Bản án về tội vi phạm quy định an toàn lao động số 68/2023/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN VĨNH BẢO, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 68/2023/HS-ST NGÀY 20/12/2023 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH AN TOÀN LAO ĐỘNG

Ngày 20 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm trực tuyến công khai vụ án hình sự thụ lý số 63/2023/TLST-HS ngày 05 tháng 12 năm 2023, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 63/2023/QĐXXST-HS ngày 05 tháng 12 năm 2023 đối với các bị cáo:

1. Tống Khánh T, sinh ngày 12 tháng 8 năm 1985, tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn HP 2, xã TT, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 9/12; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Tống Khánh C1 và bà Nguyễn Thị S2; bị cáo có vợ là Nguyễn Thị Thanh H2 và có 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 29-3-2023 đến nay, có mặt tại phiên tòa.

2. Trương Bá D, sinh ngày 15 tháng 5 năm 1975, tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn HP 2, xã TT, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 9/12; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trương Bá M và bà Nguyễn Thị T6; bị cáo có vợ là Nguyễn Thị H3 và có 03 con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 23-10-2023, có mặt tại phiên tòa.

Bị hại: Bà Nguyễn Thị T1, sinh năm 1960, địa chỉ: Thôn HH, xã VL, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, vắng mặt tại phiên tòa.

Người đại diện theo ủy quyền của bị hại: Chị Đoàn Thị D2, sinh năm 1984; địa chỉ: Thôn BV, xã HN, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng (Giấy ủy quyền ngày 21- 3-2023), có mặt tại phiên tòa.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại: Bà Hà Thị Thanh B và ông Đoàn Văn T – Đều là Luật sư Công ty Luật TNHH MTV An Minh thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng; địa chỉ: Số 16 Lê Đại Hành, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, vắng mặt tại phiên tòa (do bị hại từ chối người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp).

- Bị đơn dân sự: Công ty TNHH V&L P VN; trụ sở: Lô CN11 CCN TL, xã TL, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trương Ngọc Q; cư trú tại: Số 298 VCT, phường VN, quận LC, thành phố Hải Phòng (Giấy ủy quyền số 1122/VL-UQ ngày 10-11-2022), có mặt tại phiên tòa.

Người làm chứng: Anh Đoàn Văn D1, ông Đoàn Văn L, anh Đặng Đình T2, chị Nguyễn Thị H, anh Nguyễn Văn C, anh Đặng Mười T3, anh Nguyễn Trọng V, anh Lê Kim T4, anh Đỗ Thành L1, anh Nguyễn Văn V1, ông Cao Minh S có mặt; chị Nguyễn Thị B, anh Nguyễn Mạnh Đ, anh Nguyễn Trung T5, anh Nguyễn Danh S1, anh Nguyễn Văn T6, anh Phạm Văn Q, anh Lê Văn V2, anh Nguyễn Đình H1 vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 07-11-2022, anh Đặng Đình T2, sinh năm 1981 ở thôn HP 1, xã TT, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng là nhân viên thuộc bộ phận hành chính của Công ty TNHH V&L P VN thuê bị cáo Trương Bá D đến sơn sửa mái tôn tại Công ty TNHH V&L P VN. Anh T2 và bị cáo D thỏa thuận bằng miệng với nhau, T2 sẽ chuẩn bị nguyên liệu sơn và trả tiền công cho bị cáo D với giá 15.000đồng/01m2, bị cáo D có trách nhiệm chuẩn bị trang thiết bị bảo hộ lao động, tìm kiếm người cùng làm và các công cụ để phục vụ việc sơn sửa gồm giàn giáo, chổi sơn. Sau đó, bị cáo D có thuê vợ chồng ông Đoàn Văn L, bà Nguyễn Thị T1 làm cùng D. Bị cáo D thỏa thuận bằng miệng về tiền công cho ông L là 500.000 đồng/01 ngày, bà T1 là 280.000 đồng/01 ngày. Bị cáo D thuê giàn giáo và cốt pha của ông Cao Minh Sơn sinh năm 1961 ở khu dân cư BH, TTVB rồi cùng ông L, bà T1 lắp ráp. Giàn giáo cao 3.8 m được lắp ráp từ các thanh kim loại mắc với nhau bởi các khớp nối và được cố định bằng các giằng và dây co. Tuy nhiên giàn giáo không được lắp đặt thang để tiếp cận lên giáo, không có lan can an toàn, lưới bảo vệ và tấm chặn chân.

