TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 438/2023/HS-PT NGÀY 23/09/2023 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN
Ngày 23-9-2023, tại trụ sở. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 371/2023/LPT-HS ngày 04-8-2023 đối với bị cáo Cao Văn C và bị cáo khác. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2023/HS-ST ngày 12-6-2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.
- Các bị cáo kháng cáo: 1. Cao Văn C, sinh năm 1976, tại tỉnh Bình Định; nơi đăng ký HKTT: K, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định; chỗ ở: Thôn P, xã T, huyện T, tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Kế toán; con ông Cao Văn C1 (đã chết) và bà Nguyễn Thị G, sinh năm 1942; vợ là Huỳnh Thị H, sinh năm 1980 và 02 con; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo tại ngoại nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.
2. Đỗ Thanh X, sinh năm 1962 tại tỉnh Bình Định; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: K, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Cán bộ công chức; con ông Đỗ T và bà Hồng Thị S (đều đã chết); vợ là Đỗ Thị Ngọc H1, sinh năm 1966 và 03 con (lớn nhất sinh năm 1988, nhỏ nhất sinh năm 1998); tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo tại ngoại nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.
- Người tham gia tố tụng có liên quan đến kháng cáo: Người bào chữa cho bị cáo Cao Văn C:
Luật sư Hồ Văn H2 - Văn phòng L1, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh B, có mặt tại phiên tòa.
Bị hại: Ban Quản lý cấp và thoát nước huyện T. Người đại diện theo pháp luật: Ông Đỗ Văn D - Chức vụ: Trưởng ban, vắng mặt.
(Vụ án còn có bị cáo Hồ Thị Cẩm L nhưng không kháng cáo, không bị kháng nghị; có 22 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không liên quan đến kháng cáo, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không triệu tập).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ban Quản lý cấp và thoát nước huyện T (sau đây viết tắt là Ban Quản lý) là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) huyện T. Ban Quản lý là đơn vị thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có con dấu và tài khoản riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước huyện T và tài khoản Ngân hàng, hoạt động theo cơ chế tự bảo đảm chi phí hoạt động.
Đỗ Thanh X, được bổ nhiệm chức vụ Trưởng ban theo Quyết định số 2628/QĐ- UBND ngày 27-6-2013 của UBND huyện T. Theo quy định, Trưởng ban phụ trách chung, trực tiếp đảm nhận công tác tổ chức bộ máy và cán bộ, viên chức, kế hoạch, tài chính… Trưởng ban là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước UBND huyện và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban Quản lý.
Hồ Thị Cẩm L làm việc tại Ban Quản lý, được giao làm Kế toán tổng hợp, có nhiệm vụ thực hiện công tác tổng hợp, thực hiện các chế độ bảo hiểm cho cán bộ, viên chức, người lao động của cơ quan; theo dõi kê khai thuế hàng tháng, quý, năm; quản lý ghi, xuất hóa đơn tiền sử dụng nước, tiền vệ sinh hàng tháng của các địa bàn; đồng thời, L được phân công trực tiếp ghi, thu tiền sử dụng nước của các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp.
Cao Văn C, được phân công nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Kế toán, tài chính, hành chính, tổng hợp, phụ trách kế toán thanh toán tại Ban Quản lý. Thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tổ chức công tác lao động, tiền lương, kế toán cơ quan; tham mưu, đề xuất giúp Trưởng ban trong việc chi tiêu, thanh quyết toán của cơ quan hàng tháng, hàng quý, hàng năm; việc quản lý chi tiêu kinh phí, tài sản; việc giải quyết chế độ cho cán bộ, viên chức của Ban quản lý theo quy định của Nhà nước.
