Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm số 28/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NGỌC HỒI, TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 28/2022/HS-ST NGÀY 13/07/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ HIẾM

Hôm nay, ngày 13 tháng 7 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 28/2022/TLST- HS ngày 29 tháng 4 năm 2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 25/2022/QĐXXST-HS ngày 29 tháng 6 năm 2022, đối với bị cáo:

- Huỳnh Xuân Tr; tên gọi khác: Không; sinh ngày 15 tháng 7 năm 1977; nơi sinh: huyện Tây Sơn, tỉnh B Định; nơi cư trú (Chỗ ở hiện nay): Thôn 2, xã A, thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ văn hóa (Học vấn): lớp 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Huỳnh Xuân B và bà Đoàn Thị Th, hiện nay cha, mẹ của bị cáo cư trú tại: Thôn 2, xã A, thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai; vợ là Nguyễn Thị H, có 03 con, con nhỏ nhất sinh năm 2002; vợ, con của bị cáo hiện cư trú tại: Thôn 2, xã A, thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai.

Tiền án: Không; tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ từ ngày 15/01/2022 đến ngày 24/01/2022 được tại ngoại, ngày 13 tháng 7 năm 2022 (Có mặt tại phiên tòa).

Bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum.

Truy tố về tội: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”, theo điểm a, i khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.

Người tham gia tố tụng;

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

+ Công ty cổ phần H; mã số doanh nghiệp: 5900704086; đăng ký thay đổi lần thứ 3: Ngày 31/10/2014; địa chỉ: 15 T, phường P, TP. Plei Ku, tỉnh Gia Lai; người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Nhân B; địa chỉ: Tổ 6, phường T, TP. Plei Ku, tỉnh Gia Lai; giấy ủy quyền đề ngày 25/01/2022, (Vắng mặt tại phiên tòa có lý do).

- Những người làm chứng;

+ Nguyễn Đức H; ngày, tháng, năm sinh 11/6/1973; nơi cư trú: Hẻm 42/3, đường L, TP. Plei Ku, tỉnh Gia Lai, (Vắng mặt tại phiên tòa có lý do).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 01/7/2021, Huỳnh Xuân Tr ký hợp đồng lao động số:

20/HĐLĐ/CTHM với Công ty cổ phần H, làm công việc lái xe. Theo sự phân công của công ty, Tr được giao điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS số: 81C- X, kéo theo rơ móc BKS số: 81R-X để vận chuyển hàng hóa, theo giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được sở Giao Thông Vận Tải tỉnh Gia Lai cấp ngày 22/3/2016. Thực hiện nhiệm vụ công ty giao, Tr thường xuyên đều khiển xe ô tô đầu kéo và rơ móc chở vật tư, hàng hóa từ Việt Nam sang nước Lào để phục vụ sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và chở các sản phẩm, hàng hóa, sản xuất, kinh doanh được của Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai từ nước Lào về Việt Nam.

