Bản án về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép số 453/2022/HSPT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 453/2022/HSPT NGÀY 23/06/2022 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI HOẶC Ở LẠI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP

Ngày 23 tháng 6 năm 2022, tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 1195/2021/TLPT-HS ngày 29 tháng 12 năm 2021 đối với bị cáo Phạm Thị H phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” do có kháng cáo của bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 132/2021/HSST ngày 11 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

* Bị cáo có kháng cáo:

Phạm Thị H, sinh ngày: 06/5/1982 tại QL, Nghệ An; nơi cư trú: Xóm C, xã MT, huyện YT, tỉnh Nghệ An; giới tính: Nữ; quốc tịch: Việt Nam; dân lộc: Kinh; tôn giáo: Thiên chúa giáo; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12; con ông: Phạm L (đã chết) và bà Phạm Thị Q (đã chết); anh chị, em ruột: Có 05 người, bị cáo là con thứ 05; chồng: Nguyễn Văn Đ1, sinh năm 1974; Con: Có 03 con, lớn sinh năm 2005, nhỏ sinh năm: 2014; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 11/7/2020 đến ngày 27/11/2020 được áp dụng biện pháp Bảo lĩnh. Có mặt tại phiên tòa. Có mặt.

- Người bào chữa: Luật sư Nguyễn Vinh D và Hồ Thị Hồng N - Văn phòng luật sư Vinh Diện và cộng sự thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An. Vắng mặt.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có kháng cáo:

+ Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1966; địa chỉ: Xóm TX, xã DX, huyện DC, tỉnh Nghệ An; Vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

+ Ông Phan Văn D, sinh năm 1972; địa chỉ: Xóm PL, xã HT, huyện HN, tỉnh Nghệ An; Có mặt.

+ Bà Nguyễn Thị H1, sinh năm 1985; địa chỉ: Xóm H, xã DH huyện DC, tỉnh Nghệ An; Có mặt.

+ Bà Hồ Thị V, sinh năm 1973; địa chỉ: Xóm 8, xã QH, huyện QL, tỉnh Nghệ An; Có mặt.

+ Bà Trương Thị Th, sinh năm 1975; địa chỉ: Xóm T, xã DX, huyện DC, tỉnh Nghệ An; Vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

+ Bà Nguyễn Thị Nh, sinh năm 1983; địa chỉ: Xóm 3, xã DT, huyện DC, tỉnh Nghệ An; Có mặt.

+ Bà V Thị Kh, sinh năm 1977; địa chỉ: Xóm N, xã DX, huyện DC, tỉnh Nghệ An; Vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

+ Bà Trương Thị H2, sinh năm 1975; địa chỉ: Xóm N, xã DX, huyện DC, tỉnh Nghệ An; Vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Đại diện theo ủy quyền: Anh Nguyễn Văn Đ, sinh năm 2001; địa chỉ: Xóm N, xã DX, huyện DC, tỉnh Nghệ An; có mặt.

+ Bà Phạm Thị H Th, sinh năm 1988; địa chỉ: Xóm 15, xã D, huyện DC, tỉnh Nghệ An. Vắng mặt.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Ng, sinh năm 1958; địa chỉ: Xóm 15, xã D, huyện DC, tỉnh Nghệ An; có mặt.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Luật sư Long Xuân T và Dương Văn C - Công ty luật TNHH Bạch Long thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Có mặt.

Ngoài ra, trong vụ án còn có bị cáo Trịnh Ngọc Th và 08 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo, không bị kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Đầu năm 2017, Phạm Thị H, sinh năm 1982, trú tại xóm C, xã MT, huyện YT, tỉnh Nghệ An quen biết với Mai Phạm D, sinh năm 1978, trú tại C6.10, chung cư Ruby, 36 Bờ Bao Tân Thắng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, là Giám đốc công ty cổ phần du lịch Sao Kim (địa chỉ tại quận 3, thành phố Hồ Chí Minh). Qua trao đổi, H và D đã thỏa thuận với nhau về việc H giới thiệu khách đi Tour du lịch quốc tế do công ty D điều hành thì sẽ được nhận tiền hoa hồng từ 08% đến 10%/ 01 người của Tour du lịch đó (dao động từ 100USD đến l.000USD). Các nước du lịch gồm: Nhật Bản, UAE (Dubai), Úc, Canada, Newzealand, Mỹ. Nếu muốn đi du lịch Úc, Canada, Newzealand, Mỹ thì hộ chiếu phải “đẹp” tức là đã từng đi du lịch các nước quốc tế khác và được đóng dấu vào hộ chiếu. Hồ sơ gồm hộ chiếu, ảnh, các giấy tờ được công chứng như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh... Mai Phạm D thông báo cho H theo quy định của công ty, chi phí đi du lịch Úc, Newzealand dao động từ 50.000.000đ đến 70.000.000đ, đi du lịch Mỹ dao động từ 70.000.000đ đến 100.000.000đ; ngoài ra tùy thuộc vào các Tour du lịch theo diện tự túc thì chi phí ít hơn, còn du lịch theo diện tham quan sự kiện như hội chợ, các trường đại học quốc tế... thì dựa vào thời gian đi, nơi đến chi phí mới tăng lên nhưng không quá 14.000USD. Ngoài ra, căn cứ vào nhân thân, lai lịch mỗi người mà có thể phải đóng thêm trước số tiền là 100.000.000đ nhằm chống bỏ trốn ở lại nước ngoài khi đi du lịch. Số tiền này sẽ được công ty hoàn trả khi đi du lịch về, nếu trốn ở lại thì công ty sẽ lấy số tiền trên ra để đóng phạt cho Nhà nước.