Lợi dụng quá trình quản lý việc thu tiền và nộp vào quỹ lỏng lẻo, không có sự kiểm tra đối chiếu công nợ với các đơn vị nợ tiền sử dụng nước kéo dài; không kiểm tra quỹ theo định kỳ; không kiểm tra đối chiếu giữa hóa đơn xuất và bảng kê thu tiền, Hồ Thị Cẩm L đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền sử dụng nước do các nhân viên địa bàn nộp lại cho L và do L trực tiếp thu của các đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp mà L được phân công ghi, thu tiền nước. Từ tháng 8-2014 đến tháng 02-2018, Hồ Thị Cẩm L đã chiếm đoạt tổng cộng 584.160.620 đồng với 3 nội dung khoản tiền sau:
1. Chiếm đoạt 175.933.000 đồng tiền sử dụng nước do các nhân viên địa bàn thu và nộp lại cho Hồ Thị Cẩm L, cụ thể:
Khi các nhân viên địa bàn thu và nộp lại tiền sử dụng nước của các hộ có tiền sử dụng nước hàng tháng trên 200.000 đồng cho Hồ Thị Cẩm L để L tổng hợp lập bảng kê thu tiền chuyển cho Cao Văn C lập phiếu thu nội bộ và nộp tiền vào quỹ. Nhận thấy có nhiều nhân viên địa bàn thu tiền chậm, nộp tiền trễ phải đưa vào bảng kê nộp tiền của tháng sau, khó kiểm tra đối chiếu, nên khi lập bảng kê thu tiền chuyển cho C lập phiếu thu nội bộ để nộp tiền vào quỹ, L đã cố ý kê số tiền thu được thấp hơn số tiền thực tế mà các nhân viên địa bàn đã thu và nộp cho L. Kết quả điều tra, đối chiếu các phiếu thu kèm theo bảng kê thu tiền nước của các nhân viên địa bàn, chứng từ nộp tiền qua kho bạc, hóa đơn bán hàng, tờ khai thuế giá trị gia tăng hàng tháng, sổ chi tiết công nợ của Ban Quản lý xác định từ tháng 8-2014 đến tháng 8-2015, các nhân viên địa bàn đã thu tiền sử dụng nước của các hộ sử dụng nước trên 200.000 đồng và nộp cho L với tổng số tiền 541.453.500 đồng, nhưng L chỉ kê và nộp vào quỹ với tổng số tiền là 365.520.500 đồng. Còn lại 175.933.000 đồng, L không đưa vào bảng kê, không nộp quỹ mà tự ý giữ lại để chiếm đoạt.
2. Đã chiếm đoạt 383.867.620 đồng khi trực tiếp thu tiền của các đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp Hồ Thị Cẩm Lệ được phân công trực tiếp theo dõi và thu tiền sử dụng nước của các cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện T. Vào cuối mỗi tháng, L đến các đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp để ghi chốt số chỉ số nước tiêu thụ, xác định số tiền phải thu rồi lập hóa đơn bán hàng, nhưng không lập bảng kê chỉ số nước các đơn vị theo quy định. Sau khi xuất hóa đơn, L trình báo ông Đỗ Thanh X - Trưởng ban ký hoặc có trường hợp ông X ký khống các hóa đơn chưa ghi nội dung, L ghi nội dung vào rồi đóng dấu Ban Quản lý và mang đến giao cho các đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp. Các đơn vị sẽ trả tiền mặt trực tiếp cho L hoặc chuyển khoản vào số tài khoản của Ban Quản lý. Quá trình thu tiền, các đơn vị đều nộp tiền đầy đủ, nhưng L giữ lại một phần tiền nước đã thu tiền mặt để chiếm đoạt bằng cách: Khi lập bảng kê thu tiền nước chuyển cho Cao Văn C để lập phiếu thu nội bộ, nộp tiền vào quỹ, L cố ý bỏ ngoài sổ sách nhiều hóa đơn thu tiền sử dụng nước của các đơn vị này mà không đưa vào bảng kê và báo với lý do chưa thu, còn nợ tiền sử dụng nước hoặc L dùng thủ đoạn ghi các hóa đơn liên 