Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 23/2021/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUAN SƠN, TỈNH THANH HOÁ

BẢN ÁN 23/2021/HS-ST NGÀY 17/11/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 17 tháng 11 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá, xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 21/2021/TLST-HS ngày 11 tháng 10 năm 2021, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 22/2021/QĐXXST-HS ngày 04 tháng 11 năm 2021;

Đối với bị cáo: Hà Văn C, sinh năm 1983; Tại xã T H, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Nơi cư trú: Bản L, xã TH, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: 9/12; Dân tộc: Thái; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Hà Văn H, sinh năm 1940; con bà Hà Thị Kh, sinh năm 1945; Bị cáo có vợ là Đinh Thị V, sinh năm 1984 và có 02 con, con lớn sinh năm 2005, con nhỏ sinh năm 2006; gia đình bị cáo có 08 chị em ruột, bị cáo Hà Văn C là con thứ bảy trong gia đình.

Tiền sự: Không; Tiền án: Không; Bị cáo hiện đang tại ngoại và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi đi khỏi nơi cư trú theo lệnh số: 19/2021/HSST- CĐKNCT ngày 11/10/2021 của Tòa án nhân dân huyện Quan Sơn; Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 22 tháng 6 năm 2021, theo tin báo của quần chúng nhân dân, tại khu L, thị trấn SL, huyện Quan Sơn; Lực lượng cảnh sát môi trường Công an huyện Quan sơn tiến hành kiểm tra hành chính đối với Hà Văn C, sinh năm 1983, cư trú tại bản L xã TH, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, phát hiện trong cốp xe máy nhãn hiệu Honda Wave biển kiểm soát: 36H7-09350 do Hà Văn C điều khiển có 01 cá thể Rùa còn sống nghi là loài Rùa hộp trán vàng thuộc loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Sau khi kiểm tra, phát hiện, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản sự việc và thu giữ toàn bộ tang vật đưa về trụ sở Công an huyện Quan Sơn để điều tra làm rõ.

Cơ quan điều tra Công an huyện Quan Sơn đã thu giữ tại thời điểm bắt quả tang gồm: 01 (Một) cá thể Rùa còn sống (nghi là Rùa hộp trán vàng miền Bắc có tên khoa học là Cuora galbinifrons); 01 xe máy nhãn hiệu Honda Wave, biển kiểm soát:

36H7- 09350, số khung: RLHJA385XLY016277, số máy: JA52E0116800.

Sau khi lập biên bản sự việc ban đầu, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quan Sơn ra quyết định trưng cầu giám định cá thể động vật tới Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt nam để có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định. Đồng thời bàn giao cá thể ngay cho Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật – Vườn Quốc gia Cúc Phương chăm sóc, nuôi dưỡng.

Đối với tài sản là 01 xe máy nhãn hiệu Honda Wave, biển kiểm soát: 36H7- 09350, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quan Sơn xác định tài sản chung của vợ chồng Hà Văn C và Đinh Thị V nên đã trả lại cho gia đình bị cáo.

Tại cơ quan điều tra Công an huyện Quan Sơn, Hà Văn C khai nhận: Vào khoảng 11 giờ ngày 22/6/2021, Hà Văn C đi xe máy nhãn hiệu Honda Wave mang biển kiểm soát: 36H7- 09350 đến đoạn Km 42 Quốc lộ 217 (thuộc địa phận khu B, thị trấn SL) thì gặp một người đàn ông tầm 40 đến 50 tuổi (Hà Văn C không biết tên, địa chỉ cụ thể của người này) đang đứng bên đường, trên tay cầm 01 (Một) con Rùa; Hà Văn C có ý định mua con Rùa đó về để làm cảnh, nên đã tiến lại hỏi mua thì được người đàn ông đồng ý bán con Rùa với giá 250.000đ (Hai trăm năm mươi ngàn đồng). Sau khi mua được con Rùa thì Hà Văn C để con Rùa vào cốp sau yên xe của mình và di chuyển về đến khu L, thị trấn SL, huyện Quan Sơn thì bị tổ công tác cảnh sát môi trường - Công an huyện Quan Sơn kiểm tra, phát hiện và lập biên bản đưa Hà Văn C và tang vật về trụ sở Công an huyện Quan Sơn để điều tra làm rõ sự việc.

Tại bản kết luận giám định động vật số: 530/STTNSV ngày 23/6/2021 của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật -Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt nam két luận:“01 (Một) cá thể động vật còn sống là Rùa hộp chán vàng miền bắc, có tên khoa học là Cuora galbinifrons, có tên trong phụ lục I, Danh mục các loài nguy cấp,quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định số: 64/2019/NĐCP ngày16/7/2019của Chính phủ.Loài Rùa hộp trán vàng miền bắc(Cuora galbinifrons) thuộc nhóm IIB danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, ban hành theo Nghị định số: 06/2019/NĐ - CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ”. Tại phiên tòa bị cáo Hà Văn C khai nhận toàn bộ vụ việc đúng như kết quả điều tra như trên.

