Bản án về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, làm giả con dấu, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 408/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 408/2022/HS-PT NGÀY 26/09/2022 VỀ TỘI VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP TIỀN TỆ QUA BIÊN GIỚI, LÀM GIẢ CON DẤU, SỬ DỤNG CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 26 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 349/2022/TLPT-HS ngày 12 tháng 8 năm 2022 đối với bị cáo U và các đồng phạm, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2022/HS-ST ngày 05/7/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam.

- Bị cáo có kháng cáo:

1. U, sinh ngày 26/3/1977, tại Nigeria; nơi thường trú: Số 15, đường Michael Igbudu, làng Umuchu, bang Okota, Nigeria; nơi cư trú: Căn hộ A509 chung cư T, 36/38 Tân Thới Nhất 8, phường Tân Thới Nhất, Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: Kinh doanh; giới tính: nam; quốc tịch: Nigeria; con ông B, sinh năm 1944 và bà M, sinh năm 1944; tiền án, tiền sự: chưa xác định.

Bị cáo bị bắt tạm giữ từ ngày 29/12/2018, chuyển tạm giam từ ngày 09/01/2019, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam; có mặt tại phiên tòa.

2. Nguyễn Thị H, sinh ngày 09/9/1974, tại tỉnh Hà Nam; nơi cư trú: Tổ 1, phường L, thành phố P, tỉnh Hà Nam; nghề nghiệp: lao động phổ thông; trình độ học vấn: 12/12; giới tính: nữ; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Phật giáo; con ông Nguyễn Văn Q (chết) và bà Lê Thị T (chết); có chồng là Hoàng Văn Đ, sinh năm 1970 và có 02 con, con lớn sinh năm 1993 và con nhỏ sinh năm 2006; tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo bị bắt khẩn cấp, tạm giữ từ ngày 02/7/2019, chuyển tạm giam từ ngày 11/7/2019, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam; có mặt tại phiên tòa.

3. Ngô Thị Đoan Tr, sinh ngày 04/9/1964, tại tỉnh An Giang; nơi cư trú: Số 46/01 đường L1, tổ 2, ấp C, phường C1, thành phố C2, tỉnh An Giang; nghề nghiệp: lao động phổ thông; trình độ học vấn: 12/12; giới tính: nữ; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; con ông Ngô Văn G (đã chết) và bà Trần Thị H1, sinh năm 1942; bị cáo là con thứ ba trong gia đình có 10 anh em và không có chồng, con; tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo bị bắt khẩn cấp, tạm giữ từ ngày 31/12/2018, chuyển tạm giam từ ngày 09/01/2019, đến ngày 29/6/2019 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn cho “Bảo lĩnh”; có mặt tại phiên tòa.

4. Trần Phương T1, sinh ngày 04/5/1993, tại Thành phố Hồ Chí Minh; nơi cư trú: số 137/52 đường C3, Phường Y, Quận Y1, thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: nhân viên giao hàng; trình độ học vấn: 12/12; giới tính: nam; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; con ông Trần Văn M, sinh năm 1968 và bà Phan Hồng Yến Tr, sinh năm 1972; có vợ là Long Kim N, sinh năm 1994 và có 01 con sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo bị bắt khẩn cấp, tạm giữ từ ngày 31/12/2018, chuyển tạm giam từ ngày 09/01/2019, đến ngày 29/6/2019 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn cho “Bảo lĩnh”; có mặt tại phiên tòa.

- Ngoài ra vụ án còn có 02 bị cáo khác không có kháng cáo, kháng nghị nên không triệu tập phiên tòa phúc thẩm.

- Người bào chữa cho bị cáo U theo yêu cầu của cơ quan tiến hành t tụng: Luật sư Lưu Thị L2 - Văn phòng Luật sư L3, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam; có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị H theo yêu cầu của cơ quan tiến hành t tụng: Luật sư Nguyễn Xuân B1 - Văn phòng Luật sư Đ1, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam; có mặt.

- Người phiên dịch: Ông Trần Hữu Th, sinh năm 1982 - Cộng tác viên biên, phiên dịch tại Phòng Công chứng số Y2 tỉnh Quảng Nam; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

[1] Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng tháng 5/2018, thông qua mạng xã hội Facebook, Hồ Thị Anh T2 kết bạn với đối tượng có tài khoản facebook tên David Daniel Ivan (viết tắt là David Daniel Ivan). Trong thời gian kết bạn, đối tượng David Daniel Ivan nói với T2 rằng David Daniel Ivan đang làm dự án tại Thái Lan, cần tài khoản quốc tế để giao dịch và đề nghị T2 mở giúp 05 tài khoản Ngân hàng. Lúc này, Hồ Thị Anh T2 biết rõ việc đối tượng David Daniel Ivan yêu cầu T2 mở 05 tài khoản Ngân hàng thanh toán quốc tế để giao dịch cho dự án tại Thái Lan thực chất là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản (vì năm 2017 bản thân T2 cũng bị lừa đảo dưới hình thức tương tự với số tiền bị chiếm đoạt là 580.000.000 đồng), nhưng T2 vẫn đồng ý thực hiện vì làm việc này thì T2 được trả công số tiền 20.000.000 đồng.

Theo yêu cầu của đối tượng David Daniel Ivan, Hồ Thị Anh T2 đã mở 05 tài khoản Ngân hàng thanh toán quốc tế bao gồm: Tài khoản số 06201010924799 Ngân hàng Maritime Bank; tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB; tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank; tài khoản số 56210002224103 Ngân hàng BIDV; tài khoản số 040070309841 Ngân hàng Sacombank (Chi nhánh tại tỉnh Quảng Nam) và đăng ký dịch vụ Internet Banking các tài khoản trên qua các số thuê bao điện thoại di động 0905.922.354, 01677.220.596 và 0984.158.966 do T2 đứng tên chủ thuê bao. Sau đó, theo chỉ dẫn của David Daniel Ivan, T2 đã gửi 05 thẻ Ngân hàng trên và 02 sim điện thoại có số thuê bao 0905.922.354, 01677.220.596 qua dịch vụ chuyển phát nhanh Viettel Post cho ông Diệp Quang M có số thuê bao điện thoại là 0972.028.347 để thuê ông M mang sang Campuchia giao cho đối tượng Serey With Daris (viết tắt là Serey With Daris, là đồng nghiệp của David Daniel Ivan) với số tiền công là 400.000 đồng.

Sau khi có 05 tài khoản của Hồ Thị Anh T2, đối tượng David Daniel Ivan lên mạng xã hội kết bạn và làm quen với những người phụ nữ nhẹ dạ, cả tin của nhiều tỉnh thành trong cả nước Việt Nam, đưa ra những thông tin gian dối về bản thân, công việc và khả năng tài chính để họ tin tưởng và chuyển tiền vào tài khoản nhằm chiếm đoạt. Khi người bị hại chuyển tiền vào 01 trong 05 tài khoản trên của Hồ Thị Anh T2 thì David Daniel Ivan nhắn tin thông báo cho T2 biết là tiền sẽ về (có nghĩa là tiền vào tài khoản) để T2 truy cập vào dịch vụ Internet Banking theo số điện thoại 0905.922.354 kiểm tra và số tiền này đối tượng David Daniel Ivan sẽ rút sau 05 - 20 phút. Nếu số tiền người bị hại nộp vào tài khoản vượt quá hạn mức thanh toán của thẻ quốc tế trong một ngày (250.000.000 đồng) thì đối tượng tên David Daniel Ivan liên lạc cho T2 qua phần mềm Messenger Facebook, yêu cầu T2 đến Ngân hàng, dùng CMND của T2 để rút tiền mặt ra rồi nộp vào các tài khoản khác của T2 (đã giao cho đối tượng) để đối tượng rút ngay sau đó hoặc thông qua dịch vụ Internet Banking, T2 chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Lưu Thị Kim N1 và Đỗ Viết Đ2 để thuê N1, Đ2 chuyển sang Campuchia giao cho SereyVith Daris (có s thuê bao điện thoại 0965.296.438). Sau khi chuyển tiền cho N1 và Đ2 thì T2 nhắn tin số thuê bao điện thoại là +855974388305 hoặc 0965.296.438 (số điện thoại tại Campuchia) để Đ2 và N1 liên lạc theo số điện thoại này thông báo cho người nhận tiền biết để đến nhận tiền (nếu họ đọc đúng số điện thoại) và người nhận tiền sẽ trực tiếp trả phí chuyển tiền cho N1 và Đ2. Thực hiện việc này, T2 được đối tượng SereyVith Daris trả tiền công (tùy thuộc vào số tiền T2 chuyển cho Đ2 và N1). Còn Lưu Thị Kim N1 và Đỗ Viết Đ2 được hưởng hoa hồng 0,25%/số tiền T2 chuyển khoản cho N1 và Đ2.

Kết quả điều tra, trích sao dữ liệu từ 05 tài khoản N1 hàng do Hồ Thị Anh T2 mở và chuyển cho nhóm đối tượng U thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người bị hại với tổng số tiền là 17.746.328.033 đồng, quá trình điều tra đã xác định được 28 bị hại chuyển số tiền: 8.439.522.435 đồng, T2 đã hưởng lợi số tiền 314.700.000 đồng.

Liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Hồ Thị Anh T2, ông Diệp Quang M khai báo: Khoảng tháng 5/2018, Hồ Thị Anh T2 ở tỉnh Quảng Nam điện thoại cho ông nhờ ông mang một phong bì sang Campuchia giao cho người có số điện thoại mà T2 ghi trên phong bì, thì ông đồng ý. Sau đó, có người đàn ông chạy xe ôm đến bãi xe ở số 592, Phường 13, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh giao cho ông một phong bì và nhờ ông M chuyển sang Campuchia giao cho người có số điện thoại ghi trên phong bì. Ông M mở góc phong bì xem thì thấy bên trong là những thẻ ATM rút tiền tự động. Đến Campuchia, ông M gọi cho người nhận có số điện thoại được ghi trên phong bì. Khoảng 30 phút sau, có hai người đàn ông (da đen) đến gặp ông M, một người xưng tên là Uche là người nhận phong bì và trả phí chuyển cho ông M là 400.000 đồng. Đồng thời, có lần người xưng tên là Uche có thuê ông M mang một thẻ ATM từ Campuchia về Việt Nam rồi gửi qua đường bưu điện cho Hồ Thị Anh T2.

- Đối với Lưu Thị Kim N1, quá trình điều tra xác định: N1 có chồng là Đoàn Minh T3; cả hai đến sinh sống tại Campuchia để kinh doanh dịch vụ chuyển tiền từ Campuchia về Việt Nam và ngược lại. Để phục vụ cho việc kinh doanh tại Việt Nam, N1 đã mở các tài khoản tại các Ngân hàng Maritime Bank; Ngân hàng ACB; Ngân hàng Viettinbank; Ngân hàng BIDV; Ngân hàng Sacombank Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời thuê và ủy nhiệm cho Ngô Thị Đoan Tr, Trần Phương T1 làm đầu mối tại Việt Nam thực hiện các giao dịch qua các tài khoản Ngân hàng trên của N1 để nhận và chuyển tiền từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại theo yêu cầu của khách hàng nhằm thu phí chuyển tiền là 0,25% trên tổng số tiền được chuyển.

- Đối với Ngô Thị Đoan Tr và Trần Phương T1: Từ tháng 6/2018 đến tháng 10/2018, đã nhiều lần nhận tiền từ tài khoản của Hồ Thị Anh T2 chuyển đến tài khoản của Lưu Thị Kim N1 (qua các Ngân hàng Sacombank, Viettinbank, ACB, Maritime Bank) với tổng số tiền 6.388.000.000 đồng để chuyển cho một người đàn ông có tên SereyVith Daris (có s thuê bao điện thoại là 0965.296.438) ở Campuchia. Sau khi nhận tiền từ tài khoản Ngân hàng do T2 chuyển đến, Tr quy đổi ra USD (đô la Mỹ) rồi thông qua mạng xã hội Viber, Messenger, Zalo, Tr gọi điện, nhắn tin hình ảnh thông báo cho N1, T3 ở Campuchia biết chi trả cho khách và thu phí 0,25%/số tiền được chuyển, còn số tiền T2 chuyển khoản cho Tr thì Tr giữ lại để chi trả theo yêu cầu của T3 cho những khách hàng khác tại Việt Nam.

Còn tại Việt Nam: Từ cuối năm 2017 đến tháng 9/2018, nhiều lần theo yêu cầu của T3 (T3 gửi nhn tin thông báo về việc trả tiền cho khách tại Việt Nam, kèm s điện thoại để liên lạc là 0904.347.770) thì Tr đã liên lạc theo số điện thoại T3 gửi và hẹn địa điểm gặp để giao tiền cho một người đàn ông da đen có tên gọi là U và những người bạn của ông ta có tên Buchi, Kofi, Omega, Henry, Tony, Mike hoặc chuyển qua tài khoản số 4214945807029897 tại Ngân hàng ACB cho U.

