TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CM
BẢN ÁN 53/2021/HS-ST NGÀY 26/11/2021 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN
Ngày 26 tháng 11 năm 2021, tại trụ sở, Toà án nhân dân tỉnh CM xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 41/2021/TLST-HS ngày 02 tháng 7 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 31/2021/QĐXXST-HS ngày 04 tháng 8 năm 2021 đối với các bị cáo:
1. Họ và tên: Lê Minh A, sinh năm 1964 tại huyện T, tỉnh CM;
Nơi cư trú: huyện T, tỉnh CM; Nghề nghiệp: Nguyên Trưởng phòng khám; Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị khai trừ đảng ngày 09/7/2021; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lê Quang V (đã chết) và bà Nguyễn Thị C; Vợ: Trần Thị Kim O và có 01 con; Tiền án, tiền sự: Không; Bị bắt tạm giam ngày 19/02/2016 đến ngày 01/6/2016 thay thế biện pháp ngăn chặn cho gia đình bảo lĩnh cho đến nay; ngày 29/3/2021 bị bắt tạm giam cho đến nay; Bị cáo có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo A:
- Ông Ngô Đình C, Luật sư – Văn phòng luật sư Ngô Đình C thuộc Đoàn luật sư tỉnh CM; ông Chiến có mặt.
2. Họ và tên: Trần Đồng T, sinh năm 1981 tại huyện T, tỉnh CM;
Nơi cư trú: huyện T, tỉnh CM; Nghề nghiệp: Nguyên Kế toán phòng khám; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Trần Văn H và bà Lữ Kim N; Vợ: Nguyễn Bích T và có 02 con; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo không bị bắt tạm giữ, tạm giam; Bị cáo có mặt.
- Bị hại: Phòng khám đa khoa Người đại diện hợp pháp của bị hại: Ông Lê Vũ H – Phó Trưởng phòng khám là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 06/5/2021); Có mặt
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
1. Ông Lê Minh H, sinh năm 1970; Có mặt.
2. Ông Nguyễn Văn B, sinh năm 1982; Vắng mặt.
Cùng nơi cư trú: huyện T, tỉnh CM.
3. Ông Lê Chí N, sinh năm 1987; Có mặt.
Nơi cư trú: Ấp Hiệp Thành, xã VT, huyện PT, tỉnh CM.
4. Bà Trịnh Mỹ L, sinh năm 1989; Có mặt.
Nơi cư trú: Ấp Phòng Hộ, xã Đất Mới, huyện NC, tỉnh CM.
5. Bà Phạm Thu Th, sinh năm 1991; Có mặt.
Nơi cư trú: Ấp Kinh HB, xã KBT, huyện T, tỉnh CM.
6. Bà Trần Thị Kim O, sinh năm 1964; Vắng mặt.
Nơi cư trú: Số 245B, Võ Văn Tần, Khóm 6, Phường 1, thành phố CM, tỉnh CM.
7. Ông Trần Văn V, sinh năm 1967; Có mặt tại lúc xét xử nhưng vắng mặt lúc tuyên án không rõ lý do.
Nơi cư trú: Khóm 7, thị trấn T, huyện T, tỉnh CM.
8. Trung tâm y tế huyện, tỉnh CM;
Người đại diện hợp pháp của Trung tâm y tế: Ông Nguyễn Văn Th – Phó Giám đốc là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 06/5/2021); Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Phòng khám Đa khoa khu vực (viết tắt Phòng khám) là đơn vị trực thuộc Trung tâm y tế huyện T (viết tắt là Trung tâm y tế) là đơn vị sự nghiệp có thu. Quy mô của Phòng khám gồm 18 gường bệnh; đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên gồm 20 người. Bộ phận thủ quỹ, kế toán của Phòng khám từ năm 2011 - 2014 gồm:
Lê Minh A, Trưởng phòng khám – Chủ tài khoản; Trần Đồng T, Kế toán từ năm 2010;
Nguyễn Văn B, Thủ quỹ từ ngày 01/01/2011 – 30/3/2011; Lê Minh H, Thủ quỹ từ ngày 01/4/2011 – 31/5/2012;
Lê Chí N, Thủ quỹ từ ngày 01/6/2012 – 30/4/2013;
Trịnh Mỹ L, Thủ quỹ từ ngày 01/5/2013 – 30/7/2014; Phạm Thu Th, Thủ quỹ từ ngày 01/8/2014 – 31/12/2014.
* Các nguồn thu của Phòng khám:
+ Nguồn thu ngân sách cấp theo dự toán và kế hoạch hàng năm (Tiền lương, phụ cấp, tiền công, kinh phí hoạt động, lương y tế ấp, tiền trực, tiền thực hiện các chương trình như: Tiêm chủng, chương trình sốt xuất huyết, Viêm não nhật bản, chương trình uống VitaminA…tiền khen thưởng, tiền thu hút…) + Nguồn thu sự nghiệp (Thu phí, lệ phí, viện phí, …) + Nguồn biếu tặng tài trợ (nếu có) + Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ (dịch vụ tiêm ngừa và dịch vụ khác như kinh doanh dược, sổ bảo hiểm y tế….) + Nguồn thu từ Trung tâm dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
+ Nguồn thu từ Trung tâm y tế huyện T.
Hàng năm, Trung tâm y tế họp tất cả các Phòng khám đa khoa, Trạm y tế xã trong huyện xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ chung thống nhất thực hiện. Ngoài việc chi theo quy định hiện hành thì tất cả đều được định mức chi. Theo quy chế chi tiêu nội bộ các năm 2011 – 2014 thì sau khi chi các hoạt động từ nguồn ngân sách và nguồn sự nghiệp được đảm bảo trong năm mà số thu lớn hơn số chi thì kinh phí thừa được lập các quỹ: Quỹ phúc lợi 10%; Quỹ khen thưởng 10%; Quỹ tăng thu nhập cho người lao động 80%.
