Bản án về tội trồng cây cần sa số 13/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN S, TỈNH PHÚ YÊN

BẢN ÁN 13/2022/HS-ST NGÀY 26/07/2022 VỀ TỘI TRỒNG CÂY CẦN SA

Ngày 26 tháng 7 năm 2022 tại Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Trol, huyện S, tỉnh Phú Yên. TAND huyện S, tỉnh Phú Yên tiến hành lưu động xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 08/2022/HS-ST ngày 15-6-2022 đối với các bị cáo:

1. Đào Ngọc L, sinh năm 1981; tại Thanh Hóa; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn Đồng Mưa, xã X, huyện N, tỉnh Thanh Hóa; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa (học vấn): Lớp 01/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Đào Ngọc Q, sinh năm 1950 và bà Bùi Thị L, sinh năm 1950; vợ Bùi Thị L, sinh năm 1992; có 02 con, lớn sinh năm 2012, nhỏ sinh năm 2013. Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 29-03-2022. Bị cáo bị dẫn giải đến phiên tòa. Có mặt.

2. Nguyễn Văn D, sinh năm 1986; tại Thanh Hóa; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn Đồng Mưa, xã X, huyện N, tỉnh Thanh Hóa; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa (học vấn): Không biết chữ; Dân tộc: Mường; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1960 và bà Trịnh Thị Nh, sinh năm 1962; vợ chưa có. Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 29-03-2022. Bị cáo bị dẫn giải đến phiên tòa. Có mặt.

3. Đặng Văn Th, sinh năm 1992; tại Lạng Sơn; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn Tân Bình, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa (học vấn): Lớp 5/12; Dân tộc: Dao; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Đặng Qúy V, sinh năm 1971 và bà Lý Thị L, sinh năm 1971; vợ: H Thị L, sinh năm 1994 (đã ly hôn năm 2020), có 01 con sinh năm 2012. Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 29-03-2022. Bị cáo bị dẫn giải đến phiên tòa. Có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ông Niê Y N (tên gọi khác: Ma Q), sinh năm 1965; trú quán: Buôn Bầu, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng cuối năm 2021, L và D từ tỉnh Thanh Hóa đến huyện S, tỉnh Phú Yên mục đích để tìm “Trầm Kỳ” ở đỉnh núi Hòn Cồ, xã Ea Trol nhưng không có, L nảy sinh ý định và rủ D trồng cây Cần Sa để bán lấy tiền.

Đầu tháng 02 năm 2022, L, D gặp và thỏa T thuê đất rẫy của Ma Q tại khoảnh 6, tiểu khu 303, núi Hồn Cồ, xã Ea Trol, huyện S nói dối với Ma Q mục đích thuê đất để trồng cây “Sâm Khoai” nhằm che giấu việc trồng cây Cần Sa, tiền thuê đất sẽ trả sau khi thu hoạch từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Sau khi thuê đất, L và D thống nhất hùn vốn 25.000.000 đồng (hai mươi lăm triệu đồng) (L 12.000.000 đồng; D 13.000.000 đồng). L giữ tiền và chủ động thông qua mạng xã hội (Facebook) đặt mua 02 lạng hạt giống cây Cần Sa với giá 7.000.000 đồng và các dụng cụ khác để phục vụ việc trồng, chăm sóc cây Cần Sa như: Máy bơm nước, bình phun thuốc, cuốc, lương thực, thực phẩm…L trực tiếp ươm giống vào chậu nhựa, D tưới nước chăm sóc và đưa ra trồng đại trà tại đất thuê và tiếp tục chăm sóc, lứa đầu trồng được khoảng một tháng thì L, D gặp và rủ thêm T cùng góp vốn trồng cây Cần Sa (T góp 5.000.000 đồng).

L, D và T cùng tiến hành ươm, trồng, mở rộng thêm diện tích trồng, thống nhất sau khi thu hoạch, trừ chi phí, lợi nhuận sẽ chia đều.

Đến khoảng 06 giờ ngày 29-3-2022, trong lúc L, D và Th đang chăm sóc cây Cần Sa thì bị Công an huyện S bắt quả tang thu giữ 1.864 cây nghi là cây Cần Sa; 01 túi xách màu đen chứa 05 bì ni lông đựng hạt thực vật màu nâu xám nghi là hạt Cần Sa và một số dụng cụ, phương tiện khác như: 02 cuốc, 01 xẻng, 01 súng tự chế bắn đạn thể thao, 03 viên đạn, 04 điện thoại di động.

