Bản án về tội tham ô tài sản số 277a/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 277A/2022/HS-PT NGÀY 05/05/2022 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Trong các ngày 28 tháng 4 và ngày 05 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 453/2021/TLPT-HS ngày 13 tháng 7 năm 2021 đối với các bị cáo Trương Văn L, Ngô Mỹ P và Nguyễn Hồng H. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 12/2021/HS-ST ngày 31-5- 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

- Bị cáo kháng cáo:

1. Trương Văn L; sinh ngày 03/3/1957; Nơi sinh: huyện K, tỉnh Sóc Trăng; Nơi cư trú: ấp A, xã M, huyện K, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Nguyên giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện K; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Trương Văn T và bà Võ Thị S; Vợ: Phạm Thị Đ; Con có 02 người, lớn nhất sinh năm 1985, nhỏ nhất sinh năm 1994; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; (có mặt)

2. Nguyễn Hồng H; sinh ngày 15/9/1965; Nơi sinh: huyện K, tỉnh Sóc Trăng; Nơi cư trú: ấp B, xã Đ1, huyện K, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Nguyên kế toán Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện K; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Thành B1 và bà Nguyễn Thị T; Vợ: Lương Thị T1; Có 01 người con sinh năm: 1989; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; (có mặt) 3. Ngô Mỹ P; sinh ngày 20/02/1980; Nơi sinh: huyện K, tỉnh Sóc Trăng; Nơi cư trú: ấp A1, thị trấn K, huyện K, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Nguyên thủ quỹ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện K; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Ngô Hữu D và bà Trần Thị S1; Chồng: Đào Văn K1; Con có 02 người, lớn nhất sinh năm: 2004, nhỏ nhất sinh năm 2006; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; (có mặt)

- Người bào chữa cho bị cáo Trương Văn L theo Luật định: Luật sư Vũ Thanh H1 – Văn phòng Luật sư Vũ Thanh H1, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng H theo Luật định: Luật sư Phạm Thị N – Văn phòng Luật sư Nam T, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)

- Người bào chữa cho bị cáo Ngô Mỹ P theo Luật định: Luật sư Huỳnh Trọng N1 – Công ty Luật TNHH Hồng Đức P1, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt) (Trong vụ án còn có những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập đến phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện K (viết tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp Công lập, có con dấu và tài khoản riêng, trực thuộc Huyện ủy và Uỷ ban nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng. Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…, kiến thức quản lý Nhà nước cho cán bộ, Đảng viên cơ sở trên địa bàn huyện (thực hiện theo Quyết định số 185-QĐ/TW, ngày 03/09/2008 của Ban Bí thư). Kinh phí hoạt động của Trung tâm do ngân sách Nhà nước cấp, bao gồm kinh phí hoạt động thường xuyên theo dự toán phân bổ ngân sách hàng năm và kinh phí hoạt động không thường xuyên theo kế hoạch đào tạo được phê duyệt.

Năm 2010 và năm 2011, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện K và Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức theo Quyết định số 167/QĐHC-CTUBND ngày 04/3/2010 và Quyết định số 266/QĐHC- CTUBND ngày 18/4/2011 của chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm lập Bản đề nghị số 08/ĐN-TTBDCT ngày 14/7/2010 và Bản đề nghị số 12/ĐN-TTBDCT ngày 12/5/2011 về việc xin cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các bộ công chức, viên chức học lớp Trung cấp Văn phòng và lớp Trung cấp Luật với mức tiền hồ trợ như sau:

- Năm 2010:

+ Đối với lớp Trung cấp Văn phòng: Tiền học phí: 2.500.000 đồng/người, tiền ăn: 25.000 đồng/người, thời gian học 88 ngày.

+ Đối với lớp Trung cấp Luật: Tiền học phí: 2.500.000 đồng/người, tiền ăn:

25.000 đồng/người, thời gian học 90 ngày.