Cũng thời gian năm 2018, Phạm Thị H gặp và quen biết với một người đàn ông tên Th tại thành phố Hồ Chí Minh (không rõ họ tên, tuổi, địa chỉ cụ thể). Th giới thiệu có khả năng đưa người đi nước ngoài dưới diện du lịch nhằm trốn ở lại lao động với chi phí cho mỗi người như sau: Đi Canada là 28.000USD; đi Úc, Newzealand là 35.000USD; đi Mỹ là 38.000USD. H đồng ý và được Th hứa trả tiền hoa hồng từ 500USD đến 1.000USD/01 người.

Đến đầu tháng 5/2019, trong một lần đi ra sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), Phạm Thị H đã gặp Hà Văn D (tự xưng là “V”), sinh năm 1983, trú tại xóm 4, xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đi cùng D là V Văn T, sinh năm 1981, trú tại khối 6, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tại đây, D giới thiệu cho H biết bản thân D có thể đưa người đi Mỹ bằng hình thức “bất hợp pháp”, làm thủ tục nhanh trong 10 ngày. H và D đã thỏa thuận, thống nhất cùng nhau đưa người đi Mỹ thông qua các nước thứ ba để trốn ở lại lao động. Theo đó, cứ mỗi công dân được đưa sang đến Mỹ và trốn ở lại thành công thì phải nộp cho D số tiền 43.000USD. Phạm Thị H chịu trách nhiệm tìm người, thu hồ sơ và tiền, việc H thông báo chi phí với các công dân trên cao hơn bao nhiêu thì được hưởng lợi bấy nhiêu.

Từ cuối năm 2017 đến tháng 10/2019, Phạm Thị H đã liên hệ, thỏa thuận, thu hồ sơ và tiền để đưa 03 lần cho 10 công dân xuất cảnh với mục đích sau đó trốn ở lại nước ngoài; cụ thể như sau:

Lần thứ nhất: Khoảng tháng 3 năm 2018, Phạm Thị H thỏa thuận, thống nhất, nhận hồ sơ và tiền của chị Nguyễn Thị M, sinh năm 1966, trú tại xóm T, xã DX, huyện DC, tỉnh Nghệ An để làm thủ tục cho con trai của chị M là Nguyễn Trường S, sinh năm 1988 xuất cảnh đi Úc dưới hình thức du lịch với mục đích trốn ở lại lao động; tổng chi phí đi là 28.000USD. Ban đầu, Phạm Thị H đã liên hệ với Mai Phạm D để làm hồ sơ xin visa đi du lịch Úc nhưng D từ chối. Vì vậy, H đã liên hệ với người đàn ông tên Th để làm thủ tục cho S, Th đồng ý nhưng nói phải chuyển sang đi Canada. Phạm Thị H đã thu của gia đình chị Nguyễn Thị M số tiền là 28.000USD rồi chuyển T bộ số tiền trên cùng hồ sơ của S cho Th và được Th trả tiền hoa hồng là 500USD. Sau khi Th làm được hồ sơ visa thì H đến công ty của D nhờ đặt mua vé máy bay đi Canada cho S. Sau đó S đã xuất cảnh đi Canada nhưng do không tìm được việc làm nên quay về Việt Nam. Nguyễn Thị M tiếp tục nhờ H làm thủ tục cho S đi Newzealand, H đồng ý và liên hệ với Mai Phạm D để nhờ D làm hồ sơ xin visa đi đu lịch Newzealand cho Sơn. Do hộ chiếu của S đã từng đi Canada nên D đồng ý và đã làm hồ sơ thủ tục cho S đi du lịch Newzealand theo diện tự túc. Khoảng tháng 11/2018, Nguyễn Trường S đi đến Newzealand thì trốn ở lại lao động.

Lần thứ hai: Từ khoảng tháng 3 năm 2018 đến tháng 7 năm 2019, Phạm Thị H đã tư vấn, thỏa thụận, thống nhất, nhận hồ sơ và tiền của 05 công dân xuất cảnh đi Úc dưới hình thức du học, mục đích trốn ở lại lao động bất hợp pháp với tổng chi phí mỗi người từ 28.000 USD đến 34.000 USD và 03 công dân xuất cảnh đi Mỹ dưới hình thức du học, cũng với mục đích trốn ở lại lao động, chi phí từ 22.000 USD đến 38.000USD một người. H đã nộp hồ sơ 08 công dân tại công ty của Mai Phạm D nhưng đều không xin được Visa du lịch nên Phạm Thị H đã cùng Hà Văn D thỏa thuận, thống nhất cùng nhau đưa 08 công dân đi Mỹ thông qua các nước thứ ba rồi trốn ở lại lao động tại Mỹ; trong số đó, Trịnh Ngọc Th đã môi giới, dẫn dắt, làm trung gian cho 02 công dân xuất cảnh để trốn ở lại lao động, cụ thể như sau:

* Phạm Thị H đã tư vấn, nhận hồ sơ, tiền của 05 công dân để đi Úc với mục đích trốn ở lại bất hợp pháp để lao động, gồm:

1. Nhận 20.000 USD và 188.900.000 đồng của Nguyễn Thị M, sinh năm 1966, trú tại xóm T, xã DX, huyện DC, tỉnh Nghệ An để làm thủ tục cho con trai của chị M là Nguyễn Viết H, sinh năm 1990 xuất cảnh đi Úc. Sau đó H chuyển số tiền cọc 100.000.000đ và hồ sơ của Hải cho Mai Phạm D để làm thủ tục xin visa;

2. Nhận 351.854.000đ của Trương Thị Th, sinh năm 1975, trú tại xóm T, xã DX, huyện DC, tỉnh Nghệ An để làm thủ tục cho con gái của Th là Ngô Thị Th, sinh năm 2001 xuất cảnh đi Úc. H đã liên hệ để làm hồ sơ xin visa đi du lịch Úc, sau đó chuyển sang Newzeland dưới diện tham quan các trường đại học. H chuyển số tiền cọc 150.000.000đ và hồ sơ của Th cho Mai Phạm D để làm thủ tục xin visa;

3. Nhận 401.250.000đ của Võ Thị Kh, sinh năm 1977, trú tại xóm N, xã DX, huyện DC, tỉnh Nghệ An để làm thủ tục cho con trai của Kh là Nguyễn Văn Đ, sinh năm 2001, xuất cảnh đi Úc. Sau đó H chuyển số tiền cọc 150.000.000đ và hồ sơ của Đ cho Mai Phạm D để làm thủ tục xin visa;

4. Nhận 82.000.000đ của Trương Thị H2, sinh năm 1975, trú tại xóm 1, xã DX, huyện DC, tỉnh Nghệ An để làm thủ tục cho con là Nguyễn Văn Đ, sinh năm 2001 xuất cảnh đi Úc. Sau đó H chuyển số tiền cọc 100.000.000đ (H tự bỏ ra 18.000.000 đồng) và hồ sơ của Đ cho Mai Phạm D để làm thủ tục xin visa;

5. Nhận số tiền 920.500.000đ của Nguyễn Thị Nh, sinh năm 1983, trú tại xóm 3, xã DT, huyện DC, tỉnh Nghệ An để làm thủ tục cho chồng là Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1983, xuất cảnh đi Úc. Sau đó, H chuyển số tiền cọc 100.000.000đ và hồ sơ của Đ cho Mai Phạm D để làm thủ tục xin visa;

* Phạm Thị H đã tư vấn, nhận hồ sơ, tiền của 03 công dân để đi Mỹ để trốn ở lại lao động, gồm:

1. Nhận 22.000USD và 300.000.000đ của Hồ Thị V, sinh năm 1973, trú tại xóm 8, xã QH, huyện QL, tỉnh Nghệ An để làm thủ tục cho con trai của Văn là Lê Văn C, sinh năm 1998 xuất cảnh đi Mỹ. Sau đó, H chuyển số tiền cọc 100.000.000đ và hồ sơ của C cho Mai Phạm D để làm thủ tục xin visa;

2. Nhận 248.400.000đ và 30.000USD của Nguyễn Văn Q, sinh năm 1983, trú tại xóm H, xã DH, huyện DC, tỉnh Nghệ An làm thủ tục đi Mỹ. Sau đó, H chuyển số tiền cọc 100.000000đ và hồ sơ của Q cho Mai Phạm D để làm thủ tục xin visa;

3. Nhận 27.000 USD của Nguyễn Đình Th, sinh năm 1987, trú tại xóm 7, xã D, huyện DC, tỉnh Nghệ An làm thủ tục đi Mỹ. H đã liên hệ với Mai Phạm D để làm hồ sơ xin visa đi du lịch Mỹ cho Th. Sau đó H chuyển số tiền cọc 100.000.000đ và hồ sơ của Th cho Mai Phạm D để làm thủ tục xin visa.

Trong đó, 02 công dân Nguyễn Văn Q và Nguyễn Đình Th là do Trịnh Ngọc Th, sinh năm 1988, trú tại xóm Xuân Đình, xã DH, huyện DC, tỉnh Nghệ An đã liên hệ, giới thiệu cho Phạm Thị H để H làm thủ tục xin Visa xuất cảnh đi Mỹ dưới hình thức du lịch để trốn ở lại lao động bất hợp pháp. Thái đã được chị Nguyễn Thị H1, sinh năm 1985 (vợ của anh Quang) trả cho 23.000.000 tiền hoa hồng trong việc giới thiệu anh Q cho H; còn trường hợp Nguyễn Đình Th vì là người quen biết nên Thái không nhận tiền môi giới.