Bản cáo trạng số: 23/CT-VKSQS ngày 11/10/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá truy tố bị cáo Hà Văn C về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 244 - Bộ luật hình sự 2015. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Quan Sơn vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, buộc tội đối với bị cáo Hà Văn C và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố Bị cáo Hà Văn C phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”; Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s, khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65-Bộ luật Hình sự 2015 Xử phạt bị cáo Hà Văn C từ 12 (Mười hai) đến 18 (Mười tám) tháng tù cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 24 đến 36 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Hình phạt bổ sung: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 244 BLHS thì bị cáo Hà Văn C còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: “phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm..”. Tuy nhiên gia đình bị cáo Hà Văn C thuộc diện hộ nghèo; có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đã được chính quyền địa phương xác nhận vì gia đình bị cáo không có ai có công việc ổn định, thu nhập của gia đình bị cáo thấp và không ổn định, lại đang phải nuôi con đi học, việc áp dụng hình phạt bổ sung sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình bị cáo và các hình phạt bổ sung khác không phù hợp với bị cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng khoản 1, điểm a khoản 2; Điểm d Khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm b khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm của BLHS 2015 để đưa 01 cá thể Rùa hộp trán vàng miền bắc giao Trung tâm cứu hộ, Bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cúc Phương để chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên đúng theo quy định tại Điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS là đúng quy định của pháp luật.

Đối với tài sản là 01 xe máy nhãn hiệu Honda Wave, Biển kiểm soát: 36H7- 09350, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quan Sơn đã trả lại cho vợ chồng Hà Văn C và Đinh Thị V nên đề nghị Hội đồng xét xử không đặt vấn đề xem xét, giải quyết.

Về án phí: Buộc bị cáo Hà Văn C phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Vấn đề khác: Trong vụ án còn có người đàn ông tầm khoảng 40 đến 50 tuổi Hà Văn C không biết tên, địa chỉ cụ thể của người này đã bán cho Hà Văn C 01 cá thể Rùa hộp trán vàng, hiện tại chưa có đủ căn cứ để xác định được danh tính của người này là ai, nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quan Sơn đã tách ra để xử lý bằng một vụ án khác khi có đủ căn cứ.

Bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản Cáo trạng đã truy tố và không có ý kiến tranh luận gì; Trong lời nói sau cùng bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng một mức án nhẹ để bị cáo có cơ hội cải tạo, tu dưỡng thành người công dân có ích cho xã hội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục, quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến phản đối hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; Do vậy các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện trong vụ án đúng trình tự của pháp luật tố tụng hình sự nên đều hợp pháp.

[2] Về tội danh: Xét thấy lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa hôm nay phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, lời khai của người làm chứng; người chứng kiến, Biên bản bắt người phạm tội quả tang, Kết luận giám định động vật, vật chứng thu giữ được và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Bị cáo Hà Văn C đã có hành vi vận chuyển trái phép 01(một)cá thể Rùa hộp trán vàng miền bắc, với mục đích để nuôi làm cảnh, Theo kết luận giám định động vật của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, kết luận: “Loài Rùa hộp trán vàng Cuora galbinifrons thuộc Phụ lục I (Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) ban hành kèm theo Nghị định số:160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ”. Do đó, hành vi của bị cáo Hà Văn C đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 244 BLHS; Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Quan Sơn truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[3] Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo: Hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm đến chế độ quản lý, bảo vệ môi trường. Chính sách bảo vệ, bảo tồn, quản lý động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hiện nay đang có nguy cơ tuyệt chủng, mà còn xâm phạm đến tình hình trật tự, an toàn xã hội, gây thiệt hại cho sự ổn định và cân bằng môi trường sinh thái. Trong khi toàn xã hội đang ra sức làm nhiều biện pháp chống lại nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm trong đó có loài Rùa hộp trán vàng có tên khoa học là Cuora galbinifrons. Bị cáo ý thức được việc vận chuyển, nuôi, nhốt trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong đó có loài Rùa hộp trán vàng là bị pháp luật nghiêm cấm và trừng trị nghiêm nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội, vì vậy cần xử phạt nghiêm, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện mới có tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo, cũng như đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng ngừa tội phạm nói chung.

