Bản án về tội tổ chức người khác ở lại nước ngoài trái phép số 181/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 181/2023/HS-PT NGÀY 21/03/2023 VỀ TỘI TỔ CHỨC NGƯỜI KHÁC Ở LẠI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP

Ngày 21 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 475/2022/TLPT-HS ngày 27 tháng 5 năm 2022 đối với bị cáo Trương Thị N do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2022/HS-ST ngày 25 tháng 4 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

* Bị cáo có kháng cáo: Trương Thị N; sinh ngày 23/9/1972 tại huyện H, tỉnh Thanh Hóa; Giới tính: Nữ; Tên gọi khác: Không; Nơi cư trú: Thôn I, xã H, huyện H, tỉnh Thanh Hóa. Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hóa: 7/12; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Họ và tên cha: Trương Đình T (đã chết); Họ và tên mẹ: Lê Thị L (đã chết); Họ và tên chồng: Hồ Hữu T1, sinh năm 1963. Có 02 con, lớn sinh năm 1994, nhỏ sinh năm 1995; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 08/8/2021 đến 17/8/2021 bị tạm giam; từ ngày 27/8/2021 bị áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo: Các luật sư Đinh Thị N1, Hồ Minh L1 - Công ty L2, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Có mặt.

Ngoài ra, trong vụ án còn có những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Đầu năm 2009, Trương Thị N sang Trung Quốc lao động, đầu năm 2010 N về Việt Nam ăn tết. Biết N vừa lao động bên Trung Quốc về nên một số công dân ở các xã thuộc huyện H, tỉnh Thanh Hóa đến nhà hỏi thăm và đặt vấn đề với N giúp đưa sang Trung Quốc để lao động. Tại đây, N có nói cho mọi người biết nếu muốn sang Trung Quốc để lao động thì phải đi theo hình thức visa du lịch, trong thời hạn 15 ngày hoặc 30 ngày, sau khi sang đến nơi N sẽ lo cho chỗ ăn ở và bố trí công việc làm lâu dài tại các xưởng với mức lương từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/một tháng. Chi phí tiền đi sang Trung Quốc từ 3.500.000 đồng đến 12.000.000 đồng/một người tùy mối quan hệ, những người này nhờ N đưa đi Trung Quốc lao động với hình thức thông qua con đường du lịch để trốn ở lại lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc.

Sau đó Trương Thị N có gặp Cao Ngọc H, sinh năm 1973, trú tại xã H, huyện H, tỉnh Thanh Hóa là em rể của N, và trao đổi với H nếu có họ hàng, người thân muốn sang Trung Quốc lao động thì N giúp đưa sang Trung Quốc lao động.

Cao Ngọc H khai: N và H đã bàn bạc, thỏa thuận với nhau trong việc đưa người sang Trung Quốc lao động. Theo đó, H là người tuyển lao động, thu tiền, đứng ra làm các thủ tục (hộ chiếu, visa) ở Việt Nam và đưa lao động ra Cửa khẩu M1, tỉnh Quảng Ninh. N sẽ đón người sang Trung Quốc và tổ chức cho họ lao động trái phép tại các xưởng tư nhân, không phải đi du lịch. Với hình thức trên, Cao Ngọc H cùng Trương Thị N đã đưa được 62 trường hợp sang Trung Quốc, ngoài ra Trương Thị N còn đưa và tổ chức riêng cho 32 trường hợp. Tất cả các trường hợp trên đều nhập cảnh sang Trung Quốc theo hình thức visa du lịch với thời hạn 01 tháng, được N và H tổ chức trốn ở lại khi đã hết thời hạn xuất, nhập cảnh.

Sau đó, có một số công dân bị phía Trung Quốc bắt do cư trú bất hợp pháp, khi bị trục xuất về Việt Nam đã làm đơn tố cáo N và H. Cơ quan An ninh điều tra đã điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cao Ngọc H và Trương Thị N, lúc này N đang cư trú ở Trung Quốc, biết sự việc bị phát hiện, N đã trốn ở lại Trung Quốc nên cơ quan điều tra đã tiến hành truy nã và ra quyết định tách vụ án đối với Trương Thị N. Ngày 28/9/2011 Cao Ngọc H bị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xử phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Khoảng tháng 5/2021, Trương Thị N được gia đình vận động từ Trung Quốc về Việt Nam để ra đầu thú. Do không có giấy tờ tùy thân và cư trú bất hợp pháp từ năm 2011 đến nay, nên trên đường về Việt Nam, N bị Công an Trung Quốc bắt và cách ly đến ngày 03/8/2021 mới được trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu M1, tỉnh Quảng Ninh. Khi được đưa vào khu cách ly tập trung, N thông tin về cho gia đình biết đang bị cách ly tập trung tại Khu C, phường T, thành phố M, tỉnh Quảng Ninh, gia đình N đã báo cáo về việc này với Cơ quan điều tra. Ngày 08/8/2021, Cơ quan An ninh điều tra đã xác minh và bắt N theo quyết định truy nã.