Sau khi lắp ráp, giàn giáo trên được bị cáo D đưa vào sử dụng để sơn sửa mái tôn tại Công ty TNHH V&L P VN từ ngày 08-11-2022.

Khoảng 07 giờ 55 phút ngày 10-11-2022, bị cáo Tống Khánh T là công nhân tổ xuất hàng thuộc Công ty TNHH V&L P VN nhận được tin nhắn qua mạng xã hội Zalo của Nguyễn Thị H, sinh năm 1989 ở thôn KN, xã VA, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng (là Chủ quản tổ xuất hàng thuộc Công ty TNHH V&L P VN) giao nhiệm vụ cho Trực đến xưởng 1 để sắp xếp, quy hoạch hàng hóa. Mặc dù chưa được huấn luyện nghiệp vụ về vận hành xe nâng hàng, không có quyết định bằng văn bản của giám đốc về việc giao điều khiển xe nâng hàng, bị cáo T tự ý đến xưởng 2 lấy xe nâng hàng mã hiệu SWE140 điều khiển đi sang xưởng 1 để làm việc. Khi bị cáo T điều khiển xe nâng hàng đi qua cửa xưởng 2, do không chú ý quan sát phía trước nên đã đâm va vào giàn giáo có bà T1 và anh Đoàn Văn D1 sinh năm 1987 ở thôn HH, xã VL, huyện Vĩnh Bảo (là con trai của bà T1 và ông L, đi làm thay ông L) đang đứng ở trên để thực hiện công việc sơn sửa mái tôn làm bà T1 ngã xuống đất bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng - Vĩnh Bảo sau đó chuyển tuyến đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108 điều trị từ ngày 10-11-2022 đến ngày 18-11-2022 chuyển đến Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng điều trị tiếp đến ngày 05-12-2022 thì xuất viện. Đến ngày 11-12- 2022, bà T1 tiếp tục nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng đến ngày 28-12-2022 được xuất viện.

Tại bản Kết luận giám định số 21/2023/TgT ngày 17-01-2023 của Trung tâm pháp y Hải Phòng kết luận về thương tích của Nguyễn Thị T1 như sau:

“Dấu hiệu chính qua giám định: Sẹo vết phẫu thuật sọ não vùng thái dương đỉnh chẩm phải kích thước lớn. Sẹo vết thương mặt trong 1/3 dưới cẳng chân trái kích thước trung bình. Khuyết xương sọ kích thước 13,5 cm x 9,5 cm. Ổ tổn thương đụng dập nhu mô não thùy trán phải kích thước 44mm x 37mm. Tổn thương tụ máu dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện không còn hình ảnh tổn thương trên phim chụp CT sọ não. Gãy cung bên xương sườn 2 phải. Tổn thương màng phổi hai bên không để lại di chứng. Không ảnh hưởng chức năng hô hấp. Gãy hai xương cẳng chân trái. Xẹp thân đốt sống D4, D5, D6 và D12, không gây hẹp ống sống, không chèn ép tủy sống.

Kết luận: Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do sẹo vết phẫu thuật sọ não gây nên là: 03%. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do sẹo vết thương 1/3 dưới cẳng chân trái gây nên là: 02%. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do khuyết xương sọ kích thước 13,5 cm x 9,5 cm gây nên là: 41%. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do ổ tổn thương đụng dập nhu mô não thùy trán phải kích thước 44mm x 37mm gây nên là: 28%. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do tổn thương tụ máu dưới màng cứng không còn hình ảnh tổn thương trên phim chụp CT sọ não gây nên là: 08%. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do tổn thương xuất huyết dưới nhện không còn hình ảnh tổn thương trên phim chụp CT sọ não gây nên là:

08%. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do gãy cung bên xương sườn 2 phải gây nên là: 02%. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do tổn thương màng phổi hai bên không để lại di chứng, không ảnh hưởng chức năng hô hấp gây nên là: 06%. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do gãy hai xương cẳng chân trái gây nên là: 20%. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do xẹp thân 04 đốt sống gây nên là: 41%. Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của nạn nhân do các thương tích trên gây nên theo phương pháp cộng tại Thông tư là 85%.

Kết luận khác: các thương tích trên có đặc điểm do tác động tương hỗ trực tiếp với vật tày gây nên”.

Tại bản Kết luận giám định số 8896/KL-KTHS ngày 23-02-2023 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận giám định về video thu được như sau: “Không phát hiện thấy dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa tệp video gửi giám định. Hành động của những người xuất hiện trong tệp video gửi giám định được mô tả chi tiết trong Phụ lục kèm theo”.