- Năm 2011:

+ Đối với lớp Trung cấp Văn phòng: Tiền học phí: 2.400.000 đồng/người, tiền ăn: 25.000 đồng/người, thời gian học 226 ngày.

+ Đối với lớp Trung cấp Luật: Tiền học phí: 3.000.000 đồng/người, tiền ăn:

25.000 đồng/người, thời gian học 204 ngày.

Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho mở lớp, Trung tâm phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng tổ chức đào tạo tại Trung tâm 02 lớp: lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng và lớp Trung cấp Luật khóa học 2009 - 2011 dành cho cán bộ xã, thị trấn trên địa bàn huyện, lớp Trung cấp Luật có 137 học viên tham gia học, lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng có 84 học viên tham gia học, tổng số tham gia học 02 lớp 221 học viên. Trong đó, 146 học viên (50 học viên lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng và 96 học viên lớp Trung cấp Luật) được cử tham gia học 02 lớp nói trên theo Quyết định số 151 và 152 /QĐTC-CTUBND ngày 31/03/2010 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng được cấp hỗ trợ tiền ăn và tiền học phí trong thời gian học theo định mức đề nghị của Trung tâm.

Năm 2010, UBND tỉnh Sóc Trăng có Quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 10/12/2010, về việc bổ sung mục tiêu đối với ngân sách huyện K để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2010 với số tiền 697.000.000 đồng, để thực hiện các khoản chi:

* Lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng số tiền: 237.000.000 đồng.

- Tiền học phí: 2.400.000 đồng/người x 50 người = 120.000.000 đồng;

- Tiền ăn: 25.000 đồng/người/ngày x 50 người x 88 ngày = 110.000.000 đồng (định mức mỗi học viên được hỗ trợ 2.200.000 đồng/người/năm).

* Lớp Trung cấp Luật số tiền: 460.000.000 đồng.

- Tiền học phí: 2.500.000 đồng/người x 96 người = 240.000.000 đồng;

- Tiền ăn: 25.000 đồng/người/ngày x 96 người x 90 ngày = 216.000.000 đồng (định mức mỗi học viên được hỗ trợ 2.250.000 đồng/người/năm).

Năm 2011, UBND tỉnh có Quyết định số 763/QĐ-UBND ngày 29/08/2011, về việc bổ sung mục tiêu năm 2011 cho ngân sách huyện K, để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2011 số tiền 1.203.800.000 đồng, để thực hiện các khoản chi:

* Lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng số tiền: 415.300.000 đồng gồm:

- Tiền học phí: 2.400.000 đồng/người x 50 người = 120.000.000 đồng;

- Tiền ăn: 25.000 đồng/người/ngày x 50 người x 226 ngày = 282.500.000 đồng (định mức mỗi học viên được hỗ trợ 5.650.000 đồng/người/năm).

* Lớp Trung cấp Luật số tiền: 788.500.000 đồng.

- Tiền học phí: 3.000.000 đồng/người x 96 người = 288.000.000 đồng;

- Tiền ăn: 25.000 đồng/người/ngày x 96 người x 204 ngày = 489.600.000 đồng (định mức mỗi học viên được hỗ trợ 5.100.000 đồng/người/năm).

Tất cả số tiền trên UBND huyện K quyết định giao toàn bộ cho Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện phục vụ mở lớp theo các Quyết định số 849/QĐ-UB ngày 22/12/2010 về việc giao dự toán ngân sách năm 2010 và Quyết định số 842/QĐ-CTUBND, ngày 05/10/2011 về việc giao dự toán ngân sách năm 2011, giao cho Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện thực hiện.