Quá trình điều tra Cơ quan điều tra chỉ thu thập được tài liệu chứng cứ, xác định từ năm 2010 đến khi bị tố giác Trương Thị N đã đưa tổng số 16 người đi làm 03 lần theo dạng visa du lịch sang Trung Quốc và tổ chức cho họ trốn ở lại lao động tại Trung Quốc, cụ thể như sau:

Lần thứ nhất: Vào năm 2009, N đang lao động tại Trung Quốc, trong một lần về quê, N được bà Nguyễn Thị C sinh năm 1968 ở thôn V, xã H, huyện H (đã chết) đến hỏi thăm sức khỏe và công việc của N bên Trung Quốc và ngỏ ý muốn sang Trung Quốc để lao động. N bảo nếu muốn đi phải làm hộ chiếu và xin visa du lịch để nhập cảnh sang Trung Quốc bằng con đường hợp pháp, khi sang N sẽ liên hệ việc làm ở lại lao động là ở chui bất hợp pháp, bà C đồng ý. Sau đó N hướng dẫn đi làm hộ chiếu, khi lấy được hộ chiếu bà C đưa hộ chiếu cho N để xin visa, sau khi hoàn tất các thủ tục N đưa bà C sang Trung Quốc và tổ chức cho bà C trốn ở lại lao động. Do thời gian đã lâu nên N không nhớ đã thu của bà C bao nhiêu tiền. Vì công việc vất vả, lương không đảm bảo nên đến tháng 01/2010 (âm lịch) bà Nguyễn Thị C đã xin về Việt Nam và được N bắt xe, nhờ người đưa bà C vượt biên về Việt Nam bằng đường tiểu ngạch (vượt sông) qua địa bàn M, tỉnh Quảng Ninh.

Lần thứ hai: Vào tháng 02/2010, N về quê ăn Tết Nguyên đán và đến nhà Trương Đình H1 ở thôn L, xã H, huyện H (anh trai của N) để chơi. Tại nhà H1, N trao đổi với H1 nếu có con em trong nhà muốn sang Trung Quốc lao động thì gọi cho em. Khoảng vài ngày sau, N quay lại Trung Quốc để tiếp tục lao động, tại thời điểm này có 11 người gồm: Lê Văn T2, sinh năm 1990; Phạm Văn Đ, sinh năm 1973; Lê Xuân T3, sinh năm 1994; Lê Thị N2, sinh năm 1994; Lê Văn T4, sinh năm 1987; Nguyễn Đăng T5, sinh năm 1983; Lê Trương M, sinh năm 1977; Lê Văn Đ1, sinh năm 1979; Lê Trương T6, sinh năm 1979; Nguyễn Viết Đ2, sinh năm 1992 và Nguyễn Văn C1 sinh năm 1993 đều ở xã H, huyện H, tỉnh Thanh Hóa gọi điện cho N nhờ N lo việc làm bên Trung Quốc, N tư vấn cụ thể cho từng trường hợp về mức lương, công việc, chi phí trọn gói đi, hình thức đi và sau đó sẽ trốn ở lại Trung Quốc lao động trái phép. Sau khi các trường hợp trên đồng ý đi, N hướng dẫn họ đến nhà H1 để nộp tiền. N gọi điện về nhờ H1 khi nào có người đến nộp tiền để đi lao động tại Trung Quốc thì thu tiền giúp N và dẫn họ lên Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thanh Hóa để làm hộ chiếu. Do thời điểm này biết Cao Ngọc H cũng đang tuyển người đưa sang Trung Quốc lao động nên N đã gọi điện cho H để nhờ H đi xin visa cho các lao động này và được H đồng ý giúp. Nhàn dặn H1 khi nào có hộ chiếu của các trường hợp trên thì H1 cầm hộ chiếu đưa lại cho H để đi xin visa, sau khi hoàn tất các thủ tục, N gọi điện về cho H1 thông báo cho các lao động biết lịch đi và nhờ H1 bắt xe đưa các lao động này ra M, tỉnh Quảng Ninh để xuất cảnh sang Trung Quốc. Theo lịch hẹn, H1 bắt xe khách đưa 11 lao động từ khu vực Cầu T phường T, T M, tỉnh Quảng Ninh và bố trí khách sạn để các lao động nghỉ qua đêm, sáng ngày hôm sau H1 dẫn các lao động này ra cửa khẩu để họ làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc rồi H1 quay về Thanh Hóa. Khi các lao động xuất cảnh qua Trung Quốc, N nhờ người phụ nữ tên T7 làm bốc vác tại cửa khẩu bên Trung Quốc (N không biết danh tính. địa chỉ cụ thể của người phụ nữ này) đón và bắt xe đưa về chỗ N đang làm việc. Tại đây, các lao động được Nhàn bố trí chỗ ăn, ở, mua các đồ dùng cá nhân và xin việc làm tại các xưởng sản xuất đồ chơi, xưởng hoa… khi hết thời hạn visa, N vẫn tiếp tục bố trí cho những lao động này làm việc chui tại các xưởng nêu trên, N là người trực tiếp quản lý, chấm công, theo dõi và nhận tiền hàng tháng từ các chủ xưởng để trả lương cho các lao động. Khi các lao động trên yêu cầu N đưa về Việt Nam thì N bắt xe cho họ đi đến cửa khẩu và nhờ người đưa họ về Việt Nam bằng đường vượt biên (vượt sông). Mỗi trường hợp nêu trên N đều thu 12.000.000đồng/01 người, việc đưa các trường hợp nêu trên sang Trung Quốc sau đó tổ chức cho họ trốn ở lại lao động, N không nói cho H1 biết.

