Bản án về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài số 26/2022/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

BẢN ÁN 26/2022/HS-ST NGÀY 30/05/2022 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI

Ngày 30 tháng 5 năm 2022, tại Phòng xử án hình sự, trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang, xét xử sơ thẩm công khai Vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 13/2022/TLST- HS ngày 01/4/2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 21/2022/QĐXXST-HS ngày 16 tháng 5 năm 2022 đối với các bị cáo:

1. Hầu Nhìa S (tên gọi: Không); sinh năm 1987; nơi sinh: Xã T, huyện Đ, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú: Thôn S, xã T, huyện Đ, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Làm nương; trình độ học vấn: 03/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Hầu Pà H, sinh năm 1968 và bà Vàng Thị S, sinh năm 1970; có vợ: Vàng Thị M, sinh năm 1987 và có 02 con (lớn sinh năm 2004, nhỏ sinh năm 2007); tiền sự, tiền án: Không;

Nhân thân: Năm 2011, Hầu Nhìa S bị tuyên phạt 06 năm tù về tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”, theo Bản án số 38/2011/HSST, ngày 26/7/2011, của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang. Năm 2013, bị cáo Hầu Nhìa S được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam quyết định đặc xá, tính đến ngày 14/7/2021 đã được xóa án tích theo điểm c khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự;

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 09/8/2021, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang; có mặt.

2. Vừ Mí L (tên gọi: Không); sinh năm 1986; nơi sinh: Xã T, huyện M, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú: Xã T, huyện M, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Làm nương; trình độ học vấn: 09/12; Dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông: Vừ Pà S, sinh năm 1963 và bà Chá Thị G, sinh năm 1966; có vợ: Già Thị M , sinh năm 1986 và có 04 con (lớn sinh năm 2005, nhỏ sinh năm 2019); tiền án, tiền sự, nhân thân: Không;

Bị cáo bị tạm giữ ngày 23/8/2021, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang; có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Hầu Nhìa S và Vừ Mí L: Ông Cao Xuân H, Luật sư - Văn phòng Luật sư H, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hà Giang, do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, tỉnh Hà Giang cử; có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Chị Vàng Thị M, sinh năm 1987; nơi cư trú: Thôn S, xã T, huyện Đ, tỉnh Hà Giang; có mặt.

2. Anh Sùng Mí S1; sinh ngày 14/10/2000; nơi cư trú: Thôn Đ, xã T, huyện Đ, tỉnh Hà Giang; vắng mặt.

3. Chị Vàng Thị S2; sinh năm: 1982; nơi cư trú: Thôn H2, xã T, huyện M, tỉnh Hà Giang; có mặt.

4. Bà Tô Thị S3; sinh năm: 1971; nơi cư trú: Thôn H2, xã T, huyện M, tỉnh Hà Giang; vắng mặt.

5. Chị Vừ Thị V; sinh năm: 1992; nơi cư trú: Thôn Đ, xã T, huyện Đ, tỉnh Hà Giang; vắng mặt.

6. Ông Dương Văn H; sinh năm: 1980; nơi cư trú: Tổ 2, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Hà Giang; vắng mặt.

7. Anh Giàng Mí P; sinh năm: 1997; nơi cư trú: Thôn C, xã T, huyện M, tỉnh Hà Giang; vắng mặt.

Người làm chứng:

1. Chị Nguyễn Thị Như Q; sinh năm: 2000; nơi cư trú: Số 204/1A, Tây K 8, phường H, thành phố X, tỉnh An Giang; vắng mặt.

2. Anh Bùi Văn H; sinh năm: 1990; nơi cư trú: Xóm S, xã S, thành phố N, tỉnh Thái Nguyên; vắng mặt.

3. Anh Nguyễn Tuấn D; sinh năm: 2000; nơi cư trú: Thôn 3, xã H, thị xã Y, tỉnh Quảng Ninh; vắng mặt.

4. Anh Trịnh Văn X; sinh năm: 1992; nơi cư trú: Thôn T, xã Q, huyện X, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt.

5. Chị Tăng Thị N; sinh năm: 1987; nơi cư trú: Thôn A, xã P, huyện N, tỉnh Bắc Giang; vắng mặt.

6. Ông Ngô Văn H; sinh năm: 1968; nơi cư trú: Xóm K 2, phường H, quận S, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

7. Chị Hoàng Như Q; sinh năm: 2003; nơi cư trú: Thôn T, xã T, huyện Y, tỉnh Yên Bái; vắng mặt.

8. Chị Nguyễn Thị Thu H; sinh năm: 2000; nơi cư trú: Thôn D, xã P, huyện N, tỉnh Bắc Giang; vắng mặt.

9. Bà Nguyễn Thị C; sinh năm: 1976; nơi cư trú: Khu dân cư C II, phường H, huyện L, tỉnh Hải Dương; vắng mặt.

10. Chị Phạm Thị T; sinh năm: 1989; nơi cư trú: Thôn T, xã Đ, huyện L, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

11. Chị Đỗ Thị T; sinh năm: 1995; nơi cư trú: Thôn S, xã S, huyện Y, tỉnh Bắc Giang; vắng mặt.

12. Anh Đầu Việt T; sinh năm:1999; nơi cư trú: Thôn T, xã Q, huyện Q, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt.

13. Chị Hoàng Thị N; sinh năm: 1993; nơi cư trú: Xóm C, xã T, huyện Đ, tỉnh N; vắng mặt.

14. Anh Tàng Văn T; sinh năm: 1990; nơi cư trú: Thôn A, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Giang; vắng mặt.

