Bản án về tội tham ô tài sản số 54/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 54/2023/HS-PT NGÀY 14/04/2023 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Ngày 14 tháng 4 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 07/2022/TLPT-HS ngày 05 tháng 01 năm 2022 đối với bị cáo Trần Quốc T do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 32/2021/HS-ST ngày 22/11/2021 của Tòa án nhân dân huyện GQ, tỉnh Kiên Giang.

- Bị cáo có kháng cáo:

Trần Quốc T, sinh năm 1964 tại Kiên Giang. Nơi cư trú: ấp AB, xã ĐA, huyện GQ, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Cán bộ hưu trí; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn H và bà Lê Thị A, vợ là Lê Thị Bé N và 04 con, lớn nhất sinh năm 1983, nhỏ nhất sinh năm 1989. Tiền án: Không, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số 13 ngày 30/9/2020 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện GQ, có mặt.

- Bị cáo không có kháng cáo:

1. Huỳnh Bá N1, sinh năm 1962 tại Kiên Giang. Nơi cư trú: ấp AP, xã ĐA, huyện GQ, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Cán bộ hưu trí; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Huỳnh B1 và bà Trương Thị B (đã chết), chưa có vợ con, anh chị em ruột có 05 người, lớn sinh năm 1949, nhỏ sinh năm 1968. Tiền án: Không, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số 01 ngày 16/12/2020 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện GQ, có mặt.

2.Nguyn Văn N2, sinh năm 1971 tại TH. Nơi cư trú: ấp AM, xã ĐA, huyện GQ, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Giáo viên – Nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học ĐA 1; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn Th và bà Nguyễn Thị Ng, vợ là Thị Tr và 02 con, lớn sinh năm 1997, nhỏ sinh năm 2000. Tiền án: Không, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số 24 ngày 07/5/2021 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện GQ, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Quốc T: Luật sư Nguyễn Văn L – Chi nhánh Văn phòng luật sư PKP – thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang, có mặt.

Những người tham gia tố tụng khác:

Tổ giám định tài chính:

1. Bà Phạm Thị Thiên T, Giám định viên, Thanh tra viên, Sở tài chính, tổ trưởng. (có mặt)

2. Bà Trương Phương H, Giám định viên, Thanh tra viên, Sở tài chính, tổ viên. (có mặt)

3. Ông Huỳnh Minh B3, Thanh tra viên, Sở tài chính, tổ viên. (có mặt)

4. Bà Bùi Kim Ng, Chuyên viên, Sở tài chính, tổ viên. (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trường tiểu học ĐA 1, xã ĐA, huyện GQ là đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, trực thuộc Phòng giáo dục và đào tạo huyện GQ. Kinh phí hoạt động của trường do ngân sách nhà nước cấp (kinh phí địa phương), từ Ủy ban nhân dân huyện GQ duyệt, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tham mưu phân bổ cho trường hàng năm. Ngoài ra hàng năm trường còn được nhận tiền từ Bảo hiểm xã hội huyện là tiền Chăm sóc sức khỏe ban đầu và ốm đau thai sản.

Đối với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước được phân bổ từ Ủy ban nhân dân được cấp từ đầu năm thông qua Kho bạc Nhà nước huyện, nguồn kinh phí này chủ yếu chi cho lương giáo viên; hoạt động khác và sửa chữa nhỏ...

Đối với nguồn tiền Chăm sóc sức khỏe ban đầu nhận từ Bảo hiểm xã hội huyện (tiền được trích phần trăm từ tiền của học sinh mua Bảo hiểm y tế), nguồn tiền này để trường dùng vào việc mua thuốc tây thông thường để sơ cấp cứu cho học sinh.

