tòa không đặt ra vấn đề giải quyết.

[11] Về án phí: Bị cáo Sèo Văn S là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các bị cáo Lò Văn S và Lò Văn U thuộc hộ nghèo, theo quy định của Chính phủ; Nên cùng được miễn nộp án phí hình sự sơ thẩm, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[12] Bị cáo được quyền kháng cáo bản án, theo quy định tại các Điều 331, 333 Bộ luật tố tụng hình sự;

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Về tội danh và hình phạt:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 244; các điểm s, t khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51; Điều 58 và Điều 65 Bộ luật hình sự;

- Tuyên bố các bị cáo Lò Văn S và Lò Văn U phạm tội: Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

- Xử phạt bị cáo Lò Văn S 18 (Mười tám) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách đối với bị cáo là 36 (Ba mươi sáu) tháng tính từ ngày tuyên án (17/8/2022).

- Xử phạt bị cáo Lò Văn U 14 (Mười bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách đối với bị cáo là 28 (Hai mươi tám) tháng tính từ ngày tuyên án (17/8/2022).

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51; Điều 58 và Điều 65 Bộ luật hình sự;

- Tuyên bố bị cáo Sèo Văn S phạm tội: Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

- Xử phạt bị cáo Sèo Văn S 16 (Mười sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách đối với bị cáo là 32 (Ba mươi hai) tháng tính từ ngày tuyên án (17/8/2022).

Căn cứ khoản 4 Điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự;

- Tuyên trả tự do cho các bị cáo Lò Văn S, Sèo Văn S và Lò Văn U ngay khi kết thúc phiên tòa, nếu như các bị cáo không bị tạm giam về tội phạm khác.

Giao các bị cáo Lò Văn S, Sèo Văn S và Lò Văn U cho UBND xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 của Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định của Điều 56 của Bộ luật hình sự.

2. Xử lý vật chứng:

Căn cứ điểm a khoản 2, điểm b khoản 3 Điều Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự;

- Tuyên tịch thu tiêu huỷ:

+ 01 bao tải dứa màu trắng, đã cũ qua sử dụng;

+ 01 khúc cây dài 30cm, một đầu khúc cây có 02 nhánh (nhánh to dài 05cm, nhánh nhỏ dài 04cm) trên khúc cây có 01 đoạn dây dứa màu hồng.

- Tuyên trả lại cho người có quyền lợi liên quan Cầm Thị H 01 xe mô tô nhãn hiệu Honda Winner X màu đỏ - đen, biển kiểm soát 26F1-132.59, số khung 708LX114700, số máy KL34F1197020, xe đã cũ qua sử dụng.

3. Về Án phí: Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Miễn cho các bị cáo Lò Văn S, Sèo Văn S và Lò Văn U không phải nộp án phí hình sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo:

Căn cứ các Điều 331, 333 Bộ luật tố tụng hình sự;

Báo cho các bị cáo và người có quyền lợi liên quan biết quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án (17/8/2022)./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

542
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 46/2022/HSST

Số hiệu:46/2022/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Sốp Cộp - Sơn La
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:17/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về