TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHƯỚC SƠN, TỈNH QUẢNG NAM
BẢN ÁN 01/2018/HSST NGÀY 07/02/2018 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỀ RỪNG
Ngày 07 tháng 02 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam xét xử công khai sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 02/2018/HSST ngày 16 tháng 01 năm 2018 đối với bị cáo:
Hồ Văn H1; sinh năm: 1986; sinh, trú quán: thôn 4, xã P, huyện P, tỉnh Q; trình độ văn hoá: 09/12; nghề nghiệp: nông; Quốc tịch: Việt Nam. dân tộc: Gié- triêng. tôn giáo: không; Con ông: Hồ Văn T (SN: 1949) và bà: Hồ Thị N (SN: 1959); Vợ: Hồ Thị L (SN:1990), có hai con: lớn sinh năm 2009, nhỏ sinh năm 2011; tiền án: không; tiền sự: ngày 24/5/2017 bị Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ ĐăkMi xử phạt hành chính về hành vi “Vận chuyển trái phép lâm sản”; bị bắt tạm giam ngày 28/11/2017, hiện đang bị tạm giam, có mặt tại phiên tòa.
- Người phiên dịch cho bị cáo:
Đinh Văn Quảng; trú tại: khối 5, thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn, Quảng Nam, có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo:
Ông Nguyễn Trí Bảy- Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý
Nhà nước tỉnh Quảng Nam, có mặt.
- Nguyên đơn dân sự:
Ban quản lý rừng phòng hộ ĐăkMi
Địa chỉ: khối 6 thị trấn K, huyện P, tỉnh Q
Đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Văn T- Chức vụ: Giám đốc, có mặt.- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Hồ Văn H2, sinh năm: 1996; trú tại: thôn 1, xã P1, huyện P, tỉnh Q, có mặt. Hồ Văn C1, sinh năm: 1995; trú tại: thôn 2, xã P2, huyện P, tỉnh Q, có mặt.
Hồ Văn D, sinh năm: 2000; trú tại: thôn 1, xã Phước Công, huyện P, tỉnh Q, có mặt.
Hồ Văn T, sinh năm: 2002; trú tại: thôn 1, xã Phước Công, huyện P, tỉnh Q, vắng mặt.
Đỗ Thị T, sinh năm: 1981; trú tại: thôn 1, xã Phước Công, huyện P, tỉnh Q, vắng mặt.
Hồ Văn C2, sinh năm: 1989; trú tại: thôn 1, xã Phước Công, huyện P, tỉnh Q, vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:Vào tháng 08 năm 2017, trong quá trình đi chặt sợi Mây khu vực rừng thuộc thôn 4, xã Phước Công, huyện P, tỉnh Q, Hồ Văn H1, H2 và Hồ Văn C1 phát hiện thấy 01 cây gỗ Xoan Đào còn đứng sống và 01 cây gỗ Giỗi đã bị cưa hạ, chưa cưa xẻ (ở vị trí gần nhau). Sau khi về nhà, H1 rủ H2 và C1 cùng khai thác 02 cây gỗ trên để bán kiếm tiền chia nhau thì H2, C1 đồng ý. Để tiến hành việc khai thác, H1, C1, H2 cùng nhau góp tiền 2.000.000đ (Hai triệu đồng) để đưa H2 đi mua máy cưa (loại cũ), sau đó cả ba góp thêm mỗi người 50.000 đ (Năm mươi nghìn đồng) để mua xăng nhớt, đồng thời gọi thuê Hồ Văn D và Hồ Văn T đi theo kéo gỗ về, trả tiền công mỗi ngày 150.000 đ (Một trăm năm mươi nghìn đồng).
Nhóm của H1 bắt đầu khai thác cây gỗ Xoan Đào trước, trong thời gian 03 ngày, đã cưa hạ, xẻ và vận chuyển ra được 06 phách gỗ (diện 1,3m x 15cm x 30cm) rồi dùng hai xe máy của C1 và H2 chở về để ở cạnh đường bê tông gần Làng. Sau đó, H1, C1, H2 cùng bán số gỗ trên cho một người phụ nữ (không rõ lai lịch) được 1.500.000 đồng (Một triệu năm trăm nghìn đồng), trả tiền công cho D, T mỗi người 300.000 đồng, còn lại 900.000 đồng cả ba chia nhau mỗi người 300.000 đồng.
