Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 125/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 125/2023/HS-PT NGÀY 14/03/2023 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 14 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 636/2022/TLPT-HS ngày 13 tháng 7 năm 2022 đối với bị cáo Nguyễn Duy A do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 154/2021/HS-ST ngày 23 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

- Bị cáo có kháng cáo: Nguyễn Duy A sinh ngày 01 tháng 11 năm 1988 tại Hải Phòng; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Nhà số 323 đường A1, phường A2, quận A3, thành phố Hải Phòng; chỗ ở hiện tại: Nhà số 7/591 đường A1, phường A2, quận A3, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa (học vấn): Lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Duy B và bà Bùi Thị C (đã chết); có vợ Tạ Thị Thu D và có 03 con (con lớn nhất sinh năm 2010, con nhỏ nhất sinh năm 2019); tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp ngày 07/6/2019 đến ngày 15/6/2019 được thay đổi biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Duy A: Luật sư Nguyễn Thị E - Văn phòng Luật sư E thuộc Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Anh Nguyễn Văn F sinh năm 1984; địa chỉ: Khu 2, phường F1, thành phố F2, tỉnh Quảng Ninh; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

2. Anh Phạm Văn G sinh năm 1987; địa chỉ: Nhà số 87, tổ 24 H, phường A2, quận A3, thành phố Hải Phòng; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

- Người làm chứng và người có liên quan:

1. Anh Nguyễn Thành K - Cán bộ Điều tra Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Hải Phòng; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

2. Anh Lê Đắc J - Đội trưởng Đội 1 Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Hải Phòng; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

3. Chị Nguyễn Thị L - Cán bộ Điều tra Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Hải Phòng; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

4. Anh Phạm Ngọc M - Đội Phó Đội 1 Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Hải Phòng; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

5. Chị Vũ Thị Thanh N - Điều tra viên Công an quận A3, thành phố Hải Phòng; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

6. Anh Đỗ Hải O - Cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Hải Phòng; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

7. Anh Hoàng Văn P - Điều tra viên Công an thành phố Hải Phòng; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

8. Anh Phạm Văn Q - Đội trưởng đội Kiểm lâm thuộc Chi cục Kiểm lâm thành phố Hải Phòng; vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Hồi 16h ngày 05/6/2019, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Hải Phòng kết hợp với Công an phường A2, quận A3, thành phố Hải Phòng và Chi cục kiểm lâm Hải Phòng kiểm tra phát hiện Nguyễn Văn F (sinh năm 1984, trú tại: Khu 2 phường Hải F1, thành phố F2, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 14A-X đang vận chuyển 08 cá thể chim nghi là động vật hoang dã, quý, hiếm. F khai được Nguyễn Duy A thuê vận chuyển số cá thể chim từ nhà của A tại số 24/8/453 đường A1, quận A3 ra thành phố F2, tỉnh Quảng Ninh, trên đường vận chuyển thì bị tổ công tác phát hiện kiểm tra, bắt giữ và tiến hành lập biên bản vụ việc.

Theo kết quả giám định tại chỗ của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có kết quả 02 cá thể chim Hồng Hoàng, 01 cá thể loài Niệc mỏ vằn thuộc phụ lục I danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, 05 cá thể còn lại đưa về Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội để chăm sóc, nuôi dưỡng và phục vụ công tác giám định.

Tiến hành kiểm tra nhà ở của A tại số 24/8/453 A1, quận A3. Tại thời điểm kiểm tra, A đang có mặt tại nhà, trong nhà A còn có Phạm Văn G (sinh năm 1987, trú tại: Nhà số 87, tổ 24, khu 3, phường A2, quận A3) và 01 người đàn ông Trung Quốc tên là Z (sinh năm 1991, nơi cư trú: Z1, Z2, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). A tự nguyện dẫn đoàn lên các phòng để kiểm tra phát hiện tại đây đang nuôi nhốt nhiều cá thể thú, chim nghi là động vật hoang dã, quý, hiếm. Thu giữ tại tầng 01 có 03 cá thể chim theo A khai là chim Cao Cát, tại tầng 03-04 có một số lồng chứa các loài chim, thú A khai gồm 02 Quạ đen, 14 Rái Cá, 01 mèo rừng, 10 con Cò, 14 con Vẹt. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản kiểm kê cá thể động vật và thu giữ số động vật trên bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chăm sóc, nuôi dưỡng để phục vụ công tác giám định.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng đã trưng cầu giám định Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng định giá số động vật nêu trên.