Trong thực hiện thu chi tài chính của Phòng khám, bị cáo A và bị cáo T không thực hiện đúng quy định mà đã thiết lập 2 hệ thống sổ kế toán:
- Sổ đối với chứng từ thu chi dùng để thanh quyết toán với Trung tâm y tế bằng với số tiền mà Phòng khám đã tạm ứng theo từng tháng (chứng từ này không phản ánh đúng việc thu – chi thực tế tại Phòng khám), cụ thể như: Tiền kinh phí hoạt động hàng tháng T tập hợp những chứng từ chi tại Phòng khám nếu thiếu thì T tìm chứng từ (chứng từ khống, những chứng từ này thường là chứng từ mua sắm hoặc công tác phí vv…) bổ sung vào cho đủ bằng với số tiền mà Phòng khám tạm ứng từ Trung tâm y tế để quyết toán với Trung tâm y tế.
- Sổ do các thủ quỹ ghi chép phản ánh số thu chi đúng với thực tế xảy ra tại Phòng khám, hàng tháng có đối chiếu và có chữ ký của chủ tài khoản (bị cáo A), chữ ký của kế toán (bị cáo T) và chữ ký của thủ quỹ.
* Sổ sách, chứng từ kế toán, biên bản bàn giao thủ quỹ tình hình thu chi tổng các nguồn của Phòng khám từ năm 2011 – 2014:
Tồn quỹ năm 2010 chuyển sang: 19.127.032 đồng (viết tắt 19.127.032đ).
Năm 2011: Thu 887.411.714đ, chi 900.243.532đ Năm 2012: Thu 995.431.935đ, chi 962.863.431đ Năm 2013: Thu 1.107.560.348đ, chi 1.108.384.716đ Năm 2014: Thu 1.136.619.214đ, chi 980.091.355đ Tồn quỹ cuối năm 2014: 194.567.209đ.
Biên bản xác định tồn quỹ cuối năm 2014 do Cơ quan CSĐT lập giữa Lê Minh A, Trần Đồng T và thủ quỹ Phạm Thu Th thì tồn quỹ tiền mặt 160.551.859đ, chênh lệch 34.015.350đ (194.567.209đ - 160.551.859đ). Nguyên nhân do thủ quỹ Nguyễn Văn B thôi làm thủ quỹ chưa bàn giao 30.500đ và thủ quỹ Lê Minh H thôi làm thũ quỹ chưa bàn giao 33.984.081đ; còn lại 769đ chênh lệch chưa đối chiếu, điều chỉnh giữa kế toán và thủ quỹ trong quá trình thực hiện nghiệp vụ.
* Kết luận giám định ngày 26/02/2021 về thu chi tài chính Phòng khám từ năm 2011-2014 xác định:
Tồn quỹ năm 2010 chuyển sang: 19.127.032đ;
Năm 2011: Thu 930.961.714đ, Chi 430.588.617đ, Tồn quỹ 519.500.129đ. Năm 2012: Thu 1.018.298822đ, Chi 516.574451, Tồn quỹ 501.724.371đ. Năm 2013: Thu 1.130.700348đ, Chi 900.733.074đ, Tồn quỹ 229.967.274đ. Năm 2014: Thu 1.153.439.214đ, Chi 707.648.306đ, Tồn quỹ 445.790.908đ.
Tồn quỹ từ năm 2011 – 2014 là 1.696.982.682đ (519.500.129đ + 501.724.371đ + 229.967.274đ + 445.790.908đ) nhưng Sổ sách, chứng từ kế toán, biên bản bàn giao quỹ cuối năm 2014 chỉ có 194.567.209đ, chênh lệch chi sai quy định 1.502.415.473đ. Cụ thể: Năm 2011, A không nhập quỹ 43.5550.000đ, Duyệt chi tiếp khách không chứng từ 115.275.000đ; Năm 2012, T không nhập quỹ 22.866.887đ, Duyệt chi tiếp khách không chứng từ 68.106.000đ, Duyệt chi trả tiền mua thuốc không hóa đơn 378.182.980đ; Năm 2013, A không nhập quỹ 4.995.000đ, T không nhập quỹ 18.145.000đ, Duyệt chi tiếp khách không hóa đơn 20.393.000đ, Duyệt chi trả tiền mua thuốc không hóa đơn 187.258.642đ; Năm 2014, A không nhập quỹ 3.360.000đ, T không nhập quỹ 13.460.000đ, Chi tiếp khách không hóa đơn 17.889.000đ, Duyệt chi trả tiền mua thuốc không hóa đơn 254.554.049đ. Nội dung chi sai phạm từng cá nhân, cụ thể:
- Nhận tiền kinh phí nhưng không đăng, nộp.
Đối với Lê Minh A.
Nhận từ Trung tâm y tế nhưng không nộp quỹ Phòng khám: Năm 2011, nhận nhưng không nộp 43.550.000đ; Năm 2013, nhận nhưng không nộp 4.995.000đ; Năm 2014, nhận nhưng không nộp 3.360.000đ.
Nhận 15.468.000đ tiền trích 35% viện phí của tháng 8,10,11,12 năm 2013 và tháng 1 năm 2014 của quỹ Phòng khám nhưng không nộp về Trung tâm y tế.
Tổng số tiền kinh phí nhận nhưng không đăng nộp theo quy định là 67.373.000đ; A đã vi phạm khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng chống tham nhũng.
Đối với Trần Đồng T.
Nhận từ Trung tâm y tế nhưng không nộp quỹ Phòng khám: Năm 2012, nhận nhưng không nộp 22.866.887đ; Năm 2013, nhận nhưng không nộp 18.145.000đ; Năm 2014, nhận nhưng không nộp 13.460.000đ.
Tổng số tiền kinh phí nhận nhưng không đăng nộp theo quy định là 54.471.887đ; T đã vi phạm khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng chống tham nhũng.
- Chi tiền mua thuốc cho Phòng khám.
Tổng số tiền chi mua thuốc từ năm 2011 – 2014 là 1.693.166.126đ, trong đó A là chủ tài khoản, T là kế toán đã duyệt chi mua thuốc không chứng từ chứng minh 1.152.117.586đ, vi phạm Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm y tế quy định chi mua hàng hóa vật tư chuyên môn thanh toán theo hóa đơn thực tế và bảng dự trù của các khoa, phòng; vi phạm quy định tại khoản 4, 5 Điều 52 - Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003.
