Bản án về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép số 819/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 819/2023/HS-PT NGÀY 23/10/2023 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP

Ngày 23 tháng 10 năm 2023, tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 568/2023/TPT-HS ngày 04 tháng 5 năm 2023 đối với bị cáo Nguyễn Văn H cùng các bị cáo khác phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Do có kháng cáo của bị cáo, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 77/2023/HS-ST ngày 11/4/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Văn H; Sinh năm 1970 tại: huyện Đ, tỉnh Thanh Hóa; Nguyên quán: xã C, huyện C, tỉnh Thanh Hóa; Nơi thường trú và nơi ở hiện tại: Thôn K, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Thanh Hóa; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Con ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị H1; Có vợ là Trần Thị H2, sinh năm: 1972; Có 03 con: Lớn nhất sinh năm 1991, con nhỏ nhất sinh năm 2007; Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam. Hiện đang tại ngoại và áp dụng biện pháp ngăn chặn Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

2. Lê Xuân T1; Sinh năm 1969 tại: thành phố T, tỉnh Thanh Hóa; Nguyên quán: phường Đ, thành phố T, tỉnh Thanh Hóa; Nơi ở hiện tại: Số C N, phường N, thành phố T, tỉnh Thanh Hóa; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 12/12; Con ông Lê Xuân T2 và bà Bùi Thị K; Có vợ Nguyễn Thị M, sinh năm: 1977; Có 02 con, con lớn sinh năm 1999, con thứ hai sinh năm 2008; Tiền án, tiền sự: Không; Nhân thân: Ngày 21/5/2013, Lê Xuân T1 bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử phạt 06 năm 06 tháng tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” và tội “Giả mạo trong công tác”. Tính từ ngày bị bắt 12/12/2011 chấp hành án tại Trại giam S1 - Bộ C1, đến 31/8/2015 được đặc xá. Bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam. Hiện đang tại ngoại và áp dụng biện pháp ngăn chặn Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

3. Lê Văn T3; Sinh năm 1977 tại: huyện T, tỉnh Thanh Hóa; Nguyên quán: xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa. Nơi ở hiện tại: số nhà A, Lô B, MB F Phố C, phường A, Thành phố T, tỉnh Thanh Hóa; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc:Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 07/12; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Con ông Lê Văn T4 và bà Hà Thị L; Vợ là Trịnh Thị N, sinh năm 1984; Có 02 con, con lớn sinh năm 2004, con nhỏ sinh năm 2013; Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam. Hiện đang tại ngoại và áp dụng biện pháp ngăn chặn Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo Lê Xuân T1 và bị cáo Nguyễn Văn H: Luật sư Phạm Thị Q (vắng mặt); Luật sư Vũ Văn N1 (có mặt) - Công ty L1 thuộc Đoàn Luật sư thành phố H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trong năm 2018, Nguyễn Văn H sinh năm 1970, trú tại xã Đ, huyện Đ, tỉnh Thanh Hóa làm cộng tác viên cho Công ty Cổ phần X ở phường Đ, thành phố T về hoạt động tư vấn xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Quá trình làm việc có một số lao động không đạt tiêu chuẩn làm việc tại Nhật Bản nên đặt vấn đề với H xem có cách nào đi sang Hàn Quốc lao động được không. Sau một thời gian, H được bạn bè giới thiệu có Lê Xuân T1, sinh năm 1969 ở phường N, thành phố T (T1 cũng đã từng đi lao động tại Hàn Quốc) có thể làm được visa nhanh cho công dân Việt Nam sang Hàn Quốc lao động. Khoảng tháng 7/2018, H tìm đến Văn phòng của T1 đóng tại B đường B, phường Đ, thành phố T. Khi gặp T1, Nguyễn Văn H trao đổi với T1 hiện có một số người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc nhưng không đủ điều kiện theo diện xuất khẩu lao động như: không đậu kỳ thi sát hạch tiếng Hàn, quá tuổi, bị dị tật… vậy xem có cách nào để đưa họ sang Hàn Quốc lao động không; T1 nói với H để xem tình hình thế nào rồi có gì sẽ thông báo sau.

Sau khi được H đặt vấn đề, T1 tìm hiểu và được biết thông tin phía Hàn Quốc đang có chương trình cấp visa du lịch, thương mại (multiple) cho công dân Việt Nam ở C thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh, visa có giá trị 05 năm và thời gian lưu trú tại Hàn Quốc là 01 tháng (30 ngày). Khi nắm được thông tin này, T1 lên mạng xã hội để tìm hiểu; T1 thấy một trang quảng cáo có thông tin về tư vấn và hỗ trợ làm loại visa này, thuộc địa chỉ 117 đường T, thành phố Hà Nội; T1 đã gọi vào số điện thoại để lại trên trang quảng cáo và được một người phụ nữ nghe máy, người này giới thiệu tên là H3 làm ở Văn phòng công ty hỗ trợ và tư vấn visa, qua trao đổi người phụ nữ tên H3 nói T1 cần gì thì trực tiếp ra Văn phòng để được tư vấn cụ thể.