15. Bà Vũ Thị T; sinh năm 1975; nơi cư trú: Số nhà 13, ngõ 195, đường T, phường X, quận S, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

16. Anh Hoàng Văn S; sinh năm: 1989; nơi cư trú: Thôn A, xã G, huyện N, tỉnh Bắc Giang; vắng mặt.

17. Chị Vũ Thị Thái H; sinh năm: 1986; nơi cư trú: Khu phố N, đường K, thị xã S, tỉnh Bắc Ninh; vắng mặt.

Ngưi phiên dịch tiếng Mông: Bà Vừ Thị M, sinh năm 1977; trú tại: Tổ 07, phường H, thành phố G, tỉnh Hà Giang; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng tháng 12/2020, Vừ Mí L sinh ngày 1/6/1986, trú tại: Thôn P, xã T, huyện M, tỉnh Hà Giang đi xe ôm chở 01 phụ nữ (chưa xác định được tên, tuổi, địa chỉ), từ xã T, huyện M đến thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Hà Giang. Người này xin số điện thoại của L, để sau này tiếp tục thuê L chở từ thị trấn Đ đến xã T. Đến đầu tháng 7/2021, có 01 người đàn ông dùng 02 số điện thoại +861861311xxxx; 081368xxxx gọi điện cho L. Người này không cho L biết tên và giới thiệu là bạn của người phụ nữ nêu trên, nhà ở T, Thành phố Hà Nội (chưa xác định được nhân thân). Người này đặt vấn đề thuê L đưa người từ thị trấn Đ vượt biên giới, trốn đi Trung Quốc và hứa trả cho L số tiền là 700 NDT(CNY)/01 người. Sau khi L đưa được người sang đến Trung Quốc, người đón ở Trung Quốc sẽ trả cho L số tiền này. Khoảng 02 tuần sau, L gặp Hầu Nhìa S, sinh ngày 15/4/1987 trú tại: Thôn S, xã T, huyện Đ, tỉnh Hà Giang tại quán phở trong chợ thị trấn Đ, L đặt vấn đề thuê S đưa người vượt biên giới đi Trung Quốc, S chỉ việc đưa một đoạn đường; khi nào có người đi thì L sẽ báo cho S địa điểm đón và giao người cho L. Hầu Nhìa S bảo với L đang có dịch Covid-19, lực lượng chức năng tuần tra chặt chẽ thì làm sao đi được, L bảo S đi theo đường mòn thì không sợ, S đồng ý.

Khoảng 17 giờ ngày 02/8/2021, người đàn ông nhà ở T gọi điện thoại thuê L đưa 15 người từ thị trấn Đ vượt biên giới sang Trung Quốc để lao động. L đồng ý và người này gửi cho L 03 số điện thoại của 03 nhóm để đón 15 người; đồng thời bảo L sẽ có người gọi điện cho L để nhận người khi sang đến Trung Quốc. L dự định đưa số người này sang Trung Quốc qua khu vực Mốc số 462 thuộc thôn C, xã T, huyện M, tỉnh Hà Giang.

Khoảng 09 giờ ngày 03/8/2021, Vừ Mí L gọi điện thoại thuê Hầu Nhìa S đưa 15 người từ khu vực đồi thông, giáp Quốc lộ 4C, thuộc thôn L, xã L, huyện M (đường Đ - M, cách thị trấn Đ khoảng 04 km) đưa qua sông Q, đến khu vực ngã ba thôn H1, H2 và thôn P, xã T, huyện M và giao cho L để tiếp tục đưa đi Trung Quốc. L sẽ trả cho S 400 CNY/01 người; S đồng ý. L bảo S sẽ có người khác đưa 15 người địa điểm (nêu trên) vào khoảng 20 giờ cùng ngày và dặn S đón. Sau đó, L gọi điện cho 15 người đi Trung Quốc hỏi đang ở đâu, thì được cho biết là đang ở nhà nghỉ tại thị trấn Đ. L dặn họ cứ ở nhà nghỉ chờ, đến chiều tối sẽ có người đưa đi Trung Quốc. Khoảng 15 giờ cùng ngày, người thuê L gọi điện bảo L đưa thêm 02 người nữa, tổng cộng là 17 người; 02 người này đang đi taxi từ thành phố Hà Giang lên thị trấn Đ và cho L số điện thoại để đón. L gọi điện hướng dẫn cho 02 người này đi thẳng đến đồi thông thôn L, xã L, huyện M.

Khoảng 17 giờ ngày 03/8/2021, Vừ Mí L gọi điện thoại thuê ông Dương Văn H, sinh năm 1980, trú tại: Tổ 1, thị trấn B, huyện Đ; tạm trú tại tổ 2, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Hà Giang đi xe ôm chở 15 người, từ thị trấn Đ đến khu vực đồi thông thôn Ngài Lầu với số tiền 50.000 đồng/01 người; người đi sẽ trả tiền xe ôm cho H. L bảo H đón vào khoảng 19 giờ cùng ngày tại thị trấn Đ và gửi cho H số điện thoại để đón 15 người. (L không nói cho H biết L có mục đích đưa 15 người này vượt biên giới trốn đi Trung Quốc). Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, ông Dương Văn H rủ cháu ruột là Dương Văn S, sinh năm 1986, đăng ký hộ khẩu thường trú (viết tắt ĐKHKTT) tại: Khu 2, thị trấn B, huyện Đ; tạm trú tại thôn Chúng Pả B, thị trấn M và ông Trương Phát Q, sinh năm 1977, cư trú tại tổ 7, thị trấn Đ cùng H đi xe ôm. 3 người chở 15 người đi từ nhà nghỉ Trường A1 và nhà nghỉ Lý H tại thị trấn Đ, huyện Đ đến địa điểm mà L dặn.

Khoảng 20 giờ cùng ngày, Hầu Nhìa S đón được 17 người tại khu vực đồi thông, thôn L và báo cho L biết. Sau đó, S dẫn những người này đi bộ theo lối mòn xuống bờ sông Q, để đưa đến địa điểm giao cho L. Trên đường đi có 01 người bị trượt ngã trẹo chân là chị Nguyễn Thị Như Q, sinh năm 2000 Trú tại: Xã H, huyện X, tỉnh An Giang, nên S để người này ở lại đón sau. Khoảng 21 giờ, Vừ Mí L đi bộ từ nhà đến địa điểm đã hẹn, để nhận người từ S. Đến khoảng 23 giờ, L nhìn thấy dưới bờ sông Nho Q có ánh đèn pin, nghi có Công an, Biên phòng đi tuần tra nên gọi điện báo cho S biết. L và S thống nhất với nhau cho số người này ẩn nấp, đợi đến hôm sau sẽ tiếp tục đưa sang Trung Quốc. Sau đó, S đưa 16 người trốn ở bãi cỏ gianh trên sườn núi thuộc thôn L, xã L, huyện M, rồi gọi điện báo cho L biết. Sau đó, S đi đến khu ruộng nhà S để nghỉ (cách nhóm người trốn khoảng 02 km); còn L quay về nhà. Đến 08 giờ 00 ngày 04/8/2021, Tổ công tác Phòng An ninh điều tra, Phòng An ninh đối ngoại, Công an huyện Đ, Công an huyện M phát hiện ra S và tìm được 17 người trốn đi Trung Quốc. Đã yêu cầu Hầu Nhìa S và 17 công dân đến UBND xã L, M làm việc để tiếp tục làm rõ.

