Bản án về tội trộm cắp tài sản số 24/2024/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BẮC QUANG, TỈNH HÀ GIANG

BẢN ÁN 24/2024/HS-ST NGÀY 19/04/2024 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Ngày 19 tháng 4 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 22/2024/TLST- HS ngày 25 tháng 3 năm 2024 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 22/2024/QĐXXST-HS ngày 08/4/2024 đối với các bị cáo:

1. Triệu Quỳnh L, sinh ngày 17 tháng 12 năm 2002 tại huyện B, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú: Thôn H, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang; CCCD số 002202001xxx do Cục C về TTXH cấp ngày 08/02/2023; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Triệu Văn T, sinh năm 1982 và bà Linh Thị S, sinh năm 1986; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Không. Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

2. Đặng Văn K, sinh ngày 10 tháng 10 năm 2000 tại huyện B, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú: Thôn H, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang; CCCD số 0022000076xx do Cục C về TTXH cấp ngày 10/10/2022; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 7/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đặng Văn S1, sinh năm 1979 và Đặng Thị T1, sinh năm 1983; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Không. Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

3. Bàn Văn Q, sinh ngày 11 tháng 10 năm 2002 tại huyện B, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú: Thôn B, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang; CCCD số 002202008xxx do Cục C về TTXH cấp ngày 20/7/2021; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn:

9/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bàn Văn Q1, sinh năm 1977 và bà Đặng Thị T1, sinh năm 1979; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Không. Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

Bị hại: Bà Đặng Thị S2, sinh năm 1976; nơi cư trú: Thôn H, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang. Có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Anh Hà Văn L1, sinh năm 1984; nơi cư trú: Thôn T, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang. Vắng mặt (có đơn xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 17 giờ 00 phút ngày 23/11/2023 bà Đặng Thị S2, năm 1976; nơi cư trú: Thôn H, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang phát hiện bị mất máy làm đất nông nghiệp để ở khu vực ruộng của gia đình thuộc đội 1 thôn H, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang, bà S2 cho biết máy cày mua từ năm 2021 với giá là 16.000.000 đồng. Do vậy, ngày 23/11/2023 bà S2 đã điện thoại trình báo đến Công an xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang về việc mất trộm tài sản, sau khi tiến hành xác minh ban đầu, xét thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an xã H nên đã chuyển tin tố giác về tội phạm kèm theo tài liệu liên quan đến Công an huyện B để giải quyết theo thẩm quyền.