Tại các bản Kết luận giám định động vật số 494, số 495 ngày 07/6/2019 và số 512 ngày 14/6/2019, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận:

- 14 (mười bốn) cá thể động vật lớp thú còn sống là loài Rái Cá vuốt bé, có tên khoa hoạc Aonyx cinereus, có tên trong nhóm IB danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ);

- 04 (bốn) cá thể động vật còn sống thuộc lớp Chim là loài Niệc mỏ vằn, có tên khoa học Rhyticeros undulates, có tên trong nhóm IB danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ);

- 04 (bốn) cá thể động vật còn sống thuộc lớp Chim là loài Hồng Hoàng, có tên khoa học Buceros bicornis, có tên trong nhóm IB danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ);

- 01 (Một) cá thể động vật thuộc lớp thú còn sống là loài Mèo rừng có tên khoa học Prionailurus bengalensis, có tên trong nhóm IIB danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ);

- 10 (Mười) cá thể động vật thuộc lớp chim là loài Vẹt má vàng, có tên khoa học Psittacula eupatria, có tên trong nhóm IIB danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ);

- 10 (Mười) cá thể động vật thuộc lớp chim là loài Quắm đen, có tên khoa học Plegadis falcinellus - là loài chim hoang dã thông thường;

- 02 (Hai) cá thể động vật thuộc lớp chim là loài Cao cát bụng trắng, có tên khoa học Anthracoceros albirostris;

- 01 (Một) cá thể động vật thuộc lớp chim là loài Quạ đen, có tên khoa học Corvus macrorhynchos - là loài chim hoang dã thông thường;

- 06 (sáu) cá thể động vật thuộc lớp chim là loài chim nhập ngoại thông thường.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số 02 ngày 15/01/2020, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng kết luận: 14 con Rái Cá vuốt bé, đơn giá 6.000.000 đồng/con, thành tiền 84.000.000 đồng; 01 con Mèo rừng trị giá 2.300.000 đồng; 10 con Vẹt má vàng, đơn giá 5.750.000 đồng/con, thành tiền 75.500.000 đồng; 10 con Quắm đen, đơn giá 900.000 đồng/con, thành tiền 9.000.000 đồng; 01 Quạ đen trị giá 1.850.000 đồng; 02 con Cao cát bụng trắng, trị giá 990.000 đồng/con, thành tiền 1.980.000 đồng; 06 con chim nhập ngoại thông thường, đơn giá 3.500.000 đồng/con, thành tiền 21.000.000 đồng; 04 con Niệc mỏ vằn, đơn giá 4.000.000 đồng, thành tiền 16.000.000 đồng; 04 con Hồng Hoàng, đơn giá 47.140.000 đồng/con, thành tiền 188.560.000 đồng. Tổng cộng 382.190.000 đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng đã trưng cầu giám định phục hồi và trích xuất dữ liệu điện tử đối với 01 chiếc điện thoại thu giữ của A. Tại Bản kết luận giám định số 143/KLGĐ ngày 27/9/2019, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hải Phòng kết luận:

- Tìm thấy 575 số điện thoại trong danh bạ, 201 cuộc gọi, 428 tin nhắn, 84 cuộc hội thoại bằng ứng dụng Zalo, 12 tin nhắn iMessage, 45.490 tập tin hình ảnh, 1.852 tập tin video được lưu trong máy. Tìm thấy: 23 cuộc hội thoại bằng ứng dụng Zalo nghi liên quan đến vụ án được lưu trong máy. Nội dung chi tiết các tin nhắn được thể hiện trong Phụ lục kèm theo. Trong đó:

- Ngày 19/5/2019, Nguyễn Duy A nhắn tin trao đổi với Zalo “Chuyên Đặc Sản Rừng” việc A mua và nhận 01 con Rái Cá giá 5.500.000 đồng. A đã nhắn tin, hướng dẫn Zalo “Phamtrung” việc nhận, nhốt Rái Cá tại gia đình. Tiếp đó Nguyễn Duy A đã chuyển số tiền 5.000.000 đồng từ tài khoản 1031000009565 của Nguyễn Duy A mở tại Vietcombank - Nam Hải Phòng vào số tài khoản 3907205158324 mang tên Nguyễn Thị Phương Th tại Agribank - Chi nhánh T1, tỉnh Quảng Trị. Sau đó A gửi hình ảnh đã chuyển tiền bằng hình thức Internet Banking cho Zalo “Chuyên Đặc Sản Rừng”.

- Ngày 30/5/2019, Nguyễn Duy A nhắn tin trao đổi với Zalo “Báo Đen” về việc A mua 04 con Hồng Hoàng với giá 18.000.000 đồng/con. Tiếp đó Nguyễn Duy A đã chuyển số tiền 72.000.000 đồng từ tài khoản số 1031000009565 của Nguyễn Duy A mở tại Vietcombank - Nam Hải Phòng vào số tài khoản 0591000367843 mang tên Kiều Thị Thúy S tại Vietcombank - Chi nhánh Hưng Yên. Sau đó, A gửi hình ảnh chuyển tiền thành công bằng hình thức InternetBanking cho Zalo “Báo Đen”.