Phạm Thị H đã nộp T bộ số hồ sơ của 08 công dân nêu trên tại công ty của Mai Phạm D và H đã chuyển cho D 900.000.000đ để làm thủ tục đi du lịch Úc và Mỹ nhưng không xin được visa du lịch. Vì vậy, Phạm Thị H đã chủ động liên lạc báo với các gia đình để thống nhất chuyển sang đi theo đường dây của Hà Văn D. Quá trình thỏa thuận, H hứa hẹn việc đi Mỹ có đường dây an toàn, sau khi đến Mỹ thì có người của H bố trí việc làm hoặc nếu ai có người quen ở bên Mỹ thì có người quen của H dẫn đến giao cho người nhà. Về chi phí đi là 45.000USD/01 người. Trong đó H lấy tiền công là 2.000 USD, H sẽ chuyển số tiền mà các công dân trên đã nộp cho H sang đường dây mới này.

Đến cuối tháng 5/2019, Phạm Thị H liên lạc với Hà Văn D đến gặp Mai Phạm D để lấy hồ sơ và tiền cọc của 08 công dân: Hải, Thúy, Đức, Định, Đại, Quang, Thi, Cường. Mai Phạm D trừ đi các chi phí đã bỏ ra (dịch thuật, phí xin lịch phỏng vấn...) đối với hồ sơ 03 người của Th và Đ là 30.000.000đ, của Đ1 là 10.000.000đ, tổng cộng số tiền là 40.000.000đ. T bộ hồ sơ và số tiền đặt cọc còn lại là 860.000.000đ của các công dân trên được Mai Phạm D đã giao lại cho Hà Văn D có sự xác nhận của Phạm Thị H.

Trong thời gian này có trường hợp Nguyễn Văn B trú tại xã DH, huyện DC, tỉnh Nghệ An (không xác minh được tuổi, địa chỉ cụ thể) ban đầu có đến nhờ H làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ để lao động. Tuy nhiên sau đó vài ngày Bình không thỏa thuận gì với H nữa mà liên hệ trực tiếp với Hà Văn D để bàn bạc, thỏa thuận về việc đi Mỹ lao động (H không nhận hồ sơ và tiền của B).

Khoảng một tuần sau, Hà Văn D thông báo cho Phạm Thị H nói 08 công dân gồm: Nguyễn Viết H, Ngô Thị Th, Nguyễn Văn Đ1, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn Đ2, Lê Văn C, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Đình Th (riêng Nguyễn Văn B do D trực tiếp liên hệ) đi vào thành phố Hồ Chí Minh để làm thủ tục đi Mỹ. Sau đó, Phạm Thị H và 09 công dân trên cùng người nhà có mặt tại khách sạn Hoàng Thiên Lộc (đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) gặp Hà Văn D. Tại đây, H giới thiệu với cả nhóm Hà Văn D (V) là người chịu T bộ trách nhiệm trong việc đưa họ đi Mỹ. D yêu cầu Phạm Thị H đặt cọc số tiền 5.000 USD/01 người để lấy Visa nhưng H không đồng ý. H đã nộp cho D số tiền 6.000 USD để D đi làm thủ tục (không rõ thủ tục gì). Tại đây, D giới thiệu bản thân sẽ là người trực tiếp đưa các công dân trên đi Mỹ. D dẫn cả nhóm 09 công dân đi học ngoại ngữ cơ bản để đi qua cửa khẩu và dặn khi đến cửa khẩu thì tách thành từng nhóm từ 3 đến 4 người, nhóm nào đi được trước thì đi trước, nhóm nào chưa đi được thì đợi đi sau.

Một ngày sau, D tiếp tục yêu cầu H nộp cho 08 công dân trên số tiền 5.000USD/01 nguời nếu không D sẽ để cho số công dân trên nằm chờ ở thành phố Hồ Chí Minh. D còn yêu cầu H chuyển thêm cho D 5.000USD để D làm chi phí đi đường. H và Trần Thế Th, sinh năm 1972, trú tại xóm C, xã MT, huyện YT, tỉnh Nghệ An đi máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh và nộp cho Hà Văn D số tiền 45.000USD, nộp tiền xong thì H và Th quay về Nghệ An. Sau đó khoảng 02 ngày, D tiếp tục yêu cầu H nộp thêm số tiền 5.000 USD/01 người cộng thêm 5.000USD cho D để mua vé máy bay. H và Trần Thế Th đi máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh nhưng không gặp D nên H đã gặp và nộp cho Võ Văn T, sinh năm 1981, trú tại khối 6, thị trấn Đô Lương, tỉnh Nghệ An 45.000USD do T là người hay đi cùng với D.

