TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 550/2017/HSPT NGÀY 12/10/2017 VỀ TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY THIỆT HẠI NGHIÊM TRỌNG ĐẾN TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC VÀ THAM Ô TÀI SẢN
Ngày 12 tháng 10 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 78/2017/HSPT ngày 23 tháng 02 năm 2017 đối với bị cáo Trần Trung D và bị cáo Huỳnh Hữu H do có kháng cáo của bị cáo Trần Trung D và bị cáo Huỳnh Hữu H đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 01/2017/HSST ngày 10/01/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ.
- Bị cáo có kháng cáo:
1/ Bị cáo Trần Trung D, sinh năm 1954; Trú tại: 222 B2 Nguyễn Tri P, phường A, quận N, thành phố C; Trình độ học vấn: 10/10. Đại học luật, ngữ văn, đối ngoại; Nghề nghiệp: nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Thể dục thể thao thành phố C; Con ông: Trần Văn B và bà: Trần Thị H1; Vợ: Nguyễn Thị Lệ T; Có 2 con: lớn sinh năm 1980 - nhỏ sinh năm 1982; Tiền án, tiền sự: Không; Tạm giam: 18/10/2013 (có mặt)
Người bào chữa cho bị cáo theo yêu cầu: Luật sư Huỳnh Chí T1– Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)
2/ Bị cáo Huỳnh Hữu H, sinh năm 1955; Trú tại: 18/29 X, phường A1, quận N, thành phố C; Trình độ học vấn: 10/12; Nghề nghiệp: thợ điện - nguyên nhân viên Trường Trung cấp Thể dục thể thao thành phố C; Con ông: Huỳnh Văn T2(chết) và bà: Nguyễn Thị T3(chết); Vợ: Huỳnh Thị L; Có 3 con: lớn nhất sinh năm 1979 - nhỏ nhất sinh năm 1987; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại (có mặt).
- Bị cáo không có kháng cáo:
Bị cáo Lê Ngọc L1, sinh năm 1985; Trú tại: 13/1 tổ I, khu vực I, phường H2, quận C2, thành phố C; Trình độ học vấn: 12/12 - cử nhân kinh tế - kế toán; Nghề nghiệp: nguyên kế toán Trường Trung cấp Thể dục thể thao thành phố C; Con ông: Lê Văn A2 và bà: Nguyễn Thị C2; Chồng: Đỗ Bắc M. Có 1 con sinh năm 2012; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại. (có mặt).
- Nguyên đơn dân sự: Trường Trung cấp Thể dục thể thao thành phố C.
Địa chỉ: Khu liên hợp Thể dục thể thao, Lê Lợi, phường C3, quận N, thành phố C.
Có ông Tô Ngọc H3, chức vụ: Phó hiệu trưởng , đại diện tham gia phiên tòa. (có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1- Nguyễn Minh T4; Trú tại: 137/4 Hoàng Văn T5, phường A3, quận N, thành phố C. (có mặt)
2- Huỳnh Thị Ngọc L2; Trú tại: 177 Bùi Hữu N1, phường B1, quận B1, thành phố C. (vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trường Trung cấp Thể dục thể thao thành phố C được thành lập theo Quyết định số 2829/QĐ-UBND ngày 05/11/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố C, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố C, là đơn vị sự nghiệp do ngân sách Nhà nước đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế tài chính.
Ngày 01/10/2010 Trần Trung D được bổ nhiệm quyền hiệu trưởng, sau đó là hiệu trưởng, ngày 24/5/2011. Ngày 29/10/2010 D ký hợp đồng lao động, rồi phân công Lê Ngọc L1 phụ trách kế toán. Ngày 04/7/2011 D ký quyết định phân công Nguyễn Lang T6 làm thủ quỹ, đồng thời phụ giúp cho L1, sau đó là bổ nhiệm phó trưởng phòng tổ chức, hành chính. Ngày 28/4/2011 D ký hợp đồng, rồi phân công Huỳnh Hữu H trông coi điện và nước trong trường.