Tại bản kết luận giám định số 135/KL-KTHS ngày 05-4-2022 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Yên kết luận:

- 605 cây thực vật nhỏ tươi trong bì nilong màu đỏ (ký hiệu A1) có khối lượng: 1.826 gam là Cần Sa; 140 cây thực vật tươi trong bì nilong màu xanh (ký hiệu A2) có khối lượng: 13.907 gam là Cần Sa; 140 cây thực vật tươi trong bì nilong màu xanh (ký hiệu A3) có khối lượng: 13.907 gam là Cần Sa; 140 cây thực vật tươi trong bì nilong màu xanh (ký hiệu A4) có khối lượng: 15.000 gam là Cần Sa; 140 cây thực vật tươi trong bì nilong màu xanh (ký hiệu A5) có khối lượng: 17.198 gam là Cần Sa; 140 cây thực vật tươi trong bì nilong màu xanh (ký hiệu A6) có khối lượng: 15.521 gam là Cần Sa; 140 cây thực vật tươi trong bì nilong màu xanh (ký hiệu A7) có khối lượng: 17.835 gam là Cần Sa; 140 cây thực vật tươi trong bì nilong màu xanh (ký hiệu A8) có khối lượng:

15.159 gam là Cần Sa; 140 cây thực vật tươi trong bì nilong màu xanh (ký hiệu A9) có khối lượng: 13.162 gam là Cần Sa; 139 cây thực vật tươi trong bì nilong màu xanh (ký hiệu A10) có khối lượng: 17.685 gam là Cần Sa.

- Hạt thực vật trong 04 bì nilong màu xanh (ký hiệu A11) gồm: A11.1=1,48 gam; A11.2=1,499 gam; A11.3=1,497 gam; A11.4=1,492 gam. Tổng khối lượng 5,969 gam là Cần Sa;

- Hạt thực vật trong 01 bì nilong trong suốt (ký hiệu A12) có khối lượng: 219,15 gam là Cần Sa.

Tại bản kết luận giám định số 129/KL-KTHS ngày 13-5-2022 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Yên kết luận:

- Khẩu súng (ký hiệu A1) không phải là vũ khí quân dụng, là vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí thể thao (súng tự chế bắn đạn thể thao).

- 03 (ba) viên đạn (ký hiệu A2) thuộc cỡ đạn (5,6 x 15,3) mm là loại đạn thể thao, dùng cho súng (ký hiệu A1);

- 03 (ba) viên đạn (ký hiệu A2) là vũ khí thể thao;

- 05 (năm) vỏ đạn (ký hiệu A2) là loại đạn thể thao thuộc cỡ đạn (5,6 x 15,3) mm, dùng cho súng (ký hiệu A1).

Tại bản cáo trạng số 08/CT-VKS-SH ngày 13-6-2022 của VKSND huyện S, tỉnh Phú Yên đã truy tố các bị cáo Đào Ngọc L, Nguyễn Văn D và Đặng Văn Th về tội “Trồng cây Cần Sa” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 247 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Tại phiên tòa: Các bị cáo Đào Ngọc L, Nguyễn Văn D và Đặng Văn Th đều thừa nhận hành vi phạm tội đúng như cáo trạng đã truy tố, xin Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo.

*Ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ông Niê Y N (Ma Q) trình bày: Y Nói có khoảng hai sào đất nằm ở đỉnh núi Hòn Cồ phát rẫy khoảng 10 năm, vừa thu hoạch đậu đỏ xong thì có hai người lạ đến nhà hỏi thuê đất trồng dược liệu (trồng Sâm Khoai), rẫy chỉ trồng bắp, đậu đỏ, chuối, mít, rẫy nằm hẻo lánh, ít người qua lại, diện tích nhỏ, không có giấy tờ hợp pháp, thời gian thuê khoảng từ 03 đến 04 tháng, thu hoạch xong mới đưa tiền với số tiền 30 triệu đồng, nên đồng ý cho thuê đất, không biết họ trồng cây gì, không có yêu cầu gì. Nhờ tòa xét.

