Bản án về tội tham ô tài sản số 40/2023/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN SỐP CỘP, TỈNH SƠN LA

BẢN ÁN 40/2023/HS-ST NGÀY 05/06/2023 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Ngày 05/6/2023, tại Tòa án nhân dân huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 39/2023/TLST-HS ngày 05/5/2023, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 41/2023/QĐXXST-HS ngày 23/5/2023 đối với bị cáo:

Nguyễn Đức D, sinh ngày 05/4/1981 tại xã K, huyện S1, tỉnh Sơn La; số định danh cá nhân: 014xxxxxxxxx; nơi thường trú: Bản B, xã V, huyện H, tỉnh Sơn La; nơi ở hiện tại: Bản C, xã S, huyện S, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: Giáo viên, nguyên Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở N; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; đảng phái, đoàn thể: là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt theo Quyết định số 23-QĐ/UBKTHU ngày 12/9/2022 của Ủy ban kiểm tra Huyện ủy S; con ông Nguyễn Mạnh T (đã chết) và bà Đinh Thị H; có vợ là Đào Thị Thu H và 02 con, con lớn sinh năm 2006, con nhỏ sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Không có; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 09/9/2022 đến ngày 18/01/2023 được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh; có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở N. Địa chỉ: Bản P, xã N, huyện S, tỉnh Sơn La. Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự: Ông Lường Văn Q, chức vụ: Phó hiệu trưởng, sinh năm 1979, nơi cư trú: Bản H, xã S, huyện S, tỉnh Sơn La. Có mặt.

- Người làm chứng:

+ Ông Tòng Văn T1, sinh năm 1996; nơi cư trú: Bản P, xã N, huyện S, tỉnh Sơn La. Có mặt.

+ Ông Tòng Văn T2, sinh năm 1989; nơi cư trú: Bản P, xã N, huyện S, tỉnh Sơn La. Có mặt.

+ Bà Tòng Thị H, sinh năm 1979; nơi cư trú: Bản S2, xã N, huyện S, tỉnh Sơn La. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Hồi 12 giờ 20 phút ngày 22/8/2022, Công an huyện Sốp Cộp nhận được tin báo của quần chúng nhân dân với nội dung có 01 chiếc xe tải biển kiểm soát 26K - 7030 do ông Tòng Văn T3, sinh năm 1975, trú tại bản S2, xã S, huyện S, đang điều khiển chở gạo từ xã N đi hướng trung tâm huyện S có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Sau khi nhận tin báo, tổ công tác Công an huyện Sốp Cộp đã yêu cầu ông Tòng Văn T3 dừng xe, tiến hành kiểm tra phát hiện trên xe chở 53 bao gạo loại 50kg không có giấy tờ chứng minh xuất xứ hàng hóa. Ông T3 khai nhận số gạo trên là của bà Tòng Thị H, sinh năm 1979 trú tại bản S2, xã S, huyện S. Tổ công tác đã yêu cầu ông T3 điều khiển xe đến trụ sở Công an huyện để tiến hành kiểm tra xác minh. Kết quả kiểm tra: trên xe ô tô có 53 bao gạo. Trong đó, 40 bao gạo vẫn còn nguyên phẩm chất, không ẩm mốc, tổng khối lượng là 2.030,5 kg. Bà H khai số gạo trên mua của ông Nguyễn Đức D là Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở N với số tiền 14.000.000 đồng. 13 bao gạo còn lại mở ra thấy bên trong ẩm ướt, bốc mùi thối không nấu ăn được, Ban quản lý nấu ăn nhà trường cho H để làm thức ăn cho gia súc.