Trong tổng số tiền chi mua thuốc 1.693.166.126đ nhưng hồ sơ nhập thuốc các loại vào Phòng khám chỉ có 1.061.149.964đ và Phòng khám có mua hóa chất để sử dụng 24.174.000đ; đối trừ chênh lệch 607.842.162đ. Như vậy, chênh lệch giữa số chi và nhập kho thuốc, hóa chất là số tiền thiệt hại tài chính của Phòng khám. Lê Minh A phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 31 - Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ; Trần Đồng T phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 50 – Luật kế toán 2003.
- Chi tiếp khách: Từ năm 2011 – 2014, Lê Minh A với vai trò chủ tài khoản, Trần Đồng T với vai trò kế toán đã ký chi, duyệt chi tiếp khách không hóa đơn (chứng từ) chứng minh là 221.663.000đ, vi phạm quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm y tế quy định chi tiếp khách thanh toán theo hóa đơn, biên nhận hoặc bảng kê mua hàng; vi phạm quy định tại khoản 4, 5 Điều 52 - Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 và khoản 3 Điều 50 – Luật kế toán 2003.
* Hành vi vi phạm của các bị cáo như sau:
- Đối với Lê Minh A.
Nhận tiền nhưng không nhập quỹ, không đăng nộp:
Nhận kinh phí hoạt động tháng 2, 3/2011 từ Trung tâm y tế 22.000.000đ (phiếu chi 00118 ngày 24/02/2011, phiếu chi 00139 ngày 04/3/2011) nhưng không nhập quỹ. Đối chiếu sổ quỹ tiền mặt không có và Thủ quỹ Nguyễn Văn B không thừa nhận có nhận kinh phí tháng 2, 3/2011 từ A.
Nhận lương y tế khóm ấp tháng 3/2011 số tiền 7.300.000đ nhưng không nhập quỹ (BL676, 14041).
Nhận lương cộng tác viên dân số quý IV/2011 từ Trung tâm dân số KHHGĐ số tiền 14.250.000đ (phiếu chi 227 ngày 26/12/2011) nhưng không nhập quỹ (BL 874).
Nhận tiền trực đêm 05 tháng (tháng 1, 6, 11/2013 và tháng 1, 2/2014) 8.355.000đ nhưng không nhập quỹ (BL 885, 915, 945, 957).
Nhận 15.468.000đ tiền trích từ 35% nguồn thu viện phí và dịch vụ y tế (tháng 8, 10, 11, 12/2013 và tháng 01/2014) từ thủ quỹ Trịnh Mỹ L để nộp về Trung tâm y tế nhưng không nộp (BL 881 - 882, 1684, 1784, 1905, 1858, 1958, 15725).
Tổng số tiền Lê Minh A nhận nhưng không đăng, nộp là 67.373.000đ.
Chi tiền mua thuốc quầy dược của Phòng khám:
Phòng khám có một quầy kinh doanh dược, việc mua thuốc cho quầy dược được tạm ứng tiền từ quỹ Phòng khám hoặc mua thiếu tại các cửa hàng dược trong và ngoài tỉnh. Tiền bán thuốc sẽ đăng nhập vào quỹ Phòng khám 5 ngày 1 lần. Số tiền bán thuốc được sử dụng vào việc hoàn trả lại tiền tạm ứng mua thuốc, trả nợ tiền thuốc, chia phần trăm (%) cho người đứng bán thuốc, phần còn lại chia tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên của Phòng khám. Việc mua thuốc người đứng bán làm dự trù loại thuốc cần mua, số lượng sau đó A duyệt mới được mua. Việc mua thuốc do A tự liên hệ và là người trực tiếp mua thuốc; A tự ứng tiền từ quầy dược hoặc tại thủ qũy Phòng khám và tự mình trả tiền mua thuốc. Người đứng quấy dược cũng có mua thuốc nhưng rất ít, chỉ mua đột xuất với số lượng nhỏ vài triệu đồng nhưng trả tiền mặt và khi mua phải được sự đồng ý của bị cáo A và thường là mua tại quày thuốc bà Trần Thị Kim O (vợ bị cáo A).
Việc quản lý quỹ Phòng khám các thủ quỹ không phân định từng nguồn quỹ cụ thể mà nhập chung một nguồn là quỹ Phòng khám. Khi xuất chi thì chi theo đề xuất, chứng từ chi, ý kiến chỉ đạo mà không phân định chi từ nguồn quỹ nào.
Việc ứng tiền mua thuốc, trả nợ tiền thuốc A không yêu cầu kế toán làm chứng từ tạm ứng mà ứng bằng miệng hoặc cấn trừ ngang tiền kinh phí A nhận về hoặc yêu cầu kế toán ra phiếu chi tiền trả tiền mua thuốc. Sau đó A chỉ đạo cho các thủ quỹ làm bảng đề nghị thanh toán đúng bằng với số tiền A ứng tại quỹ (khi thanh toán A không đưa hóa đơn hay phiếu xuất kho cho họ). A yêu cầu kế toán của Phòng khám ra phiếu chi tiền mua thuốc nhưng khi kế toán ra phiếu chi thì A không ký vào vị trí người nhận tiền mà yêu cầu các thủ quỹ ký. Khi yêu cầu các thủ quỹ ký Ẩn nói với họ rằng: A là Thủ trưởng Phòng khám nên không được ký vào vị trí người nhận tiền. Cụ thể việc chi thanh toán đối với từng năm như sau:
Năm 2011, chi mua thuốc 454.455.000đ nhưng quầy dược chỉ nhập thuốc 310.503.032đ, chênh lệch 143.951.968đ.
Năm 2012, chi mua thuốc 413.577.000đ nhưng quầy dược chỉ nhập thuốc 272.536.830đ, chênh lệch 141.040.170đ.
Năm 201đ, chi mua thuốc 465.838.380đ nhưng quầy dược chỉ nhập thuốc 252.001.241đ, chênh lệch 213.837.139đ.
Năm 2014, chi mua thuốc 359.295.746đ nhưng quầy dược chỉ nhập thuốc 226.108.861đ, chênh lệch 133.186.885đ.
Trong 4 năm (2011-2014) Ẩn trực tiếp mua thuốc, duyệt chi, nhận tiền để chi mua thuốc cho Phòng khám là 1.693.166.126đ nhưng lượng thuốc nhập tính ra tiền chỉ có 1.061.149.964đ, đối trừ chênh lệch 632.016.162đ. Tuy nhiên, Phòng khám có mua hóa chất 24.174.000đ, đối trừ còn lại số tiền chi mua thuốc A duyệt chi và đã nhận nhưng không có chứng từ chứng minh là 607.842.162đ nên A phải chịu trách nhiệm số tiền này (BL 4682 - 4720).