Sáng sớm ngày 04/8/2021, L được 01 người (chưa xác định được nhân thân, L không lưu số điện thoại của người này) gọi điện hỏi L sao không đưa người sang Trung Quốc, L bảo số người đó chưa đi được, vì có Công an, Biên phòng đi tuần. Người này bảo L khi nào đưa đi tiếp thì gọi để đón. Sau đó L đi phát cỏ ở mương nước về nhà thì Công an xã T đến mời L lên trụ sở UBND xã để làm việc. L nói đi làm về đói, nhà không còn gì ăn, nên L đi mua mì tôm, ăn xong sẽ lên UBND xã. Khi ra đến quán bán hàng, L nghe thấy người dân trong thôn nói (L không nhớ người nào) Công an đã bắt S và người trốn đi Trung Quốc. Nghe thấy vậy, L sợ S khai ra L, nên ngay lúc đó L bỏ trốn lên khu lô cốt cũ thuộc khu vực Đ, thôn P xã T, M. Đến trưa ngày 22/8/2021, Vừ Mí L đến Công an xã C, huyện M đầu thú và khai toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Về 17 công dân trốn đi Trung Quốc cư trú tại các tỉnh, thành phố: T, G, N, D, P, N, H, A. Các công dân này có mục đích trốn đi Trung Quốc để lao động (16 trường hợp) và lấy chồng (01 trường hợp). Các công dân này được bạn, người thân đang ở Trung Quốc giới thiệu cho công việc và tài khoản Zalo, Wechat của các đối tượng (chưa xác định được nhân thân) để liên hệ đưa sang Trung Quốc hoặc đọc được bài viết giới thiệu việc làm trên các trang Facebook “Người Việt Nam làm việc ở Trung Quốc”, “Người Việt sống ở Trung Quốc”, “Hội người Việt Nam ở Trung Quốc”, “Việc làm tiếng Trung”, tài khoản TikTok “Nhà xe Trung Việt 2 chiều”, rồi liên hệ với các đối tượng (chưa xác định được nhân thân) qua Zalo, Wechat để đi Trung Quốc. Những người này phải trả số tiền từ 5.200 đến 7500 Nhân dân tệ hoặc 27.750.000 đồng/01 người, tùy thuộc vào điểm đến; trả tiền cho người Trung Quốc đón ở biên giới hoặc sang đến nơi làm việc hoặc được trừ vào tiền lương hàng tháng.

Quá trình điều tra bị cáo Vừ Mí L và Hầu Nhìa S còn khai nhận: Trước đó ngày 15/7/2021, bị cáo Vừ Mí L và Hầu Nhìa S đã tổ chức đưa được 03 người (gồm 02 người phụ nữ, 01 trẻ nhỏ) nhập cảnh Việt Nam trái phép, tại xã T, huyện M, tỉnh Hà Giang cụ thể:

Khoảng ngày 14/7/2021, vẫn người đàn ông nhà ở T (nêu trên) gọi điện thuê Vừ Mí L đón và đưa 03 người (gồm 02 phụ nữ, 01 trẻ nhỏ) nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam và đưa đến thị trấn Đ, huyện Đ để 03 người này tự đi xe khách đến thành phố Hà Giang. L dặn người thuê đưa 03 người đến khu vực Mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc số 462, thuộc xã T, huyện M, để nhập cảnh trái phép. Người này hứa trả cho L số tiền 700 Nhân dân tệ/01 người và dặn L lấy số tiền này từ người nhập cảnh trái phép. L đồng ý và người này gửi cho L số điện thoại của họ để liên lạc đón. Sau đó L gọi điện thoại thuê Hầu Nhìa S đưa 03 người từ khu vực ngã ba thôn P, thôn H1, thôn H2, xã T, huyện M đến thị trấn Đ, huyện Đ để 03 người này tự đi xe khách về thành phố Hà Giang. L trả cho S số tiền là 400 Nhân dân tệ/01 người. S đồng ý và dặn L đưa 03 người đến điểm hẹn, S sẽ cho người khác nhận người từ L và đưa đi giao cho S, để tiếp tục đưa đi.

Khoảng 19 - 20 giờ cùng ngày, L đi bộ từ nhà đến Mốc biên giới số 462 thuộc thôn C, xã T đón được 03 người (gồm 02 nữ giới, 01 trẻ nhỏ) nhập cảnh Việt Nam trái phép và dẫn đến thôn P (đi qua nhà L). Tại đây, L được người đi trả tổng số tiền công là 1.600 Nhân dân tệ (trong đó có 01 người trả số tiền 700 Nhân dân tệ; còn 01 người trả cho 02 mẹ con số tiền 900 Nhân dân tệ). Đồng thời, L thuê Giàng Mí P, sinh năm 1997, cư trú tại: Thôn C, xã T, đi xe ôm chở người cho L, với số tiền 200.000 đồng. Nhưng L không cho P biết số người này được L đưa nhập cảnh Việt Nam trái phép.

Sau khi được L thuê, Hầu Nhìa S gọi điện thuê bà Tô Thị S3 (tên thường gọi là bà Sỉnh), sinh năm 1971, trú tại: Thôn H2, xã T, huyện M đón 03 người từ Vừ Mí L tại khu vực ngã ba thôn P, thôn H1, thôn H2, xã T, huyện M và đưa sang sông Nho Q, đến bờ sông thuộc thôn M, thị trấn Đ, huyện Đ giao cho S. S báo cho L biết là đã thuê được Tô Thị S3, do có quen biết bà S3 từ trước nên L có số điện thoại của bà S3. Về phía bà S3, sau khi được S thuê, do không đủ sức khỏe nên bà S3 đã bảo bà Vàng Thị S4 (tên thường gọi là bà C), sinh năm 1982, trú tại: Thôn H2, xã T, huyện M đi đón hộ người từ ngã ba thôn H1, thôn H2 để đưa xuống bờ sông Q cSho bà S4. Số tiền công do Hầu Nhìa S trả là 400 Nhân dân tệ, bà S3 và bà S4 cùng chia nhau. (Khi thuê bà Tô Thị S3 đón người Hầu Nhìa S không nói cho bà S3 biết những người này từ đâu về và đi đâu, do đó bà S3 cũng không nói gì về việc đó với bà Vàng Thị S4).

