TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 147/2020/HS-PT NGÀY 10/06/2020 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NGƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP
Ngày 10 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 106/2019/TLPT-HS ngày 10 tháng 01 năm 2019, do có kháng cáo của các bị cáo Trần Ngọc C, Nguyễn Trung K, Phạm Thế N đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2019/HS-ST ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.
Các bị cáo có kháng cáo:
1. Trần Ngọc C (tên khai sinh hợp pháp: Trần Bình T; tên đăng ký khai sinh lại: Trần Bình M; tên gọi khác: C, C khỉ), sinh ngày 10 tháng 01 năm 1969 tại Quảng Trị; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Tổ dân phố 6, phường H, thành phố D, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12; con ông Trần Khánh Q (Trần Q) và con bà Hoàng Thị K; có vợ tên là Nguyễn Thị Hồng H và có 01 con sinh năm 1996; tiền án, tiền sự: Không Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 17/11/2018, có mặt tại phiên toà.
2. Nguyễn Trung K, sinh năm 1979 tại Quảng Bình; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nơi ĐKHKTT và chỗ ở: D, Quảng Bình; nghề nghiệp: Đánh cá; trình độ học vấn: 9/12; con ông Nguyễn Thế K và con bà Hoàng Thị V; có vợ tên là Nguyễn Thị T và có 02 con; con lớn sinh năm 2001, con nhỏ sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 16/11/2018, ngày 14/3/2019 thay đổi biện pháp ngăn chặn. Hiện bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên toà.
3. Phạm Thế N (tên gọi khác: N), sinh năm 1983 tại Quảng Bình; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nơi ĐKHKTT và chỗ ở: M, B, D, Quảng Bình; nghề nghiệp: Đánh cá; trình độ học vấn: 9/12; con ông Phạm Đ và con bà Nguyễn Thị H; có vợ tên là Lại Thị Thanh V và có 03 con; con lớn sinh năm 2007, con nhỏ sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên toà.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1. Anh Lê Thành T, sinh năm 1982; địa chỉ: xã B, thành phố D, tỉnh Quảng Bình;
2. Anh Hoàng Trọng P, sinh năm 1983; địa chỉ: TDP6, phường H, thành phố D, tỉnh Quảng Bình 3. Anh Trần Hữu C, sinh năm 1980; địa chỉ: TDP 2, thôn M, phường B, thành phố D, tỉnh Quảng Bình 4. Anh Phan Xuân H, sinh năm 1972; địa chỉ: TDP 11, phường B, thành phố D, tỉnh Quảng Bình 5. Anh Nguyễn Quốc T, sinh năm 1980; địa chỉ: thành phố D, tỉnh Quảng Bình 6. Anh Đỗ V N, sinh năm 1969; địa chỉ: tỉnh Quảng Bỉnh 7. Anh Nguyễn Văn N, sinh năm 1989; địa chỉ: tỉnh Quảng Bình 8. Anh Phạm Xuân K, sinh năm 1992; địa chỉ: tỉnh Quảng Bình 9. Chị Nguyễn Thị Lương G, sinh năm 1974; địa chỉ: thành phố D, tỉnh Quảng Bình 10. Anh Phạm Xuân T, sinh năm 1980; địa chỉ: tỉnh Quảng Bình 11. Anh Mai Việt T, sinh năm 1993; địa chỉ: tỉnh Quảng Bình 12. Anh Đinh Khánh D, sinh năm 1993; địa chỉ: tỉnh Quảng Bình.
Bị cáo kháng cáo: Trần Ngọc C (Trần Bình P), Nguyễn Trung K, Phạm Thế N.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 2018, thông qua một người có tên Trần Hữu H (tên gọi khác H em) nên Trần Ngọc C (tên gọi khác Trần Bình T, Trần Bình M, C, C khỉ), sinh năm 1969 ở TDP6, phường H, thành phố D, tỉnh Quảng Bình và Nguyễn Trung K, sinh năm 1979 ở thôn M, xã B, thành phố D, tỉnh Quảng Bình gặp nhau và C có nói đến việc nhiều người ở T - T - B - Quảng Bình đi Úc bất hợp pháp bằng đường biển và đã kiếm được nhiều tiền. Vì vậy, H, C và K đã cùng nhau bàn bạc, vạch kế hoạch tìm cách vượt biển để sang nước Úc làm ăn vì chi phí rẻ hơn so với xuất cảnh hợp pháp. Để thực hiện kế hoạch, H, C và K đã thống nhất tìm mua tàu để làm phương tiện vượt biển.