Khoảng 07 ngày sau, H1, C1, H2 cùng D, T tiếp tục vào cưa xẻ và vận chuyển được 02 phách cây gỗ Giỗi. Cả nhóm kéo 02 phách gỗ từ rừng ra buộc lên hai xe máy để C1 và D vận chuyển, trên đường chở ra thì bị lực lượng Kiểm lâm Rừng phòng hộ ĐăkMi phát hiện, lập biên bản tạm giữ phương tiện cùng tang vật.Quá trình khai thác, H2 là người trực tiếp cưa hạ và cưa xẻ, còn C1 và H1 tham gia phụ lật, kê gỗ giúp cho H2 cưa hạ, xẻ thuận lợi hơn. D, T tham gia phụ và vận chuyển các phách gỗ do H2, C1, H1 đã cưa xẻ ra.
Ngày 18/9/2017 và ngày 25/9/2017, Cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường để xác định vị trí, chủng loại, nhóm gỗ, khối lượng thiệt hại và xác định loại rừng bị khai thác trái phép, căn cứ vào Quyết định số: 2198/CN ngày 26/11/1977 của Bộ lâm nghiệp (nay là Bộ NN&PTNN); Nghị định số: 32/2006 ngày 30/03/2006 của Chính Phủ; Quyết định số: 120/UBND ngày 11/01/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam, đã xác định được:
Cây gỗ Xoan Đào và cây gỗ Giỗi bị khai thác trái phép thuộc khoảnh 6, tiểu khu 711, xã Phước Công, được quy hoạch là rừng Phòng hộ do Ban quản lý RPHĐM quản lý. Trong đó:
Cây Xoan Đào thuộc nhóm VI (không thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm), khối lượng bị thiệt hại: 2,685m3 gỗ tròn.
Cây Giỗi thuộc nhóm III (không thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm), khối lượng: 10,224m3 gỗ tròn, trong đó thiệt hại do nhóm của H1 đã cưa xẻ, vận chuyển đi (02 phách) có khối lượng: 0,814m3 gỗ tròn.
Tổng khối lượng thiệt hại là 3,499m3 gỗ tròn.
Tại bản kết luận định giá tài sản số: 12/KL-ĐG ngày 11/12/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Phước Sơn xác định giá trị thiệt hại về lâm sản là: 11.311.000đ (Mười một triệu ba trăm mười một nghìn đồng).
Hành vi trên của Hồ Văn H1, Hồ Văn C1, H2 đã vi phạm Điều 12, Hồ Văn D, Hồ Văn D vi phạm Điều 22 Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Riêng Hồ Văn H đã bị xử phạt hành chính về hành vi “Vận chuyển trái phép lâm sản” vào ngày 24/5/2017.
Căn cứ khoản 1 Điều 07 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính; Mục 1, phần I, Thông tư liên tịch 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA -VKSNDTC-TANDTC về hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì hành vi vi phạm lần này của Hồ Văn H không xử phạt vi phạm hành chính mà chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999.
Tại bản Cáo trạng số: 03/CT-VKS ngày 15 tháng 01 năm 2018 Viện kiểm sát nhân dân huyện P, tỉnh Q đã truy tố bị cáo Hồ Văn H1 về tội: “Vi phạm các qui định về khai thác và bảo vệ rừng” theo điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố đối với các bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b, s, t khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Hồ Văn H1 từ 03 đến 06 tháng tù.
Áp dụng Điều 46, Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015; Điều 584, Điều 585, Điều 586, Điều 587, Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 buộc bị cáo và những người liên quan H2, Hồ Văn C1 phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho Ban quản lý rừng phòng hộ ĐăkMi số tiền 11.311.000đ. Căn cứ Điều Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tuyên tịch thu 01 máy cưa lốc và 02 phách gỗ Giổi, khối lượng 0,139 m3 gỗ xẻ để sung công quĩ Nhà nước.
