Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 08/2022/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN M , TỈNH T

BẢN ÁN 08/2022/HS-ST NGÀY 16/02/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày16/02/2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện M , tỉnh T , xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 56/2021/TLST-HS ngày 28/01/2021, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 05/2021/QĐXXST-HS ngày 04/02/2022 đối với bị cáo:

Giàng A S ;Sinh năm 1994. Quê quán: Huyện B , tỉnh L .Nơi cư trú: Bản K , xã T , huyện M , tỉnh T .Dân tộc: Mông; Tôn giáo: Không.Nghề nghiệp: Trồng trọt.Trình độ học vấn: Không biết chữ.Con ông: Giàng A Đ , sinh năm: 1956.

Con bà: Giàng Thị D , đã chết. Vợ: Hờ Thị C , sinh năm: 1993.Có 04 người con, lớn nhất sinh năm 2010; nhỏ nhất sinh năm 2017.Vợ và các con của bị cáo đều cư trú tại bản K , xã T , huyện M , tỉnh T .

Tiền án, tiền sự: Không.Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa cho bị cáo:Ông Hà Văn Kh - Trợ giúp viên pháp lý-Trung tâm trợ giúp pháp lý số 1, thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh T . Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 8 giờ ngày 28/7/2021, bị cáo điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 36B1-xxx13 từ nhà lên bản K , xã T để đổ xăng xe máy nhưng không tìm được quán bán xăng, bị cáo điều khiển xe theo quốc lộ 15C xuống xã H , huyện Q , tỉnh T để đổ xăng. Trên đường đi thuộc bản K , xã T , huyện M ,bị cáo gặp một bé trai khoảng 14 tuổi đang đứng bên đường chào bán một cá thể động vật còn sống, hình dạng loài rùa, có đặc điểm mai cứng nhô cao, trên mai có các nếp vằn, xen kẽ giữa lưng dài sọc màu vàng nhạt, đầu có màu vàng với giá 100.000đ (một trăm nghìn đồng). Bị cáo biết đây là loài rùa Hộp trán vàng và đồng ý mua với mục đích mang về làm thức ăn cho gia đình và mai rùa làm thuốc chữa bệnh. Sau đó bị cáo để cá thể động vật vào trong cốp xe và tiếp tục đi về hướng xã H , huyện Q , tỉnh T . Khi đến gần Trạm kiểm lâm Pá Quăn, xã T , huyện M , tỉnh T thì bị Tổ công tác Cảnh sát giao thông, Công an huyện M kiểm tra phát hiện và thu giữ trong cốp xe, cá thể động vật còn sống, hình dạng loài rùa. Nghi vấn thuộc loài động vật nguy cấp, quý, hiếm nên tổ công tác đã lập biên bản vụ việc, chuyển toàn bộ hồ sơ cùng tang vật cho Cơ quan CSĐT Công an huyện M tiến hành kiểm tra, xác minh.

Ngoài ra còn bị tạm giữ 01 xe mô tô biển kiểm soát 36B1-xxx13, nhãn hiệu: HONDA, loại xe Wave RSX, màu Đen trắng, số máy: 43E6236383, số khung: BY301178, đã qua sử dụng.

Tại Kết luận giám định động vật số: 741/STTNSV, ngày 08/9/2021 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận:

Tên loài: Ảnh chụp 01 (một) cá thể động vật là của loài Rùa hộp trán vàng (hay còn gọi là Rùa hộp trán vàng miền Bắc) thuộc lớp Bò sát, có tên khoa học là Cuora galbinifrons.

Tình trạng bảo tồn:

- Loài Rùa hộp trán vàng miền bắc (Rùa hộp trán vàng) Cuora galbinifrons có tên trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ.

- Rùa hộp trán vàng miền bắc Cuora galbinifrons cũng thuộc Nhóm IIB trong Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ.

Quá trình điều tra bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai của bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Bản cáo trạng số:11/CT-VKS-ML ngày 27/12/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Lát truy tố bị cáo về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi tàng trữ con rùa có đặc điểm nêu trên, bị cáo xác nhận trong quá trình điều tra, truy tố không bị Cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng biện pháp ép cung, bức cung hay nhục hình.Bị cáo khai, việc mua rùa về mục đích ăn thịt và lấy mai rùa làm thuốc chữa vết thương, không biết đó là cá thể rùa động vật nguy cấp, quý, hiếm và bị Nhà Nước nghiêm cấmnên không biết đã phạm tội. Bị cáo công nhận toàn bộ hành vi của mình như bản Cáo trạng đã nêu là đúng,không khai báo thêm tình tiết mới.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tranh luận và luận tội: Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi của mình. Đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tốbị cáo theo toàn bộ nội dung Cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:

Về tội danh: Tuyên bố: Bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Áp dụng:Điều 38;điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65;Điểm b khoản 1Điều 244 BLHS;

Về hình phạt: Hình phạt chính: Xử phạtbị cáo từ 12 đến15 tháng tù cho hưởng án treo.Thời gian thử thách là 24 đến 30 tháng.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối vớibị cáo, vìbị cáo làm nghề trồng trọt, thu nhập thấp nên không có tính khả thi.

