Bản án về tội vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động, và an toàn nơi đông người số 37/2021/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 37/2021/HS-PT NGÀY 31/03/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG, VÀ AN TOÀN NƠI ĐÔNG NGƯỜI

Ngày 31 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 11/2021/TLPT-HS, ngày 15-01-2021 đối với bị cáo Vũ Đình P do kháng cáo của đại diện bị hại bà Lại Thị V, anh Phạm Tất T, chị Phạm Thị Thu H, chị Phạm Thị P, anh Phạm Minh T đối với bản án hình sự sơ thẩm số 94/2020/HS-ST; ngày 14-12-2020 của Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Bị cáo:

Họ và tên: Vũ Đình P; sinh năm 1955 tại tỉnh Lâm Đồng; nơi ĐKHKTT: 275 PĐTV, Phường t, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng; nơi cư trú: Thôn CT, xã ML, huyện LH, tỉnh Lâm Đồng; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 10/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Thiên chúa; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vũ Hoàng O (đã chết) và bà Trần Thị L; vợ: Nguyễn Thị Ngọc L; bị cáo có 03 người con, lớn nhất sinh năm 1978, nhỏ nhất sinh năm 1993; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

Người bào chữa: Luật sư Nguyễn Thị Tuyết H - Văn phòng Luật sư An B - Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

Người bị hại: Ông Phạm Tấn L, sinh năm 1966 (đã chết);

Người đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo:

+ Bà Lại Thị V; sinh năm 1970 (vợ); nơi ĐKHKTT: Số 499/47 NTL, Phường t, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng; nơi cư trú: Thôn CT, xã ML, huyện LH, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Anh Phạm Tất T; sinh năm 1992 (con ruột); nơi cư trú: Số Số 499/47 NTL, Phường t, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Chị Phạm Thị Thu H; sinh năm 1994 (con ruột); nơi cư trú: Số 499/47 NTL, Phường t, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Chị Phạm Thị P; sinh năm 1998 (con ruột); nơi ĐKHKTT: Số 499 ĐT, Phường t, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng; nơi cư trú: Số 131 NCV, Phường mb, quận BT, Thành phố Hồ chí Minh; người đại diện theo ủy quyền của chị P là ông Phạm Văn T; sinh năm 1963; địa chỉ: Số 499 ĐT, Phường t, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng; theo văn bản ủy quyền ngày 08-11-2020. Có mặt.

+ Anh Phạm Minh T; sinh ngày 13-4-2002 (con ruột); nơi cư trú: Số 499 ĐT, Phường t, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đại diện bị hại: Luật sư Lê Cao T - Văn phòng Luật sư Bá T - Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

+ Ông Đoàn Tích V; sinh năm 1965; nơi cư trú: Thôn CT, xã ML, huyện LH, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Ông Trần Khánh D; sinh năm 1966; nơi cư trú: Thôn CT, xã ML, huyện LH, tỉnh Lâm Đồng. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do mô tơ bơm nước của nhà bị hỏng và kẹt dưới giếng đào nên Vũ Đình P, sinh năm 1955, tạm trú tại thôn CT, xã ML, huyện LH, tỉnh Lâm Đồng gọi ông Lê Huy N, sinh năm 1961 là thợ sửa giếng đến nhưng ông N hẹn để hôm khác vì đang bận việc. Khoảng 07 giờ ngày 07-01-2019, P gọi điện cho ông Phạm Tấn L, sinh năm 1966 ở thôn CT, xã ML, huyện LH là hàng xóm hỏi có biết ai sửa giếng để thuê thì ông L nói để ông L làm giúp cho và hẹn 14 giờ cùng ngày đến giúp. Sau khi ông L nhận lời làm giúp thì P gọi điện nhờ ông Đoàn Tích V, sinh năm 1965 và ông Trần Khánh D, sinh năm 1966 đều là hàng xóm, trú cùng thôn, buổi chiều đến giúp quay tời ở miệng giếng để đưa người xuống giếng thì được cả hai đồng ý. Sau khi nhờ người xong, P đi mua 01 sợi dây thừng màu xanh dài 20m mang về nhà nối với 01 sợi dây dù dẹp màu xanh lấy trong kho ra (sợi dây này Phương mua trước đó khoảng 01 năm nhưng chưa sử dụng lần nào) rồi P lấy 01 sọt đan bằng sắt ra cột với đoạn dây dù thành 4 góc để chiều ông L ngồi vào đưa xuống giếng, đồng thời bơm cạn nước trong giếng và sử dụng máy bơm khí oxi để đảm bảo an toàn khi xuống giếng.

Khoảng 13 giờ cùng ngày, ông L đến nhà P rồi cùng Phương kiểm tra các mối nối của dây đã chuẩn bị, ông L dùng tay căng dây để kiểm tra độ chắc của dây, sau đó thì ông V và ông D đến, lúc này cả hai phụ trách quay tời ở miệng giếng, còn P giúp ông L ngồi vào sọt sắt giữ thăng bằng khi đưa xuống giếng. Khi ông V và ông D quay tời đưa ông L xuống giếng được khoảng 01m thì sợi dây dù dẹp buộc với sọt sắt bị đứt làm ông L rơi xuống giếng tử vong.