Trong khoảng thời gian từ năm 2012 – 2013, D đã chỉ đạo cho T6 lập hồ sơ thanh toán khống để rút tiền do ngân sách Nhà nước cấp theo dự toán được duyệt, từ kho bạc Nhà nước, rồi đưa cho D sử dụng cá nhân. Theo sự chỉ đạo của D, T6 giao cho H đi mua hóa đơn thuế giá trị gia tăng, mang về cho T6 lập chứng từ thanh toán. Cụ thể như sau:
H liên hệ với bà Huỳnh Thị Ngọc L2 - cơ sở điện lạnh K- số 71/7F P1, phường C3, quận N, thành phố C. Cơ sở này đã có quan hệ giao dịch với trường từ trước. Theo yêu cầu của H, bà L2 đã xuất bán hóa đơn số 0055273 ngày 06/02/2012 với giá trị là 19.850.000 đồng, trong đó 11.200.000 đồng là ghi khống. Xuất 3 hóa đơn khống: số 0049826 ngày 20/01/2013 với giá trị là 27.750.000 đồng, số 0019252 ngày 19/02/2013 với giá trị là 44.000.000 đồng và số 0019263 ngày 05/3/2013 với giá trị là 29.600.000 đồng. Tổng giá trị ghi khống là 112.550.000 đồng. Sau khi kho bạc chuyển tiền thanh toán vào tài khoản, Ngô Trung N3 (chồng của bà L2) đã rút 121.200.000 đồng. Bà L2 giữ lại 8.650.000 đồng giá trị thanh toán thật và 10% giá trị ghi khống bằng 11.255.000 đồng. Số còn lại là 101.295.000 đồng H mang về, giao cho T6.
H liên hệ với Nguyễn Minh T4 - tiệm sắt - số 137/4 Hoàng Văn T5, phường A3, quận N, thành phố C. Cơ sở này đã có quan hệ giao dịch với trường từ trước. Do không có hóa đơn thuế giá trị gia tăng nên T4 đến doanh nghiệp tư nhân P2 và cơ sở K1 để mua hóa đơn. Doanh nghiệp P2 đã xuất hóa đơn số 0000211 ngày 21/02/2012 với giá trị là 14.209.800 đồng. T4 viết biên nhận 3.500.000 đồng tiền công sửa chữa cửa sắt, hàng rào vách ngăn. Cơ sở K1 và doanh nghiệp P2 còn xuất 3 hóa đơn khống: số 0010226 ngày 30/01/2013 với giá trị là 11.005.500 đồng, số 0005791 ngày 30/01/2013 với giá trị là 10.000.000 đồng và số 0010230 ngày 01/02/2013 với giá trị là 10.000.650 đồng. T4 viết biên nhận 6.500.000 đồng tiền công. Tổng giá trị ghi khống của 4 hóa đơn và 2 biên nhận là 55.215.950 đồng. Sau khi kho bạc chuyển tiền thanh toán vào tài khoản, T4 đã rút 55.215.950 đồng và giữ lại 10% giá trị ghi khống bằng 5.520.000 đồng. Số còn lại H mang về, giao cho T6.
H liên hệ với bà Đặng Thị T7- cửa hàng Xuân T7 - số 2/7 P3, phường A4, quận N, thành phố C, mua 10 quạt trần, 3 máy bơm 3HP, 100m dây dẫn điện, 01 ổn áp 10 KVA-3 pha. Bà T7 xuất 2 hóa đơn thuế giá trị gia tăng: số 0010057 ngày 10/01/2013 với giá trị là 18.600.000 đồng và số 0010070 ngày 18/02/2013 với giá trị là 19.400.000 đồng. Sau khi kho bạc chuyển tiền thanh toán vào tài khoản, H đến cửa hàng lấy 3 máy bơm và 100m dây điện, với giá trị là 11.000.000 đồng. Số hàng còn lại - H nói trường không mua và yêu cầu bà T7 trả lại 26.900.000 đồng.
H mang về, giao cho T6.
Như vậy, H đã giao cho T6 tổng cộng là 177.890.950 đồng. T6 đưa lại cho H 6.500.000 đồng. Còn lại 171.390.950 đồng T6 giao hết cho D. Tổng số tiền kê khống là 194.665.950 đồng.
