Bản án về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép số 57/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 57/2023/HS-PT NGÀY 27/04/2023 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC NHẬP CẢNH TRÁI PHÉP

Trong các ngày 20, 27 tháng 4 năm 2023 tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 277/2022/TLPT-HS ngày 27 tháng 10 năm 2022 đối với bị cáo NTTS do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 209/2022/HS-ST ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã (nay là thành phố) Z2, tỉnh Bình Dương.

- Bị cáo có kháng cáo:

NTTS sinh ngày 24 tháng 4 năm 1987 tại tỉnh Bình Dương; nơi đăng ký thường trú: Số X, đường Y, Khu phố Z, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Dương; nơi tạm trú: lô X1, đường Y1, khu C, Khu phố Z1, phường V, thành phố Z2, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: kinh doanh; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông NVC và bà NTG; có chồng là ông TKL (đã ly hôn); có 05 con (lớn nhất sinh năm 2010, nhỏ nhất sinh năm 2023); tiền án, tiền sự: không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 06 tháng 12 năm 2021 đến nay (có mặt).

Ngoài ra, có 04 người làm chứng không liên quan đến kháng cáo.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Tòa án cấp sơ thẩm ghi trong Bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty TNHH HMĐ có trụ sở tại phường V, thị xã Z2, tỉnh Bình Dương do NTTS làm Giám đốc – người đại diện theo pháp luật. Theo giấy phép đăng ký kinh doanh được thay đổi lần 03 ngày 22/12/2020 thì Công ty được phép kinh doanh lĩnh vực xin thủ tục visa nhập cảnh, gia hạn visa, giấy phép lao động cho người nước ngoài dưới dạng chuyên gia, làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Z2, tỉnh Bình Dương, cho thuê xe ô tô, bán vé máy bay và sản xuất đồ nội thất bằng gỗ, nệm. Tuy nhiên, Công ty không sản xuất đồ nội thất mà chỉ làm dịch vụ cho thuê xe ô tô, xin thủ tục visa, gia hạn visa và xin giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Khoảng giữa tháng 01/2021, thông qua mạng xã hội facebook, S quen biết và liên hệ với NTVH1, sinh năm 1981, hộ khẩu thường trú ở K, xã P, huyện S1, thành phố Hà Nội để thỏa thuận làm dịch vụ hồ sơ bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam dưới dạng chuyên gia. S có liên hệ với H1 để làm dịch vụ về xin visa, gia hạn visa và đăng ký xuất cảnh, nhập cảnh cho các chuyên gia của một số doanh nghiệp.

Đến tháng 3/2021, S nhờ H1 làm thủ tục bảo lãnh 07 người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam dưới hình thức chuyên gia sản xuất trong lĩnh vực ghế Sofa, làm việc tại Công ty HMĐ. Phí làm hồ sơ là 3000 USD/01 người (khoảng 485.000.000 đồng/ 07 người), trường hợp đã làm hồ sơ nhưng có người không nhập cảnh thì được hoàn trả 50% chi phí. S đã làm thủ tục cho 07 người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam gồm: MZM, sinh năm 1991, quốc tịch Trung Quốc, hộ chiếu số EG2176809; WYY, sinh năm 2002, quốc tịch Trung Quốc, hộ chiếu số EN2664401; CYJ, sinh năm 1987, quốc tịch Trung Quốc, hộ chiếu số EH4157600; NYQ, sinh năm 1990, quốc tịch Trung Quốc, hộ chiếu số EG2176810; LY, sinh năm 1992, quốc tịch Trung Quốc, hộ chiếu EG3000007; LXP, sinh năm 1987, hộ chiếu số EG2173787; ZL, sinh năm 1993, quốc tịch Trung Quốc, hộ chiếu EG3501932.

Thông qua zalo, H1 đã gửi file mẫu các tài liệu được soạn sẵn nội dung: Công văn gửi Văn phòng Chính phủ xin bảo lãnh chuyên gia nhập cảnh; Công văn gửi Sở Y tế; Công văn gửi Cục quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an; Bản cam kết; Giấy ủy quyền… cho S để in ra đóng dấu xác nhận của Công ty HMĐ rồi gửi lại kèm bản photo hộ chiếu của các đối tượng Trung Quốc, Giấy giới thiệu con dấu, chữ ký; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty HMĐ cho H1 qua bưu điện theo địa chỉ: ABC, ngõ DEF, quận T1, Thành phố Hà Nội.

