Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 26/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN DI LINH - TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 26/2022/HS-ST NGÀY 07/04/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 07 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Lâm Đồng. Xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 09/2022/TLST-HS ngày 21/01/2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 23/2022/QĐXXST-HS ngày 21/3/2022, đối với:

Bị cáo: Trịnh Ngọc Đ; sinh năm 1981; nơi cư trú: Thôn N, xã G, huyện D, tỉnh Lâm Đồng; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trịnh Văn H và bà Nguyễn Thị H; có vợ là Trần Thị Hồng Ph và 02 con, con lớn sinh năm 2007, con nhỏ sinh năm 2013; tiền án: Không; tiền sự: Không; bị tạm giữ từ ngày 09/9/2021 đến ngày 18/9/2021 được tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 18 giờ ngày 08/09/2021, bị cáo Trịnh Ngọc Đ đi vào rừng thuộc huyện D nhưng không rõ thuộc khu vực xã và bắt được 01 con Tê Tê còn sống, sau đó bị cáo mang về nhà tại Thôn N, xã G, huyện D để cất giấu. Đến 09 giờ 30 ngày 09/09/2021, bị cáo bỏ con Tê Tê vào bao lưới xanh và để trong cốp xe mô tô biển kiểm soát 49G1-557.42 vận chuyển từ Thôn N, xã G đến nhà bố đẻ ở thôn K'Long Trao 2, xã G, huyện D để giết lấy thịt bán, trên đường đi đến KM 77 Quốc lộ 28 thuộc địa bàn xã G, huyện D thì bị cơ quan Công an kiểm tra phát hiện và lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Tiến hành khám xét cơ quan Công an phát hiện và thu giữ tại chỗ ở của Trịnh Ngọc Đ tại Thôn N, xã G, huyện D các vật chứng gồm:

- 01 cá thể Kỳ đà vân được nuôi nhốt trong 01 lồng sắt;

- 15 bộ phận động vật là của 01 cá thể Sơn dương trong tủ lạnh màu trắng không nhãn mác;

- 20 cá thể Cheo cheo đã chết trong tủ lạnh màu trắng không nhãn mác.

- 05 cá thể Don đã chết trong tủ lạnh màu trắng không nhãn mác.

- 10 cá thể Cầy vòi hương đã chết không còn lông và 09 cá thể Cầy vòi hương đã chết còn lông trong tủ lạnh màu trắng không nhãn mác.

- 13 cá thể Sóc đen đã chết trong tủ lạnh màu trắng không nhãn mác.

- 02 cá thể Dúi mốc lớn đã chết trong tủ lạnh màu trắng không nhãn mác và 20 cá thê Dúi mốc lớn còn sống được nuôi nhốt trong lồng sắt.

Tại kết luận giám định động vật số 768/STTNSV ngày 17/09/2021 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết luận về vật chứng thu giữ trong vụ án gồm 01 cá thể Tê tê java có tên khoa học là Manis javanica thuộc lớp thú; 15 bộ phận động vật của 01 cá thể Sơn dương có tên khoa học là Capricornis milneedwardsii thuộc lớp thú; 01 cá thể Kỳ đà vân có tên khoa học là Varanus nebulosus thuộc lớp bò sát. Các loài Tê tê java, Sơn dương và Kỳ đà vân có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), đồng thời có tên trong Nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2014/NĐ-CP, ngày 22/01/2018 của Chính phủ. Trong đó các loài Tê tê ja va (Manis javanica) và Sơn dương (Capricornis milneedwardsii) có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được ban hành kèm theo Nghị định số 64/2012/NĐ-CP, ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ.