Khoảng cuối tháng 6 năm 2018, C, K và H gặp nhau và thấy tàu cá số QB91269TS đang neo đậu gần bờ thì C nói “có con tàu đó mà đi thì sướng hè”. K nói lại “tàu của người mềng (tức là tàu người làng mình) tàu thiếu chi, ở đây tàu vỡ nợ kêu bán đầy” và có chỉ tay về phía tàu của N đang neo đậu và nói “tàu như ri có được không”. Nghe vậy, H em bảo với K sắp xếp xuống hỏi xem con tàu đó có bán không. Hôm sau, K tìm đến nhà Phạm Thế N, sinh năm 1983 ở thôn M, xã B, thành D, tỉnh Quảng Bình là chủ tàu để hỏi mua tàu. Qua trao đổi, N nói tàu bán với giá 1,9 tỷ đồng. K nói với N “để hỏi họ xem thế nào”. Sau đó, K hỏi N “có muốn vượt biển sang Úc làm ăn không?”; N đồng ý đi, rồi K xin số điện thoại của N để liên lạc. Khoảng mấy ngày sau, K, C và H đến nhà N; khi vào nhà, K nói với N có mấy anh em đến hỏi để mua tàu của chú để đi làm ăn. Trong lúc trao đổi về giá bán tàu, nhóm của K cho rằng giá tàu bán hơi cao và đề nghị giảm giá xuống; N trả lời để về bàn với vợ xem đã. Khoảng mấy ngày sau, N gọi điện thoại nói với K là vợ chồng N đồng ý giảm 200 triệu đồng, còn 1,7 tỷ đồng. Tối hôm sau, K gọi N đến nhà K để gặp C và H. Tại đây, C nói tàu to kinh phí lớn; riêng tàu hết 1,7 tỷ, chi phí mua dầu, nước, lương thực… cỡ hết khoảng 500 triệu nữa là trên 2 tỷ đồng nên phải kêu từ 15 đến 20 người đi mới đủ kinh phí. Sau đó, cả 04 người gồm C, K, H em và N ngồi lại bàn về phí tổn. N nêu ý tưởng phải đưa tàu vào Đà Nẵng để lấy hàng hoá tập kết, vì sợ ở Quảng Bình lấy số lượng lớn sẽ bị chú ý, dễ lộ.
Sau đó, trong một lần K, C sang nhà N thì C nói với N tiền bạc thì N không phải lo, bọn anh trả tiền tàu đủ rồi; bọn anh thu tiền của anh em rồi trả, vợ chồng chú (N - V) cứ yên tâm. Tiếp đó, C nhờ V lên danh sách các thứ cần thiết cho chuyến vượt biển cỡ khoảng 20 người đi. C dặn N xem ngày tốt để xuất phát; đồng thời, sắp xếp cho tàu lên đà (tức tu bổ, sửa chữa tàu) để phục vụ cho chuyến đi sắp tới. Theo đó, N đã xem và chọn được ngày tốt là ngày 18/7/2018 (tức ngày 06/6 Âm lịch) xuất bến tại D vào Đà Nẵng. N thông báo kết quả để K gọi điện cho C biết.
Ngày 13/7/2018, K gọi điện thoại nói với N là anh C (tức là C) bảo “lên đà gấp”. N bảo “ngày mồng một không lên và không có tiền”; K nói “cứ lên đi rồi anh đưa tiền cho”. Sau đó, K đưa cho N số tiền 20 triệu đồng để lên đà. Khoảng 14 giờ ngày 14/7/2018, C, K, N gặp nhau tại quán Quận Râu. Tại đây, N nói cho C biết là N không biết đường lái tàu vượt biển sang Úc; nhưng có biết người Đà Nẵng biết đường đi lấy trộm san hô đỏ bên Úc. Nghe vậy, C bảo N tìm cách liên lạc với họ để anh gặp anh tìm hiểu. Tối cùng ngày, N hẹn được cuộc gặp với người biết đường rồi điện thoại thông báo cho K để K báo lại cho C biết. Sau đó, C nói với K là dặn N ở nhà đợi để ngày mai cùng đi Đà Nẵng.