- Từ ngày 30/5/2019 đến ngày 03/6/2019, Nguyễn Duy A nhắn tin trao đổi với Zalo “Trầm Thanh Y” trao đổi việc mua bán chim. Tiếp đó, Nguyễn Duy A đã chuyển số tiền 50.000.000 đồng từ tài khoản số 1031000009565 của Nguyễn Duy A mở tại Vietcombank - Nam Hải Phòng vào số tài khoản 0501000147389 mang tên Trầm Thanh Y tại Vietcombank - Chi nhánh Nam Sài Gòn.

Ngoài ra, Nguyễn Duy A còn nhắn tin trao đổi việc mua bán động vật với nhiều tài khoản Zalo khác và chuyển tiền cho một số cá nhân liên quan đến việc mua bán động vật.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 154/2021/HS-ST ngày 23/9/2021, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng quyết định:

Áp dụng điểm b khoản 3, khoản 4 Điều 244; khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Duy A 11 (Mười một) năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính kể từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án (trừ cho bị cáo các ngày bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp ngày 07/6/2019 đến ngày 15/6/2019 được áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú).

Cấm bị cáo đi khỏi nơi cư trú. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú được tính kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm bị cáo đi chấp hành án phạt tù.

Phạt tiền bổ sung bị cáo 20.000.000 (Hai mươi triệu) đồng sung Ngân sách Nhà nước - Kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng tiếp tục điều tra làm rõ hành vi đối tượng Z để tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

- Kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận A3, thành phố Hải Phòng cần kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc để xảy ra nhiều vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra vụ án.

- Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

+ Tịch thu sung Ngân sách Nhà nước: 01 (một) điện thoại Iphone màu vàng số trên khung sim 353097100942340 và 01 (một) điện thoại di động màu đen số trên khung sim 357351097089086 (Theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 26/6/2020 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng).

+ Giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chăm sóc, nuôi dưỡng 52 (Năm mươi hai) cá thể gồm: 04 (Bốn) cá thể loài Hồng Hoàng; 04 (Bốn) cá thể loài niệc mỏ Vằn; 14 (Mười bốn) cá thể rái cá vuốt bé, 01 (Một) cá thể mèo rừng; 02 (Hai) cá thể cao cát bụng trắng; 10 (Mười) cá thể vẹt má vàng; 10 (Mười) cá thể loài Quắm đen; 01 (Một) cá thể loại quạ đen; 06 (Sáu) cá thể chim ngoại.

+ Giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiêu hủy toàn bộ 14 (Mười bốn) cá thể đã chết gồm: 02 (Hai) rái cá vuốt bé; 01 (Một) niệc mỏ vằn; 08 (Tám) vẹt má vàng và 03 (Ba) cá thể chim ngoại nhập hiện bảo quản lạnh.

(Theo Biên bản giao, nhận ngày 05/6/2019 giữa Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Hải Phòng và Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội).

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 06/10/2021, bị cáo Nguyễn Duy A kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Duy A giữ nguyên kháng cáo kêu oan.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án:

- Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Duy A và Luật sư bào chữa cho bị cáo xuất trình một số file ghi âm, ghi hình và cho rằng đó là đối tượng Z hiện đang ở thành phố Z3 và cho rằng số động vật hoang dã, quý hiếm bị thu giữ tại nhà bị cáo A là của đối tượng Z. Tuy nhiên, sau khi xem xét các tài liệu này không có đủ cơ sở để xác định đó là đối tượng Z và đối tượng này hiện đang ở thành phố Z3.

- Mặt khác, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, có đủ cơ sở để xác định việc Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Duy A 11 (Mười một) năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật và không oan. Trong trường hợp đối tượng Z hiện đang ở thành phố Z3 và đối tượng này có tham gia nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán số động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm thì cũng chỉ để xác định và xử lý thêm đối tượng này về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” và không làm thay đổi việc xử lý bị cáo A về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

- Đối với một số vi phạm về tố tụng đều đã được Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung và Cơ quan điều tra đã khắc phục cơ bản, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng cũng đã có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra rút kinh nghiệm, các vi phạm tố tụng này không ảnh hưởng đến việc xác định hành vi phạm tội của bị cáo A.

- Tại phiên tòa phúc thẩm ngoài việc bị cáo xuất trình tài liệu là các file ghi âm, ghi hình thì không có thêm tình tiết gì mới nên đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo kêu oan của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo: Bị cáo đã xuất trình tài liệu là các file ghi âm, ghi hình thể hiện đối tượng Z hiện đang ở thành phố Z3 nhưng bị cáo không thể đưa đối tượng này về Hải Phòng được. Số động vật nuôi tại nhà của A là của đối tượng Z. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có nhiều vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Luật sư bào chữa cho bị cáo khi đối đáp tranh luận đều giữ nguyên quan điểm đã trình bày.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về một số vi phạm và sai sót trong quá trình điều tra:

[1.1] Hồi 11 giờ ngày 06/6/2019 Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Hải Phòng bàn giao cho Công an quận A4, thành phố Hải Phòng nhưng sau khi tiếp nhận Công an quận A3 không phối hợp với cơ quan chức năng (cơ quan an ninh, Sở Nội vụ thành phố Hải Phòng...) để làm việc với cơ quan ngoại giao liên quan đến đối tượng Z (người Trung Quốc) và có biện pháp xử lý hành vi nhập cảnh trái phép; không tiến hành lấy lời khai của đối tượng Z mà ngày 06/6/2019 đã bàn giao đối tượng Z cho ông Nguyễn Duy B là bố đẻ bị cáo Nguyễn Duy A để bảo lãnh dẫn đến việc ngày 08/6/2019 đối tượng Z bỏ trốn.