Tại bản Kết luận giám định số 391/KL-KTHS ngày 31-7-2023 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hải Phòng kết luận về dữ liệu trong 02 ổ cứng của đầu thu camera tạm giữ của Công ty TNHH V&L P VN như sau: “Không tìm thấy dữ liệu trong khoảng thời gian từ 07 giờ 00 phút ngày 10/11/2022 đến 09 giờ 30 phút ngày 10-11-2022 trên 02 ổ cứng nhãn hiệu WD dung lượng mỗi ổ 6TB, mã SN: WX41D88773LS và WX41 D8877YT6 của đầu thu camera nhãn hiệu DAHUA, mã SN: 4K03582PAZAEECA”.

Tại bản Kết luận giám định số 239/KL-KTHS(KTS) ngày 18-5-2023 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hải Phòng kết luận về dữ liệu trong chiếc điện thoại tạm giữ của Tống Khánh T như sau:

“Trong mẫu giám định: Tìm thấy 70 cuộc gọi, 15 tin nhắn tức thì, 26 cuộc gọi hội thoại Native Messages, 51 tin nhắn Recents, 12738 tin nhắn Zalo được lưu trong máy. Nội dung chi tiết các dữ liệu được lưu trong đĩa CD kèm theo” (bút lục số 178). Trong các tin nhắn zalo có xuất hiện tin nhắn của chị Nguyễn Thị H, (Chủ quản) giao nhiệm vụ cho Trực đến xưởng 1 để sắp xếp, quy hoạch hàng hóa.

Tại bản Kết luận giám định số 63/KL-KTHS(CH) ngày 25-01-2023 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hải Phòng kết luận giám định về dấu vết va chạm như sau: “Không đủ căn cứ để xác định dấu vết va chạm giữa xe nâng mã hiệu SWE140 với giàn giáo”.

Tại Công văn số 621/SLĐTBXH-TTR ngày 17-02-2023 của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cung cấp thông tin cho biết: “Theo quy định tại Điều 31 Luật An toàn, vệ sinh lao động, khoản 1 Điều 16 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động thì xe nâng hàng mã hiệu SWE140 phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng bởi tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Mặt khác, trong quá trình sử dụng xe nâng hàng mã hiệu SWE140, Công ty TNHH V&L P VN phải thực hiện các quy định được nêu tại QCVN 25:2015/BLĐTBXH – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với xe nâng hàng sử dụng động cơ, có tải trọng nâng từ 1.000 kg trở lên do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành”.

Tại Công văn số 97/TTrSLĐTBXH ngày 05-6-2023 của Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng cung cấp thông tin cho biết: “các quy định về giàn giáo và thang được nêu tại điểm 2.2 Mục 2 QCVN 18:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư số 16/2021/TT-BXD ngày 20-12-2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng”.

Tại Công văn số 191/TTrSLĐTBXH ngày 03-10-2023 của Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng cung cấp thông tin cho biết: “Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của QCVN 18:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng đều có nguy cơ gây mất an toàn lao động, vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động”.

Về vấn đề dân sự: Bà Nguyễn Thị T1 yêu cầu bị cáo Tống Khánh T phải bồi thường thiệt hại tương ứng tổng số tiền 350.000.000 đồng, đến nay Trực đã bồi thường cho bà Nguyễn Thị T1 số tiền 250.000.000 đồng; yêu cầu bị cáo Trương Bá D phải bồi thường thiệt hại tương ứng tổng số tiền 50.000.000 đồng, đến nay bị cáo D đã bồi thường cho bà Nguyễn Thị T1 số tiền 50.000.000 đồng; yêu cầu Công ty TNHH V&L P VN phải bồi thường thiệt hại tương ứng tổng số tiền 200.000.000 đồng, đến nay Công ty đã bồi thường cho bà Nguyễn Thị T1 số tiền 70.000.000 đồng.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo đã khai nhận hành vi của mình như trên.

