Bản án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng số 105/2020/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 105/2020/HS-PT NGÀY 22/05/2020 VỀ TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Ngày 22 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 95/2020/HSPT ngày 08/01/2020; do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2019/HS-ST ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. La O K, tên gọi khác: M, sinh năm 1978; tại Phú Yên. Nơi cư trú: tỉnh Phú Yên; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 01/12; dân tộc: Chăm H’roi; con ông La O R, sinh năm 1930 và bà La O Thị Đ, sinh năm 1933; có vợ La Mo Thị n, sinh năm 1979 và 02 con, lớn sinh 2001, nhỏ sinh 2007; tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại, có mặt.

2. La Lan T, tên gọi khác: B, sinh năm 1985; tại: Phú Yên. Nơi cư trú: tỉnh Phú Yên; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Chăm H’roi; con ông La O Đ, sinh năm 1963 và bà La Lan Thị Đ, sinh năm 1967; có vợ: La O Thị H, sinh năm 1988 và 02 con, lớn sinh 2005, nhỏ sinh 2009; tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại, có mặt.

- Người bào chữa cho các bị cáo La O K, La Lan T: Ông Nguyễn N, Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên, do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Yên cử, vắng mặt; các bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt luật sư.

- Ngoài ra còn có 02 bị cáo không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm các ông: So B, La O H, Nguyễn Hồng Đ, Cao Thanh L, Nguyễn Phan H, Mai Xuân L1, La O H1, Tòa án không triệu tập đến phiên tòa phúc thẩm.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 21/02/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ra Quyết định số 318/QĐ - UBND thu hồi đất của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đ giao cho Ủy ban nhân dân các xã thuộc huyện Đ quản lý, trong đó Ủy ban nhân dân xã P được giao quản lý tiểu khu 83, 90 thuộc B, xã P, huyện Đ.

Khoảng tháng 5 năm 2015, Phạm Xuân T sử dụng thông tin cá nhân của các ông La Lan D, La O Đ, La O M có hộ khẩu tại thôn P, xã P lập 03 hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng đứng tên La Lan D, La O Đ, La Mo M nhằm hợp thức hóa quyền sử dụng của 02 thửa đất rừng B thuộc tiểu khu 90 của xã P, huyện Đ. Có sự tác động của ông Đỗ Minh T – Trưởng Công an huyện Đ và ông Nguyễn Thành C – Cán bộ điều tra Công an huyện Đ nên 03 hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất được ông So B – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và La O H – Cán bộ địa chính xã P ký xác nhận, hoàn tất thủ tục theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân xã. Do ghi sai các thông tin trên 03 bộ hồ sơ đã đăng ký nên T đến nhờ B và H1 xác nhận lại các biểu mẫu của hồ sơ chưa được ghi thông tin rồi mang về nhờ Phạm Duy L2 (em họ của T) làm cán bộ địa chính xã X 1, huyện Đ viết lại đúng các thông tin cá nhân của La Lan D, La O Đ, La Mo M theo mẫu đã ký và mang nộp giúp Bộ phận một cửa của Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Đ.

Ngày 15/9/2015, Mai Xuân L – Cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đ không đi kiểm tra thực địa nhưng lập biên bản kiểm tra thực địa và đưa cho La O H, Nguyễn Phan H – Cán bộ Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đ ký xác nhận cho đủ thành phần theo quy định. Nội dung biên bản kiểm tra thực địa không đúng với thực tế hiện trạng trên các thửa đất thể hiện trong hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 27/10/2015, Nguyễn Hồng Đ – Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đ không kiểm tra đã ký xác nhận theo thẩm quyền rồi chuyển 03 bộ hồ sơ cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đ để thẩm tra theo chức năng. Sau khi kiểm tra, thẩm định các bộ hồ sơ và hoàn tất các thủ tục thuộc trách nhiệm của Phòng Tài nguyên và Môi trường, ngày 14/11/2015 ông Cao Thanh L- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đ ký Tờ trình gởi đến Ủy ban nhân dân huyện Đ và cùng trong ngày Ủy ban nhân dân huyện Đ ký cấp giấy CNQSDĐ số CA 332335 cho La Lan D, số CA 332336 cho La Mo M; số 332337 cho La O Đ.

