TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
BẢN ÁN 15/2022/HS-ST NGÀY 06/04/2022 VỀ TỘI TỔ CHỨC, MÔI GIỚI CHO NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI
Ngày 06 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 84/2021/TLST - HS ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07/2022/QĐXXST-HS ngày 28 tháng 02 năm 2022; Thông báo về việc thay đổi thời gian mở phiên tòa số 19/2022/TB- TA ngày 08 tháng 3 năm 2022 đối với:
Bị cáo Phạm Thị T, sinh năm 1982.
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn Nh, xã Th, huyện Th2, tỉnh Thái Bình; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không;Trình độ văn hóa: 9/12; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Con ông Phạm Văn N và bà Trần Thị K (đều đã chết); Có chồng là Hà Đồng C (đã chết) và 02 con.
Tiền án, tiền sự: Không;
Bị bắt tạm giam từ ngày 21/9/2021 đến nay, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình. Bị cáo được trích xuất có mặt tại phiên tòa.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 2000; nơi cư trú: Thôn A, xã T, huyện Th2, tỉnh Thái Bình;
+ Chị Vũ Th, sinh năm 2000; nơi cư trú: Thôn Đ, xã Đ, huyện Q, tỉnh Thái Bình.
(chị Ng và chị Tr có Đơn xin xét xử vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Đầu năm 2017, do có nhu cầu sang Trung Quốc lao động, Phạm Thị T nhờ một người phụ nữ không biết tên, tuổi, địa chỉ trú tại tỉnh Lạng Sơn có “đường dây” đưa người Việt Nam sang Trung Quốc lao động bằng con đường xuất cảnh trái phép và được người này đồng ý. Người này đã đưa Phạm Thị T xuất cảnh trái phép qua biên giới tỉnh Lạng Sơn sang San Thầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và làm việc tại một xưởng may quần áo. Quá trình lao động ở đây, một người đàn ông Trung Quốc có nhờ T tìm người Việt Nam sang làm việc tại xưởng sản xuất đồ chơi do người này sở hữu, công việc là sản xuất đồ chơi trẻ em với mức lương từ 2000 đến 3000 Nhân dân tệ (NDT)/tháng, bao ăn, ở tại xưởng, T nhận lời tìm người lao động giúp người này. T liên hệ với người phụ nữ đã đưa T xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lần trước và người này thống nhất sẽ tổ chức đưa người Việt Nam đi Trung Quốc qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến San Thầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với chi phí vượt biên là 1200 NDT/người.
Trong tháng 7 và tháng 11 năm 2017, Phạm Thị T đã 2 lần tổ chức đưa người Việt Nam trốn đi Trung Quốc với mục đích lao động, cụ thể như sau:
Lần thứ nhất: Tháng 5/2017, T từ Trung Quốc trở về Việt Nam và thông qua mối quan hệ xã hội, T quen biết với Nguyễn Thị H. Sau đó, T thường xuyên liên lạc với Ng, giới thiệu mình quen biết với chủ xưởng may và chủ xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đang có nhu cầu tuyển lao động, mức lương từ 2000 đến 3000 NDT/tháng, chủ bao ăn ở tại xưởng. Chi phí xuất cảnh sang Trung Quốc lao động hết khoảng 2000 NDT/người bao gồm chi phí ăn uống, đi lại và thuê người đưa vượt biên. Hình thức đi sang Trung Quốc lao động sẽ đi theo đường tiểu ngạch, vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Do Ng không có tiền, nên T thỏa thuận sẽ ứng trước cho Ng vay tiền đi, khi đi làm có lương Ng phải trả lại tiền cho T. Sau khi Ng nhờ T đưa sang Trung Quốc lao động, thông qua mạng xã hội Wechat, T liên hệ với chủ xưởng sản xuất đồ chơi để bố trí việc làm. Chiều ngày 19/7/2017, T hẹn Ng đến khu vực Ngã tư Gia Lễ, xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình sau đó cả hai đi xe khách đến Bến xe Lạng Sơn. Chi phí đi xe hết 200.000 đồng/người do T chi trả. Đến khoảng 04 giờ sáng ngày 20/7/2017, khi đến bến xe Lạng Sơn, T liên hệ với người phụ nữ Lạng Sơn để bố trí vượt biên sang Trung Quốc. Người phụ nữ này đi xe ô tô đến đón T và Ng đưa đến một ngôi nhà thuộc khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn để chuẩn bị vượt biên sang Trung Quốc, đồng thời thu của T và Ng mỗi người 1200 NDT. Đến trưa ngày 21/7/2017, khi đến San Thầu, Quảng Đông, Trung Quốc, T gọi taxi chở Ng về xưởng sản xuất đồ chơi mà T đã liên hệ từ trước. Sau khi bàn giao Ng cho chủ xưởng sản xuất, ngày 24/7/2017, T về xưởng may của mình để tiếp tục làm việc. Khoảng tháng 8/2017, sau khi nhận tiền lương, Ng liên hệ trả cho T số tiền 2000NDT. Tháng 10/2017, T lại nhập cảnh trái phép về nước. Sau khi biết T về nước, Ng nhờ T liên hệ để đưa về nước thì T hướng dẫn Ng liên hệ với một số người Việt Nam làm việc tại đây đưa giúp về nước. Đến khoảng tháng 11/2017 Ng cũng về nước qua đường nhập cảnh trái phép.