Đến khoảng tháng 12/2018 (bị cáo không nhớ rõ ngày), T1 đã chủ động liên hệ với H thông báo và nói H đi cùng T1 ra địa chỉ A T để tìm hiểu thực tế hình thức làm thủ tục và cách thức xin visa Multiple thế nào. Khi ra đến nơi, thấy có nhiều người đến văn phòng làm visa nên T1 không liên hệ với H3 mà T1 trực tiếp hỏi những người này thì được biết loại visa thương mại, du lịch (Multiple) có thời hạn 05 năm được đi về giữa Hàn Quốc và Việt Nam, thời gian lưu trú hợp pháp tại Hàn Quốc tối đa 30 ngày/lần nhập cảnh vào Hàn Quốc; điều kiện để được cấp visa thì công dân đó phải có hộ khẩu hoặc có thời gian tạm trú trên 01 năm ở 03 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh; ngoài ra, visa cũng được cấp cho các trường hợp đã từng đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Sau khi trực tiếp tìm hiểu và nắm được các thông tin trên, T1 bàn với H rằng T1 sẽ chịu trách nhiệm đấu mối xin cấp visa Multiple cho các lao động, còn H tìm lao động thì H đồng ý.

Cách mấy ngày sau khi đã từ Hà Nội về (bị cáo không nhớ rõ ngày), T1 một mình ra Văn phòng liên lạc lại với H3 để trao đổi cụ thể cách thức, chi phí xin visa nêu trên như thế nào. Khi đến Văn phòng, T1 được H3 tư vấn làm thủ tục xin visa (multiple) cụ thể như sau: Đây là visa du lịch, visa này có giá trị 05 năm, thời gian cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc không quá 30 ngày, trước khi hết hạn 30 ngày thì phải về Việt Nam đóng dấu của Hải quan; visa này chỉ được cấp cho công dân có hộ khẩu hoặc có thời gian tạm trú ở 03 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Theo đó, nếu hồ sơ không phải ở địa bàn Hà Nội thì phải xin xác nhận thời gian tạm trú trên 01 năm và chứng minh công việc tại 1 trong 3 địa bàn nêu trên; tổng kinh phí xin cấp visa là 140.000.000đ (một trăm bốn mươi triệu đồng), trong đó 40.000.000đ (bốn mươi triệu đồng) là kinh phí xác nhận thời gian tạm trú trên địa bàn ở Hà Nội, chứng minh công việc, dịch thuật…; khi nộp hồ sơ ban đầu phải đặt cọc trước 17.000.000đ (mười bảy triệu đồng)/1 trường hợp (hồ sơ). Sau khi hoàn tất các thủ tục gửi đến Văn phòng Đ tại Việt Nam thì phải nộp đủ cho H3 40.000.000đ (bốn mươi triệu đồng), đồng thời mỗi lao động phải mở 01 tài khoản tại ngân hàng S2 Hàn Quốc ở chi nhánh T6, quận C, Hà Nội và nộp tiền vào tài khoản cá nhân của người được làm visa 100.000.000đ (một trăm triệu đồng) để chứng minh tài chính theo quy định của Chính phủ Hàn Quốc. Khi được cấp visa, số tiền này sẽ được các lao động rút ra đưa cho T1 để T1 nộp cho H3 lấy visa.

Sau khi về, T1 gọi H đến Văn phòng của T1 để bàn bạc, thống nhất một số nội dung. Tại đây, T1 nói để nhập cảnh sang Hàn Quốc lao động thì phải tư vấn và thỏa thuận với các lao động là sử dụng visa du lịch, thương mại (multiple) để xuất cảnh hợp pháp sang Hàn Quốc trên cơ sở đó để lao động ở lại lâu dài; T1 là người đấu mối để xin cấp visa, còn H là người tuyển lao động và trực tiếp đưa các lao động sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi có lao động thì H phải đưa họ đến Văn phòng của T1 để T1 tư vấn thêm; kinh phí trọn gói từ 10 - 11 nghìn USD/01 người (tương đương với 230 triệu đồng đến 250 triệu đồng), tùy thuộc vào mối quan hệ của mỗi người; có thể tìm cộng tác viên (người môi giới) để tuyển lao động, mỗi trường hợp cộng tác viên giới thiệu thành công đi lao động theo hình thức này thì sẽ được T1 và H trả tiền công 10 triệu đồng/01 trường hợp. Nếu lao động của H hoặc T1 tuyển được thì người đó có trách nhiệm trực tiếp thu và quản lý kinh phí của lao động nộp. Khi các lao động được cấp visa và xuất cảnh sang Hàn Quốc, được bố trí công việc thì trừ tất cả các khoản chi phí còn lại lợi nhuận sẽ chia đôi.