Đến ngày 05/6/2019, Hà Văn D đưa 09 công dân trên xuất cảnh đi Thái Lan qua sân bay Tân Sơn Nhất đi theo dạng Tour du lịch trong thời gian 05 ngày. Khi ra đến sân bay Tân Sơn Nhất, D nói với các công dân trên: “Đi sang đó vài ngày, đợi anh sang, anh đưa đi Mỹ”. Sau đó D đưa các công dân trên đi sang Thái Lan, khi đến nơi thì D trở về Việt Nam. Hết thời gian trên, 09 công dân trên quay về Việt Nam và được D đưa về ở tại khách sạn trước đó tại thành phố Hồ Chí Minh đồng thời yêu cầu nộp lại hộ chiếu của họ cho D. Đến ngày 23/6/2019, Hà Văn D phát hộ chiếu cho 09 công dân trên và cho tên, số xe khách để số công dân này tự bắt xe khách đi qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh đến thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia. Khi đến Phnôm Pênh thì D cho địa chỉ khách sạn để cả nhóm đến ở và nói mấy ngày sau sẽ đưa đi Mỹ. Ở Phnôm Pênh khoảng một tuần thì Nguyễn Văn Đ thu điện thoại và hộ chiếu của tất cả rồi đưa hộ chiếu cho Nguyễn Đình Th giữ, Thi cầm hộ chiếu từ Campuchia về Việt Nam đưa cho Hà Văn D (việc thu điện thoại và hộ chiếu là do D yêu cầu).

Số công dân trên ở Campuchia khoảng ba tuần thì Hà Văn D và Nguyễn Đinh Th đi sang Campuchia. D gọi điện thoại cho Ngô Thị Th, Nguyễn Văn Đ2, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Đình Th và Nguyễn Văn B chuẩn bị hành lý để đi Thái Lan. Cả nhóm được đưa đi Thái Lan sau đó đi Dubai, tiếp đó đi Brazil rồi đến Panama. Khi đến Panama, cả nhóm bị trục xuất về Brazil, đến Brazil lại bị trục xuất về Dubai, ngày 25/7/2019 thì bị trục xuất về Thái Lan. Đến ngày 26/7/2019, biết nhóm công dân trên không đi được Mỹ nên Nguyễn Viết H, Nguyễn Văn Đ1, Nguyễn Văn Đ, Lê Văn C (04 người) đi xe ô tô về Việt Nam. Sau đó, Nguyễn Văn Đ2, Nguyễn Văn Q và Lê Văn C tiếp tục được D đưa đi Mỹ nhưng Đ và Q bị bắt về trại tỵ nạn ở Panama còn C bị bắt về trại tỵ nạn ở Colombia. Trong thời gian hướng dẫn các công dân trên đi Thái Lan, Campuchia, Panama... Hà Văn D có yêu cầu H nộp thêm tiền để làm chi phí vé máy bay, chi phí đi đường... cho các công dân trên. Phạm Thị H đã đi vào thành phố Hồ Chí Minh để nộp tổng cộng số tiền 19.000USD cho D nhưng D không có mặt ở thành phố Hồ Chí Minh nên H đã giao tiền cho T.

Lần thứ ba: Khoảng tháng 10/2019, Hà Văn D gọi cho Phạm Thị H giới thiệu về trường hợp Phan Thị H1, sinh năm 2001, trú tại xóm PL, huyện HN, tỉnh Nghệ An có nhu cầu đi Mỹ lao động và cho số điện thoại bố H1 là ông Phan Văn D, sinh năm 1972 để H liên lạc. H đã liên lạc với ông D và nói đi vào gặp tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi vào đến nơi H cam kết sẽ làm thủ tục đưa H1 xuất cảnh đi Mỹ để lao động trong vòng một tháng, tổng chi phí đi là 50.000USD, nộp trước 5.000USD, khi sang đến Mexico trả tiếp 20.000USD.

Khi đi đến Mỹ trả nốt số tiền còn lại là 25.000USD. Ông Phan Văn D đã nộp cho H số tiền 8.000USD. Tiếp đó, ông D và H1 nghỉ ở khách sạn chờ H làm thủ tục. Vài ngày sau, H đưa H1 ra sân bay đồng thời đưa cho H1 số tiền 3.000USD để đi đường. Tuy nhiên khi ra đến sân bay thì H1 không làm thủ tục xuất cảnh được nên sau đó đã cùng gia đình trở về Nghệ An.

Về số tiền Phạm Thị H đã nhận của các gia đình rồi chuyển cho Mai Phạm D, Hà Văn D và trả lại cho các gia đình các công dân như sau:

- Phạm Thị H đã thu của 10 gia đình (S, H, Th, Đ, Đ1, Đ2, Q, Th, C, H1) tổng số tiền 2.492.904.000đ (hai tỉ bốn trăm chín mươi hai triệu chín trăm lẻ tư nghìn đồng) và 141.000USD (một trăm bốn mươi mốt nghìn đôla Mỹ) để tổ chức cho các công dân trên đi nước ngoài với mục đích trốn ở lại lao động bất hợp pháp.

- Phạm Thị H đã chuyển cho người đàn ông tên “Th” số tiền 28.000USD để làm thủ tục cho Sơn xuất cảnh đi Canada.

- Phạm Thị H đã chuyển Hà Văn D 115.000USD; chuyển cho Mai Phạm D số tiền 900.000.000đ, sau đó do không tổ chức đi được nên D giao lại cho Hà Văn D số tiền 860.000.000 (sau khi trừ chi phí dịch thuật, phí xin lịch phỏng vấn...). Tổng số tiền Phạm Thị H đã chuyển cho Hà Văn D là 860.000.000đ và 115.000USD.