Luận cứ của Người bào chữa: thống nhất luận tội của đại diện Viện Kiểm sát, về hành vi của Hồ Văn H1 phạm tội “Vi phạm các qui định về khai thác và bảo vệ rừng”. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là người dân tộc thiểu số có nhận thức pháp luật hạn chế, nhất thời phạm tội, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, giúp cơ quan điều tra phát hiện, giải quyết tội phạm; bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị cáo đã khắc phục một phần thiệt hại. Do quy định về pháp luật nên bị cáo đã bị xử phạt hành chính, nhưng số lượng gỗ không lớn. Đề nghị hội đồng xét xử ápdụng Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Công văn 301/CV-TATC- PC ngày 07/10/2016 cuả Tòa án tối cao V/v áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi của bị cáo mặc dù trước đó đã bị xử phạt hành chính, nhưng số gỗ bị cáo vận chuyển không lớn. Mặt khác, hành vi vi phạm lầm này của bị cáo H1 cũng có khối lượng gỗ so với qui định tại điểm d khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015 cũng chưa đến mức xử lý hình sự. Vì vậy, do khách quan nên Bộ luật hình sự năm 2015 lùi hiệu lực thi hành, nhưng theo hướng có lợi cho người phạm tội thì không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo H1. Còn nếu truy cứu trách nhiệm hình sự thì đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm m khoản 1 Điều 232; điểm b, i, s, t khoản 1, 2 Điều 51, Điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015 xử cho bị cáo cải tạo không giam giữ.
Bị cáo đồng ý với lời bào chữa của trợ giúp pháp lý và không có ý kiến gì. Đại diện Viện kiểm sát: Không chấp nhận với ý kiến của người bào chữa về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự, vì bị cáo H1 đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Vận chuyển trái phép lâm sản” chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý hành chính mà bị cáo lại vi phạm, nên vi phạm lần này sẽ bị xử lý hình sự không căn cứ vào hậu quả thiệt hại. Đối với các tình tiết giảm nhẹ bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là người dân tộc thiểu số có nhận thức pháp luật hạn chế, nhất thời phạm tội, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, giúp cơ quan điều tra phát hiện, giải quyết tội phạm; bị cáo đã khắc phục một phần thiệt hại theo đề nghị của người bào chữa cho bị cáo Viện kiểm sát chấp nhận. Không chấp nhận áp dụng tình tiết giảm nhẹ bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng theo qui định tại điểm i khoản 1 Điều 51 và áp dụng Điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015 xử cho bị cáo cải tạo không giam giữ. Vì bị cáo H1 đã một lần vi phạm và bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm nên không coi là phạm tội lần đầu, xử cho bị cáo cải tạo không giam giữ là không nghiêm, không có tác dụng giáo dục đối với bị cáo và phòng ngừa chung.
Nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng ý luận tội của Viện kiểm sát.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện P, tỉnh Q, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phước Sơn, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với quy định của pháp luật; bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]. Tại phiên tòa, bị cáo Hồ Văn H1 khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản Cáo trạng đã nêu. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, biên bản khám nghiệm hiện trường và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, thể hiện: Vào tháng 8 năm 2017, Hồ Văn H1, Hồ Văn H2 và Hồ Văn C1 đã bàn bạc cùng nhau đi khai thác gỗ trái phép và thuê Hồ Văn D, Hồ Văn T đi theo kéo gỗ. Nhóm Hồ Văn H1 đã vào khoảnh 6 tiểu khu 711 (rừng phòng hộ, thuộc xã Phước Công) cưa hạ, khai thác 01 cây gỗ Xoan Đào, nhóm VI, còn đứng sống và cưa xẻ một đoạn của cây gỗ Giỗi, nhóm III đã bị cưa từ trước, gây thiệt hại 3,499m3 gỗ tròn, trị giá 11.311.000đ (Mười một triệu ba trăm mười một nghìn đồng). Lời khai của bị cáo Hồ Văn H1 phù hợp với lời khai của nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thiệt hại mà bị cáo Hành vi khai thác gỗ trái phép của Hồ Văn H chỉ ở mức xử lý hành chính. Tuy nhiên, ngày 24/5/2017, Hồ Văn H1 đã bị xử phạt hành chính về hành vi “Vận chuyển trái phép lâm sản”, thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính chưa hết. Do đó, hành vi vi phạm lần này của Hồ Văn H1 được coi là “Đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm”. Vì vậy, có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo Hồ Văn H phạm tội “Vi phạm các qui định về khai thác và bảo vệ rừng”, bị cáo Hồ Văn H1 phạm tội vào tháng 8 năm 2017, vì vậy theo quy định khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội theo hướng có lợi cho bị cáo thì áp dụng các điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử đối với bị cáo. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện P, tỉnh Q truy tố bị cáo Hồ Văn H1 tội “Vi phạm các qui định về khai thác và bảo vệ rừng” theo điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[3]. Đánh giá tính chất vụ án: bị cáo Hồ Văn H1 đã bị xử phạt hành chính về hành vi “Vận chuyển trái phép lâm sản”. Đáng lẽ ra bị cáo phải lấy đây làm bài học để không thực hiện hành vi khai thác gỗ trái phép. Đằng này bị cáo lại cùng Hồ Văn H2 và Hồ Văn C1 không có giấy phép, nhưng đã vào vào khoảnh 6 tiểu khu 711 (rừng phòng hộ, thuộc xã Phước Công) khai thác gỗ trái phép. Hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm các qui định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng, làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội nên cần phạt bị cáo mức hình phạt phù hợp tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.
[4]. Xét luận tội của Đại diện viện kiểm sát và luận cứ bào chữa của Trợ giúp viên pháp lý thì thấy: Viện kiểm sát và người bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là người dân tộc thiểu số có nhận thức pháp luật hạn chế, nhất thời phạm tội, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, giúp cơ quan điều tra phát hiện, giải quyết tội phạm; bị đã khắc phục một phần thiệt hại là phù hợp cần được chấp nhận qui định tại điểm b, p, q khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999. Không chấp nhận với đề nghị của người bào chữa về áp dụng Nghị quyết 109/2015/QH13 vì Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội thì Nghị quyết 109/2015/QH13 của Quốc hội đã hết hiệu lực ngày 05/7/2017 để đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự bị cáo H1, vì bị cáo H1 đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi về “Vận chuyển trái phép lâm sản” chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý hành chính mà bị cáo lại vi phạm, nên vi phạm lần này sẽ bị xử lý hình sự không căn cứ vào hậu quả thiệt hại. Không chấp nhận đề nghị của người bào chữa về áp dụng tình tiết giảm nhẹ bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, vì bị cáo đã một lần vi phạm và bị xử phạt hành chính nên không coi vi phạm lần này là phạm tội lần đầu. Hơn nữa, hiện nay tình hình khai thác rừng tại địa bàn huyện Phước Sơn xảy ra ngày một nhiều, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trật tự, an toàn cũng như môi trường, sinh thái, gây ra hạn hán, lũ lụt. Mặc dù, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, nhưng tình trạng khai thác rừng vẫn diễn biến phức tạp.Vì vậy, không chấp nhận xử phạt bị cáo cải tạo không giam giữ vì bị cáo đã một lần bị xử phạt hành chính nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học mà bị cáo vẫn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội nên cần xử lý nghiêm để bị cáo có thời gian cải tạo trở thành người có ích cho xã hội và phòng ngừa chung.
[5]. Về tình tiết định khung hình phạt:
Hành vi của bị cáo không vi phạm các tình tiết định khung tăng nặng khác nên chỉ bị xét xử điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 1999.
[6].Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với bị cáo:
Bị cáo H1 đã bàn bạc với H2 và Hồ Văn C1 cùng góp tiền, thuê người đi khai thác gỗ trái phép, nhưng do bị cáo và những người liên quan là người dân tộc thiểu số, không hiểu biết nên hành vi của bị cáo chỉ đồng phạm giản đơn không tổ chức.