[1.2] Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận A3 không tiến hành kiểm tra dữ liệu trong điện thoại của đối tượng Z và đối tượng Phạm Văn G (người làm thuê dọn dẹp vệ sinh cho ăn các chim cảnh của bị cáo A) mà 19h30’ ngày 06/6/2019 đã trả ngay điện thoại cho đối tượng Z và đối tượng Phạm Văn G, làm mất đi chứng cứ quan trọng của vụ án.

[1.3] Bản tự thú của đối tượng Z tại bút lục số 142 viết bằng văn bản tiếng Trung mà bị cáo Nguyễn Duy A cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra ngày 11/7/2019 có phần viết tiếng Trung bằng chữ và chữ số; Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành cho dịch nhưng thiếu sót chỉ có chữ không có số cụ thể: Tại bản viết tiếng Trung dòng thứ 9 từ trên xuống chữ thứ 5 sang có số 14 sau đó tiếp tục số 10...sau đó số 2..số 3 trên cùng một dòng. Tuy nhiên tại bản dịch của Cơ quan Cảnh sát điều tra (thể hiện tại bút lục 144): Bỏ toàn bộ chữ số và chữ viết sau số 14; bản dịch chỉ thể hiện có 10 con Anh Vũ, 02 con vẹt màu đỏ vàng, 3 con chim... nhưng tại bản dịch Luật sư cung cấp thì nội dung lại có 14 con rái cá. Như vậy, 02 bản dịch ra tiếng Việt từ 01 bản tự thú bằng tiếng Trung là không đồng nhất. Ngoài ra, bản dịch không thực hiện đúng Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ dịch tại các phòng công chứng, chứng thực các quận huyện nơi có các cộng tác viên. Vấn đề này sau khi Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm trả hồ sơ lần thứ nhất đã được khắc phục sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung.

[1.4] Đối với Hồ sơ thẩm định giá số 702/2019/TĐG-DONAVA của Công ty cổ phần giám định - thẩm định Đông Nam Á tại trang 06/12 bút lục số 82 thể hiện: “04 cá thể động vật lớp chim sống là loài Niệc mỏ vằn có tên khoa học là Rhyticeros undulates và 04 cá thể còn sống thuộc lớp chim là loại Hồng Hoàng có tên khoa học là Buceros bicornis thuộc Nhóm IIB - Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm” ban hành kèm theo Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ là không chính xác phải là Nhóm IB. Vấn đề này cũng đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra khắc phục.

[1.5] Trong quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa sơ thẩm (phiên tòa ngày 14/7/2021 và tại phiên tòa ngày 23/9/2021) và phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Duy A vẫn giữ nguyên lời khai thể hiện: Tại Cơ quan điều tra Công an quận A3, thành phố Hải Phòng bị cáo được Điều tra viên Vũ Thị Thanh N - Công an quận A3 hướng dẫn bị cáo khai nhận 14 con rái cá là của bị cáo sẽ được xử phạt vi phạm hành chính từ 500 triệu đến 02 tỷ đồng. Ngoài ra, Điều tra viên Vũ Thị Thanh N còn bóc niêm phong 01 điện thoại Iphone có số điện thoại 0934428886 của bị cáo đã được Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Hải Phòng niêm phong đưa cho bị cáo để gọi điện về nhà mang tiền lên Công an quận A3 nộp phạt thể hiện ở List điện thoại bị cáo cung cấp trùng khớp với List số điện thoại bị cáo gọi đi thu giữ trong hồ sơ vụ án (bút lục 808). Đối với ý kiến, quan điểm này của bị cáo và Luật sư bào chữa đã được Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng Viện kiểm sát nhân dân thành phố không trả cho Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, Điều tra viên Vũ Thị Thanh N không thừa nhận có việc mớm cung và ép bị cáo gọi điện về lấy tiền như bị cáo đã khai, và tại phiên tòa lần thứ hai, Điều tra viên N có văn bản giải trình cụ thể về việc điều tra được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Vì vậy, mặc dù Cơ quan Cảnh sát điều tra có thiếu sót, vi phạm thủ tục tố tụng nhưng đã khắc phục cơ bản và được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng kiến nghị bằng văn bản về một số thiếu sót. Mặt khác, những vi phạm nêu trên không làm thay đổi bản chất của vụ án và đều đã được Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Duy A và Luật sư bào chữa cho bị cáo xuất trình một số file ghi âm, ghi hình và cho rằng đó là đối tượng Z hiện đang ở thành phố Z3 và cho rằng số động vật hoang dã, quý hiếm bị thu giữ tại nhà bị cáo A là của đối tượng Z. Tuy nhiên, sau khi xem xét các tài liệu này không có đủ cơ sở để xác định đó là đối tượng Z và đối tượng này hiện đang ở thành phố Z3.

