Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 33/2021/HSST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NGỌC HỒI, TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 33/2021/HSST NGÀY 12/08/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 12 tháng 8 năm 2021 tại Hội trường xét xử Toà án nhân dân huyện Ngọc Hồi, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 32/2021/TLST-HS ngày 01 tháng 6 năm 2021, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 34/2021/QĐXXST-HS ngày 29 tháng 7 năm 2021, đối với bị cáo:

Họ tên: Đoàn Bá D; Tên gọi khác: Không, Sinh năm 1995. Tại H. Hộ khẩu thường trú: Tổ dân phố 6, TT P, huyện N, tỉnh K. Quốc tịch: Việt Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Nghề nghiệp: Buôn bán. Trình độ học vấn: 10/12. Họ và tên cha: Đoàn Bá H, sinh 1962. Họ và tên mẹ: Nguyễn Thị K, sinh 1965. Hiện đang sinh sống và làm nông tại: Tổ dân phố 6, TT P, huyện N, tỉnh K. Bị cáo là con thứ ba trong gia đình có 03 anh em. Vợ: Hoàng Thị Đ, sinh 1994. Chỗ ở: Tổ dân phố 6, TT P, huyện N, tỉnh K. Bị cáo có 02 con. Lớn nhất sinh năm: 2015, nhỏ nhất sinh năm: 2020.

Tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

Hoàng Thị Đ; Trú tại: Tổ dân phố 6 thị trấn P, huyện N, tỉnh K. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Đoàn Bá D làm nghề buôn bán rau tại chợ thị trấn P, huyện N. Thời gian rảnh rỗi D lên mạng xã hội Face book, Zalo thấy có nhiều người rao bán các sản phẩm, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý hiếm như: móng gấu, móng hổ, móng sư tử, ví da hổ, vòng tay ngà voi, nanh hổ, bàn chân báo, bàn chân gấu … nên nảy sinh ý định tìm mua các sản phẩm này về bán lại cho người khác kiếm lời. Khoảng tháng 01/2017, D sử dụng các tài khoản mạng xã hội của D gồm: tài khoản Facebook “T”, “D” “T”; tài khoản Zalo “Đoàn Thiên T”, “Móng Hàng R” để phục vụ việc mua bán, quảng cáo các sản phẩm, bộ phận cơ thể động vật nói trên. D tải các hình ảnh móng của loài gấu, sư tử, báo; các sản phẩm như ví da báo, nanh sư tử, dây chuyền, trang sức làm từ móng các loài động vật rừng, các bộ phận cơ thể động vật như bàn chân gấu, chân báo từ mạng xã hội sau đó đăng tải lên các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo của D. Mục đích để tìm kiếm người mua các sản phẩm này. D không đặt mua các sản phẩm nói trên mang về để trong nhà nhưng dự định khi có ai đặt mua thì Duy sẽ liên lạc với người đăng bán để mua và bán lại kiếm lời. D chưa bán được cho ai sản phẩm, bộ phận cơ thể động vật nào bằng hình thức nói trên.

Khoảng tháng 6/2020, D đặt mua qua mạng xã hội và mua được của một người không quen biết 15 móng gấu màu đen giá 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) và 05 móng sư tử màu trắng giá 2.000.000 đồng (hai triệu đồng). D mang về cất giấu trong tủ lạnh tại nhà D ở số 91 đường T, tổ dân phố 6, thị trấn P, huyện N. Khoảng tháng 9/2020, có một người không rõ lai lịch đến nhà gặp D hỏi mua móng gấu. D đã bán được cho người này 03 móng gấu màu đen, giá 1.500.000 đồng (Một triệu năm trăm nghìn đồng). Số móng còn lại gồm 12 móng gấu và 05 móng sư tử, D cất giấu trong tủ lạnh nhà D. Đến khoảng 21 giờ 25 ngày 23/11/2020 thì bị Công an huyện N kiểm tra. D đã thành khẩn khai nhận và tự nguyện giao nộp toàn bộ số móng động vật trên.

Ngày 02/12/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ngọc Hồi ra Quyết định trưng cầu giám định số 148, trưng cầu Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam giám định vật chứng là các móng động vật đã thu giữ được của Đoàn Bá D.

Tại kết luận giám định số 102/STTNSV, ngày 27/01/2021 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận:

- 11 (mười một) móng động vật ký hiệu lần lượt từ 1 đến 11 là móng của loài gấu chó, (có tên khoa học là Helarctos malayanus).

- 01 (một) móng động vật ký hiệu 12 là móng của loài gấu ngựa, (có tên khoa học là Ursus thibetanus).

- 05 (năm) móng động vật ký hiệu lần lượt từ 13 đến 17 là móng của loài sư tử, (có tên khoa học là Panthera leo).