Kiểm sát viên đại diện VKSND huyện S thực hành quyền công tố tại phiên tòa, đã đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, giữ nguyên quyết định truy tố. Đề nghị HĐXX: Tuyên bố các bị cáo Đào Ngọc L, Nguyễn Văn D và Đặng Văn Th đều phạm tội “Trồng cây Cần Sa”. Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 247; điểm i, s khoản 1 Điều 51 BLHS. Xử phạt bị cáo Đào Ngọc L từ 01 năm 06 tháng đến 02 năm tù, tính từ ngày 29-3-2022; Nguyễn Văn D từ 01 năm 03 tháng đến 01 năm 06 tháng tù, tính từ ngày 29-3-2022 và Đặng Văn Th từ 01 năm tù đến 01 năm 03 tháng tù, tính từ ngày 29-3-2022. Vì hoàn cảnh khó khăn nên đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung đối với tất cả các bị cáo.

+ Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 47, Điều 48 BLHS, Điều 106 BLTTHS:

Đề nghị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước, vì là công cụ, phương tiện phạm tội gồm: 01 (một) máy bơm nước động cơ xăng hiệu PMSUPER; 01 (một) bình phun thuốc hiệu Kwang sung-KS-2010; 01 (một) xe mô tô hiệu PELICAN, biển kiểm soát 61L1- T9 (kèm theo giấy đăng ký xe mô tô); 01 (một) điện thoại di động hiệu NOKIA màu đen; 01 (một) điện thoại di động hiệu 0PP0 màu đỏ; 01 (một) điện thoại di động hiệu IPHONNE 6Splus màu trắng bạc; 01 (một) điện thoại di động hiệu Sam Sung Galaxy A11 màu đen.

Đề nghị tiêu hủy vì là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành gồm: 1.864 (một nghìn tám trăm sáu mươi bốn) cây Cần Sa và hạt Cần Sa còn lại sau giám định đã được đóng gói, niêm phong (ký hiệu A1, A2, A3, A4, A5, A6, A7, A8, A9, A10, A11, A12); 02 (hai) cái cuốc; 01 (một) cái xẻng; 01 (một) khẩu súng tự chế bắn đạn thể thao; 03 (ba) viên đạn và 05 (năm) vỏ đạn.

+ Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:

[1] Tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng:

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện S, Điều tra viên, VKSND huyện S, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, tuân thủ đầy đủ theo quy định của thủ tục tố tụng về thu thập tài liệu, chứng cứ của BLTTHS. Trong quá trình điều tra, truy tố, các bị cáo, người liên quan không ai có ý kiến hoặc khiếu nại đối với hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về tội danh:

Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra và phù hợp với lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ thu thập được có trong hồ sơ vụ án. HĐXX có đủ cơ sở kết luận:

Khoảng cuối năm 2021, L và D từ Thanh Hóa đến huyện S, mục đích để tìm “Trầm Kỳ” nhưng không có, nên rủ nhau trồng cây cần sa để bán lấy tiền.

Đầu tháng 02 năm 2022, L, D gặp và thỏa T thuê đất rẫy của Y Nói (Ma Q) tại núi Hồn Cồ, xã Ea Trol nói dối với Ma Q mục đích thuê đất để trồng cây “Sâm Khoai” nhằm che giấu việc trồng cây Cần Sa, sau khi thu hoạch sẽ trả 30.000.000 đồng. L, D và Th thống nhất hùn vốn 30.000.000 đồng ( (L 12.000.000 đồng; D 13.000.000 đồng và Th 5.000.000 đồng). L mua 02 lạng hạt giống cây Cần Sa với giá 7.000.000 đồng và các dụng cụ khác để phục vụ việc trồng, chăm sóc cây Cần Sa. L trực tiếp ươm giống, D, Th cùng chăm sóc cây Cần Sa, thống nhất sau khi thu hoạch, trừ chi phí, lợi nhuận sẽ chia đều.

Khoảng 06 giờ ngày 29-3-2022, trong lúc L, D và Th đang chăm sóc cây Cần Sa thì bị Công an huyện S bắt quả tang thu giữ 1.864 cây nghi là cây Cần Sa; 01 túi xách màu đen chứa 05 bì ni lông đựng hạt thực vật màu nâu xám nghi là hạt Cần Sa và một số dụng cụ, phương tiện khác như: 02 cuốc, 01 xẻng, 01 máy bơm nước, 01 bình phun thuốc, 01 súng tự chế bắn đạn thể thao, 03 viên đạn, 04 điện thoại di động.