Tối ngày 14/7/2021, Vừ Mí L dùng xe mô tô chở 01 người nữ, còn Giàng Mí P dùng xe mô tô chở 01 người nữ và 01 trẻ nhỏ đi đến ngã ba thôn P, thôn H1, thôn H2 giao cho 01 người phụ nữ. Khi giao người, do có quen biết từ trước lên Vừ Mí L đã nhận ra người này là bà Vàng Thị S4.

Cũng vào ngày 14/7/2021, Hầu Nhìa S gọi điện thoại rủ Vừ Thị V, sinh năm 1992 (trú tại thôn C, xã T, huyện Đ) đi đám ma cùng S. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, S chở V đến đoạn đường mòn rẽ xuống bờ sông Q, thuộc thôn L, thị trấn Đ. S bảo Và ở lại trông xe máy chờ, còn S đi xuống bờ sông có việc. Sau đó, S đón được 03 người (02 nữ, 01 trẻ nhỏ) từ bà Tô Thị S3 và dẫn đến chỗ V. S nói với Và là những người này ở xa về, S bảo V có đồng ý đi bộ cùng 03 người này lên đường lớn không, V đồng ý (S không nói cho Và biết 03 người này được S đưa nhập cảnh Việt Nam trái phép). S đi xe mô tô trước, V cùng 03 người đi bộ sau. Khoảng 01 - 02 giờ sáng ngày 15/7/2021, S đến ngã ba giao với Quốc lộ 4C đường Đ - M chờ. Khi V cùng 03 người đến, S chở V đến gần nhà người dân ven đường để chờ, còn S chở 03 người này đến thị trấn Đ.

Bị cáo S gọi điện thoại xin Dương Văn H cho 03 người nghỉ nhờ ở nhà H (tại tổ 2, gần chợ thị trấn Đ) đến sáng, để đón xe khách về thành phố Hà Giang. S hỏi H lấy bao nhiêu tiền, H nói trời sắp sáng đưa 100.000 đồng đến 200.000 đồng cũng được, S nói cho những người này số tiền nghỉ và họ đồng ý. Sau đó S đi về đón Và, rồi trở về nhà. Đến khoảng 06 - 07 giờ sáng cùng ngày, S gọi điện thoại hỏi thì H cho biết đã hướng dẫn cho 03 người này đón xe khách về thành phố Hà Giang. Khoảng 01 tuần sau, Vừ Mí L đi chợ thị trấn Đ đổi số tiền 1.600 Nhân dân tệ sang tiền Việt Nam được số tiền 5.600.000đ và trả cho Hầu Nhìa S tiền công đưa người nhập cảnh Việt Nam trái phép số tiền 3.000.000 đồng. Còn Giàng Mí P được L trả tiền đi xe ôm 200.000 đồng, sau khi đưa 02 người. Còn lại số tiền 2.400.000 đồng, L đã sử dụng hết vào mục đích chi tiêu sinh hoạt gia đình.

Cáo trạng số 11/CT-VKSHG-P1, ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đã truy tố các bị cáo Vừ Mí L và Hầu Nhìa S về các tội: “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” theo điểm a khoản 3 Điều 349 Bộ luật Hình sự và tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” theo khoản 1 Điều 348 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên toà, các bị cáo Vừ Mí L và Hầu Nhìa S đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội: Ngày 14/7/2021, Vừ Mí L được một người đàn ông giới thiệu nhà ở Sơn Tây – Hà Nội thuê tổ chức đưa người nhập cảnh Việt Nam trái phép sẽ được trả tiền công 700CNY (Nhân dân tệ)/1 người, L đồng ý, sau đó L đã thuê Hầu Nhìa S cùng thực hiện và trả tiền công cho S 400CNY/1 người; L và S đã đưa được 02 người phụ nữ và 01 trẻ nhỏ nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam và được trả tiền công 1.600CNY, L đổi sang tiền Việt Nam được 5.600.000đ, L trả cho S 3.000.000đ, trả tiền xe ôm cho P 200.000đ, còn lại 2.400.000đ L sử dụng chi tiêu mục đích cá nhân. Số tiền Hầu Nhìa S được hưởng lợi bất chính là 3.000.000đ bị cáo đã nhờ gia đình giao nộp lại cho Cơ quan điều tra. Đến ngày 3- 4/8/2021, L tiếp tục nhận được điện thoại từ người ở T – Hà Nội thuê tổ chức đưa 17 người Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê và hứa trả 700CNY/1 người, L đã liên lạc với S và thống nhất cùng nhau thực hiện, L sẽ trả công cho S 400CNY/1 người, tuy nhiên chưa đưa sang được đến biên giới thì bị lực lượng chức năng phát hiện ngăn chặn kịp thời nên L, S cũng chưa được trả tiền công. Đồng thời các bị cáo trình bày trong quá trình điều tra, truy tố các bị cáo không bị bất kỳ ai đánh đập, hoặc dùng nhục hình; toàn bộ lời khai đều do các bị cáo tự nguyện khai báo như diễn biến hành vi các bị cáo đã thực hiện; nhất trí với nội dung cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố các bị cáo.

Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

Chị Vàng Thị S4 trình bày, có được bà Tô Thị S3 bảo đi đón người từ ngã ba thôn H1, thôn H2 đưa xuống bờ sông Nho Quế và được bà S3 trả tiền, nhưng không biết trở người nhập cảnh trái phép.