2 (liên khách hàng) cao hơn số tiền lưu trên liên 1 (liên lưu), sau khi thu tiền, L chỉ nộp một phần tiền tương ứng với số liệu trên hóa đơn liên 1 rồi chiếm đoạt tiền chênh lệch. Do đó, C đã theo dõi công nợ phải thu tiền sử dụng nước đối với các đơn vị này, tương ứng với số tiền mà L giữ lại để chiếm đoạt. Kết quả điều tra, đối chiếu các hóa đơn bán hàng của Ban Quản lý, sổ chi tiết theo nội dung công nợ, phiếu thu, phiếu báo có, bảng kê hàng hóa dịch vụ bán ra của đơn vị sử dụng nước xác định từ năm 2014 đến tháng 02-2018, L đã thu nhưng giữ lại chiếm đoạt tiền sử dụng nước do 16 đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn nộp, với tổng số tiền chiếm đoạt là 383.867.620 đồng, gồm các đơn vị sau: (1) Trường Mầm non V là 3.694.940 đồng, (2) Trạm y tế T2 là 837.000 đồng, (3) Bảo hiểm xã hội huyện T là 2.817.000 đồng, (4) Ban Q là 3.528.600 đồng, (5) Công ty Cổ phần B là 5.661.000 đồng, (6) Công an huyện T là 170.802.100 đồng, (7) Công ty TNHH T3 là 10.087.900 đồng, (8) Công ty TNHH A là 7.468.920 đồng, (9) Công ty TNHH P là 8.325.000 đồng, (10) Công ty TNHH B1 là 10.545.640 đồng, Công ty H5 là 32.810.400 đồng, (11) Trạm Quản lý bảo vệ rừng là 282.500 đồng, (12) Trường mầm non B2 là, 32.115.420 đồng, (13) Trường Tiểu học B2 là 37.795.580 đồng, (14) Trung tâm Giáo dục thường Xuyên là 46.434.400 đồng và (15) Xí nghiệp T4 là 10.661.220 đồng.
3. Hồ Thị Cẩm L cùng với Cao Văn C chiếm đoạt 24.360.000 đồng do Công ty TNHH S1, địa chỉ tại thôn A, xã B, huyện T nộp tiền nước nợ đọng.
Ngày 09-8-2016, bà Nguyễn Thị Hồng H3 - Kế toán Công ty TNHH S1 gốm mỹ nghệ TSC đến gặp C, L để đề nghị nộp tiền nước nợ đọng của Công ty từ cuối năm 2013 là 24.360.000 đồng và làm thủ tục cấp nước trở lại. Vì thấy đây là khoản nợ khó đòi, nên C và L đã thỏa thuận bỏ ngoài sổ sách để chiếm đoạt số tiền này. Do đó, sau khi xuất hóa đơn và thu tiền nước, L và C đã không lập phiếu thu nội bộ, nộp tiền vào quỹ mà L đã giữ lại 4.360.000 đồng để tiêu xài cá nhân, còn lại 20.000.000 đồng L đưa cho C chiếm đoạt. Vì đã xuất hóa đơn, nên buộc C phải hạch toán vào sổ công nợ là đã xuất hóa đơn thu tiền nước cho Công ty S2 nhưng còn nợ chưa thu tiền. Ngày 08-3-2017, khi ông Nguyễn Văn D1 - Nhân viên thu tiền nước địa bàn H - B nộp tiền nước các hộ dân tháng 02-2017 với tổng số tiền 63.968.260 đồng tương ứng với Phiếu thu số T20 ngày 08-3-2017, C đã cố tình nhập dữ liệu vào phần mềm kế toán sai thực tế, cụ thể: Chia Phiếu thu số T20 thành 02 phần, nhập một phần tương ứng 24.360.000 đồng thể hiện thành khoản nộp trả khoản phải thu của Công ty S1 và phần còn lại thể hiện khoản nộp trả cho khoản phải thu của ông D1; đồng thời, khi nhập dữ liệu, C đã chủ động điều chỉnh giảm khoản phải thu đối với ông D1 xuống một khoản tiền tương ứng 24.360.000 đồng. Qua đó, trên Sổ chi tiết theo nội dung công nợ thể hiện ông D1 và Công ty S1 đều đã nộp đủ các khoản phải thu tại Phiếu thu số T20, không còn công nợ phải thu. Như vậy, C đã cố ý hạch toán không đúng với nghiệp vụ kinh tế phát sinh nhằm bỏ ngoài sổ sách kế toán 24.360.000 đồng do Công ty gốm sứ TSC nộp tiền nước để rồi C cùng L chiếm đoạt số tiền trên.