Đến ngày 23/3/2021, S dùng tài khoản Ngân hàng Vietcombank số W chuyển 250.000.000 đồng vào tài khoản số W1 của H1. Sau khi nhận được thông báo thủ tục đã làm xong, ngày 05/4/2021 S tiếp tục chuyển cho H1 67.500.000 đồng.

Ngày 10/4/2021, có 6/7 người Trung Quốc nhập cảnh (LY không nhập cảnh) và được đưa đi cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế thị xã M, tỉnh Hưng Yên theo phương án cách ly của Công ty TNHH SX và TM CL, địa chỉ: Khu GHI, thị trấn T2, huyện G, thành phố Hà Nội do bà HTT3, sinh năm 1986 làm Giám đốc. Đến ngày 13/4/2021, S sử dụng tài khoản Ngân hàng BIDV số W2 chuyển tiếp 150.000.000 đồng cho H1 theo thỏa thuận. Như vậy, tổng số tiền S đã chuyển cho H1 là 467.500.000 đồng.

Thực tế các đối tượng người Trung Quốc mà S bảo lãnh không phải là chuyên gia của Công ty HMĐ. Ngày 24/4/2021, sau khi các đối tượng người Trung Quốc này hoàn thành cách ly, S không thực hiện đón họ về Công ty làm việc như hồ sơ xin nhập cảnh. Trong đó, LXP và ZL tự đi vào Thành phố Hồ Chí Minh để tìm việc làm, còn MZM, WYY, CYJ và NYQ đến Huế, Đà Nẵng du lịch và tìm việc làm. Ngày 06/5/2021, Công an quận K1, thành phố Đà Nẵng kiểm tra hành chính nhà số X2 đường Ô, phường V1, quận K1, thành phố Đà Nẵng thì phát hiện 04 đối tượng này lưu trú không khai báo và lập Biên bản xử lý. Ngày 11/5/2021, S trực tiếp ra Đà Nẵng gặp và ký hợp đồng lao động với 04 đối tượng này nhằm mục đích hợp thức hóa việc bảo lãnh và nhằm che giấu hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.

S khai: Khoảng tháng 3/2021, người chung sống như vợ chồng với S tên YHJ, sinh năm 1978 (không rõ lai lịch và nơi cư trú), nhờ S lấy pháp nhân Công ty HMĐ bảo lãnh cho LY, LXP, ZL, MZM, WYY, CYJ và NYQ nhập cảnh vào Việt Nam dưới hình thức chuyên gia, sản xuất trong lĩnh vực ghế Sofa, làm việc tại Công ty HMĐ. YHJ đưa cho S số tiền 485.000.000 đồng là chi phí hồ sơ nhập cảnh cho 07 người Trung Quốc trên nhưng do LY không nhập cảnh nên S chỉ đưa cho H1 số tiền 467.500.000 đồng là chi phí hồ sơ nhập cảnh, ăn của 6 người, số tiền dư còn lại là 17.500.000 đồng, S giữ lại tiêu xài cá nhân.

Đối với NTVH1, qua điều tra xác định H1 không biết S sử dụng pháp nhân của Công ty HMĐ Bình Dương để bảo lãnh cho 06 đối tượng Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

Đối với Công ty TNHH sản xuất và thương mại CL do HTT3 làm giám đốc, qua điều tra xác định: Công ty có làm thủ tục bảo lãnh cho 01 người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo dạng chuyên gia làm việc cho Công ty CL. Tuy nhiên, T3 lại ký công văn số 2203/CV-2021 ngày 22/3/2021 gửi Văn phòng Chính phủ để xin nhập cảnh cho người nước ngoài của nhiều Công ty khác, trong đó có Công ty HMĐ Bình Dương. Xét thấy hành vi của T3 có dấu hiệu tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép nên ngày 30/5/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương có Công văn số 318/ANĐT chuyển thông tin trên cho Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội tiếp tục điều tra xác minh theo thẩm quyền.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 209/2022/HS-ST ngày 20 tháng 9 năm 2022, Tòa án nhân dân thị xã (nay là thành phố) Z2, tỉnh Bình Dương đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo NTTS phạm tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.