Lần thứ hai: Thông qua Nguyễn Thị H, T quen biết với chị Vũ Th. Khi Ng sang Trung Quốc lao động đã thông báo cho Tr biết, do đó tháng 11 năm 2017, T về nước gặp Tr, Tr nhờ T đưa mình sang Trung Quốc lao động. T tư vấn cho Tr về việc xưởng may nơi T làm việc tại San Thầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đang cần người lao động. Công việc là may quần áo, mức lương từ 2000 đến 3000 NDT/tháng, chủ bao ăn, ở tại xưởng. Chi phí đi lao động hết khoảng 2000 NDT/người. Hình thức đi sang Trung Quốc lao động sẽ vượt biên trái phép sang Trung Quốc, chỉ cần chuẩn bị quần áo, đồ dùng cá nhân ngoài ra không phải làm thủ tục gì. Tr đồng ý nhờ T đưa sang Trung Quốc lao động. Do Tr không có tiền đi nên T thỏa thuận sẽ ứng trước cho Tr vay tiền đi, khi đi làm có lương Tr phải trả lại tiền cho T. Tr đồng ý nhờ T đưa Tr vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động.
Khoảng giữa tháng 11/2017, T dẫn Tr đến Bến xe thành phố Thái Bình đi xe khách đến Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội sau đó tiếp tục bắt xe đến bến xe Lạng Sơn. Chi phí đi xe hết khoảng 200.000 đồng/người do T chi trả. Khi đến bến xe Lạng Sơn, T tiếp tục liên hệ với người phụ nữ ở Lạng Sơn và được người này bố trí vượt biên sang San Thầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với chi phí 1200 NDT/người cũng với lộ trình như đưa Ng đi Trung Quốc. Sau khi đến San Thầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, T gọi taxi chở Tr về xưởng may và bàn giao Tr cho chủ xưởng may để sắp xếp công việc, còn T đi làm việc ở nơi khác. Tr ở lại được 3 ngày thì muốn trở về Việt Nam nhưng không liên lạc được với T nên đã nghĩ ra việc nhắn về gia đình ở Việt Nam nói dối bị T lừa bán sang Trung Quốc với mục đích để được giải cứu về Việt Nam. Sau đó, Công an Trung Quốc đến kiểm tra xưởng, Tr bị bắt cùng một số người Việt Nam khác, đến tháng 01/2018 được trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Sau khi về Việt Nam, Tr làm đơn tố cáo T về hành vi mua bán người. T làm việc ở Trung Quốc đến tháng 4/2018 thì về Việt Nam. Sau khi về Việt Nam, biết tin gia đình Tr tố cáo mình lừa bán Tr sang Trung Quốc, T tìm đến nhà Tr để giải thích việc Tr nhờ T đưa sang Trung Quốc lao động, không phải lừa bán Tr sang Trung Quốc. Về số tiền T ứng trước cho Tr vượt biên sang Trung Quốc, T không yêu cầu Tr trả lại tiền.
Cáo trạng số 03/CT-VKSTB ngày 29/12/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã truy tố bị cáo Phạm Thị T về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình vẫn giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Phạm Thị T phạm tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” và áp dụng điểm b khoản 2 Điều 349; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 50, Điều 38 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm Thị T mức án từ 05năm đến 06 năm tù, không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo, ngoài ra còn đề nghị buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Trong phần tranh luận, bị cáo Phạm Thị T không tranh luận gì với đại diện Viện kiểm sát.