Trong thời gian này, Trương Văn L được bổ nhiệm làm Giám đốc, Nguyễn Hồng H làm kế toán và Ngô Mỹ P làm thủ quỹ của Trung tâm. Sau khi tiếp nhận văn bản giao dự toán ngân sách của Uỷ ban nhân dân huyện K cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng và lớp Trung cấp Luật, L chỉ đạo H lập thủ tục tạm ứng trước toàn bộ kinh phí được cấp, rồi giao cho P liên hệ với Kho bạc nhà nước huyện rút tiền về nhập quỹ để cấp phát hỗ trợ tiền ăn và đóng phí cho học viên và chi phí cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Sau đó, L đã chỉ đạo H và P cấp phát tiền ăn cho học viên lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng và lớp Trung cấp Luật với số tiền thấp hơn định mức được cấp, giữ lại số tiền ăn của những ngày không học theo dự toán đã được duyệt và tiền đóng học phí đối với 08 học viên không tham gia học nhằm chiếm đoạt số tiền chênh lệch chia nhau tiêu xài, cụ thể:

* Trong năm 2010:

1- Lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng với 50 học viên:

+ Định mức tiền ăn ngân sách cấp cho mỗi học viên (hv) là: 25.000 đồng/ngày x 88 ngày x 50 hv = 110.000.000 đồng.

+ Thực cấp tiền ăn của mỗi học viên theo danh sách lập ngày 28/12/2010 là:

1.020.000 đồng/hv x 49 hv = 49.980.000 đồng.

+ Số tiền ăn chênh lệch giữa định mức với số tiền thực cấp là 110.000.000 đồng – 49.980.000 đồng = 60.020.000 đồng.

+ Số tiền học phí chênh lệch giữa định mức với thực cấp là: 50 hv (định mức) - 49 hv (thực cấp) = 01 hv = 2.400.000 đồng (chênh lệch 01 học viên không tham gia học theo danh sách được duyệt cấp hỗ trợ tiền học phí) => Tổng số tiền ăn và tiền học phí chênh lệch là 62.420.000 đồng (tiền ăn 60.020.000 đồng, tiền học phí 2.400.000 đồng).

2 - Lớp Trung cấp Luật với 96 học viên:

+ Định mức tiền ăn ngân sách cấp cho mỗi học viên (hv) là: 25.000 đồng/ngày x 90 ngày x 96 hv = 216.000.000 đồng.

+ Thực cấp tiền ăn của mỗi học viên theo danh sách lập ngày 28/12/2010 là:

1.425.000 đồng/hv x 89 hv = 126.825.000 đồng.

+ Số tiền ăn chênh lệch giữa định mức với số tiền thực cấp là: 216.000.000 đồng – 126.825.000 đồng = 89.175.000 đồng.

+ Số tiền học phí chênh lệch giữa định mức với thực cấp là: 96 hv (định mức) - 89 hv (thực cấp) = 07 hv (không theo học) x 2.500.000 đồng = 17.500.000 đồng.

=> Tổng số tiền ăn và tiền học phí chênh lệch là 106.675.000 đồng (tiền ăn 89.175.000 đồng, tiền học phí 17.500.000 đồng).

Như vậy, các bị cáo đã giữ lại số tiền ăn và tiền học phí của 146 học viên lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng và lớp Trung cấp Luật trong năm 2010 là 169.095.000 đồng (1).

* Trong năm 2011:

1- Lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng với 50 học viên:

+ Định mức tiền ăn ngân sách cấp cho mỗi học viên (hv) là: 25.000 đồng/ngày x 226 ngày x 50 hv = 282.500.000 đồng.

+ Thực cấp tiền ăn của mỗi học viên theo danh sách lập ngày 23/10/2011 là:

1.625.000 đồng/hv x 49 hv = 79.625.000 đồng.

+ Số tiền ăn chênh lệch giữa định mức với số tiền thực cấp là: 282.500.000 đồng - 79.625.000 đồng = 202.875.000 đồng.

+ Số tiền học phí chênh lệch giữa định mức với thực cấp là: 50 hv (định mức) - 49 hv (thực cấp) = 2.400.000 đồng (01 học viên không tham gia học) => Tổng số tiền ăn và tiền học phí chênh lệch là 205.275.000 đồng (Trong đó, tiền ăn 202.875.000 đồng, tiền học phí 2.400.000 đồng).