Tiền ốm đau, thai sản, dưỡng sức thì khi nào đơn vị có trường hợp phát sinh ốm đau, thai sản thì thanh, quyết toán trực tiếp với Bảo hiểm xã hội huyện… Theo quy định của Luật Kế toán năm 2003 và Luật Ngân sách năm 2002 quy định đối với việc thu, chi tài chính thì hàng tháng, hàng quý khi rút kinh phí về để chi, Trường phải phân nguồn và chi đúng theo nguồn kinh phí được cấp; Vào cuối tháng, hàng quý, hàng năm kế toán và thủ quỹ phải tiến hành đối chiếu sổ sách, kiểm tra quỹ để cân đối các nguồn kinh phí và quyết toán. Đối với các nguồn kinh phí khi rút về nhưng chưa chi hết thì phải nộp khôi phục trả lại cho ngân sách Nhà nước theo quy đinh, không được để tồn quỹ tiền mặt tại đơn vị.

Qua điều tra xác định được trong khoản thời gian từ năm 2011 đến năm 2016, Trường tiểu học ĐA 1, xã ĐA, huyện GQ Điều hành, quản lý tài chính của đơn vị không đúng quy định số tiền 800.665.375 đồng (gồm: thu vận động sai quy định 4.830.000 đồng; thu tiền lãi ngân hàng để ngoài báo cáo quyết toán 679.831đồng, quản lý, sử dụng tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu sai 79.527.875 đồng, quản lý sử dụng tiền ốm đau thai sản sai 76.917.850 đồng, kinh phí ngân sách chi vượt quy định 13.582.648 đồng, chi sai niên độ 255.477.697 đồng, chi sai nguồn 25.324.000 đồng, thanh toán không chứng từ 7.164.200 đồng, quyết toán khống 1.176.000 đồng, quyết toán khống sử dụng chi cho các mục đích khác (chi thai sản, chi tiếp khách..) 148.961.131 đồng, quyết toán khống còn tồn tiền không có chứng từ chi 187.024.143 đồng (ông N1- thủ quỹ 54.943.148 đồng, ông T – kế toán chiếm dụng 132.080.995 đồng); vi phạm khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 11 Điều 58 Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002.

Công tác tổ chức bộ máy kế toán để xảy ra tình trạng kế toán rút tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu, ốm đau thai sản, lãi ngân hàng không bàn giao cho thủ quỹ của đơn vị vi phạm khoản 4, điều 51 Luật Kế toán 2003.

Về hành vi tham ô tài sản - Bị cáo Trần Quốc T – Nguyên Kế toán Trường tiểu học ĐA 1, xã ĐA. T được phân công làm Giáo viên và kiêm Kế toán của trường từ năm 1982 đến cuối tháng 05 năm 2016. Trách nhiệm Kế toán tham mưu cho Ban giám hiệu điều hành, quản lý thu chi tài chính đúng quy định của pháp luật. Xong trong thời gian từ năm 2011 đến cuối tháng 5/2016 T không mở sổ sách ghi chép và cập nhật các khoản thu chi không đầy đủ, không đúng quy định; định kỳ không tiến hành tự kiểm tra và thực hiện công khai tài chính theo đúng quy định; lập thủ tục rút tiền cá nhân (rút tiền tại ngân hàng không đúng nguyên tắc thu - chi tài chính, không nhập quỹ để tạo điều kiện chiếm dụng tiền trong thời gian dài rồi chiếm đoạt); lập thủ tục cho thủ quỹ rút tiền bảo hiểm của người lao động đóng không đăng nộp chiếm dụng... cụ thể chiếm đoạt tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu là 59.458.908 đồng, tiền ốm đau thai sản, dưỡng sức 54.048.596 đồng, tiền lãi ngân hàng 679.831 đồng và tiền kinh phí ngân sách cấp từ năm 2014 đến 2016 quyết toán khống 93.524.061 đồng, thanh toán không chứng từ 7.164.200 đồng, nhận tạm ứng từ Huỳnh Bá N1 không trả là 38.556.934 đồng. Tổng cộng là 253.432.530 đồng.

- Bị cáo Huỳnh Bá N1 - Nguyên Thủ quỹ Trường tiểu học ĐA 1, xã ĐA giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, N1 chịu trách nhiệm việc quản lý thu, chi tiền mặt nhưng không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình không đối chiếu sổ sách, không kiểm quỹ tiền mặt theo quy định, nhập quỹ không đầy đủ và lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của lãnh đạo đơn vị để tồn quỹ tiền mặt kéo dài nhiều năm không báo cáo với lãnh đạo đơn vị xử lý, chiếm dụng rồi chiếm đoạt số tiền là 54.943.148 đồng sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.

