Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 09/2024/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TD , TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 09/2024/HS-ST NGÀY 29/02/2024 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

 Ngày 29 tháng 02 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện TD, tỉnh N đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 04/2024/TLST-HS ngày 26 tháng 01 năm 2024 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 11/2024/QĐXXST-HS ngày 16 tháng 02 năm 2024 đối với bị cáo:

Họ và tên: X Gi V, tên gọi khác: Không có; Sinh ngày 08 tháng 6 năm 1978, tại huyện K S, tỉnh N; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Bản K D, xã N Ng, huyện K S, tỉnh N; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ văn hoá: 0/12; Dân tộc: Mông; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: X Nh L(Đã chết) và con bà L Y D (Đã chết); Vợ: L Y V, con: 05 người con; Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 18 tháng 12 năm 2023 cho đến nay. Có mặt tại phiên tòa

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Lê Công Th – Trợ giúp viên pháp lý thuộc trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh N. Có mặt

- Người phiên dịch: Anh L B D, sinh năm 1989. Trú tại: Bản N H, xã Đ M, huyện K S, tỉnh N. Có mặt

- Người làm chứng: Anh X B Ch, sinh năm 1996. Trú tại: Bản K D, xã N Ng, huyện K S, tỉnh N. Có mặt

 - Người chứng kiến: Anh Ch Đ H. Vắng mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào sáng ngày 26/9/2023, X Gi V trên đường đi làm rẫy về đến khu vực rừng sản xuất thuộc khoản 1, tiểu khu 492 địa phận bản K D, xã N Ng, huyện K S, tỉnh N thì phát hiện 01 cá thể rùa đang bò trên mặt đất. Vì trước đó X Gi V có nghe dân bản đồn rằng máu của rùa có tác dụng tốt cho sức khỏe nên Và mang về nhà cất giấu mục đích để làm thuốc. Đến ngày 28/9/2023, X Gi V bị đau ở vùng má bên phải nên lấy cá thể rùa bắt được trước đó bỏ trong 01 bao xác rắn màu hồng rồi giấu trong lớp áo khoác đang mặc đi đến Trung tâm Y tế huyện TD thuộc huyện TD, tỉnh N nhập viện để điều trị.

Đến khoảng 19 giờ, ngày 04/10/2023, X Gi V nhờ con trai là X B Ch, chở Và đi theo hướng từ Trung tâm Y tế huyện TD đến xã T Th, huyện TD để tìm cây thuốc đắp cùng với máu của rùa để chữa vết thương ở má của V. Đến khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, khi đi đến địa phận bản L, thị trấn Th Gi, huyện TD, tỉnh N, X Gi V bị tổ công tác Đội CSGT-TT Công an huyện TD kiểm tra, phát hiện bên trong lớp áo khoác mà X Gi V đang mặc có 01 bao xác rắn màu hồng, bên trong có 01 cá thể rùa còn sống.

Tại bản Kết luận giám định hình thái động vật số:1674/STTNSV ngày 06/10/2023 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, kết luận:

Xác định tên loài động vật:

01 (một) cá thể rùa trong bản ảnh giám định là loài Rùa đầu to có tên khoa học là Platysternon megacephalum, lớp Bò sát (Reptilia).

Xác định tình trạng bảo tồn theo quy định của pháp luật:

1) Loài Rùa đầu to có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ- CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ.

2) Loài Rùa đầu to cũng có tên trong Nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, ngày 22/9/2021 của Chính phủ”.

Tại Biên bản xác định hiện trường lập ngày 02/11/2023 của Cơ quan CSĐT Công an huyện TD xác định vị trí mà X Gi V đã bắt cá thể rùa đầu to vào ngày 26/9/2023 có toạ độ X(E): 437666.642 m; Y(N): 2129582.745 m thuộc địa phận bản K D, xã N Ng, huyện K S, tỉnh N.

Tại Công văn số 149/HKL-PC ngày 24/11/2023 của Hạt kiểm lâm K S xác định: “Vị trí có toạ độ X(E): 437666.642 m; Y(N): 2129582.745 m thuộc địa phận bản K D, xã N Ng, huyện K S, tỉnh N không thuộc Khu bảo tồn, Vườn Quốc gia, Khu dự trữ thiên nhiên, Khu bảo tồn loài – sinh cảnh, Khu bảo vệ cảnh quan hoặc khu vực khác có quy định cấm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hiện tại chưa có văn bản của Nhà nước quy định cụ thể về mùa sinh sản, mùa di cư của loài rùa đầu to (Platysternon megacephalum)”.

Bản cáo trạng số 07/CT-VKS-TD ngày 25 tháng 01 năm 2024 của Viện kiểm sát nhân dân huyện TD đã truy tố X Gi V về tội: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên Quyết định truy tố của Bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 244,điểm m,s khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo: X Gi V mức án từ 12 tháng tù đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 24 tháng đến 30 tháng về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”; Miễn án phí hình sự sơ thẩm và hình phạt bổ sung cho bị cáo.

Người bào chữa không có ý kiến tranh luận với bản luận tội và đề xuất: Hội đồng xét xử xem xét đến việc nhận thức pháp luật của các bị cáo đang còn hạn chế, cư trú ở vùng sâu, vùng xa, không biết chữ nên lượng hình ở mức thấp nhất theo đề nghị của Kiểm sát viên đối với bị cáo X Gi V mức án 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, miễn án phí hình sự sơ thẩm và hình phạt bổ sung cho bị cáo.