Hồi 16 giờ ngày 23/8/2022, cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường tại nhà kho của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở N. Kết quả: Cách từ nền nhà theo phương thẳng đứng lên cánh cửa tôn 29cm có vết cặn bám dính kẻ ngang do bị ngập nước để lại. Trong kho có dàn kệ bằng kim loại, trên kệ xếp 120 bao gạo loại 50 kg còn nguyên vẹn.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sốp Cộp đã yêu cầu định giá tài sản đối với 40 bao gạo thu giữ của ông Tòng Văn T3. Kết luận định giá tài sản số 11/KL- HĐĐG ngày 30/8/2022 của Hội đồng định giá trong tố tụng huyện Sốp Cộp kết luận: “40 (bốn mươi) bao gạo có khối lượng 2.030,5 kg nêu tại Yêu cầu định giá tài sản số 173/YC-HSKTMT ngày 24/8/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sốp Cộp có giá: 14.213.500 đồng”.

Trong quá trình điều tra, Nguyễn Đức D đã khai nhận hành vi như sau:

Nguyễn Đức D được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở N theo Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 17/9/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện S. Trong công tác, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn quản lý chung của nhà trường, D còn là Trưởng ban Quản lý nấu ăn cho học sinh được thành lập theo Quyết định số 156/QĐ- BTTH&THCSNL ngày 29/12/2020 và Quyết định số 89/QĐ-BTTH&THCSNL ngày 17/8/2021 do chính D là người ký.

Từ năm 2017, nhà trường được hỗ trợ gạo, tiền ăn theo quy định của Nghị định số 116/NĐ-CP ngày 06/12/2016 của Chính phủ. Định mức hỗ trợ cho mỗi học sinh là 15kg gạo/tháng. Căn cứ định mức được cấp, Ban quản lý nấu ăn nhà trường tự cân đối số gạo nấu cơm cho mỗi học sinh mỗi bữa là 0,3kg gạo. Học sinh nghỉ học có lý do sẽ được trả lại gạo. Tòng Văn T1 là nhân viên bảo vệ kiêm thủ kho nhà trường bậc trung học cơ sở và Tòng Văn T2 là nhân viên bảo vệ kiêm thủ kho nhà trường bậc tiểu học (cả hai đều là thành viên trong Ban quản lý nấu ăn của nhà trường). Hàng ngày, T1 và T2 xuất gạo cho nhân viên nấu ăn và lập phiếu xuất kho chuyển cho kế toán lập bảng công khai tài chính. Việc xuất gạo dựa vào số lượng học sinh do giáo viên quản lý học sinh bán trú thông báo và danh sách cấp phát bữa ăn sáng cho học sinh do chính thủ kho lập. Tại bậc trung học cơ sở, T1 trực tiếp xuất gạo cho nhân viên nấu ăn. Tại bậc tiểu học, T1 và T2 thống nhất xuất kho một số lượng gạo cho nhiều ngày sử dụng, sau đó T2 đem về nhà bếp để hàng ngày xuất cho nhân viên nấu ăn.

Trong quá trình nấu ăn, thấy lượng cơm sau bữa ăn của học sinh thừa nhiều gây lãng phí nên từ đầu năm học 2021 - 2022 D đã chỉ đạo T1 và T2 vẫn lập danh sách học sinh ăn tại trường đúng theo định mức Ban quản lý nấu ăn quy định nhưng giảm bớt lượng gạo cấp cho nhân viên nấu ăn. Số gạo thừa vẫn để tại kho do T1 quản lý, không thống kê ghi vào sổ sách và không báo cáo Ban quản lý nấu ăn của nhà trường. D khai mục đích là chiếm đoạt số gạo thừa để ngoài sổ sách nêu trên. Khi chỉ đạo T1 và T2, D không nói mục đích của việc giảm số lượng gạo nấu ăn, không hứa cho T2 và T1 lợi ích gì từ việc làm trên. Sau khi D chỉ đạo, từ đầu năm học 2021 - 2022 đến hết năm học, hàng ngày T2 và T1 đều giảm bớt lượng gạo cấp cho nhà bếp nấu cơm. Việc giảm bớt số lượng gạo chỉ T1, T2 và D biết.