Khoảng 09 giờ 00 phút, ngày 14/01/2022 Huỳnh Xuân Tr nhận nhiệm vụ của công ty, nhận bàn giao xe ô tô đầu kéo BKS số: 81C-X, kéo theo rơ móc BKS số: 81R-X chở container tại khu vực km 31, nơi có quán bán nước giải khát, chủ quán là người Việt Nam, thuộc địa phận huyện Mường Cầu, tỉnh A Ta Pư, nước CHDCND Lào để chở buồng quả Chuối về cửa khẩu quốc tế Bờ Y phía bên đất Việt Nam, bàn giao xe đầu kéo và xe rơ móc cho tài xế khác, điều khiển xe trên đất Việt Nam đến nơi nhận buồng quả Chuối để xuất khẩu. Lúc này Tr nhận được cuộc gọi điện thoại (Sim nghe và sim gọi đều của nước Lào) của người nói tiếng Việt, đang ở bên nước Lào; hỏi Tr, nhờ Tr chở ít hàng về Việt Nam. Tr hỏi, chở hàng gì? Chở cho ai? Họ ở đâu? Người đó nói: “Chở Tê tê, nhím, rùa…”, “Chở cho anh Đông ở huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum”. Tr lại nói: “Xe chở container nên không có chỗ để hàng”, người kia nói: “Để tôi kiếm mấy tấm ván ghép vào khung gầm xe rơ móc thành hộc để hàng”; Tr đồng ý. Tr nói “Xe đang đỗ gần quán nước, tại khu vực km 31, thuộc huyện Mường Cầu, tỉnh A Ta Pư”; khoảng 01 giờ 00 phút sau có một xe ô tô bán tải không gắn biển số, đi đến chỗ Tr đỗ xe; trên xe có 03 người đàn ông, đeo khẩu trang xuống xe, 01 người nói tiếng Việt Nam, 02 người nói tiếng Lào; người nói tiến Việt, hỏi Tr “Có phải xe chở đồ cho anh Đông không”, Tr nói “Đúng”. Trên xe bán tải, họ chở 4 tấm ván gỗ, dạng ván gỡ ra từ vách nhà; họ lấy xuống và ghép vào mặt dưới của khung gầm xe rơ móc, tạo thành mặt đáy, kết hợp với 4 hộp sắt khung gầm xe rơ móc thành một ngăn chứa đồ. Tạo được chỗ để hàng xong, người nói tiếng Việt Nam, nói (Tr xem hàng trên thùng xe bán tải), Tr thấy, các đồ vật, gồm: 04 túi cước màu xanh trong có thú rừng (Loại túi đan hở để thoáng khí, miệng túi buộc túm lại); 02 túi nilông màu đen có chứa thịt thú rừng; 02 bao PE màu xanh, buộc miệng bao, trong có chứa thú rừng. Người đàn ông nói tiếng Việt Nam và Tr thống nhất: 02 túi ni lông màu đen có chứa 02 con Chồn đã chết và thịt heo (Lợn) rừng thì bỏ cốp bên phụ của xe ô tô đầu kéo; số hàng còn lại bỏ vào ngăn chứa đồ mới làm xong tại gầm xe rơ móc. Xong việc mọi người cùng vào quán nước uống nước; người nói tiếng Việt Nam lấy số điện thoại Việt Nam của Tr và hai bên thống nhất thỏa thuận: “Xe về gần đến thị trấn huyện Ngọc Hồi sẽ nhắn số của Đông cho Tr, Tr điện thoại, Đông nhận hàng và trả tiền cước vận chuyển 2.000.000 đồng”. Sau đó Tr điều khiển xe đầu kéo và xe rơ móc về Việt nam, khoảng 16 giờ 00 phút cùng ngày, Tr về đến km số 0 - Cửa khẩu quốc tế Pờ Y; tại vị trí này Công ty H có xây dựng điểm dừng chân, nghỉ ngơi cho người của công ty. Tr đỗ xe, vào điểm dừng chân, nghỉ ngơi, nấu ăn, chờ đến lượt mình làm thủ tục thông quan, giao xe, đổi tài. Sợ bị phát hiện việc chở động vật cấm, Tr nhờ Nguyễn Đức H (Cùng là lái xe của công ty như Tr) điều khiển xe thông quan đi sang đất Việt Nam, khi H điều khiển xe đến Brie số 1 (Thuộc lãnh thổ Việt Nam) thì lực lượng chức năng của cửa khẩu, kiểm tra bắt giữ số động vật rừng Tr chở trên xe. Khi biết tin số động vật rừng bị bắt giữ, Tr tháo sim điện thoại đã liên lạc nhận chở động vật rừng ra bỏ vào túi quần và xóa các dữ liệu liên quan trong điện thoại NOKIA. Đến khi bị mời làm việc Tr đã nộp các giấy tờ, đồ vật liên quan cho cơ quan chức năng, riêng sim điện thoại rơi mất khi nào Tr không biết.

Huỳnh Xuân Tr đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình; Tr công nhận đã vận chuyển các thể động vật rừng và các bộ phận cơ thể động vật rừng từ nước Lào về Việt Nam, đúng như trong Kết luận giám định tư pháp về động vật rừng, ngày 18/01/2022 của Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Kon Tum và Kết luận về việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự số: 334/BB-HĐĐG ngày 15/02/2022 của Hội đồng định giá huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum; các thể động vật rừng và các bộ phận cơ thể động vật rừng gồm:

- 02 cá thể động vật rừng (Còn sống): Là con Cầy Vòi Hương, tổng trọng lượng 04 kg, giá trị là 5.333.332 đồng; tên khoa học (Paradoxurus hermaphroditus) thuộc lớp thú (Mammalia) Bộ ăn thịt (Carnivora), không thuộc loại động vật nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ theo danh mục động, thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 Nghị định của Chính phủ; mà thuộc loại động vật theo danh mục động, thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 Nghị định của Chính phủ;

- 02 cá thể động vật rừng (Đã chết): Là con Cầy Vòi Hương, tổng trọng lượng 05 kg, giá trị là 2.166.665 đồng; tên khoa học (Paradoxurus hermaphroditus) thuộc lớp thú (Mammalia) Bộ ăn thịt (Carnivora), không thuộc loại động vật nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ theo danh mục động, thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 Nghị định của Chính phủ; mà thuộc loại động vật theo danh mục động, thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 Nghị định của Chính phủ;

- 03 cá thể động vật rừng là con Nhím (Còn sống), tổng trọng lượng 9,5 kg, giá trị là 7.600.000 đồng; tên khoa học (Atherurus macrourus) họ nhà Nhím, động vật rừng thông thường, không thuộc loại động vật nguy cấp, quy hiếm được bảo vệ theo danh mục động, thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019, Nghị định của Chính phủ.

- 03 bộ phận cơ thể động vật rừng (Thịt Lợn rừng); trọng lượng 28 kg; gía trị 4.813.312 đồng, là động vật rừng thông thường, không thuộc loại động vật nguy cấp, quy hiếm được bảo vệ theo danh mục động, thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019, Nghị định của Chính phủ.

- 01 cá thể động vật rừng là con Cua Đinh (Ba ba) còn sống; trọng lượng 10 kg, giá trị là 5.166.660 đồng; không thuộc loại động vật nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ theo danh mục động, thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ- CP ngày 16/7/2019 Nghị định của Chính phủ; mà thuộc loại động vật thuộc nhóm IIB theo danh mục động, thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 Nghị định của Chính phủ;

- 01 cá thể động vật là con Tê tê Java, (Còn sống); tên khoa học (Manis javanica) thuộc lớp thú (Manmalia) bộ Tê tê (Pholidota) là động vật rừng, thuộc loại động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo danh mục động, thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019, Nghị định của Chính phủ sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, Nghị định của Chính phủ; là động vật thuộc nhóm IB theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019, Nghị định của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

- 06 cá thể động vật rừng là con Rùa đầu to (Còn sống); tên khoa học (Pletysternidae), bộ Rùa (Testudines), lớp bò sát (Reptilia) là động vật rừng, thuộc loại động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo danh mục động, thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019, Nghị định của Chính phủ; thuộc nhóm IB theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019, Nghị định của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

- 04 cá thể động vật rừng là con Rùa đầu to (Còn sống); tên khoa học (Pletysternidae), bộ Rùa (Testudines), lớp bò sát (Reptilia) là động vật rừng, thuộc loại động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo danh mục động, thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019, Nghị định của Chính phủ; thuộc nhóm IB theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019, Nghị định của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

Bản Cáo trạng số: 19/CT-VKS-NH ngày 27-4-2022 của Viện kiểm sát nhân huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum đã truy tố bị cáo Huỳnh Xuân Tr về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo quy định điểm a, i khoản 2 Điều 244 của Bộ luật hình sự. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum giữ quyền công tố, luận tội và tranh luận vẫn giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố bị cáo Huỳnh Xuân Tr phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ các điểm a, i khoản 2 Điều 244; các điểm s, t khoản 1; khoản 2 Điều 51; các Điều 38; 54 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Huỳnh Xuân Tr từ 36 đến 42 tháng tù; thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi chấp hành án, được trừ đi 09 (Chín) ngày bị cáo đã bị bắt tạm giữ.

Vật chứng của vụ án:

- Tại Biên bản thả động vật rừng về môi trường tự nhiên số: 03/BB-TĐVR ngày 24/01/2022 Ban quản lý VQG Chư Mom Ray đã tiếp nhận và thả các động vật rừng còn sống nêu trên vào rừng Chư Mom Ray.