Tại kết luận giám định động vật số: 857/STTNSV ngày 08/10/2021 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết luận bổ sung về vật chứng thu giữ trong vụ án gồm: 20 cá thể Cheo cheo có tên khoa học Tragulus javanicus; 05 cá thể Don có tên khoa học Atherurus macrourus; 19 cá thể Cầy vòi hương có tên khoa hoc Paradoxrus hermaphroditus; 13 cá thể Sóc đen có tên khoa học Ratuyfa bicolor; 22 cá thể Dúi mốc lớn có tên khoa học Zhizomys pruinosus. Trong đó các loại Cheo cheo, Cầy vòi hương, Sóc đen có tên trong nhóm IIB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2014/NĐ-CP, ngày 22/01/2018 của Chính phủ. Các loại Don, Dúi Mốc Lớn là động vật thông thường.

Tại kết luận định giá số: 919/KLHĐG ngày 18/11/2021 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện D xác định: Các động vật rừng thuộc loài Don, Cheo cheo, Cầy vòi hương, Sóc đen, Dúi mốc lớn đã thu giữ nêu trên có tổng trị giá 26.290.000 đồng.

Quá trình điều tra Cơ quan điều tra đã bàn giao cho Hạt kiểm lâm huyện D toàn bộ các cá thể và bộ phận động vật rừng đã thu giữ để xử lý theo quy định của pháp luật; trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp 01 xe mô tô BS 49G1-55742; trả lại cho Trịnh Ngọc Đ 01 điện thoại Samsung màu đen; bàn giao cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện D 01 bao lưới màu xanh, 02 tủ lạnh màu trắng không nhãn mác và 02 lồng sắt bẫy thú.

Tại Bản cáo trạng số: 14/CTr-VKS ngày 30/12/2021 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện D đã kết luận Trịnh Ngọc Đ đã có hành vi săn bắt, tàng trữ, vận chuyển trái phép 01 cá thể Tê tê java (Manis javanica) thuộc lớp thú và tàng trữ trái phép 15 bộ phận không thể tách rời sự sống (Đầu, 04 chân ...) thuộc 01 cá thể Sơn dương (Capricornis milneedwardsii) thuộc lớp thú. Là các động vật có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài nguy, cấp quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định số 64/2012/NĐ-CP, ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ. Từ đó truy tố Trịnh Ngọc Đ về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm a, d khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự.

Về việc Trịnh Ngọc Đ nuôi nhốt 01 cá thể Kỳ đà vân và tàng trữ 20 cá thể Cheo cheo; 05 cá thể Don; 19 cá thể Cầy vòi hương; 13 cá thể Sóc đen; 22 cá thể Dúi mốc lớn không đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, Công an huyện D đã chuyển hồ sơ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số: 428/QĐ-XPVPHC ngày 17/3/2022 để xử lý theo quy định.

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Đề nghị áp dụng Điều 35, Điều 50, điểm s khoản 1 Điều 51, điểm a, d khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự, áp dụng phạt tiền là hình phạt chính, xử phạt bị cáo Trịnh Ngọc Đ từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng, buộc bị cáo chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của các cá thể, bộ phận động vật nêu trên; không xuất trình được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền và khai nhận số động vật và bộ phận động vật bị thu giữ trong vụ án do những người đồng bào dân tộc thiểu số bắt được nên bị cáo mua để bán kiếm lời, nhưng bị cáo không biết nhân thân, lai lịch của những người bán. Bị cáo cũng thừa nhận hành vi phạm tội và việc truy tố của Viện kiểm sát là đúng người, đúng tội và tự nguyện nộp 50.000.000 đồng để khắc phục hậu quả trước khi xét xử, đồng thời bị cáo giao nộp biên lai đã nộp 50.000.000 đồng tiền phạt để thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số: 428/QĐ- XPVPHC ngày 17/3/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn hối cải và mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên và của cơ quan Điều tra Công an huyện D, của Kiểm sát viên và của Viện kiểm sát nhân dân huyện D trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình tố tụng bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền, nghĩa vụ đúng quy định của pháp luật, không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, hành vi, quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án đều hợp pháp.