Khoảng 13 giờ ngày 15/7/2018, C lái xe ô tô chở K, N, hai mẹ con Nguyễn Thị Lương G, Nguyễn Ánh V đi vào Đà Nẵng để hỏi đường đi sang Úc. Trên đường đi, C, K và N đã thống nhất khi gặp gỡ, nói chuyện là lấy lý do đi khai thác san hô đỏ về bán kiếm lời và không để lộ mục đích, ý đồ vượt biển qua Úc. Khi vào Đà Nẵng thì cả nhóm lại được một người ở Đà Nẵng dẫn đến Quảng Ngãi để gặp người mới đi khai thác trộm san hô đỏ bên Úc về và có thông tin chính xác hơn. Xong cuộc gặp gỡ, trước khi ra về, C xin số điện thoại của người này để thuận lợi cho việc liên hệ sau này. Chiều ngày 18/7/2018, C gọi điện nói N chạy tàu vào Đà Nẵng để chuẩn bị cho chuyến vượt biển, lúc này trên tàu tổng cộng có 07 người. Khoảng 11 giờ trưa ngày 19/7/2018 thì tàu vào đến cảng T, thành phố Đà Nẵng. Cả nhóm lên bờ ăn trưa, rồi K nói với N “chú quen tàu bè, máy móc thì chú ở lại trông coi”; rồi C bảo N “chú ở lại coi mua các vật dụng nơi máy”. Những người còn lại bắt xe về lại Quảng Bình.
Do trước đó đã thống nhất kêu gọi thêm người cùng tham gia vượt biển để giảm chi phí, nên C đã lôi kéo được Hoàng Trọng P và Nguyễn Thị Lương G; P lôi kéo được thêm 03 người gồm: Phạm Xuân T, Nguyễn Thanh S, Nguyễn Quốc T; G lôi kéo được 04 người gồm: Nguyễn Ánh V (con của G), Đỗ V N, Đinh Khánh D, Phan Xuân H. Phan Xuân H rủ thêm Mai Việt T. Nguyễn Trung K lôi kéo được Trần Hữu C, Lê Thành T, Phạm Xuân K. Phạm Xuân K rủ thêm Nguyễn Văn N cùng tham gia vượt biển trốn sang Úc. Chi phí mỗi người phải nộp được C và K dự tính từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng, tùy từng mối quan hệ.
Sau khi về lại Quảng Bình, C và K thông báo cho những người còn lại về thời gian để họ bắt xe vào Đà Nẵng và tập hợp tại một nhà nghỉ gần cảng biển Đà Nẵng (không rõ thông tin, địa điểm cụ thể). Ngày 23/7/2018, C lái xe ô tô chở K, T, T vào Đà Nẵng để chuẩn bị cho chuyến đi. Khi đi đến Thành phố H, C ghé một số cửa hàng tìm mua bản đồ và cờ nước Úc nhưng không có. Vào đến Đà Nẵng, C và K thu tiền của những người cùng đi rồi đưa cho K cất giữ để chi trả chi phí cho chuyến vượt biển sắp tới. C quyết định ngày xuất phát từ Đà Nẵng sang Úc là ngày 29/7/2018 (tức ngày 17/6 Âm lịch). C cũng phân công công việc cho các thành viên trong đoàn đi; theo đó, K cùng với S, T, P đi mua và chuyển lên tàu các nhu yếu phẩm (lương thực, thực phẩm ...) theo danh sách và số lượng mà Lại Thị Thanh V đã lập. N chịu việc lấy dầu, nước ngọt, chất đốt (gas). Sau đó, C liên hệ rồi cùng N đi vào Quảng Ngãi để mua máy định vị dẫn đường hết 12 triệu của người Quảng Ngãi đã từng đi Úc khai thác trộm san hô đỏ. Trên máy định vị dẫn đường đó, tuyến đường biển đi sang Úc đã được người dùng trước lưu lại khi họ vượt biển sang Úc lấy trộm san hô đỏ. Với ý định tìm đường và đánh lạc hướng cơ quan chức năng Úc, C tiếp tục tìm mua lá cờ và bản đồ Úc nhưng chỉ mua được cờ Úc với giá 900.000 đồng mà không mua được bản đồ.