- Tại Biên bản trả lại tài sản đồ vật; cơ quan chức năng đã trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp các tài sản, giấy tờ; gồm:

+ 01 xe ô tô đầu kéo BKS số: 81C – X;

+ 01 xe rơ móc BKS số: 81R – X;

+ 01 Giấy kiểm định của xe ô tô đầu kéo;

+ 01 Giấy kiểm định của xe rơ móc;

+ 01 Giấy chứng nhận đăng ký xe rơ móc số: 000684;

+ 01 Giấy phép liên vận xe đầu kéo số: 097609/2021;

+ 01 Giấy phép liên vận xe rơ móc số: 106648/2021.

Việc trả lại các tài sản, giấy tờ, tài liệu nêu trên của cơ quan chức năng là đúng quy định của pháp luật, nên không đề nghị HĐXX xem xét, xử lý.

- Các tài sản, giấy tờ, tài liệu là vật chứng khác của vụ án, gồm:

+ 02 bao PE màu xanh; 11 túi lưới màu xanh; 02 túi ni lông màu đen dùng đựng động vật rừng;

+ 01 CMND số 230492X, 01 giấy phép lái xe ô tô, 01 hộ chiếu của Huỳnh Xuân Tr;

+ 01 điện thoại nhãn hiệu OPPO màu đen có gắn 01 thẻ sim Net Untel;

+ 01 điện thoại nhãn hiệu NOKIA màu đen, không có thẻ sim.

Các vật chứng của vụ án nêu trên, đề nghị HĐXX xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Về án phí: Đề nghị buộc cáo phải nộp án phí hình sự theo quy định của pháp luật.

Bị cáo không có ý kiến tranh luận. Lời nói sau cùng, bị cáo đã nhận thức rõ được hành vi, vi phạm pháp luật của bản thân; bị cáo thống nhất với lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát về việc: Do bị cáo không hiểu pháp luật, quy định hình phạt đối với tội, bị cáo phạm phải là rất nặng; sau khi phạm tội bị cáo đã thật thà khai báo; ăn năn, hối hận về hành vi phạm tội của mình; bị cáo có công trong phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện tội phạm; ông nội của bị cáo có công với cách mạng; bị cáo đông con, con nhỏ, vợ yếu; cha, mẹ sức khỏe kém; bị cáo chỉ chở thuê động vật rừng với thỏa thuận, nhận tiền cước 2 triệu đồng; những con động vật khi bị báo nhận chở còn sống, đến khi bị cáo bị bắt các động vật rừng này vẫn còn sống, khỏe mạnh và được thả về rừng nguyên vẹn. Mặt khác, tội phạm quy định tại Điều 244 của BLHS là tội ghép, mặc dù có cùng khung hình phạt; nhưng hành vi phạm tội bị xử phạt nặng nhất của tội này là hành vi “Săn bắt”, đến “Giết”, rồi đến “Nuôi” tiếp theo đến “Nhốt”, mới đến hành vi “Vận chuyển”, cuối cùng là “Buôn bán”; như vậy, tính nghiêm trọng trong thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo được pháp luật xếp gần cuối cùng. Từ lỗi lầm của bản thân và các ý kiến nêu trên, bị cáo xin được giảm nhẹ hình phạt; xin được hưởng án treo để có điều kiện tu dưỡng bản thân và chăm sóc cho người thân trong gia đình.

Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Công ty cổ phần H, ông Lê Nhân B có các lời khai trong hồ sơ vụ án và ông có đơn trình bày: Ông xin vắng tại phiên tòa; Công ty cổ phần H không bị thiệt hại gì trong thời gian Công an thu giữ xe ô đầu kéo và xe rơ móc của công ty, nên ông không có ý kiến gì khác.

Người làm chứng: Ông Nguyễn Đức H có các lời khai trong hồ sơ vụ án và ông đơn xin vắng mặt tại phiên tòa; ông cam kết lời khai của ông có trong hồ sơ vụ án là đúng sự thật; ngoài ra ông không còn có ý kiến gì khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Chi cục Hải quan, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y; của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum, của điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum, của Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến, khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Việc vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người làm chứng tại phiên tòa, hồ sơ vụ án thể hiện họ đã có lời khai; căn cứ theo Điều 292; khoản 1 Điều 293 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án tiến hành xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.