Chị Vàng Thị M trình bày, chiếc xe máy Cơ quan điều tra thu giữ của chồng chị là do chồng chị mua của anh Sùng Mí S, là tiền chung của vợ chồng, nên chị xin lại để làm phương tiện đi lại cho gia đình.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã đưa ra các chứng cứ, tài liệu luận tội các bị cáo và giữ nguyên nội dung cáo trạng truy tố; phân tích về nguyên nhân, động cơ phạm tội, tính chất, hậu quả của vụ án; đánh giá vai trò tham gia thực hiện hành vi phạm tội của từng bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân đối với các bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử:

1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Vừ Mí L và Hầu Nhìa S phạm các tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” và tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

2. Hình phạt:

- Áp dụng khoản 1 Điều 348; điểm s, r khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Vừ Mí L từ 02 đến 03 năm tù. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 15, Điều 57, Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Vừ Mí L từ 06 đến 07 năm tù. Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt của 02 tội, bị cáo Vừ Mí L phải chịu hình phạt từ 08 đến 10 năm tù; thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giam ngày 23/8/2021.

- Áp dụng khoản 1 Điều 348, điểm s, r khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Hầu Nhìa S từ 01 đến 02 năm tù. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 15, Điều 57, Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Hầu Nhìa S từ 05 đến 06 năm tù. Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt của 02 tội, bị cáo Hầu Nhìa S phải chịu hình phạt từ 06 đến 08 năm tù; thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giam ngày 09/8/2021.

- Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo:

3. Về vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự: Tuyên tịch thu tiêu hủy 03 chiếc điện thoại; 01 chiếc túi xách; 01 thẻ ngân hàng Agribank mang tên Hầu Nhìa S; 01 sim điện thoại.

- Tịch thu sung ngân sách Nhà nước: 01 xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA biển kiểm soát: 23N1 - xxx.44; 01 Giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, mang tên Sùng Mí S; số tiền 3.000.000 đồng Việt Nam thu giữ của bị cáo Hầu Nhìa S.

4. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 12, Điều 23 Nghị quyết số 326/NQ-UBTVQH, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội; miễn tiền án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo Hầu Nhìa S, Vừ Mí L.

Người bào chữa cho các bị cáo Hầu Nhìa S và Vừ Mí L, Luật sư Cao Xuân H trình bày: Nhất trí với Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố các bị cáo và đồng thuận với nội dung luận tội, quan điểm của Kiểm sát viên đề nghị tại phiên tòa đối với các bị cáo Hầu Nhìa S và Vừ Mí L về các tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” theo khoản 1 Điều 348, điểm a khoản 3 Điều 349 Bộ luật Hình sự. Các bị cáo phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và tự khai ra hành vi phạm tội của mình về tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép; các bị cáo phạm tội đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, hậu quả chưa xảy ra; bị cáo S đã tự nguyện nộp số tiền 3.000.000 đồng thu lợi bất chính cho Cơ quan điều tra; đề nghị xử phạt các bị cáo mức khởi điểm của hai tội theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang.

Về vật chứng: Đề nghị trả lại cho bị cáo Hầu Nhìa S 01 chiếc xe máy. Về án phí: Đề nghị miễn tiền án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo Phần tranh luận: Các bị cáo nhất trí với nội dung bào chữa của Luật sư, không bổ sung thêm; nhất trí với luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa, không nhất trí về mức hình phạt với lý do: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo rất tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội; là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; bị cáo S đã nộp lại số tiền 3.000.000đ thu lợi bất chính; nên mức hình phạt Kiểm sát viên đề nghị tại phiên toà là quá nghiêm khắc. Bị cáo Hầu Nhìa S đề nghị trả lại cho bị cáo chiếc xe máy để gia đình làm phương tiện đi lại.

Kiểm sát viên tranh luận: Các bị cáo phạm tội theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 349 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung “Đối với 11 người trở lên”, có khung hình phạt tù từ 7 đến 15 năm, các bị cáo đã tổ chức cho 17 người trốn đi nước ngoài và phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều 348 Bộ luật Hình sự, tổ chức nhập cảnh Việt Nam trái phép cho 03 người, có khung hình phạt tù từ 1 đến 5 năm; các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong thời điểm cả nước đang chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt trong việc kiểm soát đối với người xuất cảnh, nhập cảnh; do đó Viện kiểm sát đề nghị mức hình phạt đối với các bị cáo là phù hợp với quy định của pháp luật, giữ nguyên mức hình phạt. Người bào chữa, bị cáo S và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị M đề nghị được trả lại chiếc xe máy để làm phương tiện đi lại cho gia đình; căn cứ khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự, chiếc xe máy bị cáo S đã sử dụng làm phương tiện phạm tội, cần phải tịch thu sung ngân sách Nhà nước.

Lời nói sau cùng của các bị cáo: Các bị cáo đã nhận thức rõ hành vi phạm tội, đề nghị xử phạt các bị cáo mức án thấp nhất.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang, Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo, người bào chữa, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên toà, một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và toàn bộ người làm chứng vắng mặt không có lý do; sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Luật sư, các bị cáo, xét thấy những người này đã có lời khai trong hồ sơ vụ án. Căn cứ Điều 292, Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử thảo luận và quyết định tiếp tục tiến hành xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.

[3] Tội danh và định khung hình phạt: Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố; phù hợp với Biên bản sự việc, bản ảnh nhận dạng, biên bản đối chất, lời khai của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, các cuộc điện thoại giữa các bị cáo, người làm chứng và các tài liệu khác đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án. Có đủ cơ sở kết luận: Ngày 14/7/2021, Vừ Mí L được một người ( không rõ nhân thân) giới thiệu nhà ở Sơn Tây – Hà Nội thuê tổ chức đưa người nhập cảnh Việt Nam trái phép được trả tiền công 700CNY (Nhân dân tệ)/1 người, L đồng ý, sau đó L đã thuê Hầu Nhìa S cùng tổ chức đưa người nhập cảnh vào Việt Nam trái phép và L trả tiền công cho S 400CNY/1 người, hai bị cáo đã đưa được 02 người phụ nữ và 01 trẻ nhỏ nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam và được trả tiền công 1.600CNY, L đổi sang tiền Việt Nam được 5.600.000đ, L trả cho bị cáo S 3.000.000đ, trả tiền xe ôm cho P 200.000đ, còn lại 2.400.000đ L đã sử dụng chi tiêu vào mục đích cá nhân. Số tiền 3.000.000đ bị cáo Hầu Nhìa S đã giao nộp lại cho Cơ quan An ninh điều tra. Đến ngày 03 và ngày 04/8/2021, bị cáo L tiếp tục nhận được điện thoại từ người ở Sơn Tây – Hà Nội thuê tổ chức đưa 17 người Việt Nam sang Trung Quốc trái phép để làm thuê và hứa trả 700CNY/1 người, L đồng ý; L đã liên lạc với S và thống nhất thực hiện đưa người Việt Nam trốn sang Trung Quốc, L sẽ trả công cho S 400CNY/1 người; tuy nhiên trên đường các bị cáo đưa 17 người đến biên giới Trung Quốc thì bị lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên L và S chưa được nhận tiền công là ngoài ý muốn của các bị cáo.