- Phạm Thị H đã trả lại cho một số gia đình với số tiền là 606.000.000đ và 23.000USD, cụ thể: Nguyễn Thị M (H): 20.000USD; Trương Thị Th (Thúy):

130.000.000đ; V Thị Kh (Đ1): 140.000.000đ Trương Thị H2 (Đ): H đưa 01 bìa đỏ thế chấp hiện tại đang bị cơ quan điều tra thu giữ; Nguyễn Thị Nh (Đ2):

46.000.000đ; Nguyễn Đình Th: 290.000.000đ; Phan Văn D (H1): 3.000USD (trả lại trực tiếp cho H1 khi ra sân bay). Còn lại gia đình Nguyễn Thị H1 (Quang), Hồ Thị V (C) thì H chưa trả lại tiền.

Tổng số tiền Phạm Thị H chưa chuyển, trả và hưởng lợi là 422.500.000đ (bốn trăm hai mươi hai triệu năm trăm ngàn đồng).

Vật chứng trong vụ án:

- 1 (một) điện thoại di động IPHONE 7 Plus, màu đen 5 không khởi động được, không kiểm tra dữ liệu bên trong, điện thoại đã qua sử dụng thu giữ của Phạm Thị H.

- 01 (một) phong bì thư bên trong có Hộ chiếu C5 569212 cấp ngày 10/7/2018 mang tên Ngô Thị Th.

- 01 (một) phong bì thư bên trong có Hộ chiếu C4612837 cấp ngày 11/02/2018 mang tên Nguyễn Viết H.

- 01 (một) phong bì thư bên trong có Hộ chiếu C6112219 cấp ngày 17/9/2018 mang tên Nguyễn Văn Đ và 14 (mười bốn) hóa đơn thanh toán đánh số từ 01 đến 14.

- 01 (một) phong bì thư bên trong có 10 (mười) hóa đơn thanh toán đánh số từ 01 đến 10.

- 01 (một) quyển vở ghi chép của Phạm Thị H có 8 (tám) tờ được đánh số từ 1 đến 8.

- 01 (một) bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số I 590497 mang tên Nguyễn Thị Truyền cấp ngày 05/10/1995 thu giữ của Trương Thị H2.

- 01 (một) cuốn sổ nhãn hiệu “THUẬN TIẾN” của V Thị Kh.

- 01 (một) phong bì thư bên trong có 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu OPPO A83, có nắp lưng màu đen, điện thoại đã qua sử dụng thu giữ của Trịnh Ngọc Th;

Toàn bộ số vật chứng nêu trên đang được bảo quản tại kho vật chứng của Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 132/2021/HS-ST ngày 11/8/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã áp dụng điểm b, c khoản 2 Điều 349, điểm s, t, b khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Phạm Thị H 04 (bốn) năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án nhưng được trừ đi thời gian bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 11/7/2020 đến ngày 27/11/2020.

Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về tội danh, hình phạt đối với bị cáo Trịnh Ngọc Th, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

- Ngày 18/8/2021, bị cáo Phạm Thị H kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

- Ngày 16/8/2021, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm: Bà Nguyễn Thị M, ông Phan Văn D, bà Nguyễn Thị H1, bà Hồ Thị V, bà Trương Thị Th, bà Nguyễn Thị Nh, bà V Thị Kh, bà Trương Thị H2, bà Phạm Thị Hương Th có đơn kháng cáo một phần bản án hình sự sơ thẩm liên quan đến số tiền họ đã giao dịch với bị cáo H để chi phí cho người thân của họ đi nước ngoài, nay yêu cầu bị cáo phải trả lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị cáo và những Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án giữ nguyên yêu cầu kháng cáo;

- Bị cáo xác định không mời các luật sư Nguyễn Vinh Diện và Võ Thị Hồng Ngọc bào chữa nữa mà sẽ tự mình bào chữa;

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan toànrong vụ án gồm: Bà Nguyễn Thị M, Trương Thị Th, V Thị Kh, Trương Thị H2, Nguyễn Phương Th vắng mặt;

- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan toànrình bày: Bản án sơ thẩm bỏ lọt tội danh đối với bị cáo. Hành vi của bị cáo có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên đối với bị cáo là chưa thỏa đáng. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ số tiền bị cáo phải trả cho những người liên quan. Tại phiên tòa phúc thẩm, những người liên quan đề nghị bị cáo trả lại tiền đã chiếm đoạt. Tại các bản khai của những người liên quan, của bị cáo đều xác định là đưa người thân của những người liên quan đi du học. Bản án sơ thẩm nhận định bị cáo đưa người ra nước ngoài bằng hình thức du học để trốn lại nước sở tại là không khách quan. Trước lời đề nghị của bị cáo là chuyển từ hồ sơ đi du học thành hồ sơ lao động, các gia đình đã miễn cưỡng chấp nhận. Một phần khẳng định việc các người liên quan biết việc làm của bị cáo là trái pháp luật nhưng không thể phủ nhận trách nhiệm của bị cáo H và Th. Người thân của những người liên quan không đi xuất khẩu được mà phải ở lại các trại tị nạn tại nước thứ ba nên việc những người liên quan đề nghị bị cáo phải trả những khoản tiền thiết yếu đối với họ là hợp lý. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm:

+ Bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan toànrong vụ án đã khai rõ về hành vi, động cơ, mục đích của việc đưa các công dân Việt Nam xuất cảnh sang nước ngoài nên có đủ căn cứ kết luận: Bị cáo không có chức năng, không được Nhà nước cấp phép để tổ chức cho công dân Việt Nam xuất cảnh để du học hoặc lao động, tuy nhiên bị cáo vẫn móc nối với D, Th, D để đưa 10 công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự là chính xác. Các tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo đã được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đầy đủ.