- Đối với Trần Đồng T.
Cuối năm 2012, A chỉ đạo T tìm chứng từ thanh toán bổ sung kinh phí năm 2012, T lập chứng từ chi mua văn phòng phẩm, mua vật rẻ tiền mau hỏng, dụng cụ điện…tổng số tiền 15.906.887đ (BL14373-14409). Trung tâm y tế cấp bổ sung kinh phí năm 2012 là 22.606.887đ. Trong đó: Nhận bằng hiện vật (nồi hấp và dây đo điện tim) 6.700.000đ và nhận tiền mặt là 15.906.887đ. T nhận 15.906.887đ nhưng không nhập quỹ Phòng khám. T khai, A cho T 5.000.000đ còn đưa A 10.906.887đ nhưng A không thừa nhận nên T phải chịu trách nhiệm 15.906.887đ.
T nhận lương cộng tác viên dân số quý I, II/2012 tại Trung tâm dân số KHHGĐ số tiền 28.200.000đ (phiếu chi ngày 26/7/2012) nhưng chỉ cấp cho cộng tác viên 24.600.000đ, còn lại 3.600.000đ. T khai, A chỉ đạo không nhập quỹ và A lấy 2.000.000đ, cho T 1.600.000đ nhưng A không thừa nhận nên T phải chịu trách nhiệm 3.600.000đ.
T nhận 12.075.000đ tiền lương y tế ấp tháng 5/2012 do Trung Tâm y tế cấp nhưng nhập quỹ 8.715.000đ (phiếu thu số 17 ngày 17/5/2012) còn lại 3.360.000đ không nhập quỹ; T nhận 3.000.000đ tiền truy lãnh lương y tế ấp quý III/2013 tại Trung Tâm y tế nhưng không nhập quỹ; Tổng 02 khoản là 6.360.000đ. T khai, A chỉ đạo chuyển vào tài khoản ATM cho Đặng Ngọc H 1.000.000đ và Lương Kim Th 3.500.000đ (BL 2949-2951), còn lại 1.860.000đ A cho T. A thừa nhận có nhờ T chuyển tiền như T khai nhưng tiền do A đưa. Song, A không có chứng cứ chứng minh có đưa tiền cho T nên A phải chịu trách nhiệm số tiền 4.500.000đ, T chịu trách nhiệm 1.860.000đ.
T nhận 28.605.000đ tiền trực của 17 tháng (tháng 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 12/2013 và từ tháng 3 đến tháng 10/2014), nhận hàng tháng ở Trung Tâm y tế huyện. Số tiền trên A và T khai đã cho Trần Văn V là kế toán Trung tâm y tế 17.000.000đ để V tạo điều kiện cho Phòng khám thanh quyết toán dễ dàng (mỗi tháng cho 1.000.000đ); còn lại 11.605.000đ T không nhập quỹ. Trần Văn V không thừa nhận có nhận 17.000.000đ nên A và T mỗi người phải chịu trách nhiệm ½ số tiền; Do đó, trong tổng số tiền 28.605.000đ thì A phải chịu trách nhiệm 8.500.000đ, T phải chịu trách nhiệm 20.105.000đ.
- Lê Minh A và Trần Đồng T duyệt chi tiền tiếp khách.
Từ năm 2011 – 2014, A và T với vai trò chủ tài khoản và kế toán đã lập và ký duyệt chi tiếp khách không hóa đơn (chứng từ) chứng minh là 221.663.000đ. Song, số tiền trên thực tế có chi, người nhận tiền từ các khoản chi tiếp khách từ năm 2011 -2014 như sau: Nguyễn Văn B 21.878.000đ; Lê Chí N 54.984.000đ; Mai Thanh Th 18.033.000đ; Lê Minh H 77.373.000đ; Trịnh Mỹ L 23.971.000đ; Huỳnh Ánh H 420.000đ; Trần Thanh Hu 3.039.000đ; Nguyễn Hồng D 126.000đ; Trương Thảo Nh 558.000đ; Phan Kim M 300.000đ; Trương Huỳnh Minh Ti 16.910.000đ;
Lê Vũ Hạ 3.042.000đ; Vũ Văn Na 480.000đ; Phạm Thu Th 267.000đ; Vưu Quốc S 282.000đ.
Tổng số tiền Lê Minh A chịu trách nhiệm 688.215.162đ, Trần Đồng T chịu trách nhiệm 41.471.887đ.
Cáo trạng số: 41/CT - VKS-P1 ngày 02 tháng 7 năm 2021 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh CM truy tố Lê Minh A về tội “Tham ô tài sản” theo điểm a khoản 3 Điều 353 và Trần Đồng T về tội “Tham ô tài sản” theo khoản 1 Điều 353 Bộ luật hình sự.
Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát:
Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b, s khoản 1 điều 51, Điều 54 điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 353 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Lê Minh A từ 09 đến 12 năm tù về tội “Tham ô tài sản”; Cấm bị cáo A đảm nhận chức vụ liên quan đến kế toán 3-4 năm sau khi mãn hạn tù. Buộc bị cáo A còn tiếp tục trả lại cho Phòng khám 141.973.092 đồng.
Áp dụng điểm b, s khoản 1, 2 điều 51, Điều 54 khoản 1, khoản 5 Điều 353 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Trần Đồng T từ 02 đến 03 năm tù về tội “Tham ô tài sản”; Cấm bị cáo T đảm nhận chức vụ liên quan đến kế toán 2-3 năm sau khi mãn hạn tù. Bị cáo T phải hoàn trả 41.471.887 đồng nhưng đã nộp 54.471.887 đồng, hiện số tiền này đang tạm giữ tại kho bạc nhà nước tỉnh CM tiếp tục tạm giữ để đảm bảo cho thi hành án; Phần còn lại bị cáo được nhận lại.
Việc Phòng khám chưa thanh toán chứng từ nguồn viện phí về Trung tâm Y tế huyện thuộc trách nhiệm quản lý của Trung tâm là đơn vị quản lý cấp trên của Phòng khám. Đối với 8 phiếu tạm ứng của Trần Đồng T, T đã đăng nộp và nhập vào quỹ của Phòng khám. Các nội dung theo đơn yêu cầu không liên quan đến thiệt hại tài chính tại Phòng khám.
