TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN UMT, TỈNH KIÊN GIANG
BẢN ÁN 10/2023/HS-ST NGÀY 21/04/2023 VỀ TỘI TRỒNG CÂY CẦN SA
Ngày 21 tháng 4 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện UMT, tỉnh Kiên Giang. Tòa án nhân dân huyện UMT, tỉnh Kiên Giang tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 05/2023/TLST-HS, ngày 03 tháng 3 năm 2023, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07/2023/QĐXXST-HS ngày 30 tháng 3 năm 2023 đối với bị cáo:
Nguyễn Văn P, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1961 Nơi sinh: huyện H D, tỉnh Bạc Liêu Nơi cư trú: Ấp A, xã A M B, huyện UMT, tỉnh Kiên Giang;
Nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ học vấn 3/12; dân tộc kinh; giới tính nam;
quốc tịch Việt Nam;
Con ông Nguyễn Văn Ch, sinh năm 1938 và bà Đặng Thị Tr, sinh năm 1943 Vợ: Đặng Thị Thu B, sinh năm 1963 Con: Có 05 người lớn nhất sinh năm 1983 nhỏ nhất sinh năm 1994 Tiền sự, tiền án: không;
Bị cáo được tại ngoại điều tra (có mặt).
* Người làm chứng: Đặng Thị Thu B, sinh năm 1963 có mặt Nơi cư trú: Ấp A, xã A M B, huyện UMT, tỉnh Kiên Giang
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào năm 2016 Nguyễn Văn P đi đến huyện L M tỉnh hậu Giang thì được một người bạn tên là Cầu cho 01 bịch hạt cây Cần sa, sau đó Nguyễn văn P đem bịch hạt cây Cần sa trên về nhà cất giữ. Đến đầu tháng 10/2022 Nguyễn văn P dọn cỏ bờ liếp đất phía sau nhà của mình và bắt đầu tiến hành gieo trồng cây cần sa nhằm mục đích cho gà ăn. Để phục vụ cho việc trồng cây Cần sa, Nguyễn văn P mua máy bơm nước, bình ắc quy và ống nước nhựa phục vụ cho việc tưới nước và chăm sóc cây cần sa.
Vào lúc 10 giờ ngày 27/12/2022 cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện UMT tỉnh Kiên Giang bắt quả tang Nguyễn Văn P đang trồng tổng cộng 1190 cây lá có mép hình răng cưa, nghi là cây cần sa, trên diện tích đất được giao cho gia đình sử dụng thuộc ấp A, xã A M B huyện UMT tỉnh Kiên Giang, cụ thể:
+ Tại bờ liếp thứ nhất có diện tích chiều ngang 9,8m, chiều dài 55m trồng tổng cộng 287 cây trên đất và 85 cây trong bầu ươm.
+ Tại bờ liếp thứ hai có diện tích chiều ngang 9,8m, chiều dài 27m trồng tổng cộng 101 cây trên đất và 120 cây trong bầu ươm.
+ tại bờ liếp thứ ba có diện tích ngang 9,8m chiều dài 32m trồng tổng cộng 147 cây trên đất và 450 cây trong bầu ươm.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện UMT tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, thu giữ và niêm phong toàn bộ số cây trồng trên.
Tại Bản kết luận giám định số 1264/KL-KTHS ngày 31/12/2022 của phòng kỷ thuật hình sự Công an tỉnh Kiên Giang kết luận:
+ Mẫu 01: 1065 cây tươi, lá có mép hình răng cưa chứa trong 01 ( một) bao ny lon được niêm phong gửi giám định là ma túy, loại cần sa.
+ Mẫu 02: 125 cây tươi lá có mép hình răng cưa chứa trong 01 ( một) bao nylon được niêm phong gửi giám định là ma túy, loại cần sa.
Cần sa là chất ma túy nằm trong danh mục ID,STT 1, Nghị Định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ.
Vật chứng thu giữ:
- 1190 cây tươi, lá có mép hình răng cưa, là cây cần sa, được đựng trong 02 bao nylon được niêm phong ký hiệu lần lượt là số 1264/2022 Mẫu 01, vụ số 1264/2022 Mẫu 02.
- 01 bình ắc quy nhãn hiệu “ dong nai”, loại 12V.
- 01 máy bơm nước nhãn hiệu “ Happy Pro, loại 12V.
01 đoạn ống nước nhựa loại phi 27, có chiều dài 15,4m.
Tại bản Cáo trạng số 07/CT-VKSUMT ngày 03/3/2023 Viện kiểm sát nhân dân huyện UMT, tỉnh Kiên Giang đã truy tố bị cáo Nguyễn Văn P về tội: “Trồng cây cần sa” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 247 của Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa: Đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm bản Cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:
Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 247; điểm i, s khoản 1 Điều 51 và Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Hình phạt chính: Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn P từ 06 đến 09 tháng tù. Miễn áp dụng hình phạt bổ sung do hoàn cảnh bị cáo khó khăn.
Về biện pháp tư pháp: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự, đề nghị HĐXX tuyên tịch thu tiêu hủy các mẫu vật chứng gửi giám định. Tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước 01 bình ắc quy và 01 máy bơm nước; 01 ống nhựa là phương tiện dùng vào việc phạm tội.
Tại phiên tòa:
Bị cáo P thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện UMT đã truy tố. Bị cáo P không có ý kiến tranh luận.