Về vật chứng: Một cá thể rùa Hộp trán vàng miền Bắc, còn sống. Cơ quan CSĐT Công an huyện M đã bàn giao cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu để chăm sóc, cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên theo quy định của pháp luật. KSV không đề nghị xem xét Xe mô tô biển kiểm soát 36B1-xxx13, nhãn hiệu: HONDA, loại xe Wave RSX, màu Đen trắng, số máy: 43E6236383, số khung: BY301178, đã qua sử dụng là tài sản hợp pháp của bị cáo, KSV đề nghị trả lại xecho bị cáo.

Về án phí: Bị cáolà người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn nên đề nghị miễn án phí HSST theo quy định của pháp luật.

Ý kiến người bào chữa: Người bào chữa cho bị cáođồng tình với quan điểm truy tốcủa VKS về tội danh, điều luật áp dụng và khung hình phạt, tình tiết giảm nhẹ TNHS cho bị cáo. Người bào chữa cho rằng: Bị cáo là người dân tộc thiểu số, không biết chữ, gia đình thuộc hộ nghèo, sinh sống ở vùng có điều kiện Kinh tế - Xã hội đặc biệt khó khăn. Về hành vi phạm tội của bị cáo: Bị cáokhông biết cá thể rùa đó là vật cấm, mà mục đích mua về làm thức ăn và mai rùa làm thuốc chữa vết thương theo dân gian,nên phạm tội do lạc hậu,đề nghị HĐXX xem xét, ngoài những tình tiết giảm nhẹ TNHS như KSV đề nghị, cho bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS, xử bị cáomức ánthấp nhất, cho bị cáo hưởng án treo và đề nghị HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung, đồng thời miễn án phí cho bị cáo.

Bị cáo nhận tội, đồng tình với lời bào chữa, khôngthay đổi, bổ sung thêm gì làm thay đổi nội dung vụ án, bị cáo không có ý kiến tranh luận với đại diện VKS.

Lời nói sau cùng:Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét mức án thấp nhất, cho bị cáo hưởng án treo để bị cáo nuôi con nhỏ cùng vợ, bản thân hứa sẽ trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Xét về hành vi, quyết định tố tụng: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện M , Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện M , Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố; Tòa án nhân dân huyện M , Thẩm phán, Thư ký đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa cho bị cáo và bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Chứng cứ xác định có tội, không có tội của bị cáo:

Tại phiên tòa bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Xét lời khai của bị cáo là hoàn toàn tự nguyện và phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan Điều tra, lời khai của người chứng kiến, kết luận giám định và chứng cứ khác trong hồ sơ, đủ cơ sở khẳng định: Bị cáo tàng trữ“Một cá thể động vật còn sống, hình dạng loài rùa, qua giám định là của loài Rùa hộp trán vàng (hay còn gọi là Rùa hộp trán vàng miền Bắc) thuộc lớp Bò sát, có tên khoa học là Cuora galbinifrons có tên trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm” được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật, đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, quy định tại điểm bkhoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự, như Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện M truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa,bị cáo khai, không biết con rùa là động vật quý hiếm và không biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, mục đích mua con rùa về làm thức ăn. Tuy nhiên hành vi của bị cáo là xâm phạm đến chế độ quản lý tài nguyên động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của Nhà nước cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Bị cáo là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự nên phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình.

[3] Xét về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Bị cáo không bị áp dụng tình tiết tăng nặng.

