Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 184/2022/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 184/2022/HS-PT NGÀY 16/08/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 16 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 183/2022/TLPT-HS ngày 14 tháng 7 năm 2022, đối với bị cáo Triệu Văn N phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 12/2022/HSST ngày 01/6/2022, của Tòa án nhân dân huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

* Bị cáo có kháng cáo:

Triệu Văn N, sinh ngày 21/6/1989, tại tỉnh Cao Bằng; nơi cư trú: Thôn A, xã S, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: làm nông; trình độ học vấn: 3/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Triệu Văn X (đã chết) và con bà Triệu Thị B (sinh năm 1968); Bị cáo có vợ là Lý Thị D, sinh năm 1993 và 02 con (con lớn nhất sinh năm 2010, con nhỏ nhất sinh năm 2017); tiền sự: Không;

Tiền án: 01 tiền án. Tại bản án số 10/2019/HSST ngày 15/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện M’ĐRắk, tỉnh Đắk Lắk xử phạt bị cáo 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 năm, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Bị cáo đã chấp hành xong hình phạt, chưa được xóa án tích.

Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 29/9/2021 đến ngày 18/01/2022 được thay đổi biện pháp ngăn chặn “Bảo lĩnh”. Bị cáo tại ngoại, có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Triệu Văn N: Ông Phùng Văn H - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đ.

Ngoài ra, trong vụ án còn có bị cáo Lù Seo T nhưng không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Sáng ngày 27/9/2021, Triệu Văn N gọi điện thoại cho Lù Seo T hỏi mua thú rừng thì T trả lời là có 01 con Mang và 01 con heo rừng, hai người thỏa thuận giá mua bán là 180.000 đồng/01 kg. Khoảng 10 giờ cùng ngày, N điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 47G1-155.04 đi đến nhà T ở thôn L, xã P, huyện K. Tại đây, N trực tiếp vào tủ lạnh nhà T xem và lấy một bao tải chứa cá thể lợn rừng, đưa cho T số tiền 5.300.000 đồng, T nói N đi ra trước Trường trung học cơ sở P 2 (cách nhà T 500 mét) đứng chờ. Khoảng 10 phút sau, T điều khiển xe mô tô (không rõ biển kiểm soát và chủ sở hữu, xe của người đến mua hàng tạp hóa nhà T) chở một bao tải bên trong có chứa 01 cá thể Mang đến giao cho N. Sau đó, N điều khiển xe mô tô chở 02 cá thể động vật nói trên đi đến huyện E (bị cáo khai nhằm mục đích ăn nhậu), trên đường đi đến thôn R, xã P, huyện K thì bị lực lượng chức năng phát hiện lập biên bản quả tang và chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Khám xét chỗ ở Lù Seo T phát hiện, tạm giữ 09 cá thể động vật hoang dã (trong đó có 02 cá thể còn sống và 07 cá thể đã chết, được làm sạch cất trong tủ lạnh). Lù Seo T khai nhận toàn bộ 09 cá thể động vật nói trên là các loại động vật hoang dã do trước đó T mua lại của người dân về để bán kiếm lời.

Kết luận giám định ngày 28/9/2021 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đ và Khoa Nông Lâm nghiệp trường Đại học N1 xác định: 01 cá thể là loài Mang lớn đã chết, tên khoa học Muntiacus vuquangensis, lớp thú, không có đầu và nội tạng, kích thước cơ thể trung bình từ 30 - 40 kg, lông màu nâu sẫm, trên lưng và phần nửa sau lưng màu nâu đen đến đen, bụng dưới hơi nhạt, đuôi ngắn màu nâu đen, mặt dưới đuôi màu trắng, có trọng lượng 15,2 kg, thuộc nhóm IB Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và thuộc Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ Sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độc quản lý loài thuộc doanh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; 01 cá thể đã chết là loài Lợn rừng, tên khoa học: Sp, lớp thú, có trọng lượng 13,3 kg, thuộc nhóm loài động vật thông thường.

Kết luận giám định ngày 01/10/2021 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đ và Khoa Nông lâm nghiệp trường Đại học N1, kết luận đối với 09 cá thể động vật hoang dã gồm: 01 cá thể Rắn ráo trâu, còn sống, trọng lượng 1,8kg, thuộc nhóm IIB; 02 cá thể Cầy vòi mốc (trong đó 01 cá thể còn sống và 01 cá thể đã chết), tổng trọng lượng 2,6kg, thuộc nhóm IIB; 03 cá thể Cheo cheo, đã chết, tổng trọng lượng 2,2kg, thuộc nhóm IIB; 01 cá thể Nhím đuôi ngắn, đã chết, trọng lượng 1,5kg, thuộc nhóm thông thường; 02 cá thể Chồn vàng, đã chết, tổng trọng lượng 1,1kg, thuộc nhóm thông thường.

