Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 30/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

BẢN ÁN 30/2022/HS-PT NGÀY 10/06/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Trong các ngày 08 và 10 tháng 6 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông mở phiên toà xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 20/2022/TLPT-HS ngày 21 tháng 4 năm 2022 đối với các bị cáo Triệu Tiến P và Phùng Danh M, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 11/2022/HS-ST ngày 17-3-2022 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Triệu Tiến P, sinh năm 1997 tại tỉnh Đắk Lắk; nơi cư trú: Bon B, xã Q, huyện T, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 9/12; quốc tịch: Việt Nam; giới tính: nam; dân tộc: Dao; tôn giáo: không; con ông Triệu Sáng H, sinh năm 1967 và bà Lý Thị H, sinh năm 1972; chưa có vợ, con; bị bắt tạm giữ từ ngày 22-9-2021 đến ngày 01-10-2021, tại ngoại - Có mặt.

2. Phùng Danh M, sinh năm 1999 tại tỉnh An Giang; nơi cư trú: Bon Đ, xã Q, huyện T, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 8/12; quốc tịch: Việt Nam; giới tính: nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; con ông Phùng Danh Q, sinh năm 1965 và bà Đoàn Thị N, sinh năm 1978; có vợ là Đặng Mùi N, sinh năm 2003 và 01 con, sinh năm 2020; bị bắt tạm giữ từ ngày 22-9-2021 đến ngày 01-10-2021, tại ngoại - Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Triệu Tiến P: Ông Nguyễn Văn H, Luật sư Văn phòng luật sư Nguyễn Thiên H thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đắk Nông; địa chỉ: Đường N, tổ dân phố 2, phường N, thành phố G, tỉnh Đắk Nông - Có mặt, tuy nhiên khi tuyên án vắng mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Phùng Danh M: Ông Bùi Quang T và ông Huỳnh Đ, Luật sư Văn phòng luật sư H thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đắk Nông; địa chỉ: Số 21, đường R, tổ dân phố 2, phường N, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông - Ông Đ có mặt, ông T vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 08 giờ ngày 21-9-2021, Phùng Danh M đến nhà Triệu Tiến P chơi. Tại đây, P rủ M đi săn bắt thú rừng thì M đồng ý. Triệu Tiến P chở Phùng Danh M đến nhà Phan Văn T; địa chỉ: Bon B, xã Q, huyện T mượn 01 khẩu súng PCP, màu đen và khoảng 20 viên đạn chì. Sau đó, cả hai về nhà P cất xe, rồi đi bộ vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn do Trung đoàn W quản lý để săn thú rừng.

Quá trình đi săn thì cả hai phát hiện một cá thể Voọc có lông màu xám, đuôi màu trắng, P sử dụng súng bắn con Voọc. Sau khi con Voọc bị trúng đạn, rơi xuống đất; P và M bỏ con Voọc vào trong ba lô, mang theo trước đó, rồi đưa về nhà của P để làm thịt. M là người trực tiếp cột dây vào cổ và treo con Vọoc lên xà bếp, dùng dao lột da, cắt bốn chi con Voọc, treo lên tấm ván của tường nhà bếp và mổ lấy nội tạng, phần đầu giữ nguyên không lột da. Khi M đang làm thịt Voọc thì Triệu Tiến H (em trai P) cùng Đoàn Duy T (bạn của Triệu Tiến H) đi xuống nhà bếp thấy con Voọc đang treo nên lấy điện thoại ra chụp hình, rồi đăng lên mạng xã hội Facebook. M tiếp tục chặt đầu con Voọc bỏ dưới nền đất của nhà bếp, còn thịt của phần thân và nội tạng của con Voọc, M bỏ vào thau cất lên bếp. Sau đó, M đi về nhà và mang khẩu súng đem trả cho anh Phan Văn T. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, Triệu Thị Kiều A (em gái của P) đi làm về thấy có thịt đã làm sạch để ở nhà bếp nên chế biến thành thức ăn cho P, Triệu Tiến H, Đoàn Duy T và M nhậu.

Đến khoảng 10 giờ ngày 22-9-2021, khi Triệu Tiến P và Phùng Danh M đang ở nhà của P thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Đức phát hiện bắt quả tang về hành vi tàng trữ các bộ phận gồm: hai chi trước và hai chi sau dính liền da có lông màu xám, một bộ da của phần đuôi có lông màu trắng của cá thể Voọc chà vá chân đen tại khu vực nhà bếp của gia đình Triệu Tiến P.

