Bản án về tội vi phạm quy định an toàn lao động số 121/2023/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN AN DƯƠNG, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 121/2023/HS-ST NGÀY 23/11/2023 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH AN TOÀN LAO ĐỘNG

Ngày 23 tháng 11 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện An Dương, thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 122/2023/TLST-HS ngày 26 tháng 10 năm 2023 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 116/2023/QĐXXST-HS ngày 09/11/2023 đối với bị cáo:

Phạm Văn T, sinh ngày 10/01/1992 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn Y, xã G, huyện V, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn T1 và bà Nguyễn Thị T2; chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 25/7/2023; có mặt.

- Bị hại (đã chết): Anh Đồng Văn T3; nơi cư trú cuối cùng: Thôn C, xã X, huyện K1, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện hợp pháp của bị hại: Ông Đồng Quốc T4, sinh năm 1977 và bà Đoàn Thị H, sinh năm 1983; cùng địa chỉ: Thôn L, xã K, huyện K1, tỉnh Hải Dương; là bố mẹ đẻ của bị hại; đều vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Công ty TNHH G1; địa chỉ: Khu công nghiệp T5, huyện A, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt.

- Ni làm chứng: Anh Hứa Văn L và anh Kha Đăng A1; đều vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Phạm Văn T là kỹ thuật viên ép nhựa tại xưởng nhựa P8, Công ty Trách nhiệm hữu hạn G1, khu công nghiệp T5, xã H1, huyện A, thành phố Hải Phòng. T đã được tập huấn về an toàn lao động được công ty phân công quản lý, vận hành các máy ép nhựa được đánh số 210 đến 219 tại xưởng.

Khoảng 20 giờ ngày 30/01/2023, T nhận được tin nhắn trên nhóm làm việc chung của xưởng thông báo máy ép nhựa 212 bị lỗi “bóng nước” nên đã đến máy ép nhựa 212 để kiểm tra. Sau đó, T thao tác tạm dừng máy để xử lý lỗi. Trong lúc T đang xử lý lỗi của máy ép nhựa 212, có anh Đồng Văn T3 công nhân công ty G1 cũng đi ra khu vực xảy ra lỗi của máy ép 212 xem T thao tác sửa lỗi sản phẩm. Anh T3 quan sát T sửa lỗi của máy ép khoảng 30 giây rồi đi ra khu vực buồng robot của máy. Sau khi thực hiện xong thao tác xử lý lỗi sản phẩm, Phạm Văn T không chấp hành nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn lao động, không thực hiện phiện pháp ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây mất an toàn lao động, không kiểm tra xung quanh máy ép nhựa, không kiểm tra buồng robot có người hay không, cửa buồng có đóng hay không mà tiến hành vận hành, khởi động lại máy ép nhựa 212 ngay. Khi máy khởi động được ba giây, T thấy tại bảng điều khiển máy ép nhựa 212 báo lỗi “bảo vệ khuôn khác thường” thì dừng máy, mở khuôn ép kiểm tra phát hiện anh Đồng Văn T3 bị hai mặt khuôn ép vào đầu chết tại chỗ.

Sau khi nhận được tin báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện An Dương đã phối hợp với Thanh tra Sở lao động thương binh xã hội, thành phố Hải Phòng và các lực lượng chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi theo quy định.

Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định: Nơi phát hiện vụ việc tại xưởng ép nhựa P8, có hệ thống máy ép nhựa gồm ba hàng nằm dọc hướng Tây Bắc – Đông Nam sát phía Tây Nam của xưởng, hệ thống máy thổi nhựa nằm dọc hướng Tây Bắc – Đông Nam sát phía Đông Bắc xưởng, xen kẽ các hệ thống máy là băng chuyền tải và lối đi chung. Tại máy ép nhựa số 212 nằm tại hàng thứ hai của hệ thống máy ép nhựa, có kích thước 5,8 x 3,1m, tại mặt phía Đông Nam và góc phía Đông của máy có hai bảng điều khiển robot ép nhựa tự động, phía Tây Nam có 01 lò hơi. Phía sau bảng điều khiển góc phía Đông máy có dán một số tờ giấy có hình ảnh và nội dung quy định thao tác vận hành máy. Góc phía Nam máy có dán một số tờ giấy báo cáo kiểm tra phụ kiện và tiêu chuẩn máy móc. Tại bộ phận ép của máy thấy hai cửa hai bên của máy đã mở hết, trong có hai bảng ép kích thước 0,395 x 0,395m, cách nhau một khoảng 0,325m. Trong máy phát hiện tử thi anh Đồng Văn T3 trong tư thế đứng hơi khuỵu, đầu thò vào trong giữa hai bảng ép, bị xẹp, biến dạng, hai tay đeo găng, các chi tiết máy của bộ phận ép bám dính nhiều tạp chất màu nâu đỏ (nghi máu) và tạp chất dạng tổ chức cơ thể người.