Đối chiếu thời gian, số tiền, người nhận từ tài khoản Hồ Thị Anh T2, Lưu Thị Kim N1 (do Tr quản lý) và sổ giao tiền do Đỗ Minh T3 quản lý tại Campuchia là phù hợp với lời khai nhận của Ngô Thị Đoan Tr, Trần Phương T1. Trong Sổ ghi chép của Đoàn Minh T3 thể hiện: Thời gian từ 29/6/2018 đến tháng 10/2018 người nhận tiền tại Campuchia, có số điện thoại +85593331028, +855965296438 đã nhiều lần nhận tiền do T2 chuyển sang. Còn ở Campuchia, T3 cũng nhiều lần nhận tiền của khách hàng chuyển về Việt Nam cho U và bạn của U để thu phí nhằm hưởng lợi mà không thông qua hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Hàng ngày, sau khi tổng hợp số tiền chuyển và nhận qua lại giữa Tr và T3 xong thì Tr chụp hình gửi qua ứng dụng Viber cho T3 rồi hủy tất cả nội dung, tài liệu có liên quan.

Tháng 9/2018, Lưu Thị Kim N1, Trần Phương T1 bị Công an thành phố Hà Nội triệu tập làm việc do các tài khoản Ngân hàng của N1 có liên quan đến đường dây hoạt động phạm tội và tạm giữ tất cả thẻ ATM của Lưu Thị Kim N1 và Trần Phương T1 để phục vụ điều tra. Từ đó, N1 và T3 không cho Tr và T1 giao dịch với khách nước ngoài (da đen) nên Tr không nhận chuyển tiền cho Hồ Thị Anh T2 từ Việt Nam sang Campuchia nữa. Tr và T1 không biết số tiền T2 chuyển từ hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà có. Tr và T1 cũng thừa nhận hành vi chuyển tiền trái phép qua biên giới là vi phạm pháp luật Việt Nam.

- Đối với Đỗ Viết Đ2: là chủ cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý hiệu Đức Long tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 8/2018 Đ2 nhận được cuộc gọi từ số thuê bao điện thoại di động 0984.158.966 của Hồ Thị Anh T2 đề nghị Đ2 chuyển tiền sang Campuchia cho khách hàng của T2 có tên Serey With Daris (có số thuê bao điện thoại là 0965.296.438) thì Đ2 thông báo với T2 phí chuyển tiền là 0,25% trên tổng số tiền chuyển đi Campuchia. T2 đồng ý và nới khi tiền được chuyển sang Campuchia thì người nhận tiền sẽ trả phí. T2 yêu cầu Đ2 nhắn tin các tài khoản Ngân hàng của Đ2 qua cho T2 để T2 chuyển tiền cho Đ2. Từ ngày 22/8/2018 đến tháng 12/2018, nhiều lần Hồ Thị Anh T2 chuyển vào các tài khoản của Đ2 qua các Ngân hàng Sacombank, Viettinbank, ACB, Maritime Bank với tổng số tiền là 4.257.000.000 đồng và nhắn tin số điện thoại người nhận tại Campuchia là 0965.296.438 để Đ2 liên lạc và giao tiền cho người này.

Sau khi tài khoản Ngân hàng của Đ2 có thông báo nhận tiền từ tài khoản Ngân hàng do T2 chuyển đến thì Đ2 gọi điện, nhắn tin cho một người phụ nữ có tên là bà Mười là chủ tiệm vàng 60 tại Campuchia (số điện thoại: +855975333858 và + 855883999960) để thông báo số tiền, số điện thoại liên lạc (0965.296.438) của khách nhận tại Campuchia để bà Mười liên lạc và chi trả cho khách. Đ2 được hưởng lợi 0,05% trên tổng số tiền chuyển, còn bà Mười hưởng lợi 0,20% trên tổng số tiền chuyển. Thực hiện việc chuyển số tiền 4.257.000.000 đồng từ Việt Nam sang Campuchia theo yêu cầu của Hồ Thị Anh T2, Đ2 đã thu lợi số tiền 2.128.500 đồng (0,05%/4.257.000.000 đồng). Đ2 không biết số tiền T2 thuê Đ2 chuyển sang Campuchia là do phạm tội mà có, Đ2 biết hành vi chuyển tiền qua biên giới không thông qua hệ thống Ngân hàng, không được các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam cấp phép là vi phạm pháp luật nhưng do ham lợi nhuận nên Đ2 đã thực hiện.

- Đối với hành vi phạm tội của Nguyễn Thị H: Vào năm 2017 thông qua mạng xã hội Facebook, Nguyễn Thị H kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Xromanham Catex (viết tắt làXromanham Catex), đối tượng này tự giới thiệu là Bác sỹ người Mỹ hiện đang công tác tại chiến trường Afghanistan, đã ly hôn vợ và có mong muốn sau khi nghỉ hưu sẽ đến Việt Nam để sinh sống. Đối tượng Xromanham Catex đề nghị Nguyễn Thị H chuyển thông tin, địa chỉ của Nguyễn Thị H để đối tượng Xromanham Catex chuyển phần quà cho H đi làm từ thiện tại Việt Nam. Sau đó, đối tượng Xromanham Catex chụp hình thùng quà bên trong gồm có: Giày, dây chuyền, máy tính bảng, điện thoại, tiền USD rồi gửi cho H (qua ứng dụng Mensenger) và yêu cầu H chờ điện thoại để nhân viên giao hàng liên lạc, giao hàng. Ba ngày sau, H nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là nhân viên sân bay, yêu cầu H nộp tiền thuế, tiền phạt để được nhận thùng hàng bên trong gồm: Giày, dây chuyền, máy tính bảng, điện thoại và số tiền 2.500.000 USD. Tưởng là thật nên H đã nộp vào tài khoản của đối tượng tự xưng là nhân viên sân bay nhiều lần với số tiền 200.000.000 đồng. Nhưng sau đó, H không nhận được hàng và cũng không liên lạc được với Xromanham Catex, lúc này H biết mình bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên.

Sau một thời gian (cũng năm 2017), đối tượng Xromanham Catex liên lạc với Nguyễn Thị H qua Messenger để xin lỗi về việc nêu trên và báo cho H biết là sẽ đến Việt Nam sinh sống, đồng thời đối tượng Xromanham Catex gửi cho H hình ảnh vé máy bay, hóa đơn đặt phòng khách sạn tại Hà Nội và đề nghị H đến sân bay Nội Bài đón đối tượng. Đến hẹn, H đến Sân bay Nội Bài để đón đối tượng Xromanham Catex nhưng không thấy, liên lạc qua Messenger thì đối tượng Xromanham Catex nói với H là đã bị Công an Việt Nam bắt, đưa về tạm giữ tại Trại giam Đồng Nai do mang tiền, vàng vượt quá quy định khi nhập cảnh vào Việt Nam. Số lượng tiền, vàng hiện đang được giữ tại kho bảo mật của sân bay Nội Bài nên đề nghị H đóng giúp tiền phạt 900.000.000 đồng để bảo lĩnh cho đối tượng Xromanham Catex được tự do thì H sẽ được trả gấp đôi số tiền H nộp phạt. H nói không có số tiền lớn như vậy thì đối tượng Xromanham Catex đề nghị H giúp đỡ bằng cách dùng CMND của H mở tài khoản Ngân hàng thanh toán quốc tế để gửi sang Campuchia cho đối tượng có tên Anthoney (là bạn của đối tượng Xromanham Catex) đang làm việc và cư trú tại Campuchia, để khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cho Anthoney buôn bán gỗ nhằm giúp đối tượng Xromanham Catex ra khỏi Trại tạm giam.

Theo yêu cầu của đối tượng Xromanham Catex, Nguyễn Thị H đã sử dụng CMND của mình (số 035171001191) để mở 10 tài khoản thẻ của các Ngân hàng Sacombank, BIDV, Vietinbank, Techcombank, ACB, Vietcombank, GPbank, VPbank, TPbank, Dầu khí và sử dụng số thuê bao điện thoại di động 0943.824.966 để đăng ký dịch vụ Internet Banking để theo dõi việc chuyển và rút tiền từ các tài khoản này. Sau đó, theo chỉ dẫn của đối tượng Xromanham Catex, H gửi 10 tài khoản thẻ trên qua bưu điện cho ông Diệp Quang M để ông M mang sang Campuchia giao cho đối tượng có tên Anthoney, H được đối tượng này trả công từ 100 USD đến 200 USD/01 thẻ. Mỗi lần có tiền chuyển vào các tài khoản thẻ trên thì ngay sau đó, tiền sẽ được rút ra tại Campuchia, còn H được đối tượng chuyển trả tiền công làm thẻ ATM nhiều lần vào tài khoản số 0901000020322 của H với số tiền là 10.000.000 đồng (tiền Việt Nam).

Đầu năm 2018, Nguyễn Thị H đến Thành phố Hà Nội tìm việc làm. Tại đây, H đã thuê một người phụ nữ (không quen biết) làm 01 CMND giả (giống như thật) mang tên Nguyễn Thị H2 với số tiền 3.000.000 đồng để H sử dụng vay tiền. Do Ngân hàng yêu cầu người vay tiền phải có hộ khẩu tại Thành phố Hà Nội nên H không vay được tiền. Cũng trong thời gian này, một số tài khoản Ngân hàng mà H mở trước đó bị phong tỏa không giao dịch được. Đối tượng Xromanham Catex yêu cầu H mở một số tài khoản Ngân hàng khác thì H đã sử dụng CMND giả mang tên Nguyễn Thị H2 mở 07 tài khoản Ngân hàng thanh toán quốc tế gồm: Vietinbank, Sacombank, Techcombank, Maritime Bank, VPbank, TPbank, ACB tại địa bàn Thành phố Hà Nội, rồi gửi cho ông Diệp Quang M mang sang Campuchia cho đối tượng Anthoney. Sau đó, nhiều lần đối tượng Anthoney chuyển vào tài khoản của H số tiền khoảng 12.000.000 đồng.

Tháng 10/2018, H bị Công an thành phố Hải Phòng triệu tập để làm việc, thông báo các tài khoản mang tên Nguyễn Thị H có liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ Việt Nam và 01 CMND mang tên Nguyễn Thị H, 01 CMND mang tên Nguyễn Thị H2, 02 điện thoại di động có gắn 02 thẻ sim có lưu giữ các cuộc trò chuyện trong Messenger. Nhưng đến đầu năm 2019, theo yêu cầu của đối tượng Xromanham Catex, H tiếp tục thông qua mạng xã hội Facebook để thuê người có tài khoản tên Lê Phụng làm 01 CMND giả số 013415421 mang tên Phạm Thị Mỹ L4, sinh ngày 01/01/1976, quê quán: Hà Nội, nơi đăng ký nhân khẩu thường trú: Khu 5, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội, với giá 1.150.000 đồng. H sử dụng CMND giả này để mở 06 tài khoản tại các Ngân hàng Vietcombank, Nam Á Bank, VIPbank, ACB, OCB và Seabank rồi gửi 06 tài khoản này cho một người có tên Huy, số điện thoại +85718844077 và 0937.836.069 để chuyển sang Campuchia cho đối tượng Anthoney thì được đối tượng Anthoney chuyển trả công cho H số tiền 20.000.000 đồng. H biết rõ việc mình làm là tham gia đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng có tài khoản tên Xromanham Catex và Anthoney nhưng vẫn thực hiện vì cần có tiền để lo đám cưới cho con.

Kết quả điều tra, trích sao dữ liệu từ 23 tài khoản Ngân hàng do Nguyễn Thị H dùng CMND của H và CMND giả tên Nguyễn Thị H2, Phạm Thị Mỹ L4 để mở và chuyển cho nhóm đối tượng Xromanham Catex, Anthoney và U thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người bị hại với tổng số tiền là 9.360.007.000 đồng (trong đó: 17 tài khoản mang tên Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị H2 có số tiền là: 7.481.527.000 đồng; 06 tài khoản mang tên Phạm Thị Mỹ L4 có s tiền là 1.878.480.000 đồng), đã xác định được 04 bị hại chuyển số tiền 400.411.600 đồng.

Liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Thị H thì ông Diệp Quang M khai báo: Khoảng tháng 6/2018 có một người phụ nữ nói giọng Bắc (sau này ông M biết tên là Nguyễn Thị H, ở tỉnh Hà Nam) gọi điện thoại cho ông M để xin địa chỉ gửi phong bì đến cho ông M và thuê ông mang sang Campuchia. Ông M đồng ý nhắn tin kết bạn Zalo và gửi địa chỉ của ông M là số 10/4 ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Khoảng 03 ngày sau, nhân viên bưu điện đến giao cho Minh 01 phong bì bên trong có thẻ ATM của Ngân hàng, bên ngoài phong bì có số điện thoại người nhận là 015302401. Ông M mang sang Campuchia rồi điện thoại cho người có số điện ghi trên phong bì đến nhận thì cũng chính là người đàn ông da đen có tên U (lần trước đã nhận phong bì của Hồ Thị Anh T2) và được trả 20 USD phí vận chuyển. Sau đó, H tiếp tục gửi cho ông M phong bì bên trong đựng thẻ ATM để ông M chuyển sang Campuchia cho người có số điện thoại +85515302401và +855886605976. Tại Campuchia ông M giao cho người có số điện thoại mà H đã dặn cũng chính là đối tượng Uche.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành xác minh, xác định đối tượng có tên Uche đang tạm trú tại Việt Nam, lý lịch theo hộ chiếu là: Họ và tên: U; tên gọi khác: Không có; sinh ngày 26 tháng 3 năm 1977, tại: Nigeria; quốc tịch: Nigeria; tôn giáo: Công giáo; nghề nghiệp: Không; số CMND/Thẻ CCCD/HỘ chiếu: A06882016, cấp ngày 08 tháng 9 năm 2015; nơi cấp: Lãnh sự quán Nigeria tại Malaysia; nơi cư trú: số 15, đường Michael Igbudu, làng Umuchu, bang Okota; chỗ ở: Chung cư T 12View, số 36/38 đường Tân Thới Nhất 8, phường Tân Thới Nhất, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối tượng U đã khai nhận: U có quan hệ bạn bè với hai người bạn quốc tịch Nigeria tên là Johr và Rachal (không rõ họ, địa chỉ cụ thể), khoảng từ năm 2017 đến khoảng tháng 6/2018 nhiều lần thông qua Ngô Thị Đoan Tr, Johr và Rachal đã chuyển tiền về Việt Nam cho U và ngược lại U chuyển tiền sang Campuchia cho Johr và Rachel (người Nigeria) để kinh doanh buôn bán áo quần với 02 người bạn này. Việc giao dịch nhận và chuyển tiền qua công ty của Ngô Thị Đoan Tr, Trần Phương T1 mà không qua hệ thống Ngân hàng của Nhà nước Việt Nam nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận vì chuyển tiền qua công ty của Ngô Thị Đoan Tr thì phí chuyển tiền thấp hơn nhiều so với phí chuyển tiền qua hệ thống Ngân hàng. Nhận thấy hành vi nhận và chuyển tiền từ Việt Nam qua Campuchia và ngược lại không thông qua hệ thống Ngân hàng của Việt Nam là vi phạm pháp luật Việt Nam. U không thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả nhận dạng ảnh:

- Ông Diệp Quang M đã nhận ra đối tượng Uche có họ tên đầy đủ là U chính là người đã nhận các thẻ ATM do Hồ Thị Anh T2 và Nguyễn Thị H chuyển qua Camphuchia, đồng thời nhận các thẻ ATM của đối tượng Uche chuyển từ Campuchia về Việt Nam cho Hồ Thị Anh T2. Ông M không biết các thẻ ATM ông M nhận vận chuyển sang Campuchia và ngược lại có liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Ngô Thị Đoan Tr và Trần Phương T1 nhận ra đối tượng U là người đã nhiều lần nhận, chuyển tiền từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại thông qua Tr, T1 vàT3.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra, trích sao và in toàn bộ dữ liệu điện tử những nội dung liên quan đến hành vi phạm tội của Nguyễn Thị H được lưu giữ trong chiếc điện thoại di động hiệu OPPO F7 của H có gắn thẻ sim số thuê bao 0943.824.966.

Tiến hành xác minh tại Ngân hàng GPbank, được cung cấp thông tin khách hàng Nguyễn Thị H, CMND số 035174001191 cấp ngày 22/02/2018, địa chỉ thường trú: Thiên Phú, Nam Hà, Hà Nam, điện thoại: 0943.824.966; xác minh tại Ngân hàng Eximbank, được cung cấp thông tin khách hàng Nguyễn Thị H2, CMND số 013904273 cấp ngày 22/4/2013, nơi cấp: Công an Hà Nội, điện thoại 0886.620.526, địa chỉ cư trú: Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội.

Tiến hành xác minh tại Công an xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội xác định: Trên địa bàn xã Đại Mạch không có công dân tên Nguyễn Thị H2 cư trú, số CMND 013904273 là không có thật.

Kết quả tra cứu số CMND 013904273 tại Phòng Quản lý hành chính Công an Thành phố Hà Nội xác định số CMND 013904273 không có trong hệ thống hồ sơ lưu trữ tàng thư.

Tại Kết quả giám định số 114/PC09 ngày 11/7/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Nam, kết luận: CMND số 013904273; Tên: Nguyễn Thị H2; sinh ngày 20/10/1973; nơi đăng ký thường trú: Thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội là giả. (BL: 3.109 - 3.117).

Căn cứ vào lời khai nhận tội của Hồ Thị Anh T2, Nguyễn Thị H, Đỗ Viết Đ2, Trần Phương T1, Ngô Thị Đoan Tr; lời khai của Đoàn Minh T3; kết quả sao kê toàn bộ các tài khoản Ngân hàng; lời khai của những người bị hại đã xác định được: Trong thời gian từ tháng 6/2018 đến tháng 7/2019, trong 05 tài khoản của Hồ Thị Anh T2 và 23 tài khoản của Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị H2, Phạm Thị Mỹ L4 mở tại các Ngân hàng thể hiện tổng số tiền đã giao dịch trong hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng U đối với 99 người bị hại là 27.377.941.437 đồng (trong đó, chuyển vào 05 tài khoản của Hồ Thị Anh T2 số tiền là 17.746.328.033 đồng; chuyển vào 23 tài khoản của Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị H2, Phạm Thị Mỹ L4 s tiền là 9.360.007.000 đồng). Quá trình điều tra vụ án đã xác định được: 30 người bị hại đã chuyển vào các tài khoản Ngân hàng của Hồ Thị Anh T2, Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị H2 và Phạm Thị Mỹ L4 với số tiền 8.839.934.035 đồng (trong đó: 28 người bị hại chuyển vào 05 tài khoản của Hồ Thị Anh T2 số tiền 8.439.522.435 đồng; 04 người bị hại chuyển vào tài khoản của Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị H2 và Phạm Thị Mỹ L4 s tiền: 400.411.600 đồng). Cụ thể như sau:

1. Bà Dương Thị B1 (sinh năm 1989; nơi cư trú: Thành phố Hồ Chí Minh): Tháng 5/2018 thông qua mạng xã hội WhatsApp, bà B1 kết bạn với đối tượng có tài khoản WhatsApp tên David Bosetti (viết tắt là David Bosetti), tự xưng là Kỹ sư của Liên Hiệp Quốc đang công tác tại Yemen. Trong thời gian kết bạn, David Bosetti đề nghị bà B1 giúp đóng phí bảo hiểm, vé máy bay để David Bosetti đến Việt Nam và sẽ hoàn trả số tiền này cho bà B1. Tưởng là thật nên ngày 01/6/2018 bà B1 nộp số tiền 182.415.000 đồng vào tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB của Hồ Thị Anh T2, ngay sau đó, bị đối tượng rút tiền tại trụ ATM Chi nhánh Hòa Hưng, thành phố Hồ Chí Minh và chiếm đoạt. Sau khi chuyển tiền, bà B1 nhiều lần nhắn tin, điện thoại cho David Bosetti nhưng không liên lạc được. Biết mình bị lừa chiếm đoạt số tiền trên nên bà B1 viết đơn tố cáo.

2. Bà Vũ Thị Thanh H2 (sinh năm 1983; nơi cư trú: Thành phố Hồ Chí Minh): Đầu năm 2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà H2 kết bạn với đối tượng có tài khoản facebook tên Sam Daiby (viết tắt là Sam Daiby), tự xưng là Bác sĩ của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Trong thời gian kết bạn, Sam Daiby nói với bà H2 là muốn về hưu và đến Việt Nam sinh sống, đồng thời đề nghị bà H2 giúp đóng phí bảo hiểm, mua vé máy bay, sau khi đến Việt Nam Sam Daiby sẽ hoàn trả. Tưởng là thật nên vào các ngày 12/6/2018 và 22/6/2018 bà H2 nộp số tiền 128.800.000 đồng vào tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB của Hồ Thị Anh T2. Ngay sau đó, T2 chuyển tiếp đến tài khoản Vietinbank của T2 số tiền 126.000.000 đồng để đối tượng rút tại trụ ATM ở Campuchia, còn T2 rút để hưởng lợi số tiền 2.800.000 đồng.

Sau khi sự việc xảy ra bà H2 không trình báo, nhưng khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam xác minh, làm việc với bà H2 thì bà H2 viết đơn từ chối bồi thường dân sự, đề nghị giữ bí mật vì sợ ảnh hưởng gia đình.

3. Bà Trần Phương Th1 (sinh năm 1986; nơi cư trú: tỉnh Bắc Giang): Tháng 4/2018 thông qua mạng xã hội Zalo, bà Th1 kết bạn với đối tượng có tài khoản Zalo tên Jeffrey Lucas (viết tắt là Jeffrey Lucas), tự xưng là Bác sĩ trong Trại Tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Trong thời gian kết bạn, Jeffrey Lucas nói không muốn làm trong Trại Tị nạn nữa và đề nghị bà Th1 đóng tiền để bảo lĩnh cho Jeffrey Lucas sang Việt Nam, sẽ hoàn trả lại chi phí cho bà Th1. Sau đó, Jeffrey Lucas nhắn tin gửi các số tài khoản Ngân hàng của Hồ Thị Anh T2 đến bà Th1. Tưởng là thật nên từ ngày 12/6/2018 đến ngày 23/6/2018 bà Th1 có 03 lần nộp tiền vào các tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB; tài khoản số 06201010924799 Ngân hàng Maritime Bank của Hồ Thị Anh T2 với tổng số tiền 655.257.000 đồng. Ngay sau khi bà Th1 chuyển tiền vào các tài khoản trên thì đối tượng rút tiền tại trụ ATM Phòng giao dịch Võ Thị Tr và trụ ATM Phòng giao dịch Bảy Hiền, Thành phố Hồ Chí Minh số tiền 55.829.000 đồng; Hồ Thị Anh T2 chuyển tiếp đến tài khoản Sacombank của Lưu Thị Kim N1 (do Ngô Thị Đoan Tr quản lý) số tiền 589.000.000 đồng để thuê N1 chuyển sang Campuchia giao cho SereyVith Daris, còn T2 rút tiền mặt hưởng lợi 10.000.000 đồng. Sau đó, Ngô Thị Đoan Tr thông qua trang mạng xã hội Viber, đã thông báo cho Đoàn Minh T3 ở Campuchia biết, để liên lạc cho SereyVith Daris (theo số điện thoại 0965.296.438 của Hồ Thị Anh T2 đưa) đến nhận tiền và trả phí chuyển tiền cho T3 là 1.472.000 đồng (0,25%/589.000.000 đồng).

Ngoài ra ngày 26/6/2018 theo yêu cầu của Jeffrey Lucas, bà Th1 còn chuyển vào tài khoản Ngân hàng số 1020111293001 của Trần Thị Tố Uyên số tiền 379.175.000 đồng. Sau đó, Jeffrey Lucas tiếp tục yêu cầu bà Th1 chuyển tiền, bà Th1 trả lời rằng bà không còn khả năng chi trả thì đối tượng này không liên lạc với bà Th1 nữa. Lúc này, biết mình bị lừa chiếm đoạt số tiền trên nên bà Th1 viết đơn tố cáo.

Như vậy, tổng số tiền bà Th1 nộp vào tài khoản Ngân hàng của Hồ Thị Anh T2 và Trần Thị Tố Uyên là 1.024.432.000 đồng (gồm: chuyển vào tài khoản của T2 là 655.257.000 đồng; chuyển vào tài khoản của Uyên là 379.175.000 đồng) và bị đối tượng rút chiếm đoạt là 1.014.432.000 đồng, còn T2 đã rút và hưởng lợi là 10.000.000 đồng. Đoàn Minh T3 thu phí chuyển tiền hưởng lợi là 1.472.000 đồng.

