Bản án về tội trộm cắp tài sản số 21/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN A LƯỚI, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

BẢN ÁN 21/2022/HS-ST NGÀY 22/11/2022 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Trong ngày 22/11/2022 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 15/2022/TLST- HS ngày 18/10/2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 20/2022/QĐXXST-HS ngày 09/11/2022 đối với các bị cáo:

1. Lê Phước S, tên gọi khác L1, sinh ngày 30/6/1994 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; nơi thường trú: Thôn Bs, xã AN, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; nghề nghiệp: không có; trình độ văn hoá (học vấn) 05/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không có; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Phước Th, sinh năm 1968 (đã chết) và bà Trần Thị H, sinh năm 1968; chưa có vợ, con; gia đình có 4 anh chị em, S là con thứ 3 trong gia đình; có 01 tiền án; không có tiền sự; nhân thân: Bản án số 07/2020/HSST ngày 18-9-2020 của Tòa án nhân dân huyện A Lưới xử phạt 12 tháng tù, tổng hợp 6 tháng tù của Bản án 05/2020/HSST ngày 21-5-2020, buộc phải chấp hành hình phạt chung 18 tháng tù; Bản án số 16/2022/HSST ngày 21-7-2022, của Tòa án nhân dân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt 15 tháng tù; bị cáo đang thi hành án phạt tù theo Quyết định số 23/2022/QĐ-CA ngày 24/8/2022 của Chánh án Tòa án nhân dân huyện A Lưới, thời gian tính từ ngày 08/4/2022; có mặt.

2. Kê Văn L, sinh ngày 03/4/1994 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; nơi thường trú: Thôn PN, xã AN, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá (học vấn) 08/12; dân tộc: Tà Ôi; giới tính: Nam; tôn giáo: Không có; quốc tịch: Việt Nam; con ông Kê Văn Ng, sinh năm 1965 và bà Lê Thị H1, sinh năm 1968; gia đình có 6 anh chị em, L là người con thứ 3; có vợ Hồ Thị Cao Ng1, sinh năm 1996; có 02 con, người con nhỏ nhất sinh năm 2020; tiền án, tiền sự: Không có; bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt. ,

- Bị hại:

+ Ông Hồ Qu, sinh năm 1969; địa chỉ: Thôn VL, xã ST, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.

+ Bà Trần Thị Ch, sinh năm 1970; địa chỉ: Thôn VL, xã ST, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; ủy quyền cho chồng Hồ Qu.

+ Anh Hoàng Văn L, sinh năm 1988; địa chỉ: Thôn Thôn PN 1, xã AN, Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

+ Anh Hồ Văn Ư, sinh năm 1989; nơi cư trú: TR, xã AN, Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt

+ Anh Pi Riu M, sinh năm 1978; địa chỉ: Thôn PN 1, xã AN, Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.

+ Anh A Viết Ngh, sinh năm 1982; Thôn AN, xã AN, Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt

- Người bào chữa cho bị cáo Kê Văn L: Ông Hồ Ngọc L, sinh năm 1988; Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 01 giờ ngày 20/3/2022 tại nhà của Lê Phước S ở xã AN, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, L rủ S đi trộm cắp tài sản, S đồng ý; L và S đi bộ đến nhà của vợ chồng ông Hồ Qu và bà Trần Thị Ch ở Thôn VL, xã ST, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đường bờ ao cá ở phía sau nhà, S vào nhà khảo sát trước, còn L đứng chờ bên ngoài, khi phát hiện tài sản thì S quay ra báo cho L cùng đột nhập vào nhà lấy trộm. L và S lấy 01 lồng chim làm bằng gỗ hình hộp chữ nhật, bên trong có 01 con chim Chào mào và 02 hủ đựng thức ăn cho chim; 01 lồng chim làm bằng kim loại hình tròn bên trong có 01 con chim Sáo sậu và 02 hủ thủy tinh làm bằng kim loại hình tròn bên trong có 01 con chim Sáo sậu và 02 hủ thủy tinh cho chim ăn. S lấy thêm trong cốp xe máy của ông Qu 04 gói thuốc lá hiệu SAIGOM SLIM (Sài Gòn xanh). L và S đem 02 lồng chim ra cất giấu ở bờ ao cá sau nhà cách vị trí lấy trộm khoảng 50m, còn thuốc là thì S cất giữ trong túi quần.