[2] Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra, phù hợp với các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án như: Biên bản bắt người phạm tội quả tang, biên bản khám xét, biên bản thu giữ, niêm phong vật chứng; các kết luận giám định, định giá tài sản có trong hồ sơ vụ án. Qua đó xác định tại thời điểm ngày 09/09/2021 tại địa bàn huyện D. Bị cáo Trịnh Ngọc Đ đã thực hiện hành vi săn bắt, tàng trữ, vận chuyển trái phép 01 cá thể Tê tê java (Manis javanica) thuộc lớp thú và tàng trữ trái phép 15 bộ phận không thể tách rời sự sống của 01 cá thể Sơn dương (Capricornis milneedwardsii) thuộc lớp thú. Là các động vật có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài nguy, cấp quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 64/2012/NĐ-CP, ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ. Do đó, hành vi của bị cáo Trịnh Ngọc Đ đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự.

[3] Hành vi của bị cáo đã xâm phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ sự cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học của các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trong môi trường tự nhiên. Xét bị cáo phạm tội thuộc trường hợp không có tình tiết tăng nặng nhiệm hình sự; quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Bị cáo phạm tội thuộc lĩnh vực môi trường vì mục đích kinh tế; đã tự nguyện nộp số tiền 50.000.000 đồng với mục đích khắc phục hậu quả; sau khi bị Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định xử phạt hành chính, bị cáo đã nộp một phần tiền phạt với số tiền 50.000.000 đồng, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và có nơi cư trú rõ ràng, ổn định. Vì vậy cần sử dụng biện pháp kinh tế, áp dụng Điều 35, Điều 50, điểm s khoản 1 Điều 51, điểm a và điểm d khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự, áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với bị cáo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp.

[4] Đối với hành vi nuôi nhốt 01 cá thể Kỳ đà vân và tàng trữ các cá thể Don, Dúi mốc lớn, Cheo Cheo, Cầy vòi hương, Sóc đen do không đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số: 428/QĐ-XPVPHC ngày 17/3/2022 xử phạt hành chính đối với bị cáo là đúng pháp luật.

[5] Đối với vật chứng là toàn bộ các cá thể và bộ phận động vật rừng đã thu giữ đã được cơ quan Điều tra bàn giao cho Hạt kiểm lâm huyện D xử lý theo quy định của pháp luật; đối với 01 xe mô tô BS 49G1-55742 và 01 điện thoại Samsung màu đen cơ quan Điều tra trả lại cho chủ sở hữu nên không đề cập xử lý; Đối với 01 bao lưới màu xanh và 02 lồng sắt bẫy thú không có giá trị sử dụng cần tịch thu tiêu hủy; đối với 02 tủ lạnh màu trắng không nhãn mác cần tịch thu sung quỹ Nhà nước là phù hợp; đối với số tiền 50.000.000 đồng bị cáo đã nộp cần tạm giữ để bảo đảm thi hành án.

[6] Về án phí: Cần buộc bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Trịnh Ngọc Đ phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Áp dụng Điều 35, Điều 50, điểm s khoản 1 Điều 51, điểm a và điểm d khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, áp dụng phạt tiền là hình phạt chính xử phạt bị cáo Trịnh Ngọc Đ 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng).

2. Áp dụng Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.

Tịch thu tiêu hủy 01 bao lưới màu xanh và 02 lồng sắt bẫy thú; Tịch thu sung quỹ Nhà nước 02 tủ lạnh màu trắng không nhãn mác (Theo biên bản giao nhận vật chứng lập ngày 18/01/2022 giữa Công an huyện D và Chi cục Thi hành án dân sự huyện D).

Tạm giữ số tiền 50.000.000 đồng bị cáo đã nộp theo biên lai thu số 0002332 ngày 01/3/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D để bảo đảm thi hành án.

3. Buộc bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

4. Bị cáo có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

249
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 26/2022/HS-ST

Số hiệu:26/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Di Linh - Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:07/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về