4. Bà Vi Thùy D1 (sinh ngày 04/12/1973; nơi cư trú: tỉnh Lạng Sơn): Đầu năm 2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà D1 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Solomon Onal (viết tắt là đối tượng Solomon Onal), tự xưng là Sỹ quan quân đội Hoa Kỳ đang chiến đấu tại chiến trường Afghanistan, đến giữa năm 2019, sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ đến Việt Nam để kinh doanh. Solomon Onal nói với bà D1 là đang có một khoản tiền lớn nhưng tại Afghanistan đang xảy ra chiến tranh, không thể gửi qua Ngân hàng nên xin địa chỉ của bà D1 để gửi tiền về Việt Nam nhờ bà D1 giữ giúp. Mọi chi phí bà D1 thanh toán, sau đó trừ vào khoản tiền mà Solomon Onal gửi cho bà D1 thì bà D1 đồng ý. Vài ngày sau, bà D1 nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là nhân viên Hải quan sân bay thông báo là bà D1 có hàng từ nước ngoài chuyển về và yêu cầu bà D1 đóng tiền thuế, tiền phạt và tiền chuyển đổi ngoại tệ mới được nhận hàng. Tưởng là thật nên từ ngày 19/6/2018 đến ngày 29/10/2018, bà D1 đã nộp vào tài khoản của nhiều đối tượng 16 lần với số tiền 1.088.000.000 đồng, trong đó: Ngày 06/8/2018 bà D1 chuyển số tiền 60.000.000 đồng vào tài khoản số 040070309841 Ngân hàng Sacombank của Hồ Thị Anh T2. Ngay sau đó, đối tượng rút tiền và chiếm đoạt tại trụ ATM Bà Quẹo, thành phố Hồ Chí Minh. Khi biết mình bị lừa đảo số tiền trên, bà D1 đã viết đơn tố cáo.

5. Bà Nguyễn Thị Mỹ H3 (sinh năm 1985; nơi cư trú: Thành phố Hồ Chí Minh): Tháng 3/2018, thông qua mạng xã hội Facebook, bà H3 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Sam Bady (viết tắt là Sam Baby), tự giới thiệu là đang làm việc cho tổ chức Liên Hiệp Quốc, công tác tại nước Ả Rập Xê-Út. Trong thời gian kết bạn, Sam Bady nói với bà H3 muốn qua Việt Nam định cư, sinh sống, đồng thời đề nghị bà H3 giúp đóng phí bảo hiểm, vé máy bay, khi đến Việt Nam thì Sam Baby sẽ hoàn trả tiền lại cho bà H3. Tưởng là thật nên ngày 25/6/2018 bà H3 đã chuyển vào tài khoản số 040070309841 Ngân hàng Sacombank của Hồ Thị Anh T2 số tiền 91.300.000 đồng, ngay sau đó Hồ Thị Anh T2 chuyển tiếp đến tài khoản Ngân hàng Sacombank của Lưu Thị Kim N1 (do Ngô Thị Đoan Tr quản lý) số tiền 91.000.000 đồng để N1 chuyển sang Campuchia giao cho SereyVith Daris (số điện thoại 0965.296.438). Ngô Thị Đoan Tr thông qua trang mạng xã hội Viber, đã thông báo cho Đoàn Thanh T3 ở Campuchia biết, liên lạc cho SereyVith Daris (theo số điện thoại 0965.296.438) đến nhận tiền và trả phí chuyển tiền cho Đoàn Thanh T3 là 220.750 đồng.

6. Bà Đỗ Kiều L5 (sinh năm 1978; nơi cư trú: Thành phố Hà Nội): Tháng 6/2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà L5 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Jemes Paul (viết tắt là Jemes Paul), tự giới thiệu có vợ tên T2, là bạn học của bà L5 thời cấp 3. Một tháng sau, có một người phụ nữ điện thoại cho bà L5, giới thiệu mình tên T2, là vợ của Jemes Paul đang ở nước ngoài và trò chuyện với bà L5. Qua thời gian dài trò chuyện, T2 nói muốn bảo lĩnh bà L5 sang để cùng sinh sống, nhưng bà L5 phải kết hôn giả với James Paul thì bà L5 đồng ý. Theo đề nghị của T2, ngày 16/7/2018 bà L5 chuyển số tiền 56.110.000 đồng vào tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB của Hồ Thị Anh T2 với mục đích để xin cho Jemes Paul được nghỉ phép hai tháng về Việt Nam làm thủ tục cưới và bảo lĩnh bà L5 sang nước ngoài. Ngày hôm sau, bà L5 nhận được thư từ email: Vacationdept@un-offices.org có những hình ảnh (đã xóa) của tổ chức Liên Hiệp Quốc, đồng thời đề nghị bà L5 tiếp tục nộp số tiền 186.728.000 đồng vào tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB của Hồ Thị Anh T2. Ngay sau đó, T2 đã rút tiền mặt và nộp vào tài khoản Ngân hàng Sacombank của Lưu Thị Kim N1 số tiền 238.000.000 đồng để N1 chuyển sang Campuchia cho SereyVith Daris (có số điện thoại 0965.296.438), còn T2 rút và hưởng lợi số tiền 4.838.000 đồng.

Khoảng 03 ngày sau, Jemes Paul nhắn tin cho bà L5 thông báo chuyến bay bị hoãn do thời tiết xấu và đề nghị bà L5 tiếp tục nộp tiền vào tài khoản trên. Lúc này bà L5 biết mình bị lừa đảo tài sản nên đã làm đơn tố cáo.

Như vậy, tổng số tiền bà L5 đã nộp vào tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB của Hồ Thị Anh T2 là 242.838.000 đồng và đã bị đối tượng rút chiếm đoạt 238.000.000 đồng, T2 rút chiếm đoạt 4.838.000 đồng. Đoàn Minh T3 thu phí chuyển tiền, hưởng lợi 590.500 đồng (0.25%/238.000.000 đồng).

7. Bà Đoàn Thị Phương D2 (sinh năm 1970; nơi cư trú: tỉnh Đồng Nai): Tháng 3/2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà D2 kết bạn với một tài khoản, tự xưng là lính Mỹ (bà D2 không nhớ tên tài khoản). Sau thời gian kết bạn, đối tượng này nói với bà D2 là muốn gửi nhờ bà D2 giữ giúp 01 thùng tiền USD, 15 ngày sau sẽ nhận lại và sẽ cho bà D2 một khoản tiền thì bà D2 đồng ý. Hôm sau, có một người phụ nữ điện thoại cho bà D2 thông báo là bà D2 có thùng hàng hóa từ nước ngoài gửi về Việt Nam, yêu cầu bà D2 đóng thuế để nhận hàng. Tưởng là thật, ngày 18/7/2018 bà D2 nộp vào tài khoản số 040070309841 Ngân hàng Sacombank của Hồ Thị Anh T2 số tiền 190.063.000 đồng, ngay sau đó, T2 chuyển tiếp đến tài khoản Ngân hàng Sacombank của Lưu Thị Kim N1 (do Ngô Thị Đoan Tr quản lý) để N1 chuyển sang Campuchia cho SereyVith Daris (số điện thoại 0965.296.438), còn T2 rút để hưởng lợi 3.000.000 đồng. Ngô Thị Đoan Tr thông qua trang mạng xã hội Viber, đã thông báo cho Đoàn Thanh T3 ở Campuchia biết, để liên lạc cho Serey Vith Daris (theo số điện thoại 0965.296.438) đến nhận tiền và trả phí chuyển tiền là 475.157 đồng (0.25%/190.063.000 đồng).

Ngoài ra, vào các ngày 16/7/2018 và 20/7/2018 bà D2 còn nộp vào tài khoản số 105868068957 Ngân hàng Vietinbank chủ tài khoản là Nguyễn Thị H số tiền 35.011.600 đồng; nộp vào tài khoản tài khoản số 108868612526 Ngân hàng Vietinbank của chủ tài khoản Nguyễn Thị H2 tiền 140.000.000 đồng; nộp vào tài khoản số 070089148101 Ngân hàng Sacombank của Cao Thị Thủy L4 số tiền 45.000.000 đồng. Ngay sau đó, đối tượng rút tiền để chiếm đoạt tại Campuchia.

Như vậy, tổng cộng bà Đoàn Thị Phương D2 đã nộp vào tài khoản ngân hàng của Hồ Thị Anh T2, Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị H2 và Cao Thị Thủy L4 số tiền 410.074.600 đồng, ngay sau đó bị đối tượng rút để chiếm đoạt 407.074.600 đồng; Hồ Thị Anh T2 rút để chiếm đoạt 3.000.000 đồng. Đoàn Minh T3 thu phí chuyển tiền, hưởng lợi là 475.157 đồng.

8. Bà Nguyễn Thị H3 (sinh năm 1960; nơi cư trú: Thành phố Hà Nội): Tháng 7/2018 thông qua mạng xã hội Facebook bà H3 kết bạn với một tài khoản Facebook tên nước ngoài (bà H3 không nhớ và đã xóa hết dữ liệu), qua nhiều lần trò chuyện, đối tượng này nói muốn gửi một số tiền về Việt Nam cho bà H3 làm từ thiện. Ngày 26/7/2018, có một đối tượng điện thoại cho bà H3, tự xưng là nhân viên Hải quan thông báo là bà H3 có một thùng hàng, bên trong có rất nhiều tiền USD và yêu cầu bà H3 nộp số phí 20.000.000 đồng để được nhận hàng. Tưởng là thật, cùng ngày bà H3 nộp số tiền 20.000.000 đồng vào tài khoản số 06201010924799 Ngân hàng Maritime Bank của Hồ Thị Anh T2. Ngay sau đó, đối tượng rút để chiếm đoạt tại trụ ATM ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, đối tượng này tiếp tục yêu cầu bà H3 nộp tiền nhưng nghĩ mình bị lừa đảo tài sản nên bà H3 không thực hiện.

9. Bà Hồ Thị NĐ (sinh năm 1974; nơi cư trú: tỉnh Kiên Giang): Tháng 7/2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà NĐ kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Peters MarSall (viết tắt là Peters MarSall), tự giới thiệu là đang làm việc trong quân đội Afghanistan. Trong thời gian kết bạn, Peters MarSall nói với bà NĐ là mình sắp giải ngũ, muốn qua Việt Nam sống với bà NĐ và nhờ bà NĐ giữ giúp số tiền 2,5 triệu USD. Sau đó, Peters MarSall giới thiệu để bà NĐ kết bạn với một đối tượng người nước ngoài có tên Evans (là nhà ngoại giao hiện đang giữ số tiền của Peters MarSall).

Theo yêu cầu của Evans, bà NĐ phải đóng khoản tiền phí để được nhận tiền do Peters MarSall gửi. Tưởng là thật, nên từ ngày 30/7/2018 đến ngày 02/8/2018 bà NĐ chuyển tiền vào tài khoản số 170210948020681 của Nguyễn Thị H2 số tiền 35.000.000 đồng; chuyển vào tài khoản số 00600000012065 Ngân hàng GPbank của Nguyễn Thị H số tiền 110.000.000 đồng; chuyển vào tài khoản số 060201010924799 Ngân hàng Maritime Bank của Hồ Thị Anh T2 số tiền 628.593.975 đồng. Ngay sau đó, đối tượng rút để chiếm đoạt tại trụ ATM số tiền 374.820.000 đồng (gồm từ tài khoản của H và H2:145.000.000 đồng; từ tài khoản của T2: 229.820.000 đồng); T2 rút tiền mặt và nộp vào tài khoản Ngân hàng Sacombank của Lưu Thị Kim N1 (do Ngô Thị Đoan Tr quản lý) số tiền 392.000.000 đồng để N1 chuyển sang Campuchia giao cho SereyVith Daris (có số điện thoại 0965.296.438), còn T2 rút hưởng lợi 6.000.000 đồng.

Như vậy, tổng cộng bà Hồ Thị NĐ đã nộp vào tài khoản Ngân hàng của Nguyễn Thị H2, Nguyễn Thị H và Hồ Thị Anh T2 với tổng số tiền là 773.593.975 đồng và đã bị các đối tượng rút chiếm đoạt 767.593.975 đồng, Hồ Thị Anh T2 rút chiếm đoạt 6.000.000 đồng. Đoàn Minh T3 thu phí chuyển tiền, hưởng lợi 980.000 đồng.

10. Bà Đinh Thị Tuyết H4 (sinh năm 1976; nơi cư trú: Thành phố Hồ Chí Minh): Tháng 8/2018 thông qua mạng xã hội Wespeak và Skype, bà H4 kết bạn với đối tượng có tài khoản tên Ferd (viết tắt là Ferd), tự xưng là Bác sĩ làm việc cho tổ chức Liên Hiệp Quốc, hiện đang công tác tại vùng chiến tranh Syria. Trong thời gian kết bạn, Ferd nói muốn sang Việt Nam gặp bà H4 và nhờ bà H4 viết thư gửi đến Văn phòng Liên hợp quốc qua địa chỉ email: Vacationdept@un- offices.org để xin cho Ferd nghỉ phép 01 tháng; đóng tiền phí bảo hiểm và mua vé máy bay cho đối tượng Ferd về Việt Nam, sẽ trả lại chi phí cho bà H4. Tưởng là thật, theo yêu cầu của Ferd, bà H4 đã chuyển vào tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2 số tiền 46.458.000 đồng, ngay sau đó đối tượng rút tiền để chiếm đoạt tại Trụ ATM ở Campuchia.

Ngoài ra, vào ngày 17/8/2018 theo yêu cầu của đối tượng Ferd, bà H4 qua Campuchia và đến Ngân hàng Cambodia ASIA Bank LTD chuyển vào số tài khoản 322112-10-212-0329 chủ tài khoản Sok Voeun số tiền 2.150 USD và bị chiếm đoạt (tài khoản này chưa xác minh được).