Do trước đây khi làm cộng tác viên về tư vấn lao động Nhật Bản (năm 2018), H đã quen biết với Nguyễn Thị H4, sinh năm 1979, trú tại tổ dân phố Đ, phường N, thị xã N, tỉnh Thanh Hóa nên khi biết H4 đang có nhu cầu cho con riêng của chồng đi lao động tại nước ngoài nhưng không đạt tiêu chuẩn về ngoại ngữ, H đã tư vấn cho H4 biết hiện nay Hàn Quốc đang có chương trình cấp visa du lịch, thương mại (M) cho công dân Việt Nam, visa có thời hạn 05 năm, thời gian lưu trú hợp pháp tại Hàn Quốc là 01 tháng (30 ngày), hết 01 tháng phải về nước đóng dấu visa sau đó mới tiếp tục quay lại Hàn Quốc để lao động. H nói với H4 muốn cho con sang Hàn Quốc lao động thì phải sử dụng visa này để xuất cảnh hợp pháp sang Hàn Quốc trên cơ sở đó để ở lại lao động lâu dài, vì đi lại để xin đóng dấu visa sẽ tốn kém, ảnh hưởng đến công việc, rủi ro cao. Chi phí trọn gói để xuất cảnh sang Hàn Quốc lao động là 250 triệu đồng/01 người, H là người trực tiếp đưa lao động đi và lo công việc tại Hàn Quốc; công việc làm nông nghiệp tại các trang trại hoặc nhà xưởng, lương dao động trên dưới 30 triệu đồng/01 tháng, được bao ăn, bao ở; khi nộp hồ sơ thì nộp luôn tiền đặt cọc ban đầu là 50 triệu đồng, nộp tiền theo giai đoạn. H nói hiện nay đang làm cùng với Lê Xuân T1 có Văn phòng tại thành phố T, nếu đồng ý đi thì ra địa chỉ B đường B, phường Đ, thành phố T để Lê Xuân T1 tư vấn thêm. Sau khi nghe H tư vấn, H4 đã bàn với gia đình và được chồng đồng ý cho Lương Ngọc C đi lao động theo hình thức này (vì C không đủ khả năng thi đỗ tiếng Hàn), H4 gọi H vào nhà để trao đổi thêm. Khi H vào nhà H4, H nói nếu đồng ý đi lao động tại Hàn Quốc bằng visa multiple thì chuẩn bị hồ sơ gồm: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy khám sức khỏe, ảnh… đem ra Văn phòng để T1 trực tiếp tư vấn thêm. Tại đây, H4 đã trình bày nguyện vọng muốn đưa thêm Nguyễn Bá N2 (con đẻ của H4) đi Hàn Quốc lao động theo hình thức này (vì N2 bị mù màu nên sẽ không đủ điều kiện để đi theo diện xuất khẩu lao động chính ngạch). Tuy nhiên, hiện tại H4 không đủ kinh phí cho N2 đi lao động theo hình thức này (vì H4 phải tự lo). Thấy vậy, H nói nếu H4 giới thiệu được trường hợp nào đi lao động theo hình thức này thì H sẽ bàn lại với T1 trích lại cho H4 20 triệu đồng tiền công/01 trường hợp; theo đó trường hợp N2 (con riêng của H4) chỉ thu 230.000.000đ (hai trăm ba mươi triệu đồng). H4 đồng ý với H và nói nếu ai có nhu cầu đi Hàn Quốc lao động theo hình thức này thì sẽ giới thiệu cho H.

Ngoài việc nhờ H, T1 làm thủ tục cho Lương Ngọc C và Nguyễn Bá N2 đi lao động tại Hàn Quốc theo hình thức visa du lịch, muốn được hưởng hoa hồng nên Nguyễn Thị H4 còn tư vấn, giới thiệu cho H và T1 02 trường hợp gồm: Lê Trọng H5, sinh năm 1982 ở phường H, thị xã N (có mối quan hệ quen biết) và Mai Nhân D, sinh năm 1990, cùng ở tổ dân phố Đ, phường N, thị xã N (là hàng xóm của H4) đi theo hình thức nêu trên. Trong đó, trường hợp Lê Trọng H5, H4 biết thời điểm đó H5 nợ nần nhiều và đang có nhu cầu đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền trả nợ nhưng không có khả năng thi đậu tiếng Hàn; còn Mai Nhân D đã làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc nhưng đã trượt kỳ thi sát hạch tiếng Hàn. Do đó, H4 đã trao đổi với H5 và D là H4 có quen biết với Nguyễn Văn H làm bên lĩnh vực tư vấn xuất khẩu lao động, người có thể làm được hồ sơ đi lao động tại Hàn Quốc bằng việc sử dụng visa du lịch, thương mại (visa M) để xuất cảnh hợp pháp sang Hàn Quốc làm cơ sở lao động lâu dài và H4 cũng đang nhờ H làm hồ sơ cho Lương Ngọc C (con riêng của chồng) và Nguyễn Bá N2 (con đẻ của H4) đi lao động tại Hàn Quốc thông qua hình thức này. H4 đã trao đổi lại toàn bộ nội dung mà H tư vấn cho H4 để H5 và D nghe, kinh phí trọn gói là 250 triệu đồng, đồng thời H4 đã cung cấp số điện thoại của H để H5 và D trực tiếp liên hệ trao đổi thêm. Theo đó, H5 và D đã gọi điện trực tiếp cho H và đã được H tư vấn hình thức đi giống như H4 đã nói; sau khi được H tư vấn, H5 và D đồng ý nhờ H làm hồ sơ để đi Hàn Quốc lao động theo hình thức H tư vấn. Sau đó, vợ chồng H5 ra nhà H4 nhờ H4 đứng ra vay ngân hàng giúp vợ chồng H5 bằng cách đứng tên thế chấp quyền sử dụng đất của gia đình H5 để lấy tiền nộp làm hồ sơ đi lao động tại Hàn Quốc, H4 đồng ý giúp vợ chồng H5; còn với Mai Nhân D sau khi nộp cho H 90 triệu tiền mặt, số tiền còn lại 160 triệu đồng thì D nhờ H4 đứng ra nhận nợ với H khi sang Hàn Quốc làm việc có lương sẽ gửi hàng tháng về trả cho H4, H4 đồng ý giúp D. H4 đã trả hết số tiền cho H (160 triệu đồng).