Ngày 19/12/2012 D, lấy tư cách hiệu trưởng, vay của ông Nguyễn Việt T8 50.000.000 đồng với lãi suất 2%/tháng. Ngày 24/12/2012 vay thêm 40.000.000 đồng và sau đó, vay thêm 50.000.000 đồng. D sử dụng cá nhân toàn bộ số tiền nói trên. Tuy nhiên, khi Trung tâm huấn luyện Thể dục Thể thao thành phố C thanh toán tiền thuê phòng học, số tiền là 99.000.000 đồng, D ký séc cho T6 rút 95.000.000 đồng, rồi sử dụng 50.000.000 đồng để trả nợ cho ông T8. Số tiền còn lại là 45.000.000 đồng không giải trình được.
Như vậy, số tiền đã rút từ ngân sách dự toán bị thất thoát là 194.665.950 đồng (112.550.000 đồng + 55.215.950 đồng + 26.900.000 đồng). Trong đó, D chiếm đoạt 171.390.950 đồng, H chiếm đoạt 6.500.000 đồng, L2 hưởng lợi 11.255.000 đồng và T4 hưởng lợi 5.520.000 đồng. Ngoài ra, D còn chiếm đoạt 50.000.000 đồng từ nguồn thu sự nghiệp. D chiếm đoạt tổng cộng 221.390.950 đồng.
D đã nộp 98.000.000 đồng, H nộp 5.000.000 đồng, L2 nộp 9.584.000 đồng, T4 nộp 5.500.000 đồng để khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, trong suốt quá trình quản lý và lãnh đạo tại trường D đã không quan tâm kiểm tra công tác thu chi; kiểm tra sổ sách, phần mềm kế toán, không báo cáo tài chính, không thực hiện đúng Quy chế chi tiêu nội bộ, dẫn đến thất thoát nguồn thu sự nghiệp. Theo kết quả giám định tài chính là 2.129.245.543 đồng (Bút lục 8656).
Kết quả điều tra cho thấy khoản chi 345.509.705 đồng, tuy không có chứng từ, không có ký xác nhận, nhưng xác định là có chi thật. Do vậy, số tiền thất thoát là 1.783.735.838 đồng. Ngoài ra, còn số tiền 45.000.000 đồng trong số 95.000.000 đồng mà D đã ký séc cho T6 rút ra, từ số tiền 99.000.000 đồng do Trung tâm huấn luyện Thể dục Thể thao thành phố C thanh toán tiền thuê phòng học, như đã đề cập ở phần trên, số tiền này không giải trình được. Vì vậy số tiền thất thoát chung là 1.828.735.838 đồng.
Cộng với số tiền mà D và H đã chiếm đoạt, số tiền mà bà L2 và ông T4 đã hưởng lợi trái phép, số tiền bị thiệt hại là 2.073.401.788 đồng.
Số tiền mà D, đã lấy danh nghĩa của trường, vay mượn như: 250.000.000 đồng của Trần Thị Thủy T9, 400.000.000 đồng của Quỹ tín dụng nhân dân C 140.000.000 đồng của Nguyễn Việt T8 và 40.000.000 đồng của Trần Thị Kiều N2- không có nhập quỹ của trường, không có sổ sách theo dõi. Hiện nay T6 đang chấp hành Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nên đã tạm đình chỉ điều tra. Đối với Huỳnh Thị Ngọc L2 và Nguyễn Minh T4 đã có Quyết định đình chỉ điều tra.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm 01/2017/HSST ngày 10/01/2017 Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã quyết định:
Tuyên bố các bị cáo Trần Trung D và Huỳnh Hữu H phạm tội Tham ô tài sản. Tuyên bố các bị cáo Trần Trung D và Lê Ngọc L1 phạm tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp.
Áp dụng Nghị Quyết số 144/2016/QH.13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội khóa XIII.
Áp dụng khoản 2 Điều 179, điểm c và d khoản 2 Điều 353, điểm b, s và v khoản 1 Điều 51, các Điều 17, 55 và 58 Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt: Trần Trung D 4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và 8 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt chung là 12 năm tù. Thời hạn tù tính từ 18/10/2013.