[3] Tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Duy A kêu oan. Tuy nhiên, lời khai của bị cáo A tại cơ quan điều tra và lời khai của người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, kết luận giám định, dữ liệu điện thoại và các chứng cứ khác đã được thu thập hợp pháp có trong hồ sơ vụ án thể hiện như sau:

[3.1] Tại Biên bản vụ việc hồi 16 giờ ngày 05/6/2019 khi làm việc với Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Hải Phòng bị cáo thừa nhận 13 con rái cá là của 01 người Trung Quốc ở Trung Quốc gửi bị cáo cách đó 02 tuần.

[3.2] Tại Biên bản ghi lời khai vào hồi 18 giờ 30 ngày 05/6/2019 của Nguyễn Duy A tại nhà số 24/8/453 A1, phường A2, quận A3, thành phố Hải Phòng (bút lục 661) thể hiện: “Khoảng 12 giờ ngày 05/6/2019 tôi có gặp Nguyễn Văn F sinh năm 1984 ở khu 2, F1, F2, tỉnh Quảng Ninh là người điều khiển xe biển kiểm soát 14A.322.07 tại số nhà 24/8/453 A1 do có thỏa thuận từ trước....Toàn bộ số chim có trên xe ô tô biển kiểm soát 14A.322.07 là của tôi. Tôi thừa nhận tại nhà tôi có các lồng gồm có 02 con quạ, 01 mèo rừng, 13 con rái cá, 10 con chim cò là do tôi quản lý, chăm sóc và bán chưa đúng quy định pháp luật...”. “....Cách đây khoảng 2 tuần có 1 đối tượng người Trung Quốc tôi không biết ở đâu gửi tôi 13 con rái cá nhờ chăm sóc và tôi đồng ý, số quạ, cò cũng là của đối tượng Trung Quốc....Đối tượng người Trung Quốc tại hiện trường, tôi không biết tên là gì mà tôi thuê anh ta đến để chăm sóc nuôi dưỡng, chữa trị động vật của nhà tôi được 06 tháng nay...”.

[3.3] Lời khai của bị cáo Nguyễn Duy A từ bút lục số 663 đến 674 thể hiện: “...Toàn bộ các cá thể động vật trên được tôi mua trôi nổi ngoài thị trường; không có giấy tờ xuất xứ rõ ràng...tôi đặt mua các cá thể động vật trên qua mạng Internet...” [3.4] Tại Biên bản ghi lời khai bị cáo Nguyễn Duy A (bút lục số 666) thể hiện: “... Thực tế số rái cá đó là của tôi do tôi mua về nhà để nuôi tôi liên hệ trên mạng để đặt mua với giá từ 03-04 triệu đồng một con. Tôi bắt đầu nuôi rái cá khoảng vài tháng trước đây. Lời khai ngày 05/6/2019 tôi trình bày là có 1 đối tượng người Trung Quốc gửi là không chính xác, do lúc đó tôi lo sợ nên trình bày như vậy, thực tế số rái cá trên do tôi mua về. Tôi là người trực tiếp cho ăn và tắm rửa chăm sóc chim thú...” [3.5] Lời khai của bị cáo Nguyễn Duy A tại các bút lục 673, 674 (Có Kiểm sát viên Nguyễn Vương Hoàng - Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia): Bị cáo A thừa nhận toàn bộ số động vật trên do bị cáo mua về nhà nuôi nhốt trong các lồng sắt tại tầng 04.

[3.6] Lời khai của đối tượng Z người Trung Quốc (tại các bút lục số 608 đến 609) thể hiện: “...Khoảng tháng 4 năm 2019 tôi vượt biên sang Việt Nam qua thành phố F2, tỉnh Quảng Ninh sau đó đi xe về Hải Phòng có người đi xe ô tô đen là A chở tôi về nhà số 24/8/453 A1, phường A2, quận A3, thành phố Hải Phòng, tôi nhập cảnh trái phép. Tôi chỉ nuôi trong nhà số 24/8/453 A1 có 18 con gồm 16 con vẹt, 02 con quạ là của tôi mua về để chơi. Tôi quen biết A thông qua người bạn tên V cùng là người Trung Quốc với tôi. Tôi với A có thương lượng với nhau về nhà A ở và chăm nuôi chim hộ A được khoảng hơn 1 tháng đến nay...”.