Tại Cơ quan điều tra Triệu Quỳnh L, Đặng Văn K, Bàn Văn Q khai nhận: Tối ngày 22/11/2023, Triệu Quỳnh L, sinh năm 2002, Đặng Văn K, sinh năm 2000 cùng trú tại thôn H, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang và Bàn Văn Q, sinh năm 2002, trú tại thôn B, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang cùng nhau đi chơi tại quán Đ thuộc thôn T, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, ba người đi về nhà K tại thôn H, xã H, huyện B để ngủ. Khoảng 03 giờ sáng ngày 23/11/2023, L tỉnh dậy, nhớ ra tại khu vực bãi đất trống, gần bờ ao cách nhà K 250m có để 01 (một) chiếc máy làm đất nông nghiệp đã qua sử dụng không có ai trông coi, nên L nảy sinh ý định trộm cắp tài sản để bán lấy tiền đi chơi điện tử. L dậy đi xuống nhà, một mình đi bộ đến khu vực bãi đất trống, gần bờ ao, quan sát thấy có 01 (một) chiếc máy làm đất nông nghiệp nên đã đi đến vị trí máy làm đất, dùng tay đẩy máy về hướng nhà K. Tuy nhiên do đường dốc, không đẩy tiếp được nên L đi về nhà K rồi điều khiển xe mô tô BKS 23B1 – 277.xx cắm sẵn chìa khoá điện (xe thuộc sở hữu của Đặng Văn S1, sinh năm 1979 - bố đẻ của K) để quay lại kéo máy làm đất về. Khi đến, L dùng dây thừng có sẵn ở máy, buộc thanh sắt ngang gắn giữa hai tay cầm của máy với thành yên xe mô tô rồi điều khiển xe mô tô kéo máy làm đất vừa trộm cắp được về nhà K. Đến nhà, L tháo dây thừng, để máy làm đất trên nền nhà dưới gầm sàn, cùng lúc đó, do nghe thấy có tiếng xe máy nên K và Q cũng tỉnh dậy đi xuống thì thấy L đang đẩy máy làm đất vào gần nhà tắm. Lúc này Q hỏi L “máy này lấy ở đâu?”, L trả lời “lấy trộm ở ruộng ngay dưới nhà thôi, không ai biết gì đâu”, Q hỏi tiếp “lấy của ai?” thì K trả lời “lấy của nhà bác tao” vì K nhận ra chiếc máy làm đất này là của bà Đặng Thị S2, năm 1976; nơi cư trú: Thôn H, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang (bác của K). Sau đó, L bảo K và Q hộ L bê máy làm đất vào trong nhà tắm để tháo mang đi bán cho dễ và tránh sự phát hiện của người khác. Khuyên, Q đồng ý rồi ba người đẩy máy làm đất vào nhà tắm để tháo. Trong quá trình tháo, do thiếu dụng cụ nên L đi về nhà lấy 14 (mười bốn) chiếc cờ lê (kích cỡ từ 8 đến 24) rồi quay lại nhà K. Khuyên cũng lấy 01 (một) chiếc kìm màu đỏ đen, 02 (hai) chiếc tròng bằng kim loại của gia đình rồi cùng nhau tháo các bộ phận của máy làm đất. Khuyên tháo phần ốc ở tay cầm, Q2 tháo phần đầu nổ nhưng không biết tháo nên cả hai không làm nữa và đi lên nhà ngủ. Sau đó một mình L tháo rời được các bộ phận của máy làm đất. Đến khoảng 07 giờ ngày 23/11/2023, L lên nhà gọi K và Q dậy, rồi rủ K, Q xuống lấy bộ phận đã tháo của máy làm đất đi bán để lấy tiền đi chơi điện tử nhưng K nói buồn ngủ không đi chỉ có L và Q điều khiển xe mô tô BKS 23B1 – 277.xx của nhà K, mang theo 01 (một) hộp số bằng kim loại màu xanh và 01 (một) bệ đỡ đầu máy nổ bằng kim loại đặt vào giá đỡ hàng phía trước của xe mô tô BKS 23B1 – 277.xx, L chở Q ngồi phía sau đến nhà ông Hà Văn L1, sinh năm 1984, trú tại thôn T, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang (là người thu mua phế liệu) bán được số tiền 215.000 đồng (hai trăm mười lăm nghìn đồng). Sau đó, L và Q sử dụng số tiền trên để đi chơi điện tử hết. Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, Q ở lại quán điện tử còn L về nhà K rủ K mang nốt phần đầu của máy làm đất đi bán lấy tiền đi chơi điện tử, K đồng ý rồi cùng L điều khiển xe mô tô BKS 23B1 – 277.xx tiếp tục đến nhà Hà Văn L1 bán được số tiền 292.000 đồng (Hai trăm chín mươi hai nghìn đồng). Sau khi bán xong, L, K, Q sử dụng số tiền trên chơi điện tử hết.

Ngày 08/12/2023, Cơ quan CSĐT công an huyện B tiến hành lắp ráp các bộ phận máy thu giữ được trong quá trình xác định hiện trường và tại nhà của Hà Văn L1. Kết quả, bị hại Đặng Thị S2 xác định đúng là tài sản thuộc quyền sở hữu bị mất và là loại máy làm đất nông nghiệp đa năng động cơ dầu, model: IN-173, công suất 4.0kw, tốc độ vòng quay D/C: 3000 v/p.

Ngày 28/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra ban hành Yêu cầu định giá tài sản số 54/YC-ĐTTH đề nghị Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện B định giá: 01 (một) máy làm đất nông nghiệp đa năng động cơ dầu, model: IN-173, công suất 4.0kw, tốc độ vòng quay D/C: 3000 v/p, máy cũ đã qua sử dụng mua từ năm 2021 vào thời điểm định giá tháng 11/2023.

Tại Kết luận định giá tài sản số 02/KL-HĐĐGTS ngày 09/01/2024, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện B kết luận: 01 (một) máy làm đất nông nghiệp đa năng động cơ dầu, model: IN-173, công suất 4.0kw, tốc độ vòng quay D/C: 3000 v/p, máy cũ đã qua sử dụng được mua từ năm 2021 vào thời điểm định giá tháng 11/2023 trị giá là: 9.530.000đ (Chín triệu năm trăm ba mươi nghìn đồng).

Giá trị tài sản trộm cắp của bà Đặng Thị S2 là 9.530.000đ (Chín triệu năm trăm ba mươi nghìn đồng).