Lần thứ ba: Vào khoảng tháng 4/2010 (âm lịch) cũng với hình thức nêu trên Trương Thị N tiếp tục đưa 04 người là Trương Thị H2, Lê Thị N2 ở xã H, huyện H (đều là cháu ruột của N) và Lê Văn C2, Lê Văn D ở xã H, huyện H sang Trung Quốc rồi tổ chức cho họ trốn ở lại lao động. Trước khi 04 trường hợp trên đi sang Trung Quốc, N hướng dẫn họ đến nhà Cao Ngọc H để nộp tiền, đồng thời nhờ H thu tiền, dẫn đi làm hộ chiếu, xin visa, đưa 04 trường hợp này ra M, tỉnh Quảng Ninh sau đó N từ Trung Quốc trở về M để đón 04 trường hợp nêu trên sang Trung Quốc lao động, cùng thời điểm này Cao Ngọc H cũng đưa một số lao động do H trực tiếp tuyển sang Trung Quốc để lao động. Giống như các trường hợp trước N là người trực tiếp bố trí chỗ ăn, chỗ nghỉ, xin việc, chấm công, theo dõi, nhận lương từ các chủ xưởng để trả cho 04 lao động trên. Các trường hợp này ở lại lao động đến khoảng tháng 10/2010 thì trở về Việt Nam.

Quá trình điều tra xác định tổng số tiền Trương Thị N thu được của các lao động là 145.300.000 đồng (trong đó, N nhờ Trương Đình H1 thu của 11 trường hợp số tiền là 114.000.000 đồng; 04 trường hợp N bảo nộp trực tiếp cho Cao Ngọc H với tổng số tiền là 31.300.000 đồng). đối với trường hợp của Nguyễn Thị C, N không nhớ là đã thu bao nhiêu tiền. Về số tiền đã thu được, N dặn H1 đưa cho H 15.000.000 đồng để xin visa, số tiền còn lại trừ đi chi phí tiền xe, tiền phòng H1 đưa cho Lê Trương T6 cầm sang đưa cho N. Số tiền Nhàn thu của các lao động nêu trên ngoài việc chi trả cho các chi phí làm hộ chiếu, xin visa, tiền ăn, tiền nghỉ, tiền xe ra M, tỉnh Quảng Ninh và tiền xe từ của khẩu đến nơi làm việc, tiền thuê người đón, dẫn đường, tiền đồ dùng cá nhân, chăn, đệm, điện thoại cho các lao động, tiền ăn cho người lao động khi đợi tìm việc làm… do vậy việc hưởng lợi từ số tiền thu được của các trường hợp trên không đáng kể, N không nhớ là đã được hưởng lợi bao nhiêu, mục đích của N là giúp đỡ người mọi người kiếm thêm thu nhập và nếu N đưa được nhiều người sang làm việc lâu dài (trên 01 năm) cho các chủ doanh nghiệp ở Trung Quốc thì hàng năm, vào dịp lễ tết Nhàn sẽ được các ông chủ thưởng hoặc trích hoa hồng cho N, nhưng tại thời điểm đó số người Nhàn đưa sang làm việc chỉ trong thời gian ngắn, nhiều nhất là hơn 01 năm còn thường chỉ có mấy tháng nên N chưa được thưởng hoặc trích lại hoa hồng, ngoài ra không có mục đích gì khác.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2022/HS-ST ngày 25 tháng 4 năm 2022, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tuyên bố: Bị cáo Trương Thị N phạm tội “Tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái phép”. Áp dụng: Khoản 2 Điều 275; Điểm p, q khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999; Xử phạt: Trương Thị Nhàn 03 (Ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 08/8/2021 đến ngày 27/8/2021. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định.