Áp dụng điểm c và d khoản 2 Điều 353, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, các Điều 17, 54 và 58 Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt: Huỳnh Hữu H 2 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt đầu chấp hành án.
Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Lê Ngọc L1, trách nhiệm dân sự, án phí, quyền kháng cáo và thi hành án theo quy định pháp luật.
Ngày 17/01/2017 bị cáo Trần Trung D kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 18/01/2017 bị cáo Huỳnh Hữu H kháng cáo xin hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Trung D thừa nhận hành vi của D về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước nhưng không thừa nhận hành vi của D về tội Tham ô tài sản và đề nghị xem xét trách nhiệm dân sự về phần bồi thường. Bị cáo Huỳnh Hữu H thừa nhận hành vi của H về tội Tham ô tài sản và xin hưởng án treo.
Luật sư bào chữa cho bị cáo D trình bày: Trong suốt quá trình giai đoạn thanh tra của Sở Văn hóa Thể dục Thể thao, bị cáo D có thừa nhận biết được việc lập hồ sơ khống khi Thanh tra Sở tiến hành thanh tra. Căn cứ lời khai của bị cáo T6 và H về lập chứng từ khống thì trong thời gian tạm giam bị can T6, bị cáo D, cơ quan cảnh sát điều tra không làm rõ việc lập chứng từ khống, cho đối chất giữa T6 và D. Lời khai của T6 cho rằng bị cáo D chỉ đạo, tiền giao cho D. Bị cáo H đưa tiền cho T6 và T6 nói đã giao cho D. Kết luận của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ không xem xét đầy đủ các khía cạnh. Kết tội D về tội tham ô chưa đủ căn cứ. T6 có tiền án tiền sự về tôi danh này. T6 hiện nay bị bệnh nên chưa đủ cơ sở kết tội bị cáo D. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tôi danh tham ô đối với bị cáo D. Đối với kháng cáo của bị cáo D về số tiền thất thoát thì sẽ đưa ra xét xử khi T6 phục hồi bệnh, xem xét lại các tình tiết để xét xử đúng người, đúng tội. Về tội danh Thiếu tinh thần trách nhiệm thì bị cáo D thừa nhận, đồng ý với mức án của Tòa án cấp sơ thẩm.
Bị cáo D trình bày: Đề nghị minh oan cho bị cáo về tội tham ô. Bị cáo biết việc lập chứng từ khống khi Đoàn kiểm tra thanh tra. Sau khi Đoàn kiểm tra làm, T6 khai gian dối không đúng sự thật nên bị cáo mới ghi âm để chứng minh.
Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa nêu quan điểm:
Xét kháng cáo của bị cáo D: Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm kết tội bị cáo D về tội tham ô là đúng người, đúng tội. Khi Cơ quan điều tra vào cuộc, Sở Thể dục thể thao làm việc, bị cáo H thừa nhận làm hồ sơ khống theo sự chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị. Biên bản ngày 19/9/2013 bị cáo D thừa nhận làm hồ sơ khống rút tiền của Nhà nước. Lời khai của bị cáo H, bị can T6 hoàn toàn ổn định, thể hiện D chỉ đạo hồ sơ khống chiếm đoạt ngân sách của Nhà nước. Lời khai của H và T6 phù hợp với lời khai của D. Các file ghi âm, bị cáo D thừa nhận là đúng. Căn cứ vào kết quả giám định thiệt hại tài chính, bị cáo bị kết tội về tội tham ô với vai trò đứng đầu chủ mưu là đúng.Về trách nhiệm bồi thường thì bị cáo là thủ trưởng đơn vị, thiếu kiểm tra, thiếu trách nhiệm dẫn đến thiệt hại tài sản của Nhà nước. Bị cáo và L1 phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo D.
Xét kháng cáo của bị cáo H: Bị cáo thành khẩn khai báo, khai nhận hành vi phạm tội, nộp tiền khắc phục hậu quả. Cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, xử phạt bị cáo 02 năm tù. Theo Nghị quyết 01/2013/NQ- HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì tội phạm của bị cáo thuộc nhóm tội phạm tham nhũng không áp dụng án treo nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo H.
Cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt của Điều luật mới của Bộ luật hình sự năm 2015. Căn cứ Nghị Quyết số 144/2016/QH.13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội khóa XIII thì áp dụng đường lối chính sách có lợi cho bị cáo trong thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực, vẫn phải áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử, cụ thể là phải áp dụng Điều 278 và Điều 144 của Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử. Sơ sót này của cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm có thể khắc phục được nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo D và bị cáo H, sửa bản án sơ thẩm về việc áp dụng luật cho phù hợp.
Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đối đáp tranh luận: Bị cáo không có oan vì file ghi âm, bị cáo tự ghi và đọc lại. H, L1, D đọc lại và ký tên trong file ghi âm. Bị cáo D cũng thừa nhận chỉ đạo lập hồ sơ khống (Bút lục 9244- 9245). D, H trao đổi lập hồ sơ khống mua 04 máy lạnh và ổn áp và thực chất không có. Sau khi bị cáo D phủ nhận lời khai thì biên bản lúc 8 giờ ngày 01/7/2016 có sự chứng kiến của luật sư Huỳnh Chí T1 và thẩm vấn công khai tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo trình bày lời khai là chính xác (Bút lục 9136), file ghi âm lập sau khi lập hồ sơ thanh toán khống. Bị cáo ghi âm để đối phó. Mục đích ghi âm chứng minh tiền đưa cho T8 và T6 mượn. Luật sư cho rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra thiếu sót không đối chất ngay giữa T6 và D là không đúng vì Cơ quan điều tra tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ theo thẩm quyền. Luật sư cho rằng bị cáo không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước là không đúng. Bị cáo đã thừa nhận tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước thì bị cáo phải có trách nhiệm về phần dân sự. Nếu bị cáo cố ý phạm tội thì bị cáo đã phạm tội khác.
Luật sư bào chữa cho bị cáo D trình bày đối đáp tranh luận: Có biên bản đối chất ban đầu giữa T6 - D sẽ làm rõ các vấn đề nhưng cơ quan điều tra không thực hiện. Đó là cơ sở vững chắc để kết tội bị cáo D. Số tiền thất thoát buộc bị cáo D bồi thường là không phù hợp vì tiền đó do T6 quản lý để làm thất thoát, mất đi. Khi xét xử T6 thì quyết định chính xác hơn về số tiền bồi thường.
Bị cáo D nói lời nói sau cùng: Bị cáo đã lớn tuổi, không có tham ô, không có sự chỉ đạo. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về tội danh tham ô.
Bị cáo H nói lời nói sau cùng: Đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo hưởng án treo. Do bị cáo nghe và tin Thủ trưởng nên đã làm sai, bị cáo lớn tuổi nếu không làm theo thì bị đuổi việc, vợ con đói.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Trung D thừa nhận hành vi của D về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước nhưng không thừa nhận hành vi của D về tội Tham ô tài sản và đề nghị xem xét trách nhiệm dân sự về phần bồi thường. Bị cáo Huỳnh Hữu H thừa nhận hành vi của H về tội Tham ô tài sản và xin hưởng án treo. Xét kháng cáo của bị cáo D, bị cáo H, ý kiến của người bào chữa cho bị cáo D, đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1.1] Trong giai đoạn thanh tra cũng như trong giai đoạn điều tra ban đầu Nguyễn Lang T6 đều khai nhận về hành vi phạm tội và vai trò của bị cáo D trong vụ án như thể hiện trong các kết luận điều tra và Cáo trạng (Bút lục 213 - 237, 8457 - 8469, 8965 - 8994, 9149 - 9152, 9257 - 9269). Theo kết luận giám định pháp y tâm thần thì T6 chỉ bị mắc bệnh trầm cảm sau khi phạm tội, không mất năng lực hành vi (Bút lục 840 - 841, 8251 - 8252). Chính bị cáo D đã cung cấp file ghi âm đối thoại với T6 để làm chứng cứ về vai trò của T6 trong vụ án. Qua đó cũng có hàm ý thừa nhận năng lực hành vi của T6 trước khi có kết quả giám định.
