TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 205/2022/HS-PT NGÀY 31/08/2022 VỀ TỘI TRỒNG CÂY CẦN SA
Ngày 31 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 199/2022/TLPT-HS ngày 04/8/2022, đối với các bị cáo Hoàng Thị Minh T và Trần Hoàng V, về tội “Trồng cây cần sa”. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2022/HS-ST ngày 23/6/2022 của Toà án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
Các bị cáo có kháng cáo:
1. Hoàng Thị Minh T, sinh năm: 1970 tại tỉnh Đắk Lắk; nơi cư trú: Buôn E, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 09/12; giới tính: Nữ; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Đình K và bà Nguyễn Thị Q (đều đã chết); bị cáo có chồng là Trần Ngọc D và có 02 con, con lớn sinh năm 1993, con nhỏ sinh năm 1996; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp nhăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
2. Trần Hoàng V, sinh năm: 1993 tại tỉnh Đắk Lắk; nơi cư trú: Buôn E, xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 12/12; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo, Không, quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Ngọc D và bà Hoàng Thị Minh T; bị cáo chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp nhăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng tháng 6/2021, khi Hoàng Thị Minh T đang làm rẫy tại buôn C, xã N, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, thì có một người đàn ông tên H (không rõ nhân thân, lại lịch) đến gặp T và nói muốn tìm đất rẫy kín đáo để trồng cây cần sa lấy thân và lá về băm nhỏ cho gà ăn, thì T đồng ý cho H trồng cây cần sa trên đất rẫy của nhà T và để T lấy một phần cây cần sa về băm nhỏ cho gà ăn. Khoảng một tuần sau, H trở lại rồi đưa cho T một túi hạt giống cần sa và hướng dẫn cho T cách gieo trồng rồi đi về. Sau đó, T trực tiếp đào đất và gieo hạt cần sa xuống khu đất trống trong rẫy. T trồng thành hai khoảnh, khoảnh thứ nhất trồng 152 cây cần sa, khoảnh thứ hai trồng 106 cây cần sa. Đến khoảng cuối tháng 10/2021, T gọi điện cho con trai là Trần Hoàng V, đang làm việc tại thành phố H và nói V về nhà phụ giúp thu hoạch cà phê đang chín. Khi V về nhà, T có nói lại cho V về việc trồng cây cần sa và nhờ V chăm sóc số cây cần sa trên, thì V đồng ý. Cứ 04 đến 05 ngày V lại tưới nước và bón phân cho cây cần sa một lần. Vào giữa tháng 11/2021, T mua 378 chậu nhựa màu đen đổ đất vào chậu và tiếp tục lấy hạt giống cần sa mà H đưa trước đó vẫn còn, gieo vào trong chậu nhựa màu đen. Khoảng đầu tháng 12/2021, H đến xem cây và cùng T thu hoạch cây cần sa. Do khu vực trồng 152 cây cần sa tốt hơn nên T và H thu hoạch trước, T và H dùng kéo cắt phần thân cây sát với mặt đất để lấy phần thân, cành, lá. Sau khi thu hoạch hết 152 cây cần sa trên, H lấy một phần (không có bao nhiêu cây), số cây còn lại T đem về nhà và chặt nhỏ ra cho gà ăn. Còn lại 106 cây cần sa trồng ngoài đất và 378 cây cần sa trồng trong chậu nhựa đang còn nhỏ nên T và V tiếp tục chăm sóc. Khoảng cuối tháng 12/2021, H đến đưa cho V số tiền 2.000.000 đồng trả tiền công V chăm sóc cây cân sa và đi về. Đến khoảng 09 giờ 15 phút, ngày 07/01/2022, Công an huyện K kiểm tra, phát hiện, lập biên bản và thu giữ, gồm: 106 cây cần sa đang phát triển cao từ 45cm đến 134cm tính cả rễ; 378 cây cần sa đang phát triển trong đó cây thấp nhất là 10cm, cao nhất là 15cm tính cả rễ; 152 phần rễ và thân cây cần sa; 378 chậu nhựa chứa đất màu đen có cùng kích thước 19cm, cao 15cm.
Tại bản kết luận giám định số 216/GĐMT/PC09 ngày 25/02/2022 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đ, kết luận: 106 cây thực vật được niêm phong gửi giám định có chứa chất ma túy, loại cần sa; 378 cây thực vật mới gieo trồng được niêm phong gửi giám định có chứa chất ma túy, loại cần sa; 152 phần rễ và thân cây thực vật được niêm phong gửi giám định có chứa chất ma túy, loại cần sa.
Trong vụ án này có đối tượng tên H, là người đưa hạt giống cây cần sa cho bị cáo T gieo trồng, Cơ quan điều tra Công an huyện K tiến hành điều tra nhưng chưa xác định được nhân thân, lai lịch nên chưa làm việc được. Do đó, Cơ quan điều tra tiếp xác minh, làm rõ và xử lý sau.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2022/HS-ST ngày 23/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 247; điểm i, điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.