11. Bà Phạm Thúy H2 (sinh năm 1978; nơi cư trú: Số 16 ngõ Hải Tượng, ph Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội): Tháng 4/2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà H2 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Steven Oven Dietrich (viết tắt là Steven Oven), tự xưng là Bác sĩ hiện đang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại chiến trường Afghanistan. Trong thời gian kết bạn, Steven Oven Dietrich nhờ bà H2 viết đơn gửi đến Liên Hợp Quốc qua địa chỉ email: Vacationdept@un-ofiiIces.org xin cho Steven Oven Dietrich được nghỉ phép về Việt Nam. Đồng thời đề nghị bà H2 đóng các khoản phí bảo hiểm, tiền vé máy bay, khi đến Việt Nam sẽ hoàn trả cho bà H2. Tưởng là thật nên bà H2 thực hiện theo các nội dung hướng dẫn trong email do Steven Oven Dietrich gửi đến. Ngày 08/10/2018 bà H2 nộp số tiền 184.664.700 đồng vào tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2, ngay sau đó đối tượng rút tiền để chiếm đoạt tại trụ ATM ở Campuchia.

Ngoài ra, ngày 27/8/2018 bà H2 còn nộp số tiền 56.185.000 đồng vào tài khoản số 14910000072002 Ngân hàng BIDV của Đặng Hữu Quân và cũng bị đối tượng rút và chiếm đoạt.

Như vậy, tổng số tiền bà H2 nộp vào tài khoản của Hồ Thị Anh T2 và Đặng Hữu Quân là 240.849.700 đồng và bị đối tượng rút để chiếm đoạt.

12. Bà Sầm Thị Y3 (sinh năm 1971; nơi cư trú: số 7, Ngõ 12, đường Bà Triệu, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn): Tháng 7/2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà Y3 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Raymond Toddy (viết tắt là Raymond Toddy), tự giới thiệu là sỹ quan quân đội Hoa Kỳ đang chiến đấu tại chiến trường Afghanistan, hiện đang tạm giữ số tiền bất hợp pháp nhưng không muốn gửi cho chính phủ Hoa Kỳ nên nhờ bà Y3 giữ giúp để khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ đến Việt Nam nhận lại và cam kết sẽ trả cho bà Y3 phí là 20% thì bà Y3 đồng ý. Đầu tháng 9/2018, Raymond Toddy nhắn tin cho bà Y3 biết là đã gửi 800.000 USD (kèm theo hình ảnh) về địa chỉ nhà của bà Y3 nên bà Y3 chờ để nhận tiền.

Ngày 17/9/2018, bà Y3 nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 01692.247.107, tự xưng là nhân viên Công ty chuyển fax nhanh, thông báo có kiện hàng từ nước ngoài gửi về cho bà Y3. Hiện tại, kiện hàng đang ở biên giới Campuchia, yêu cầu bà Y3 phải nộp số tiền phí là 130.000.000 đồng vào tài khoản số 105868837037 tên Trương Hồng Mỹ (địa chỉ: Ấp Trung Hưng 3, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) để được nhận kiện hàng. Sau đó, đối tượng có số điện thoại 01692.247.107 tiếp tục gọi cho bà Y3 thông báo trong kiện hàng phát hiện có số lượng lớn tiền USD nên bà Y3 phải nộp phạt số tiền 24.000 USD tương đương số tiền 570.000.000 đồng. Tưởng là thật nên bà Y3 đã nộp số tiền 570.000.000 đồng vào tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB của Hồ Thị Anh T2. Đến ngày 19/9/2018 đối tượng dùng số thuê bao 01692.247.107 tiếp tục gọi điện yêu cầu bà Y3 nộp số tiền 85.000 USD thì mới được nhận hàng thì bà Y3 trả lời là không còn khả năng, chỉ có số tiền 500.000.000 đồng. Sau đó bà Y3 tiếp tục chuyển số tiền 500.000.000 đồng vào tài khoản số 040070309841 của Hồ Thị Anh T2. Tiếp tục, đối tượng yêu cầu bà Y3 chuyển tiền, lúc này bà Y3 biết mình bị lừa đảo nên không tiếp tục chuyển tiền nữa. Tổng số tiền bà Y3 bị chiếm đoạt là 1.200.000.000 đồng.

Trong vụ việc này, Hồ Thị Anh T2 trực tiếp đến các Ngân hàng do mình đứng tên mở thẻ ATM, dùng CMND rút và chuyển số tiền 1.170.000.000 đồng đến tài khoản của Lưu Thị Kim N1 (do Ngô Thị Đoan Tr quản lý) để N1 chuyển sang Campuchia giao cho SereyVith Daris (số điện thoại 0965.296.438), còn T2 rút hưởng lợi 30.000.000 đồng. Ngô Thị Đoan Tr thông qua trang mạng xã hội Viber, đã thông báo cho Đoàn Thanh T3 ở Campuchia biết, liên lạc cho SereyVith Daris (theo số điện thoại 0965.296.438 của Hồ Thị Anh T2 gửi) đến nhận tiền và trả phí chuyển tiền là 2.925.000 đồng (0.25%/1.170.000.000 đồng).

13. Bà Nông Thị X1 (sinh năm 1979; nơi cư trú: tỉnh Lạng Sơn): Ngày 02/10/2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà X1 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Edouard Warren Hoffman (viết tắt là Edouard Warren Hoffman), tự giới thiệu là người Úc hiện là Bác sỹ chuyên khoa, đang hoạt động nhân đạo tại chiến trường Syria. Trong thời gian kết bạn, Edouard Warren Hoffman nói với bà X1 là muốn đến Việt Nam nên nhờ bà X1 giúp làm thủ tục bảo lĩnh, đóng bảo hiểm, mua vé máy bay, khi đến Việt Nam thì sẽ trả lại tiền cho bà X1. Tưởng là thật, theo yêu cầu của Edouard Warren Hoffman, bà X1 nhiều lần trao đổi qua email: Vacationdepartment@un-offLces.org với đối tượng tự xưng là nhân viên Liên Hợp Quốc. Ngày 11/10/2018 bà X1 chuyển vào tài khoản số 10386883078 của Hồ Thị Anh T2 số tiền 59.140.500 đồng, ngay sau đó bị đối tượng rút để chiếm đoạt tại trụ ATM ở Campuchia. Chiều cùng ngày, bà X1 nhận được thư từ email: Vacationdepartment@un-offices.org yêu cầu bà X1 tiếp tục nộp tiền vào tài khoản số 10386883078 của Hồ Thị Anh T2 để thanh toán vé máy bay cho Edouard Warren Hoffman. Lúc này, bà X1 nghi ngờ đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên nên không tiếp tục nộp tiền theo yêu cầu của các đối tượng này.

14. Bà Trần Thị C4 (sinh năm 1980; nơi cư trú: Thành phố Hồ Chí Minh): Tháng 3/2019 thông qua mạng xã hội WeSpeke Chat, bà C4 kết bạn với đối tượng có tài khoản WeSpeke Chat tên William Logan (viết tắt là William Logan), tự xưng là Kỹ sư, đang làm việc tại Syria cho tổ chức Liên Hiệp Quốc. Trong thời gian kết bạn, William Logan than phiền về tình hình chiến sự tại Syria và không muốn bỏ mạng tại đây nên nhờ bà C4 giúp làm thủ tục bảo lĩnh để đến Việt Nam sẽ trả lại chi phí cho bà C4. Sau đó, William Logan gửi số tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB của Hồ Thị Anh T2 cho bà C4. Tưởng là thật nên vào ngày 16/10/2018 và ngày 22/10/2018 bà C4 đã nộp tiền vào tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB của Hồ Thị Anh T2 số tiền 242.874.000 đồng. Ngay sau đó, T2 rút tiền mặt, nộp vào tài khoản Maritime Bank của mình số tiền 51.000.000 đồng để đối tượng rút tại Campuchia; nộp vào tài khoản của Đỗ Viết Đ2 số tiền 183.000.000 đồng, để Đ2 chuyển sang Campuchia giao cho SereyVith Daris (số điện thoại 0965.296.438), còn T2 rút và hưởng lợi số tiền 8.874.000 đồng. Đỗ Viết Đ2 thông qua mạng xã hội Viber đã thông báo cho bà Mười, chủ tiệm vàng 60 tại Campuchia (số điện thoại: +855975333858 và +855883999960) để bà Mười liên lạc cho SereyVith Daris (số điện thoại 0965.296.438) đến nhận tiền và trả phí chuyển tiền là 366.000 đồng (0.2%/183.000.000 đồng). Còn Đ2 được hưởng lợi số tiền là 91.500 đồng (0,05%/183.000.000 đồng).

Như vậy, tổng số tiền bà C4 chuyển vào tài khoản của Hồ Thị Anh T2 là 242.874.000 đồng và bị đối tượng chiếm đoạt 234.000.000 đồng, Hồ Thị Anh T2 chiếm đoạt 8.874.000 đồng; Đỗ Viết Đ2 hưởng lợi 91.500 đồng; đối tượng Mười Cam hưởng lợi 366.000 đồng.

15. Bà Hà Yến V1 (sinh năm 1982; nơi cư trú: Thành phố Hồ Chí Minh): Tháng 9/2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà V1 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Davis Wilson (viết tắt là Davis Wilson), tự xưng là Bác sĩ hiện đang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại chiến trường Yemen. Trong thời gian kết bạn, Davis Wilson nói với bà V1 là muốn đến Việt Nam nghỉ phép và nhờ bà V1 giúp đóng các khoản phí bảo hiểm, tiền vé máy bay, sau khi đến Việt Nam sẽ hoàn trả. Tưởng là thật nên vào ngày 20/10/2018 và 02/11/2018, bà V1 nộp số tiền 80.610.000 đồng vào tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB và nộp số tiền 104.154.000 đồng vào tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2. Ngay sau đó, bị đối tượng rút tiền mặt chiếm đoạt là 181.264.000 đồng tại Campuchia; T2 rút tiền mặt nộp vào tài khoản Maritime Bank của mình số tiền 77.000.000 đồng để đồng bọn rút tại Campuchia, còn T2 rút và hưởng lợi số tiền 3.500.000 đồng.

Như vậy, tổng số tiền bà V1 đã nộp vào các tài khoản của Hồ Thị Anh T2 là 184.764.000 đồng, đối tượng đã rút để chiếm đoạt là 181.264.000 đồng, Hồ Thị Anh T2 rút chiếm đoạt 3.500.000 đồng.

16. Bà Phạm Thị Mỹ X2 (sinh năm 12/04/1984; nơi cư trú: Thành phố Hồ Chí Minh): Đầu năm 2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà X2 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Nelo Walter (viết tắt là Nelo Walter), tự giới thiệu là người Đức và là Kỹ sư hàng hải. Trong thời gian kết bạn, Nelo Walter nói với bà X2 ràng do đi làm trên biển nên không thể gửi tiền về nước giúp gia đình và đề nghị bà X2 giúp nhận và chuyển tiền về nước cho gia đình của Nelo Walter thì bà X2 đồng ý. Nelo Walter nói sẽ gửi tiền qua Công ty Star Link Globale Logistik có địa chỉ email là: Starlinkglobalelogistik@gmail.com và cung cấp tài khoản Ngân hàng để bà X2 đóng tiền phí để được nhận tiền. Tưởng là thật nên bà X2 nhiều lần nộp tiền vào nhiều tài khoản khác nhau do Nelo Walter cung cấp với tổng số tiền là: 218.270.000 đồng, trong đó: Ngày 22/10/2018, bà X2 nộp số tiền 25.000.000 đồng vào tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2; ngày 29/11/2018 bà X2 nộp số tiền 13.000.000 đồng vào tài khoản số 06201010924799 Ngân hàng Maritime Bank của Hồ Thị Anh T2, ngay sau đó đối tượng đã rút tiền để chiếm đoạt tại Campuchia.

17. Bà Trần Thị D3 (sinh năm 1975; nơi cư trú: thành phố Hà Nội): Tháng 5/2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà D3 kết bạn với một đối tượng nhưng bà D3 không nhớ tên tài khoản (do bà D3 đã xóa ứng dụng, không dùng Facebook). Theo yêu cầu của đối tượng này, thì bà D3 phải chuyển tiền để nhận hàng hóa, USD do đối tượng này chuyển từ nước ngoài về Việt Nam cho bà D3. Tưởng là thật nên vào ngày 23/10/2018 bà D3 đã nộp số tiền 140.000.000 đồng vào tài khoản số 108868858030 của Đào Hữu Vinh. Ngày 24/10/2018 bà D3 nộp số tiền 490.000.000 đồng vào tài khoản số 040070309841 Ngân hàng Sacombank của Hồ Thị Anh T2. Ngay sau đó, T2 rút tiền mặt và nộp vào tài khoản của Đỗ Viết Đ2 số tiền 486.000.000 đồng để Đ2 chuyển sang Campuchia giao cho SereyVith Daris (số điện thoại 0965.296.438), còn T2 rút và hưởng lợi số tiền 4.000.000 đồng. Đỗ Viết Đ2 thông qua mạng xã hội Viber đã thông báo cho bà Mười Cam, chủ tiệm vàng 60 tại Campuchia (số điện thoại: +855975333858 và +855883999960) để bà Mười liên lạc cho SereyVith Daris (số điện thoại 0965.296.438) đến nhận tiền và trả phí chuyển tiền là 972.000 đồng (0.2%/486.000.000 đồng). Còn Đ2 được hưởng lợi số tiền 243.000 đồng (0,05%/486.000.000 đồng).