Sáng ngày 22/8/2022, T1 thấy những ngày trước đó mưa to nên đi kiểm tra thì thấy nước mưa tràn vào ngập kho gạo của nhà trường. Số bao gạo ở hàng cuối cùng để trên kệ bị ngập nước nên T1 báo D đến giải quyết. Qua kiểm tra, xác định 26 bao gạo (loại 50kg/bao) bị ngấm nước đã hư thối không sử dụng nấu ăn được. D gọi điện thông báo Ban quản lý nấu ăn của nhà trường gồm ông Lường Văn Q phó hiệu trưởng và bà Nguyễn Thu H phó hiệu trưởng (đều là phó ban). Cả ba người thống nhất cho nhân viên bảo vệ và nhân viên nấu ăn tham gia dọn kho 26 bao gạo đã hư hỏng gồm Tòng Văn T1 được 12 bao, Tòng Văn T2 được 01 bao, Tòng Thị H được 13 bao, mục đích sử để làm thức ăn chăn nuôi.

Sau khi được cho gạo hỏng, H đã thuê ông T3 dùng xe tải đến chở gạo về nhà. Sau khi bốc hết 13 bao gạo hỏng lên xe, tiện có xe nên H nói với D: “Những bao gạo xếp gần với bao bị ngập nước có thể bị ẩm mốc”. D nói lại: “Những bao gạo xếp gần với bao bị ngập nước không biết xử lý như thế nào”. H trả lời: “Gạo như thế này thì chỉ nấu rượu hoặc cho cá ăn” và hỏi “Gạo như thế này thì trả chú số tiền như thế nào?”. D trả lời giá nhà nước là 8.000 đồng/kg nhưng do chất lượng gạo không được như ban đầu, gạo bị hỏng nên bán với giá 350.000 đồng/01 bao loại 50 kg (7.000 đồng/kg). H đồng ý mua 40 bao với số tiền 14.000.000 đồng nhưng chưa có tiền trả cho D ngay nên hẹn hôm khác trả tiền. H nhờ lái xe ông Tòng Văn T3 và chồng là Tòng Văn T4 bốc số gạo mua được lên xe đem về nhà. Trên đường về đến khu vực bản L, xã N thì bị tổ công tác Công an huyện Sốp Cộp kiểm tra và yêu cầu điều khiển xe về trụ sở Công an huyện Sốp Cộp để giải quyết.

Ngày 14/12/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sốp Cộp đã yêu cầu định giá tài sản đối với 26 bao gạo bị hỏng. Trong đó 13 bao thu giữ của H là 710 kg, đã bị ẩm ướt bốc mùi hôi thối. 13 bao gạo còn lại của T1, T2 cũng trong tình trạng đã bị ẩm ướt, bốc mùi hôi thối nhưng đã được T1 và T2 đổ xuống ao, mỗi bao gạo có khối lượng 50 kg. Kết luận định giá tài sản số 15/KL-HĐĐG ngày 19/12/2022 của Hội đồng định giá trong tố tụng huyện Sốp Cộp kết luận: “26 (hai mươi sáu) bao gạo được đề nghị định giá theo Yêu cầu định giá tài sản số 219/YC-HSKTMT ngày 14/12/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sốp Cộp là không có giá trị”.

Bản Cáo trạng số 15/CT-VKSSC ngày 29/4/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, truy tố bị cáo Nguyễn Đức D về tội Tham ô tài sản theo điểm đ khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự đối với tài sản chiếm đoạt là 40 bao gạo có tổng khối lượng 2.030,5 kg trị giá 14.213.500 đồng.

Tại phiên toà, bị cáo khai nhận hành vi như nội dung Cáo trạng truy tố. Đại diện nguyên đơn dân sự khai đã trả lại toàn bộ gạo ngoài sổ sách cho học sinh và không yêu cầu bị cáo phải bồi thường số gạo đã chiếm đoạt do số gạo trên đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sốp Cộp trả lại cho Nhà trường. Những người làm chứng có mặt tại phiên tòa xác nhận nội dung vụ việc như cáo trạng truy tố và không khai báo thêm nội dung gì khác.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Sốp Cộp trình bày luận tội giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Nguyễn Đức D về tội Tham ô tài sản và đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng điểm đ khoản 2, khoản 5 Điều 353; điểm s, v khoản 1 khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 54; Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm; cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý trường học 1 năm. Về xử lý vật chứng, áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự; khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, trả lại chiếc điện thoại SAMSUNG GALAXY Note 9 cho bị cáo. Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng.