Qua quyết định trưng cầu giám định mẫu vi thể các mẫu: Não, khí quản, phổi, tim, da cơ vùng ngực thì tại bản kết luận giám định pháp y về mô bệnh học số 04.16/MBH-19 ngày 22-01-2019 của Trung tâm pháp y Sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: Chảy máu dưới niêm mạc khí quản; chảy máu dưới da; Dập tim; Tổn thương cơ tim cấp dạng tăng co; Dập và xẹp phổi rải rác.

Qua giám định độc chất mẫu dịch trong dạ dày và nước đựng trong 03 chai nhựa thu giữ thì tại bản kết luận giám định pháp y về hóa pháp số MST 19/ĐC.2019 ngày 24-01-2019 của Trung tâm pháp y Sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh kết luận mẫu chất lỏng bên trong 03 chai nhựa: Không phát hiện các chất thường gặp; mẫu chất chứa trong dạ dày: Không phát hiện các chất thường gặp; định tính Xyanua, Photphua: Âm tính.

Qua trưng cầu giám định pháp y về AND thì tại kết luận giám định pháp y về AND số 3.012-2019/AND ngày 15-01-2019 của Trung tâm pháp y Sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: AND của Phạm Tấn L không hiện diện trong dấu vết thu tại vị trí số 5; AND của Vũ Đình P có hiện diện trong dấu vết thu tại vị trí số 5.

Qua trưng cầu giám định đoạn dây dù nối với rổ sắt có đầu dây dù bị đứt và nguyên nhân đứt thì tại kết luận giám định số 856/C09B ngày 22-01-2019 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh Viện khoa học hình sự kết luận: Hai đoạn dây gửi giám định có đặc điểm chung giống nhau, đặc điểm riêng không đủ để xác định hai đoạn dây này có phải của cùng một đoạn dây hay không; Không phát hiện dấu vết do công cụ cắt tạo ra trên hai đầu dây cần giám định. Dấu vết trên hai đầu dây này phù hợp do đứt tự nhiên.

Qua trưng cầu giám định về nguyên nhân tử vong, tại kết luận giám định pháp y về tử thi số 50/2019-TT ngày 28-02-2019 của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Lâm Đồng: Nguyên nhân chết của Phạm Tấn L: Suy hô hấp - trụy tim mạch cấp trên tử thi bị đa chấn thương và ngạt nước (Đầu - mặt, gãy nhiều xương sườn, dập tim - phổi).

Vật chứng thu giữ: 03 chai nước (Đã gửi trưng cầu giám định); 01 xe mô tô 49D1- 119.13; 01 điện thoại di động Iphone 6; 01 rổ sắt đan bị biến dạng; 01 đoạn dây dù xanh; 01 dao Thái Lan; 02 sợi dây thừng cước màu xanh. Ngày 18- 02-2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lâm Hà đã trả 01 xe mô tô 49D1 - 119.13 và 01 điện thoại di động hiệu Iphone 6 cho bà Lại Thị Vui là đại diện hợp pháp của người bị hại.

Bị cáo Vũ Đình P đã tự nguyện khắc phục số tiền 20.000.000 đồng cho gia đình người bị hại.

Đối với Đoàn Tích V và Trần Khánh D là những người được bị cáo nhờ làm giúp, không có trách nhiệm phải bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong vụ việc này nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lâm Hà không xem xét xử lý.

Tại bản cáo trạng số 90/CT-VKS ngày 07-10-2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã truy tố bị can Vũ Đình P ra trước Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà để xét xử về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn nơi đông người” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 295 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại bản án số 94/2020/HS-ST; ngày 14-12-2020 của Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng:

Tuyên bố: Bị cáo Vũ Đình P phạm tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn nơi đông người”.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 295; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt: Bị cáo Vũ Đình P 18 (Mười tám) tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Giao bị cáo Vũ Đình P cho Uỷ ban nhân dân Phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian cải tạo không giam giữ. Bị cáo Vũ Đình P phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ. Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo Vũ Đình P.

Bản án còn tuyên xử lý vật chứng; án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 23-12-2020 và ngày 25-12-2020 đại diện bị hại bà Lại Thị V, anh Phạm Tất T, chị Phạm Thị Thu H, chị Phạm Thị P, anh Phạm Minh T kháng cáo với cùng nội dung yêu cầu hủy bản án sơ thẩm; trả hồ sơ điều tra bổ sung về tội “Giết người”.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội đúng như bản án sơ thẩm đã xét xử; không thắc mắc, khiếu nại gì thêm.

Đại diện bị hại bà Lại Thị V, anh Phạm Tất T, chị Phạm Thị Thu H, chị Phạm Thị P, anh Phạm Minh T đều cùng giữ nguyên kháng cáo nhưng không xuất trình được tình tiết nào mới.