2- Lớp Trung cấp Luật với 96 học viên:

+ Định mức tiền ăn ngân sách cấp cho mỗi học viên (hv) là: 25.000 đồng/ngày x 204 ngày x 96 hv = 489.600.000 đồng.

+ Thực cấp tiền ăn của mỗi học viên theo danh sách lập ngày 21/10/2011 là 450.000 đồng/hv x 86 hv = 38.700.000 đồng.

+ Số tiền ăn chênh lệch giữa định mức với số tiền thực cấp là: 489.600.000 đồng - 38.700.000 đồng = 450.900.000 đồng.

+ Số tiền học phí chênh lệch giữa định mức với thực cấp là: 96 hv (định mức) - 86 hv (thực cấp) = 10 hv (không theo học) x 3.000.000 đồng = 30.000.000 đồng.

=> Tổng số tiền ăn và tiền học phí chênh lệch là 480.900.000 đồng (Trong đó, tiền ăn 450.900.000 đồng, tiền học phí 30.000.000 đồng).

Như vậy, L, H, P đã giữ lại số tiền ăn và tiền học phí của 146 học viên lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng và lớp Trung cấp Luật trong năm 2011 là 686.175.000 đồng (2).

Trong 02 năm 2010 và 2011, L, H, P đã giữ lại số tiền ăn và tiền học phí của 146 học viên 02 lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng và lớp Trung cấp Luật là: (1) + (2) = 855.270.000 đồng.

Để không bị Kho bạc nhà nước và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện và các cơ quan khác phát hiện hành vi sai phạm nhưng vẫn có đủ chứng từ hợp lệ quyết toán được toàn bộ số tiền ngân sách đã cấp phát, Trương Văn L chỉ đạo Nguyễn Hồng H và Ngô Mỹ P không lấy các danh sách thực cấp phát tiền ăn và đóng tiền học phí của học viên để quyết toán mà lập 08 danh sách khống (04 danh sách nhận tiền ăn, 04 danh sách nộp tiền học phí) và chỉ đạo H, P trực tiếp ký giả chữ ký nhận tiền của 146 học viên trên 08 danh sách này với số tiền mỗi học viên nhận đúng định mức cho phù hợp với số tiền được cấp của nhà nước. Sau đó, dùng 08 danh sách khống này làm chứng từ quyết toán, cụ thể gồm:

1- Danh sách học viên lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng (tiền ăn) ngày 17/12/2010, tổng số tiền 110.000.000 đồng.

2- Danh sách học viên nộp học phí lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng ngày 29/12/2010, tổng số tiền 120.000.000 đồng.

3- Danh sách học viên lớp Trung cấp Luật (tiền ăn) ngày 17/12/2010, tổng số tiền 216.000.000 đồng.

4- Danh sách học viên nộp học phí lớp Trung cấp Luật ngày 29/12/2010, tổng số tiền 240.000.000 đồng.

5- Danh sách học viên lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng (tiền ăn) ngày 15/12/2011, tổng số tiền 282.500.000 đồng.

6- Danh sách học viên lớp Trung cấp Luật (tiền ăn) năm 2011, ngày 15/12/2011, tổng số tiền 489.600.000 đồng.

7- Danh sách học viên nộp học phí lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng năm 2011, ngày 15/12/2011, tổng số tiền 120.000.000 đồng.

8- Danh sách học viên nộp học phí lớp Trung cấp Luật năm 2011, ngày 15/12/2011, tổng số tiền 288.000.000 đồng.

Số tiền 855.270.000 đồng sau khi đã bớt xén để lại, L giao cho P trực tiếp quản lý và chỉ được sử dụng khi có ý kiến chỉ đạo của L, cụ thể L, H, P đã sử dụng như sau:

- Năm 2010, số tiền đã giữ lại 169.095.000 đồng, L chỉ đạo cho P giao tiền mặt 01 lần số tiền 167.995.000 đồng để L sử dụng tiêu xài. L cho H 02 tháng lương 4.800.000 đồng, ủng hộ cho nhà chùa, cho H tiếp khách 6.400.000 đồng (toàn bộ các khoản thanh toán này không có chứng từ gì chứng minh), L tiêu xài cá nhân 156.795.000 đồng (trả tiền nợ quán, tiền mượn, tiếp khách…), số tiền còn lại 1.100.000 đồng L cho P thanh toán mua card điện thoại cá nhân P 600.000 đồng và cho ông Thái Hùng S2 (quản lý 02 lớp học) 500.000 đồng.