[4] Các bị cáo L, S đều là những người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức được việc tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài là vi phạm pháp luật, biết việc tổ chức xuất, nhập cảnh ra nước ngoài và vào Việt Nam phải do cơ quan, tổ chức được Nhà nước cấp phép thực hiện mới hợp pháp; song với động cơ mục đích vụ lợi, các bị cáo đã bất chấp pháp luật, tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép với tổng số 01 lần, số lượng 03 người và thực hiện hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài với tổng số 01 lần, số lượng 17 người. Hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý; xâm phạm trực tiếp đến hoạt động quản lý hành chính Nhà nước về lĩnh vực xuất, nhập cảnh, quyền tự do cư trú của công dân, xâm phạm vào chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh biên giới Việt - Trung. Hành vi của các bị cáo Vừ Mí L và Hầu Nhìa S đã phạm hai tội "Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép" quy định tại khoản 1 Điều 348 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt tù từ 1 đến 5 năm, tội phạm các bị cáo thực hiện thuộc trường hợp nghiêm trọng và phạm tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài " quy định tại điểm a khoản 3 Điều 349 Bộ luật Hình sự với tình tiết “Đối với 11 người trở lên”, có khung hình phạt tù từ 7 đến 15 năm; tội phạm các bị cáo thực hiện thuộc trường hợp rất nghiêm trọng.

[5] Vai trò thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo: Mặc dù bị cáo Vừ Mí L không phải là người chủ mưu, khởi xướng, nhưng khi nhận được điện thoại của một người giới thiệu nhà ở T – Hà Nội thuê đưa, đón các công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam và tổ chức cho người khác vượt biên giới trốn sang Trung Quốc, L sẽ được trả tiền công số tiền 700CNY/1 người thì L đã nhận lời; L liên hệ với Hầu Nhìa S cùng với bị cáo thực hiện; là người nhận tiền công với số tiền 1.600CNY, đổi sang tiền Việt Nam được 5.600.000đ, trực tiếp trả tiền công cho bị cáo S và tiền xe ôm chở người cho P; do đó bị cáo Vừ Mí L được xác định là người giữ vai trò chính và phải chịu trách nhiệm hình sự cao nhất. Bị cáo Hầu Nhìa S, sau khi được L thuê đưa, đón người nhập cảnh trái phép và tổ chức người khác trốn đi Trung Quốc, bị cáo đã nhận lời và tích cực thực hiện, được xác định với vai trò là người đồng phạm cùng thực hiện hành vi phạm tội với bị cáo L; nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự và mức hình phạt tương xứng với hành vi của bị cáo đã thực hiện nhưng thấp hơn bị cáo L.

[6] Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội không có sự phân công nhiệm vụ cụ thể mà chỉ điện thoại cho nhau trao đổi về nội dung đưa, đón người và thống nhất cùng nhau thực hiện; cần áp dụng Điều 58 của Bộ luật Hình sự về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm đối với các bị cáo.

[7] Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo không có.

[8] Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế; bị cáo Vừ Mí L, sau khi biết tin Hầu Nhìa S bị bắt, bị cáo L đã bỏ trốn, ngày 23/8/2021, bị cáo đã nhận thức rõ được hành vi phạm tội của mình và đã tự nguyện ra đầu thú; bị cáo S đã nhờ gia đình nộp cho Cơ quan điều tra số tiền thu lợi bất chính 3.000.000đ do phạm tội mà có; nên các bị cáo được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Trong quá trình điều tra, các bị cáo đã tự khai ra lần trước đó Vừ Mí L, Hầu Nhìa S đã tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép; là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”. Sau khi bị cáo Hầu Nhìa S bị bắt, bị cáo đã tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra khai ra bị cáo Vừ Mí L cùng tham gia thực hiện hành vi phạm tội, được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm t khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử áp dụng giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo để các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật mà tu dưỡng rèn luyện bản thân trong thời gian các bị cáo chấp hành hình phạt.

[9] Về nhân thân: Bị cáo Hầu Nhìa S đã bị tuyên phạt 06 năm tù về tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” theo Bản án số 38/2011/HS-ST ngày 26/7/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang, mặc dù bị cáo không phạm tội cùng một tội danh nhưng sau khi bị cáo chấp hành xong hình phạt và được xóa án tích, bị cáo lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội cho thấy bị cáo không có thái độ tôn trọng pháp luật, coi thường sự quản lý của Nhà nước, cần có mức án đủ nghiêm đối với bị cáo.

[10] Về hình phạt chính: Các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng và rất nghiêm trọng và phạm 02 tội; thực hiện hành vi phạm tội trong thời điểm đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Viêm đường hô hấp cấp Covid-19; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có nội dung về tạm dừng xuất, nhập cảnh và tập trung lực lượng tăng cường canh gác vào các đường biên giới để phòng chống các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép; cần áp dụng Điều 38, Điều 50 Bộ luật Hình sự về tù có thời hạn và căn cứ quyết định hình phạt, xử phạt các bị cáo mức hình phạt nghiêm khắc, cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội để cải tạo, giáo dục các bị cáo thành công dân có ích cho gia đình, xã hội và đảm bảo tính răn đe riêng và phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này tại địa phương. Tuy nhiên, đối với lần phạm tội tổ chức cho 17 người trốn đi Trung Quốc bị cơ quan chức năng phát hiện kịp thời, các bị cáo chưa đưa được người sang Trung Quốc, cần áp dụng Điều 15, Điều 57 Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt đối với tội “ Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, xét xử các bị cáo không quá 3/4 mức phạt tù theo quy định.

[11] Về hình phạt bổ sung: Do các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các bị cáo theo quy định tại khoản 4 Điều 348, Điều 349 Bộ luật Hình sự.