Loài Gấu chó và loài Gấu ngựa thuộc Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Loài gấu chó và Loài Gấu ngựa có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES.

Loài sư tử có tên trong Phụ lục II, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES.

Về vật chứng liên quan đến vụ án: Cơ quan CSĐT đã tạm giữ:

- 01 (một) bì thư chứa mẫu vật sau khi giám định được niêm phong, mặt trước có ghi chữ: “VIỆN SINH THÁI VÀ TÀI NGUYÊN SINH VẬT”, có dán niêm phong, có chữ ký của người tham gia đóng niêm phong và dấu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

- 01 (một) thước kẹp bằng nhựa màu trắng, một mặt có chia kích thước và chữ “1/128in”.

- 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu OPPO, màu xanh – đen, số IMEI 1: 863880040745656; Số IMEI 2: 863880040745649, điện thoại đã qua sử dụng, không kiểm tra tình trạng bên trong. Được niêm phong bằng cách bỏ vào một phong bì bằng giấy, mặt trước có chữ “CÔNG AN TỈNH K – CÔNG AN HUYỆN N” và dán kín các mép hở, tại mép dán có chữ ký ghi họ tên của những người tham gia niêm phong và ba hình dấu tròn màu đỏ của Cơ quan CSĐT Công an huyện N, tỉnh K.

Bản cáo trạng số: 23/CT-VKS ngày 31/5/2021 của VKSND huyện Ngọc Hồi đã truy tố Đoàn Bá D phạm vào tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N thực hành quyền công tố vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo về tội danh, điều luật áp dụng như nội dung bản Cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng điểm b, khoản 1 Điều 244, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật hình sự đề nghị: Xử phạt: Đoàn Bá D từ 24 tháng đến 30 tháng tù. nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 48 đến 60 tháng , tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 12/8/2021) Giao bị cáo Đoàn Bá D cho Ủy ban nhân dân thị trấn P, huyện N, tỉnh K quản lý, giáo dục trong thời gian thử thách.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự:

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự truy thu số tiền 1.500.000đ mà bị cáo thu được từ việc bán móng gấu.

Về vật chứng: Tịch thu tiêu hủy - 01 (một) bì thư chứa mẫu vật sau khi giám định được niêm phong, mặt trước có ghi chữ: “VIỆN SINH THÁI VÀ TÀI NGUYÊN SINH VẬT”, có dán niêm phong, có chữ ký của người tham gia đóng niêm phong và dấu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

- 01 (một) thước kẹp bằng nhựa màu trắng, một mặt có chia kích thước và chữ “1/128in”.

Tịch thu sung quỹ - 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu OPPO, màu xanh – đen, số IMEI 1: 863880040745656; Số IMEI 2: 863880040745649, điện thoại đã qua sử dụng, không kiểm tra tình trạng bên trong. Được niêm phong bằng cách bỏ vào một phong bì bằng giấy, mặt trước có chữ “CÔNG AN TỈNH KON TUM – CÔNG AN HUYỆN NGỌC HỒI” và dán kín các mép hở, tại mép dán có chữ ký ghi họ tên của những người tham gia niêm phong và ba hình dấu tròn màu đỏ của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Về án phí: Bị cáo phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm.

Ý kiến của bị cáo: Nhất trí như nội dung bản cáo trạng và lời luận tội của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Hồi truy tố bị cáo là đúng tội, đúng người, không có tranh luận gì thêm.

Lời nói sau cùng của bị cáo: Bị cáo thấy việc mình làm sai, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng: Cơ quan điều tra Công an huyện Ngọc Hồi, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Hồi, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi cấu thành tội phạm: Quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa, bị cáo Đoàn Bá D đã khai nhận rõ toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai của bị cáo phù hợp với các tình tiết khách quan đã được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ngọc Hồi thu thập có tại hồ sơ vụ án, đúng với hành vi phạm tội của bị cáo đã được thể hiện tại bản cáo trạng số: 23/CT-VKS ngày 31/5/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Hồi được thẩm tra công khai tại phiên tòa hôm nay, do đó có đủ căn cứ kết luận: Đoàn Bá D lên mạng xã hội Face book, Zalo thấy có nhiều người rao bán các sản phẩm, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý hiếm như: móng gấu, móng hổ…nên nảy sinh ý định tìm mua các sản phẩm này về bán lại cho người khác kiếm lời. Khoảng tháng 6/2020, D đặt mua qua mạng xã hội của một người không quen biết 15 móng gấu màu đen giá 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) và 05 móng sư tử màu trắng giá 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng). D mang về cất giấu trong tủ lạnh tại nhà của mình. Khoảng tháng 9/2020, có một người không rõ lai lịch đến nhà gặp D hỏi mua móng gấu. Duy đã bán được cho người này 03 móng gấu màu đen, giá 1.500.000 đồng (Một triệu năm trăm nghìn đồng). Số móng còn lại gồm 12 móng gấu và 05 móng sư tử, D cất giấu trong tủ lạnh nhà Duy. Đến khoảng 21 giờ 25 ngày 23/11/2020 thì bị Công an huyện Ngọc Hồi kiểm tra. D đã thành khẩn khai nhận và tự nguyện giao nộp toàn bộ số móng động vật trên.