[4] Về nhân thân và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo Hà Văn C là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, không có tiền án, tiền sự; Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo luôn có thái độ thành khẩn khai báo, biết ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; bố, mẹ đẻ thường xuyên ốm đau, hai con còn nhỏ gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo; Gia đình bị cáo có ông Nội Hà Văn M được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen “đã có thành tích tham gia trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước” và giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quan Sơn “đã có thành tích xuất sắc trong công tác củng cố và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc”; Bị cáo Hà Văn C được chính quyền địa phương có văn bản đề nghị Tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; Do đó Hội đồng xét xử áp dụng thêm khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự để bị cáo thấy rõ sự khoan hồng của pháp luật.

[5] Về hình phạt chính: Từ những phân tích, đánh giá nêu trên, HĐXX xét thấy Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có 01 tình tiết giảm nhẹ thuộc khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, đủ điều kiện để hưởng án treo theo điều 2, 3 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao; Hiện tại bị cáo phải nuôi bố mẹ đẻ và hai con nhỏ, nếu buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của các con; việc không bắt bị cáo phải chấp hành hình phạt tù mà bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng sấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Hội đồng xét xử thấy đề nghị của đại diện Viện kiểm sát cho bị cáo hưởng án treo là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, đã đủ sức răn đe, phòng ngừa. Do đó Hội đồng xét xử áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự cho bị cáo Hà Văn C được hưởng án treo. Mức hình phạt theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát có căn cứ, đúng pháp luật nên được chấp nhận.

Từ những căn cứ nêu trên, cần áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244, điểm s khoản 1, khoản 2 điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo một mức án tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Xét không cần cách ly bị cáo ra ngoài đời sống xã hội; mà cho bị cáo được hưởng án treo dưới sự giám sát, giáo dục và sự phối hợp giữa gia đình và chính quyền địa phương cũng đủ để bị cáo sửa chữa lỗi lầm, cố gắng cải tạo thành công dân có ích cho xã hội [6] Về hình phạt bổ sung: Tại khoản 4 Điều 244 BLHS có quy định hình phạt bổ sung là phạt tiền, nhưng xét thấy gia đình bị cáo hiện đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; Bị cáo có xác nhận của Chính quyền địa phương xã Trung Hạ về hoàn cảnh gia đình hộ nghèo, khó khăn về kinh tế, thu nhập thấp, không có công việc ổn định nên miễn hình phạt bổ sung cho bị cáo.

[7] Về các tính tiết liên quan đến vụ án:

Qúa trình điều tra bị cáo Hà Văn C khai báo: Nguồn gốc 01 (một) cá thể Rùa hộp trán vàng là do bị cáo mua của một người đàn ông không quen biết tầm 40 đến 50 tuổi, không rõ tên, tuổi, địa chỉ. Hiện tại chưa có đủ căn cứ để xác định được danh tính của người này là ai, nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quan Sơn đã tách ra để xử lý bằng một vụ án khác khi có đủ căn cứ.

[8] Về vật chứng vụ án: 01 (một) cá thể Rùa hộp trán vàng (còn sống), Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quan Sơn đã chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ, Bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cúc Phương để quản lý, chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ- HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[9] Về án phí: Bị cáo Hà Văn C phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự. Căn cứ vào khoản 1, điểm d khoản 3 Điều 106; khoản 2 Điều 136; Điều 331; Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự; Căn khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Tuyên bố: Bị cáo Hà Văn C phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

* Xử phạt: Bị cáo Hà Văn C 15 (Mười lăm) tháng tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 30 (Ba mươi) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Hà Văn C cho Ủy ban nhân dân xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật thi hành án hình sự.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

2. Về vật chứng vụ án: Chấp nhận 01(Một) cá thể Rùa hộp trán vàng miền bắc (còn sống) đã được Công an huyện Quan Sơn giao cho Trung tâm cứu hộ, Bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cúc Phương, theo Biên bản bàn giao ngày 25/6/2021 của Công an huyện Quan Sơn).

Đối với tài sản: Chấp nhận cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quan Sơn đã trả lại cho Hà Văn C 01 xe máy nhãn hiệu Honda Wave, Biển kiểm soát: 36H7- 09350, theo quyết định xử lý số: 11/QĐXLĐVTL ngày 22/8/2021.

3. Về biện pháp ngăn chặn: Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo Hà Văn Chức, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

4. Về án phí:. Buộc bị cáo Hà Văn C phải chịu 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Án xử sơ thẩm công khai, có mặt bị cáo; Tuyên bố bị cáo được quyền kháng cáo bản án này trong hạn 15 ngày tròn, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7,7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1257
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 23/2021/HS-ST

Số hiệu:23/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quan Sơn - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:17/11/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về