Tại phần nói lời sau cùng, bị cáo trình bày: bị cáo P xin giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa:
Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện UMT, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện UMT, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có người nào có ý kiến và khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Về hành vi bị truy tố của bị cáo: Trong quá trình điều tra, tại phiên tòa qua kết quả thẩm vấn, lời khai bị cáo, cùng các chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ thể hiện: Vào lúc 10 giờ ngày 27/12/2022, Nguyễn Văn P có hành vi trồng 1.190 cây Cần sa trên phần diện tích đất được giao sử dụng tại ấp A, xã A M B huyện UMT tỉnh Kiên Giang Lời nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra, nội dung bản Cáo trạng và các chứng cứ khác đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án, phù hợp với Biên bản bắt người phạm tội quả tang ngày 27/12/2022. Theo bản Kết luận giám định số 1264/KL-KTHS ngày 31/12/2022 của phòng kỷ thuật hình sự Công an tỉnh Kiên Giang kết luận 1.190 cây bị cáo trồng là cây Cần sa. Từ những chứng cứ nêu trên có đủ cơ sở kết luận bị cáo Nguyễn Văn P phạm tội: “ trồng cây cần sa” được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 247 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
[3] Về tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, Hội đồng xét xử nhận thấy:
Bị cáo đã trưởng thành nhận thức được tác hại của cây cần sa là chất ma túy nằm trong danh mục cấm của Chính phủ, Cần sa là chất gây nghiện, nguy hại đến sức khoẻ của con người, khi ngấm vào cơ thể con người sẽ làm thay đổi lý trí, ý thức, dễ dẫn đến các tệ nạn xã hội khác, do vậy Nhà nước có chính sách quản lý chặt chẽ, cấm mọi hình thức liên quan đến ma tuý trong đó có việc trồng cây cần sa. Việc trồng cây cần sa là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng vì mục đích cá nhân nên bị cáo bất chấp pháp luật đã trồng 1.190 cây cần sa. Hành vi trồng cây cần sa của bị cáo ảnh hưởng xấu tình hình trật tự địa phương. Đặc biệt gây khó khăn đối với chính sách quản lý của Nhà nước đối với chất ma túy, gây bức xúc và dư luận không tốt trong nhân dân. Hội đồng xét xử nghĩ nên có mức phạt phù hợp đối với bị cáo để răn đe và góp phần ổn định trật tự kinh tế, xã hội, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và phòng ngừa chung trong xã hội.
[4] Về các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo:
- Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo Nguyễn Văn P không có tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 52 của Bộ luật hình sự.
- Về tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo mới phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng bị cáo là người cao tuổi, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn. Hội đồng xét xử thống nhất áp dụng điểm i,s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo.
Miễn áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 247 BLHS do hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn về kinh tế.
[5] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát huyện UMT về tội danh và đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Nguyễn Văn P từ 06 đến 09 tháng tù là có căn cứ.
Bị cáo P xin được giảm nhẹ hình phạt, Hội đồng xét xử ghi nhận và xem xét khi nghị án.
[6] Về các vấn đề khác:
- Về biện pháp tư pháp:
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự, điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử: Tịch thu tiêu hủy: 1190 cây tươi, lá có mép hình răng cưa, là cây cần sa, được đựng trong 02 bao nylon được niêm phong ký hiệu lần lượt là số 1264/2022 Mẫu 01, vụ số 1264/2022 Mẫu 02. Tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước: 01 bình ắc quy nhãn hiệu “ dong nai”, loại 12V; 01 máy bơm nước nhãn hiệu “ Happy Pro, loại 12V; 01 đoạn ống nước nhựa loại phi 27, có chiều dài 15,4m. ( theo Quyết định chuyển giao vật chứng số: 06/QĐ-VKSUMT ngày 03/3/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện UMT, tỉnh Kiên Giang).
[7] Về án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 247; điểm i,s khoản 1,2 Điều 51và Điều 38 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 2. Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Văn P phạm tội “Trồng cây Cần sa”.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn P 06 ( sáu) tháng tù. Thời điểm chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
3. Về biện pháp tư pháp: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự, điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử:
Tịch thu tiêu hủy gồm:
1190 ( Một ngàn một trăm chín mươi) cây tươi, lá có mép hình răng cưa, là cây cần sa, được đựng trong 02 bao nylon được niêm phong ký hiệu lần lượt là số 1264/2022 Mẫu 01, vụ số 1264/2022 Mẫu 02.
Tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước: 01 bình ắc quy nhãn hiệu “ dong nai”, loại 12V; 01 máy bơm nước nhãn hiệu “ Happy Pro, loại 12V; 01 đoạn ống nước nhựa loại phi 27, có chiều dài 15,4m.
( Tất cả vật chứng trên Chi cục Thi hành án dân sự huyện UMT đang quản lý, theo Quyết định chuyển giao vật chứng số: 06/QĐ-VKSUMT ngày 03/3/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện UMT, tỉnh Kiên Giang).
5. Án phí hình sự sơ thẩm: Áp dụng Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; các Điều 6, 23, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bị cáo Nguyễn Văn P là người cao tuổi, nên được miễn án phí HSST.
6. Quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.
Bản án về tội trồng cây cần sa số 10/2023/HS-ST
Số hiệu: | 10/2023/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện U Minh Thượng - Kiên Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 21/04/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về