L và S thấy cả nhà ông Qu đã ngủ, nên quay trở lại nhà ông Qu lần thứ 02. S lấy 01 cái máy cắt sắt hiệu FEG mod EG-936 và móc trong túi quần của ông Qu đang để trên bàn lấy 560.000đ, còn L bắt 01 con gà trống.

Toàn bộ tài sản lấy trộm được L và S đem về nhà của L cất giấu, và thống nhất phân chia: S lấy 01 lồng sắt hình tròn bên trong có chim Sáo sậu, 02 hũ để thức ăn cho chim và 04 gói thuốc lá. L lấy 01 lồng gỗ hình hộp chữ nhật bên trong có chim Chào mào, 02 hũ đựng thức ăn cho chim. Buổi chiều cùng ngày 20/3/2022 S đem đến nhà anh Hồ Văn Ư bán chim Sáo sậu và cái lồng giá 150.000đ, L đem đến nhà anh Pi Riu M bán chim Chào mào và lồng 300.000đ. Con gà trống L bán cho một người buôn bán ở chợ A Lưới giá 150.000đ. Số tiền 560.000đ S chia cho L 230.000đ, còn lại phần của S 330.000đ. Máy cắt sắt hiệu FEG mod EG-936 L và S bán cho anh A Viết Ngh vào chiều tối cùng ngày 20/3/2022 được 600.000đ, chia nhau mỗi bị cáo 300.000đ.

Quá trình điều tra S còn khai sáng ngày 14/3/2022 một mình S vào nhà anh Hoàng Văn L bắt trộm 01 con chim khướu bạc má, nhờ Hồ Xuân Đ sinh năm 2000, bán cho anh Pi Riu M 250.000đ, S cho Hồ Xuân Đ 50.000đ, nhưng hiện nay không biết Đ đang ở đâu không xác minh được.

Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự huyện A Lưới số 12/KL-HĐĐGTS ngày 18/4/2022 thì 01 cái máy cắt sắt hiệu FEG mod EG-936 đã qua sử dụng có giá trị 1.045.000đ;

Kết luận của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật số 485/STTNSV ngày 18/4/2022 xác định Chim Chào mào có tên khoa học là Picnonotus jocosus, chim Sáo sậu có tên khoa học là Garcupica nigricollis không được ghi nhận trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ sửa đổi điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loại thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và Công ước CITES. Chim Khướu bạc má (khướu mun) có tên khoa học là Pterorhinus chinensis được ghi nhận tại nhóm IIB, Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/11/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Kết luận của Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự số 14/KL-HĐĐGTS ngày 04/5/2022 định giá chim Chào mào giá 600.000đ; 01 lồng chim làm bằng gỗ hình hộp chữ nhật giá 200.000đ; 04 hũ thủy tinh cho chim ăn uống nước giá 20.000đ; 01 chim Sáo sậu giá 1.400.000đ; 01 lồng chim bằng kim loại hình tròn kích thước (0,6 x 0,3)m giá 90.000đ; 01 chim khướu giá 100.000đ; 01 lồng kim loại kích thước (0,11 x 0,52)m giá 10.000đ và 01 hủ nhựa cho chim ăn không có giá.

Kết luận của Hội đồng định giá số 26/KL-HĐĐGTS ngày 16/8/2022 của Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng hình sự giá trị 4 gói thuốc lá hiệu SAIGON SLIM là 52.000đ, con gà trống giá 250.000đ.

Tổng giá trị tài sản mà S và L chiếm đoạt 4.317.000đ; trong đó S và L chiếm đoạt chung 4.217.000đ; một mình S chiếm đoạt riêng 100.000đ.

- Tang vật thu giữ:

+ 01 cái máy cắt sắt hiệu FEG mod EG-936 đã qua sử dụng; 01 con chim Chào mào; 01 con chim Sáo sậu; 04 hủ đựng thức ăn cho chim; 01 lồng gỗ hình hộp chữ nhật; 01 lồng kim loại hình tròn kích thước (0,6 x 0,3)m; 01 lồng kim loại kích thước (0,11 x 0,52)m; 01 hủ nhựa cho chim ăn không có giá.