[3.7] Xác minh chính quyền địa phương thì bị cáo Nguyễn Duy A thường xuyên qua lại căn nhà 24/8/453 A1, phường A2, quận A3, thành phố Hải Phòng và căn nhà này thuộc sở hữu của bị cáo Nguyễn Duy A.

[3.8] Lời khai của Phạm Văn G (từ bút lục số 622 đến 653, từ bút lục 1336 đến 1357) thể hiện: “...Tôi được anh A thuê dọn vệ sinh cho số động vật nuôi nhốt tại nhà anh A số 24/8/453 A1. Thời gian làm ở đó tôi thường hay gặp anh A vì anh A là người trả lương cho tôi ngoài ra còn có 1 người đàn ông Trung Quốc chủ yếu làm nhiệm vụ cho động vật đang nuôi nhốt trong nhà ăn. Tôi chăm sóc chim cho anh A thì tôi thấy 1 người đàn ông Trung Quốc đến đây ăn ở. Sau đó tôi thấy xuất hiện 1 số động vật lạ khác, số động vật này do người đàn ông Trung Quốc chăm sóc. Người đàn ông này chăm sóc động vật đến khi bị bắt...”. G còn khai: “... Khi cơ quan chức năng kiểm tra bắt giữ chúng tôi gồm Nguyễn Duy A, người đàn ông Trung Quốc, Nguyễn Văn F và tôi đều được cán bộ công an giám sát chặt chẽ không thể nói chuyện gì với nhau, người đàn ông Trung quốc được đưa lên tầng 2 (bút lục 1336). Khi cơ quan chức năng thu giữ số rái cá để kiểm kê tôi xác định các lồng sắt nhốt rái cá là do tôi đã chở cho anh A trước đó ở 1 gia đình gần chợ Hàng...”.

[3.9] Tài liệu trên Zalo qua trích xuất điện thoại di động của bị cáo Nguyễn Duy A thể hiện (từ bút lục 280 đến 284): Đoạn hội thoại bằng ứng dụng Zalo giữa bị cáo Nguyễn Duy A với tên “253046431 Chuyên Đặc Sản Rừng” có 295 tin từ ngày 19/5/2019 đến 11/6/2019 thể hiện có việc trao đổi mua bán rái cá trên mạng cụ thể như sau:

“Hồi 18h13’ đến 20h19’ ngày 19/5/2019 đến Chuyên Đặc Sản Rừng và A nhắn tin trao đổi nội dung: Chuyên Đặc Sản Rừng nhắn cho A biết sang ngày 20/5/2019 có 01 con Rái Cá to ra Hải Phòng và nhắn số điện thoại nhà xe 078X288 cho A và bảo vẫn nhà xe cũ, bảo người đón mang tiền ra trả tiền cước từ 4 đến 500 nghìn rồi trừ vào tiền hàng cho Chuyên Đặc Sản Rừng.

Đến 5h49’ Chuyên Đặc Sản Rừng nhắn cho A biết xe tới rồi bảo A cho người ra nhận hàng dùm em với.

A nhắn OK và hỏi con được mấy kg? Chuyên Đặc Sản Rừng nhắn tầm 3,5 đến 4 kg ấy.

07h11’ ngày 20/5/2019 A nhắn nguyên đoạn hội thoại tin nhắn A gửi cho G chim ở nhà (Phạm Văn G dọn vệ sinh) trong đó thể hiện A chỉ đạo G cách nhốt lồng con Rái Cá vừa nhận ở bến xe về, đặc biệt là nội dung tin nhắn thể hiện G phải trả 550.000 đồng tiền cước cho tiền công vận chuyển, và G kêu đắt quá buôn vàng.

Chuyên Đặc Sản Rừng kêu đắt vào bảo đưa 400.000 thôi vì Chuyên Đặc Sản Rừng đã làm giá rồi.

A bảo Chuyên Đặc Sản Rừng lần sau gửi 02 con một để mất cước ít, Chuyên Đặc Sản Rừng trả lời 2 con nó vẫn tính 800.000 vì nó tính theo con anh à, qua của khẩu 1 con thêm 500.000 nữa, A trả lời đắt thế, vãi, Chuyên Đặc Sản Rừng nhắn: 1 con hàng ra tới tay anh công cước lên đến 1.500.000 đồng rồi, vì hàng nhóm IB mà anh, A hỏi bắt có sao không nhỉ? Chuyên Đặc Sản Rừng nhắn phạt nặng lắm 70 triệu tiền phạt, tịch thu hàng.

A nhắn Uhm, Chuyên Đặc Sản Rừng nhắn tiếp số lượng nhiều còn truy tố nữa đó và nhắn số tài khoản 3907205158324 Nguyễn Thị Phương Th Agribank;

Đến 11h14’ ngày 20/5/2019 A nhắn cho Chuyên Đặc Sản Rừng kết quả A chuyển 5.000.000 đồng thành công vào tài khoản 3907205158324 Agribank.