Để tiếp tục hợp thức hóa quyền sử dụng đất rừng B thuộc tiểu khu 83, 90 của xã P, trong tháng 10/2015 tại quán Phú Núi ở thôn Kỳ Lộ, xã X 1, huyện Đ Phạm Xuân T và Huỳnh Anh K thống nhất sẽ làm hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bị cáo T có trách nhiệm lập hồ sơ và hoàn tất thủ tục thuộc thẩm quyền ở cấp xã, bị cáo K có trách nhiệm nộp để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phạm Xuân T đến Ủy ban nhân dân xã nói La O H – Cán bộ địa chính xã P ký xác nhận thống nhất vào các thủ tục của 03 bộ hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó lấy các thông tin cá nhân của những người có tên La Thanh A, La Lan N, La Mo H đều có hộ khẩu ở xã P đưa cho Phạm Duy L2 nhờ viết vào các hồ sơ đã được ký thống nhất rồi đưa cho Huỳnh Anh K. Ngày 11/12/2015, K nộp 03 bộ hồ sơ cho Bộ phận một cửa của Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Đ. Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đ không tiến hành kiểm tra thực địa, nhưng đã hoàn tất các thủ tục kiểm tra, thẩm định hồ sơ thuộc trách nhiệm của mình như đã thực hiện các hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên D, M, Đ nêu trên. Ngày 17/3/2016, Ủy ban nhân dân huyện Đ đã cấp 04 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ sử dụng đất có tên La Thanh A, La Lan N, La Mo H (chủ sử dụng đất tên H được cấp 02 giấy) với tổng diện tích được cấp 83,283 ha, trong đó có 14,27ha rừng tại các lô 1, 17, 18, 21, 22 thuộc diện tích trong Giấy CNQSDĐ số CA 372262 đứng tên La Thanh A. Các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này chưa phát hành ra khỏi Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Đ thì bị phát hiện sai phạm và ngày 13/6/2016 Ủy ban nhân dân huyện Đ ra Quyết định thu hồi và hủy.

Ngày 21/3/2016, Phạm Xuân T lập khống các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tên D, M, Đ và La Thanh A sang cho T, rồi làm đơn xin phát dọn thực bì, các giấy tờ này được La O H – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã P ký xác nhận. Cuối tháng 3/2016, T tổ chức thuê khoản 29 người ở thôn Suối Cối 2 và thôn Kỳ Lộ, xã X 1, huyện Đ sử dụng Cưa máy cầm tay, Rựa chặt phát tại các lô 11, 15, 20 của rừng B thuộc tiểu khu 90. T theo dõi chấm công, trả tiền công 150.000đ/công cung cấp xăng cho máy cưa.

Trong lúc đang tổ chức chặt phát đất rừng nêu trên, Trường có liên lạc với K đề cập đến việc chỉ ranh giới đất rừng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên La Thanh A, La Lan N, La Mo H. Đầu tháng 4/2016, K cùng với Phạm Duy L2 02 lần mang theo bản đồ và máy định vị GPS đến khu rừng B xác định ranh giới để T chỉ lại cho nhân công tiếp tục chặt phát tại các Lô 1, 16, 17, 18, 19, 21 và 22 của Tiểu khu 83, 90 có tổng diện tích 18.1ha. K có đưa tiền cho T 03 lần, tổng số 37.000.000 đồng. Sau khi vụ việc bị phát hiện K nhiều lần điện thoại cho T bàn cách che giấu hành vi chặt phá các lô rừng này.