Người bào chữa cho bị cáo Vũ Đình P là Luật sư Nguyễn Thị Tuyết H đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đại diện bị hại là Luật sư Lê Cao T đề nghị huỷ bản án sơ thẩm; trả hồ sơ điều tra bổ sung về tội “Giết người” vì cho rằng ông Trần Khánh D khai đưa dây cũ để sử dụng bị đứt nên mới đi mua dây mới, ông D khai có nhiều điều vô lý; giếng không có nước thì không thể ngạt nước, rơi xuống nước thì không thể gãy sườn, tụ máu thái dương, xuất huyết, nứt xương, tay trái và phải trầy xước nhiều, phổi tim dập nát, có nước cơ thể sẽ không như vậy; vết máu trên thành giếng của P nên có xô xát mới chảy máu, do bị cáo tấn công ông Lực; con dao thái lan không biết ở đâu; bị cáo nói đã hút nước dưới giếng thì mô tơ không thể bị hư.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đoàn Tích V khai tại toà phúc thẩm việc xốc nách người bị hại Phạm Tấn L là để giữ thăng bằng khi đưa xuống giếng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của đại diện bị hại; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Căn cứ lời khai của các bị cáo và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã có đủ cơ sở xác định:

Vào khoảng 07 giờ ngày 07-01-2019, bị cáo gọi điện cho ông Phạm Tấn L là hàng xóm của bị cáo hỏi có biết ai sửa giếng để thuê thì ông L nói để ông Lực làm giúp cho và hẹn 14 giờ cùng ngày đến giúp. Sau khi ông L nhận lời làm giúp thì bị cáo đã gọi điện nhờ ông Đoàn Tích V và ông Trần Khánh D đều là hàng xóm, chiều đến giúp thì được cả 02 đồng ý. Sau khi nhờ được người, bị cáo đã chuẩn bị công cụ cho việc xuống giếng. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, ông L đến cùng với bị cáo kiểm tra các mối nối của dây đã chuẩn bị, ông Lực dùng tay căng dây để kiểm tra độ chắc của dây, sau đó thì ông V và ông D đến. Ông V và ông D phụ giúp quay tời ở miệng giếng, còn bị cáo giúp ông L ngồi vào sọt sắt giữ thăng bằng để đưa xuống giếng. Khi ông Văn và ông D quay tời đưa ông L xuống giếng được khoảng 01m thì sợi dây dù dẹp buộc với sọt sắt bị đứt làm ông Lực rơi xuống giếng tử vong.

[2] Xét kháng cáo của đại diện bị hại: Đơn kháng cáo của đại diện bị hại gửi trong hạn luật định và đúng quy định nên được xem xét.

Xét hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, được thực hiện với lỗi vô ý do quá tự tin. Theo điểm 2.12.6.4 QCVN 18: 2014/BXD được ban hành kèm theo Thông tư số 14/2014/TT-BXD ngày 05/9/2014 của Bộ xây dựng quy định: “Người lao động xuống hố sâu phải dùng thang hoặc thùng nâng. Dây kéo phải lấy hệ số an toàn bằng 09 lần trọng tải thực tế,..”. Tuy nhiên, khi làm xong thiết bị để đưa người xuống giếng, bị cáo đã không thử trọng tải của dây để đảm bảo hệ số an toàn của dây kéo bằng 09 lần trọng tải thực tế dẫn đến đứt dây làm ông L tử vong. Hành vi của bị cáo đã vi phạm các quy định về an toàn trong lao động, sản suất, xâm phạm đến tính mạng của con người được pháp luật bảo vệ.

Tòa án cấp sơ thẩm Tuyên bố: Bị cáo Vũ Đình P phạm tội: “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn nơi đông người”. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 295; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt: Bị cáo Vũ Đình P 18 (Mười tám) tháng cải tạo không giam giữ là đúng người, đúng tội.

Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện bị hại bà Lại Thị V, anh Phạm Tất T, chị Phạm Thị Thu H, chị Phạm Thị , anh Phạm Minh T giữ nguyên kháng cáo; việc đại diện bị hại trình bày cho rằng nghi ngờ bị cáo Vũ Đình P có hành vi giết người trước khi đưa bị hại ông Phạm Tấn L xuống giếng chỉ là suy diễn không có căn cứ pháp lý; do không xuất trình được tình tiết nào mới nên kháng cáo của đại diện bị hại không có cơ sở để xem xét. Đối với ý kiến của Luật sư Lê Cao Tánh cũng không có cơ sở để xem xét; như đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng tại phiên tòa hôm nay là phù hợp và đúng quy định của pháp luật.

[3] Về án phí: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của đại diện bị hại; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tuyên bố: Bị cáo Vũ Đình P phạm tội: “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn nơi đông người”.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 295; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt: Bị cáo Vũ Đình P 18 (Mười tám) tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Giao bị cáo Vũ Đình P cho Uỷ ban nhân dân Phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian cải tạo không giam giữ. Bị cáo Vũ Đình P phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ. Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo Vũ Đình P.

2. Về án phí: Áp dụng Điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí tòa án. Bị cáo Vũ Đình P không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

366
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động, và an toàn nơi đông người số 37/2021/HS-PT

Số hiệu:37/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:31/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về