Với hành vi trên, tại Cáo trạng số 24/CT-VKSBQ ngày 24/3/2024 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã truy tố Triệu Quỳnh L về tội "Trộm cắp tài sản" quy định tại khoản 1 Điều 173 của Bộ luật Hình sự; Đặng Văn K và Bàn Văn Q về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" quy định tại khoản 1 Điều 323 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên toà, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản Cáo trạng đã nêu.

Trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo và tranh luận tại phiên toà, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang vẫn giữ nguyên quyết định truy tố Triệu Quỳnh L về tội “Trộm cắp tài sản”; Đặng Văn K và Bàn Văn Q về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

* Về điều luật và hình phạt:

- Áp dụng khoản 1 Điều 173, các Điều 38, 50; điểm b, i, s khoản 1, 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Triệu Quỳnh L từ 07 - 09 tháng tù, thời hạn tù tính tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án hình phạt tù.

- Áp dụng khoản 1 Điều 323, các Điều 38, 50, điều 17, Điều 58; điểm b, i, s khoản 1, 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo Đặng Văn K và Bàn Văn Q, xử phạt các bị cáo từ 06 - 08 tháng tù, thời hạn tù tính tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án hình phạt tù.

- Về hình phạt bổ sung và án phí: Các bị cáo không có việc làm và thu nhập ổn định, không có tài sản riêng có giá trị nên không đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo Triệu Quỳnh L, Bàn Văn K1, Đặng Văn Q3 phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng).

* Về trách nhiệm dân sự:

- Đối với bị hại: Tại giai đoan điều tra, bị hại Đặng Thị S2 đã được nhận tại tài sản bị trộm cắp và được bồi thường số tiền 1.500.000 đồng, bị hại S2 không có yêu cầu nào khác về trách nhiệm dân sự, nên đề nghị không xem xét.

- Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Tại giai đoạn điều tra và tại phiên tòa hôm nay anh Hà Văn L1 không yêu cầu các bị cáo trả lại tổng số tiền 507.000đ (Năm trăm linh bảy nghìn đồng) thu mua các bộ phận của máy làm đất nông nghiệp và cũng không có yêu cầu nào khác về dân sự, nên đề nghị không xem xét.

* Về xử lý vật chứng: Đã được trả lại cho các chủ sở hữu theo quy định của pháp luật, nên đề nghị không xem xét.

Phần tranh luận, các bị cáo nhất trí với tội danh, điều luật áp dụng và mức hình phạt của Kiểm sát viên đã đề nghị trong bản luận tội.

Lời nói sau cùng, các bị cáo đề nghị hội đồng xét xử xem xét cho hưởng mức án thấp nhất để các bị cáo có cơ hội sửa chữa lỗi lầm trở thành người công dân có ích cho xã hội và đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng: Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện B, Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện Bắc Quang, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; tại phiên toà Kiểm sát viên đã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hành quyền công tố. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, vắng mặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng trước đó họ đã có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt, quá trình điều tra họ đã có đầy đủ lời khai có trong hồ sơ vụ án. Căn cứ khoản 1 Điều 292 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, xét thấy sự vắng mặt của họ không gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử.

[3] Về căn cứ định tội, định khung hình phạt: Lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa hoàn toàn phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu, lời khai của bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và phù hợp với các tài liệu chứng cứ như biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, các biên bản, bản ảnh và sơ đồ xác định hiện trường; biên bản giao, nhận đồ vật, tài liệu, vật chứng; biên bản định giá tài sản và bản kết luận định giá tài sản số 02/KL- HĐĐGTS ngày 09/01/2024 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện B, cùng tài liệu khác có trong hồ sơ, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 03 giờ 00 phút ngày 23/11/2023, bị cáo Triệu Quỳnh L đã thực hiện hành vi trộm cắp 01 (Một) Máy làm đất nông nghiệp đa năng động cơ dầu (máy cũ đã qua sử dụng) của bị hại S2, trị giá tài sản bị cáo L trộm cắp là 9.530.000đ (Chín triệu năm trăm ba mươi nghìn đồng). Sau khi trộm cắp, bị cáo L mang máy làm đất nông nghiệp về nhà bị cáo Đặng Văn K cất giấu rồi nói cho bị cáo K và bị cáo Bàn Văn Q biết đây là tài sản trộm cắp và rủ các bị cáo K và Q cùng tháo các bộ phận của máy làm đất bán lấy tiền đi chơi điện tử, được K và Q đồng ý, các bị cáo cùng nhau tháo các bộ phận của máy làm đất tại khu vực nhà tắm của nhà K. Đến khoảng 07 giờ ngày 23/11/2023, các bị cáo L và Q mang 01 (một) hộp số bằng kim loại màu xanh và 01 (một) bệ đỡ đầu máy nổ bằng kim loại đến nhà Hà Văn L1, sinh năm 1984, trú tại thôn T, xã H, huyện B, tỉnh Hà Giang (là người thu mua phế liệu) bán được số tiền 215.000đ (Hai trăm mười lăm nghìn đồng). Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, các bị cáo L và K tiếp tục mang phần đầu của máy làm đất đi bán tại nhà Hà Văn L1 được số tiền 292.000đ (Hai trăm chín mươi hai nghìn đồng). Do đó, bị cáo Triệu Quỳnh L phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 173 của Bộ luật Hình sự, còn các bị cáo Đặng Văn K và Bàn Văn Q phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 323 của Bộ luật Hình sự.