Ngày 07/5/2022, bị cáo Trương Thị N có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên toà:

- Bị cáo trình bày do thiếu hiểu biết về pháp luật và thấy một số lao động tại địa phương, con cháu trong nhà muốn đi Trung Quốc làm việc kiếm thêm thu nhập nên đã thực hiện hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã nêu. Bị cáo rất ân hận nên về Việt Nam là để đầu thú theo vận động của gia đình và cơ quan điều tra. Hoàn cảnh gia đình bị cáo hiện rất khó khăn, chồng bị cáo là ông Hồ Hữu T1 bị tai nạn tổn thương sọ não hiện đang điều trị tại bệnh viện, bố đẻ là người có công với cách mạng, hiện nay bị cáo cũng đang chăm sóc phụng dưỡng mẹ của liệt sỹ, xin Hội đồng xét xử cho bị cáo hưởng án treo.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa có quan điểm: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm thấy Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo Trương Thị N phạm tội “Tổ chức người khác ở lại nước ngoài trái phép”, áp dụng khoản 2 Điều 275; điểm p, q khoản 1 Điều 46; Điều 33 Bộ luật Hình sự 1999 và xử phạt bị cáo 03 năm tù là có căn cứ đúng quy định của pháp luật. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm p, q khoản 1 Điều 46; Bộ luật Hình sự 1999 nên mới được Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt 3 năm tù. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo xuất trình nhiều tình tiết mới. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo cho bị cáo được hưởng án treo.

- Luật sư bào chữa cho bị cáo có quan điểm: Bị cáo Trương Thị N chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, mong muốn giúp đỡ người thân, người quen có công ăn việc làm, bị cáo không có vụ lợi gì mà còn giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn có công việc ổn định và thu nhập tốt, có tiền để gửi về cho gia đình sinh sống, việc này đã được những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan xác nhận và có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Trong thời gian cư trú tại địa phương bị cáo là người luôn chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, chưa có tiền án tiền sự, là người tích cực tham gia đóng góp vào quỹ từ thiện nhân đạo tại địa phương, đóng góp rất nhiều vào quỹ phòng chống dịch covid 19, được Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam ghi nhận tặng thưởng giấy khen. Bị cáo có ông ngoại và bố đẻ là những người có công với cách mạng, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Bằng khen và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bị cáo là người có khả năng tự cải tạo, nếu cho bị cáo hưởng án treo sẽ không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, bị cáo hiện cũng có nhiều bệnh trong người cần được điều trị; có thời điểm bị cáo được chuẩn đoán bị ung thư dạ dày và phải điều trị 2 năm tại Trung Quốc, hoàn cảnh hiện nay của gia đình đặc biệt khó khăn: Phải nuôi dưỡng mẹ liệt sỹ và chồng bị tai nạn mất khả năng lao động. Hơn nữa, nếu áp dụng hình phạt tù giam đối với bị cáo N có thể gián tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe, tính mạng của 2 người đang sống phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của bị cáo Trương Thị N là bà Lê Thị C3 (mẹ liệt sĩ) và chồng là ông Hồ Hữu T1.

Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng khoản 2 Điều 275 Bộ luật Hình sự 1999; điểm p, điểm q khoản 1 Điều 46, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999, Điều 60 bộ luật hình sự 1999; khoản 6.1 Điều 6 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 02/10/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt; để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trương Thị N và cho bị cáo Trương Thị N được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tố tụng:

- Trong quá trình điều tra, truy tố, các quyết định tố tụng, và hành vi tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá, của Điều tra viên, Kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký phiên tòa sơ thẩm đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Căn cứ Điều 331, 332, 333 Bộ luật tố tụng hình sự nhận thấy các kháng cáo đều trong hạn và đúng thủ tục luật định, đủ điều kiện xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2]. Về nội dung: Tại phiên toà, bị cáo Trương Thị N khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của những người liên quan, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ thu thập có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử đủ căn cứ kết luận: Trong năm 2009 và năm 2010 Trương Thị N đã hướng dẫn cho 16 trường hợp là người thân trong gia đình và một số công dân ở các xã thuộc huyện H, tỉnh Thanh Hóa làm hộ chiếu, xin visa đi du lịch sang Trung Quốc, sau đó N bố trí, sắp xếp cho các công dân này ở lại lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc.

Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xử phạt Trương Thị N về tội “Tổ chức người khác ở lại nước ngoài trái phép” theo quy định tại khoản 2, Điều 275 Bộ luật Hình sự năm 1999 là đúng người, đúng tội.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo:

Hành vi của bị cáo đã trực tiếp xâm hại đến các quy định của Nhà nước về quản lý dân cư, quản lý hoạt động xuất nhập cảnh, trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư, quản lý hoạt động xuất nhập cảnh. Bị cáo đã tổ chức cho 16 trường hợp đi sang Trung Quốc bằng con đường du lịch sau đó tổ chức cho họ ở lại lao động bất hợp pháp do vậy cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên xem xét các tình tiết mới tại phiên tòa phúc thẩm và những tài liệu có trong hồ sơ Hội đồng xét xử thấy:

- Về việc bị cáo đầu thú: Trên thực tế, sau khi được người thân vận động, bản thân bị cáo đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình, đã có ý thức chủ động từ Trung Quốc về Việt Nam để đầu thú. Việc bị cáo bị đưa đi cách ly là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc bị cáo chưa thể hoàn thành việc đầu thú. Bởi trong suốt quá trình này bị cáo vẫn liên lạc với gia đình và cơ quan điều tra về hành trình của mình cho thấy bị cáo thực sự muốn đầu thú và không hề thay đổi ý định đầu thú của mình, bị cáo hoàn toàn hợp tác khi cán bộ thuộc cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đến tiếp nhận. Việc đầu thú của bị cáo N còn được ghi nhận tại Đơn đề nghị của anh Hồ Hữu Q là con trai của bị cáo đề ngày 08/05/2021 gửi Cơ quan an ninh điều tra trong đó ghi rõ: “...Gia đình thông báo cho mẹ biết mẹ bị cơ quan chức năng truy nã nên gia đình vận động mẹ về để làm rõ hành vi phạm tội của mẹ, sau khi được gia đình vận động mẹ tôi đồng ý trở về để làm rõ sự việc. Dự kiến 1-2 tuần tới sẽ về Việt Nam và đến Công an tỉnh Thanh Hóa đầu thú ... đề nghị Cơ quan an ninh điều tra bố trí tiếp nhận mẹ tôi tại cửa khẩu. Sau khi biết được mẹ về cửa khẩu nào thì sẽ báo cáo ngay với cơ quan an ninh điều tra đến tiếp nhận”. Ngày 05/08/2021 anh Hồ Hữu Q tiếp tục có Đơn đề nghị gửi Cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh Thanh Hóa về việc “đề nghị cơ quan tiếp nhận mẹ tôi là Trương Thị N ra đầu thú để hướng chính sách khoan hồng của pháp luật... tiếp nhận mẹ tôi tại cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh để mẹ tôi được ra đầu thú theo quy định” (bút lục số 459, 460). Ngoài ra, ngày 08/08/2021 anh Hồ Hữu Q có giấy báo cáo nhận diện mẹ đẻ Trương Thị N thông qua ảnh mà Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa gửi; Theo thông tin gia đình cung cấp, ngày 08/08/2021 tại khu C, phường T, thành phố M, tỉnh Quảng Ninh, Cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ bị cáo Trương Thị N; tại Công văn số 2155/BC- CATP ngày 8/8/2021 của C4 (bút lục 469) cũng đã ghi nhận: “Trương Thị N đã gọi điện nhờ người nhà thông tin đến Cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh Thanh Hóa để đầu thú”. Kết luận điều tra ngày 13/1/2022 của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa (bút lục 604) cũng đã ghi nhận: “Cùng ngày sau khi được đưa vào khu cách ly tập trung ở TP M, N thông tin về cho gia đình biết hiện nay đang bị cách ly tập trung tại khu C, phường T, thành phố M, tỉnh Quảng Ninh, gia đình N đã báo cáo về việc này”. Vì vậy, ngày 08/08/2021, Cơ quan an ninh điều tra đã xác minh và giữ N theo quyết định truy nã.