Ngày 29/7/2018 tại nhà nghỉ ở thành phố Đà Nẵng, C, K, N, P, T kiểm đếm tiền, tính tổng thu chi rồi C trực tiếp trả 450 triệu đồng tiền mua tàu cho V (vợ N). Thấy tiền tàu chưa đủ nên C hứa sẽ trả đủ cho vợ chồng N khi qua được Úc và đứng ra đảm bảo nếu những người cùng đi không trả thì C sẽ nói họ trả đủ số tiền tàu cho N, V. Khi V đem số tiền trên về nhà tại B, Quảng Bình thì có vợ của T và vợ của T đến, mỗi người đưa cho V thêm 50 triệu đồng.
Khoảng 16 giờ ngày 29/7/2018, nhóm người nói trên tập hợp lên tàu để cùng vượt biển sang Úc. Trước khi xuất phát, C nói P, Nam thu điện thoại của những người cùng đi vì sợ họ gọi điện về nhà sẽ bị lộ. Khoảng 19 giờ cùng ngày, N cho tàu rời bến. Lợi dụng màn đêm, N cho tàu bí mật né tránh Trạm kiểm soát biên phòng Mân Quang thoát ra biển. Trên đường đi sang Úc, K và C họp cả đoàn lại thông báo công khai chi phí thu, chi tất cả các hoạt động phục vụ cho chuyến đi gồm: Tiền mua tàu, mua dầu, nhu yếu phẩm, thuê xe, tiếp khách, chi trả tiền ăn, ở lại của những người cùng đi và trả tiền tàu rồi thống nhất mỗi người đi phải nộp 150 triệu đồng; riêng hai mẹ con Nguyễn Thị Lương G chỉ phải đóng một suất (tức 150 triệu đồng). Đồng thời, rà soát lại những người đã nộp tiền, những người còn thiếu tiền và yêu cầu những ai chưa nộp đủ tiền thì viết tên, ký xác nhận tiền còn nợ vào một tờ giấy rồi giao cho N giữ.
Trên đường đi N cùng một số người khác lái tàu theo tuyến đường vạch sẵn trên máy định vị dẫn đường hướng về nước Úc. Khi tàu đến gần Papua New Ghine, C nói K lấy lá cờ Úc (mà C mua được tại Đà Nẵng) treo lên trụ cảo để đánh lạc hướng các cơ quan chức năng sở tại; các lá cờ Việt Nam cũng được tháo xuống để che dấu tung tích. Khoảng 4h30’ ngày 26/8/2018, cả nhóm quyết định cho dừng tàu cách bờ khoảng 100m rồi cho mọi người xuống thuyền thúng mang theo chia làm hai lần chèo vào bờ. Để tránh bị cơ quan chức năng Úc phát hiện, con tàu được đánh chìm.
Sau khi lên bờ, cả đoàn đi vào nội địa nước Úc; nhưng trên đường đi thì bị cảnh sát Úc phát hiện, bắt giữ. Sau đó, chính quyền Úc đã đưa 17 (mười bảy) người nói trên đến đảo Christmas giam giữ, thẩm vấn. Trong các ngày 04 và 08 tháng 9 năm 2018, 17 người này bị phía Úc trục xuất về Việt Nam.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2019/HS-ST ngày 27/11/2019 và Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án số 816/2019/TB-TA ngày 10/12/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Qu ng Bình đẫ quyết định:
Tuyên bố các bị cáo Trần Ngọc C (Trần Bình P), Nguyễn Trung K, Phạm Thế N phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi ngước ngoài trái phép”.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt Trần Ngọc C (Trần Bình P) 07 (bảy) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 17/11/2018. Tiếp tục tam giam bị cáo Trần Ngọc C (Trần Bình P) 45 ngày theo quyết định tạm giam của Hội đồng xét xử để đảm bảo thi hành án.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt Nguyễn Trung K 05 (năm) năm tù, được trừ thời hạn tạm giam từ ngày 16/11/2018 đến ngày 14/3/2019. Thời hạn chấp hành hình phạt kể từ ngày bị cáo đi chấp hành án.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; điểm s, t khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt Phạm Thế N 04 (bốn) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt kể từ ngày bị cáo đi chấp hành án.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 30/11/2019, bị cáo Nguyễn Trung K kháng cáo. Ngày 02/12/2019, bị cáo Phạm Thế N kháng cáo.
