TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 68/2024/HS-PT NGÀY 01/03/2024 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP
Ngày 01 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 557/2023/TLPT-HS ngày 27 tháng 10 năm 2023 đối với bị cáo Lê Thương T về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Do có kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 96/2023/HS-ST ngày 23 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Bị cáo có kháng cáo, bị kháng nghị:
LÊ THƯƠNG T, sinh ngày 20/9/1984 tại tỉnh Đồng Nai; Nơi cư trú: B T, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai; Nghề nghiệp: nội trợ; Trình độ văn hóa: 12/12; Giới tính: nữ; Con ông Lê Trí V và bà Nguyễn Thị X; Không có chồng nhưng có 04 con (con lớn nhất sinh năm 2008 nhỏ nhất sinh năm 2023); Tiền án, tiền sự: không;
Bị tạm giam ngày 25/12/2022; hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cho bảo lãnh ngày 18/01/2023. Bị cáo hiện đang tại ngoại, vắng mặt.
Ngoài ra, trong vụ án còn có những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị nên Tòa án cấp phúc thẩm không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Năm 2019, Lê Thương T thông qua sự giới thiệu của một người bạn tên P (không rõ lai lịch) đã nhận giúp cho Trần Huy C xuất cảnh sang Hàn Quốc dưới dạng du lịch và sau đó trốn ở lại để lao động. Lê Thương T thống nhất với Trần Huy C giá 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng). Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 trong hai năm qua nên T vẫn chưa tổ chức được cho C xuất cảnh đi Hàn Quốc.
Đầu năm 2022, cũng thông qua sự giới thiệu của P, T nhận giúp cho 04 người gồm: Trần Thị T1; Đặng Hữu T2; Nguyễn Văn G; Trần Đình C1 (cùng quê tỉnh Hà Tĩnh) cũng xuất cảnh sang Hàn Quốc dưới dạng du lịch sau đó trốn ở lại để lao động. Đồng thời, T cũng nhận giúp cho Trần Đình C2 (Hà Tĩnh) cũng với hình thức như trên. Thương thỏa thuận với những người có nhu cầu nhập cảnh Hàn Quốc với mục đích trốn ở lại lao động chi phí mỗi người từ 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng) đến 110.000.000 đồng (Một trăm mười triệu đồng), chuyển trước 60% đến 70% vào tài khoản của T mở tại ngân hàng TMCP S (S1) số 060184000523, sau khi có lịch trình bay sẽ chuyển hết số tiền còn lại. Từ ngày 08/01/2020 đến ngày 27/10/2022, T nhiều lần nhận tiền của các đối tượng với tổng số tiền 588.222.000 đồng (Năm trăm tám mươi tám triệu, hai trăm hai mươi hai ngàn đồng), cụ thể: Trần Huy C số tiền 100.572.000 đồng (Một trăm triệu năm trăm bảy mươi hai ngàn đồng); Trần Đình C1 số tiền 103.000.000 đồng (Một trăm không ba triệu đồng); Trần Đình C2 và Trần Thị T1 số tiền 184.650.000 đồng (Một trăm tám mươi bốn triệu sáu trăm năm mươi ngàn đồng); Nguyễn Văn G số tiền 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng); Đặng Hữu T2 số tiền 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng).
Sau khi nhận tiền, T lập một nhóm chat gồm 07 (bảy) người trên ứng dụng zalo có tên “Thương Thương” đăng ký bằng số điện thoại 0923878779 để hướng dẫn chi tiết cách đối phó với An ninh tại Việt Nam và Hàn Quốc để không bị nghi ngờ như ăn mặc lịch sự, quần áo sang trọng, va li đắt tiền, thái độ tự tin, nếu bị hỏi thì trả lời là nhân viên công ty TNHH MTV H đi du lịch Hàn Quốc, xóa hết tin nhắn. Quá trình đi du lịch tại Hàn Quốc, T biết những người có hộ khẩu tại Hà Tĩnh sẽ thuộc diện chú ý của Cảnh sát Hàn Quốc trong việc nhập cảnh nên Thương yêu cầu mọi người chụp ảnh hộ chiếu gửi qua nhóm zalo, sau đó T nhờ một người bạn xã hội tên N (không rõ lai lịch) sửa hình ảnh hộ chiếu trên bản ảnh để đổi thông tin phần nơi sinh của 06 (sáu) người này từ Hà Tĩnh sang Thành phố Hồ Chí Minh để dễ dàng trong quá trình xuất, nhập cảnh. T trả công cho N số tiền 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng).