Như vậy, tổng số tiền bà D3 đã nộp và tài khoản của Đào Hữu Vinh và Hồ Thị Anh T2 là 630.000.000 đồng và đã bị đối tượng rút chiếm đoạt là 626.000.000 đồng, Hồ Thị Anh T2 rút chiếm đoạt 4.000.000 đồng; Đỗ Viết Đ2 hưởng lợi 243.000 đồng; đối tượng Mười Cam hưởng lợi 972.000 đồng.

18. Bà Trần Thị H4 (sinh năm 1990; nơi cư trú: Thành phố Hà Nội): Tháng 10/2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà H4 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Davis Logan (viết tắt là Davis Logan), tự giới thiệu là nhân viên của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Yemen. Trong thời gian kết bạn, Davis Logan nói với bà H4 là muốn về Việt Nam để sinh sống và làm việc đồng thời nhờ bà H4 giúp gửi đơn đề nghị đến Liên Hợp Quốc xin cấp giấy phép bảo lãnh cho Davis Logan và đóng các khoản phí bảo hiểm, tiền vé máy bay qua tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2 để hoàn thiện thủ tục, khi đến Việt Nam sẽ hoàn trả lại tiền cho bà H4. Tưởng là thật nên từ ngày 25/10/2018 đến 28/12/2018 bà H4 đã chuyển vào tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2 số tiền 630.762.360 đồng, ngay sau đó đối tượng rút tiền để chiếm đoạt tại trụ ATM ở Campuchia.

19. Bà Nguyễn Thị Diệu L4 (sinh năm 1988; nơi cư trú: tỉnh Quảng Bình): Tháng 9/2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà L4 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Lt.John HoKe (viết tắt là Lt.John HoKe), tự giới thiệu là lính Mỹ hiện đang ở vùng chiến tranh. Trong thời gian kết bạn, Lt.John HoKe nhờ bà L4 viết đơn gửi đến Liên Hiệp Quốc xin cho Lt.John HoKe được nghỉ phép 01 tháng, giúp mua vé máy bay, khi về Việt Nam sẽ trả lại tiền cho bà L4. Lt.John HoKe gửi cho bà L4 số tài khoản số 040070309841 Ngân hàng Sacombank của Hồ Thị Anh T2. Tưởng là thật nên vào ngày 26/10/2018, bà L4 nộp số tiền 130.400.000 đồng vào tài khoản số 040070309841 Ngân hàng Sacombank của Hồ Thị Anh T2; ngày 09/11/2018, bà L4 nộp số tiền 81.406.500 đồng vào tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2. Ngay sau đó đối tượng rút tiền để chiếm đoạt tại trụ ATM Chi nhánh Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh và trụ ATM ở Campuchia.

Ngoài ra, vào ngày 15/10/2018 bà L4 còn chuyển vào tài khoản số 104869007915 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Minh Tâm 02 lần, với số tiền 116.864.000 đồng (lần 1: 69.864.000 đồng; lần 2: 47.000.000 đồng) và đối tượng đã rút tiền để chiếm đoạt.

Như vậy, tổng số tiền bà L4 nộp vào tài khoản Ngân hàng của Hồ Thị Anh T2 và Hồ Minh Tâm là: 328.670.500 đồng (trong đó chuyển vào tài khoản của T2 s tiền 211.806.500 đồng; chuyn vào tài khoản của Tâm s tiền 116.864.000 đồng) ngay sau đó bị đối tượng rút để chiếm đoạt.

20. Bà Lê Thị H2 (sinh năm 1976; nơi cư trú: tỉnh Quảng Ninh): Tháng 9/2018, thông qua mạng xã hội Facebook, bà H2 kết bạn với một đối tượng nhưng bà không nhớ tên tài khoản (do đã xóa). Qua trò chuyện, bà H2 trao đổi việc muốn mua mỹ phẩm từ nước ngoài về Việt Nam để bán. Sau đó, theo yêu cầu của đối tượng này, bà H2 phải chuyển tiền mua hàng vào tài khoản của Hồ Thị Anh T2 tại Việt Nam để thanh toán và nhận hàng. Tưởng là thật nên ngày 19/10/2018 và ngày 29/10/2018 bà H2 đã nộp số tiền 55.135.000 đồng vào tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB; nộp số tiền 80.000.000 đồng vào số tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2. Ngay sau đó, đối tượng rút tiền mặt chiếm đoạt tại Campuchia 80.000.000 đồng; T2 đã rút tiền mặt rồi nộp vào tài khoản Ngân hàng Maritime Bank của T2 số tiền 51.635.000 đồng để đối tượng rút tiền mặt tại trụ ATM ở Campuchia, còn T2 rút hưởng lợi số tiền 3.500.000 đồng.

Như vậy, tổng số tiền bà H2 nộp vào tài khoản Ngân hàng của Hồ Thị Anh T2 là 135.135.000 đồng và bị đối tượng rút chiếm đoạt 131.635.000 đồng; Hồ Thị Anh T2 rút chiếm đoạt 3.500.000 đồng.

21. Bà Trần Thị X3 (sinh năm 1963; nơi cư trú: tỉnh Bình Định): Tháng 8/2018 thông qua mạng xã hội Facebook, bà X3 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên William Lucas (viết tắt là William Lucas), tự giới thiệu là người Úc, là Bác sĩ Nha khoa của tổ chức Liên Hiệp Quốc đang đóng quân tại đất nước Somalia, nơi đang xảy ra chiến tranh. Trong thời gian kết bạn, William Lucas nói với bà X3 là muốn về Việt Nam thăm bà X3 nếu bà X3 đóng giúp các khoản phí bảo hiểm, tiền vé máy bay khứ hồi vào tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2, sau khi đến Việt Nam sẽ thanh toán lại cho bà X3. Tưởng là thật nên từ ngày 29/10/2018 đến ngày 04/12/2018 bà X3 đã 03 lần nộp vào tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2 số tiền 625.997.900 đồng. Ngay sau đó, đối tượng rút tiền để chiếm đoạt tại trụ ATM ở Campuchia.

22. Bà Trần Khánh L4 (sinh năm 1984; nơi cư trú: Thành phố Hồ Chí Minh): Tháng 9/2018 thông qua mạng xã hội Facebook và Skype, bà L4 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Doc Mike Nickolous (viết tắt là Doc Mike Nickolous), tự xưng là Bác sĩ đang chiến đấu tại chiến trường Afganistan. Trong thời gian kết bạn, Doc Mike Nickolous bảo với bà L4 là muốn đến Việt Nam định cư và cưới vợ, sinh sống nên nhờ bà L4 đóng phí bảo hiểm, vé máy bay, khi đến Việt Nam Doc Mike Nickolous sẽ hoàn trả cho bà L4. Sau đó, Doc Mike Nickolous gửi cho bà L4 số khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2. Tưởng là thật, ngày 05/11/2018 bà L4 nộp số tiền 236.523.000 đồng vào tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của T2, ngay sau đó đối tượng rút tiền để chiếm đoạt tại trụ ATM ở Campuchia.

23. Bà Lê Thị Kim T4 (sinh năm 1978; nơi cư trú: Thành phố Hồ Chí Minh): Tháng 8/2018 thông qua mạng xã hội Facebook bà T4 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Oliver Adam (viết tắt là Oliver Adam), tự giới thiệu là người Đức, là Bác sĩ làm việc cho tổ chức Liên Hiệp Quốc, đang công tác tại nước Yemen. Trong thời gian kết bạn, Oliver Adam nói với bà T4 là tại khu vực đối tượng đang làm việc đang xảy ra chiến tranh và đang gặp nguy hiểm nên nhờ bà T4 giúp đóng tiền phí bảo hiểm và mua vé máy bay, khi đến Việt Nam, sẽ hoàn trả tiền lại cho bà T4. Tưởng là thật, ngày 30/11/2018 bà T4 nộp vào tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2 số tiền 30.000.000 đồng, ngay sau đó đối tượng rút tiền và chiếm đoạt tại trụ ATM ở Campuchia.

24. Bà Nguyễn Minh H5 (sinh năm 1999; nơi cư trú: thành phố Hà Nội): Tháng 9/2018 thông qua mạng xã hội Chat Hanggout, bà H5 kết bạn với đối tượng có tài khoản Chat Hanggout tên Dr. Nicolas William (viết tắt là Dr. Nicolas William), tự xưng là Bác sĩ hiện đang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại chiến trường Yemen. Vì chiến tranh ác liệt, không biết bỏ mạng tại đây lúc nào nên nhờ bà H5 viết đơn gửi đến Liên Hợp Quốc qua địa chỉ email: Vacationdept@un-offices.org để xin cho Dr. Nicolas William được nghỉ phép về Việt Nam, đồng thời giúp đóng các khoản phí bảo hiểm, tiền mua vé máy bay thì bà H5 nói là mình không có tiền để đóng theo yêu cầu, chỉ có 25.000.000 đồng. Nghe bà H5 nói vậy thì Dr. Nicolas William soạn cho bà H5 một bức thư xin giảm số tiền đóng phí và đề nghị bà H5 chuyển nội dung bức thư đến email: Vacationdept@un-offices.org của Liên Hiệp Quốc. Sau đó, bà H5 nhận được thư phản hồi đồng ý, theo đề nghị trong nội dung thư phản hồi, ngày 07/12/2018 bà H5 nộp số tiền 25.000.000 đồng vào tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2, ngay sau đó đối tượng rút tiền và chiếm đoạt tại trụ ATM ở Campuchia. Sau này, bà H5 đọc được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì biết mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đã xóa hết mọi dữ liệu liên quan đến Dr. Nicolas William.

25. Bà Nguyễn Thị Ánh L4 (sinh năm 1979; nơi cư trú: tỉnh Đồng Nai): Ngày 26/6/2018 thông qua mạng xã hội Zalo, bà L4 kết bạn với đối tượng có tài khoản Zalo tên Chen Martins (viết tắt là Chen Martins), tự giới thiệu là Bác sĩ của Liên Hiệp Quốc đang ở vùng chiến tranh. Trong thời gian kết bạn, Chen Martins nhờ bà L4 bảo lĩnh để được sang Việt Nam sinh sống, đồng thời đóng tiền vào tài khoản Ngân hàng của Hồ Thị Anh T2 là nhân viên của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Việt Nam để đảm bảo hoàn thiện các thủ tục bảo lãnh cho Chen Martins đến Việt Nam, sẽ hoàn trả lại tiền cho bà L4. Tưởng là thật nên từ ngày 02/7/2018 đến ngày 18/7/2018 bà L4 đã nộp số tiền 55.500.000 đồng vào tài khoản số 06201010924799 Ngân hàng Maritime Bank; nộp số tiền 182.815.500 đồng vào tài khoản số 040070309841 Ngân hàng Sacombank và nộp số tiền 568.220.000 đồng vào tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB của Hồ Thị Anh T2. Ngay sau đó, đối tượng rút tiền để chiếm đoạt tại Campuchia là 55.500.000 đồng; T2 rút tiền mặt và nộp vào tài khoản của Lưu Thị Kim N1 số tiền 741.000.000 đồng (do Ngô Thị Đoan Tr là người quản lý), để N1 chuyển sang Campuchia giao cho SereyVith Daris (có s điện thoại 0965.296.438), còn T2 rút hưởng lợi 9.520.000 đồng.

Như vậy, tổng cộng từ ngày 02/7/2018 đến ngày 18/7/2018 bà L4 đã có 04 lần nộp tiền vào các tài khoản Ngân hàng của Hồ Thị Anh T2 với số tiền 806.535.500 đồng, ngay sau đó T2 rút tiền mặt và nộp vào tài khoản của Lưu Thị Kim N1 số tiền 741.000.000 đồng, còn T2 rút chiếm đoạt 9.520.000 đồng. Đoàn Minh T3 thu phí chuyển tiền hưởng lợi 1.852.500 đồng.