Về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng Bị cáo Nguyễn Văn N2 – Nguyên là Hiệu trưởng Trường Tiểu học ĐA 1. Trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2011 đến 22/7/2016 N2 giữ chức vụ Hiệu trưởng nhưng không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình trong công tác điều hành, quản lý tài chính của đơn vị: Buông lỏng sự quản lý, tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác kế toán trong đơn vị, để kế toán giữ tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu, ốm đau thai sản, lãi ngân hàng không bàn giao cho thủ quỹ, không tiến hành kiểm tra, đối chiếu sổ sách theo dõi của thủ quỹ và kế toán dẫn đến không kiểm soát được số tiền của các nguồn nên không kịp thời phát hiện tiền tồn hàng năm, tiền không nhập quỹ… Công tác điều hành, quản lý tài chính không đúng với số tiền 775.341.375 đồng, gồm: thu vận động sai quy định 4.830.000 đồng; thu tiền lãi ngân hàng để ngoài báo cáo quyết toán 679.831 đồng, quản lý, sử dụng tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu sai 79.527.875 đồng, quản lý sử dụng tiền ốm đau thai sản sai 76.917.850 đồng, kinh phí ngân sách chi vượt quy định 13.582.648 đồng, chi sai niên độ 255.477.697 đồng, thanh toán không chứng từ 7.164.200 đồng, quyết toán khống 1.176.000 đồng, quyết toán khống sử dụng chi cho các mục đích khác (chi thai sản, chi tiếp khách..) 148.961.131 đồng, quyết toán khống còn tồn tiền không có chứng từ chi 187.024.143 đồng. Từ đó, có đã làm thất thoát số tiền 308.375.678 đồng mà bị cáo T và bị cáo N1 chiếm đoạt.

Tại bản kết luận giám định số 16/KL-GĐ ngày 12/3/2020 và Kết luận giám định bổ sung số 47/KLGĐ – STC ngày 22/4/2021 của Sở tài chính tỉnh Kiên Giang kết luận:

Trần Quốc T vi phạm khoản 1 Điều 58, khoản 3, khoản 4, khoản 5 khoản 9 Điều 72 Luật ngân sách nhà nước năm 2002 và khoản 4 Điều 54 Luật Kế toán 2003 chiếm đoạt số tiền 253.432.530 đồng từ các nguồn tiền sau:

- Tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu: Tổng số tiền T chiếm đoạt là 59.458.908 đồng (tồn tiền không nhập quỹ tiền mặt 31.759.508 đồng; Mua 02 hóa đơn làm chứng từ để thanh toán 15.321.400 đồng; Mua thuốc không giao cho trường là 12.378.000 đồng).

-Tiền ốm đau thai sản: T chiếm đoạt số tiền chi thai sản, dưỡng sức 54.048.596 đồng (năm 2012: 8.159.676 đồng; năm 2013: 24.992.473 đồng; năm 2014: 20.896.447 đồng), số tiền trên T trực tiếp đến ngân hàng rút, không chi trả thai sản, dưỡng sức mà tự giữ chiếm dụng cá nhân.

- Nguồn kinh phí ngân sách cấp: Từ năm 2011 đến năm 2016 chuyển khoản qua tài khoản tiền gửi ngân hàng của đơn vị, rút tiền mặt, không nhập sổ quỹ tiền mặt: Từ năm 2014 đến 2016, T lập giấy rút dự toán tiền lương hàng tháng của giáo viên (tiền lương có bao gồm các khoản bảo hiểm của người lao động đóng) và một số khoản chi khác, chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi của trường tại ngân hàng, đồng thời quyết toán hết số tiền chuyển khoản qua ngân hàng. Tài khoản tiền gửi của trường, T và N1 đều có thể rút tiền, tuy nhiên rút tiền nhập quỹ tiền mặt không đầy đủ. Do đó từ năm 2011 đến 2016 kinh phí ngân sách cấp, rút tiền mặt, không nhập sổ quỹ tiền mặt, không chứng từ chi chiếm dụng số tiền 95.768.103 đồng, trong đó: N1 2.244.042 đồng (tiền lương), T 93.524.061 đồng (tiền lương 82.206.428 đồng, tiền lương cho người có hệ số từ 2,34 trở xuống 3.602.183 đồng, tiền lương hợp đồng 7.715.450 đồng).