Sau đó H nói các lao động trên ra Văn phòng để gặp T1. Tại đây, T1 cũng tư vấn giống như H. Tuy nhiên, T1 nhấn mạnh với các lao động vì không đủ điều kiện hoặc không có khả năng thi đậu tiếng Hàn nên không thể đi theo hình thức xuất khẩu lao động theo quy định của Nhà nước nên phải sử dụng visa du lịch, thương mại (multiple) xuất cảnh hợp pháp sang Hàn Quốc và tìm việc làm cho các lao động. Visa này có giá trị trong 05 năm và thời gian lưu trú hợp pháp ở Hàn Quốc là 30 ngày, trước khi hết hạn thời gian lưu trú (30 ngày) phải về Việt Nam xin đóng dấu vào visa, nhưng khi đã xuất cảnh sang Hàn Quốc thì không nên về Việt Nam nữa, có nhiều bất lợi trong việc này; visa này không dùng cho mục đích lao động chỉ dùng cho mục đích du lịch, thương mại nên nếu bị cơ quan Cảnh sát hoặc nhà chức trách bên phía Hàn Quốc kiểm tra, phát hiện công dân Việt Nam đang lao động (kể cả đang trong thời hạn lưu trú hợp pháp) thì bị chính quyền nước sở tại trục xuất ngay về nước. Vì vậy, thời gian ban đầu mới sang nên đến các vùng sâu, vùng xa ở đó lao động khoảng 5 - 6 tháng để lấy lại vốn (số tiền làm thủ tục sang Hàn Quốc), sau đó hãy ra gần khu vực trung tâm lao động; về phần lương, ai có tay nghề thì lương dao động trên dưới 40 triệu đồng/01 tháng, còn chưa có tay nghề thì dao động trên dưới 30 triệu đồng/01 tháng. Sau khi các lao động nghe T1 tư vấn như vậy thì đều đồng ý, sử dụng visa Multiple để xuất cảnh hợp pháp sang Hàn Quốc mới có điều kiện bố trí lao động lâu dài. (Bút lục từ 181 277; 278  364) Sau khi tư vấn cho các lao động trên, Nguyễn Văn H đã thuê một phòng trọ ở dưới chân cầu vượt H, thành phố T để nhờ Lê Văn T3, sinh năm 1977, trú tại số nhà A, C, phường A, thành phố T (do trước đây Lê Văn T3 cũng có thời gian đi lao động tại Hàn Quốc) dạy tiếng Hàn cho lao động. Mục đích là dạy cho các lao động biết đọc và nói được một số câu phổ thông để tiện cho giao tiếp khi sang bên Hàn Quốc lao động. Quá trình Lê Văn T3 dậy tiếng cho các lao động, thỉnh thoảng T3 đến Văn phòng ở Bà T5 của T1 và H chơi, khi ngồi uống nước nói chuyện thì T3 nghe T1 và H nói chuyện với nhau, khi các lao động được cấp visa M2 nếu sử dụng để xuất cảnh hợp pháp sang Hàn Quốc (vì các trường hợp này không đủ điều kiện đi theo hình thức xuất khẩu lao động, quy định của visa du lịch, thương mại chỉ dành cho mục đích du lịch, thương mại, không dành cho mục đích lao động) thì khi đến sân bay B Hàn Quốc phải có người đang cư trú tại Hàn Quốc, có ô tô riêng, được đi lại tự do để đón và liên hệ xin việc cho các lao động thì mới không bị các cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện trục xuất về nước. Thấy H và T1 nói chuyện với nhau như vậy, T3 nói có quen một người làm cùng công ty, tên là Phan Văn H6 người ở Phú Thọ hiện đã kết hôn với người có quốc tịch Hàn Quốc, nếu cần thì T3 gọi hỏi xem sao. Thấy vậy, H6 và T1 nhờ T3 liên hệ với Phan H6 (bạn của T3), T3 lấy điện thoại gọi cho Phan H qua F (tên tài khoản Facebook là Phan Văn H6); T3 nói “Tình hình ở Việt Nam có chỗ bạn anh muốn đưa mấy trường hợp sang Hàn Quốc lao động bằng visa du lịch, thương mại, chú có giúp đón và xin việc làm cho họ được không, nếu làm được thì anh cho họ tài khoản Facebook của chú để họ liên lạc trực tiếp với chú”, Phan Văn H6 đồng ý, T3 cung cấp tài khoản Facebook của Phan Văn H6 cho Nguyễn Văn H để kết bạn và trực tiếp liên lạc, trao đổi với nhau, sau đó Nguyễn Văn H đã liên hệ trực tiếp với Phan Văn H6 để hỏi cụ thể thêm.