Cáo trạng số 62/CT-VKS ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Bảo đã truy tố bị cáo Tống Khánh T, Trương Bá D về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 295 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: Điểm b khoản 1 Điều 295; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự đối với Tống Khánh T, đề nghị xử phạt bị cáo Tống Khánh T từ 15 (mười lăm) đến 18 (mười tám) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”, thời gian thử thách từ 30 đến 36 tháng, kể từ ngày tuyên án. Điểm b khoản 1 Điều 295; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 của Bộ luật Hình sự đối với Trương Bá D, đề nghị xử phạt bị cáo Trương Bá D từ 12 (mười hai) đến 15 (mười lăm) tháng cải tạo không giam giữ về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”, không xử phạt bổ sung và khấu trừ thu nhập đối với bị cáo Tống Khánh T, Trương Bá D; về dân sự: Căn cứ các Điều 584, 585, 590, 597 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06- 9-2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị T1, buộc Công ty TNHH V&L P VN phải bồi thường thêm số tiền 122.6823.834 đồng cho bà T1; về vật chứng: Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị trả lại bị cáo Tống Khánh T 01 điện thoại di động, trả lại Công ty TNHH V&L P VN 01 đầu ghi; về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30- 12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, mỗi bị cáo phải nộp án phí hình sự theo quy định của pháp luật, Công ty TNHH V&L P VN phải nộp 6.134.142 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo, bị hại, bị đơn dân sự không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về tội danh: Khoảng 07 giờ 55 phút ngày 10-11-2022, tại Công ty TNHH V&L P VN, bị cáo Tống Khánh T đã tự ý điều khiển xe nâng hàng khi chưa được huấn luyện cơ bản về nghiệp vụ, chưa được cấp chứng chỉ an toàn lao động vi phạm quy định tại mục 3.6 trong QCVN 25: 2015/BLĐTBXH – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với xe nâng hàng sử dụng động cơ, có tải trọng nâng từ 1.000 kg trở lên do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành dẫn đến đâm va vào giàn giáo cao 3,8m do bị cáo Trương Bá D lắp đặt không có lan can an toàn, lưới bảo vệ và tấm chặn chân vi phạm quy định tại tiểu mục 2.2 Mục 2 QCVN 18:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành, vi phạm khoản 2 Điều 7 và khoản 1 Điều 12 Luật An toàn, vệ sinh lao động làm bà Nguyễn Thị T1 đang ở trên giáo không có thiết bị bảo hộ lao động bị ngã gây thương tích làm giảm 85% sức khỏe. Hành vi này của bị cáo Tống Khánh T, bị cáo Trương Bá D đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về án toàn lao động”, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 295 của Bộ luật Hình sự.

[3] Hành vi của các bị cáo Tống Khánh T, bị cáo Trương Bá D đã xâm phạm đến an toàn công cộng được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên cũng cần xem xét đánh giá vai trò, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân đối với từng bị cáo để áp dụng hình phạt tương xứng.

[4] Về vai trò: Xét đây là vụ án các bị cáo đều là người thực hành, bị cáo Tống Khánh T là người lái xe làm đổ giàn giáo là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn lao động nên có vai trò cao hơn bị cáo Trương Bá D.

[5] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo phạm tội không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[6] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra, các bị cáo Tống Khánh T, Trương Bá D thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường thiệt hại cho bị hại và được bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Riêng bị cáo Tống Khánh T có thời gian tham gia quân đội nên được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

[7] Về nhân thân: Các bị cáo đều không có tiền án tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng.

[8] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy các bị cáo Tống Khánh T, Trương Bá D được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội với lỗi vô ý, bị hại cũng có lỗi đó là trèo lên giàn giáo cao 3,8m không đảm bảo an toàn về lao động và cũng chính bị hại và bị cáo Trương Bá D là người lắp giàn giáo không đảm bảo an toàn lao động, không có ý kiến nhắc nhở, khuyến cáo, yêu cầu bị cáo Trương Bá D. Căn cứ quy định tại Điều 65, Điều 36 của Bộ luật Hình sự, xét thấy các bị cáo có khả năng tự cải tạo và việc cho các bị cáo cải tạo ngoài xã hội không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Việc đề nghị áp dụng các điểm, khoản, điều luật và mức hình phạt đối với các bị cáo Tống Khánh T, Trương Bá D như Kiểm sát viên đã viện dẫn và đề nghị tại phiên tòa là phù hợp, đủ tính giáo dục và phòng ngừa chung nên cần chấp nhận.

[9] Về hình phạt bổ sung và các biện pháp tư pháp: Theo Biên bản xác minh tại địa phương cho thấy các bị cáo đều không có tài sản riêng, do đó căn cứ Điều 35; khoản 5 Điều 295 Bộ luật Hình sự, Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo và miễn khấu trừ thu nhập đối với Trương Bá D như đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là phù hợp.