Ý kiến của bị cáo: Nhất trí với luận tội của đại diện Viện kiểm sát, không có tranh luận gì thêm và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra Công an huyện Sốp Cộp, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sốp Cộp, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố: đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia Tố tụng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo, tại phiên tòa, Nguyễn Đức D khai: Từ đầu năm học 2021 - 2022, với chức vụ là Hiệu trưởng, Trưởng ban Quản lý nấu ăn, D đã chỉ đạo T1 và T2 giảm bớt số lượng gạo cấp cho nhà bếp để nấu ăn cho học sinh theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP, trong khi đó vẫn lập phiếu xuất kho theo đúng định mức mà Ban Quản lý nấu ăn của nhà trường quy định. Mục đích của D là vừa để tránh lãng phí do học sinh không ăn hết theo định mức mà Ban Quản lý nấu ăn của nhà trường quy định (0,3kg/học sinh/bữa), vừa để chiếm đoạt số gạo thừa để ngoài sổ sách. Sáng ngày 22/8/2022, sau khi xử lý 26 bao gạo bị ngấm nước và hư hỏng, D đã tự ý bán cho Tòng Thị H (là nhân viên nấu ăn, tham gia dọn dẹp kho) 40 bao gạo với giá 350.000 đồng/01 bao loại 50 kg (7.000 đồng/kg), thành tiền là 14.000.000 đồng. H chưa có tiền trả cho D ngay nên hẹn hôm khác trả tiền. Số tiền nêu trên D có ý định chiếm đoạt riêng. Ngoài D và H, không có ai khác biết việc mua bán 40 bao gạo. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của Tòng Thị H, phù hợp với các biên bản kiểm tra, biên bản làm việc, biên bản khám nghiệm hiện trường, kết luận giám định, lời khai của đại diện nguyên đơn dân sự và những người làm chứng.

[3] Bị cáo Nguyễn Đức D có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, biết rõ số gạo nêu trên Nhà nước hỗ trợ cho học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán 40 bao gạo có khối lượng 2.030,5 kg trị giá 14.213.500 đồng cho Tòng Thị H. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sốp Cộp truy tố bị cáo về tội Tham ô tài sản theo điểm đ khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[4] Về hành vi của Tòng Văn T1 và Tòng Văn T2: T1 và T2 là nhân viên bảo vệ kiêm thủ kho của nhà trường. T1 và T2 đã giảm số lượng gạo nấu ăn cho học sinh trong khi vẫn lập phiếu xuất kho theo đúng định mức theo sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Đức D. T1 và T2 cho rằng nếu cấp đủ định mức gạo thì sẽ thừa nhiều cơm gây lãng phí nên nghe theo sự chỉ đạo của D. Khi chỉ đạo, D không nói mục đích chiếm đoạt và không hứa cho T2 và T1 lợi ích gì từ việc làm trên. T1 và T2 không biết mục đích chiếm đoạt của D và chỉ nghĩ là sẽ trả lại học sinh hoặc chuyển sang năm học tiếp theo. Toàn bộ số gạo dư thừa vẫn để trong nhà kho của nhà trường. Do vậy, hành vi của Tòng Văn T1 và Tòng Văn T2 không cấu thành tội phạm.

[5] Về hành vi của Tòng Thị H: H là nhân viên nấu ăn của nhà trường. Khi đặt vấn đề mua 40 bao gạo, H cho rằng nếu cứ để trong kho thì số gạo đó cũng sẽ bị hỏng do bị ẩm mốc vì số gạo này để gần 26 bao gạo đã bị hỏng do ngập nước. Mục đích H mua 40 bao gạo về chỉ để nấu rượu tại gia đình. H không biết D bán 40 bao gạo đó để chiếm đoạt mà cho rằng D sẽ dùng số tiền đó bù vào số gạo hỏng cấp phát cho học sinh. Do vậy, hành vi của Tòng Thị H không cấu thành tội phạm.