Trong khoảng tháng 4/2019, khi biết Phan Văn H6 về Việt Nam, T3 cùng H6 và T1 ra nhà Phan Văn H6 ở tỉnh Phú Thọ chơi, thăm nhà Phan Văn H6 (hiện tại các đối tượng không nhớ chính xác nhà H6 ở địa chỉ cụ thể nào thuộc tỉnh Phú Thọ). Quá trình dạy tiếng Hàn cho các lao động, Lê Văn T3 đã giới thiệu Lê Văn S trú tại thôn T, xã Đ, huyện Đ (có quan hệ thông gia với T3) cho H6 để H6 tư vấn và tổ chức cho anh S đi lao động tại Hàn Quốc bằng visa du lịch, thương mại M tương tự như các trường hợp trên, kinh phí trọn gói là 250 triệu đồng; quá trình H6 tư vấn cho S, T3 đi cùng H6 02 lần đến nhà S, khi đến nhà S, H6 trực tiếp tư vấn cho S còn T3 ra ngoài ngồi uống nước và hút thuốc; H6 nói với T3 sẽ trích lại cho T3 10.000.000đ (mười triệu đồng) tiền công giới thiệu nhưng T3 không nhận, H6 nói sẽ trừ cho S 10.000.000đ (mười triệu đồng) vào tiền làm thủ tục; sau khi S đồng ý đi lao động tại Hàn Quốc với hình thức trên, H6 thông báo số tiền S phải nộp là 240 triệu đồng. T3dạy tiếng Hàn cho các lao động được khoảng hơn 01 tháng thì nghỉ, vì các trường hợp trên có người đã được cấp visa; T3 được Lê Xuân T1 trả công tiền dạy tiếng Hàn 10.000.000đ (mười triệu đồng).

Ngoài việc tư vấn cho các trường hợp trên, H6 còn tư vấn cho Hoàng Văn B, sinh năm 1979, trú tại xã H, huyện H, tỉnh Thanh Hóa (có mối quan hệ quen biết từ trước với H6, B không đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động do quá tuổi), cũng như các trường hợp trên sử dụng visa du lịch, thương mại M để xuất cảnh hợp pháp sang Hàn Quốc làm cơ sở lao động lâu dài; kinh phí trọn gói 240.000.000đ (hai trăm bốn mươi triệu đồng). B đồng ý với những nội dung H6 tư vấn và nhờ H6 làm hồ sơ để đi lao động tại Hàn Quốc (BL 181277; 278364; 365412; 413455).

Sau khi T1 và H6 nhận hồ sơ và tiền đặt cọc ban đầu của các lao động trên, T1 đã trực tiếp liên hệ với H3 ở Văn phòng tư vấn và hỗ trợ visa có địa chỉ tại A T, phường T, quận C, Hà Nội để mang hồ sơ ra cho H3 làm thủ tục xin cấp visa Multiple cho các lao động. Sau khi được H3 thông báo các nội dung làm thủ tục visa, T1 thông báo cho H6 và cùng H6 đưa các lao động trên ra Văn phòng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội làm thủ tục. Khi hồ sơ xin cấp visa được tiếp nhận, H3 gọi thông báo với T1 đưa các lao động ra nộp 100.000.000đ (một trăm triệu đồng) vào ngân hàng S2 tại Hà Nội chứng minh tài chính theo quy định của Chính phủ Hàn Quốc. Đến khoảng tháng 4/2019, H3 thông báo cho T1 có 04 trường hợp được cấp visa du lịch, thương mại (multiple) gồm: Nguyễn Bá N2, Hoàng Văn B, Lê Trọng H5, Mai Nhân D; đến tháng 5/2019 có trường hợp Lê Văn S được cấp visa multiple; còn trường hợp Lương Ngọc C không được cấp visa, sau đó H6 thông báo với các lao động để thống nhất lịch bay. Để tránh sự phát hiện của Cơ quan chức năng, khi đi du lịch T1 đã trực tiếp đặt vé máy bay khứ hồi cho 04 trường hợp trên vào ngày 27/5/2019 (vì du lịch phải có ngày đi và ngày về); theo đó, H6 trực tiếp đưa 04 trường hợp trên bay sang Hàn Quốc từ sân bay Đ; khi có lịch bay Nguyễn Văn H đã liên hệ và thông báo với Phan Văn H6 sống tại Hàn Quốc để đón và xin việc làm cho các lao động. Khi đến sân bay B Hàn Quốc, Phan Văn H6 đã có mặt đón và đưa 04 lao động trên đến khách sạn nghỉ qua đêm, sáng hôm sau Phan Văn H6 đưa các lao động đến làm việc ở một nông trại cách trung tâm khoảng 400 - 500km.

Sau khi H6 đưa 04 trường hợp Nguyễn Bá N2, Mai Nhân D, Lê Trọng H5 và Hoàng Văn B xuất cảnh sang Hàn Quốc để lao động bất hợp pháp, tháng 6/2019 do H6 và T1 có mâu thuẫn trong công việc nên T1 và H6 đã tính toán tất cả các khoản thu, chi kinh phí của 05 trường hợp; trong đó có trường hợp Lê Văn S, mặc dù S chưa xuất cảnh nhưng T1 và H6 và vẫn tính tổng kinh phí thu và chi của 05 trường hợp.

Đối với trường hợp Lê Văn S do chưa đóng đủ tiền (tổng S mới đóng 140.000.000đ, trong đó 40.000.000đ tiền đặt cọc và 100.000.000đ nộp vào tài khoản tại Ngân hàng S3 do T1 nộp giúp) nên T1 nhận visa và thông báo với S khi nào có đủ tiền (100 triệu đồng) thì đến gặp T1 để lấy visa. Khoảng tháng 12/2019, S mới lo đủ số tiền còn lại 100.000.000đ (một trăm triệu đồng) để nộp cho H6, đồng thời nhờ H6 đưa đến nhà T1 để xin lấy visa. H6 đưa S đến nhà T1, H6 thỏa thuận với T1 trả trước cho T1 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng), số tiền còn lại 50 triệu đồng, H6 đứng ra viết giấy nhận vay nợ với T1, T1 đồng ý. Sau đó, H6 mua vé máy bay cho H6 và S.