Tại phiên tòa bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, không có ý kiến gì tranh luận với bản luận tội của Kiểm sát viên. Lời nói sau cùng trước Hội đồng xét xử vào phòng nghị án bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng: Điều tra viên, Cơ quan điều tra Công an huyện TD, tỉnh N, Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện TD, tỉnh N quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hay khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

[2] Hành vi phạm tội của bị cáo: Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, bị cáo X Gi V đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp lời khai của người làm chứng, phù hợp với các chứng cứ tài liệu khác có trong hồ sơ. Vì vậy có đủ cơ sở để khẳng định: Vào khoảng 19 giờ 30 phút ngày 04/10/2023, tại bản Lau, thị trấn Thạch Giám, huyện TD, tỉnh N, X Gi V đã có hành vi tàng trữ trái phép 01 (Một) cá thể Rùa đầu to có tên khoa học là Platysternon megacephalum, lớp Bò sát (Reptilia), có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ và cũng có tên trong Nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, ngày 22/9/2021 của Chính phủ, nhằm mục đích để làm thuốc chữa bệnh. Hành vi bị cáo đã thực hiện đã cấu thành tội: Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự.

Chính vì vậy cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện TD đã truy tố bị cáo X Gi V theo tội danh và Điều luật, viện dẫn ở trên là có cơ sở pháp luật, đúng người, đúng tội, không oan sai.

[3] Tính chất, mức độ hậu quả của vụ án: Bị cáo người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự đã cố ý thực hiện tội phạm nghiêm trọng, xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, xâm phạm các quy định của Nhà nước trong việc bảo vệ hệ cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học của các loài động vật nguy cấp, quý hiếm trong môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến việc bảo tồn, duy trì và phát triển động vật hoang dã, quý hiếm, ảnh hưởng tới môi trường chung của toàn xã hội.Vì vậy cần lên mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.

[4] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[5] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo sau khi phạm tội đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải đối với hành vi phạm tội của mình gây ra, bị cáo là người mù chữ, không được học hành, sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, do mê tín dị đoan, nhận thức về pháp luật kém nên phạm tội nên Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm m,s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo khi quyết định hình phạt thể hiện sự khoan hồng của nhà nước ta mà cải tạo mình thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Xét thấy bị cáo X Gi V có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại các khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự; có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng, không có tiền án, tiền sự, trước khi phạm tội chấp hành tốt chính sách, pháp luật và các quy định tại địa phương nơi cư trú. Bị cáo có đủ điều kiện cho hưởng án treo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự và theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên việc cách ly bị cáo ra ngoài xã hội là không cần thiết mà để bị cáo cải tạo tại địa phương cũng đủ cho bị cáo tu duỡng, rèn luyện bản thân, sớm trở thành công dân tốt, biết tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Việc cho bị cáo được hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà vẫn đảm bảo tính răn đe, giáo dục đối với bị cáo, đồng thời cũng thể hiện được sự khoan hồng của pháp luật.

[6] Hình phạt bổ sung: Kết quả xác minh tài sản của bị cáo chỉ đủ duy trì cuộc sống thiết yếu hàng ngày và không có tài sản nào được tạo lập từ việc phạm tội nên chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên, Người bào chữa miễn hình phạt bổ sung cho bị cáo.

Đối với X B Ch là người đã chở X Gi V, tuy nhiên quá trình điều tra xác định khi chở, X B Ch không biết việc X Gi V bắt và mang theo cá thể rùa đầu to nên không có căn cứ để xử lý.

[7] Về vật chứng vụ án:

- Cơ quan điều tra thu giữ 01 (Một) cá thể Rùa đầu to có khối lượng 0,883 kg (không phẩy tám trăm tám mươi ba kilogam). Hiện Cơ quan điều tra đã bàn giao cho Cơ sở bảo tồn động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát để cứu hộ, chăm sóc và thả về tự nhiên.

- 01 (Một) bao xác rắn màu hồng là vật chứng vụ án không có giá trị sử dụng cần tịch thu tiêu hủy.

[8] Án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên Hội đồng xét xử chấp nhận lời đề nghị của Kiểm sát viên, Người bào chữa miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo. Bị cáo có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 244, điểm m,s khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự xử phạt: X Gi V 01 (Một) năm tù nhưng được hưởng án treo thời gian thử thách là 02 (Hai) năm về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo X Gi V cho UBND xã N Ng, huyện K S, tỉnh N nơi các bị cáo thường trú giám sát, giáo dục. Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục các bị cáo. Trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại 92 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

[2]. Xử lý vật chứng: Áp dụng khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự và khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

+ Tiêu hủy: 01 (Một) bao xác rắn màu hồng (Đặc điểm và tình trạng vật chứng như trong biên bản giao nhận vật chứng ngày 25.01.2024 giữa cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện TD, tỉnh N và Chi cục Thi hành án dân sự huyện TD, tỉnh N);

[3] Án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo X Gi V.

[4] Quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án lên Toà án nhân dân tỉnh N trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án là ngày 29/02/2024.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

66
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 09/2024/HS-ST

Số hiệu:09/2024/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tân Kỳ - Nghệ An
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:29/02/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về