[12] Vật chứng: Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra tạm giữ đồ vật của các bị cáo Hầu Nhìa S, Vừ Mí L; Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự để xử lý vật chứng như sau:

1. Đồ vật thu giữ của bị cáo Hầu Nhìa S bị cáo sử dụng vào việc thực hiện hành vi phạm tội, còn giá trị sử dụng, cần tuyên tịch thu sung ngân sách Nhà nước gồm: 01 điện thoại nhãn hiệu Vivo Y20, màu xanh, đã qua sử dụng; 01 điện thoại nhãn hiệu OPPO A54, màu xanh, đã qua sử dụng; 01 xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA loại Sirius, màu sơn đỏ, đen, biển kiểm soát: 23N1 - xxx.44, số khung C6407Y008901, số máy 5C64008901; 01 Giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy số 010xxx mang tên Sùng Mí Sò, sinh năm 2000, nơi ĐKHKTT: Xã Thài Phìn Tủng, huyện Đ, tỉnh Hà Giang, cấp ngày 07/7/2020, nơi cấp: Công an huyện Đ, tỉnh Hà Giang; qua xác minh, anh Sùng Mí Sò đã bán lại cho bị cáo Hầu Nhìa S với giá 9.000.000đ và đã nhận đủ tiền, không còn liên quan đến chiếc xe máy; tại phiên toà bị cáo S thừa nhận mua xe máy của anh Sò và đã sử dụng làm phương tiện để chở người nhập cảnh trái phép; số tiền 3.000.000đ Việt Nam gia đình bị cáo S đã nộp tại Cơ quan điều tra là tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có.

2. Đồ vật cá nhân thu giữ của bị cáo Hầu Nhìa S, bị cáo không sử dụng vào thực hiện hành vi phạm tội, cần tuyên trả lại cho bị cáo gồm: 01 chiếc túi đeo chéo cũ, dài 30 cm, rộng 20 cm, màu xanh đen, bên ngoài có chữ Adidas, đã qua sử dụng; 01 thẻ ngân hàng Agribank mang tên Hầu Nhìa S, số thẻ 9704.053.037.xxxxxx.

3. Đồ vật thu giữ của bị cáo Vừ Mí L gồm: 01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia, màu đen, bàn phím bấm đã qua sử dụng, bị cáo sử dụng liên hệ với bị cáo S và những người trốn đi Trung Quốc và nhập cảnh Việt Nam trái phép, còn giá trị sử dụng, cần tuyên tịch thu sung ngân sách Nhà nước.

4. Đối với số tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có bị cáo L đã chi tiêu cá nhân hết, cần tuyên truy thu số tiền 2.400.000đ đối với bị cáo Vừ Mí L.

5. 01 sim điện thoại Viettel số 0862.897.xxx, đã qua sử dụng thu giữ của bị cáo Vừ Mí L do không còn giá trị sử dụng, tuyên tịch thu, tiêu huỷ.

[13] Về án phí: Các bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có đơn xin miễn tiền án phí. Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/NQ-UBTVQH, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội; miễn tiền án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo.

[14] Từ những nhận định nêu trên, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố các bị cáo Hầu Nhìa S, Vừ Mí L về các tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” và “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” quy định tại khoản 1 Điều 348 và điểm a khoản 3 Điều 349 của Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Phát biểu luận tội và đề nghị về tội danh, áp dụng điều luật, hình phạt, xử lý vật chứng, án phí đối với các bị cáo của Kiểm sát viên tại phiên tòa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận. Tuy nhiên, Kiểm sát viên không đề nghị truy thu số tiền 2.400.000đ thu lợi bất chính do phạm tội mà có đối với bị cáo Vừ Mí L là chưa đảm bảo tính nghiêm minh.

[15] Quan điểm phát biểu của Luật sư bào chữa cho các bị cáo nhất trí với nội dung cáo trạng, luận tội và đề nghị của Kiểm sát viên về tội danh, áp dụng điều luật, mức hình phạt và phù hợp với quy định của pháp luật, nên được chấp nhận. Về đề nghị xử lý vật chứng trả lại 01 chiếc xe máy cho bị cáo Hầu Nhìa S không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[16] Trong vụ án này có một số người liên quan đến vụ án như sau:

1. Đối với Dương Văn H: Ngày 15/7/2021, Hầu Nhìa S đưa 3 người đến nhờ thuê nhà nghỉ và hôm sau bắt xe về thành phố Hà Giang và ngày 03/8/2021 thuê Hoà chở xe ôm đưa người đến khu vực đồi thông Km 4 đường Đ – M, hai bị cáo Vừ Mí L, Hầu Nhìa S không bàn bạc thống nhất với H về việc tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép, Bản thân H cũng không biết mục đích này nên không đủ căn cứ xác định Hoà đồng phạm trong vụ án này là đúng pháp luật.

2. Đối với Vàng Thị S4 (tức “bà C”), Tô Thị S3 (tức “bà S5”): Là người được Hầu Nhìa S thuê đưa người 1 đoạn đường từ khu vực ngã ba thôn H1, thôn H2 đến bờ sông và đưa qua sông Nho Quế, khi được thuê đưa người bà S, bà S3 hoàn toàn không biết họ đi từ đâu về vì L, S không nói cho biết là họ nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt nam, nên không có đủ căn cứ xử lý Vàng Thị S4 (tức “bà C”); Tô Thị S3 (tức “bà S5”) đồng phạm trong vụ án này.

3. Đối với Giàng Mí P (là người L thuê xe ôm vào ngày 14/7/2021) chở 02 người cho L sau khi L đón người từ biên giới về từ khu vực nhà Vừ Mí L đến thôn H2, với số tiền công chở 200.000 đồng. Khi thuê, L không cho P biết số người này được L đưa nhập cảnh Việt Nam trái phép, Do vậy, không đủ căn cứ xác định P đồng phạm trong vụ án này.

4. Đối với Vừ Thị Và: Được S nhờ đi bộ cùng 03 người nhập cảnh trái phép lên đường lớn (Quốc lộ 4C). Nhưng S không nói cho Và biết 03 người này được S đưa nhập cảnh Việt Nam trái phép. Bản thân Và không nghe được tiếng phổ thông, không biết những người này đi từ đâu về và đi đâu. Do vậy, không đủ căn cứ xác định Và đồng phạm trong vụ án này.