1. Về trách nhiệm hình sự:

Căn cứ: Điểm a, c khoản 2 Điều 348; điểm n, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 54 Bộ luật Hình sự;

Xử phạt bị cáo NTTS 04 (Bốn) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án.

2. Về xử lý vật chứng và biện pháp tư pháp:

Căn cứ Điều 46, 47 Bộ luật Hình sự và Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự, - Tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước đối với số tiền thu lợi bất chính của bị cáo NTTS là 17.500.000 đồng (bị cáo đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0003577 ngày 19/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Z2).

- Tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước đối với 01 (Một) điện thoại di động Iphone 12 màu đỏ, số imei W3, điện thoại bị bể kính bảo vệ camera phía sau (Theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 25/7/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Z2).

3. Về án phí:

Căn cứ Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự và Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc bị cáo NTTS phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo: Căn cứ Điều 331 và 333 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Bị cáo có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Ngày 03 tháng 10 năm 2022, bị cáo NTTS kháng cáo xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến:

Đơn kháng cáo của bị cáo NTTS được làm trong thời hạn luật định nên Tòa án nhân dân dân tỉnh Bình Dương đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm đúng quy định tại các Điều 332, 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, biên bản hỏi cung, lời khai của bị cáo, người tham gia tố tụng khác tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương có cơ sở xác định như sau:

Khoảng tháng 3 năm 2021, bị cáo S đã lợi dụng chức vụ là Giám đốc Công ty TNHH HMĐ tổ chức cho 06 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam dưới dạng chuyên gia, làm việc cho Công ty nhưng thực tế chỉ vào Việt Nam tìm làm việc và du lịch. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo S có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo nhưng không cung cấp, bổ sung tài liệu, tình tiết giảm nhẹ mới. Trong vụ án này, bị cáo S phạm tội với 02 tình tiết định khung được quy định tại khoản 2 Điều 348 của Bộ luật Hình sự. Vì bị cáo S có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt, đang phải nuôi 02 con nhỏ dưới 36 tháng tuổi (khi xử sơ thẩm bị cáo S nuôi 01 con nhỏ dưới 36 tháng tuổi và đang mang thai) nên Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 54 của Bộ luật Hình sự khi quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, tuyên xử bị cáo 04 năm tù là phù hợp. Do đó kháng cáo của bị cáo S không có cơ sở chấp nhận.

Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo NTTS, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Bị cáo không tranh luận.

Khi nói lời nói sau cùng, bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt, cho bị cáo hưởng án treo để bị cáo được ở nhà chăm lo cho con vì bị cáo có 04 con nhỏ không có ai chăm sóc.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Kháng cáo của bị cáo NTTS làm trong hạn luật định là hợp lệ nên được chấp nhận về hình thức.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như Tòa án cấp sơ thẩm xác định. Lời nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên có đủ cơ sở kết luận: Đầu năm 2021, vào thời điểm Nhà nước hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài để phòng chống dịch bệnh COVID-19, bị cáo S đã lợi dụng quyền hạn của mình là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn HMĐ để làm thủ tục nhập cảnh trái phép cho 07 người Trung Quốc không phải là chuyên gia của Công ty (trong đó, có 06 người đã nhập cảnh vào Việt Nam). Với hành vi của bị cáo như trên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo phạm tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” theo quy định tại các điểm a, c khoản 2 Điều 348 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quy định của Nhà nước về nhập cảnh đối với người nước ngoài, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID–19, xâm phạm đến trật tự công cộng, làm mất an ninh trật tự và an toàn xã hội nên cần phải nghiêm trị nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