[4] Khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự quy định:

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Khoản 1 Điều 323 Bộ luật hình sự quy định:

“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.” [5] Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã truy tố bị cáo Triệu Quỳnh L về tội: Trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự; các bị cáo Đặng Văn K, Bàn Văn Q về tội: Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại khoản 1 Điều 323 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[6] Hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác là khách thể được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ. Đồng thời còn làm mất trật tự trị an tại địa phương, gây lo lắng cho quần chúng nhân dân trong việc quản lý tài sản. Các bị cáo đều là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng các bị cáo vẫn cố ý thực hiện, vì ham chơi điện tử, lười lao động mà bị cáo L đã lợi dụng thời điểm trời tối khi mọi người đều đã ngủ say để lén lút trộm cắp tài sản của người khác nhằm mục đích bán lấy tiền để đi chơi điện tử, còn bị cáo K và Q đã biết rõ tài sản bị cáo L mang đến nhà cất giấu là tài sản do trộm cắp mà có, nhưng bị cáo K và Q vẫn cùng bị cáo L tháo dời các bộ phận của tài sản trộm cắp đem đi tiêu thụ để lấy tiền phục vụ cho việc chơi điện tử. Các bị cáo thực hiện với lỗi cố ý, hành vi do các bị cáo gây ra đã làm xấu đi tình cảm giữa người với người trong cuộc sống, làm mất lòng tin của người dân, gây bất bình trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, do vậy, phải xử lý các bị cáo nghiêm khắc bằng chế tài luật hình sự và cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định, như vậy mới có đủ tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

[7] Về hành vi, vai trò, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân và hình phạt đối với các bị cáo thấy rằng:

[8] Trong vụ án này, chỉ vì muốn có tiền tiêu xài, bị cáo Triệu Quỳnh L đã bất chấp pháp luật, một mình thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là chiếc máy làm đất nông nghiệp của bị hại Sinh, trị giá tài sản trộm cắp là 9.530.000đ (Chín triệu năm trăm ba mươi nghìn đồng), nên bị cáo L phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" theo quy định tại khoản 1 Điều 173 của Bộ luật Hình sự, hành vi của bị cáo L là độc lập; bị cáo Đặng Văn K và Bàn Văn Q là người thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản, các bị cáo đều biết rõ tài sản các bị cáo đem đi tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có, nhưng các bị cáo vẫn cố ý thực hiện, các bị cáo đã cùng L tháo các bộ phận của máy làm đất L trộm được để đem đi tiêu thụ, hành vi của bị cáo K và bị cáo Q đã tiếp tay cho người phạm tội, là nguyên nhân khiến hành vi phạm tội gia tăng, trong vụ án này mỗi bị cáo đều cùng L đi tiêu thụ tài sản một lần, số tiền bán tài sản trộm cắp các bị cáo cùng sử dụng chung để chơi điện tử, do đó, HĐXX xét thấy tính chất và mức độ của hành vi phạm tội của bị cáo K và bị cáo Q là như nhau, đều là người cùng thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản, nên mức hình phạt của các bị cáo là bằng nhau, quá trình thực hiện hành vi các bị cáo không có sự bàn bạc thống nhất từ trước, do vậy bị cáo K và Q thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn.