Tại kết luận giám định số 102/STTNSV, ngày 27/01/2021 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận:

- 11 (mười một) móng là móng của loài gấu chó, có tên khoa học là Helarctos malayanus.

- 01 (một) móng là móng của loài gấu ngựa, có tên khoa học là Ursus thibetanus.

- 05 (năm) móng là móng của loài sư tử, có tên khoa học là Panthera leo. Loài Gấu chó và loài Gấu ngựa thuộc Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Loài gấu chó và Loài Gấu ngựa có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES.

Loài sư tử có tên trong Phụ lục II, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES. Xét hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, hành vi của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm vào các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường sinh thái, cụ thể là xâm phạm vào các quy định của nhà nước trong việc bảo vệ sự cân bằng sinh thái đa dạng, sinh học của các loài động vật hoang dã, quý hiếm trong môi trường sinh thái. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự.

[3] Về tình tiết định khung hình phạt: Hành vi của bị cáo không vi phạm các tình tiết định khung tăng nặng khác nên chỉ xét xử bị cáo trong vụ án theo điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự.

[4] Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với các bị cáo:

- Về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Không - Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra, truy tố bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải . Khi bị cơ quan công an đến kiểm tra nhà ở thì bị cáo đã tự giác giao nộp tang vật chứng, tạo điều kiện để cơ quan điều tra sớm điều tra vụ án. Đây là những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Ngoài ra bản thân bị cáo là lao động chính trong gia đình, có ông Nội là người có công với cách mạng được chính quyền địa phương xác nhận, nên cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 điều 51 Bộ luật hình sự. Vì vậy, khi quyết định hình phạt cần xem xét áp dụng cho bị cáo, để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật, mà tích cực học tập cải tạo trở thành người công dân tốt.

[5] Về hình phạt: Sau khi xem xét, tính chất, mức độ, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy không cần phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, cũng đủ để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật mà tích cực cải tạo trở thành công dân tốt.

Xét về hình phạt bổ sung, xét thấy, hoàn cảnh kinh tế của bị cáo khó khăn, thu nhập không ổn định, Vì vậy, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 46, điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự truy thu nộp ngân sách nhà nước số tiền 1.500.000đ (Một triệu năm trăm ngàn) mà bị cáo thu lợi được từ việc bán 3 móng móng gấu cho người khác.

[6] Về trách nhiệm dân sự. Không xem xét [7] Về xử lý vật chứng: Tịch thu tiêu hủy - 01 (một) bì thư chứa mẫu vật sau khi giám định được niêm phong, mặt trước có ghi chữ: “VIỆN SINH THÁI VÀ TÀI NGUYÊN SINH VẬT”, có dán niêm phong, có chữ ký của người tham gia đóng niêm phong và dấu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

- 01 (một) thước kẹp bằng nhựa màu trắng, một mặt có chia kích thước và chữ “1/128in”.

Tịch thu sung quỹ - 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu OPPO, màu xanh – đen, số IMEI 1: 863880040745656; Số IMEI 2: 863880040745649, điện thoại đã qua sử dụng, không kiểm tra tình trạng bên trong. Được niêm phong bằng cách bỏ vào một phong bì bằng giấy, mặt trước có chữ “CÔNG AN TỈNH KON TUM – CÔNG AN HUYỆN NGỌC HỒI” và dán kín các mép hở, tại mép dán có chữ ký ghi họ tên của những người tham gia niêm phong và ba hình dấu tròn màu đỏ của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. (Theo biên bản giao nhận vật chứng giữa Công an huyện Ngọc Hồi và Chi cục thi hành án dân sự huyện Ngọc Hồi ngày 02/6/2021).