[1.2] Các bị cáo H và L1 đều xác định vai trò chỉ đạo chi phối của bị cáo D đối với công tác thu chi, cũng như sử dụng kinh phí và hoạt động kế toán tại trường, kể cả chỉ đạo kê khống chi và lập chứng từ để rút tiền từ ngân sách Nhà nước (theo dự toán đã được phê duyệt). Bị cáo H thì khẳng định T6 đã giao số tiền, như Cáo trạng đã nêu, cho bị cáo D.
[1.3] Kết quả xác minh tại Trường Trung cấp Thể dục thể thao thành phố C và Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố C cũng tương tự (Bút lục 9146, 9257, 9261).
[1.4] Lời khai những người làm chứng về vai trò chỉ đạo chi phối của bị cáo D đối với công tác tài chính, kế toán tại trường cũng như quan hệ đặc biệt gắn kết với T6 cũng thể hiện nhất quán (Bút lục 8538 - 8546). Đại diện trường cũng khẳng định bị cáo D độc quyền quyết định các vấn đề về tài chính-ngân sách tại đơn vị.
[1.5 ] Trong giai đoạn điều tra ban đầu, cũng như trong quá trình thanh tra bị cáo D có nhìn nhận hành vi chỉ đạo kê khống chi, kể cả lấy 50.000.000 đồng từ nguồn thu sự nghiệp để trả cho ông T8 (Bút lục 163, 166, 174 - 183, 208, 210). Tổng số tiền đã rút từ ngân sách là 223.665.950 đồng.
[1.6] Các file ghi âm do các bị cáo D và H cung cấp (đã được các bên có liên quan xác nhận) đã cho thấy tính xác thực của các chứng cứ nêu trên (Bút lục 9125-9135, 9243 - 9246).
[1.7] Các chứng cứ nêu trên đã đủ căn cứ để kết luận về việc T6 đã giao 171.390.950 đồng cho bị cáo D. Ông Nguyễn Việt T8 xác định bị cáo D đã trực tiếp hỏi vay tổng số tiền 140.000.000 đồng. Bị cáo D đã ký séc rút 95.000.000 đồng từ nguồn thu sự nghiệp. Cả hai số tiền nói trên không nhập quỹ cũng không có chứng từ chi. Bị cáo D xác nhận có lấy 50.000.000 đồng đã rút về để trả cho ông Tân. Ông T8 xác nhận việc trả số nợ này. Bị cáo D phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các khoản tiền nói trên, Tòa án cấp sơ thẩm quy kết bị cáo D chiếm đoạt cá nhân 221.390.950 đồng (171.390.950 đồng + 50.000.000 đồng) là có căn cứ. Bị cáo phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ số tiền đã kê khống để rút từ ngân sách nhà nước là 194.665.950 đồng, cộng với 50.000.000 đồng đã lấy từ nguồn thu sự nghiệp để trả nợ cá nhân, tổng cộng là 244.665.950 đồng.
[2] Bị cáo H đã liên hệ mua hóa đơn thuế giá trị gia tăng, mang về, giao cho T6 để làm chứng từ chi khống. Bị cáo đã, liên hệ với bà T7, dùng thủ đoạn đặt mua hàng, rồi sau đó từ chối nhận một số hàng đã đặt, để lấy lại tiền đã chuyển khoản để thanh toán theo hóa đơn. Bị cáo nhận thức được hành vi kê khống chi để rút tiền từ ngân sách Nhà nước, với tổng số tiền là 194.665.950 đồng. Bị cáo đã nhận 177.890.950 đồng (sau khi bà L2 trích giữ lại 11.255.000 đồng và ông T4 trích giữ lại 5.520.000 đồng) và giao lại cho T6. Bị cáo được hưởng 6.500.000 đồng. Bị cáo phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với số tiền này. Quy kết bị cáo chiếm đoạt cá nhân 6.500.000 đồng và đồng phạm giúp sức chiếm đoạt 194.665.950 đồng.