Hồi 11h14’ đến 11h24’ A nhắn cho Chuyên Đặc Sản Rừng mách, mắng việc nhà xe ô tô mở thùng hàng cho cả bến xe xem và toàn bộ tin nhắn kế tiếp của G dọn nhà thể hiện: “A hỏi G con đó còn sống không? G nhắn trả lời còn sống và nhắn tiếp “xem lại cái nhà xe này đi nó mở ra cho bọn giữ hàng biết đấy, anh không đi lấy con này đâu” cho Chuyên Đặc Sản Rừng biết và thay nhà xe.”.

[4] Mặt khác, bị cáo Nguyễn Duy A khai cho đối tượng Z thuê nhà từ tháng 3 năm 2019 nhưng Z lại khai đến nhà A vào tháng 4 năm 2019 do được bị cáo Nguyễn Duy A đón.

[5] Đối với việc Luật sư cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan đến lời nhận tội của đối tượng Z nhưng gửi sau khi đối tượng Z về nước (Trung Quốc) không được thu thập theo trình tự pháp luật Việt Nam (Hợp thức hóa lãnh sự) nên không có giá trị pháp lý. Trong trường hợp có căn cứ chứng minh đối tượng Z có hành vi nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán số động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm thì đối tượng Z đồng phạm với bị cáo Nguyễn Duy A về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm” và không làm thay đổi việc hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Duy A.

[6] Như vậy, những lời khai nhận tội của bị cáo Nguyễn Duy A tại cơ quan điều tra phù hợp với lời khai của người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, kết luận giám định, dữ liệu điện thoại, vật chứng đã thu giữ và các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập hợp pháp có trong hồ sơ vụ án nên có cơ sở để xác định: Tại căn nhà 24/8/453 A1, phường A2, quận A3, thành phố Hải Phòng thuộc quyền sở hữu của bị cáo Nguyễn Duy A, bị cáo Nguyễn Duy A có hành vi nuôi nhốt nhiều động vật, cụ thể là: 14 con Rái Cá vuốt bé, 04 con chim là loài Niệc mỏ vằn, 04 con chim là loài Hồng Hoàng, 01 con Mèo rừng, 10 con chim là loài Vẹt má vàng, 10 con chim là loài Quắm đen, 02 con chim là loài Cao cát bụng trắng, 06 (sáu) con chim là loài chim nhập ngoại thông thường.

[7] Tại các bản Kết luận giám định động vật số 494, số 495 ngày 07/6/2019 và số 512 ngày 14/6/2019, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận:

- 14 (mười bốn) cá thể động vật lớp thú còn sống là loài Rái Cá vuốt bé, có tên khoa hoạc Aonyx cinereus, có tên trong nhóm IB danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ);

- 04 (bốn) cá thể động vật còn sống thuộc lớp Chim là loài Niệc mỏ vằn, có tên khoa học Rhyticeros undulates, có tên trong nhóm IB danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ);

- 04 (bốn) cá thể động vật còn sống thuộc lớp Chim là loài Hồng Hoàng, có tên khoa học Buceros bicornis, có tên trong nhóm IB danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ);

- 01 (Một) cá thể động vật thuộc lớp thú còn sống là loài Mèo rừng có tên khoa học Prionailurus bengalensis, có tên trong nhóm IIB danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ);

- 10 (Mười) cá thể động vật thuộc lớp chim là loài Vẹt má vàng, có tên khoa học Psittacula eupatria, có tên trong nhóm IIB danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ);

- 10 (Mười) cá thể động vật thuộc lớp chim là loài Quắm đen, có tên khoa học Plegadis falcinellus - là loài chim hoang dã thông thường;

- 02 (Hai) cá thể động vật thuộc lớp chim là loài Cao cát bụng trắng, có tên khoa học Anthracoceros albirostris;

- 01 (Một) cá thể động vật thuộc lớp chim là loài Quạ đen, có tên khoa học Corvus macrorhynchos - là loài chim hoang dã thông thường;

- 06 (sáu) cá thể động vật thuộc lớp chim là loài chim nhập ngoại thông thường.

[8] Do đó, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng truy tố và Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo bị cáo Nguyễn Duy A về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không oan.

[9] Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng, đã xâm phạm đến chế độ quản lý của nhà nước về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác cho đời sống xã hội. Vụ án này có dấu hiệu đồng phạm nhưng đối tượng Z chưa được điều tra làm rõ. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Duy A là đối tượng chính trực tiếp biết, nuôi nhốt toàn bộ 14 (mười bốn) cá thể động vật lớp thú còn sống là loài Rái Cá vuốt bé. Do đó, cần phải có hình phạt nghiêm minh để có tác dụng răng đe và phòng ngừa chung.