Ngày 24/6/2021 Trung tâm y tế huyện có công văn số 462 xin rút lại đơn yêu cầu ngày 13/11/2019.
Bị cáo T: Không tranh luận với Viện kiểm sát, chỉ xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đại diện bị hại, người có quyền lợi liên quan thống nhất với Viện kiểm sát, không tranh luận với Viện kiểm sát; Đại diện bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Người bào chữa: Kết luận Thanh tra số 08/KL-UBND ngày 23/6/2015, số tiền bị cáo chiếm đoạt 192.695.000đ; Kết luận điều tra số 27/KLĐT-PC46 ngày 31/8/2016, số tiền chiếm đoạt 415.881.000đ còn Cáo trạng số 41/CT-VKS-P1 ngày 02/7/2021 của Viện kiểm sát truy tố bị cáo số tiền 688.215.000đ; vậy số tiền nào là đúng.
Viện kiểm sát truy tố bị cáo chiếm đoạt 688.215.000đ tiền của Phòng khám nhưng không phân định rõ được từ nguồn quỹ nào của Phòng khám.
Đối với số tiền 320.000.000đ mà Trung tâm y tế yêu cầu là tiền của quầy thuốc nhưng cáo trạng xác định là tiền viện phí là không đúng.
Trước khi thanh tra bị cáo đã nộp 346.242.000đ, sau khi án bị hủy giao về điều tra xét xử lại bị cáo tiếp tục nộp 200.000.000đ. Nhân thân bị cáo tốt, quá trình công tác được tặng Kỷ niệm chương và nhiều Giấy khen; gia đình có nhiều người thân tham gia cách mạng, yêu cầu Hội đồng xét xử quyết định mức hình phạt nhẹ hơn mức thấp nhất mà Viện kiểm sát đề nghị.
Bị cáo A: Bị cáo thấy được sai phạm của mình, trong thâm tâm của bị cáo không hoàn toàn chiếm đoạt toàn bộ số tiền 688.215.000đ như Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố nhưng với trách nhiệm bị cáo là thủ trưởng đơn vị, là chủ tài khoản, là người duyệt chi tất cả các chứng từ, là người trực tiếp giao dịch mua thuốc, trả tiền thuốc bị cáo không có chứng cứ nào để chứng minh có một số tiền bị thất thoát không phải do mình chiếm đoạt nên bị cáo chịu trách nhiệm là mình chiếm đoạt như Cáo trạng của Viện kiểm sát; Bị cáo không kêu oan mà chỉ xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo thấp hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về tố tụng.
Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Người bào chữa, bị cáo, bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]. Về tội danh:
[2.1]. Bị cáo Lê Minh A là Trưởng phòng khám với vai trò thủ trưởng đơn vị, chủ tài khoản, trong quá trình quản lý tài chính bị cáo đã có hành vi chiếm đoạt tiền của Phòng khám như sau:
Nhận kinh phí hoạt động tháng 2, 3/2011 từ Trung tâm y tế 22.000.000đ nhưng không nhập quỹ.
Nhận lương y tế khóm ấp tháng 3/2011 số tiền 7.300.000đ nhưng không nhập quỹ.
Nhận lương cộng tác viên dân số quý IV/2011 từ Trung tâm dân số KHHGĐ số tiền 14.250.000đ nhưng không nhập quỹ.
Nhận tiền trực đêm 05 tháng (tháng 1, 6, 11/2013 và tháng 1, 2/2014) số tiền 8.355.000đ nhưng không nhập quỹ.
Nhận 15.468.000đ tiền trích từ 35% nguồn thu viện phí và dịch vụ y tế của tháng 8, 10, 11, 12/2013 và tháng 01/2014 nhưng không nộp về Trung tâm y tế.
Tổng số tiền Lê Minh A nhận nhưng không đăng, nộp là 67.373.000đ và cũng không có chứng từ chứng minh đã chi cho việc công hết số tiền này. Do đó có căn cứ kết luận bị cáo A đã chiếm đoạt số tiền này.
Chi tiền mua thuốc quầy dược của Phòng khám:
Bị cáo là người trực tiếp mua thuốc, trực tiếp nhận tiền tại Phòng khám để chi trả tiền mua thuốc; Từ năm 2011 – 2014, bị cáo mua thuốc, duyệt chi, nhận tiền để trả tiền mua thuốc cho Phòng khám là 1.693.166.126đ nhưng chứng cứ chứng minh số thuốc thuốc tính ra bằng tiền chỉ có 1.085.323.964đ chênh lệch số tiền chi trả mua thuốc nhiều hơn lượng thuốc nhập là 607.842.162đ.
Bị cáo thừa nhận toàn bộ thuốc mua về cho quầy dược của phòng khám là do bị cáo là người trực tiếp liên hệ nơi bán thuốc, trực tiếp giao dịch và mua chứ không ai khác, toàn bộ số tiền 1.693.166.126đ chi trả tiền mua thuốc, bị cáo là người duyệt chi trả với tư cách Thủ trưởng đơn vị (Chủ tài khoản). Song, lượng thuốc nhập về phòng khám tính giá trị thành tiền chỉ có 1.085.323.9641, số thuốc còn lại không nhập về Phòng khám bằng số tiền 607.842.162đ. Như vậy, bị cáo là người mua thuốc nhưng lượng thuốc nhập về Phòng khám không đủ so với số tiền chi trả mua thuốc nên bị cáo phải chịu trách nhiệm cá nhân của mình về tiền chi trả mua thuốc nhưng không có thuốc nhập về. Đồng thời, bị cáo thừa nhận mặc dù các phiếu chi trả tiền bị cáo không ký tên với tư cách là người nhận tiền mà do các thủ quỹ ký (B, H, N, L) nhưng phần nhiều bị cáo là người nhận tiền để trả tiền mua thuốc. Do đó, có cơ sở buộc bị cáo chiếm đoạt số tiền 607.842.162đ (BL: 23814 – 23817, 15704 – 15707, 22988, 15689, 15758 – 15759, 15972, 15976 – 15977, 15355, 15339).