Thấy Phạm Xuân T và một số người khác tổ chức chặt phá rừng, nên La O K rủ La Lan T1 tổ chức thuê người chặt phát rừng lấy đất canh tác, đồng thời ngăn việc họ chiếm hết đất rừng B, xã P. Trong tháng 4/2016, K và T1 đã thuê khoảng 30 người dân tộc thiểu số ở thôn T, xã X 1 và thôn T1, xã P, huyện Đ sử dụng cưa máy cầm tay, rựa chặt phát 18,73ha rừng các Lô 2, 3, 8, 9 và 10 của tiểu khu 83 thuộc rừng B, xã P, huyện Đ. K và T1 cung cấp lương thực, thực phẩm, công cụ các khoản này được trừ vào tiền công), dựng lán trại, theo dõi và trả tiền công mỗi người 160.000đ/ngày đối với lao động nam và 150.000đ/ngày đối với lao động nữ. La Lan T1 đã chi trả khoảng 30 triệu đồng. Trước khi kết thúc đợt chặt phát rừng khoảng hai ngày, K và T1 có rủ La O C sinh năm 1970, trú tại thôn T, xã X 1, huyện Đ cùng tham gia chặt phát rừng. La O C đồng ý sẽ góp hai triệu đồng và gọi một số nhân công để chặt phát rừng, tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn sự việc bị phát hiện.

Ngoài ra trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2016 trước thời điểm T tổ chức chặt phá rừng) tại tiểu khu 90 của rừng B, xã P còn có 03 nhóm đối tượng chặt phát cây rừng lấy đất trồng Keo, gồm: Nhóm của anh em La O K, La O Đ, La O Đ1 đều có hộ khẩu thường trú ở xã X 1, tổ chức chặt phát 18,16ha thuộc các Lô số 4, 5, 6, 7; Nhóm của La O T, thường trú ở xã X 1, thuê người chặt phát diện tích 6,66ha thuộc Lô số 12; Nhóm đối tượng không xác định danh tính tổ chức chặt phát 4,17ha thuộc Lô số 13, 14.

Khoảng cuối tháng 4/2016, lực lượng chức năng huyện Đ kiểm tra, phát hiện ngăn chặn việc chặt phá rừng B. Ngày 14/11/2016, Ủy ban nhân dân huyện Đ ra Quyết định thu hồi và hủy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên La Lan D, La Mo M, La O Đ.

Kết luận giám định số 03/KLGĐ-SNN, ngày 23/5/2016 của Giám định viên tư pháp Sở NN PTNT tỉnh Phú Yên và Công văn số 1051/SNN-CCKL, ngày 17/8/2016 của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên kết luận và xác định: khoảnh 4, 5 tiểu khu 83 và thuộc khoảnh 1, 2, 3 tiểu khu 90; trong đó có 76,9ha đất trống có cây gỗ tái sinh không phải là rừng tại các Lô số 4, 5, 6, 7, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 19, 20, thuộc phạm vi xử lý theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về l nh vực đất đai; 25ha rừng phòng hộ tại các Lô số 1, 2, 3, 8, 9, 10, 17 và 08ha rừng sản xuất tại các Lô 18, 21, 22 của tiểu khu 83, 90 thuộc rừng B, xã P, huyện Đ.

Đối chiếu giữa diện tích những lô rừng các bị can tổ chức chặt phá với kết luận giám định xác định bị can Phạm Xuân T và Huỳnh Anh K tổ chức chặt phá 6,27ha rừng phòng hộ thuộc các Lô 1, 17 và 08ha rừng sản xuất thuộc các lô 18, 21, 22 của tiểu khu 83, 90. Bị can La O K và La Lan T1 tổ chức chặt phá 18,73ha rừng phòng hộ tại các lô 2, 3, 8, 9, 10 của tiểu khu 83. Đối chiếu giữa diện tích rừng do các bị can T, K chặt phá với diện tích đất được cấp thể hiện trên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên La Lan D, La O Đ, La Mo M, La Thanh A, La Lan N, La Mo H thì diện tích rừng bị chặt phá thuộc diện tích đất rừng được cấp trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên La Thanh A.

Kết luận định giá tài sản số 2860/STC-GCS, ngày 26/12/2016 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Phú Yên kết luận: Giá trị thiệt hại của 14,27ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất tại các Lô 1, 17, 18, 21, 22 của tiểu khu 83, 90 bị chặt phá là 1.151.546.447 đồng; giá trị thiệt hại của 18,73ha rừng phòng hộ bị chặt phá tại các Lô 2, 3, 8, 9, 10 của tiểu khu 83 là 1.008.178.470 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2019/HS-ST ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã quyết định:

Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự 1999; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 đối với các bị cáo K, T ;

Phạt: Bị cáo La O K 07 (bảy) năm tù; thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

án.