+ Giao dịch của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan toànrong vụ án với bị cáo nhằm đưa người thân đi nước ngoài trái phép rồi trốn ở lại lao động là giao dịch trái pháp luật do đó Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét là phù hợp.

+ Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo về việc giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo, không chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan toànrong vụ án và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Kháng cáo của bị cáo Phạm Thị H và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan toànrong vụ án có căn cước lý lịch nêu trên trong thời hạn, có nội dung và hình thức phù hợp với các Điều 331, 332, 333 Bộ luật Tố tụng hình sự nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[1.2] Tại phiên tòa bị cáo xác định không tiếp tục mời luật sư và tự bào chữa. Xét thấy ý kiến của bị cáo phù hợp với quy định tại các Điều 77 Bộ luật Tố tụng Hình sự nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2] Về nội dung: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Thị H thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân đúng như nội dung bản án sơ thẩm đã mô tả. Xét thấy lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo và đồng phạm Trịnh Ngọc Th tại phiên tòa sơ thẩm và trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các chứng cứ, tài liệu khác có tại hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử có đủ căn cứ xác định: Bản thân bị cáo không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động tư vấn, môi giới, tuyển dụng, đưa người lao động Việt Nam sang nước ngoài lao động làm việc nhưng từ tháng 3/2018 đến tháng 10/2019, bị cáo đã nhận hồ sơ và tiền của gia đình 10 người lao động, cấu kết với Hà Văn D (V) và Th đã tổ chức cho 09 lao động (trừ chị Phan Thị H1 – con ông Phan Văn D không xuất cảnh được) đi du lịch qua các nước Thái Lan, Campuchia, Dubai, Brazin, Panama, Newzealand mục đích để nhập cảnh trái phép vào các nước Mỹ, Úc, Newzealand và trốn ở lại lao động bất hợp pháp. Trong đó có 07 lao động đã bị trục xuất về Việt Nam còn 02 người anh Đ và anh Q bị giữ tại trại tị nạn Panama, anh C bị giữ tại trại tị nạn Colombia. Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình cho biết anh Đ và anh Q đã về Việt Nam được khoảng 02 tháng.

Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo Phạm Thị H về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm b (phạm tội 2 lần trở lên) và điểm c (đối với từ 5 người đến 10 người) khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm là chính xác, đúng pháp luật.

Mục đích của bị cáo Phạm Thị H và những gia đình đưa tiền, giấy tờ… cho bị cáo đều nhằm làm thủ tục cho người thân của họ xuất cảnh thông qua con đường du học, du lịch, sau đó sẽ trốn ở lại nước ngoài (Mỹ, Úc, Newzealand) để lao động trái phép. Thông qua việc làm đó, bị cáo sẽ được nhận tiền hoa hồng. Hành vi của bị cáo có tính chất vụ lợi, nhưng không gian dối, không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà phù hợp với ý chí, nguyện vọng của các gia đình nêu trên. Số tiền bị cáo nhận từ người lao động thực tế đã chuyển phần lớn cho Hà Văn D (V) để chi phí (làm visa, ăn ở, học tiếng, mua vé ô tô, máy bay…) cho các lao động xuất cảnh. Bị cáo chỉ được hưởng lợi 500USD của Nguyễn Trường S. Do đó, quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan cho rằng bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không đúng, không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo của bị cáo Phạm Thị H:

Bị cáo thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, động cơ, mục đích phạm tội vì vụ lợi và có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Bị cáo là người trực tiếp nhận tiền của 10 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan sau đó chuyển tiền cho Hà Văn D (V) tổ chức cho người lao động sang nước ngoài làm việc trái phép để hưởng hoa hồng, có vai trò chính trong vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định bị cáo không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội, có thành tích trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm (giúp Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 2 Cảnh sát biển bắt giữ 01 vụ án về ma túy); đã tự nguyện trả lại một phần tiền cho người lao động, nộp lại số tiền thu lợi bất chính nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm s, t, b khoản l, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên đã áp dụng quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự xét xử bị cáo mức án 04 năm tù là mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là đã thể hiện sự chiếu cố, khoan hồng với bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Bị cáo xuất trình các tài liệu thể hiện: Bị cáo được tặng “Giấy khen” vì có thành tích trong cuộc vận động T dân đoàn kết xây dựng đời sống dân cư và ủng hộ Quỹ phòng chống Covid - 19, sẽ được Hội đồng xét xử chấp nhận là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên không có ý nghĩa đáng kể trong việc quyết định hình phạt. Do đó, Hội đồng xét xử đồng thuận với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tại phiên tòa về việc không chấp nhận kháng cáo của bị cáo về việc giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