Đối với lời chữa của Luật sư, xét thấy: Bản án phúc thẩm số 723/2019/HS-PT ngày 25/11/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 57/2018/HS-ST ngày 26/12/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh CM giao về điều tra, truy tố theo thủ tục chung. Sau khi điều tra lại, Cơ quan điều tra đã ra Bản kết luận điều tra số 29/KLĐT-CSKT ngày 05/5/2021 kết luận và đề nghị truy tố bị cáo chiếm đoạt số tiền 688.215.000đ. Trên cơ sở kết quả điều tra, Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo chiếm đoạt 688.215.000đ.
Về kết luận thanh tra, đây là tài liệu chứng cứ thanh tra, xác minh ban đầu của Cơ quan Thanh tra không phải là quyết định của Cơ quan tố tụng. Kết luận Thanh tra là một trong những chứng cứ để Cơ quan điều tra xem xét có quyết định khởi tố vụ án hay không khởi tố vụ án; Đồng thời kết luận Thanh tra cũng chỉ là một trong những tài liệu, chứng cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét chứ không phải chứng cứ duy nhất để kết luận đối với bị cáo. Do đó, không chấp nhận lời bào chữa của người bào chữa.
Đối với số tiền bị cáo chiếm đoạt, như đã nhận định trên, số tiền bị cáo chiếm đoạt là nguồn tiền quỹ của Phòng khám thuộc sự quản lý, sử dụng của Phòng khám. Quá trình quản lý tài chính, Phòng khám nhập chung mà không phân định ra từng nguồn quỹ để chi theo đúng quy định về tài chính kế toán. Hành vi phạm tội của bị cáo là chiếm đoạt tiền bằng các chứng từ chi trả tiền thuốc. Do đó, không chấp nhận lời bào chữa của người bào chữa là phải chứng minh bị cáo chiếm đoạt tiền từ các nguồn tiền cụ thể nào trong các nguồn quỹ của Phòng khám.
[2.2]. Bị cáo T là Kế toán Phòng khám từ năm 2010 – 2014, bị cáo đã có hành vi chiếm đoạt tiền như sau:
Năm 2012 bị cáo Trần Đồng T nhận từ Trung tâm y tế số tiền mặt 15.906.887đ cấp bổ sung kinh phí năm 2012. T khai, A chỉ đạo không nhập quỹ; A cho T 5.000.000đ còn đưa A 10.906.887đ nhưng A không thừa nhận. Bị cáo T không có chứng cứ gì chứng minh A có nhận 5.000.000đ nên T phải chịu trách nhiệm 15.906.887đ.
T nhận lương cộng tác viên dân số quý I, II/2012 tại Trung tâm dân số KHHGĐ về cấp cho cộng tác viên còn lại 3.600.000đ. T khai, A chỉ đạo không nhập quỹ và A lấy 2.000.000đ, cho T 1.600.000đ nhưng A không thừa nhận. T không có chứng cứ gì chứng minh A có nhận 2.000.000đ nên T phải chịu trách nhiệm 3.600.000đ.
T nhận 12.075.000đ tiền lương y tế ấp tháng 5/2012 do Trung Tâm y tế cấp nhưng nhập quỹ 8.715.000đ còn lại 3.360.000đ không nhập quỹ; T nhận 3.000.000đ tiền truy lãnh lương y tế ấp quý III/2013 tại Trung Tâm y tế nhưng không nhập quỹ; Tổng 02 khoản là 6.360.000đ. T khai, A chỉ đạo chuyển vào tài khoản ATM cho Đặng Ngọc H 1.000.000đ và Lương Kim Tho 3.500.000đ (BL 2949-2951), còn lại 1.860.000đ A cho T chi xài. A thừa nhận có nhờ T chuyển tiền như T khai nhưng tiền do A đưa. Song, A không có chứng cứ chứng minh có đưa tiền cho T nên A phải chịu trách nhiệm số tiền 4.500.000đ, T chịu trách nhiệm 1.860.000đ.
T nhận 28.605.000đ tiền trực của 17 tháng (năm 2013 và 2014) ở Trung Tâm y tế huyện. Số tiền trên A và T khai đã cho Trần Văn V là kế toán Trung tâm y tế 17.000.000đ để V tạo điều kiện cho Phòng khám thanh quyết toán dễ dàng; còn lại 11.605.000đ T không nhập quỹ. Trần Văn V không thừa nhận có nhận 17.000.0000; Song, A và T không có chứng cứ chứng minh có đưa tiền cho V nên T nên A cùng phải chịu trách nhiệm 17.000.000đ trong đó mỗi bị cáo phải chịu 8.500.000đ. Như vậy, tổng số tiền 28.605.000đ thì T phải chịu trách nhiệm 20.105.000đ, A phải chịu 8.500.000đ.
Do đó, tổng số tiền bị cáo T nhận nhưng không nhập quỹ 54.471.887đ, trong đó, bị cáo T phải chịu trách nhiệm 41.471.887đ, bị cáo A phải chịu trách nhiệm 13.000.000đ. Số tiền trên không có chứng cứ để chứng minh các bị cáo đã chi cho công việc của Phòng khám hết nên buộc bị cáo T là người chiếm đoạt 41.471.887đ, bị cáo A là người chiếm đoạt 13.000.000đ.
[2.3]. Từ những căn cứ nêu trên đủ cơ sở để kết luận: Bị cáo Lê Minh A là Trưởng phòng khám với trách nhiệm là chủ tài khoản, Trần Đồng T là kế toán Phòng khám hai bị cáo là người có trách nhiệm quản lý và quyết định vấn đề về tài chính tại Phòng khám. Hai bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc nhận kinh phí, tiền trực, lương y tế từ Trung tâm y tế và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, không nhập quỹ cơ quan; lập chứng từ khống để thanh toán tiền kinh phí và thanh toán khống tiền mua thuốc nhằm chiếm đoạt tiền của Phòng khám. Hành vi phạm tội này của bị cáo đã phạm vào tội tham ô tài sản. Bị cáo Lê Minh A chiếm đoạt là 688.215.162đ, bị cáo Trần Đồng T chiếm đoạt 41.471.887đ. Với số tiền chiếm đoạt trên nên Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo Lê Minh A tội Tham ô tài sản theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật hình sự và bị cáo Trần Đồng T tội Tham ô tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 353 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
[3]. Về trách nhiệm hình sự.
Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm hại đến tài sản của Nhà nước, gây thiệt hại cho việc thu ngân sách Nhà nước. Nguồn tiền các bị cáo chiếm đoạt là nguồn tiền của Phòng khám, nguồn tiền này các bị cáo là người trực tiếp quản lý. Bị cáo A phạm tội thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; bị cáo T phạm tội thuộc tội phạm nghiêm trọng. Các bị cáo phạm vào tội thuộc nhóm các tội phạm tham nhũng phải bị pháp luật xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến tội phạm có sự quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra của các cơ quan chủ quản cũng như những người có trách nhiệm kiểm tra, xét duyệt. Lợi dụng vào kẻ hở, lỏng lẻo này là điều kiện thuận lợi để các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội của mình.
Đối với bị cáo A quá trình điều tra ban đầu bị cáo không thành khẩn khai báo, chưa thấy được sai phạm của mình; Sau khi Tòa án xét xử sơ thẩm bị cáo kháng cáo bị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm về điều tra lại thì bị cáo thành khẩn khai báo. Trước khi thanh tra bị cáo đã nộp hoàn trả 346.242.070đ, ngày 18/5/2021 bị cáo tiếp tục nộp 200.000.000đ để bồi thường. Đồng thời, tại phiên tòa, bị cáo xác định Viện kiểm sát truy tố bị cáo chiếm đoạt 688.215.162đ là đúng, không oan, bị cáo thấy được sai, trái, hối lỗi xin giãm nhẹ hình phạt. Vấn đề này chứng minh bị cáo đã thành khẩn khái báo, ăn năn hối cải, tích cực bồi thường để khắc phục hậu quả do bị cáo gây ra. Ngoài ra, quá trình công tác năm 2009 bị cáo được tặng kỷ niệm chương, năm 2009 – 2010 được tặng nhiều Giấy khen nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt như đề nghị của Viện kiểm sát.
Đối với bị cáo T luôn thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo đã bồi thường đủ toàn bộ số tiền bị cáo chiếm đoạt trong giai đoạn điều tra; Bị cáo có người ông của vợ tham gia cách mạng được tặng Huân chương kháng chiến. Do đó, áp dụng tình tiết giảm nhẹ b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt cho bị cáo là phù hợp và cũng đủ thời gian cải tạo, giáo dục bị cáo, cũng là thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với bị cáo biết ăn năn hối lỗi, bồi thường đủ số tiền chiếm đoạt cho nhà nước.
[4]. Về trách nhiệm dân sự:
Bị cáo Lê Minh A chiếm đoạt của Phòng khám 688.215.162đ nên buộc bị cáo phải hoàn trả lại cho Phòng khám. Trong quá trình điều tra vụ án bị cáo đã nộp hoàn trả 346.242.070đ, ngày 18/5/2021 bị cáo tiếp tục nộp 200.000.000đ (Biên lai số 0000362 Chi cục Thi hành án dân sự tỉnh CM); tổng số tiền bị cáo A đã hoàn trả đối trừ nên bị cáo có nghĩa vụ tiếp tục hoàn trả số tiền còn lại 141.973.092đ (tính tròn số 141.973.000đ).
Ngày 04 tháng 5 năm 2021, Cơ quan điều tra tỉnh có ra lệnh kê biên Quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP 822874 do Ủy ban nhân dân huyện T cấp ngày 08/12/2009 tại ấp T Bằng, xã Phong Lạc, huyện T do Lê Minh A đứng tên nên tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án phần dân sự mà bị cáo còn có nghĩa vụ tiếp tục hoàn trả.
Bị cáo Trần Đồng T chiếm đoạt của Phòng khám 41.471.887đ nhưng bị cáo đã nộp hoàn trả 54.471.887đ đối trừ bị cáo nộp dư 13.000.000đ nên giao trả lại số tiền dư 13.000.000đ cho bị cáo T.
[5]. Đối với Nguyễn Văn B, Lê Chí N, Lê Minh H, Trịnh Mỹ L làm thủ quỹ Phòng khám. Trong thời gian làm thủ quỹ những người này có ký nhận tiền vào các phiếu thanh toán khống tiền thuốc để bị cáo A nhận tiền và chiếm đoạt.
Xét thấy, Nguyễn Văn B, Lê Chí N, Lê Minh H, Trịnh Mỹ L đã vi phạm về trách nhiệm của Thủ quỹ theo quy định tại Quyết định số 21 – LĐ/QĐ ngày 28/01/1983 của Bộ trưởng Bộ lao động và Điều 19 của Luật Kế toán năm 2003 về lập chứng từ kế toán. Chứng cứ Cơ quan điều tra thu thập được đã chứng minh những người này khi ký vào các phiếu thanh toán khống tiền thuốc họ không biết đó là khống để cho A chiếm đoạt tiền mà thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo A. Việc những người này chấp nhận ký vào do bị lệ thuộc về mặt hành chính giữa thủ trưởng với cấp dưới. Họ hoàn toàn không có hưởng lợi gì trong việc ký tên vào các chứng từ khống cho bị cáo A chiếm đoạt tiền. Ngoài ra, việc làm thủ quỹ của họ chỉ kiêm nhiệm, thời gian ngắn (lâu nhất 15 tháng, ít nhất 3 tháng) khi ký vào các phiếu thanh toán khống tiền thuốc, họ không biết A chiếm đoạt do hàng tháng tất cả mọi người đều được chia lãi từ kinh doanh quầy dược và mọi hoạt động của quầy dược đều do A quyết định, kế toán và thủ quỹ của phòng khám không ai được đi mua thuốc và trả tiền thuốc. Từ năm 2011-2014, A không công khai tài chính, không quyết toán đối chiếu để xác định tiền chi mua thuốc bao nhiêu, nhập về bao nhiêu, lãi bao nhiêu. Tất cả mọi người trong phòng khám không ai được biết. Việc Phòng khám chia lãi được hàng tháng cho nhân viên dựa trên số tiền chênh lệch giữa giá bán và giá mua trên số lượng thuốc bán ra tại quầy dược. Với những cơ sở trên, xét thấy Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh CM không xem xét xử lý hình sự mà có văn bản đề nghị Trung tâm y tế xử lý hành chính là phù hợp.