Đối với Cao Văn C là Tổ trưởng Tổ Kế toán, theo dõi công tác thu chi của đơn vị, nên khoảng tháng 3-2015, C kiểm tra lại các hóa đơn, chứng từ năm 2014 để quyết toán thì phát hiện L còn chưa nộp vào quỹ số tiền là 58.897.500 đồng. Đến tháng 3- 2016, C thấy có một chứng từ ủy nhiệm chi ngày 18-01-2016 (Ký hiệu Báo có số BC003), với nội dung: “Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Q chuyển tiền Tạm ứng tiền đền bù giải phóng mặt bằng”, với số tiền 44.105.000 đồng cho Ban Quản lý là một khoản thu khác, không thuộc các mã đối tượng theo dõi công nợ trên Sổ chi tiết theo nội dung công nợ năm 2016, nên C đã thỏa thuận với L sử dụng số tiền 44.105.000 đồng này để trừ vào số tiền 58.897.500 đồng công nợ phải thu của L bằng cách hạch toán chứng từ Báo có số BC003 vào khoản nộp trả (Phần “Có”) của nhóm đối tượng “LE” (Theo dõi công nợ phải thu liên quan hộ trên 200.000 đồng đối với L), bù lại L phải chia cho C 15.000.000 đồng. Ngoài ra, mặc dù không thỏa thuận với L, nhưng C còn hạch toán một chứng từ nộp tiền khác (không nhớ cụ thể chứng từ nào, liên quan đến khoản nộp tiền nào, chỉ nhớ thuộc nhóm đối tượng trên Sổ chi tiết công nợ), với tổng số tiền tương ứng 11.110.000 đồng sai thực tế, đưa vào khoản nộp trả của nhóm đối tượng “LE” để giảm “công nợ” của L đối với số tiền mà L đã chiếm đoạt ở trên. Cuối năm 2016, C khóa sổ kế toán và lập Báo cáo tài chính và đã giảm công nợ phải thu của L tổng cộng là 55.215.000 đồng (44.105.000 đồng + 11.110.000 đồng). Khoảng tháng 02-2018, do lo sợ bị phát hiện việc giúp sức cho L chiếm đoạt số tiền trên, C đã tự ý điều chỉnh, sửa chữa dữ liệu kế toán năm 2016 trên phần mềm kế toán của Ban Quản lý bằng cách hoạch toán lại chứng từ Báo có số BC003 đưa vào khoản thu khác, không nằm trong các nhóm đối tượng trên Sổ chi tiết công nợ; đồng thời, hoạch toán lại, chuyển các chứng từ nộp tiền tương ứng 11.110.000 đồng vào khoản nộp cho nhóm đối tượng khác (ngoài nhóm đối tượng “LE”) cho đúng thực tế và hạch toán lại để L vẫn còn treo nợ số tiền 58.897.500 đồng mà L đã chiếm đoạt.