Ngày 24/6/2022 cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện A Lưới đã trả lại cho vợ chồng ông Qu và bà Ch 01 cái máy cắt sắt hiệu FEG mod EG-936 đã qua sử dụng; ngày 31/8/2022 trả lại cho ông Qu 01 con chim Chào mào; 01 con chim Sáo sậu; 04 hủ đựng thức ăn cho chim; 01 lồng gỗ hình hộp chữ nhật và 01 lồng kim loại hình tròn kích thước (0,6 x 0,3)m. Trả lại cho anh Hoàng Văn L 01 lồng kim loại kích thước (0,11 x 0,52)m và 01 hủ nhựa cho chim ăn không có giá. Con chim Khướu bạc má (Khướu mun) là động vật thuộc nhóm IIB cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện A Lưới bàn giao cho ông Lê Doãn Anh đại diện Vườn quốc gia Bạch Mã tiếp nhận chờ xử lý để trả về với tự nhiệm. Ngày 15/9/2022 trả lại cho anh Pi Riu M một cái lồng chim làm bằng kim loại không rõ hình dáng.

Về dân sự: Các bị hại gồm vợ chồng Hồ Qu yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền bị mất, 04 bao thuốc lá và giá trị con gà trống theo giá trị Hội đồng định giá, còn tài sản đã trả không yêu cầu gì. Hoàng Văn L nhận thức được việc nuôi nhốt động vật hoang dã quý hiếm là vi phạm, nay con chim khướu đã bàn giao cho Vườn Quốc gia Bạch mã, không yêu cầu gì; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là anh Pi Riu M và anh A Viết Ngh yêu cầu S và L hoàn trả lại số tiền mua tài sản, nay đã bị thu hồi. Riêng anh Hồ Văn Ư không yêu cầu Lê Phước S trả lại số tiền mua con chim bị thu hồi.

Ngày 28/7/2022, Kê Văn L đã tự nguyện nộp 1.000.000đ để bồi thường thiệt hại, hiện tại đang gửi giữ tại Kho bạc Nhà nước huyện A Lưới.

Cáo trạng số: 17/CT-VKSH-AL ngày 18/10/2022, Viện kiểm sát nhân dân huyện A Lưới đã truy tố Lê Phước S và Kê Văn L về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố L tội và tranh L giữ nguyên quan điểm truy tố Lê Phước S và Kê Văn L về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Lê Phước S được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS; tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên và tái phạm quy định tại các điểm g, h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Áp dụng khoản 1 Điều 173, điểm s khoản 1 Điều 51, điểm g, h khoản 1 Điều 52, Điều 17, Điều 38 Bộ luật hình sự cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian theo; đề nghị xử phạt 09 tháng đến 12 tháng tù, và áp dụng Điều 56 Bộ luật Hình sự tồng hợp hình phạt tù của Bản án số 16/2022/HSST ngày 21-7-2022, của Tòa án nhân dân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt 15 tháng tù buộc bị cáo S phải chấp hành hình phạt chung. Đối với bị cáo Kê Văn L mặc dù là người khởi xướng nhưng thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; tự nguyện bồi thường thiệt hại quy định tại các điểm s, i và b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự; tại phiên tòa bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo L theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Áp dụng khoản 1 Điều 173, điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17 và Điều 65 Bộ luật Hình sự không cần cách ly khỏi xã hội; xử phạt Kê Văn L 6 đến 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 12 tháng đến 16 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 22/11/2022.

Về vật chứng là con chim Khướu bạc má hiện nay tạm giao cho Vườn Quốc gia Bạch mã quản lý là loài động vật rừng thuộc nhóm IIB, loài nguy cấp quý hiếm, anh L nuôi nhốt chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép nên không trả lại cho anh L. Căn cứ điểm c khoản 3, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2019 của Bộ Nông nghiệp phát triển nông đề nghị Hội đồng xét xử giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị bị cáo Lê Phước S bồi thường cho vợ chồng Hồ Qu 330.000đ; giá trị tiền tiền 4 gói thuốc SAISON SLIM 52.000đ; bồi thường cho anh A Viết Ngh 300.000đ; bồi thường cho anh Pi Riu M 250.000đ. Bị cáo Kê Văn L phải bồi thường cho vợ chồng Hồ Qu 230.000đ, giá trị 1 con gà 250.000đ; bồi thường cho anh A Viết Ngh 300.000đ; bồi thường cho anh Pi Riu M 300.000đ. Anh Hồ Văn Ư không yêu cầu bồi thường thì không giải quyết.

Số tiền 1.000.000đ Kê Văn L nộp để bảo đảm cho việc thi hành án đang tạm gửi ở kho bạc, thì tiếp tục tạm giữ để bảo đảm cho việc thi hành án.

Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo Kê Văn L đồng ý với tội danh và điều luật Viện kiểm sát truy tố, nhưng còn đề nghị thêm tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo L là con em dân tộc, gia đình thuộc diện hộ nghèo khó khăn nhận thức còn hạn chế, có nhân thân tốt; tại phiên tòa bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên áp dụng khoản 2 Điều 51, đề nghị mức án Kê Văn L 06 tháng tù, cho hưởng án treo. Đề nghị miễn, giảm án phí dân sự cho bị cáo Kê Văn L.

Bị hại Hồ Qu giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo L, không đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo S. Tài sản của vợ chồng ông Qu bị các bị cáo chiếm đoạt đã nhận lại tài sản không có yêu cầu gì, số tài sản mà hai bị cáo đã tiêu dùng thì buộc hoàn trả theo lời khai hai bị cáo và Hội đồng định giá.

Bị hại Hoàng Văn L không yêu cầu bị cáo Lê Phước S bồi thường tiền con chim khướu.

Anh Pi Riu M và A Viết Ngh đề nghị được nhận lại số tiền mua tài sản do các bị cáo bán. Anh Hồ Văn Ư không yêu cầu.

Lời nói sau cùng của bị cáo Lê Phước S xin được giảm nhẹ hình phạt sớm về đoàn tụ với gia đình; bị cáo Kê Văn L rất hối hận về hành vi của mình, xin giảm nhẹ hình phạt và hứa hẹn làm ăn lương thiên để trở thành công dân tốt.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tính hợp pháp của hành vi tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình, điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc xác minh, thu thập vật chứng đúng trình tự, khách quan; quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do vậy, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội: Lời nhận tội của hai bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và phù hợp với lời khai của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vật chứng đã thu giữ và các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ, có đủ cơ sở kết luận:

Khoảng 01 giờ ngày 20/3/2022, bị cáo Kê Văn L và Lê Phước S đã lén lút thực hiện hành vi trộm cắp tài sản tại nhà của vợ chồng ông Hồ Qu số tiền và tài sản giá trị 3.657.000đ. Trong đó bao gồm tiền Việt Nam 560.000đ; 01 lồng chim làm bằng gỗ hình hộp chữ nhật giá 200.000đ; 01 con chim Chào mào giá 600.000đ; 04 hũ đựng thức ăn cho chim giá 20.000đ; 01 lồng chim làm bằng kim loại hình tròn giá 90.000đ; 01 con chim Sáo sậu giá 1.400.000đ; 04 gói thuốc là hiệu SAIGOM SLIM (Sài Gòn xanh) giá 52.000đ; 01 cái máy cắt sắt hiệu FEG mod EG-936 giá 1.045.000đ và 01 con gà trống giá 250.000đ, để bán chia nhau tiêu dùng cá nhân.

Sáng ngày 14/3/2022 một mình S vào nhà anh Hoàng Văn L bắt trộm 01 con chim khướu bạc má (Khướu mun) giá trị 100.000đ.

Hai bị cáo Lê Phước S và Kê Văn L đã có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lén lút chiếm đoạt trái phép tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người khác, nên phạm vào tội “Trộm cắp tài sản” quy định ở khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự.

[3] Về tính chất, mức độ của hành vi phạm tội:

Bị cáo Kê Văn L và Lê Phước S đã thống nhất ý chí và hành động, cùng nhau lén lút thực hiện hành vi trộm cắp nhưng không có sự cấu kết phân công chặt chẽ, không có sự phân công lẫn nhau, nên đây là sự đồng phạm đơn giản. Cả hai bị cáo đều là người thực hành tích cực. Thời điểm thực hiện hành vi là lợi dụng đêm khuya ít người đi lại, địa bàn xảy ra là một địa phương khác nơi hai bị cáo cư trú nên khó phát hiện.

Cả hai bị cáo là thanh niên mới lớn nhưng không chịu lao động, rèn luyện bản thân, muốn nhanh chóng có tiền thỏa mãn nhu cầu ăn chơi, đua đòi lối sống thực dụng. Bị cáo S, đã bị kết án nhiều lần và được tập trung cải tạo nhưng không tu dưỡng, đức tính mà coi thường pháp luật. Việc phạm tội của các bị cáo đã làm cho nhân dân nghi ngờ lẩn nhau, thiếu an tâm vấn đề an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến việc nuôi trồng, tăng gia sản suất của địa phương.