- Năm 2011, số tiền đã giữ lại 686.175.000 đồng, L thỏa thuận với H và P chia cho cá nhân tiêu xài theo tỷ lệ phần trăm bảng lương của từng người. Sau khi thống nhất, L làm giấy chia tiền cho 03 người, rồi giao giấy này cho P chia tiền mặt cho từng người, cụ thể: L nhận số tiền 229.169.600 đồng (tương ứng với tỷ lệ 51.04% tiền lương), H nhận số tiền 134.295.900 đồng (tương ứng với tỷ lệ 29,91% tiền lương), P nhận số tiền 85.534.500 đồng (tương ứng với tỷ lệ 19,05% tiền lương), tổng số tiền đã chia cho L, H, P là 449.000.000 đồng. Sau khi chia tiền xong, L chỉ đạo cho P giao cho L 207.243.000 đồng để L sử dụng cho mục đích tiêu xài như: trả tiền nợ quán, tiền mượn, tiếp khách, cho cán bộ hưu…(toàn bộ các khoản thanh toán này không có chứng từ gì chứng minh); số tiền còn lại 29.932.000 đồng, L chỉ đạo thanh toán tiền điện, nước, điện thoại và một số hoạt động khác của Trung tâm 26.332.000 đồng; cho H 2.700.000 đồng và cho P 900.000 đồng trả tiền mua card điện thoại.

Trong quá trình điều tra vụ án, các học viên đều xác định các chữ ký nhận tiền trong 08 danh sách nhận tiền ăn và nộp tiền học phí do Cơ quan điều tra thu giữ của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị không phải là chữ ký nhận của các học viên và số tiền trên các danh sách học viên không có nhận. L, H, P thừa nhận đã thực hiện hành vi cấp phát hỗ trợ tiền ăn và đóng tiền học phí không đúng định mức quy định, lập 08 danh sách nhận tiền ăn và nộp tiền học phí, ký giả mạo chữ ký của tất cả các học viên lớp Trung cấp Thư ký Văn Phòng và lớp Trung cấp Luật khóa học 2010 – 2011, để lập khống chứng từ thanh toán với Kho bạc Nhà nước và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền chênh lệch để tiêu xài cá nhân và dành lại một phần chi phí cho hoạt động của Trung tâm.

Từ kết quả điều tra đã chứng minh được Trương Văn L, Nguyễn Hồng H và Ngô Mỹ P là người có chức vụ, quyền hạn, được giao trực tiếp quản lý nguồn kinh phí của ngân sách Nhà nước cấp tiền ăn và tiền học phí cho 146 học viên lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng và lớp Trung cấp Luật của Trung tâm, nhưng vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình cấu kết với nhau giả mạo chữ ký, lập khống chứng từ quyết toán, bớt xén tiền ăn và tiền học phí của học viên trong năm 2010 và năm 2011 để chiếm đoạt tiêu xài cá nhân. Hành vi của L, H, P đã làm mất uy tín của Trung tâm, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, với tổng số tiền 855.270.000 đồng. Trong đó, L, H, P chiếm đoạt sử dụng cá nhân 828.938.000 đồng, sử dụng cho tập thể 26.332.000 đồng.

Tại Bản Cáo trạng số 03/CT-VKSST-P1 ngày 29/12/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã truy tố các bị cáo Trương Văn L, Nguyễn Hồng H và Ngô Mỹ P về tội “Tham ô tài sản” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 12/2021/HS-ST ngày 31-5-2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã quyết định:

Căn cứ vào điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 353; điểm g khoản 1 Điều 52; điểm b, s, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Trương Văn L.