- Rút tiền lãi ngân hàng: Từ năm 2011 đến 2016 T trực tiếp rút tiền lãi ngân hàng là 679.831 đồng, không bàn giao cho thủ quỹ, không nhập sổ sách theo dõi, không báo cáo quyết toán.

-Nhận tiền tạm ứng từ Huỳnh Bá N1: Tổng số tiền tạm ứng là 38.556.934 đồng, (kinh phí quyết toán khống từ năm 2011 đến 2013) không trả mà chiếm đoạt số tiền trên. Theo kết luận giám định thì tiền tạm ứng chưa trả thủ quỹ N1.

-Thanh toán không chứng từ: Năm 2014 T nhận số tiền 7.164.200 đồng từ N1, T lập 03 phiếu chi: Chi mua hàng hóa vật tư chuyên môn 1.650.000 đồng; chi tiếp khách 950.000 đồng; mua công cụ dụng cụ văn phòng 4.564.200 đồng, đã thanh toán nhưng không có chứng từ.

Đối với bị cáo Huỳnh Bá N1 - thủ quỹ không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, không đối chiếu sổ sách, không kiểm quỹ tiền mặt theo quy định, nhập quỹ không đầy đủ và lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của lãnh đạo đơn vị để tồn quỹ tiền mặt kéo dài nhiều năm không báo cáo với lãnh đạo đơn vị xử lý, tính đến ngày 31/12/2013 số tiền tồn tại quỹ là 220.496.724 đồng. Số tiền chi lương còn thừa hàng tháng thì N1 chi vào hoạt động của trường, tiếp khách, thai sản …Chi đến khi Trần Quốc T nghỉ làm Kế toán số tiền còn tồn 52.699.106 đồng, cùng với số tiền không nhập sổ quỹ tiền mặt năm 2014-2015 là 2.244.042 đồng. Tổng cộng hai khoản là 54.943.148 đồng không có chứng từ chi, N1 chiếm đoạt sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, Huỳnh Bá N1 đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình và thống nhất với các kết luận giám định của Sở Tài chính.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn N2 – nguyên Hiệu trưởng, không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình trong công tác điều hành, quản lý tài chính của đơn vị: Buông lỏng sự quản lý, tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác kế toán trong đơn vị, để kế toán giữ tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu, ốm đau thai sản, lãi ngân hàng không bàn giao cho thủ quỹ, không tiến hành kiểm tra, đối chiếu sổ sách theo dõi của thủ quỹ và kế toán dẫn đến không kiểm soát được số tiền của các nguồn nên không kịp thời phát hiện tiền tồn hàng năm, tiền không nhập quỹ… Điều hành, quản lý tài chính của đơn vị không đúng quy định số tiền 775.341.375 đồng, từ đó gây thất thoát số tiền 308.375.678 đồng mà T và N1 chiếm đoạt. Trong quá trình điều tra, Nguyễn Văn N2 đã thừa nhận hành vi nêu trên và thống nhất với các kết luận giám định của Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang.