[4] Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Tình tiết tăng nặng: Bị cáo Lê Phước S thực hiện hành vi trộm cắp hai lần ở hai thời điểm khác nhau về thời gian, trong đó có 01 lần giá trị dưới 2.000.000đ nhưng vì đã có án tích nên phạm tội nhiều lần quy định ở điểm g khoản 1 Điều 52 và tái phạm quy định ở điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Kê Văn L không phạm tình tiết tăng nặng.

Tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo Kê Văn L là người khởi xướng nhưng lần đầu phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã tự nguyện nộp tiền bồi thường khắc phục thiệt hại quy định tại điểm i, s và điểm b khoản 1 điều 51 Bộ luật hình sự; bị hại cũng xin giảm nhẹ hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 51; bị cáo L là con em dân tộc ít người nhận thức pháp luật hạn chế; có nơi ở rõ ràng, nhân thân tốt. Bị cáo Lê Phước S thành khẩn khai báo, được quy định tại điểm s khoăn 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

[5] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát: Từ nhận định và căn cứ nêu trên, Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về tội trộm cắp tài sản và mức phạt và tổng hợp hình phạt 15 tháng tù của Bản án số 16/2022/HSST ngày 21-7-2022, của Tòa án nhân dân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và phải cách ly bị cáo S ra khỏi xã hội một thời gian, tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội để răn đe, giáo dục bị cáo và góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, cần được chấp nhận. Bị cáo L giao cho chính quyền địa phương giám sát giáo dục cũng đủ cải tạo thành người công dân tốt.

[6] Lời bào chữa của Trợ giúp viên pháp lý đề nghị áp dụng cho bị cáo L là hộ nghèo để được giảm nhẹ hình phạt là không có căn cứ. Bị cáo Kê Văn L là con em dân tộc thuộc hộ nghèo, nhưng đến thời điểm xét xử không có đơn, hồ sơ xin miễn giảm án phí dân sự, không thể chấp nhận.

[7] Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 và Điều 48 Bộ luật Hình sự.

Cái máy cắt sắt hiệu FEG mod EG-936 đã qua sử dụng; 01 con chim Chào mào; 01 con chim Sáo sậu; 04 hủ đựng thức ăn cho chim; 01 lồng gỗ hình hộp chữ nhật; 01 lồng kim loại hình tròn kích thước (0,6 x 0,3)m; 01 lồng kim loại kích thước (0,11 x 0,52)m; 01 hủ nhựa cho chim ăn không có giá đã giao trả cho bị hại và người có quyền lợi liên quan đúng quy định pháp luật không có ai yêu cầu, không xem xét thêm.

Con chim Khướu bạc má hiện nay tạm giao cho Vườn Quốc gia Bạch mã quản lý là loài động vật rừng thuộc nhóm IIB, loài nguy cấp quý hiếm, anh L nuôi nhốt chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép nên tịch thu, không trả lại cho anh L, mà phải được trả về với tự nhiện theo Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẩn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoangh dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự”; Thông tư số 19/2019/TTBNNPTNT ngày 31/12/2019 của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn “Quy định xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng, động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước”.

[8] Về trách nhiệm dân sự:

Hai bị cáo phải liên đới bồi thường cho bị hại và hoàn trả tiền lại cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là 2.012.000đ, theo phần được chia:

+ Kê Văn L bồi thường cho vợ chồng Hồ Qu giá trị con gà trống 250.000đ, tiền do bị cáo S chia 230.000đ. Hoàn trả tiền cho anh Pi Riu M mua chim Chào mào 300.000đ; hoàn trả anh A Viết Ngh 300.000đ tiền bán máy cưa sắt. Tổng cộng 1.080.000đ.

Kê Văn L đã nộp số tiền 1.000.000đ để bảo đảm cho việc thi hành án đang tạm gửi ở kho bạc ngày 01/8/2022, thì tiếp tục tạm giữ để bảo đảm cho việc thi hành án.

+ Lê Phước S bồi thường cho vợ chồng anh Hồ Qu giá trị 4 bao thuốc hiệu GAIGON SLIM 52.000đ, tiền Việt Nam bị chiếm đoạt 330.000đ. Hoàn trả lại anh A Viết Ngh 300.000đ tiền bán máy cưa sắt. Con chim Khướu mun Hoàng Văn L nuôi bị chiếm đoạt là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm không được bồi thường thiệt hại, vì người chiếm hữu, sử dụng, định đoạt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi sở hữu trái pháp luật. nhưng bị cáo S phải hoàn trả cho anh Pi Riu M 250.000đ. Hồ Văn Ư được giải thích không nhận lại số tiền 150.000đ thì thôi.