Xét nhân thân của bị cáo thì thấy: Sau khi bị bắt bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo là người dân tộc thiểu số có nhận thức pháp luật hạn chế, nhất thời phạm tội. Sau khi phạm tội đã giúp đỡ cơ quan điều tra phát hiện, giải quyết tội phạm. Bị cáo đã tác động gia đình khắc phục một phần thiệt hại. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p, q khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999. Vì vậy, cần áp dụng để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt.
[7]. Ngoài hình phạt chính, đáng lẽ ra bị cáo còn có thể bị xử phạt bổ sung theo qui định tại khoản 3 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không xử phạt bổ sung.
[8]. Đối với Hồ Văn C1 và Hồ Văn H2 là những người cùng khai thác gỗ với bị cáo H1.Hồ Văn D và Hồ Văn Tlà những người được thuê làm công tham gia vận chuyển gỗ. Xét thấy, hành vi gây thiệt hại của những người liên quan chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên Hồ Văn C1, H2 và Hồ Văn D đã bị xử phạt hành chính với hình thức phạt tiền, còn đối với Hồ Văn T (dưới 16 tuổi) nên áp dụng biện pháp nhắc nhở là phù hợp nên Hội đồng xét xử không đề cập đến.
[9]. Về trách nhiệm dân sự:
Thiệt hại mà bị cáo Hồ Văn H1, Hồ Văn H2 và Hồ Văn C1 đã gây ra cho Ban quản lý rừng phòng hộ ĐăkMi là: 11.311.000đ (Mười một triệu ba trăm mười một nghìn đồng). Bị cáo H1 cùng với H2 và C1 cùng gây ra thiệt hại, nên áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 587; Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 buộc bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau với số tiền là 3.770.000đ (Ba triệu bảy trăm bảy mươi ngàn đồng)/phần (theo nguyên tắc làm tròn và có lợi). Vì vậy, tổng sốtiền bị cáo H1, H2 và C1 phải bồi thường cho Ban quản lý rừng phòng hộ ĐăkMilà 11.310.000đ (Mười một triệu ba trăm mười nghìn đồng). Đối với bị cáo Hồ Văn H1 được khấu trừ số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng) mà gia đình bị cáo Hồ Văn H đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Phước Sơn để khắc phục hậu quả.Bị cáo H1 còn phải bồi thường cho Ban quản lý RPH ĐăkMi số tiền 2.770.000.000đ (Hai triệu bảy trăm bảy mươi ngàn đồng). Hồ Văn H2 phải bồi thường số tiền là 3.770.000đ (Ba triệu bảy trăm bảy mươi ngàn đồng). Hồ Văn C1 phải bồi thường số tiền là 3.770.000đ (Ba triệu bảy trăm bảy mươi ngàn đồng).
[10]. Về xử lý vật chứng:
- Tang vật thu giữ:
01 xe máy Sirius BKS 92L2-0957 thuộc sở hữu của Đỗ Thị T (mẹ H2) và01 xe máy Win Sunfat, BKS 92P1-030.20 của Hồ Văn C2 (anh trai C1), H2 và C1 tự ý lấy và mượn xe đi rồi vận chuyễn gỗ trái phép bà T và C2 không biết. Hiện nay hai chiếc xe đã trả lại cho chủ sở hữu nên Hội đồng xét xử không đề cập đến.
- 02 phách gỗ Giỗi, khối lượng 0,139m3 gỗ xẻ và 01 máy cưa màu cam, trắng đã cũ, kèm theo một lam cưa, bị cáo dùng làm công cụ phạm tội. Áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tịch thu máy cưa lốc vì các bị cáo dùng làm công cụ phạm tội và 02 phách gỗ Giỗi, khối lượng 0,139m3 gỗ xẻ để sung công quĩ Nhà nước.