Các bị cáo L, D và Th nhận thức được việc Trồng cây Cần Sa là thuộc loại cây có chất ma túy là độc tố gây nghiện, nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi Trồng trái phép cây có chứa chất ma túy (trong đó có việc trồng cây Cần Sa), nhưng các bị cáo bất chấp pháp luật. Ngày 29-3-2022, sau khi trồng cây Cần Sa khoảng hơn 02 tháng, các bị cáo đã bị Công an huyện S bắt cùng với nhiều tang vật của vụ án.

Với định lượng 1.864 (một nghìn tám trăm sáu mươi bốn) cây Cần Sa đã trồng, hành vi các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Trồng cây Cần Sa” như Cáo trạng của VKSND huyện S đã truy tố các bị cáo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 247 BLHS là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tại điểm c khoản 1 Điều 247 BLHS quy định: Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

(điểm c: Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây).

[3] Tính chất mức độ hành vi phạm tội: Các bị cáo phạm tội có tính chất đồng phạm giản đơn, không tổ chức quy mô, cả hai bị cáo (L và D) đều ở huyện N, tỉnh Thanh Hóa đến huyện S tìm “Trầm Kỳ” không có, chuyển sang trồng cây Cần Sa và rủ bị cáo Th là người cư trú tại huyện S kết nối nhau để dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội và tiêu thụ thì bị bắt quả tang.

Việc trồng cây Cần Sa của các bị cáo, nếu không kịp thời phát hiện, xử lý thì hậu quả khó lường, bao nhiêu hệ lụy từ chất độc tố gây nghiện trong đó có chất độc tố, chứa chất ma túy của cây Cần Sa sẽ làm phát sinh nhiều tội phạm khác.

Xét vai trò: Bị cáo L là người khởi xướng việc trồng, điều hành công việc làm hàng ngày của bị cáo D và Th, là người trực tiếp quản lý tiền góp để trồng cây Cần Sa (cụ thể: L 12 triệu, D 13 triệu và Th 5 triệu), từ mua hạt giống, cách chăm sóc…, nên phải chịu hình phạt cao hơn so với bị cáo D và bị cáo Th.

Bị cáo D, cũng là người cùng thống nhất với bị cáo L ngay từ đầu trong việc phạm tội, nhưng tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực, cần áp dụng hình phạt thấp hơn bị cáo L cùng tội danh.

Đối với bị cáo Th, tuy tham gia sau nhưng ngoài việc giúp sức cùng bị cáo L, D đã góp vốn, trồng, chăm sóc cây Cần Sa, thì bị cáo Th còn có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như vũ khí thể thao, thể hiện bị cáo chủ động chuẩn bị công cụ sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm nên cũng phải chịu hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội đã gây ra.

[4] Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Tình tiết tăng nặng: Không.

Tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên toà các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm i, điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.

Hành vi trồng cây Cần Sa là cây chứa độc tố gây nghiện của các bị cáo gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, nguy cơ làm phát sinh nhiều tội phạm khác, cần thiết phải xử lý nghiêm, chấp nhận mức án đề nghị của kiểm sát viên tại phiên tòa, cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian với hình phạt tương xứng để giáo dục riêng và phòng ngừa tội phạm nói chung.

Về hình phạt bổ sung: Các bị cáo còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Xét đề nghị của kiểm sát viên tại phiên tòa, các bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, lần đầu phạm tội, nên chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.

Đối với hành vi Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng như vũ khí thể thao của bị cáo Th chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngày 26-5-2022, Ủy ban nhân dân huyện S ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 15.000.000 đồng (mười lăm triệu đồng).

Đối với Niê Y N (Ma Q) cho các bị cáo thuê đất rẫy, khi cho thuê các bị cáo cho rằng mục đích để trồng “Sâm Khoai” chứ không biết là trồng cây “Cần Sa”. Do vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện S và VKSND huyện S không truy cứu trách nhiệm hình sự là có căn cứ.

Đối với diện tích 1.186m2 đất rẫy tại khoảnh 6, tiểu khu 303, khu vực Hòn Cồ, xã Ea Trol, huyện S là đất ông Niê Y N (Ma Q) sử dụng trái phép, đất này thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ S quản lý nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện S và VKSND huyện S đã kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.

Đối với giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô biển kiểm soát 61L1-T9 do anh Lưu Đình H, sinh năm 1977, trú: 33/27, khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương đứng tên nhưng đã bán cho L. Anh H là chủ cửa hàng mua bán xe, nay không có yêu cầu gì, chỉ đứng tên giúp cho khách hàng mua xe (thể hiện tại bút lục 230 và 231), không liên quan gì, không yêu cầu gì.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Không.