Ngày 01/11/2021 Cơ quan điều tra – Công an huyện GQ trưng cầu giám định bổ sung việc thu chi tài chính kế toán của Trường tiểu học ĐA 1; tại bản kết luận giám định bổ sung số 99/KLGĐ-STC ngày 18/11/2021 của Sở Tài chính kết luận: Trần Quốc T vi phạm khoản 1 Điều 58, khoản 3, khoản 4, khoản 5 khoản 9 Điều 72 Luật ngân sách nhà nước năm 2002 và khoản 4 Điều 54 Luật Kế toán 2003, các khoản tiền sai phạm là 235.298.925 đồng, qua kết luận đã điều chỉnh giảm 18.133.605 đồng, là số tiền bị cáo Trần Quốc T rút tiền mặt tại ngân hàng không nhập quỹ tiền mặt (năm 2011, 2014, 2016) đã xác định trong Kết luận giám định bổ sung số 47/KL-GĐ ngày 22/4/2021 của Sở Tài chính, cụ thể: Năm 2011 giảm 4.930.605 đồng tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu; năm 2014 giảm 1.779.236 đồng tiền kinh phí ngân sách; năm 2016 giảm 11.423.764 đồng (gồm các nguồn kinh phí:

ngân sách 11.317.633 đồng, lãi ngân hàng 106.131 đồng).

Tại Bản án sơ thẩm số: 32/2021/HSST ngày 22/11/2021 Tòa án nhân dân huyện GQ, tỉnh Kiên Giang:

Tuyên bố các bị cáo Trần Quốc T, Huỳnh Bá N1 phạm tội “Tham ô tài sản”.

Bị cáo Nguyễn Văn N2 phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

+ Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 353, điểm b, v khoản 1 Điều 51, Điều 54, Điều 38 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Trần Quốc T 03 (ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày vào chấp hành án.

+ Áp dụng khoản 1 Điều 353, điểm b, s, v khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Huỳnh Bá N1 02 (hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 04 (bốn) năm, tính từ ngày tuyên án là ngày 22/11/2021.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã ĐA, huyện GQ, tỉnh Kiên Giang giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

+ Áp dụng điểm d khoản 1, khoản 4 Điều 360, điểm s, v khoản 1, 2 Điều 51, Điều 36 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn N2 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được bản án và quyết định thi hành án.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã ĐA, huyện GQ, tỉnh Kiên Giang giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành án.

Buộc bị cáo N2 phải nộp khấu trừ một phần thu nhập là 5% để sung quỹ nhà nước.

2. Về hình phạt bổ sung: Cấm bị cáo Nguyễn Văn N2 đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trong thời hạn 05 (năm) năm; Không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với bị cáo T và bị cáo N1.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về biện pháp tư pháp, án phí và báo quyền kháng cáo theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 02/12/2021, bị cáo Trần Quốc T có đơn kháng cáo với nội dung yêu cầu hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với phần xét xử bị cáo T, hoàn trả lại cho bị cáo số tiền 300.000.000đ đã nộp vào tài khoản thanh tra huyện GQ với lý do: Có sai lầm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, thu thập và đánh giá chứng cứ; Trưng cầu giám định và trình tự thủ tục giám định không tuân thủ quy định của pháp luật; Kết luận giám định không đảm bảo tính chính xác, toàn diện và đầy đủ; Không đủ căn cứ kết tội bị cáo.

- Tại phiên tòa, bị cáo Trần Quốc T giữ nguyên nội dung kháng cáo và cung cấp thêm các tài liệu chứng cứ mới là chứng từ gốc thể hiện các khoản chi từ năm 2011-2016 bị cáo mới nhờ các thầy cô trong trường tìm được. Bị cáo cho rằng đây là chứng từ gốc chứng minh cho số tiền mà Kết luận giám định bị cáo không có chứng từ thanh toán. Do khi nghỉ việc năm 2016, bị cáo bàn giao lại, trường quản lý như thế nào bị cáo không biết, khi thanh tra về bị cáo không được chứng kiến việc mở niêm phong bàn giao cho Thanh tra nên từ đó dẫn đến thực tế là chứng từ chi để ở nhiều nơi, có chứng từ tìm được ở nhà thủ quỹ, ở các phòng làm việc, ở khu vực kho giấy bỏ của trường…Bị cáo không có chuyên môn kế toán nên trong thu, chi có làm sai quy định, hơn nữa nghĩ rằng đã quyết toán xong nên không bảo quản chứng từ, sổ sách đến khi thanh tra tìm được bao nhiêu chứng từ thì nộp, dẫn đến giám định các khoản thu chi bị thiếu chứng từ chứng minh. Phần này có lỗi của bị cáo, của trường và của cả Thanh tra, điều tra. Nhưng bị cáo không có chiếm dụng bất cứ khoản tiền nào của trường để chi xài cho cá nhân bị cáo, sau thanh tra các cơ quan động viên bị cáo nhận sai rồi nộp tiền khắc phục là xong nên bị cáo nhận và nộp tiền, bị cáo không biết sẽ bị xử tội tham ô. Bị cáo bị oan nên mong HĐXX làm rõ cho bị cáo.