Bị cáo nói lời sau cùng, đề nghị Hội đồng xét xử cho hưởng mức án thấp nhất để sớm trở về với gia đình và xã hội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng: Quá trình khởi tố, điều tra, truy tố đối với bị cáo và tiến hành các thủ tục tố tụng khác trong vụ án, các Cơ quan và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền, trình tự, thủ tục; không ai có ý kiến thắc mắc, khiếu nại gì. Tại phiên tòa, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Căn cứ các Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử quyết định tiến hành xét xử vụ án, vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
[2] Về nội dung:
[2.1] Căn cứ lời khai của bị cáo; lời khai của những người quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Công văn số 417/PA08 ngày 17/9/2021 và 452/PA08 ngày 08/10/2021 của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thái Bình; Công văn số 2983 ngày 04/10/2021 của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn; Biên bản làm việc hồi 7giờ ngày 21/9/2021 và 8 giờ 40 ngày 21/9/2021 do Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Bình lập; Căn cư vào diễn biên khách quan hành vi của bị cáo và các tài liệu, chứng cứ chứng minh khác có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận: Trong tháng 7 và tháng 11 năm 2017, Phạm Thị T trực tiếp tư vấn, tổ chức cho chị Nguyễn Thị H và chị Vũ Th đi sang Trung Quốc để lao động trái phép. Khi đi, T liên hệ, ứng tiền, bố trí người cùng T đưa chị Ng và chị Tr xuất cảnh trái phép qua biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn sang San Thầu thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và liên hệ đưa chị Ng và chị Tr giao cho chủ sử dụng lao động ở Trung Quốc.
Hành vi nêu trên của bị cáo Phạm Thị T đã phạm vào tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” với tình tiết định khung “Phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 349 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã truy tố là có căn cứ, đúng người và đúng pháp luật. Điều 349 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
… b) Phạm tội 02 lần trở lên;
… 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
[2.2] Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến trật tự quản lí hành chính, ảnh hưởng xấu đến chính sách đối nội, đối ngoại, xuất nhập cảnh của Nhà nước và là nguồn gốc dẫn đến nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác, gây bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an, an toàn xã hội. Do đó cần áp dụng mức hình phạt nghiêm, cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội mới đủ cải tạo, giáo dục bị cáo và có tác dụng đấu tranh phòng chống, phòng ngừa tội phạm nói chung.
[2.3]Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo thì thấy: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 52 của Bộ luật hình sự. Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ thái độ ăn năn hối cải; bố mẹ đẻ là người có công với cách mạng.Vì vậy Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xét thấy bị cáo tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài lao động trái phép nhưng ứng trước tiền, cho họ vay tiền rồi khi nào có lương họ trả bị cáo, chưa kiếm lời được từ việc phạm tội nên không cần áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với bị cáo.
[3] Đối với người phụ nữ tại tỉnh Lạng Sơn và những người đàn ông Việt Nam, Trung Quốc theo lời khai của bị cáo, chị Ng và chị Tr thì những người này đã thu tiền, để đưa bị cáo, chị Ng và chị Tr vượt biên giới trái phép trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sang Trung Quốc. Quá trình điều tra, xác minh,bị cáo, chị Ng và chị Tr đều không cung cấp được thông tin, địa chỉ cụ thể, nơi ở của những đối tượng này nên Cơ quan điều tra không có căn cứ để xử lý là phù hợp.
Đối với hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép của chị Nguyễn Thị H và chị Vũ Th. Do trước đó chị Ng, chị Tr chưa bị xử phạt hành chính về hành vi xuất cảnh trái phép; đến nay đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nên Cơ quan điều tra không xử lý hành chính đối với chị Nguyễn Thị H, chị Vũ Th là đúng quy định của pháp luật.
[4] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b, khoản 2 Điều 349; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 50; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Phạm Thị T phạm tội“Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”.
2. Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Phạm Thị T 06 (sáu) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21/9/2021.
3. Về án phí: Bị cáo Phạm Thị T phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
4. Về quyền kháng cáo: Bị cáo có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án 06/4/2022. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được tống đạt bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài số 15/2022/HS-ST
Số hiệu: | 15/2022/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thái Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 06/04/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về