Đối với Trần Văn V - nguyên kế toán Trung tâm y tế, trong 4 năm 2011-2014 đã quyết toán cho Phòng khám nhưng không phát hiện Phòng khám thanh toán khống các khoản kinh phí, lương y tế khóm ấp… Quá trình điều tra V khai do thiếu kiểm tra nên không phát hiện sai phạm của Trưởng phòng và Kế toán do Phòng khám lập 02 hệ thống chứng từ. Quá trình điều tra A và T khai, hàng tháng có đưa cho Trần Văn V mỗi tháng 1.000.000đ, đưa được 17 tháng là 17.000.000đ để V tạo điều kiện thuận lợi cho Phòng khám thanh quyết toán nhưng V không thừa nhận. Chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được không có cơ sở chứng minh V có nhận tiền và vi phạm pháp luật hình sự nên đã không đề cặp xử lý là phù hợp.
[6]. Đối với việc Phòng khám chi tiếp khách 221.663.000đ, không chứng từ. Quá điều tra xác định việc chi tiếp khách tại Phòng khám là có thật và được ghi chép chi tiết trong sổ quỹ của đơn vị. Tuy có sai nguyên tắc, chưa đúng với Quy chế chi tiêu nội bộ nhưng không vi phạm pháp luật hình sự nên Cơ quan điều tra đã có công văn số 349 ngày 01 tháng 11 năm 2016 giao về cho Trung tâm y tế xử lý theo thẩm quyền là có căn cứ và phù hợp.
[7]. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25/11/2019, Trung tâm y tế có yêu cầu Tòa án xem xét việc Phòng khám chưa quyết toán số tiền 320.557.660đ tiền thu viện phí từ năm 2009 – 2015; yêu cầu Lê Minh A và Trần Đồng T phải có trách nhiệm quyết toán, nếu không thì nộp tiền mặt về Trung tâm y tế.
Kết quả điều tra đã chứng minh số tiền 213.686.467đ (54.324.467đ tiền viện phí năm 2009 – 2012, 159.362.000đ tiền viện phí năm 2013) là khoản nợ chứng từ chưa quyết toán về trung tâm. Đối với, 106.871.193đ tiền tạm ứng từ Trung tâm y tế nguồn thu viện phí năm 2014 và 2015 đã được T đăng nộp Phòng khám, không có chiếm đoạt.
Tại Văn bản số 462/TTYT_TCHC ngày 24/6/2021 Trung tâm y tế huyện T đã rút lại yêu cầu đối với số tiền 320.557.660đ đã đặt ra tại phiên tòa phúc thẩm. Do đó, Trung tâm y tế huyện là đơn vị hành chính cấp trên của Phòng khám nên Trung tâm y tế làm việc với Phòng khám để giải quyết theo quy định. Do đó, vần đề này không xem xét trong vụ án này.
[8]. Về án phí: Bị cáo Lê Minh A, Trần Đồng T mỗi bị cáo phải chịu án phí hình sự 200.000đ. Bị cáo Lê Minh A phải chịu án phí dân sự có giá ngạch 7.098.000đ.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Áp dụng khoản 3 Điều 7; điểm a khoản 3 và khoản 5 Điều 353; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự;
Tuyên bố: Bị cáo Lê Minh A phạm tội Tham ô tài sản.
Tuyên phạt: Bị cáo Lê Minh A 09(chín) năm tù; Thời hạn chấp hành án phạt tù được tính kể từ ngày 29/3/2021, được trừ thời gian đã bị bắt tạm giam từ ngày 19/02/2016 đến ngày 01/6/2016.
Phạt bổ sung: Cấm bị cáo Lê Minh A đảm nhiệm chức vụ có liên quan đến quản lý kinh tế, tài chính trong thời hạn 03(ba) năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
- Áp dụng khoản 3 Điều 7; khoản 1 và khoản 5 Điều 353; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Hình sự;
Tuyên bố: Bị cáo Trần Đồng T phạm tội Tham ô tài sản.
Tuyên phạt: Bị cáo Trần Đồng T 01(một) năm 06(sáu) tháng tù; Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo đi chấp hành án.
Phạt bổ sung: Cấm bị cáo Trần Đồng T đảm nhiệm chức vụ có liên quan đến quản lý kinh tế, tài chính trong thời hạn 02(hai) năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
- Áp dụng khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự; Khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng Hình sự; Điểm a, c khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
+ Bị cáo Lê Minh A đã nộp 200.000.000 đồng tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh CM (Biên lai số 0000362 ngày 18/5/2021) bồi thường số tiền bị cáo chiếm đoạt, Cục Thi hành án dân sự tỉnh CM giao lại Phòng khám.
+ Buộc bị cáo Lê Minh A có nghĩa vụ tiếp tục hoàn trả cho Phòng khám số tiền 141.973.000 đồng (Một trăm bốn mươi mốt triệu chín trăm bảy mươi ba ngàn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, nếu chậm thi hành án thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
+ Tiếp tục duy trì Lệnh kê biên số 02/LKB - CSKT ngày 04/5/2021 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh CM đối với Quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP 822874 do Ủy ban nhân dân huyện T cấp ngày 08/12/2009 tại ấp T Bằng, xã Phong Lạc, huyện T do Lê Minh A đứng tên để đảm bảo thi hành án phần dân sự mà bị cáo Lê Minh A còn có nghĩa vụ tiếp tục hoàn trả.
+ Bị cáo Trần Đồng T đã nộp 54.471.887 đồng tại tài khoản tạm giữ của Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh CM tại Kho bạc tỉnh CM. Số tiền 54.471.887 đồng phải chuyển đến Cục Thi hành án Dân sự tỉnh CM, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh CM giao lại Phòng khám số tiền 41.471.887 đồng tiền bị cáo T có nghĩa vụ hoàn trả, số tiền còn lại 13.000.000 đồng được giao trả lại cho bị cáo Trần Đồng T.
+ Bị cáo Lê Minh A phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm và 7.098.000 đồng tiền án phí dân sự có giá ngạch.
+ Bị cáo Trần Đồng T phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Án xử sơ thẩm bị cáo và những người tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Ông V, người tham gia tố tụng khác vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tống đạt hợp lệ bản án.
Bản án về tội tham ô tài sản số 53/2021/HS-ST
Số hiệu: | 53/2021/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 26/11/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về