[4] Cơ quan điều tra đã làm việc với bà NTVH1 và xác định bà H1 không biết việc bị cáo S lợi dụng danh nghĩa Công ty HMĐ làm thủ tục nhập cảnh trái phép cho các đối tượng không phải là chuyên gia của Công ty. Tuy nhiên, việc bà H1 có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo hay không phụ thuộc vào việc bà H1 nhận tiền của bị cáo rồi chuyển cho ai với mục đích gì. Bà H1 khai đã chuyển tiền cho bà LTTH2, cung cấp số điện thoại, địa chỉ và số tài khoản của bà H2 (trong sao kê tài khoản của bà H1 có ghi nhận bà H1 chuyển tiền cho bà H2) nhưng cơ quan điều tra chỉ xác minh về địa chỉ của bà H2 mà không thực hiện các biện pháp điều tra liên quan đến số điện thoại và số tài khoản bà H2 dùng để nhận tiền của bà H1. Việc không tìm và làm việc với bà H2 dẫn đến không kiểm chứng được lời khai của bà H1, không xác định được trách nhiệm của bà H2, không xác định được mục đích việc sử dụng tiền nhận của những người nước ngoài, không xác định được tại sao đề nghị bất hợp pháp của bị cáo S được chấp nhận và trách nhiệm của những người khác có liên quan đến việc 06 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

[5] Bị cáo S khai rõ tên, số điện thoại và một số thông tin liên quan đến ông YHJ là người chung sống với bị cáo (Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo S khai ông J có một số con chung với bị cáo), cho rằng ông J là người nhận tiền của những người nước ngoài đưa cho bị cáo và bị cáo chỉ làm việc theo yêu cầu của ông J. Cơ quan điều tra đã thực hiện một số biện pháp điều tra liên quan đến ông J như xác minh về thông tin ông J trên hệ thống thông tin quản lý xuất nhập cảnh, xác minh nơi tạm trú của ông J tại phường V, thị xã (nay là thành phố) Z2, tỉnh Bình Dương, hỏi cơ quan Công an các tỉnh về sự hiện diện của ông J... Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa thực hiện các biện pháp điều tra liên quan đến thông tin liên lạc của số điện thoại mà ông J sử dụng.

[6] Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 04 tháng 01 năm 2023, bị cáo S khai hiện nay bị cáo đang mang thai con chung với ông J vì có nhiều lần ông J đến thăm bị cáo và vẫn giữ liên lạc với bị cáo. Khi Hội đồng xét xử hỏi thêm về thông tin liên quan đến ông J thì bị cáo S thay đổi lời khai, cho rằng bị cáo mang thai con chung với người khác và đã mất liên lạc với ông J rất lâu. Như vậy, vấn đề bị cáo có gặp ông J sau khi vụ án bị phát hiện hay không là tình tiết mới cần được điều tra để làm rõ.

[7] Ngoài 17.500.000 (mười bảy triệu năm trăm nghìn) đồng bị cáo khai đã giữ lại tiêu xài cá nhân, tiền thu lợi bất chính từ hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép là tổng số tiền (hàng trăm triệu đồng) bị cáo (và những người khác) nhận từ những người nước ngoài trừ đi những chi phí hợp pháp phải chi cho những người nước ngoài vì thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam và trong thời gian ở Việt Nam. Cơ quan điều tra không làm rõ những chi phí hợp pháp nên không có cơ sở tính được tiền thu lợi bất chính.

[8] Những nội dung, tình tiết của vụ án chưa được điều tra làm rõ nêu trên ảnh hưởng đến việc xem xét tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của bị cáo S.

[9] Do có căn cứ cho rằng việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được như đã nêu trên nên Hội đồng xét xử phúc thẩm cần hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại toàn diện vụ án.

[10] Bị cáo S không thành khẩn khai báo, lúc khai mang thai con chung với ông J lúc khai mang thai con chung với người khác. Đây là vấn đề cần được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử lại, căn cứ vào sự hợp tác của bị cáo S với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc làm rõ các tình tiết của vụ án.

[11] Vai trò và mức độ phạm tội, hình phạt, nhân thân, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, trách nhiệm nộp tiền thu lợi bất chính của bị cáo cùng việc xử lý vật chứng, án phí sơ thẩm sẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử lại. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo.

[12] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương không phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử phúc thẩm nên không được chấp nhận.

[13] Tòa án cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại điểm f khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 344; Điều 345; điểm c khoản 1 Điều 355; điểm b khoản 1 Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 209/2022/HS-ST ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã (nay là thành phố) Z2, tỉnh Bình Dương;

chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Z2, tỉnh Bình Dương để điều tra lại theo quy định của pháp luật.

Bị cáo NTTS không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

94
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép số 57/2023/HS-PT

Số hiệu:57/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/04/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về