5. Đối tượng sử dụng thuê bao 0813.681.595 và 0812.423.139 thuê L đưa 03 người nhập cảnh trái phép và 17 người trốn đi Trung Quốc. Qua tra cứu, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cung cấp số thuê bao 0813.681.595 có thông tin đăng ký là ông Hồ Hữu T, sinh năm 1974; địa chỉ: số 20 đường T, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế; còn số thuê bao 0812.423.139 có thông tin đăng ký là ông Trần Văn T, sinh ngày 02/11/1973; HKTT tại xã P, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả Uỷ thác điều tra thể hiện Thọ không sử dụng số thuê bao này. Hiện nay, T đang cùng vợ sinh sống và làm ăn tại nước Cộng Hòa dân chủ nhân dân Lào; do dịch bệnh, nên năm 2021, T chưa về địa phương. Còn ở xã P không có người nào tên là Trần Văn T sinh sống. Kết quả điều tra, xác định người sử dụng các thuê bao trên có vai trò cầm đầu, chủ mưu trong vụ án. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra chưa xác định được nhân thân, lai lịch chính xác của người này. Cơ quan An ninh điều tra sẽ tiếp tục điều tra xác minh, làm rõ nếu có căn cứ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

6. Đối với 17 công dân trốn đi Trung Quốc: Đều thừa nhận việc vượt biên trái phép sang Trung Quốc không làm thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định là vi phạm. Do 17 người này chưa vượt biên giới sang Trung Quốc thành công. Do đó, chưa đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính với những người này.

7. Đối với 03 người nhập cảnh Việt Nam trái phép (02 phụ nữ và 01 trẻ nhỏ): Vào ngày 14/7/2021 L, S được thuê nên cũng không biết tên tuổi, địa chỉ cư trú của họ, đến nay Cơ quan ANĐT Công an chưa xác định được nhân thân, lai lịch của 03 người này. Hiện Cơ quan ANĐT đang tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ có căn cứ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

[17] Các bị cáo, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án theo quy định tại Điều 331, Điều 332, Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Vừ Mí L, Hầu Nhìa S phạm các tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” và tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

2. Hình phạt:

- Áp dụng khoản 1 Điều 348, điểm s, r khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17, Điều 58, Điều 50, Điều 38 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Vừ Mí L 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng tù. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 15, Điều 57, Điều 17, Điều 58, Điều 50, Điều 38 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Vừ Mí L 06 (Sáu) năm tù. Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt của 02 tội, bị cáo Vừ Mí L phải chịu 07 (Bảy) năm 06 (Sáu) tháng tù; thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giam ngày 23/8/2021.

- Áp dụng khoản 1 Điều 348; điểm s, r, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17, Điều 58 Điều 50, Điều 38 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Hầu Nhìa S 01 (Một) năm tù. Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 349; điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17, Điều 58, Điều 15, Điều 57, Điều 50, Điều 38 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Hầu Nhìa S 05 (Năm) năm tù. Áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự, tổng hợp hình phạt của 02 tội, bị cáo Hầu Nhìa S phải chịu 06 (Sáu) năm tù; thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam ngày 09/8/2021.

- Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo:

3. Về vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự:

3.1.Tuyên tịch thu các vật chứng để sung ngân sách Nhà nước:

- 01 (một) điện thoại di dộng nhãn hiệu Vivo Y20, màn hình cảm ứng, màu xanh, màn hình bị nứt, xước nhiều chỗ, điện thoại đã cũ, đã qua sử dụng, không bật được nguồn, không kiểm tra được tình trạng hoạt động bên trong (điện thoại của bị cáo Hầu Nhìa S);

- 01 (một) điện thoại di dộng nhãn hiệu OPPO A54 màn hình cảm ứng, màu xanh, điện thoại đã cũ, đã qua sử dụng, không bật được nguồn, không kiểm tra được tình trạng hoạt động bên trong (điện thoại của bị cáo Hầu Nhìa S);

- 01 (một) điện thoại di dộng nhãn hiệu NOKIA, màu đen, loại bàn phím bấm, điện thoại đã cũ, đã qua sử dụng, không bật được nguồn, không kiểm tra được tình trạng hoạt động bên trong (điện thoại của bị cáo Vừ Mí L);

- 01 (một) xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA loại Sirius, màu đỏ, đen; Biển kiểm soát: 23N1 - xxx.44, số khung RLCS5C6407Y008901, số máy 5C64008901; xe đã qua sử dụng, không tiến hành kiểm tra bên trong và tình trạng hoạt động của xe; 01 (một) Giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy số 010xxx mang tên Sùng Mí S, sinh năm 2000; địa chỉ: Xã T, huyện Đ, tỉnh Hà Giang, cấp ngày 07/7/2020, nơi cấp: Công an huyện Đ, tỉnh Hà Giang.

- Tiền Việt Nam 3.000.000đ (Ba triệu đồng) đã chuyển vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Giang.

3.2. Tuyên trả lại cho bị cáo Hầu Nhìa S:

- 01 (một) chiếc túi đeo chéo cũ, dài 30 cm, rộng 20 cm, màu xanh đen, bên ngoài có chữ adidas, túi đã cũ, đã qua sử dụng;

- 01 (một) thẻ ngân hàng agribank mang tên Hầu Nhìa S, số thẻ 9704.0530.3775.xxxx.

3.3. Tuyên tịch thu, tiêu huỷ: 01 (một) sim điện thoại Viettel số 0862.897.xxx, đã qua sử dụng.

(Về tình trạng vật chứng như Biên bản giao nhận vật chứng ngày 01/4/2022 giữa Công an tỉnh Hà Giang và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Giang).

3.4. Tuyên truy thu để sung ngân sách Nhà nước số tiền 2.400.000đ (Hai triệu, bốn trăm nghìn đồng) đối với bị cáo Vừ Mí L.

4. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 12, Điều 15,Điều 23 Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016, của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội;

miễn tiền án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo Hầu Nhìa S và Vừ Mí L.

5. Quyền kháng cáo: Căn cứ Điều 331, Điều 332, Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự; các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

419
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài số 26/2022/HS-ST

Số hiệu:26/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:30/05/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về