Ngoài số tiền cùng chiếm đoạt với L như trên, Cao Văn C còn tự bỏ ngoài sổ sách để chiếm đoạt thêm 10.000.000 đồng, Như vậy, Hồ Thị Cẩm L đã chiếm đoạt tổng cộng 584.160.620 đồng. Trong đó, Cao Văn C đồng phạm với L cùng chiếm đoạt tổng cộng 79.575.000 đồng để được hưởng lợi 35.000.000 đồng; ngoài ra, C đã bỏ ngoài sổ sách chiếm đoạt số tiền 10.000.000 đồng do Trần Thị Ngọc T1 nộp tiền nước các đơn vị hành chính sự nghiệp. Sau khi Thanh tra huyện T tiến hành thanh tra, phát hiện vụ việc, Hồ Thị Cẩm L đã tự nguyện khắc phục toàn bộ số tiền 339.646.240 đồng mà L đã chiếm đoạt theo kết quả thanh tra vào tài khoản của Thanh tra huyện T. Đỗ Thanh X với chức vụ được giao là Trưởng ban Ban Quản lý cấp và thoát nước huyện T, có trách nhiệm phụ trách chung, là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước UBND huyện T và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban Quản lý. Tuy nhiên, X đã buông lỏng công tác quản lý tài chính, không chỉ đạo bộ phận kế toán tiến hành làm việc, đối chiếu kiểm tra, xác định số dư công nợ định kỳ theo quy định, dẫn đến không phát hiện được việc Hồ Thị Cẩm L đã thu tiền, nhưng không nộp vào quỹ Ban Quản lý, mà chiếm đoạt sử dụng cá nhân trong một thời gian dài. Ngoài ra, X không quản lý việc ghi xuất hóa đơn theo đúng quy trình, mà ký khống vào hóa đơn chưa có nội dung, tạo điều kiện thuận lợi cho L sử dụng các thủ đoạn xuất hóa đơn ký khống không đúng quy định, chiếm đoạt tiền của Ban Quản lý.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2023/HS-ST ngày 12-6-2023, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định:
Áp dụng khoản 1 Điều 353; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
Cao Văn C 02 (hai) năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.
Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 360; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
Đỗ Thanh X 01 (một) 06 (sáu) tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Hồ Thị Cẩm L; quyết định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
- Ngày 15-6-2023, Đỗ Thanh X kháng cáo xin giảm hình phạt.
- Ngày 21-6-2023, Cao Văn C kháng cáo xin giảm hình phạt.
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo Cao Văn C và Đỗ Thanh X kháng cáo bản án. Đơn kháng cáo của các bị cáo là trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự, do đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Tại phiên tòa, Cao Văn C giữ nguyên kháng cáo; Đỗ Thanh X thay đổi nội dung kháng cáo, bị cáo xin được hưởng án treo. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm các điểm a, b khoản 1 Điều 355, Điều 356 và điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự:
- Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Cao Văn C. - Chấp nhận nội dung thay đổi kháng cáo của bị cáo Đỗ Thanh X. - Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2023/HS-ST ngày 12-6-2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định về phần Trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Đỗ Thanh X; giữ nguyên hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.
Các bị cáo và Luật sư bào chữa cho bị cáo Cao Văn C tranh luận công khai; nói lời sau cùng, các bị cáo đề nghị được chấp nhận kháng cáo.
[2]. Xét kháng cáo của các bị cáo:
[2.1]. Về tội danh (Đối với các bị cáo kháng cáo):
Hồ Thị Cẩm L được giao nhiệm vụ Kế toán tổng hợp của Ban Quản lý cấp và thoát nước huyện T. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, L đã chiếm đoạt tài sản do mình quản lý là 584.160.620 đồng. Cao Văn C được giao nhiệm vụ Tổ trưởng tổ Kế toán, bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình thỏa thuận với L rồi chiếm đoạt 24.360.000 đồng; đồng thời, bị cáo giúp L chiếm đoạt 55.215.000 đồng (trong tổng số tiền 584.160.620 đồng mà L đã chiếm đoạt) bằng cách hạch toán các khoản thu khác để trừ vào công nợ của L và được L chia lại 15.000.000 đồng. Ngoài ra, tháng 8-2018, C còn chiếm đoạt 10.000.000 đồng tiền sử dụng nước do bà Trần Thị Ngọc T1 - Nhân viên địa bàn nộp cho C. Tổng cộng, C đã bỏ ngoài sổ sách để chiếm đoạt 89.575.000 đồng (24.360.000 đồng + 55.215.000 đồng + 10.000.000 đồng), thu lợi bất chính 45.000.000 đồng.