[6] Về hành vi của những người khác trong Ban Quản lý nấu ăn: Ông Lường Văn Q là Phó Hiệu trưởng nhà trường kiêm Phó Trưởng ban quản lý nấu ăn, phụ trách bán trú tiểu học và bà Nguyễn Thu H là Phó Hiệu trưởng nhà trường kiêm Phó Trưởng ban quản lý nấu ăn, phụ trách bán trú trung học cơ sở. Ông Q và bà H đã ký vào bản công khai tài chính hàng ngày trên cơ sở phiếu xuất gạo của thủ kho nhưng không trực tiếp kiểm tra hoặc chỉ đạo kiểm tra lượng gạo thực tế so với lượng gạo trên phiếu xuất kho. Bà Tòng Thị T là kế toán nhà trường, hàng ngày bà T lập bản công khai tài chính dựa trên phiếu xuất kho của Tòng Văn T1, Tòng Văn T2 để trình ông Lường Văn Q, bà Nguyễn Thu H ký. Bà Đặng Như Q, ông Tòng Văn T5, ông Tòng Văn H là giáo viên kiêm thành viên Ban Quản lý nấu ăn, có trách nhiệm giám sát hoạt động của Ban Quản lý bán trú nhưng do bận công tác chuyên môn nên không thường xuyên kiểm tra, giám sát việc xuất gạo hàng ngày. Các giáo viên chủ nhiệm cùng học sinh, phụ huynh đại diện các lớp đã ký vào phiếu xuất kho gạo nhưng không kiểm tra, giám sát việc xuất gạo không đúng với số lượng trên phiếu xuất kho. Bà Tòng Thị T, bà Tòng Thị H là nhân viên nấu ăn, hàng ngày nhận bàn giao gạo từ thủ kho nhưng không ghi chép lại số lượng gạo nhận hàng ngày và vẫn ký nhận vào phiếu xuất kho. Hành vi của các thành viên Ban Quản lý nấu ăn như đã nêu ở trên là chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, ông Q, bà H, bà T, bà Q cùng các thành viên không biết việc bị cáo chỉ đạo giảm bớt lượng gạo so với định mức và việc bị cáo bán 40 bao gạo cho Tòng Thị H để chiếm đoạt. Do vậy, hành vi của ông Q, bà H và bà T và các thành viên Ban Quản lý nấu ăn không cấu thành tội phạm.

[7] Đối với ông Tòng Văn T3 là người chở thuê gạo cho Tòng Thị H, ông T3 không biết việc chiếm đoạt tài sản của bị cáo mà chỉ vận chuyển thuê nên hành vi của ông T3 không cấu thành tội phạm. Đối với 26 bao gạo bị ngấm nước và hư hỏng do nhà kho bị ngập nước mưa, bị cáo và 02 Phó Trưởng ban quản lý nấu ăn đã thống nhất cho nhân viên thủ kho và nhân viên nấu ăn để làm thức ăn chăn nuôi. Trong đó 13 bao gạo đã được T1 và T2 cho cá ăn, 13 bao thu của Tòng Thị H đã được cơ quan điều tra trả lại cho nhà trường. Hội đồng xét xử xét thấy đây là số gạo bị hỏng do thiên tai, theo kết quả định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng huyện Sốp Cộp, số gạo này là không có giá trị. Do đó, việc xử lý số gạo như trên là có căn cứ.

[8] Về nhân thân, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo đã thành khẩn khai nhận tội và ăn năn hối cải về hành vi của mình. Bị cáo là người có thành tích xuất sắc trong công tác, nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tặng thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua và nhiều hình thức khen thưởng như Giấy khen, Bằng khen. Được đại diện Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở N nơi công tác đề nghị giảm mức hình phạt. Bị cáo có bố vợ là ông Đào Trọng N là thương binh hạng ¾, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba. Do vậy, bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s, v khoản 1; khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo có ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 và có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Trước khi phạm tội, bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự. Trong quá trình sinh sống tại địa phương, bị cáo chấp hành tốt chính sách, pháp luật, có nơi cư trú rõ ràng. Vì thế, không cần thiết buộc bị cáo chấp hành hình phạt tù mà vẫn bảo đảm việc giáo dục, răn đe đối với bị cáo và phòng ngừa chung, thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật, tạo điều kiện để bị cáo tự cải tạo, trở thành công dân có ích cho xã hội. Đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện về việc cho bị cáo được hưởng án treo là có căn cứ chấp nhận.