[3] Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo D và H về tội Tham ô tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử theo điểm c và điểm d khoản 2 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 là chưa chính xác, đối với bị cáo D vẫn phải áp dụng theo điểm a khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội Tham ô tài sản nhưng khi lượng hình thì áp dụng tinh thần có lợi của Bộ luật hình sự năm 2015 cho bị cáo, khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù. Đối với bị cáo H vẫn phải áp dụng theo điểm c, điểm d khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội Tham ô tài sản.
[4] Bị cáo D là Thủ trưởng một đơn vị sự nghiệp. Bị cáo L1 là kế toán của đơn vị. Các bị cáo không chấp hành Luật kế toán và Luật ngân sách nhà nước nên phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 5 Điều 19, khoản 3 Điều 49 và Điều 62 Luật kế toán ngày 17/6/2003, Điều 73 Luật ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002, Điều 33 Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03/6/2008. Bị cáo D phải chịu trách nhiệm chính. Theo kết quả giám định tài chính ngày 23/10/2015 (BL 8651 - 8657) và kết quả điều tra thì số tiền thất thoát không giải trình được là 1.783.735.838 đồng, xuất phát từ việc không mở đầy đủ sổ sách theo dõi thu chi và chi không có chứng từ rõ ràng. Các bị cáo D và L1 phải chịu trách nhiệm, trong đó bị cáo D phải chịu trách nhiệm chính vì là người toàn quyền quyết định các khoản chi.
[4.1] Riêng số tiền 244.665.950 đồng, đã quy kết là bị chiếm đoạt, do các bị cáo D và H cố ý cùng thực hiện với T6 nên không xem là thất thoát do hành vi thiếu trách nhiệm. Bị cáo L1 không có đồng phạm, mà chỉ ký tên sau khi đã có chữ ký của bị cáo D và thời gian này bị cáo L1 đang nghỉ hộ sản nên không phải chịu trách nhiệm.
[4.2] Số tiền 45.000.000 đồng (trong số 95.000.000 đồng do bị cáo D ký séc cho T6 đi nhận). D đã trả cho ông T8 50.000.000 đồng. Số còn lại T6 không nhập quỹ và cũng không có chứng từ chi rõ ràng nên bị cáo L1 không phải chịu trách nhiệm, mà là bị cáo D phải chịu trách nhiệm.
Như vậy, bị cáo D phải chịu trách nhiệm đối với số tiền bị thất thoát và không giải trình được là 1.828.735.838 đồng.
[4.3] Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo D về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 179 Bộ luật hình sự năm 2015 là chưa chính xác, vẫn phải áp dụng theo khoản 3 Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước nhưng khi lượng hình thì áp dụng tinh thần có lợi của Bộ luật hình sự năm 2015 cho các bị cáo, khung hình phạt từ 01 năm đến 05 năm tù.
[5] Hành vi của các bị cáo thể hiện ý thức xem thường các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, xem thường tài sản của Nhà nước, thiệt hại gây ra là đặc biệt lớn. Các bị cáo D và H phạm tội vì động cơ vụ lợi. Bị cáo D thể hiện ý thức bất chấp pháp luật, kỷ cương công vụ. Bị cáo phải chịu trách nhiệm chính và cao nhất trong vụ án. Bị cáo H là nhân viên hợp đồng, bị lệ thuộc về mặt hành chính trực tiếp trong quan hệ với bị cáo D, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của bị cáo D nên phải chịu trách nhiệm đồng phạm.
[6] Tòa án cấp sơ thẩm đã cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo khi lượng hình. Đối với bị cáo D, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ nhìn nhận hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý làm phát sinh thiệt hại nên chỉ xem là khai báo thật thà có mức độ, bị cáo có nhiều cống hiến cho Cách mạng, có nhiều thành tích trong công tác và đã nộp 98.000.000 đồng để bồi thường. Hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng với bị cáo là phù hợp. Đối với bị cáo H luôn tỏ ra thành khẩn và ăn năn hối cải, đã nộp tiền bị quy kết là đã chiếm đoạt, gặp khó khăn về kinh tế, vai trò và mức độ phạm tội là rất thấp so với bị cáo D. Hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng với bị cáo H là phù hợp. Bị cáo D và H kháng cáo không đưa ra được các tình tiết mới.