Ngày 09/11/2022, T nhờ bạn là Lê Thị Ánh T3 nhờ mua tour du lịch tại đảo J Hàn Quốc, T3 liên hệ với công ty TNHH C3 (địa chỉ: A T, quận H, thành phố Đà Nẵng) gặp anh Nguyễn Bá Đ (nhân viên công ty), T3 cho số điện thoại của T để anh Đ trực tiếp liên hệ. Ngày 10/11/2022, Đ chủ động liên hệ với T để tư vấn việc mua tour du lịch cho 06 (sáu) đối tượng nêu trên tại đảo J từ ngày 24/11/2022 đến ngày 28/11/2022 với giá 9.490.000 đồng/01 người thì T đồng ý, T gửi ảnh 06 (sáu) hộ chiếu đã chỉnh sửa phần nơi sinh qua zalo cho Đ làm thủ tục. Thương thanh toán tiền tour cho Công ty TNHH C3 số tiền 57.000.000 đồng (Năm mươi bảy triệu đồng).
Lúc 01 giờ 35 phút ngày 24/11/2022, Trần Thị T1, Đặng Hữu T2, Trần Huy C, Trần Đình C2, Nguyễn Văn G, Trần Đình C1 khởi hành trên chuyến bay LJ 712 tại sân bay quốc tế Đ. Ngày 25/11/2022 các đối tượng trên bị Hải quan Hàn Quốc tạm giữ tại sân bay J vì hình ảnh trên hộ chiếu bị thay đổi so với hộ chiếu gốc, sau đó Cảnh sát Hàn Quốc từ chối cho nhập cảnh và di lý về sân bay quốc tế Đ. Ngày 24/12/2022, Lê Thương T đến Công an phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 96/2023/HS-ST ngày 23 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã quyết định:
-Về tội danh: tuyên bố bị cáo Lê Thương T phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
- Về hình phạt: căn cứ các điểm c, đ khoản 2 Điều 349, các điểm s, n khoản 1, khoản 2 Điều 51 và khoản 1 Điều 54 BLHS.
Xử phạt: bị cáo Lê Thương T 03 (ba) năm tù, nhưng được trừ đi thời gian tạm giữ, tạm giam là 24 ngày (từ ngày 25/12/2022 đến ngày 18/01/2023). Thời hạn tù còn lại bị cáo phải chấp hành là 02 (hai) năm 11(mười một) tháng 06 (sáu) ngày tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về phần xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 28/9/2023, bị cáo Lê Thương T có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Ngày 19/10/2023, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 25/QĐ-VC2 đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 349 Bộ luật Hình sự để xét xử bị cáo Lê Thương T, đồng thời tăng hình phạt đối với bị cáo T tương ứng với khung hình phạt nặng hơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Lê Thương T vắng mặt, nhưng tại đơn kháng cáo của bị cáo có nội dung xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 25/QĐ-VC2 ngày 19/10/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Thương T; chấp nhận kháng nghị nói trên của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, sửa bản án sơ thẩm, áp dụng điểm b khoản 3 Điều 349 Bộ luật Hình sự để xét xử bị cáo Lê Thương T về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” và xử tăng hình phạt đối với bị cáo Lê Thương T tương ứng với khung hình phạt nặng hơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án; Căn cứ các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; Căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về phần thủ tục tố tụng: tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Thương T có đơn kháng cáo và bị kháng nghị nhưng có đơn xin hoãn phiên tòa với lý do mẹ đơn thân và đang bệnh, nhưng không có bệnh án. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa. Đây là phiên tòa phúc thẩm mở lần thứ hai, việc vắng mặt của bị cáo T không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án nên căn cứ điểm c khoản 1 Điều 351 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử quyết định tiến hành xét xử vụ án.