[3] Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của người làm chứng tại Cơ quan điều tra, phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Do đó, có đủ căn cứ xác định: Vào khoảng Khoảng 09 giờ 00 phút, ngày 14/01/2022 bị cáo nhận bàn giao xe ô tô đầu kéo BKS số 81C – X và 01 xe rơ móc BKS số 81R – X của Công ty cổ phần H tại khu vực km 31, thuộc huyện Mường Cầu, tỉnh A Ta Pư, nước CHDCND Lào; sau đó khoảng 01 giờ 00 phút cùng ngày, bị cáo thỏa thuận với người nói tiếng Việt Nam nhưng đang sinh sống tại nước Lào, nhận vận chuyển và bị cáo đã vận chuyển động vật nguy cấp, quý hiếm qua biên giới; từ lãnh thổ nước CHDCND Lào về đất Việt Nam; trong các động vật bị cáo vận chuyển này có loại động vật rừng thuộc loại động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo danh mục động, thực vật được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019, Nghị định của Chính phủ sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, Nghị định của Chính phủ; và là động vật thuộc nhóm IB theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019, Nghị định của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Hành vi vận chuyển 10 cá thể lớp bò sát, 01 cá thể lớp thú thuộc Nhóm IB động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ qua biên giới là phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” với tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là “Vận chuyển qua biên giới”. Vì vậy, có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Huỳnh Xuân Tr phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo các điểm a, i khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.

[4] Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm và gây mất ổn định xã hội tại địa phương nhất là khu vực biên giới. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được rõ hành vi vận chuyển động vật rừng nguy cấp, quý hiếm là vi phạm pháp luật, đặc biệt trong tình trạng có những loài động vật quý hiếm đã bị tuyệt chủng, làm mất cân bằng sinh thái, gây hủy hoại môi trường sống trên phạm vi toàn cầu; nhưng vì coi thường pháp luật bị cáo vẫn cố ý thực hiện. Chính vì vậy, hành vi phạm tội của bị cáo cần được xử lý nghiêm minh; phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống chung của cộng đồng, thời gian cách ly phải đủ để giáo dục riêng đối với bị cáo và phòng ngừa chung trong xã hội.

[5] Xét về nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; loại hình phạt, mức hình phạt đối với bị cáo; Hội đồng xét xử thấy:

Bị cáo là người có nhân thân tốt, không có tiền án; tiền sự (Hành vi, bị cáo vận chuyển một số động vật rừng không thuộc loài nguy cấp, qúy hiếm bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính; là cùng với thời điểm bị cáo bị xử lý hình sự về hành vi bị cáo vận chuyển một số động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quy hiếm; nên không tính là bị cáo có tiền sự trong vụ án); bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; trong điều tra, xét xử: Bị cáo đã thành khẩn khai báo, tỏ rõ thái độ ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, bị cáo đã tố giác tội phạm ma túy giúp cơ quan chức năng đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này tức là bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm; là 03 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS cần được áp dụng đối với bị cáo. Ông nội của bị cáo có công với cách mạng; bị cáo đông con, con nhỏ, vợ yếu; cha, mẹ sức khỏe kém; bị cáo chỉ chở thuê động vật với thỏa thuận, nhận tiền cước 2 triệu đồng; những con động vật khi bị báo nhận chở còn sống, đến khi bị cáo bị bắt các động vật rừng này vẫn còn sống, khỏe mạnh và được thả về rừng nguyên vẹn. Hành vi vận chuyển động vật nguy cấp, quý hiếm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nhẹ hơn các hành vi “Săn bắt”, “Giết”, “Nuôi”, “Nhốt” trong cùng khung hình phạt là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS bị cáo được hưởng. Hội đồng xét xử thấy bị cáo có đủ điều kiện được hưởng quy định tại Điều 54 của HLHS; vì vậy cần áp dụng quy định tại các điểm s, t khoản 1; khoản 2 Điều 51; Điều 54 của Bộ luật hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, để bị cáo thấy được tính nghiêm minh nhưng thấu lý, đạt tình của pháp luật mà yên tâm phấn đấu cải tạo để sớm được về hòa nhập với cộng đồng; phấn đấu trở thành công dân tốt.

Từ các tình tiết nêu trên thấy: Loại hình phạt, mức hình phạt đối với bị cáo mà đại diện Viện nêu tại lời luận tội là tương đối phù hợp với quy định tại Điều 50 của Bộ luật hình sự, cần được chấp nhận; nhưng cần giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

[6] Về hình phạt bổ sung: Theo quy định của pháp luật, bị cáo có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có đời sống khó khăn, con đông, vợ yếu, mục đích kiếm lời từ việc phạm tội của bị cáo giá trị nhỏ. Vì vậy, Hội đồng xét xử thấy cần miễn áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối, với bị cáo.