Phạt: Bị cáo La Lan T 07 (bảy) năm tù; thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn buộc trách nhiệm dân sự và án phí đối với các bị cáo.

Ngày 29/11/2019 bị cáo La Lan T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Ngày 29/11/2019 bị cáo La O K kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bị cáo La O K, La Lan T giữ nguyên kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tham gia phiên tòa có ý kiến: Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; về nội dung đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kháng cáo xin được hưởng án treo của các bị cáo, giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm. Về một số trường hợp liên quan như So B, La O H, Nguyễn Hồng Đ, Cao Thanh L, Nguyễn Phan H, Mai Xuân L1, La O H1 cần kiến nghị đến người có thẩm quyền xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

[1] Về hành vi phạm tội của các bị cáo: Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2016, Huỳnh Anh K cùng Phạm Xuân T làm thủ tục trái pháp luật để được cấp 04 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó Phạm Xuân T thuê nhân công chặt phá rừng. Huỳnh Anh K và Phạm Xuân T đã tổ chức chặt phá 6,27ha rừng phòng hộ, 08ha rừng sản xuất, làm thiệt hại về lâm sản và môi trường là 1.151.546.447đ. Khi thấy Phạm Xuân T chặc phá rừng, sợ bị lấn chiếm hết đất nên La O K đã rủ La Lan T cùng tổ chức thuê người chặt phát 18,73ha rừng phòng hộ để lấy đất canh tác, làm thiệt hại về lâm sản và môi trường là 1.008.178.470 đồng. Như vậy La O K, La Lan T hủy hoại rừng phòng hộ với diện tích trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính trên 01ha trở lên); nên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên tuyên bố các bị cáo La O K, La Lan T phạm tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự 1999 là có căn cứ.

[2] Xét kháng cáo của các bị cáo:

Các bị cáo La O K và La Lan T khi thấy Phạm Xuân T thuê người làm công hủy hoại rừng, sợ bị lấn chiếm hết đất, nên cũng thuê nhân công hủy hoại diện tích rừng phòng hộ đặc biệt lớn.

Bị cáo La O K trình bày lý do kháng cáo là do bị cáo sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn, nhận thức pháp luật có phần hạn chế, quen với lối sống phát rừng rẫy; sau khi phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; khắc phục một phần thiệt hại, bị cáo K đã nộp 5.000.000 đồng, gia đình có công cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng; bản thân bị cáo là lao động chính trong gia đình có con còn nhỏ dại, vợ hay đau ốm. Những tình tiết giảm nhẹ nêu trên đã được bản án sơ thẩm áp dụng và đã xử phạt bị cáo mức hình phạt khởi điểm của khung hình phạt, nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Bị cáo La Lan T trình bày lý do kháng cáo vì bị cáo thuộc dân tộc thiểu số, sinh sống trên địa bàn đặc biệt khó khăn nhận thức pháp luật có phần hạn chế, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, bị cáo là lao động chính để nuôi sống gia đình, có ông Nội là người có công cách mạng được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì; đã nộp một phần tiền 10.000.000 đồng) để khắc phục hậu quả. Những tình tiết giảm nhẹ nêu trên đã được bản án sơ thẩm áp dụng và đã xử phạt bị cáo mức hình phạt khởi điểm của khung hình phạt. Những tình tiết mới tại phiên tòa phúc thẩm là gia đình thuộc diện hộ cận nghèo và có ông Nội là người có công cách mạng, tuy nhiên tình tiết giảm nhẹ này không đáng kể để có thể xử bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nên không đủ cở sở để chấp nhận kháng cáo.

Bản án hình sự sơ thẩm đã đánh giá tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS cho các bị cáo; nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo của các bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm.