- Bị cáo Nguyễn Văn N2 không kháng cáo bản án và trình bày ý kiến, bị cáo bị xét xử do việc buông lỏng trong công tác quản lý để xảy ra việc bị cáo T và bị cáo N1 chiếm đoạt tài sản của đơn vị nên hành vi phạm tội của bị cáo T có ảnh hưởng trực tiếp đến kết tội bị cáo.

- Bị cáo Huỳnh Bá N1 không kháng cáo bản án và trình bày, đúng như bị cáo T khai, thời điểm đó do không biết nên kế toán, thủ quỹ đều có giữ tiền để chi, bản thân bị cáo cũng không chiếm dụng tiền của Trường, các khoản thu, chi đều thể hiện sổ quỹ, chứng từ chi bị cáo cất ở nhà nên khi bị Thanh tra bị cáo nộp được. Số tiền bị cáo chi nhưng phiếu không phải là hóa đơn đỏ của các cơ sở kinh doanh, quán đã nghỉ bán, chủ quán chết, bỏ đi không tìm được, cơ quan điều tra không xác minh được là bị cáo có chi hay không. Từ đó cho rằng số tiền quỹ còn tồn lại là tiền bị cáo chiếm dụng từ năm 2011-2016 là 54.943.148 đồng, thực tế bị cáo không chiếm dụng tiền này. Hiện nay bị cáo bệnh nặng, tòa cũng xử án treo nên bị cáo chấp nhận không ý kiến gì phần của mình, mong xem xét lại cho thầy T.

- Ý kiến của Tổ giám định tài chính tại phiên tòa: Về các Kết luận giám định tài chính được tiến hành trên cơ sở trưng cầu và tài liệu từ cơ quan điều tra Công an huyện GQ theo đúng trình tự, thủ tục. Đối với phần kết luận liên quan đến ông Trần Quốc T, được kết luận dựa trên cơ sở chứng từ do đơn vị trưng cầu cung cấp. Giám định lần đầu có kết luận ông T chiếm dụng các khoảng bằng 286.566.810 đồng nhưng do sau đó có việc bổ sung chứng từ, qua kết quả xác minh mà tổ giám định yêu cầu dẫn đến giám định bổ sung lần 1 và lần 2 có sự thay đổi, cụ thể:

Số tiền thất thoát giảm xuống, nội dung phần kết luận cũng có sự thay đổi là không kết luận ông T chiếm dụng mà kết luận sai phạm của ông Trần Quốc T gồm các khoản chi không có chứng từ, mua chứng từ thanh toán, tạm ứng chưa thanh toán… Tại phiên tòa, tổ giám định khẳng định kết luận sai phạm của ông T là các khoản chi không đúng nguyên tắc tài chính kế toán, vi phạm Luật ngân sách Nhà nước còn ông T có chiếm dụng cá nhân hay không tổ giám định không kết luận, phần này thuộc lĩnh vực của các cơ quan tố tụng, tổ giám định không có ý kiến.

- Quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Quốc T: Về tội danh, bản án xét xử bị cáo Trần Quốc T về tội “Tham ô” là không có cơ sở. Thời điểm thanh tra bị cáo T không còn công tác ở trường; thủ tục quyết toán hàng năm giai đoạn 2011-2016 đã được chấp nhận; có biên bản bàn giao chứng từ khi bị cáo nghỉ việc nhưng khi đoàn Thanh tra về thì bị cáo không được chứng kiến việc mở niêm phong, thu giữ chứng từ như thế nào mà sau thanh tra tìm được thêm nhiều chứng từ ở nhiều nơi từ đó giám định bổ sung thay đổi nhiều lần; bị cáo khẳng định không chiếm dụng nhưng do là giáo viên được phân công kiêm nhiệm thêm công tác kế toán, không có nghiệp vụ kế toán dẫn đến thu, chi sai quy định. Nếu cho rằng có thất thoát ngân sách Nhà nước thì bị cáo đồng ý chịu trách nhiệm nộp hoàn trả những khoản thất thoát. Bị cáo không chiếm dụng cá nhân nên không phạm tội tham ô như bản án sơ thẩm. Đề nghị hủy án và đình chỉ xét xử đối với bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm và tranh luận: Về hành vi phạm tội của các bị cáo bị cấp sơ thẩm xét xử về tội “Tham ô tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là có cơ sở. Đối với kháng cáo của bị cáo Trần Quốc T cho rằng cấp sơ thẩm có sai lầm trong quá trình thu thập chứng cứ, không có căn cứ kết tội bị cáo, thấy rằng:

- Việc thu giữ tài liệu, chứng từ tài chính kế toán tại giai đoạn điều tra của cấp sơ thẩm chưa đúng quy định, các bị cáo đều cho rằng không được chứng kiến việc thu giữ, niêm phong chứng từ như thế nào, chứng từ kế toán thu giữ nhiều lần, do nhiều người nộp…;

- Cấp sơ thẩm chưa điều tra, đối chất làm rõ các khoản tiền thất thoát ngân sách Nhà nước phần nào là chi sai quy định tài chính kế toán, phần nào là chiếm dụng cá nhân để kết luận bị cáo tham ô;

- Tại giai đoạn phúc thẩm bị cáo cung cấp thêm một số tài liệu chứng từ gốc thể hiện việc thu, chi tài chính giai đoạn 2011-2016 do một số cán bộ của trường lưu giữ có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi phạm tội cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo.

Từ những căn cứ trên, có cơ sở xác định việc điều tra của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, có phát sinh thêm tình tiết mới làm ảnh hưởng đến việc xác định trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Trần Quốc T, cũng như có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Văn N2 nên để đảm bảo giải quyết khách quan, toàn diện vụ án, đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo T. Áp dụng Điều 345, điểm c khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự, hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Trần Quốc T và Nguyễn Văn N2 để tiến hành điều tra xét xử lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo:

Xét đơn kháng cáo của bị cáo về nội dung, quyền kháng cáo, thủ tục kháng cáo và thời hạn kháng cáo đã đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét giải quyết đơn kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về quyết định của bản án sơ thẩm:

[2.1] Cho rằng các bị cáo Trần Quốc T, Huỳnh Bá N1 là kế toán, thủ quỹ của Trường Tiểu học ĐA 1 trong giai đoạn 2011-2016 đã không thực hiện đúng quy định tài chính kế toán trong việc thu, chi như: không thể hiện đầy đủ các khoản thu, chi trên sổ quỹ, không đối chiếu sổ sách, kế toán, thủ quỹ đều giữ tiền chi, không có chứng từ chi…. Đến thời điểm bị cáo T nghỉ, số tiền thủ quỹ Huỳnh Văn N1 giữ không nhập quỹ tiền mặt và không chứng minh được các khoản chi là 54.943.148đ nên cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 353 Bộ luật hình sự.

[2.2] Bị cáo Trần Quốc T, là kế toán nhưng tự rút kinh phí giữ và chi xuất sai quy định dẫn đến kết luận giám định tài chính kết luận các khoản: Không chứng từ chi tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu, ốm đau thai sản, lãi ngân hàng, quyết toán không chứng từ, thanh toán không chứng từ 169.042.591đ, tạm ứng từ thủ quỹ 38.556.934đ, mua hóa đơn thanh toán 15.321.400đ, mua thuốc không giao cho trường 12.378.000đ. Tổng cộng các khoản sai phạm là 235.298.925đ, bản án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại khoản 2 Điều 353 Bộ luật hình sự.