Bản giám định động vật số: 814/STTNSV ngày 29-9-2021 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật kết luận:

- 05 mẫu động vật là chi trước, chi sau và đuôi của loài Voọc chà vá chân đen có tên khoa học Pygathrix nigripes. Loài chà vá chân đen thuộc nhóm Thú.

- Loài Voọc chà vá chân đen có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định số: 64/2019/NĐ-CP, ngày 16-7-2019 của Chính phủ).

Bản kết luận giám định số: 41/KLSĐ-PC09 ngày 21-10-2021 của Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh Đ kết luận: Khẩu súng gửi đến giám định là loại súng săn (súng hơi PCP), không phải là vũ khí quân dụng, súng sử dụng trong săn bắn.

Bản án sơ thẩm số: 11/2022/HS-ST ngày 17-3-2022 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức đã quyết định: Tuyên bố các bị cáo Triệu Tiến P và Phùng Danh M phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Áp dụng điểm g khoản 2 Điều 244; điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt các bị cáo Triệu Tiến P và Phùng Danh M mỗi bị cáo 05 năm tù. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo.

Ngày 22-3-2022, các bị cáo Triệu Tiến P và Phùng Danh M kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét có phạm tội hay không và nếu phạm tội thì xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Triệu Tiến P và Phùng Danh M không thừa nhận Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức xử phạt các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm g khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Hình sự và giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt và điều luật áp dụng.

Người bào chữa cho bị cáo Phùng Danh M trình bày luận cứ:

Về tố tụng: biên bản xác minh hiện trường và các quyết định giao đất cho Binh đoàn Q của UBND tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk cụ thể cho Trung đoàn W nhưng cấp sơ thẩm không đưa Trung đoàn W vào tham gia tố tụng là không đúng và nếu vậy thì đây là vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự.

Về nội dung: Khi M mượn súng thì M và P chỉ thỏa thuận đi bắn chim nhưng sau đó P đã bắn con voọc nên hành vi bắn con voọc của P vượt quá thỏa thuận ban đầu.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 355; Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bị cáo M, hủy bản án sơ thẩm.

Bị cáo M không tranh luận, bào chữa gì thêm và đồng ý với luận cứ bào chữa của Luật sư Huỳnh Đ đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử nếu xét thấy hành vi của bị cáo là có tội thì đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh gia đình của bị cáo để giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

Người bào chữa cho bị cáo Triệu Tiến P trình bày luận cứ: Thống nhất với quan điểm của người bào chữa cho bị cáo Phùng Danh M. Mặt khác, cấp sơ thẩm còn một số vi phạm như không đưa Trung đoàn W vào tham gia tố tụng vì đưa Trung đoàn W vào tham gia tố tụng thì các bị cáo bồi thường và được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Việc Trung đoàn W không yêu cầu bồi thường thiệt hại là không đúng quy định, các bị cáo bắn con voọc tại rừng do Trung đoàn W quản lý như vậy thẩm quyền điều tra, truy tố và xét xử thuộc thẩm quyền của cơ quan tố tụng quân sự.

Về nội dung: Lời khai của các bị cáo thực hiện hành vi dùng súng bắn con voọc là lỗi vô ý, bị cáo P là người dân tộc Dao nhận thức pháp luật hạn chế. Trong hồ sơ vụ án không thu thập được biển báo cấm săn bắn theo xác minh của cơ quan điều tra.

Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo P, hủy bản án sơ thẩm để chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng quân sự có thẩm quyền giải quyết.

Bị cáo P không tranh luận, bào chữa gì thêm và đồng ý với luận cứ bào chữa của Luật sư Nguyễn Văn H đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử nếu xét thấy hành vi của bị cáo là có tội thì đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Xét kháng cáo của các bị cáo Triệu Tiến P và Phùng Danh M kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét có phạm tội hay không, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Căn cứ vào Biên bản bắt người phạm tội quả tang ngày 22-9- 2021 (các bút lục số 61-62), Biên bản xác minh hiện trường, Biên bản xác minh (các bút lục số 97-98), Biên bản làm việc với Trung đoàn W ngày 12-11-2021 (bút lục số 101), Biên bản nhận dạng (các bút lục số 102-103 và 106-107), Bản tự khai và Biên bản ghi lời khai của các bị cáo có sự tham gia của Kiểm sát viên (các bút lục số 136-137, 138-140, 141-142, 146-151, 170-171, 175, 180-183) thì các bị cáo đều thừa nhận ngày 21-9-2021, các bị cáo dùng súng cùng đi săn thú rừng và phát hiện 01 con Voọc, sau đó bị cáo P dùng súng bắn thì thấy con Voọc di chuyển trên cành cây được khoảng 30m - 40m, các bị cáo đuổi theo và khi con Voọc chết bị cáo M nhặt bỏ vào ba lô mang về nhà bị cáo P làm thịt để nhậu. Lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra là phù hợp với các chứng cứ khác được thu thập có trong hồ sơ vụ án và đúng trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo M thay đổi lời khai cho rằng mượn súng chỉ nhằm mục đích đi bắn chim, việc bị cáo P bắn con voọc bị cáo không biết là không có căn cứ. Do đó, Bản án hình sự sơ thẩm số: 11/2022/HS-ST ngày 17-3-2022 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức đã kết án các bị cáo Triệu Tiến P và Phùng Danh M về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm g khoản 2 Điều 244 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không oan.