[10] Về trách nhiệm dân sự: Bà Nguyễn Thị T1 yêu cầu bị cáo Tống Khánh T phải bồi thường thiệt hại tương ứng tổng số tiền 350.000.000 đồng, đến nay T đã bồi thường cho bà Nguyễn Thị T1 số tiền 250.000.000 đồng; yêu cầu bị cáo Trương Bá D phải bồi thường thiệt hại tương ứng tổng số tiền 50.000.000 đồng, đến nay bị cáo D đã bồi thường cho bà Nguyễn Thị T1 số tiền 50.000.000 đồng; yêu cầu Công ty TNHH V&L P VN phải bồi thường thiệt hại tương ứng tổng số tiền 200.000.000 đồng, đến nay Công ty đã bồi thường cho bà Nguyễn Thị T1 số tiền 70.000.000 đồng. Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án có cơ sở xác định thiệt hại của bà Nguyễn Thị T1 do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm các khoản sau: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại là 293.603.834 đồng bao gồm: Tiền khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng - Vĩnh Bảo (có hóa đơn, phiếu thu): 63.435.721 đồng; tiền khám chữa bệnh tại Bệnh viện TW quân đội 108 (có hóa đơn, phiếu thu): 104.911.073 đồng; tiền thuốc theo chỉ định của bác sỹ (có hóa đơn, phiếu thu): 66.041.040 đồng; chi phí thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở: 32.850.000 đồng; chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại gồm: tiền sữa (có hóa đơn):

15.196.000 đồng; tiền ăn của bà T1 và người chăm sóc: 100.000 đồng x 73 ngày = 7.300.000 đồng; chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút là các chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại: 3.870.000 đồng. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại: 280.000 đồng x 73 ngày = 20.440.000 đồng. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại tổng cộng là 98.314.000 đồng bao gồm: Tiền tàu, xe đi lại tổng là 3.200.000 đồng trong đó gồm 10 lượt đi Hà Nội x 300.000 đồng/lượt = 3.000.000 đồng; 04 lượt đi lại ở Vĩnh Bảo x 50.000 đồng/lượt = 200.000 đồng; thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị: thu nhập bị mất của ông Đoàn Văn L (người chăm sóc chính) : 350.000 đồng x 73 ngày = 25.550.000 đồng; thu nhập bị mất của Đoàn Thị D2: 260.000 đồng x 16 ngày = 4.160.000 đồng; thu nhập bị mất của Đoàn Văn D1: 650.000 đồng x 18 ngày = 11.700.000 đồng; thu nhập bị mất của Đoàn Thị Oanh L2: (500.000 đồng x 07 ngày) + 700.000 đồng x 05 ngày = 7.000.000 đồng; chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc) được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại: tính từ ngày xảy ra vụ án là ngày 10-11-2022 đến ngày xét xử 20-12-2023 là 409 ngày trừ đi số ngày nằm viện là 73 ngày bằng 336 ngày x 139.000 đồng/01 ngày = 46.704.000 đồng. Tiền bù đắp tổn thất tinh thần: 1.890.000 đồng x 42,5 lần = 80.325.000 đồng. Tổng cộng: 492.682.834 đồng. Đối với chi phí dịch vụ pháp lý và chi phí bồi dưỡng bác sỹ không phải là chi phí hợp lý mà người gây thiệt hại phải bồi thường nên không được chấp nhận. Đối với việc bị cáo Trương Bá D tự nguyện bồi thường cho bà Nguyễn Thị T1 số tiền 50.000.000 đồng, bị cáo Tống Khánh T tự nguyện bồi thường cho bà Nguyễn Thị T1 số tiền 250.000.000 đồng, Công ty TNHH V&L P VN tự nguyện bồi thường cho bà Nguyễn Thị T1 số tiền 70.000.000 đồng, xét thấy đây là thỏa thuận tự nguyện giữa các đương sự, phù hợp với quy định pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên cần ghi nhận sự thỏa thuận này của các đương sự. Như vậy, thiệt hại của bà Nguyễn Thị T1 do sức khỏe bị xâm phạm là 492.682.834 đồng, bà T1 đã được bồi thường 370.000.000 đồng, chưa được bồi thường là 122.682.834 đồng. Căn cứ các Điều 584, 585, 590, 597 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06-9-2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị T1 được bồi thường thêm số tiền 122.682.834 đồng. Do bị cáo Tống Khánh T là người lao động có ký hợp đồng lao động với Công ty TNHH V&L P VN có trụ sở tại khu công nghiệp Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo nên buộc Công ty TNHH V&L P VN phải bồi thường số tiền 122.682.834 đồng cho bà T1 như đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ.