Tuyên bố: Bị cáo Hoàng Thị Minh T và bị cáo Trần Hoàng V phạm tội “Trồng cây cần sa” Xử phạt: Bị cáo Hoàng Thị Minh T 07 (bảy) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Xử phạt: Bị cáo Trần Hoàng V 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 29/6/2022, các bị cáo Hoàng Thị Minh T và Trần Hoàng V có đơn kháng cáo, với nội dung: Xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo và đều khai nhận toàn bộ hành vi mà các bị cáo thực hiện đúng như nội dung vụ án đã được tóm tắt nêu trên.
Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo và khẳng định bản án sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Hoàng Thị Minh T và Trần Hoàng V, về tội “Trồng cây cần sa” theo điểm c khoản 1 Điều 247 của Bộ luật hình sự, là có căn cứ và đúng người, đúng tội. Về mức hình phạt mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với các bị cáo hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, nên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là không có cơ sở chấp nhận. Tuy nhiên bản án sơ thẩm buộc cách ly các bị cáo với xã hội là có phần nghiêm khắc, bởi vì các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ là: Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; quá trình điều tra và tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; các bị cáo đều có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, nên không cần thiết phải cách ly các bị cáo với xã hội mà cho các bị cáo được hưởng án treo, cũng đảm bảo việc cải tạo, giáo dục các bị cáo. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử:
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật hình sự; chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Hoàng Thị Minh T và Trần Hoàng V; sửa bản án sơ thẩm về biện pháp chấp hành hình phạt.
Áp dụng: điểm c khoản 1 Điều 247; điểm i, điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật hình sự.
- Xử phạt: Bị cáo Hoàng Thị Minh T 07 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 năm 02 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
- Xử phạt: Bị cáo Trần Hoàng V 06 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Các bị cáo không tranh luận, bào chữa gì và chỉ xin Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét cho các bị cáo được hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Lời khai của các bị cáo Hoàng Thị Minh T và Trần Hoàng V tại phiên toà phúc thẩm là phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở kết luận: Từ tháng 6/2021 đến ngày 07/01/2022 các bị cáo Hoàng Thị Minh T, Trần Hoàng V đã có hành vi trồng và chăm sóc 636 cây cần sa trong rẫy của các bị cáo tại buôn C, xã N, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, mục đích để lấy phần thân cây cho gà ăn. Do đó, bản án sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Hoàng Thị Minh T và Trần Hoàng V về tội “Trồng cây cần sa” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 247 của Bộ luật hình sự, là có căn cứ và đảm bảo đúng người, đúng tội.
[2] Đối với kháng cáo của các bị cáo Hoàng Thị Minh T và Trần Hoàng V, Hội đồng xét xử xét thấy: Về mức hình phạt mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo Hoàng Thị Minh T là 07 tháng tù và đối với bị cáo Trần Hoàng V 06 tháng tù, là thỏa đáng và tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, nên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo là không có căn cứ chấp nhận. Tuy nhiên, các bị cáo phạm tội nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ là: Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo và tỏ rõ sự ăn năn hối cải. Đây là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự, do đó cần xem xét khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo và việc bản án sơ thẩm buộc cách ly các bị cáo với xã hội là có phần nghiêm khắc. Xét thấy, các bị cáo đều phạm tội lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt và có nơi cư trú rõ ràng, hiện tại hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, nên không cần thiết phải cách ly các bị cáo với xã hội, mà cho các bị cáo được hưởng án treo để các bị cáo tự cải tạo tại chỗ dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương và gia đình là phù hợp, như vậy cũng đảm bảo được việc cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành những công dân tốt. Do đó, cần chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Hoàng Thị Minh T và Trần Hoàng V, sửa bản án sơ thẩm về biện pháp chấp hành hình phạt, là phù hợp.
[3] Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên các bị cáo Hoàng Thị Minh T và Trần Hoàng V không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Hoàng Thị Minh T và Trần Hoàng V; Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2022/HS-ST ngày 23/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk về biện pháp chấp hành hình phạt.
Tuyên bố các bị cáo Hoàng Thị Minh T và Trần Hoàng V phạm tội “Trồng cây cần sa”.
[2] Về hình phạt: Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 247; điểm i, điểm s khoản 1 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 65 của Bộ luật hình sự.
[2.1] Xử phạt: Bị cáo Hoàng Thị Minh T 07 (bảy) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một) năm 02 (hai) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
[2.2] Xử phạt: Bị cáo Trần Hoàng V 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao các bị cáo Hoàng Thị Minh T và Trần Hoàng V cho Ủy ban nhân dân xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, để giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự hai lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo theo khoản 5 Điều 65 của Bộ luật hình sự.
[3] Về án phí: Áp dụng Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
Các bị cáo Hoàng Thị Minh T và Trần Hoàng V không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội trồng cây cần sa số 205/2022/HS-PT
Số hiệu: | 205/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 31/08/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về