Với mức án 4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và 8 năm tù về tội Tham ô tài sản đối với bị cáo D và 2 năm tù về tội Tham ô tài sản đối với bị cáo H cho thấy Tòa sơ thẩm đánh giá đúng tính chất, mức độ, vai trò của bị cáo D và H trong vụ án này nên Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm, sửa Điều luật áp dụng cho phù hợp.
[7] Về trách nhiệm dân sự: Tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo D và H phải cùng liên đới bồi thường số tiền đã kê rút khống từ ngân sách Nhà nước, trong đó bị cáo D phải chịu trách nhiệm chính đối với số tiền đã chiếm đoạt. Bị cáo D phải nộp 221.390.950 đồng, bị cáo H phải nộp 6.500.000 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật. Số tiền bị cáo D và H đã nộp sẽ được khấu trừ khi thi hành án.
Đối với số tiền thất thoát từ nguồn thu sự nghiệp do hành vi thiếu trách nhiệm của các bị cáo D và L1, bị cáo D phải chịu trách nhiệm chính do đã quyết định mọi khoản chi tại đơn vị. Tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo D và L1 cùng liên đới bồi thường cho Trường Trung cấp Thể dục thể thao thành phố C 1.783.735.838 đồng. Bị cáo D phải bồi thường riêng 45.000.000 đồng, tổng cộng bị cáo D phải nộp 1.800.000.000 đồng là đúng.
[8] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo D và bị cáo H, giữ y án sơ thẩm, sửa Điều luật áp dụng cho phù hợp. Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo D và H phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự;
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Trung D và bị cáo Huỳnh Hữu H.
Giữ nguyên án sơ thẩm, sửa Điều luật áp dụng.
Áp dụng khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015.
Áp dụng Nghị Quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 278, khoản 3 Điều 144, điểm b, p, s khoản 1 Điều 46, Điều 20, Điều 47, Điều 50 và Điều 53 Bộ luật hình sự năm 1999.
Xử phạt: Bị cáo Trần Trung D 4 năm tù (Bốn năm tù) về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và 8 năm tù (Tám năm tù) về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt chung là 12 năm tù (Mười hai năm tù). Thời hạn tù tính từ ngày 18/10/2013.
Áp dụng điểm c và d khoản 2 Điều 278, điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, các Điều 20, 47 và 53 Bộ luật hình sự năm 1999.
Xử phạt: Bị cáo Huỳnh Hữu H 2 năm tù (Hai năm tù) về tội Tham ô tài sản. Thời hạn tù tính từ ngày bắt đầu chấp hành án.
Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999, các Điều 584, 585, 587, 589 Bộ luật dân sự năm 2015.
Buộc các bị cáo D và H cùng liên đới bồi thường 244.665.950 đồng cho Trường Trung cấp Thể dục thể thao thành phố C. Trong đó bị cáo D phải nộp 221.390.950 đồng, bị cáo H phải nộp 6.500.000 đồng, bà Huỳnh Thị Ngọc L2 phải nộp 11.255.000 đồng, ông Nguyễn Minh T4 phải nộp 5.520.000 đồng.
Ghi nhận bị cáo D đã nộp 98.000.000 đồng, bị cáo H nộp 5.000.000 đồng, bà L2 đã nộp 9.584.000 đồng, ông T4 đã nộp 5.500.000 đồng.
Buộc các bị cáo D và L1 cùng liên đới bồi thường cho Trường Trung cấp Thể dục thể thao thành phố C 1.783.735.838 đồng. Bị cáo D phải bồi thường riêng 45.000.000 đồng. Bị cáo D phải nộp 1.800.000.000 đồng, bị cáo L1 phải nộp 28.735.838 đồng để thi hành án.
2. Các nội dung khác trong quyết định Bản án hình sự sơ thẩm 01/2017/HSST ngày 10/01/2017 Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ về trách nhiệm hình sự đối với bị cáo L1, trách nhiệm dân sự, án phí hình sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
3. Bị cáo Trần Trung D, bị cáo Huỳnh Hữu H chịu án phí hình sự phúc thẩm 200.000 đồng.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước và tham ô tài sản số 550/2017/HSPT
Số hiệu: | 550/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 12/10/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về