[9] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[10] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo đã thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, giai đoạn điều tra đã bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho bị hại Đặng Thị S2 với số tiền 1.500.000đ (Một triệu năm trăm nghìn đồng), các bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị hại xin giảm nhẹ cho các bị cáo, các bị cáo là người dân tộc thiểu số. Đây là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, nên được xem xét khi áp dụng mức hình phạt, để thể hiện chính sách khoan hồng đối với các bị cáo, do vậy Hội đồng xét xử thấy mức hình phạt như Viện kiểm sát đã đề nghị đối với các bị cáo là phù hợp.

[11] Về hình phạt bổ sung: Xét thấy các bị cáo không có việc làm và thu nhập ổn định, không có tài sản riêng có giá trị, nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với tất cả các bị cáo theo quy định tại khoản 5 Điều 173 và khoản 5 Điều 323 của Bộ luật Hình sự.

[12] Tiếp tục áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị cáo kể từ ngày tuyên án cho đến khi các bị cáo đi chấp hành án phạt tù.

[13] Về trách nhiệm dân sự: Giai đoan điều tra, bị hại Đặng Thị S2 đã được nhận tại toàn bộ tài sản bị trộm cắp theo biên bản trả lại đồ vật, tài liệu (bút lục 94), bị hại Đặng Thị S2 không có yêu cầu nào khác về trách nhiệm dân sự. Còn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Hà Văn L1, khi thu mua các bộ phận của máy làm đất nông nghiệp của bị hại S2 với tổng số tiền là 507.000đ (Năm trăm linh bảy nghìn đồng) anh L1 không biết đây là tài sản do trộm cắp mà có, nay anh cũng không yêu cầu các bị cáo phải trả lại số tiền trên, nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[14] Về xử lý vật chứng: Đối với 14 (Mười bốn) Chiếc cờ lê bằng kim loại là tài sản của anh Triệu Văn T, còn 01 xe mô tô BKS 23B1 - 277.xx, 01 (Một) Chiếc kìm và 02 (Hai) Chiếc tròng bằng kim loại là tài sản của anh Đặng Văn S1. Khi các bị cáo sử dụng những công cụ trên để thực hiện hành vi phạm tội thì anh T và anh S1 đều không biết các bị cáo sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình vào mục đích phạm tội, nên quá trình điều tra Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện B đã trả lại những đồ vật trên cho chủ sở hữu. HĐXX nhận thấy việc trả lại tài sản là đúng quy định của pháp luật nên không xem xét.

[15] Đối với Hà Văn L1, L1 là người thu mua các bộ phận của máy làm đất nông nghiệp của L, K, Q với tổng số tiền là 507.000đ (Năm trăm linh bảy nghìn đồng). Do là người thu mua phế liệu và khi mua, L1 không biết đây là tài sản do trộm cắp mà có. Vì vậy, không có đủ căn cứ để xử lý trong vụ án này.

[16] Đối với Triệu Văn T là chủ sở hữu 14 (Mười bốn) Chiếc cờ lê bằng kim loại, Đặng Văn S1 là chủ sở hữu xe mô tô BKS 23B1 - 277.xx, 01 (Một) Chiếc kìm, 02 (Hai) Chiếc tròng bằng kim loại. Do các chủ sở hữu không biết L, K, Q sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình vào mục đích phạm tội, do vậy HĐXX không đề cập xử lý.

[17] Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo luật định. Vì các lẽ trên,

                                                                  QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 173, Điều 38, Điều 50, điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo Triệu Quỳnh L;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 323, Điều 38, Điều 50, Điều 17, Điều 58, điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo Đặng Văn K và Bàn Văn Q;

Căn cứ khoản 2 Điều 136, Điều 331, Điều 333 và Điều 337 của Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Triệu Quỳnh L phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Các bị cáo Đặng Văn K và Bàn Văn Q, phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có"

2. Về hình phạt:

- Xử phạt bị cáo Triệu Quỳnh L 07 (bảy) tháng tù, thời hạn tù tính tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án hình phạt tù.

- Xử phạt bị cáo Đặng Văn K và Bàn Văn Q mỗi bị cáo 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án hình phạt tù.

Tiếp tục áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị cáo kể từ ngày tuyên án cho đến khi các bị cáo đi chấp hành án hình phạt tù.

3. Về án phí: Bị cáo Triệu Quỳnh L, Đặng Văn K và Bàn Văn Q, mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo: Các bị cáo, bị hại có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt tại phiên tòa, có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được bản án sao hoặc được niêm yết.

Trường hợp bản án được thi hành theo điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các Điều 6, 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

87
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội trộm cắp tài sản số 24/2024/HS-ST

Số hiệu:24/2024/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bắc Quang - Hà Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/04/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về