[9] Về hình phạt bổ sung: Khoản 5 Điều 353 Bộ luật Hình sự quy định “Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản". Hội đồng xét xử xét xét thấy theo kết quả điều tra xác định bị cáo không có tài sản có giá trị lớn, thu nhập từ lương, tài sản bị cáo chiếm đoạt có giá trị 14.213.500 đồng và đã được hoàn trả lại cho nguyên đơn dân sự. Do vậy, đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện về việc cấm đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý trường học đối với bị cáo và không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc tịch thu tài sản đối với bị cáo là có căn cứ.

[8] Về trách nhiệm dân sự: Người đại diện nguyên đơn dân sự xác nhận đã nhận lại 40 bao gạo mà bị cáo chiếm đoạt và không yêu cầu bị cáo bồi thường gì thêm. Số gạo 4.351,5kg trị giá 30.460.500 đồng dư thừa do học sinh không ăn hết định lượng của năm học 2021-2022 vẫn còn trong kho đã được nhà trường cấp phát cho học sinh. Do vậy, Hội đồng xét xử không xem xét về trách nhiệm dân sự của bị cáo.

[9] Về xử lý vật chứng: Cơ quan điều tra đã trả lại chiếc xe ô tô biển kiểm soát 26K-7030 cho ông Tòng Văn T3 (theo Quyết định xử lý vật chứng số 08/QĐ- HSKTMT ngày 20/9/2022) và trả cho nguyên đơn dân sự 53 bao gạo (theo Quyết định xử lý vật chứng số 07/QĐ-HSKTMT ngày 12/9/2022) là có căn cứ. Đối với chiếc điện thoại nhãn hiệu Galaxy Note 9 thu giữ của bị cáo, đây là tài sản của bị cáo, không liên quan đến hành vi phạm tội nên cần trả lại cho bị cáo.

[10] Về án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Bị cáo và nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

[11] Về nơi cư trú của bị cáo, kết quả điều tra và lời khai của bị cáo tại phiên tòa xác định bị cáo và gia đình đang sinh sống tại bản C, xã S, huyện S. Do vậy, căn cứ theo Luật Cư trú, Hội đồng xét xử xác định nơi cư trú của bị cáo là nơi bị cáo đang sinh sống.

[12] Về kiến nghị khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội: Hội đồng xét xử kiến nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện S tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với học sinh của các trường học trên địa bàn huyện theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Về tội danh và hình phạt: Căn cứ điểm đ khoản 2, khoản 5 Điều 353; điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 38; Điều 65 Bộ luật Hình sự:

- Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đức D phạm tội Tham ô tài sản.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Đức D 3 (ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 (năm) năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 05/6/2023).

- Giao bị cáo Nguyễn Đức D cho Ủy ban nhân dân xã S, huyện S, tỉnh Sơn La, giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Hình sự.

- Cấm đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý trường học đối với bị cáo Nguyễn Đức D trong thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

2. Về xử lý vật chứng: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự; khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự: Trả lại cho bị cáo 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu SAMSUNG GALAXY Note 9, bên trong có các số thuê bao 0986.xxxxxx và 0988.xxxxxx, đã cũ qua sử dụng.

3. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, buộc bị cáo Nguyễn Đức D phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

4. Căn cứ Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự, bị cáo Nguyễn Đức D có quyền kháng cáo bản án, nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án về trách nhiệm dân sự trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 05/6/2023)./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

246
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tham ô tài sản số 40/2023/HS-ST

Số hiệu:40/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Sốp Cộp - Sơn La
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về