26. Bà Nguyễn Thị Kiều T5 (sinh năm 1972; nơi cư trú: tỉnh Tiền Giang): Tháng 7/2018, thông qua mạng xã hội Facebook, bà T5 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên Byrent Cooker (viết tắt là Byrent Cooker), tự giới thiệu là người Mỹ, hiện đang làm việc trên tàu chở dầu. Trong thời gian kết bạn, Byrent Cooker nói với bà T5 là đang cần tiền để đóng học phí và chữa bệnh cho con gái sống ở Mỹ, muốn bà T5 cho vay tiền không tính lãi và hứa khi bán dầu xong, tàu cập ở Cảng Đà Nẵng thì Byrent Cooker sẽ hoàn trả cho bà T5. Tưởng là thật nên bà T5 đã 02 lần chuyển số tiền 313.750.000 đồng vào tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB của Hồ Thị Anh T2. Ngay sau đó, T2 rút tiền mặt chuyển vào tài khoản Ngân hàng Sacombank của Lưu Thị Kim N1 (do Ngô Thị Đoan Tr quản lý) số tiền 290.750.000 đồng, để N1 chuyển sang Campuchia giao cho SereyVith Daris (số điện thoại 0965.296.438), còn T2 rút hưởng lợi 23.000.000 đồng.

27. Bà Trịnh Thị Minh L6 (sinh năm 1974; nơi cư trú: Thành phố Hà Nội): Tháng 10/2018, thông qua mạng xã hội Facebook, bà L6 kết bạn với đối tượng có tài khoản facebook tên Nathaniel Thomas Keller (viết tắt là Nathaniel Thomas Keller), tự xưng là Bác sỹ, Tiến sỹ người Đức đang làm việc cho Liên Hiệp Quốc, được cử sang làm việc tại Somalia. Trong thời gian kết bạn, Nathaniel Thomas Keller nói với bà L6 rằng ở Somalia hiện đang xảy ra chiến tranh và không muốn bỏ mạng tại đó mà muốn nghỉ phép sang Việt Nam nên nhờ bà L6 giúp đóng các khoản phí bảo hiểm, y tế, tiền mua vé máy bay vào tài khoản Ngân hàng của Hồ Thị Anh T2 (là Nhân viên đại diện Văn phòng nghỉ mát của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam), sau khi đến Việt Nam sẽ hoàn trả. Sau đó, bà L6 nhận được email do tài khoản: Vacationdept@un-offices.org gửi đến thông báo bà L6 nộp tiền vào một trong các tài khoản đứng tên Hồ Thị Anh T2 tại các Ngân hàng gồm: tài khoản số 040070309841 Ngân hàng Sacombank; tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank; tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB (đều mở tại Chi nhánh tỉnh Quảng Nam). Tưởng là thật nên các ngày 25/10/2018 và 09/11/2018 bà L6 đã nộp số tiền 184.300.000 đồng vào tài khoản số 103868830078 Ngân hàng Vietinbank của Hồ Thị Anh T2. Sau khi gửi tiền vào tài khoản trên, bà L6 liên lạc với Nathaniel Thomas Keller thì tài khoản bị xóa. Lúc này, bà L6 biết mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đã làm đơn tố giác đến Công an thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Cơ quan CSĐT Công an thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tiến hành sao kê tài khoản Ngân hàng và xác định số tiền 184.300.000 của bà L6 đã bị đối tượng dùng máy poss để rút tiền qua Ngân hàng Vietinbank tại Campuchia.

28. Bà Trần Thị Minh H6 (sinh năm 1984; nơi cư trú: Thành phố Hồ Chí Minh): Tháng 11/2018 thông qua mạng xã hội WhatsApp, LINE, bà H6 kết bạn với đối tượng sử dụng tài khoản WhatsApp tên Greg Herinrich (viết tắt là Greg Herinrich). Trong thời gian kết bạn, Greg Herinrich hứa giúp bà H6 mở một tài khoản Offshore tại Ngân hàng Troopsbank Canada trong tài khoản sẽ có 100.000 USD. Khoảng một tuần sau, thông qua ứng dụng WhatsApp, một đối tượng tự xưng tên là Peter là nhân viên Ngân hàng Troopsbank Canada thông báo là bà H6 đã được một người bạn mở cho một tài khoản Offshore tại Ngân hàng Troopsbank Canada trong tài khoản có 100.000 USD. Muốn sử dụng số tiền trong tài khoản thì bà H6 phải đóng thuế số tiền 25.000 USD. Tưởng giả là thật, ngày 25/12/2018 bà H6 đã nộp vào tài khoản số 405487 Ngân hàng ACB của Hồ Thị Anh T2 số tiền 594.544.000 đồng. Thời điểm này, Hồ Thị Anh T2 đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam triệu tập làm việc nên T2 đã giúp Cơ quan CSĐT trao đối với đối tượng và tạm giữ số tiền này.

29. Ông Nguyễn Lộc H7 (sinh năm 1972; nơi cư trú: tỉnh Quảng Ngãi): Tháng 4/2019, thông qua mạng xã hội Zalo ông H7 kết bạn với đối tượng có tài khoản Zalo tên nước ngoài (không nhớ cụ thể), đối tượng giới thiệu là đang kinh doanh hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, đồng thời gửi hình ảnh thùng hàng qua zalo cho ông H7 xem (bên trong thùng hàng có trang sức, áo quần, nước hoa, mỹ phẩm). Sau thời gian quen biết, đối tượng nói với ông H7 rằng đang mua hàng ở nước ngoài để chuyển về Việt Nam nhưng thiếu tiền và đề nghị ông H7 cho mượn tiền để trả. Sau khi bán hàng sẽ trả lại cho ông H7 số tiền đã mượn và cho thêm ông H7 một khoản tiền. Tưởng là thật nên vào các ngày 06/7/2019, 08/7/2019 và 11/7/2019 ông H7 đã chuyển số tiền 40.400.000 đồng vào tài khoản số 111976888 Ngân hàng ACB của Phạm Thị Mỹ L4. Sau khi chuyển tiền, ông H7 liên lạc với đối tượng qua Zalo nhưng không liên lạc được. Vài ngày sau, đối tượng nhắn tin vào tài khoản Zalo của ông H7 rằng hàng đã về đến cửa khẩu nhưng cần tiền để đóng phí nhận hàng nên cần mượn thêm ông H7 số tiền 20.000.000 đồng. Lúc này, ông H7 biết đối tượng đã lừa đảo tiền nên ông H7 không thực hiện và xóa tài khoản Zalo.

30. Ông Ngô Quốc Tấn (sinh năm 1965; nơi cư trú: tỉnh Bình Dương): Tháng 6/2019, thông qua mạng xã hội Facebook, ông T6 kết bạn với đối tượng có tài khoản Facebook tên nước ngoài (không nhớ cụ thể), đối tượng bảo với ông T6 rằng sẽ về Việt Nam để đầu tư làm ăn và nhờ ông T6 nhận giúp thùng hàng của đối tượng gửi về trước thông qua công ty chuyển phát nhanh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, đối tượng liên tục nhắn tin cho ông T6 là thùng hàng đã về đến Việt Nam nhưng do phát sinh cước phí sân bay cần phải đóng để nhận thùng hàng, nếu không hàng sẽ bị trả lại mà đối tượng lại đang trên chuyến bay về Việt Nam không thể nhận hàng được. Đối tượng nhờ ông T6 giúp đối tượng thanh toán tiền cước phí và nhận thùng hàng, khi đến Việt Nam đối tượng sẽ trả lại tiền cho ông T6. Tưởng là thật, theo yêu cầu của đối tượng, ngày 01/7/2019 ông T6 đến Ngân hàng Nam Á Bank Chi nhánh Bình Dương nộp số tiền 40.000.000 đồng vào tài khoản số 802051655200001 của Phạm Thị Mỹ L4. Sau khi ông T6 nộp tiền, đối tượng tiếp tục đưa ra lý do là ông T6 nộp tiền thanh toán cước phí trễ nên phát sinh thêm phí và yêu cầu ông T6 giúp đối tượng nộp thêm tiền để thanh toán. Lúc này, ông T6 nghi ngờ mình bị lừa đảo chiếm đoạt tiền nên không thực hiện và xóa tài khoản Facebook.

Đối với 69 trường hợp khác đã nộp số tiền 18.538.007.402 đồng vào các tài khoản Ngân hàng của Hồ Thị Anh T2, Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị H2 và Phạm Thị Mỹ L4; Sau đó, bị các đối tượng rút tại các trụ ATM ở Việt Nam và Campuchia, Hồ Thị Anh T2 rút và nộp vào tài khoản Ngân hàng của Lưu Thị Kim N1 và Đỗ Viết Đ2 để thuê N1, Đ2 chuyển sang Campuchia giao cho đối tượng tên SereyVith Daris (số điện thoại 0965.296.438). Tiến hành xác minh tại các Ngân hàng, thì các trường hợp này không để lại thông tin liên lạc, không xác định được địa chỉ, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngày 20/5/2019 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã ra thông báo truy tìm người bị hại nhưng đến nay các người bị hại nêu trên không đến làm việc nên không có cơ sở đề nghị xử lý.

[2] Tại Bản án hình sự sơ thẩm s35/2022/HSST ngày 05-7-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã quyết định:

- Căn cứ vào điểm a khoản 4 Điều 174; các điểm a, b, g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Xử phạt: Bị cáo U 16 (Mười sáu) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Căn cứ vào khoản 3 Điều 189; điểm s khoản 1 Điều 51; các điểm a, b, g khoản 1 Điều 52; Điều 55 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Xử phạt: Bị cáo U 05 (Năm) năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Căn cứ khoản 1 Điều 55 của Bộ luật Hình sự năm 2015, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo U phải chấp hành hình phạt chung cho cả 02 tội là 21 (Hai mươi mốt) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị tạm giữ ngày 29/12/2018.

- Căn cứ vào điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 174; điểm s khoản 1 Điều 51; các điểm a, g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị H 07 (Bảy) năm tù về tội “La đo chiếm đot tài sn”.

Cấm bị cáo Nguyễn Thị H làm công việc liên quan đến mở các tài khoản thanh toán tại các Ngân hàng trong nước và quốc tế đối trong thời gian là 02 (Hai) năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Căn cứ vào điểm a, b khoản 3 Điều 341; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị H 03 (Ba) năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Căn cứ vào Điều 55 của Bộ luật Hình sự năm 2015, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Nguyễn Thị H phải chấp hành hình phạt chung cho cả 02 tội là 10 (Mười) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị tạm giữ ngày 02/7/2019.

Cấm bị cáo Nguyễn Thị H làm công việc liên quan đến mở các tài khoản thanh toán tại các Ngân hàng trong nước và quốc tế đối trong thời gian là 02 (Hai) năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

- Căn cứ vào khoản 3 Điều 189; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hỉnh sự năm 2015; Xử phạt:

Bị cáo Ngô Thị Đoan Tr 30 (Ba mươi) tháng tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị bắt đi thi hành án; được trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam trước đó (từ ngày 31/12/2018 đến ngày 29/6/2019).

Bị cáo Trần Phương T1 24 (Hai mươi bốn) tháng tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính t ngày bị bắt đi thi hành án; được trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam trước đó (từ ngày 31/12/2018 đến ngày 29/6/2019).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo khác trong vụ án, về phần xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

[3] Kháng cáo:

Ngày 07-7-2022 bị cáo Ngô Thị Đoan Tr và bị cáo Trần Phương T1 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Cùng trình bày lý do kháng cáo là người làm công ăn lương, không biết chủ sai mình chuyển tiền trong vụ án là bất hợp pháp.

Ngày 10-7-2022 bị cáo Nguyễn Thị H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; trình bày lý do kháng cáo là hình phạt quá cao.

Ngày 18-7-2022 bị cáo U kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, lý do kháng cáo là hình phạt quá nặng.

[4] Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bị cáo kháng cáo giữ nguyên kháng cáo.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến: Tại giai đoạn phúc thẩm, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Về nội dung kháng cáo: đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận các kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin chuyển sang hình phạt tiền; đối với bị cáo U tại phiên tòa phúc thẩm thành khẩn khai báo, nhưng do bị cáo có nhiều tình tiết tăng nặng, nên đề nghị bổ sung tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1 Điều 51 của BLHS, nhưng vẫn giữ nguyên quyết định về hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của những người tiến hành tố tụng.