Ngày 10/12/2019, bị cáo Trần Ngọc C (Trần Bình P) kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Các bị cáo Trần Ngọc C (Trần Bình P), Nguyễn Trung K, Phạm Thế N trình bày giữ nguyên đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án như sau: Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo Nguyễn Trung K, Phạm Thế N nhận tội; bị cáo Trần Ngọc C không nhận tội. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, các bị cáo bị cáo Trần Ngọc C, Nguyễn Trung K, Phạm Thế N nhận tội. Thể hiện bị cáo C đóng vai trò chính, các bị cáo Nguyễn Trung K, Phạm Thế N là đồng phạm tích cực. Mặc dù, bị cáo C thành khẩn nhận tội, nhưng mức án Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo là thỏa đáng. Do vậy, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
Các bị cáo bị cáo Trần Ngọc C, Nguyễn Trung K, Phạm Thế N trình bày: Thừa nhận hành vi phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi ngước ngoài trái phép”, do trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế, hoàn cảnh khó khăn muốn qua nước ngoài làm để phát triển kinh tế gia đình. Bị cáo C cho rằng, bị cáo và bị cáo K vai trò thực hiện tội phạm như nhau. Xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Căn cứ các tài liệu chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
Ngày 30 tháng 11 năm 2019 và các ngày 02, 10 tháng 12 năm 2019 các bị cáo Trần Ngọc C (Trần Bình P), Nguyễn Trung K, Phạm Thế N kháng cáo Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2019/HS-ST ngày 27/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình. Như vậy, kháng cáo của các bị cáo Trần Ngọc C (Trần Bình P), Nguyễn Trung K, Phạm Thế N là trong thời hạn quy định của pháp luật. Do vậy, Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét kháng cáo của các bị cáo:
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, các bị cáo Nguyễn Trung K, Phạm Thế N nhận tội; riêng bị cáo Trần Ngọc C (Trần Bình P) không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo C nhận tội, thể hiện sự ăn năn hối cải và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vai trò thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo với bị cáo K là như nhau. Căn cứ vào lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa hôm nay phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm; phù hợp với lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các tài liệu chứng cứ khác được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình thu thập có trong hồ sơ vụ án, thể hiện: Trong thời gian từ cuối tháng 6, tháng 7 năm 2018, tại địa bàn tỉnh Quảng Bình các bị cáo Trần Ngọc C, Nguyễn Trung K đã lập kế hoạch, chuẩn bị phương tiện là tàu đánh cá số BQ91269TS rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ 14 người dân rồi cùng Phạm Thế N bàn bạc, mua các thiết bị, vật dụng cần thiết khác cùng nhu yếu phẩm và tổ chức cho 14 người trốn đi nước ngoài trái phép sang nước Úc thì bị Cảnh sát Úc bắt, sau đó giao trả cho Cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý.
Xét tính chất, hành vi, vai trò thực hiện tội phạm của từng bị cáo thì thấy:
Bị cáo Trần Ngọc C, Nguyễn Trung K là người đóng vai trò chính. Các bị cáo thống nhất với nhau tìm mua tàu để làm phương tiện tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Cùng bàn bạc, vạch kế hoạch, phân công trách nhiệm, chỉ đạo đồng phạm rũ rê, lôi kéo người khác trốn đi nước ngoài trái phép; cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho chuyến vượt biển sang Úc. Bị cáo C cùng bị cáo K thu gom tiền của những người tham gia vượt biên để trả tiền mua tàu cho vợ chồng bị cáo N và mua những vật dụng cần thiết cho việc ăn uống và sinh hoạt trong những ngày trên biển. Bị cáo Trần Ngọc C đã trực tiếp lôi kéo anh Hoàng Trọng P, Nguyễn Thị Lương G, Nguyễn Ánh V (con của G). Từ đó, P lôi kéo được Phạm Xuân T, Nguyễn Quốc T, Nguyễn Thanh S; G lôi kéo được Đỗ Văn Nam, Phan Xuân H; H tiếp tục rủ Mai Việt T. Bị cáo Nguyễn Trung K cùng bị cáo C bàn bạc, vạch kế hoạch tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Bị cáo K trực tiếp tìm mua tàu của bị cáo N và làm phương tiện tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Bị cáo K lôi kéo Trần Hữu C, Lê Thành T, Phạm Xuân K;
từ đó, K lôi kéo Nguyễn Văn N. Ngoài ra, bị cáo K còn tham gia lái tàu cùng bị cáo N và những người khác. Đối với bị cáo Phạm Thế N sau khi bán tàu cho các bị cáo Trần Ngọc C, Nguyễn Trung K và được K, C rủ cùng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép thì bị cáo N đồng ý. Bị cáo N cùng tham gia bàn bạc và trực tiếp mua những vật dụng cần thiết cho tàu; chuẩn bị an toàn cho tàu và chịu trách nhiệm về máy móc, lái tàu, đi xem ngày, giờ để tàu xuất phát. Với hành vi phạm tội nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Trần Ngọc C, Nguyễn Trung K, Phạm Thế N về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi ngước ngoài trái phép” theo điểm a khoản 3 Điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng tội.