- Về hoàn cảnh gia đình bị cáo: Hoàn cảnh gia đình bị cáo N đang gặp rất nhiều khó khăn khi bị cáo đang chung sống, nuôi dưỡng bà Lê Thị C3 là mẹ liệt sĩ Hồ Hữu T8 đã già yếu không thể tự chăm sóc cho bản thân, ngoài ra, bị cáo còn đang chăm sóc và cứu chữa cho chồng bị tai nạn chấn thương sọ não, đang trong tình trạng rất nguy kịch, nguy hiểm tới tính mạng, bản thân bị cáo đang mắc nhiều bệnh dẫn đến suy giảm khả năng lao động, thu nhập giảm sút, hồ sơ bệnh án thể hiện: Não thất bên trái xuất hiện một số nốt thoái hóa myelin chất trắng; thoái hóa phồng đĩa đệm L4/5L5/S1 chèn ép rễ thần kinh hai bên; Viêm khớp vùng chậu; Thoái hóa cột sống thắt lưng, gai xương đốt sống. Mặc dù có nhiều bệnh như đã nêu trên nhưng hiện bị cáo lại là lao động duy nhất trong gia đình có chồng và mẹ chồng không thể đi lại, sinh hoạt và mất hoàn toàn khả năng lao động.

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án có đơn xác nhận họ là những người chủ động liên hệ nhờ bị cáo giúp đỡ sang Trung Quốc lao động. Các chi phí liên quan đến việc sang nước ngoài lao động đều do họ chủ động, tự nguyện chuyển cho bị cáo gồm chi phí làm hộ chiếu, đi lại từ Thanh Hóa đến cửa khẩu M1 và từ cửa khẩu M1 sang Trung Quốc, chi phí sinh hoạt, mua đồ dùng, ăn uống những ngày chưa đi làm, chi phí xin việc làm, thực tế bị cáo không được hưởng lợi từ số tiền này.

- Bị cáo bị xử phạt tù không quá 03 năm, thời gian thực hiện hành vi phạm tội đã lâu, có nhân thân tốt. Bị cáo đã tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, tham gia quỹ từ thiện và tích cực phòng chống dịch Covid 19 được chính quyền địa phương ghi nhận.

Xét thấy, bị cáo Trương Thị N có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 như: Nuôi dưỡng mẹ liệt sỹ; Có ông ngoại là chiến sỹ dân quân trong trung đội được Nhà nước phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì bắn rơi máy bay Mỹ; Có bố đẻ là ông Trương Đình T là người có công với cách mạng được UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen vì có thành tích trong kháng chiến chống Mỹ; Được Bộ cấp Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến; có nơi cư trú rõ ràng. Trong vụ án này bị cáo tham gia với vai trò đồng phạm, thấp hơn bị cáo Cao Ngọc H.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đánh giá đầy đủ tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo. Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử giữ nguyên mức hình phạt 3 năm tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật.

Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự

Chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo Trương Thị N; Sửa một phần quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2022/HS-ST ngày 25 tháng 4 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như sau:

1. Tuyên bố: Bị cáo Trương Thị N phạm tội “Tổ chức người khác ở lại nước ngoài trái phép”.

Áp dụng: Khoản 2 Điều 275; Điểm p, q khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999. Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 1999 Xử phạt: Trương Thị N 03 (Ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 60 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Trương Thị N cho UBND xã H, huyện H, tỉnh Thanh Hóa, giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Về án phí: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Xác nhận bị cáo đã nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm được thể hiện tại Biên lai số AA/2021/0007946 ngày 25/5/2022 của Cục thi hành án tỉnh Thanh Hóa.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

201
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tổ chức người khác ở lại nước ngoài trái phép số 181/2023/HS-PT

Số hiệu:181/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:21/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về