[3] Đối với bị cáo Huỳnh Anh K, bản án sơ thẩm đã áp dụng điểm a, b khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự 1999 và điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015 xử phạt bị cáo K 07 năm 06 tháng tù; bị cáo Phạm Xuân T được áp dụng điểm a, b khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự 1999 và điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015 xử phạt bị cáo T 07 năm tù. Thấy rằng mức hình phạt khởi điểm trong khung hình phạt của 02 bị cáo tương đương với các bị cáo còn lại trong vụ án là quá nhẹ; bởi vì các bị cáo T, K phạm tội với 02 tình tiết định khung hình phạt nhưng tình tiết giảm nhẹ không nhiều. Hơn nữa về tính chất của hành vi phạm tội thì bị cáo K, T phá trắng rừng, còn bị cáo K, T chỉ chặt phát cây tạp, cây nhỏ, không chặt phát cây lớn; cho nên mặc dù diện tích rừng mà bị cáo T, K phá ít hơn nhưng thiệt hại về rừng được định giá lớn hơn thiệt hại do bị cáo K, T gây ra. Do nay không có kháng cáo, kháng nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo. Cho nên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng để đảm bảo sự phù hợp giữa hành vi phạm tội, tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và hình phạt đối với từng bị cáo, cần kiến nghị đến người có thẩm quyền xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm, theo hướng tăng hình phạt đối với Huỳnh Anh K, Phạm Xuân T.

[4] Xem xét các trường hợp khác có liên quan trong vụ án:

[] Đối với hành vi của So B – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã P đã ký 03 bộ hồ sơ cho T đứng tên La Lan D, La O Đ, La Mo M để đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không thực hiện đúng Quyết định 318/QĐ-UBND về việc giao đất rừng cho nhân dân. Đây là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng .

[] Đối với hành vi của La O H1 – Cán bộ địa chính xã P là người tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký xác nhận hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chưa có kế hoạch giao đất rừng cho dân.

[] Đối với hành vi Nguyễn Phan H – Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đ và Mai Xuân L1 – Cán bộ Trung tâm Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đ không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tham mưu trong quản lý đất đai để cấp trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên La Thanh A.

[] Đối với hành vi của Nguyễn Hồng Đ – Giám đốc Trung tâm Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đ, Cao Thanh L – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đ, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, thẩm định đã trình Ủy ban nhân dân huyện Đ cấp các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng pháp luật.

[] Đối với hành vi La O H – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã P, không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ được giao; ký các hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký đơn xin phát dọn thực bì cho T nhưng không phân công cán bộ kiểm tra, giám sát, không phát hiện ngăn chặn kịp thời hành vi chặt phá, hủy hoại rừng.

Về các trường hợp nêu trên, tại Bản án phúc thẩm số 77/2018/HSSPT ngày 05/02/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã hủy Bản án sơ thẩm số 15/2017/HSST ngày 17-8-2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên để điều tra lại các đối tượng trên về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Do đã hủy một lần và đã qua xét xử sơ thẩm lại vẫn xác định không xử lý trách nhiệm hình sự, nên ở phiên tòa này không nhất thiết phải tiếp tục hủy án sơ thẩm mà cần phải kiến nghị đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm.

[5] Về án phí: các Bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số ở những địa phương đặc biệt khó khăn nên được miễn án phí phúc thẩm theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/ UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

[6] Các quyết định khác còn lại của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự:

không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo của các bị cáo La O K, La Lan T, giữ nguyên mức hình phạt của Bản án sơ thẩm.

2- Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự 1999; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Xử phạt: Bị cáo La O K 07 (bảy) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Xử phạt: Bị cáo La Lan T 07 (bảy) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

3- Án phí hình sự phúc thẩm: các bị cáo La O K, La Lan T được miễn nộp.

4- Các quyết định khác còn lại của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực từ ngày hết thời hiệu kháng cáo, kháng nghị.

5- Kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với trường hợp của ông: So B, La O H, Nguyễn Hồng Đ, Cao Thanh L. Nguyễn Phan H, Mai Xuân L1, La O H1 về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; đồng thời tăng hình phạt đối với các bị cáo Huỳnh Anh K, Phạm Xuân T.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

107
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng số 105/2020/HS-PT

Số hiệu:105/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về