Đỗ Thanh X với chức vụ được giao là Trưởng ban Ban Quản lý cấp và thoát nước huyện T, có trách nhiệm phụ trách chung, là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước UBND huyện T và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban Quản lý. Tuy nhiên, bị cáo đã buông lỏng công tác quản lý tài chính, không chỉ đạo bộ phận kế toán tiến hành làm việc, đối chiếu kiểm tra, xác định số dư công nợ định kỳ theo quy định, dẫn đến không phát hiện được việc Hồ Thị Cẩm L đã thu tiền, nhưng không nộp vào quỹ Ban Quản lý, mà chiếm đoạt sử dụng cá nhân trong một thời gian dài. Ngoài ra, bị cáo không quản lý việc ghi xuất hóa đơn theo đúng quy trình, mà ký khống vào hóa đơn chưa có nội dung, tạo điều kiện thuận lợi cho L sử dụng các thủ đoạn xuất hóa đơn ký khống không đúng quy định, chiếm đoạt tiền của Ban Quản lý cấp thoát nước.
Với hành vi phạm tội như nêu trên, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định kết án Cao Văn C về tội “Tham ô tài sản” theo khoản 1 Điều 353 của Bộ luật Hình sự; kết án Đỗ Thanh X về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm c khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
[2.2]. Về hình phạt:
Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm mất niềm tin của nhân dân vào đội ngũ công chức Nhà nước; do đó, cần có mức hình phạt tương xứng với hành vi và hậu quả do các bị cáo đã gây ra.
- Đối với Cao Văn C: Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; sau khi phạm tội đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nộp 45.000.000 đồng); được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt; gia đình có công với cách mạng; bị cáo có thời gian phục vụ trong quân đôi; do đó, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xử phạt bị cáo 02 (hai) năm tù (mức thấp nhất) của khung hình phạt là thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật.
Mặc dù, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cung cấp tài liệu thể hiện gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn; có mẹ đang điều trị tại Bệnh viện; quá trình công tác được UBND huyện T tặng Giấy khen và danh hiệu Lao động tiên tiến, nhưng hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp nghiêm trọng, phạm tội nhiều lần, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Vì vậy, để cải tạo, giáo dục bị cáo cũng như ngăn chăn và phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
- Đối với Đỗ Thanh X: Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; sau khi phạm tội đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nộp 25.000.000 đồng); được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt; gia đình có công với cách mạng; quá trình công tác có nhiều thành tích xuất sắc, được tặng thưởng nhiều giấy khen; phạm tội do lỗi vô ý, không có động cơ vụ lợi cá nhân, số tiền bị thiệt hại không lớn. Do đó, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/VBHN-TANDTC ngày 07-9-2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì bị cáo có đủ điều kiện được áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, để thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội lần đầu, có thái độ khai báo thành khẩn, biết ăn năn hối cải, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận nội dung thay đổi kháng cáo của bị cáo.
Như vậy, kháng cáo của các bị cáo đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét và có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đỗ Thanh X.
[3]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xét.
[4]. Về án phí:
Do kháng cáo không được chấp nhận, nên Cao Văn C phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Do được chấp nhận kháng cáo, nên Đỗ Thanh X không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ các điểm a, b khoản 1 Điều 355, Điều 356 và điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
- Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Cao Văn C.
- Chấp nhận nội dung thay đổi kháng cáo của bị cáo Đỗ Thanh X.
- Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2023/HS-ST ngày 12-6-2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định về phần Trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Đỗ Thanh X. 2. Về trách nhiệm hình sự:
2.1. Áp dụng khoản 1 Điều 353; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
- Cao Văn C 02 (hai) năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.
2.1. Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 360; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
- Đỗ Thanh X 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 03 (ba) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao Đỗ Thanh X cho Ủy ban nhân dân thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án hình sự; gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Về án phí hình sự phúc thẩm:
Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; các điểm b, h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Bị cáo Cao Văn C phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.
- Bị cáo Đỗ Thanh X không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội tham ô tài sản số 438/2023/HS-PT
Số hiệu: | 438/2023/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 23/09/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về