[8] Về các vấn đề khác trong vụ án:

- Ngoài hành vi tàng trữ, mua bán 12 móng Gấu chó và Gấu ngựa (thuộc Danh mục I, các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) của bị cáo Đoàn Bá D đã bị khởi tố, thì bị cáo D còn có hành vi tàng trữ, mua bán 05 móng Sư tử (thuộc Danh mục II, các loài động vật hoang dã nguy cấp). Căn cứ Công văn số 01/CV-HĐĐG ngày 05/5/2021 của Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự huyện N thì 05 móng Sư tử nói trên không có cơ sở để định giá tài sản. Căn cứ vào lời khai của bị cáo D thì bị cáo đã mua 05 móng Sư tử này với giá 2.000.000 đồng (hai triệu đồng). Hành vi trên chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, hành vi này đã vi phạm vào điểm b, khoản 1, Điều 23, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP, ngày 25/4/2019 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Công an huyện Ngọc Hồi đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt là 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) đối với Đoàn Bá D về hành vi nói trên.

- Đối với chị Hoàng Thị Đ vợ của bị cáo D. Kết quả điều tra đã xác định chị Đ không biết rõ việc mua bán các móng động vật nguy cấp, quý hiếm của bị cáo diễn ra như thế nào. Không giúp sức cho Duy thực hiện hành vi cất giấu, mua bán các móng động vật này. Do đó, không đủ căn cứ để xác định chị Đ đồng phạm với bị cáo D trong vụ án này.

- Đối với đối tượng đã bán các móng động vật cho D: Quá trình điều tra, bị cáo khai nhận việc trao đổi, mua bán các móng động vật diễn ra qua mạng xã hội. bị cáo không biết rõ nhân thân lai lịch của đối tượng này và chưa gặp đối tượng này lần nào. Do đó, Cơ quan điều tra chưa có cơ sở để tiến hành xác minh về đối tượng này. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý sau.

- Đối với đối tượng đã mua 03 (ba) móng động vật của bị cáo D: Quá trình điều tra, bị cáo D khai nhận việc trao đổi, mua bán các móng động vật diễn ra đã lâu. D không biết rõ nhân thân lai lịch của đối tượng này, không nhớ rõ đặc điểm phương tiện đối tượng sử dụng khi đến mua móng động vật. Do đó, Cơ quan điều tra chưa có cơ sở để tiến hành xác minh về đối tượng này. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý sau.

[9] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự, sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Áp dụng: Điểm b, khoản 1 Điều 244, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật hình sự;

- Tuyên bố: Bị cáo Đoàn Bá D phạm tội:’ “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” Xử phạt bị cáo Đoàn Bá D 24 (Hai mươi bốn) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 (Bốn mươi tám) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 12/8/2021). Giao bị cáo Đoàn Bá D cho Ủy ban nhân dân thị trấn P, huyện N, tỉnh K quản lý, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định điều tại 92 của Luật thi hành án hình sự năm 2019.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên, Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

[2]. Về trách nhiện dân sự: Không xem xét.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 46, điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự truy thu nộp ngân sách nhà nước số tiền 1.500.000đ (Một triệu năm trăm ngàn) mà bị cáo thu lợi được từ việc bán 3 móng móng gấu cho người khác.

[3] Về xử lý vật chứng: Áp dụng khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự Tịch thu tiêu hủy - 01 (một) bì thư chứa mẫu vật sau khi giám định được niêm phong, mặt trước có ghi chữ: “VIỆN SINH THÁI VÀ TÀI NGUYÊN SINH VẬT”, có dán niêm phong, có chữ ký của người tham gia đóng niêm phong và dấu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

- 01 (một) thước kẹp bằng nhựa màu trắng, một mặt có chia kích thước và chữ “1/128in”.

Tịch thu sung quỹ - 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu OPPO, màu xanh – đen, số IMEI 1: 863880040745656; Số IMEI 2: 863880040745649, điện thoại đã qua sử dụng, không kiểm tra tình trạng bên trong. Được niêm phong bằng cách bỏ vào một phong bì bằng giấy, mặt trước có chữ “CÔNG AN TỈNH KON TUM – CÔNG AN HUYỆN NGỌC HỒI” và dán kín các mép hở, tại mép dán có chữ ký ghi họ tên của những người tham gia niêm phong và ba hình dấu tròn màu đỏ của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

(Theo biên bản giao nhận vật chứng giữa Công an huyện Ngọc Hồi và Chi cục thi hành án dân sự huyện Ngọc Hồi ngày 02/6/2021).

[4] Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; Khoản 1 Điều 21, Điều 23 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội và kèm theo danh mục mức án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo Đoàn Bá Duy phải chịu 200.000đ (Hai trăm ngàn) tiền án phí hình sự sơ thẩm.

[5]. Căn cứ Điều 331, 333 Bộ luật Tố tụng hình sự: Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 12/ 8/ 2021) bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án để xin xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1035
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 33/2021/HSST

Số hiệu:33/2021/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ngọc Hồi - Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/08/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về