Ngày 17/12/2019, H6 đã đưa S sang Hàn Quốc tại sân bay Đ bằng visa du lịch, thương mại (M); cũng như lần trước, H6 đã liên hệ với Phan Văn H6 đón H6 và S, khi đến sân bay B Hàn Quốc, Phan Văn H6 đón H6 và S về nhà của Phan Văn H6, sáng hôm sau, Phan Văn H6 đưa S đến một nông trại (không làm cùng với 04 lao động đi trước đó) cách trung tâm thành phố B khoảng 400 - 500km để S lao động.

Tổng số tiền mà T1 và H6 đã thu được của 05 lao động là: 1.210.000.000đ (một tỷ hai trăm mười triệu đồng). Trong đó:

Nguyễn Bá N2: 230.000.000đ (hai trăm ba mươi triệu đồng); Lê Trọng H5: 250.000.000đ (hai trăm năm mươi triệu đồng); Mai Nhân D 250.000.000đ (hai trăm năm mươi triệu đồng); Hoàng Văn B: 240.000.000đ (hai trăm bốn mươi triệu đồng); Lê Văn S: 240.000.000đ (hai trăm bốn mươi triệu đồng).

Sau khi thu được số tiền trên, T1 và H6 đã chi phí hết: 1.115.000.000đ (một tỷ một trăm mười lăm lăm nghìn đồng).

Số tiền H6 và T1 được hưởng: 95.000.000đ (chín mươi lăm triệu đồng) và chia đôi, mỗi người được hưởng 47.500.000đ (bốn mươi bảy triệu năm trăm trăm ngàn đồng). (BL 181 277; 278 364; 365 412; 413 455).

Hiện nay, trường hợp Hoàng Văn B đã nhập cảnh về Việt Nam ngày 17/4/2021, Hoàng Văn B khai nhận tại Cơ quan An ninh điều tra phù hợp với lời khai của Nguyễn Văn H, Lê Xuân T1, Lê Văn T3 và Nguyễn Thị H4 trong quá trình phạm tội. Còn lại 04 trường hợp Mai Nhân D, Nguyễn Trọng H7, Nguyễn Bá N2 và Lê Văn S đang lao động tại Hàn Quốc, chưa có thông tin nhập cảnh về Việt Nam.

Quá trình điều tra các bị can đã khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình.

Bản cáo trạng số 72/CTr ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã: Truy tố các bị cáo Nguyễn Văn H, Lê Xuân T1 về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi ngước ngoài trái phép” qui định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự; truy tố Lê Văn T3 tội “Tổ chức cho người khác trốn đi ngước ngoài trái phép” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự và Nguyễn Thị H4 tội “Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” theo khoản 1 Điều 349 Bộ luật Hình sự .

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 77/2023/HS-ST ngày 11/4/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hoá, đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo: Nguyễn Văn H, Lê Xuân T1 đã phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi ngước ngoài trái phép”; Lê Văn T3 đã phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi ngước ngoài trái phép” Áp dụng điểm b, điểm c khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự; điểm s, khoản 1 khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; Điều 17, Điều 58 và Điều 38 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H và bị cáo Lê Xuân T1 mỗi bị cáo 7 (bảy) năm 6 (sáu) tháng tù; Thời hạn tù tính từ ngày bắt đi chấp hành án.

Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; Điều 17, Điều 58 và Điều 38 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Lê Văn T3 6 (sáu) năm tù; Thời hạn tù tính từ ngày bắt đi chấp hành án.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thị H4, về vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 24/4/2023, bị cáo Nguyễn Văn H có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 24/4/2023, bị cáo Lê Xuân T1 có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 18/4/2023, bị cáo Lê Văn T3 có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bị cáo Nguyễn Văn H, Lê Xuân T1, Lê Văn T3 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, thừa nhận bản án sơ thẩm quy kết là đúng pháp luật.

Bị cáo Lê Văn T3 trình bày: Do bị cáo là nông dân, thiếu nhận thức pháp luật nên không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, bị cáo là lao động chính trong gia đình, bố mẹ già yếu không có thu nhập, bố bị cáo có công trong kháng chiến được Nhà nước trao tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ Hạng nhì. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình nhẹ hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo.

Bị cáo Nguyễn Văn H trình bày: Hoàn cảnh hiện tại của gia đình bị cáo rất khó khăn, bị cáo là trụ cột chính trong gia đình, có con nhỏ và cha mẹ già yếu. Gia đình bị cáo có thân nhân là Liệt sĩ (bác ruột bị cáo là người có công với cách mạng, đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ). Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Lê Xuân T1 trình bày: Mặc dù bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật nhưng xuất phát từ mục đích muốn giúp đỡ người lao động khó khăn ở địa phương có cơ hội được cải thiện cuộc sống. Chỉ vì sự thiếu hiểu biết pháp luật, bị cáo đã không nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành vi của mình. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hành vi mà mình gây ra. Ngoài ra, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, bị cáo là trụ cột trong gia đình, bố mẹ già yếu cần chăm sóc. Bị cáo mắc nhiều bệnh trên người đã điều trị nhiều năm nhưng chưa khỏi hiện nay vẫn đang tiếp tục điều trị.

Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Luật sư Vũ Văn N1 trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn H và bị cáo Lê Xuân T1:

Đối với bị cáo Nguyễn Văn H: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tại phiên tòa bị cáo H đã thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn, hối cải đối hành vi của mình nên đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự; bị cáo khai báo thành thật sự việc, không trốn tội qua đó đã giúp đỡ các cơ quan chức năng nhanh chóng kết thúc vụ án phù hợp là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự; bị cáo phạm tội lần đầu, sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo đã thực hiện khắc phục một phần hậu quả thiệt hại mà hành vi của mình gây ra 10.000.000đồng (mười triệu đồng) theo đó bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Cùng với các tình tiết giảm nhẹ nêu trên, bị cáo Nguyễn Văn H có nhân thân tốt, bố mẹ già. Căn cứ các tình tiết giảm nhẹ nêu trên, theo Điều 54 Bộ luật Hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt xuống khoản 1 Điều 349 Bộ luật Hình sự đối với hành vi của bị cáo Nguyễn Văn H.

Đối với bị cáo Lê Xuân T1: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tại phiên tòa bị cáo H đã thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn hối cải đối hành vi của mình nên đề nghị cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự; bị cáo đã thành khẩn khai báo, không quanh co, qua đó đã nhanh chóng kết thúc vụ án phù hợp là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự; bị cáo T1 mắc bệnh tim mạch, bị cáo là lao động chính trong gia đình. Qua các tình tiết giảm nhẹ, theo Điều 54 Bộ luật Hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo xuống khoản 1 Điều 349 Bộ luật Hình sự.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của Nguyễn Văn H, Lê Xuân T1, Lê Văn T3, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Đơn kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn H, Lê Xuân T1, Lê Văn T3 đúng về hình thức, nội dung, trong hạn luật định nên kháng cáo của các bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung:

[2.1]. Về hành vi phạm tội: Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã quy kết. Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với biên bản bắt người phạm tội quả tang, vật chứng thu giữ; phù hợp với lời khai nhận trong quá trình điều tra, phù hợp lời khai của những người làm chứng, phù hợp với bản kết luận về giám định pháp y và các tài liệu, chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất với nhận xét và kết luận của Tòa án cấp sơ thẩm như sau: Xuất phát từ nhu cầu việc làm của các lao động muốn ra nước ngoài làm việc nên từ cuối năm 2018, bị cáo Nguyễn Văn H đã tìm người lao động để cùng Lê Xuân T1 tổ chức đưa Hoàng Văn B, Mai Nhân D, Nguyễn Trọng H7, Nguyễn Bá N2 và Lê Văn S sang Hàn Quốc lao động bất hợp pháp bằng hình thức visa du lịch thương mại có thời hạn 30 ngày. Ngoài Nguyễn Văn H và Lê Xuân T1 còn có Lê Văn T3 đã có hành vi giúp sức thông qua Phan Văn H6 (hiện đang sinh sống, cư trú tại Hàn Quốc) để đón và xin việc làm cho các lao động tại Hàn Quốc và T3 đã giúp sức cho H6 tổ chức cho trường hợp Lê Văn S đi lao động theo hình thức trên; Bị cáo Nguyễn Thị H4 trong vụ án đã có hành vi môi giới 02 trường hợp Lê Trọng H5 và Mai Nhân D cho Nguyễn Văn H và Lê Xuân T1 để làm thủ tục xin cấp visa du lịch, thương mại, đủ điều kiện xuất cảnh hợp pháp sang Hàn Quốc làm cơ sở lao động lâu dài, trong đó Nguyễn Thị H4 đã được hưởng 40 triệu đồng của H và T1 trả công môi giới.

Bị cáo Lê Xuân T1 và luật sư bào chữa cho rằng bị cáo chỉ đưa 04 người đi nước ngoài trái phép còn đối với Lê Văn S, bị cáo chưa hề gặp mặt và cũng chưa lấy hết tiền. Hội đồng xét xử thấy rằng, nội dung điều luật không quy định phải gặp mặt thì mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm, ở đây bị cáo T1 đã làm hồ sơ, làm visa, nhận một phần tiền của Lê Văn S, số tiền còn lại T1 đã đồng ý cho H nhận nợ do đó lời nói của bị cáo T1 và Luật sư bào chữa không có cơ sở để chấp nhận.

Như vậy các bị cáo Nguyễn Văn H, Lê Xuân T1 và Lê Văn T3 đã tổ chức đi nước ngoài trái phép cho 05 đối tượng còn Nguyễn Thị H4 môi giới cho hai đối tượng đi lao động nước ngoài trái phép. Do đó, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận: Các bị cáo Nguyễn Văn H, Lê Xuân T1 đã phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi ngước ngoài trái phép” qui định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự, Lê Văn T3 đã phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi ngước ngoài trái phép” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự và Nguyễn Thị H4 đã phạm tội “Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” theo khoản 1 Điều 349 Bộ luật hình sự.