[2] Xét kháng cáo của bị cáo U:

Ông Diệp Quang M khai báo và nhận dạng xác định bị cáo U là người đã nhận các tài khoản Ngân hàng thanh toán quốc tế do các bị cáo Hồ Thị Anh T2 và Nguyễn Thị H mở gửi sang Campuchia (các bị cáo T2, H cũng thừa nhận đã thuê ông M mang tài khoản Ngân hàng sang Campuchia như ông M khai); kết quả sao kê toàn bộ các tài khoản Ngân hàng trên thể hiện các bị hại đều chuyển tiền vào các tài khoản Ngân hàng của bị cáo T2, bị cáo H và tài khoản của Nguyễn Thị H2, Phạm Thị Mỹ L4 do bị cáo H sử dụng CMND giả để mở. Từ các tài khoản này, số tiền bị rút chiếm đoạt, hoặc qua bị cáo T2 để thuê Lưu Thị Kim N1 (thông qua các bị cáo Tr, T1) và bị cáo Đ2 để chuyển sang Campuchia. Từ Campuchia, thông qua đối tượng Lưu Thị Kim N1, Đoàn Minh T3, số tiền chiếm đoạt được chuyển về lại Việt Nam cho các bị cáo Tr, T1 để giao cho bị cáo U và đồng phạm. Kết quả nhận dạng, lời khai của các bị cáo Ngô Thị Đoan Tr, Trần Phương T1 cũng đã xác định chính bị cáo U là người đã thuê Tr và T1 nhận và chuyển tiền qua biên giới giữa Campuchia và Việt Nam, bị cáo Tr nhiều lần trực tiếp giao tiền cho bị cáo U và các đối tượng đồng phạm với bị cáo U khi bị cáo U không đến nhận trực tiếp được (bị cáo U thông báo cho bị cáo Tr biết đối tượng đến nhận tiền thay cho bị cáo U để Tr biết giao tiền); chuyển qua tài khoản thanh toán quốc tế của bị cáo U tại Ngân hàng ACB; bị cáo T1 cũng nhiều lần trực tiếp đem tiền đến chung cư của bị cáo U ở để giao tiền trực tiếp cho bị cáo U, các đối tượng đồng bọn của bị cáo U và nhiều lần chuyển tiền qua tài khoản Ngân hàng của bị cáo U (được thể hiện ở những sổ sách ghi chép, phiếu thu chuyển tiền của Lưu Thị Kim N1, Ngô Thị Đoan Tr, Trần Phương T1 cho bị cáo U). Lời khai của các bị cáo Tr, T1 phù hợp với kết quả trích xuất dữ liệu lưu giữ trên điện thoại của bị cáo U đã lưu giữ số điện thoại của bị cáo Tr qua mạng xã hội Zalo với tên đăng nhập là Đoan Tr Ngô Thị và dữ liệu thu giữ trên điện thoại của bị cáo Tr về những tin nhắn có nội dung trao đổi giữa bị cáo Tr và bị cáo U về việc nhận tiền tại đâu, ai là người nhận tiền và chuyển tiền qua tài khoản; các tài khoản Ngân hàng mà các bị cáo T2, H và bị cáo U mở để nhận và chuyển tiền là tài khoản thanh toán quốc tế. Do đó, việc bị cáo U đi nước ngoài theo xác nhận trong hộ chiếu trong một số ngày của tháng 8 và tháng 12/2018 không làm ảnh hưởng và gián đoạn việc bị cáo nhận, chuyển tiền chiếm đoạt của những người bị hại Việt Nam.

Như vậy đủ cơ sở xác định: Từ cuối tháng 6/2018 đến tháng 12/2018, bị cáo U cùng nhóm đối tượng người nước ngoài cấu kết với các bị cáo Hồ Thị Anh T2, Nguyễn Thị H đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt của 99 bị hại với tổng số tiền 27.377.941.437 đồng, trong đó chuyển vào 05 tài khoản của bị cáo Hồ Thị Anh T2 số tiền là 17.746.328.033 đồng; chuyển vào 23 tài khoản của Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị H2, Phạm Thị Mỹ L4 số tiền là 9.360.007.000 đồng (đã xác định được cụ thể 30 bị hại đã chuyển số tiền 8.839.934.035 đồng). Trong đó, số tiền chuyển trái phép qua biên giới là 10.645.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi vụ án bị phát hiện, bị cáo U bị tạm giữ, tạm giam vào ngày 29/12/2018 thì các đối tượng người nước ngoài tiếp tục cấu kết với bị cáo Nguyễn Thị H để thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tại sản, cụ thể đối với 02 bị hại Nguyễn Lộc Hoan số tiền 40.400.000 đồng vào tháng 4/2019 và Ngô Quốc Tấn số tiền 40.000.000 đồng vào tháng 6/2019 nên Bản án sơ thẩm không quy kết số tiền chiếm đoạt của 02 bị hại này đối với bị cáo U mà chỉ quy kết hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo U đối với 28 bị hại đã xác định được (trước khi bị cáo bị tạm giữ, tạm giam ngày 29/12/2018) với tổng số tiền chiếm đoạt là 8.439.522.435 đồng là có cơ sở.

Hành vi nêu trên của bị cáo U đã đủ yếu tố cấu thành các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung là “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 và tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” với tình tiết định khung “Vật phạm pháp có trị giá 500.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bản án sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết tăng nặng đối với Bị cáo U: “Phạm tội có tổ chức”, “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” và “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại các điểm a, b, g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đồng thời áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo như sau:

- Đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Đối với tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”: Quá trình điều tra bị cáo thừa nhận đã có hành vi chuyển tiền từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại là vi phạm pháp luật. Do đó, cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo”, “ăn năn hối cải” được quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sụ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ áp dụng đối với bị cáo đều đúng pháp luật, mức hình phạt 16 (Mười sáu) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 05 (Năm) năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” là hợp lý. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thành khẩn khai báo nên áp dụng thêm điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng do bị cáo phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, chưa có bồi thường cho bị hại, nên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên hình phạt của bản án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo U.

[3] Xem xét kháng cáo đối với bị cáo Nguyễn Thị H:

Bị cáo Nguyễn Thị H có hành vi sử dụng CMND của mình đồng thời đã thuê đối tượng khác làm giả 02 CMND mang tên Nguyễn Thị H2 và Phạm Thị Mỹ L4. Sau đó, H đã sử dụng 03 CMND này để mở 23 tài khoản Ngân hàng thanh toán quốc tế gồm: Vietinbank, Sacombank, Techcombank, Maritime Bank, VPbank, TPbank, ACB tại địa bàn thành phố Hà Nội (trong đó: dùng CMND mang tên Nguyễn Thị H mở 10 tài khoản; CMND mang tên Nguyễn Thị H2 mở 07 tài khoản và CMND mang tên Phạm Thị Mỹ L4 mở 06 tài khoản), rồi thông qua ông Diệp Quang M gửi sang Campuchia cho đối tượng U (đồng bọn của đối tượng Xromanham Catex) để đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm thu lợi bất chính số tiền 40.000.000 đồng.

Từ đầu năm 2018 đến tháng 6/2019, nhiều người bị hại chuyển vào 23 tài khoản do bị cáo Nguyễn Thị H mở tại các Ngân hàng trong nước bao gồm: 10 tài khoản đứng tên Nguyễn Thị H, 07 tài khoản đứng tên Nguyễn Thị H2 và 06 tài khoản của Phạm Thị Mỹ L4 (do H mở) với tổng số tiền là 9.360.007.000 đồng. Tuy nhiên, đến đầu năm 2019 H mới biết các đối tượng thuê H sử dụng CMND giả tên Phạm Thị Mỹ L4 để mở 06 tài khoản Ngân hàng nhằm giúp sức cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 04 bị hại xác định được liên quan đến hành vi giúp sức của bị cáo Nguyễn Thị H đó là: Bị hại Đoàn Thị Phương D2 chuyển 175.011.600 đồng/407.074.600 đồng; bị hại Hồ Thị NĐ chuyển 145.000.000 đồng/773.593.975 đồng; bị hại Nguyễn Lộc Hoan chuyển 40.400.000 đồng và bị hại Ngô Quốc Tấn 40.000.000 đồng. Tổng cộng số tiền liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo đối với 04 bị hại đã xác định được là 400.411.600 đồng.

Bản án sơ thẩm đã quyết định bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung “Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng” theo điểm a khoản 3 Điều 174 của Bộ luật Hình sự; và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” với tình tiết định khung là “Làm từ 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác” và “Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” theo các điểm a, b khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị cáo Nguyễn Thị H bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội có tổ chức” và “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại các điểm a, g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đồng thời được hưởng các tình tiết giảm nhẹ: “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà bản án sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo đều đúng pháp luật, mức hình phạt 07 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 03 (Ba) năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con du hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” là đã có phần nhẹ cho bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết mới nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị H.

[4] Xét kháng cáo của bị cáo Ngô Thị Đoan Tr và Trần Phương T1 Hành vi nêu trên của các bị cáo Ngô Thị Đoan Tr, Trần Phương T1 đã cấu thành tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” với tình tiết định khung là “Vật phạm pháp có trị giá 500.000.000 đồng trở lên” với vai trò giúp sức cho các đối tượng Lưu Thị Kim N1 và Đoàn Minh T3 từ Việt Nam sang Campuchia theo quy định tại khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các bị cáo Ngô Thị Đoan Tr, Trần Phương TI bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngô Thị Đoan Tr, Trần Phương T1 được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị cáo Ngô Thị Đoan Tr có cha ruột được Nhà nước tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất, có hoàn cảnh gia đình khó khăn được chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú xác nhận, đã nộp số tiền thu lợi bất chính 3.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền số 0000048 ngày 04/01/2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam. Bị cáo Trần Phương T1 đã nộp số tiền thu lợi bất chính 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền số 0000046 ngày 04/01/2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam; nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo. Đồng thời, bản án sơ thẩm đã nhận định Ngô Thị Đoan Tr, Trần Phương T1 có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm, phạm tội lần đầu với vai trò giúp sức, chỉ được hưởng tiền công nên được áp dụng khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự để xử phạt các mức hình phạt đối với các bị cáo.

Xét thấy bị cáo Ngô Thị Đoan Tr, sau xét xử sơ thẩm có cung cấp hồ sơ thể hiện đang bị bệnh Lao phổi nặng kháng thuốc, hiện nay sức khỏe có nhiều giảm sút, gia đình có công Cách mạng, do đó xem xét giảm cho bị cáo một phần hình phạt, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Bị cáo Trần Phương T1 bị bản án sơ thẩm xử phạt 24 tháng tù là đảm bảo cho việc răn đe phòng chống tội phạm, sau xét xử sơ thẩm không có tình tiết giảm nhẹ mới nên không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

[5] Các quyết định khác còn lại của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

[6] Về án phí phúc thẩm: các bị cáo U, Nguyễn Thị H, Trần Phương T1 do kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí hình sự phúc thấm mỗi bị cáo là 200.000 đồng. Bị cáo Ngô Thị Đoan Tr không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự:

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo U, Nguyễn Thị H, Trần Phương T1; chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Ngô Thị Đoan Tr, sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm số 35/2022/HSST ngày 05-7-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam về phần hình phạt đối với bị cáo Ngô Thị Đoan Tr.

2- Căn cứ vào điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1 Điều 51, các điểm a, b, g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015, Xử phạt: Bị cáo U 16 (Mười sáu) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Căn cứ vào khoản 3 Điều 189; điểm s khoản 1 Điều 51; các điểm a, b, g khoản 1 Điều 52; Điều 55 của Bộ luật Hình sự năm 2015, Xử phạt: Bị cáo U 05 (Năm) năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Căn cứ khoản 1 Điều 55 của Bộ luật Hình sự năm 2015, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo U phải chấp hành hình phạt chung cho cả 02 tội là 21 (Hai mươi mốt) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị tạm giữ, ngày 29-12-2018.

3- Căn cứ vào điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 174; điểm s khoản 1 Điều 51; các điểm a, g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sụ năm 2015; Xử phạt Bị cáo Nguyễn Thị H 07 (Bảy) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cấm bị cáo Nguyễn Thị H làm công việc liên quan đến mở các tài khoản thanh toán tại các Ngân hàng trong nước và quốc tế trong thời gian là 02 (Hai) năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Căn cứ vào điểm a, b khoản 3 Điều 341; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015, Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị H 03 (Ba) năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Căn cứ vào Điều 55 của Bộ luật Hình sự năm 2015, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Nguyễn Thị H phải chấp hành hình phạt chung cho cả 02 tội là 10 (Mười) năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị tạm giữ ngày 02-7-2019. Cấm bị cáo Nguyễn Thị H làm công việc liên quan đến mở các tài khoản thanh toán tại các Ngân hàng trong nước và quốc tế trong thời gian là 02 (Hai) năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

4- Căn cứ vào khoản 3 Điều 189; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015, Xử phạt:

Bị cáo Ngô Thị Đoan Tr 24 (Hai mươi bốn) tháng tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị bắt đi thi hành án; được trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam trước đó (từ ngày 31/12/2018 đến ngày 29/6/2019).

Bị cáo Trần Phương T1 24 (Hai mươi bốn) tháng tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị bắt đi thi hành án; được trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam trước đó (từ ngày 31/12/2018 đến ngày 29/6/2019).

5- Các quyết định khác còn lại của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hiệu kháng cáo, kháng nghị; được thi hành án theo Bản án sơ thẩm.

6- Các bị cáo U, Nguyễn Thị H, Trần Phương T1 phải chịu án phí hình sự phúc thẩm mỗi bị cáo là 200.000 đồng. Bị cáo Ngô Thị Đoan Tr không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lục kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1512
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, làm giả con dấu, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 408/2022/HS-PT

Số hiệu:408/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về