[6] Về xử lý vật chứng:

Chấp nhận đề nghị của kiểm sát viên tại phiên tòa:

Tịch thu, nộp ngân sách nhà nước, vì là công cụ, phương tiện phạm tội gồm: 01 (một) máy bơm nước động cơ xăng hiệu PMSUPER; 01 (một) bình phun thuốc hiệu Kwang sung-KS-2010; 01 (một) xe mô tô hiệu PELICAN, biển kiểm soát 61L1-T9 (kèm theo giấy đăng ký xe mô tô); 01 (một) điện thoại di động hiệu NOKIA màu đen; 01 (một) điện thoại di động hiệu 0PP0 màu đỏ; 01 (một) điện thoại di động hiệu IPHONNE 6Splus màu trắng bạc; 01 (một) điện thoại di động hiệu Sam Sung Galaxy A11 màu đen.

Tiêu hủy vì là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành, không còn giá trị sử dụng gồm: 1.864 (một nghìn tám trăm sáu mươi bốn) cây Cần Sa và hạt Cần Sa còn lại sau giám định đã được đóng gói, niêm phong (ký hiệu A1, A2, A3, A4, A5, A6, A7, A8, A9, A10, A11, A12); 02 (hai) cái cuốc; 01 (một) khẩu súng tự chế bắn đạn thể thao; 03 (ba) viên đạn và 05 (năm) vỏ đạn.

[7] Về án phí: Bị cáo L có giấy chứng nhận hộ cận nghèo năm 2022 nhưng không có đơn xin xác nhận và được chính quyền địa phương xác nhận, mà chỉ có bản sao có chứng thực, do vậy, không thuộc diện được miễn nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm, các bị cáo D, Th không có giấy chứng nhận hộ cận nghèo năm 2022. Vì vậy, các bị cáo phải chịu tiền án phí hình sự theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1] Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Đào Ngọc L, Nguyễn Văn D và Đặng Văn Th đều phạm tội “Trồng cây Cần Sa”.

[2] Về hình phạt: Căn cứ điểm c khoản 1, khoản 3 Điều 247 BLHS, điểm i, điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.

Xử phạt bị cáo Đào Ngọc L 02 (hai) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 29-3-2022.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn D 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 29-3-2022.

Xử phạt bị cáo Đặng Văn Th 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 29-3-2022.

* Về hình phạt bổ sung:

Miễn hình phạt bổ sung đối với các bị cáo vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

[3] Về trách nhiệm dân sự: Không.

[4] Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 47 BLHS; Điều 106 BLTTHS:

Đề nghị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước, vì là công cụ, phương tiện phạm tội gồm: - 01 (một) máy bơm nước động cơ xăng hiệu PMSUPER;

- 01 (một) bình phun thuốc hiệu Kwang sung-KS-2010;

- 01 (một) xe mô tô hiệu PELICAN, biển kiểm soát 61L1-T9 (kèm theo giấy đăng ký xe mô tô);

- 01 (một) điện thoại di động hiệu NOKIA màu đen;

- 01 (một) điện thoại di động hiệu 0PP0 màu đỏ;

- 01 (một) điện thoại di động hiệu IPHONNE 6Splus màu trắng bạc;

- 01 (một) điện thoại di động hiệu Sam Sung Galaxy A11 màu đen;

Đề nghị tiêu hủy vì là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành, không còn giá trị sử dụng gồm:

1.864 (một nghìn tám trăm sáu mươi bốn) cây Cần Sa và hạt Cần Sa còn lại sau giám định đã được đóng gói, niêm phong (ký hiệu A1, A2, A3, A4, A5, A6, A7, A8, A9, A10, A11, A12); 01 (một) cái xẻng; 02 (hai) cái cuốc; 01 (một) khẩu súng tự chế bắn đạn thể thao; 03 (ba) viên đạn và 05 (năm) vỏ đạn.

(tất cả đặc điểm như biên bản giao nhận vật chứng giữa Công an và Chi cục thi hành án dân sự huyện S L ngày 14-6-2022).

[5] Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luất tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Buộc mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.

[6] Về quyền kháng cáo: Các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

138
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội trồng cây cần sa số 13/2022/HS-ST

Số hiệu:13/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Sơn Hòa - Phú Yên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:26/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về