Hành vi phạm tội của các bị cáo Trần Ngọc C, Nguyễn Trung K, Phạm Thế N là cố ý trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không có mục đích chống chính quyền nhân dân. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây bất ổn về tình hình an ninh trật tự tại địa phương tỉnh Quảng Bình nói riêng, cả xã hội nói chung. Làm cho một bộ phận người dân có trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế đã tin tưởng lời hứa hẹn của các bị cáo về một tương lai không có thật ở quốc gia khác. Do vậy, phải xét xử nghiêm. Đồng thời, qua vụ án này cũng cần phê phán đối với những người đã đồng ý tạo điều kiện cho các bị cáo tổ chức cho người khác trốn đi ngước ngoài trái phép. Qua đây, cảnh tỉnh cho mọi người dân cần cảnh giác đối với loại tội phạm này. Đối với các bị cáo Nguyễn Trung K, Phạm Thế N sau khi vụ án bị phát hiện đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, đã vượt qua mặc cảm của bản thân tích cực hợp tác cùng Tổ chức di cư Quốc tế (TOM) và Đài truyền hình Việt Nam tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro, hậu quả phải gánh chịu nếu di cứ trái phép. Hành động này của hai bị cáo Nguyễn Trung K, Phạm Thế N đã được Tổ chức di cư Quốc tế (TOM) và Đài truyền hình Việt Nam trao thư khen tại phiên tòa sơ thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét về nhân thân, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trần Ngọc C theo điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự; các bị cáo Nguyễn Trung K, Phạm Thế N theo điểm s, t khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự và xử phạt bị cáo Trần Ngọc C 07 năm tù, bị cáo Nguyễn Trung K 05 năm tù và bị cáo Phạm Thế N 04 năm 06 tháng tù là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo Trần Ngọc C có tình tiết giảm nhẹ hình phạt mới là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; các bị cáo Nguyễn Trung K, Phạm Thế N không cung cấp thêm được tình tiết giảm nhẹ hình phạt mới, nhưng bị cáo N là đồng phạm giúp sức có vai trò thấp. Do vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Ngọc C, Phạm Thế N giảm một phần hình phạt cho hai bị cáo C, N; không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Trung K.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Trần Ngọc C, Phạm Thế N không phải chịu; bị cáo Nguyễn Trung K phải chịu theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào điểm a, b khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự. Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trần Ngọc C, Phạm Thế N; không chấp nhận kháng kháng cáo của bị cáo Nguyễn Trung K. Sửa Bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo Trần Ngọc C, Phạm Thế N.
2. Tuyên bố các bị cáo Trần Ngọc C (Trần Bình P), Nguyễn Trung K, Phạm Thế N phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi ngước ngoài trái phép”.
2.1. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; điểm s, x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt Trần Ngọc C (Trần Bình P) 05 (năm) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 17/11/2018.
2.2. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt Nguyễn Trung K 05 (năm) năm tù, được trừ thời hạn tạm giam từ ngày 16/11/2018 đến ngày 14/3/2019. Thời hạn chấp hành hình phạt kể từ ngày bị cáo đi chấp hành án.
2.3. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; điểm s, t khoản 1 Điều 51, Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt Phạm Thế N 04 (bốn) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt kể từ ngày bị cáo đi chấp hành án.
Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Trần Ngọc C, Phạm Thế N không phải chịu; bị cáo Nguyễn Trung K phải chịu 200.000đ.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép số 147/2020/HS-PT
Số hiệu: | 147/2020/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 10/06/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về