[4] Xét kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về dân sự: Quá trình điều tra có căn cứ xác định Phạm Thị H đã nhận tiền của gia đình 10 công dân (S, H, Th, Đ, Đ1, Đ2, Q, Th, C, H1) tổng số tiền 2.492.904.000đ (hai tỉ bốn trăm chín mươi hai triệu chín trăm lẻ tư nghìn đồng) và 141.000USD (một trăm bốn mươi mốt nghìn đôla Mỹ). Phạm Thị H đã chuyển cho người đàn ông tên “Th” số tiền 28.000USD (hai mươi tám nghìn đôla Mỹ) để làm thủ tục cho S xuất cảnh đi Canada; chuyển cho Mai Phạm D số tiền 900.000.000đ (chín trăm triệu đồng) và được D giao lại cho Hà Văn D số tiền 860.000.000đ (tám trăm sáu mươi triệu đồng) (trừ chi phí dịch thuật, phí xin lịch phỏng vấn...). Tổng số tiền Phạm Thị H đã chuyển cho Hà Văn D (V) là 860.000.000 (tám trăm sáu mươi triệu đồng) và 115.000USD (một trăm mười lăm nghìn đôla Mỹ).

Phạm Thị H đã trả lại cho gia đình một số công dân với số tiền là 606.000.000đ (sáu trăm linh sáu triệu đồng) và 23.000USD (hai mươi ba nghìn đôla Mỹ), cụ thể: Gia đình Nguyễn Thị M (H): 20.000USD (hai mươi nghìn đôla Mỹ); gia đình Trương Thị Th (Th): 130.000.000đ (một trăm ba mươị triệu đồng); gia đình Võ Thị Kh (Đ2): 140.000.000đ (một trăm bốn mươi triệu đồng); gia đình Trương Thị H2 (Đ1): H đưa 01 bìa đỏ thế chấp hiện tại đang bị cơ quan điều tra thu giữ; gia đình Nguyễn Thị Nh (Đ): 46.000.000đ (bốn mươi sáu triệu đồng); gia đình Nguyễn Đình Th: 290.000.000đ (hai trăm chín mươi triệu đồng); gia đình Phan Văn D (H1): 3.000USD (ba nghìn đôla Mỹ - đưa trực tiếp cho H1 khi ra sân bay); các gia đình Nguyễn Thị H1 (Q), Hồ Thị V (C), bị cáo chưa trả lại tiền. Tại phiên tòa hôm nay những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan giữ nguyên yêu cầu kháng cáo yêu cầu bị cáo phải trả lại số tiền bị cáo đã nhận. Bị cáo không chấp nhận mà cho rằng bị cáo đã chuyển số tiền đã nhận cho Hà Văn D (V).

Hội đồng xét xử xét thấy: Ngày 16/3/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định khởi tố bị can và lệnh, bắt bị can Hà Văn D để tạm giam, tuy nhiên Hà Văn D hiện không có mặt tại địa phương. Ngày 18/3/2021 Cơ quan an ninh điều tra ra Quyết định truy nã bị can. Ngày 20/3/2021 ra Quyết định tách hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài đối vói bị can Hà Văn D, khi nào bắt được sẽ xét xử sau. Do Hà Văn D đang bỏ trốn, số tiền đã nhận bị cáo H đã chi phí đến nay bị cáo không có khả năng để trả lại cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Hội đồng xét xử xét thấy: Đối với những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là những người trực tiếp nộp tiền cho bị cáo H để người thân đi nước ngoài, đều nhận thức được việc xuất cảnh nhằm mục đich trốn ở lại nước ngoài là trái phép bị pháp luật cấm, nhưng vẫn cố ý thực hiện. Sau khi nhận tiền bị cáo đã chuyển cho Hà Văn D hiện nay Hà Văn D đang bỏ trốn, cơ quan điều tra có quyết định tách vụ án. Đây là những khoản tiền được thực hiện từ những giao dịch bất hợp pháp vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm xác định do các bên tự giải quyết với nhau là phù hợp. Vì vậy, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội xác định không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan toànrong vụ án là phù hợp, được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[4] Án phí hình sự phúc thẩm: Căn cứ Điều 135, 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban toànhường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí, lệ phí Tòa án và danh mục án phí, lệ phí Tòa án kèm theo. Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Thị H và kháng cáo của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm: Bà Nguyễn Thị M, ông Phan Văn D, bà Nguyễn Thị H1, bà Hồ Thị V, bà Trương Thị Th, bà Nguyễn Thị Nh, bà V Thị Kh, bà Trương Thị H2, bà Phạm Thị Hương Th.

2. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 132/2021/HS-ST ngày 11/8/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An như sau:

Áp dụng điểm b, c khoản 2 Điều 349, điểm s, t, b khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Phạm Thị H 04 (bốn) năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án nhưng được trừ đi thời gian bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 11/7/2020 đến ngày 27/11/2020.

3. Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Phạm Thị H phải chịu 200.000 đồng.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1419
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép số 453/2022/HSPT

Số hiệu:453/2022/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/06/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về