Trong giai đoạn điều tra, truy tố bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Tại phiên tòa hôm naybị cáo cũng đã thành khẩn khai báo, thái độ ăn năn hối cải; Bị cáo khai, bản thân không được đi học nên không biết chữ, chưa được cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào tuyên truyền, phổ biến về các loài động vật, cá thể... quý hiếm cần được bảo tồn nên không biết con rùa bị cáo mua là vật cấm, mà mục đích của bị cáo mua về làm thức ăn và mai rùa làm thuốc chữa vết thương theo dân gian, nên bị cáo phạm tội do lạc hậu;Bị cáo có nơi cư trú ổn định ở bản K , xã T , huyện M , tỉnh T , là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo. HĐXX thấy lời bào chữa của trợ giúp viên pháp lý, đề nghị cho bị cáođược hưởngtình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểmm khoản 1Điều 51 Bộ luật hình sự (Bị cáo phạm tội do lạc hậu) là phù hợp với quy định của pháp luật, nên chấp nhận lời bào chữa. Như vậy, bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm m, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự là phù hợp với quy định của pháp luật, thể hiện tính khoan hồng của pháp luật Việt Nam.

Với các tình tiết này HĐXX xem xét xử bị cáo mức án tương xứng với hành vi phạm tội củabị cáo, thể hiện sự nghiêm minh nhưng có tính khoan hồng của pháp luật.

[4] Xét về hình phạt:

Hình phạt chính: Xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; Thấy rằng đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa về mức hình phạt cho bị cáo là phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo, không cần cách ly bị cáo cũng đủ sức răn đe, phòng ngừa chung.

Hình phạt bổ sung: Theo các tài liệu, chứng cứ và lời khai củabị cáo tại phiên tòa, cho thấy các bị cáo làm nghề trồng trọt thu nhập không ổn định, là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện Kinh tế - Xã hội đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo. HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung đối vớibị cáo.

[5]. Xét về vật chứng trong vụ án:

Một cá thể rùa Hộp trán vàng miền Bắc còn sống. Cơ quan CSĐT Công an huyện M đã bàn giao cho Ban quản lý Khu bản tồn thiên nhiên Pù Hu để chăm sóc, cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên phù hợp, theo quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Xe mô tô biển kiểm soát 36B1-xxx13, nhãn hiệu: HONDA, loại xe Wave RSX, màu Đen trắng, số máy: 43E6236383, số khung: BY301178, đã qua sử dụng là tài sản hợp pháp của bị cáo nên trả lại cho bị cáo là phù hợp.

[6].Xét về phần án phí và quyền kháng cáo:Bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn nên được miễn án phí HSST và có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

[7]. Các nhận định khác:

Đối với người đã bán rùa cho bị cáo, thì Cơ quan CSĐT không có căn cứ để xác minh làm rõ vì bị cáo không biết tên, tuổi và địa chỉ người này.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Về điều luật:

Căn cứ: Điểm b khoản 1 Điều 244; Điều 50;Điều 65; Điểm m, s khoản 1, khoản 2 Điều 51;Điều 47 BLHS;

Căn cứ: Khoản 2 Điều 106;Điều 135, Điều 136BLTTHS; Điều 260; Điều 331, Điều 333 và Điều 337 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Căn cứ: Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội khóa 14, quy định về mức thu, miễn, giảm,thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Về tội danh:Tuyên: Bị cáo Giàng A S phạm tội: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Về hình phạt:

- Hình phạt chính: Xử bị cáo:12 (Mười hai) tháng tù, cho hưởng án treo.Thời gian thử thách 24 (Hai bốn) tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.Giao bị cáo cho UBND xã T , huyện M , tỉnh Thanh Hóa giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bà Hờ Thị C , sinh năm 1993 (vợ bị cáo) có trách nhiệm phối hợp với UBND xã T , huyện M trong việc giám sát giáo dục bị cáo.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92, Điều 68 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự hai lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 BLHS.

-Hình phạt bổ sung: Miễn hình phạt bổ sung chobị cáo.

Về tang vật:Trả lại cho bị cáo xe mô tô biển kiểm soát 36B1-xxx13, nhãn hiệu: HONDA, loại xe Wave RSX, màu Đen trắng, số máy: 43E6236383, số khung: BY301178, xe đã qua sử dụng.

Vật chứng kể trên đang lưu giữ, bảo quản tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện M , tỉnh T , theo Quyết định chuyển vật chứng số:10/QĐ-VKS-ML, ngày 27/12/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện M và Biên bản giao nhận vật chứng số:21/NK/2022ngày28/12/2021 giữa Công an huyện M và Chi cục Thi hành án dân sự huyện M , tỉnh T .

Về án phí: Bị cáo được miễn tiền án phí HSST.

Quyền kháng cáo, kháng nghị:

Án xử công khai, có mặtbị cáo bị cáo; Người bào chữa chobị cáo. Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm; Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

329
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 08/2022/HS-ST

Số hiệu:08/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Dương Minh Châu - Tây Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:16/02/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về