[2.3] Bị cáo Nguyễn Văn N2 với vai trò là hiệu trưởng Trường, buông lỏng sự quản lý, tổ chức, chỉ đạo, điều hành thu, chi tài chính không đúng quy định, để xảy ra tình trạng vi phạm trong đơn vị gây thất thoát lãng phí số tiền 209.242.073đ (số tiền bị cáo T, N1 chiếm dụng) từ đó bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 360 Bộ luật hình sự.

[3] Xét quyết định của bản án sơ thẩm cũng như yêu cầu kháng cáo của bị cáo Trần Quốc T, HĐXX thấy rằng:

[3.1] Đối với bị cáo Huỳnh Bá N1, bản án xét xử về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 353 Bộ luật hình sự là có cơ sở, bị cáo không có kháng cáo nên phần quyết định liên quan đến bị cáo đã có hiệu lực pháp luật, HĐXX không xem xét.

[3.2] Đối với bị cáo Trần Quốc T, kháng cáo kêu oan và có cung cấp thêm một số chứng từ gốc thể hiện các khoản chi từ năm 2011-2016 do bị cáo chi cho hoạt động của trường, không phải chiếm dụng cá nhân như quy kết của bản án. Xét thấy, đây là tình tiết mới cần thiết phải được điều tra, trưng cầu giám định tài chính làm rõ. Do việc chứng minh số tiền bị cáo chiếm dụng là căn cứ để xác định hành vi phạm tội của bị cáo mà không thể thực hiện được tại giai đoạn phúc thẩm nên như đề nghị của Viện kiểm sát, cần phải hủy bản án phần bị cáo Trần Quốc T để tiến hành điều tra lại theo quy định là có căn cứ. Bản án bị hủy nên không xem xét kháng cáo kêu oan của bị cáo.

[3.3] Bị cáo Nguyễn Văn N2 bị xét xử về hành vi thiếu trách nhiệm trong điều hành, quản lý thu chi tài chính của trường gây thiệt hại 209.242.073 đồng (bị cáo N1 chiếm dụng 54.943.148đ + bị cáo T chiếm dụng 235.298.925đ) theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 360 BLHS. Mặc dù bị cáo N2 không kháng cáo nhưng xét việc điều tra lại bản án đối với bị cáo T sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi phạm tội của bị cáo N2, nên cần thiết phải hủy cả phần bản án đã xét xử bị cáo Nguyễn Văn N2 để tiến hành điều tra lại đảm bảo đúng quy định pháp luật.

[4] Về quan điểm của đại diện Viện kiểm sát: Đề nghị hủy bản án đối với Trần Quốc T và Nguyễn Văn N2 để giao hồ sơ về cho Viện kiểm sát nhân dân huyện GQ điều tra lại là có căn cứ, HĐXX chấp nhận.

[5] Về quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Quốc T: Đề nghị hủy án là có cơ sở. Tuy nhiên việc đề nghị đình chỉ xét xử do bị cáo không có tội là không phù hợp, việc chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo sẽ được xem xét giải quyết tại giai đoạn sơ thẩm khi vụ án được điều tra lại theo quy định.

[6] Về án phí: Căn cứ Điều 135, Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Bản án bị hủy nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các Quyết định còn lại của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ Điều 345, điểm c khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ Luật Tố tụng hình sự.

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Trần Quốc T.

Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 32/2021/HS-ST, ngày 22 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện GQ, tỉnh Kiên Giang đối với bị cáo Trần Quốc T và bị cáo Nguyễn Văn N2.

Giao hồ sơ vụ án về cho Viện Kiểm sát nhân dân huyện GQ, tỉnh Kiên Giang tiến hành điều tra lại theo thủ tục chung.

2. Về án phí hình sự phúc thẩm: Áp dụng Điều 135, Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí lệ phí Tòa án.

Bị cáo Trần Quốc T không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm số: 32/2021/HS-ST ngày 22/11/2021 của Tòa án nhân dân huyện GQ, tỉnh Kiên Giang không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

28
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tham ô tài sản số 54/2023/HS-PT

Số hiệu:54/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/04/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về