Đối với số gỗ tang vật tại hiện trường đã vận chuyển về bãi tập kết tại thôn 4, xã Phước Công, Phước Sơn tận thu được 1,600m3 gỗ xẻ, quy đổi ra gỗ tròn 2,560m3, chủng loại Giổi, Xoan Đào (theo báo cáo số: 14/BC- BQL ngày 25/01/2018 của Ban quản lý rừng phòng hộ ĐăkMi), tịch thu sung công quỹ Nhà nước sau khi trừ các chi phí theo qui định của pháp luật.
Đối với số tiền mà Hồ Văn D và Hồ Văn T được hưởng từ việc đi làm thuê cho Hồ Văn H1, Hồ Văn H2 và Hồ Văn C1, nhưng do D và T người dân tộc thiểu số nhận thức pháp luật hạn chế, hơn nữa hoàn cảnh khó khăn, khi vi phạm chưa đủ tuổi thành niên nên không tịch thu sung công quĩ Nhà nước.
[11].Về án phí hình sự và dân sự sơ thẩm: Bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người dân tộc thiểu số sống ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn nộp tiền án phí, nên theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của UBTV Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được miễn tiền án phí theo quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo Hồ Văn H1 phạm tội “Vi phạm các qui định về khai thác và bảo vệ rừng”;
- Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175; điểm b, p, q khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 xử phạt bị cáo:
Hồ Văn H1: 06 (sáu) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị bắt tạm giam 28/11/2017.
- Về trách nhiệm dân sự:
Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 587; Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 tuyên buộc bị cáo Hồ Văn H1, Hồ Văn H2 và Hồ Văn C1 phải bồi thường cho Ban quản lý rừng phòng hộ ĐăkMi tổng số tiền là 11.310.000đ (Mười một triệu ba trăm mười nghìn đồng). Trong đó: bị cáo Hồ Văn H1 phải bồi thường số tiền là 3.770.000đ (Ba triệu bảy trăm bảy mươi ngàn đồng) được khấu trừ số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng) mà gia đình bị cáo Hồ Văn H1 đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Phước Sơn theo biên lai thu tiền số 002238 ngày 05/02/2018. Bị cáo H1 còn phải bồi thường số tiền là 2.770.000.000đ (Hai triệu bảy trăm bảy mươi ngàn đồng).Hồ Văn H2 phải bồi thường cho Ban quản lý RPH ĐăkMi số tiềnlà 3.770.000đ (Ba triệu bảy trăm bảy mươi ngàn đồng).Hồ Văn C1 phải bồi thườncho Ban quản lý RPH ĐăkMi số tiền là 3.770.000đ (Ba triệu bảy trăm bảy mươingàn đồng).
Kể từ khi có đơn yêu cầu thi hành án của Ban quản lý rừng phòng hộ ĐăkMi cho đến khi thi hành xong nếu bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không bồi thường số tiền trên thì hàng tháng còn phải chịu thêm khoản lãi suất theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qui định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
- Về xử lý vật chứng:
Áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm b khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tuyên tịch thu 01 máy cưa màu cam, trắng đã cũ, kèm theo một lam cưa và 02 phách gỗ Giỗi, khối lượng0,139m3 gỗ xẻ để sung công quĩ Nhà nước, vật chứng hiện Chi cục thi hành án dân sự huyện P, tỉnh Q đang tạm giữ theo biên bàn bàn giao, nhận vật chứng ngày 08/01/2018.
Đối với số gỗ tang vật tại hiện trường đã vận chuyển về bãi tập kết tại thôn 4, xã Phước Công, huyện Phước Sơn tận thu được 1,600m3 gỗ xẻ, quy đổi ra gỗ tròn 2,560m3, chủng loại Giổi, Xoan Đào, tịch thu sung công quỹ Nhà nước sau khi trừ các chi phí theo qui định của pháp luật.
- Bị cáo Hồ Văn H1 được miễn tiền án phí hình sự và dân sự sơ thẩm. Hồ Văn H2 và Hồ Văn C1 được miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Bị cáo; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án sơ thẩm.
“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.
Bản án về tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng số 01/2018/HSST
Số hiệu: | 01/2018/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Phước Sơn - Quảng Nam |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 07/02/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về