[11] Về xử lý vật chứng: Đối với 01 diện thoại di động và 01 đầu ghi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng thu giữ là tài sản hợp pháp của bị cáo Tống Khánh T và Công ty TNHH V&L P VN không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo Tống Khánh T, Trương Bá D. Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, cần trả lại điện thoại di động cho bị cáo Tống Khánh T và trả lại đầu ghi cho Công ty TNHH V&L P VN như đề nghị của Kiểm sát viên tài phiên tòa là đúng quy định của pháp luật.

[12] Trong vụ án: Đối với chủ quản Nguyễn Thị H, tổ trưởng Nguyễn Văn C, lãnh đạo Công ty TNHH V&L P VN không giao xe nâng hàng cho Tống Khánh T sử dụng vào ngày 10-11-2022 nên không có cơ sở xem xét xử lý trách nhiệm hình sự. Riêng đối với các vi phạm về việc quản lý, vận hành xe nâng hàng của Công ty TNHH V&L P VN, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Bảo đã có Công văn kiến nghị gửi Thanh tra Lao động Sở Lao động – Thương binh xã hội thành phố Hải Phòng đề nghị xử lý theo quy định. Đối với Đặng Đình T2 không có thỏa thuận với Trương Bá D về việc Thọ là người chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động, bảo hộ lao động trong việc lắp đặt, sử dụng giàn giáo vào ngày 10-11- 2022 nên không có cơ sở xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.

[13] Về án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại, bị đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật; các bị cáo phải chịu án phí hình sự, bị đơn dân sự phải chịu án phí dân sự theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 295; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Tống Khánh T, xử phạt: Bị cáo Tống Khánh T 15 (mười lăm) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”. Thời gian thử thách 30 (ba mươi) tháng tính từ ngày tuyên án.

Giao Tống Khánh T cho Ủy ban nhân dân xã TT, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng nơi bị cáo cư trú giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo.

Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Thi hành án hình sự, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. T hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.

Việc giải quyết trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật Thi hành án hình sự.

Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo Tống Khánh T cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 (hai) lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 295; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Trương Bá D, xử phạt: Bị cáo Trương Bá D 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”. Thời điểm bắt đầu chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nhận được quyết định thi hành án.

Giao bị cáo Trương Bá D cho Ủy ban nhân dân xã TT, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng nơi bị cáo cư trú giám sát, giáo dục và phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.

Căn cứ Điều 125 của Bộ luật Hình sự: Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị cáo Tống Khánh T, Trương Bá D.

2. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ các Điều 584, 585, 590, 597 của Bộ luật Dân sự; Điều 7 của Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06-9-2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng buộc Công ty TNHH V&L P VN phải bồi thường thêm cho bà Nguyễn Thị T1 số tiền 122.682.834đ (Một trăm hai mươi hai triệu sáu trăm tám mươi hai nghìn tám trăm ba mươi tư đồng).

Kể từ ngày người được yêu cầu thi hành án bà Nguyễn Thị T1 có đơn yêu cầu về khoản tiền được thi hành án, nếu bị đơn dân sự Công ty TNHH V&L P VN chưa thi hành xong khoản tiền phải thi hành án, thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự, tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

3. Về xử lý vật chứng: Trả lại bị cáo Tống Khánh T 01 (một) điện thoại di động được niêm phong trong bì thư có đóng dấu niêm phong của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hải Phòng; trả lại Công ty TNHH V&L P VN 01 (một) đầu ghi 32 kênh đã cũ.

(Vật chứng đang được lưu giữ và có đặc điểm theo biên bản bàn giao vật chứng ngày 24-11-2023 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).

4. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm; Công ty TNHH V&L P VN phải nộp 6.134.142đ (Sáu triệu một trăm ba mươi tư nghìn một trăm bốn mươi hai đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

5. Về quyền kháng cáo bản án:

Các bị cáo, bị hại bà Nguyễn Thị T1 có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; bị đơn dân sự Công ty TNHH V&L P VN có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến nghĩa vụ của mình trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

6. Về quyền yêu cầu thi hành: T hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

146
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định an toàn lao động số 68/2023/HS-ST

Số hiệu:68/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:20/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về