Bản Kết luận giám định số 87/KL-KTHS(PY) ngày 03/02/2023 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hải Phòng xác định anh Đồng Văn T3 bị dập vỡ phức tạp xương hộp sọ và khối xương hàm mặt, thoát một số tổ chức não ra ngoài. Nguyên nhân chết là do Sốc chấn thương vùng sọ - mặt.

Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng đã truy tố.

Tại phiên tòa, đại diện hợp pháp của bị hại không yêu cầu bồi thường thiệt hại ,đề nghị giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

Bản Cáo trạng số 123/2023/CT-VKS-AD ngày 24/10/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện An Dương,thành phố Hải Phòng truy tố Phạm Văn T về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động” theo điểm a khoản 1 Điều 295 Bộ luật Hình sự. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng điểm a khoản 1 Điều 295; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo từ 15 đến 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách tương ứng. Về phần dân sự đã giải quyết xong trong giai đoạn điều tra. Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.

Lời nói sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, bị cáo trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn là lao động chính trong gia đình, bị cáo mong muốn được sự khoan hồng của pháp luật, được giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử: Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện An Dương và Điều tra viên, của Viện kiểm sát nhân dân huyện An Dương và Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo và những người khác không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Lời khai của bị cáo tại phiên toà phù hợp với lời khai của người làm chứng, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Sơ đồ hiện trường, Kết luận giám định, Biên bản khám nghiệm tử thi và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ kết luận: Khoảng 20 giờ 15 phút ngày 30/01/2023, tại xưởng nhựa P8 của công ty Trách nhiệm hữu hạn G1, khu công nghiệp T5, xã H, huyện A, thành phố Hải Phòng, Phạm Văn T là người phụ trách việc sửa chữa máy móc máy ép nhựa đã được biết về nguyên tắc vận hành máy, nguyên tắc an toàn lao động. Nhưng bị cáo đã có hành vi không chấp hành nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn lao động, không quan sát, không kiểm tra bên trong buồng robot, không đóng cửa buồng robot vi phạm Điều 17 Luật An toàn vệ sinh lao động, quy định, quy trình vận hành máy ép nhựa của công ty, tiến hành khởi động lại máy ép nhựa số 212 ngay sau khi sửa chữa lỗi, khiến hai bảng ép của máy 212 ép vào phần đầu của anh Đồng Văn T3 làm anh T3 chết tại chỗ. Như vậy, có đủ căn cứ xác định bị cáo Phạm Văn T đã phạm tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động” theo điểm a khoản 1 Điều 295 Bộ luật Hình sự.

[3]. Về tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự an toàn công cộng và gây thiệt hại đến tính mạng của người khác. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo và gia đình đã bồi thường thiệt hại đầy đủ theo thỏa thuận, thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Người đại diện bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, xin cho bị cáo được hưởng án treo. Mặt khác, theo kết luận giám định của cơ quan chức năng thì việc lắp đặt máy móc ở vị trí khó quan sát để kiểm tra vận hành máy và việc quản lý người lao động có nhiệm vụ trong từng bộ phận công việc chưa chặt chẽ cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra tai nạn nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Xét nhân thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bị cáo là người lao động vì vô ý nên phạm tội, hậu quả xảy ra ngoài ý muốn của bị cáo. Để giúp bị cáo có cơ hội là người công dân có ích cho xã hội nên áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự cho bị cáo được hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách tương ứng, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước và pháp luật.

Xét tính chất và mức độ hành vi phạm tội nên không áp dụng hình phạt bổ sung tại khoản 5 Điều 295 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo.

[4]. Về trách nhiệm dân sự: Công ty Trách nhiệm hữu hạn G1 đã bồi thường cho gia đình anh T3 số tiền 330.000.000 đồng, Phạm Văn T đã bồi thường cho gia đình anh T3 số tiền 100.000.000 đồng. Đại diện gia đình bị hại không có yêu cầu bồi thường gì thêm nên không đề cập giải quyết.

[5]. Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.

[6.] Về quyền kháng cáo: Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại,người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 295; các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt: Phạm Văn T 15 (mười lăm) tháng tù về tội: “Vi phạm quy định về an toàn lao động" nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 30 (ba mươi) tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo Phạm Văn T.

Giao bị cáo Phạm Văn T cho Ủy ban nhân dân xã G, huyện V, thành phố Hải Phòng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người bị kết án.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì phải thực hiện theo Điều 92 của Luật Thi hành án hình sự như sau:

Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định tại khoản 2 Điều này, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sĩ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.

Việc giải quyết trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thực hiện theo Điều 68 của Luật này.

Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự hai lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Về án phí: Áp dụng Điều 136 của Bộ luật Tố tụng Hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án; bị cáo Phạm Văn T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày tuyên án. Người đại diện hợp pháp của bị hại vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định an toàn lao động số 121/2023/HS-ST

Số hiệu:121/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện An Dương - Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/11/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về