[9] Về án phí: Lê Phước S và Kê Văn L, mỗi bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000đ và án phí dân sự không có giá ngạch theo quy định của pháp luật 300.000đ.

[10] Về quyền kháng cáo: Các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thực hiện quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

1. Áp dụng khoản 1 Điều 173; Điều 17, điểm g, điểm h khoản 1 Điều 52; điểm s, khoản 1 Điều 51; Điều 38 và Điều 56 Bộ luật hình sự đối với Lê Phước S. Áp dụng khoản 1 Điều 173; Điều 17; điểm b, i, s, khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự đối với Kê Văn L.

2. Tuyên bố: Bị cáo Lê Phước S và Kê Văn L phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

 Xử phạt bị cáo Lê Phước S 09 (Chín) tháng tù; tổng hợp hình phạt 15 tháng tù của Bản án số 16/2022/HSST ngày 21-7-2022, của Tòa án nhân dân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung 24 tháng. Thời gian thi hành án tính từ ngày 08/4/2022.

Xử phạt bị cáo Kê Văn L 06 (Sáu) tháng tù, cho hưởng án treo; thời gian thử thách 12 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 22/11/2022.

Giao bị cáo Kê Văn L cho Ủy ban nhân dân xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Về vật chứng: Con chim Khướu bạc má, tên khoa học là Pterorhinus chinensis hiện nay tạm giao cho Vườn Quốc gia Bạch mã quản lý là loài động vật rừng thuộc nhóm IIB, loài nguy cấp quý hiếm, anh L nuôi nhốt chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép nên tịch thu không trả lại cho anh L, giao cho Vườn Quốc gia Bạch mã trả về tự nhiên.

3. Về dân sự: Áp dụng Điều 584, 586, 587 và Điều 589 Bộ luật Dân sự:

Buộc bị cáo Lê Phước S và bị cáo Kê Văn L phải liên đới bồi thường cho bị hại và hoàn trả lại cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là 2.012.000đ, theo phần được chia mỗi bị cáo bồi thường như sau:

+ Kê Văn L bồi thường cho vợ chồng Hồ Qu giá trị con gà trống 250.000đ và tiền Việt Nam đã chiếm đoạt 230.000đ. Hoàn trả cho anh Pi Riu M tiền mua chim Chào mào 300.000đ. Hoàn trả anh A Viết Ngh 300.000đ tiền bán máy cưa sắt. Tổng cộng 1.080.000đ.

Kê Văn L đã tự nguyện nộp số tiền 1.000.000đ để thi hành án đang tạm gửi ở kho bạc theo biên bản bàn giao ngày 01/8/2022, thì tiếp tục tạm giữ để bảo đảm cho việc thi hành án.

+ Lê Phước S bồi thường cho vợ chồng anh Hồ Qu giá trị 4 bao thuốc hiệu GAIGON SLIM là 52.000đ và tiền Việt Nam bị chiếm đoạt 330.000đ. Hoàn trả lại anh A Viết Ngh 300.000đ. Hoàn trả lại cho anh Pi Riu M 250.000đ. Tổng số tiền bị cáo S bồi thường, bồi hoàn là 932.000đ. Hồ Văn Ư không yêu cầu nhận lại tiền mua chim, không buộc bị cáo S phải phải bồi hoàn. Con chim Khướu mun là động vật hoang dã Hoàng Văn L nuôi trái phép không được bồi thường.

5. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23, Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Buộc Lê Phước S và Kê Văn L mỗi bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000đ và 300.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm. Tổng án phí mỗi bị cáo phải nộp 500.000đ (Năm trăm ngàn đồng).

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật và người có quyền yêu cầu thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ khoản tiền bồi thường thì phải trả lãi tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

6. Về quyền kháng cáo: Các bị cáo, các bị hại có quyền kháng cáo vụ án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo phần liên quan quyền lợi của mình trong thời hạn 15 ngày tính từ ngày tuyên án sơ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

16
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội trộm cắp tài sản số 21/2022/HS-ST

Số hiệu:21/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện A Lưới - Thừa Thiên Huế
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/11/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về