Ngày 15/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Bông ra Quyết định trưng cầu Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật giám định mẫu vật là vật chứng của vụ án.

Tại Bản kết luận số 376/STTNSV ngày 31/3/2022, của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết luận vật chứng vụ án, cụ thể gồm: Kết quả phân tích AND 01 (một) mẫu thịt được cắt từ 01 cá thể động vật (kèm theo bản ảnh giám định) là thịt của loài Mang lớn có tên khoa học là Muntiacus vuquangensis. Loài Mang lớn có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ. Loài Mang lớn có tên trong Nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định 84/2021/NĐ- CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ; Loài Mang lớn có tên Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) ban hành kèm theo Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam; 01 cá thể động vật còn sống là loài Rắn ráo trâu có tên khoa học là Ptyas mucosus; 02 cá thể động vật (trong đó 01 cá thể còn sống và 01 cá thể đã chết) là loài Cầy vòi mốc, có tên khoa học là Paguma larvata; 03 cá thể động vật đã chết là loài Cheo cheo có tên khoa học là Muntiacus vuquangensis, tất cả 06 các thể động vật trên đều thuộc nhóm IIB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định 84/2021/NĐ- CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 12/2022/HSST ngày 01/6/2022, của Tòa án nhân dân huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Triệu Văn N phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52, Điều 38 của Bộ luật Hình sự, xử phạt Triệu Văn N 01 năm 06 tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian bị tạm giữ, tạm giam kể từ ngày 29/9/2021 đến ngày 18/01/2022.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định đối với bị cáo Lù Seo T, về xử lý vật chứng, về án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm ngày 10/6/2022, bị cáo Triệu Văn N có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo và khai nhận toàn bộ hành vi mà bị cáo đã thực hiện, đúng như nội dung vụ án đã nêu.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử Triệu Văn N phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mức hình phạt mà bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo là phù hợp nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bào chữa cho bị cáo Triệu Văn N trình bày lời bào chữa: Thống nhất về tội danh và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà Đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị. Tuy nhiên, bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trình độ học vấn thấp, nhận thức có phần hạn chế nên đề nghị HĐXX xem xét giảm hình phạt cho bị cáo, thể hiện chính sách khoan hồng nhân đạo của pháp luật nhà nước.

Bị cáo không tranh luận, bào chữa gì thêm, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm và các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở kết luận: Do ý thức coi thường pháp luật và ham lợi nên vào ngày 27/9/2021, Triệu Văn N đã có hành vi mua, vận chuyển trái phép 01 cá thể loài Mang lớn, là loài động vật thuộc Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, thuộc phụ lục IB - Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và thuộc Phụ lục I theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2] Xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Hội đồng xét xử thấy rằng:

Bị cáo có nhân thân xấu, có 01 tiền án về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, bị cáo đã chấp hành án, được cải tạo tu dưỡng rèn luyện bản thân nhưng bị cáo không rút ra bài học kinh nghiệm nay lại tiếp tục phạm tội. Bị cáo biết việc mua bán, vận chuyển động vật nguy cấp, quý, hiếm là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo vẫn thực hiện, bị cáo đã chủ động gọi điện thoại cho bị cáo Lù Seo T để hỏi mua động vật quý, hiếm, hành vi của bị cáo thể hiện ý thức coi thường pháp luật, coi thường dư luận xã hội. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ tính tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Mức hình phạt 01 năm 06 tháng tù đối với bị cáo là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Sau khi kháng cáo, bị cáo không cung cấp tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo, cần giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm về hình phạt.

[3] Về án phí: Do không chấp nhận kháng cáo nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì những lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Triệu Văn N. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 12/2022/HSST ngày 01/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk về hình phạt.

[2] Về điều luật và hình phạt:

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:

Bị cáo Triệu Văn N 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án, được khấu trừ thời gian bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 29/9/2021 đến ngày 18/01/2022.

[3] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Triệu Văn N phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

581
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 184/2022/HS-PT

Số hiệu:184/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:16/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về