[10] Bị cáo Nguyễn Duy A không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Gia đình bị cáo có công với Cách mạng; toàn bộ số động vật hoang đã được chuyển cho Trung tâm cứu hộ vật hoang dã Hà Nội nuôi dưỡng, chăm sóc nên bị cáo Nguyễn Duy A được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

[11] Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo Nguyễn Duy A được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu trên và xử phạt bị cáo Nguyễn Duy A 11 năm tù, áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền là phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội và nhân thân, vai trò, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo.

[12] Đối với đối tượng Nguyễn Văn F người điều khiển xe ô tô BKS 14A- X được thuê vận chuyển 08 con chim trong đó có 02 cá thể Hồng Hoàng, 01 Niệc Mỏ vằn thuộc phụ lục I danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nhưng chưa đủ số lượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng không xử lý là có căn cứ.

[13] Đối với đối tượng Phạm Văn G là người được Nguyễn Duy A thuê để dọn dẹp, vệ sinh chuồng nuôi, nhốt nhưng không được bàn bạc, tham gia nuôi, nhốt, vận chuyển, mua bán số động vật trên nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng không xử lý là có căn cứ.

[14] Đối với đối tượng Z: Ngày 14/8/2019, Vụ 13 Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Công hàm số 3663/VKSTC-V13 chuyển yêu cầu tương trợ đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa để hỗ trợ thực hiện nhưng đến nay chưa có kết quả. Tòa án cấp sơ thẩm đã kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp và làm rõ hành vi của đối tượng Z để tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp và làm rõ hành vi của đối tượng Z để tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

[15] Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận A3, thành phố Hải Phòng khi điều tra vụ án có vi phạm tố tụng nhưng đã được khắc phục cơ bản, không ảnh hưởng đến bản chất vụ án và hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Duy A. Tòa án cấp sơ thẩm đã kiến nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc, kịp thời.

[16] Việc xử lý vật chứng của cấp sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.

[17] Tại phiên tòa phúc thẩm, ngoài việc bị cáo và Luật sư xuất trình tài liệu là các file ghi âm, ghi hình đã được phân tích nêu trên thì không có thêm tình tiết gì mới. Mặt khác, như đã phân tích ở trên, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Duy A 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật, không oan và phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội và nhân thân, vai trò, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo Nguyễn Duy A. Do đó, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Duy A, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[18] Do vậy, lời đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Duy A là hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại là không có cơ sở nên không được chấp nhận; ý kiến của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội là bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Duy A, giữ nguyên bản án sơ thẩm là có cơ sở nên được chấp nhận.

[19] Do không được chấp nhận kháng cáo nên bị cáo Nguyễn Duy A phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[20] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Duy A, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 154/2021/HS-ST ngày 23 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

Áp dụng điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều 244, khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 38, Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

1. Xử phạt bị cáo Nguyễn Duy A 11 (Mười một) năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án nhưng được trừ thời gian bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp từ ngày 07/6/2019 đến ngày 15/6/2019.

Cấm bị cáo Nguyễn Duy A đi khỏi nơi cư trú, thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú được tính từ khi tuyên án cho đến thời điểm bị cáo đi chấp hành án phạt tù.

Phạt tiền bổ sung bị cáo 20.000.000 (Hai mươi triệu) đồng sung Ngân sách Nhà nước.

2. Kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của đối tượng Z để tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

3. Kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận A3, thành phố Hải Phòng cần kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc khi để xảy ra nhiều vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra vụ án.

4. Về xử lý vật chứng:

- Tịch thu sung Ngân sách Nhà nước: 01 (Một) điện thoại Iphone màu vàng số trên khung sim 353097100942340 và 01 (Một) điện thoại di động màu đen số trên khung sim 357351097089086 (Theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 26/6/2020 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng).

- Giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chăm sóc, nuôi dưỡng 52 (Năm mươi hai) cá thể gồm: 04 (Bốn) cá thể loài Hồng hoàng, 04 (Bốn) cá thể loài Niệc mỏ vằn, 14 (Mười bốn) cá thể Rái cá vuốt bé, 01 (Một) cá thể Mèo rừng, 02 (Hai) cá thể Cao cát bụng trắng, 10 (Mười) cá thể Vẹt má vàng, 10 (Mười) cá thể loài Quắm đen, 01 (Một) cá thể loại Quạ đen, 06 (Sáu) cá thể chim ngoại.

- Giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiêu hủy toàn bộ 14 (mười bốn) cá thể đã chết gồm: 02 (Hai) Rái cá vuốt bé; 01 (Một) Niệc mỏ vằn; 08 (Tám) Vẹt má vàng và 03 (Ba) cá thể chim ngoại nhập hiện bảo quản lạnh.

(Theo Biên bản giao, nhận ngày 05/6/2019 giữa Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Hải Phòng và Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội).

5. Về án phí: Bị cáo Nguyễn Duy A phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

6. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

53
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 125/2023/HS-PT

Số hiệu:125/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về