[2]. Xét luận cứ của các Luật sư cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo tại khu vực đất thuộc Trung đoàn W quản lý là đơn vị quân đội thuộc đất quốc phòng. Do đó, thuộc thẩm quyền của cơ quan tố tụng quân sự. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử thấy rằng: Theo quy định tại Pháp lệnh số: 32L/CTN ngày 19-5-1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh, cụ thể như sau: Điều 2. Công trình quốc phòng là các công trình được xây dựng, các địa hình và địa vật tự nhiên được cải tạo và xác định nhằm phục vụ mục đích phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc.

Khu quân sự là khu vực có giới hạn được xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự.”.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án thấy rằng Trung đoàn W trực thuộc Binh đoàn Q là đơn vị kinh tế quốc phòng và được UBND tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông giao đất và quản lý đất theo quy định của Luật Đất đai và khu vực này được xác định là rừng phòng hộ đầu nguồn không phải sử dụng vào mục đích quân sự. Do đó, hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Việc Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức xét xử sơ thẩm là đúng thẩm quyền.

Luận cứ bào chữa của các Luật sư cho rằng không đưa Trung đoàn W vào tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử xét thấy: Để xác định là tài sản có thuộc Trung đoàn W hay không căn cứ vào các quy định của pháp luật thì con voọc là động vật sống tự nhiên và trong quyết định giao đất chỉ có giao đất và cây rừng trên đất mà không giao các động vật trên đất. Mặt khác con voọc là động vật nguy cấp, quý, hiếm nằm trong danh mục được nhà nước, các tổ chức quốc tế bảo vệ mà Việt Nam tham gia ký kết, do đó trách nhiệm bảo tồn, bảo vệ các loại động vật này là của cơ quan nhà nước. Do vậy, luận cứ này của các Luật sư là không cần thiết.

[3]. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của các bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Trong vụ án này, mặc dù các bị cáo phạm tội không biết loài vật các bị cáo săn bắn thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, tại khu vực các bị cáo săn bắn đã có biển cấm các hành vi săn bắn nhưng các bị cáo vẫn cố tình thực hiện nên hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo vệ cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học của các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng mức hình phạt thấp nhất trong khung hình phạt là đã xem xét đầy đủ tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không cung cấp thêm tình tiết mới. Mặt khác, đối chiếu với các quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự, Nghị quyết số:02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 và Nghị quyết số: 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15-4-2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo thì các bị cáo không đủ điều kiện được hưởng án treo.

Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.

[4]. Xét quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông tại phiên tòa là có căn cứ nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận. Xét luận cứ bào chữa của các Luật sư là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận.

[5]. Về án phí: Do kháng cáo của các bị cáo Triệu Tiến P và Phùng Danh M không được chấp nhận nên các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[6]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Triệu Tiến P và Phùng Danh M, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 11/2022/HS-ST ngày 17-3-2022 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức về điều luật áp dụng và hình phạt.

1. Tuyên bố: Các bị cáo Triệu Tiến P và Phùng Danh M phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Áp dụng điểm g khoản 2 Điều 244; điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự:

1.1. Xử phạt Triệu Tiến P 05 (Năm) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian bị bắt tạm giữ từ ngày 22-9-2021 đến ngày 01-10-2021.

1.2. Xử phạt Phùng Danh M 05 (Năm) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian bị bắt tạm giữ từ ngày 22-9- 2021 đến ngày 01-10-2021.

2. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; áp dụng điểm b khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án: Buộc các bị cáo Triệu Tiến P và Phùng Danh M mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

597
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 30/2022/HS-PT

Số hiệu:30/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Nông
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:10/06/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về