[3]. Xét kháng cáo của các bị cáo: Vụ án có 04 bị cáo tham gia nhưng không câu kết tổ chức chặt chẽ mà chỉ là đồng phạm giản đơn tuy nhiên cũng cần phân hóa vai trò của các bị cáo để khi áp dụng hình phạt được công bằng. Trong vụ án này, Nguyễn Văn H là người khởi xướng và có nhiều hành vi: H đã gặp T1 để trao đổi về cách thức, phương pháp gom người đi; Gặp H4 để H4 tìm người; Hquan hệ với T3 để nhờ T3 dạy tiếng nước ngoài cho người lao động trước khi đi do đó H giữ vai trò chính. Tuy nhiên, đối với Lê Xuân T1 là người đã từng đi nước ngoài lao động cũng là người đã từng bị xử lý hình sự về hành vi đưa người khác đi nước ngoài trái phép, sau khi được H bàn bạc trao đổi chính T1 là người nhiệt tình, chủ động lên kế hoạch làm visa, thu tiền… chính sự giúp sức tích cực của T1 nên H càng có động lực, do đó T1 cũng giữ một vị trí như H. Tiếp theo là T3, mặc dù ban đầu không có mục đích vụ lợi nhưng biết hành vi của H và T1 thì T3 vẫn nhận lời dạy học cho các đối tượng; còn liên lạc với Phan Văn H6 bên Hàn Quốc để khi người lao động được Nguyễn Văn H và T1 đưa sang thì đã có Phan Văn H6 đón, đưa đến địa điểm…do đó Lê Văn T3 có vai trò thứ ba trong vụ án.

Trong vụ án này, cấp sơ thẩm đánh giá vai trò, xác định: Các bị cáo đều thành khẩn nhận tội, do đó được hưởng chung 1 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự; Các bị cáo Nguyễn Văn H, Lê Văn T3 đều có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội; Bị cáo Nguyễn Văn H đã nộp lại 10 triệu đồng. Bị cáo Nguyễn Văn H có chú ruột là liệt sĩ, bị cáo Lê Văn T3 có bố đẻ có thành tích trong kháng chiến chống Mỹ.

Trên cơ sở đánh giá khách quan, đầy đủ các chứng cứ của vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất hành vi phạm tội, hậu quả, vai trò, nhân thân, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, xử phạt bị cáo với mức hình phạt 7 năm 6 tháng tù (đối với Nguyễn Văn H) và 6 năm tù (đối với Lê Văn T3) là có căn cứ.

Tại cấp phúc thẩm, ngoài tình tiết giảm nhẹ đã được áp dụng. Các bị cáo trình bày các tình tiết giảm nhẹ:

Bị cáo T3 có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bị cáo nhiều bệnh tật, hiện đang điều trị.

Bị cáo Lê Xuân T1 được bị cáo Nguyễn Văn H tìm đến và trao đổi về việc tìm cách đưa người lao động sang Hàn Quốc lao động, bị cáo cũng chỉ vì mong muốn giúp người lao động ở địa phương có hoàn cảnh khó khăn nên mới thực hiện hành vi. Ngoài ra, visa có thời hạn 05 năm và thời gian lưu trú tại Hàn Quốc là 01 tháng (30 ngày), có thể sang bên Hàn Quốc làm việc cuối tháng về cũng được.

Bị cáo Nguyễn Văn H có hoàn cảnh hiện tại của gia đình bị cáo rất khó khăn, bị cáo là trụ cột chính trong gia đình, có con nhỏ và cha mẹ già yếu.

Các tình tiết nêu trên của các bị cáo là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, những tình tiết này của các bị cáo không làm thay đổi mức án mà Tòa án đã xem xét tính chất, mức độ, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định mức hình phạt cho các bị cáo là phù hợp. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị cáo.

[4]. Quan điểm đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội: Xét thấy, các căn cứ và lập luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có cơ sở, được chấp nhận.

[5]. Ý kiến của Luật sư trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn H và bị cáo Lê Xuân T1 không có căn cứ nên không được chấp nhận.

[6]. Về án phí: Các bị cáo Nguyễn Văn H, Lê Văn T3 và Lê Xuân T1 phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

[7]. Về quyết định khác: Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

QUYẾT ĐỊNH

1. Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn H, Lê Văn T3 và Lê Xuân T1.

2. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 77/2023/HS-ST ngày 11 tháng 4 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hoá, cụ thể như sau:

Tuyên bố các bị cáo: Nguyễn Văn H, Lê Xuân T1 và Lê Văn T3 đã phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”;

Áp dụng điểm b, điểm c khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự; điểm s, khoản 1 khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; Điều 17, Điều 58 và Điều 38 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H và bị cáo Lê Xuân T1 mỗi bị cáo 7 (bảy) năm 6 (sáu) tháng tù; Thời hạn tù tính từ ngày bắt đi chấp hành án.

Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; Điều 17, Điều 58 và Điều 38 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Lê Văn T3 6 (sáu) năm tù; Thời hạn tù tính từ ngày bắt đi chấp hành án.

3. Về án phí: Các bị cáo Nguyễn Văn H, Lê Văn T3 và Lê Xuân T1 mỗi người phải chịu án phí 200.000đ (hai trăm nghìn đồng).

4. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

207
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép số 819/2023/HS-PT

Số hiệu:819/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:23/10/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về