[2]. Về phần nội dung: quá trình điều tra vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Thương T khai nhận tội, đối chiếu thấy phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có tại hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Mặc dầu Lê Thương T biết rõ 06 công dân gồm: Trần Thị T1, Đặng Hữu T2, Trần Huy C, Trần Đình C2, Nguyễn Văn G và Trần Đình C1 (cùng quê tỉnh Hà Tĩnh) có nhu cầu nhập cảnh Hàn Quốc dưới hình thức du lịch, sau đó trốn ở lại Hàn Quốc lao động trái phép. Vì mục đích vụ lợi, Lê Thương T đã dùng nhiều thủ đoạn lừa dối cơ quan chức năng đưa 06 công dân nói trên xuất cảnh tại sân bay quốc tế Đ lúc 01 giờ 35 phút ngày 24/11/2022. Khi 06 công dân đến sân bay H thì bị cảnh sát Hàn Quốc phát hiện hình ảnh trên hộ chiếu bị thay đổi so với hộ chiếu gốc nên từ chối cho nhập cảnh và di lý về sân bay quốc tế Đ. Hành vi nêu trên của bị cáo Lê Thương T đã bị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
[2.1]. Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng thì thấy:
Kháng nghị nhận định: Đối với khoản tiền 40.000.000 đồng bị cáo khai đã đưa cho đối tượng tên N để thuê N làm giả thông tin trên bản ảnh của 06 hộ chiếu, cấp sơ thẩm cũng khấu trừ vào tổng số tiền bị cáo thu lợi bất chính là không đúng, bởi vì:
Thứ nhất, ngoài lời khai của bị cáo T về việc đã đưa số tiền 40.000.000 đồng cho người có tên là N thì không có bất cứ tài liệu nào khác chứng minh việc bị cáo T chuyển tiền cho N. Hội đồng xét xử nhận thấy, theo lời khai của bị cáo T là do 06 hộ chiếu này ở Hà Tĩnh là rất khó đi, khó duyệt tour vì người ở địa phương này hay lợi dụng việc đi tuor để tìm ở lại Hàn Quốc lao động nên T nhờ bạn tên N sửa hộ chiếu, khi gặp N thì T đưa cho N 40.000.000 đồng. Như vậy, bị cáo T đưa tiền trực tiếp cho N chứ không có chuyển tiền nên yêu cầu của kháng nghị là không thể thực hiện được.
Thứ hai, bị cáo khai chỉ yêu cầu N chỉnh sửa thông tin phần nơi sinh trên hình ảnh của 06 hộ chiếu nhưng lại chi phí đến 40.000.000 đồng là không hợp lý. Hội đồng xét xử nhận thấy, kháng nghị nêu số tiền chi phí trên là không hợp lý, nhưng không đưa ra chứng cứ chứng minh tại sao không hợp lý, số tiền nào là hợp lý.
Thứ ba, hành vi chỉnh sửa thông tin của N là hành vi trái pháp luật nên theo quy định của pháp luật thì số tiền 40.000.000 đồng Nhớ đã nhận (nếu có) cũng phải tịch thu để sung công quỹ Nhà nước. Hội đồng xét xử nhận thấy, nhận định trên của kháng nghị là hoàn toàn đúng. Do không làm rõ được N nên không truy thu được số tiền thu lợi bất chính của N. Số tiền thu lợi bất chính của N không thể quy buộc bị cáo T phải chịu. Hơn nữa, kháng nghị cũng không nêu tịch thu số tiền 40.000.000 đồng của bị cáo T. Từ những chứng cứ đã được phân tích trên cho thấy, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm đều quy kết bị cáo Lê Thương T thu lợi bất chính với số tiền 491.222.000 đồng (588.220.000 đồng - 57.000.000 đồng - 40.000.000 đồng) để đề nghị, truy tố, xét xử bị cáo T theo điểm c, đ khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Do đó, không chấp nhận Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 25/QĐ-VC2 ngày 19/10/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
[2.2]. Xét kháng cáo của bị cáo Lê Thương T thì thấy:
Bản án sơ thẩm đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của vụ án, mức độ phạm tội, đồng thời xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Lê Thương T như: Bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội; sau khi phạm tội tự nguyện ra đầu thú; thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; phạm tội trong thời kỳ mang thai, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ đơn thân đang trực tiếp nuôi 04 con còn nhỏ, trong đó có 01 con mới sinh; đã tự nguyện nộp lại 100.000.000 đồng tiền thu lợi bất chính và xử phạt bị cáo Lê Thương T với mức án 03 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định là đã chiếu cố giảm nhẹ. Tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Thương T và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[3]. Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Lê Thương T phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[4]. Những phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên không xét.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự.
1. Không chấp nhận Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 25/QĐ-VC2 ngày 19/10/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và kháng cáo của bị cáo Lê Thương T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Áp dụng điểm c, đ khoản 2 Điều 349, điểm s, n khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự.
Xử phạt: Lê Thương T 03 (ba) năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” nhưng được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam trước là 24 ngày (từ ngày 25/12/2022 đến ngày 18/01/2023). Thời hạn tù còn lại bị cáo Lê Thương T phải chấp hành là 02 (hai) năm 11 (mười một) tháng 06 (sáu) ngày tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
2. Về án phí: bị cáo Lê Thương T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về phần biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng, án phí không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép số 68/2024/HS-PT
Số hiệu: | 68/2024/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 01/03/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về