[7] Về vật chứng của vụ án; căn cứ Điều 106 của BLTTHS:

- Đối với vật chứng là các động vật rừng, tài sản, giấy tờ, tài liệu liên quan: Cơ quan chức năng đã thả các động vật rừng còn sống vào Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray; tiêu hủy động vật rừng đã chết và các bộ phận của động vật rừng theo quy định; trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp tài sản, giấy tờ, tài liệu liên quan.

Việc xử lý vật chứng vụ án của cơ quan chức năng là đúng pháp luật; nên HĐXX không xem xét.

- Đối với vật chứng là tài sản, giấy tờ, tài liệu liên quan, gồm:

+ 02 bao PE màu xanh; 11 túi lưới màu xanh; 02 túi ni lông màu đen dùng đựng động vật rừng; thấy các vật chứng này không có giá trị hoặc không sử dụng được cần tịch thu tiêu hủy.

+ 01 CMND số 230492X, 01 giấy phép lái xe ô tô, 01 hộ chiếu của Huỳnh Xuân Tr; 01 điện thoại nhãn hiệu OPPO màu đen có gắn 01 thẻ sim Net Untel; là giấy tờ hợp pháp về nhân thân của bị cáo, là tài sản của bị cáo không dùng vào việc phạm tôi; cần tuyên trả lại cho bị cáo.

+ 01 điện thoại nhãn hiệu NOKIA màu đen, không có thẻ sim. Bị cáo dùng vào việc phạm tội cần tuyên tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

Các vật chứng nêu trên có hình thức, tính năng, giá trị, giá trị sử dụng như được ghi trong biên bản giao, nhận vật chứng của cơ quan Điều tra và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ngọc Hồi, lập vào hồi 14 giờ 20 phút ngày 07/7/2022 kèm theo Quyết định chuyển giao vật chứng số 16/QĐ-VKS ngày 27/4/2022, về chuyển giao vật chứng của Viện kiếm sát nhân dân huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum [8] Về án phí: Bị cáo bị kết án nên phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm để sung vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Huỳnh Xuân Tr phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”;

Áp dụng Điều 38, 50; các điểm s, t khoản 1; khoản 2 Điều 51; Điều 54; các điểm a, i khản 2 Điều 244 của Bộ luật hình sự;

Xử phạt bị cáo Huỳnh Xuân Tr 32 (Ba hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án, được trừ 09 (Chín) ngày bị cáo đã bắt tạm giữ.

Về xử lý vật chứng; căn cứ Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự; tuyên:

- Trả lại cho bị cáo Huỳnh Xuân Tr 01 CMND số 230492X; 01 giấy phép lái xe ô tô; 01 hộ chiếu của Huỳnh Xuân Tr; 01 điện thoại nhãn hiệu OPPO màu đen có gắn 01 thẻ sim Net Untel.

- Tịch thu, tiêu hủy 02 bao PE màu xanh; 11 túi lưới màu xanh; 02 túi ni lông màu đen dùng đựng động vật rừng.

- Tịch thu sung công quỹ Nhà nước 01 điện thoại nhãn hiệu NOKIA màu đen, không có thẻ sim.

Các vật chứng nêu trên có hình thức, tính năng, giá trị sử dụng như được ghi trong biên bản giao, nhận vật chứng của cơ quan Điều tra và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ngọc Hồi, lập vào hồi 14 giờ 20 phút ngày 07/7/2022 kèm theo Quyết định chuyển giao vật chứng số 16/QĐ-VKS ngày 27/4/2022, về chuyển giao vật chứng của Viện kiếm sát nhân dân huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum.

Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 21; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, án phí và lệ phí Tòa án. Buộc bị cáo Huỳnh Xuân Tr phải nộp 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm để nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Căn cứ các Điều 331; 332; 333 của Bộ luật tố tụng hình sự bị cáo; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa, thời hạn kháng cáo nêu trên tính từ ngày nhận được bản án hoặc ngày niêm yết bản án.

“Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự;

Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

21
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm số 28/2022/HS-ST

Số hiệu:28/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ngọc Hồi - Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:13/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về