Căn cứ vào điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 353; điểm g khoản 1 Điều 52;

điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 2 Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Nguyễn Hồng H.

Căn cứ vào điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 353; điểm g khoản 1 Điều 52;

điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 2 Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Ngô Mỹ P.

Tuyên bố: Các bị cáo Trương Văn L, Nguyễn Hồng H và Ngô Mỹ P phạm tội “Tham ô tài sản”.

1. Xử phạt bị cáo Trương Văn L 07 (bảy) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo tự nguyện thi hành án hoặc bắt bị cáo thi hành án.

Cấm bị cáo Trương Văn L đảm nhiệm chức vụ 03 (ba) năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

2. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hồng H 04 (bốn) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo tự nguyện thi hành án hoặc ngày bắt bị cáo thi hành án.

Cấm bị cáo Nguyễn Hồng H đảm nhiệm chức vụ 02 (hai) năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

3. Xử phạt bị cáo Ngô Mỹ P 02 (hai) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo tự nguyện thi hành án hoặc ngày bắt bị cáo thi hành án.

Cấm bị cáo Ngô Mỹ P đảm nhiệm chức vụ 01 (một) năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Cùng ngày 14/6/2021, bị cáo Nguyễn Hồng H có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt; bị cáo Ngô Mỹ P kháng cáo xin được miễn hình phạt hoặc được hưởng án treo.

Ngày 15/6/2021, bị cáo Trương Văn L kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo Trương Văn L thừa nhận hành vi phạm tội, chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có nhiều cống hiến, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng; bị cáo phạm tội do không am hiểu pháp luật; có mẹ nuôi là bà Nguyễn Thị Nuôi là Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Quá trình giải quyết vụ án, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; hiện nay hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, bị cáo mắc nhiều bệnh hiểm nghèo như: Đái tháo đường type 2, tăng huyết áp giai đoạn 2, thoát vị đĩa đệm.

Người bào chữa cho bị cáo Trương Văn L là Luật sư Vũ Thanh H1 phát biểu ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo L vì bị cáo phạm tội lần đầu, đã khắc phục toàn bộ hậu quả, gia đình bị cáo có công với cách mạng, bản thân bị cáo được tặng nhiều bằng khen, quá trình điều tra luôn thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và hiện nay bị cáo đang bị bệnh nặng.

Bị cáo Nguyễn Hồng H thừa nhận hành vi phạm tội, chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo với lý do bị cáo chỉ là cấp dưới thực hiện theo sự chỉ đạo của Giám đốc là bị cáo L, số tiền chiếm đoạt cũng do bị cáo L phân chia chứ bị cáo không chiếm đoạt riêng; hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, đơn chiếc; gia đình bị cáo có công với cách mạng được tặng thưởng huân chương; bản thân bị cáo cũng đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng H là Luật sư Phạm Thị N phát biểu ý kiến: Ngoài những tình tiết giảm nhẹ cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng, bị cáo H còn có những tình tiết khác như mẹ là bà Nguyễn Thị The là người có công với cách mạng, bị tù đày; bị cáo có nhiều đóng góp cho Trung tâm bồi dưỡng chính trị; bản thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra; bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, số tiền hưởng lợi của bị cáo ít hơn rất nhiều so với bị cáo L. Vụ án xảy ra từ năm 2011, bị cáo tại ngoại đã 10 năm nhưng thái độ cải tạo rất tốt, không vi phạm pháp luật. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo.

Bị cáo Ngô Mỹ P kháng cáo cho rằng bị cáo không phạm tội tham ô tài sản do không có trao đổi, bàn bạc gì với các bị cáo L và H mà chỉ làm theo yêu cầu của cấp trên và không hưởng lợi gì, số tiền 87.270.000 đồng chỉ là tiền bị cáo được cho mượn, không phải được chia, và đã được bị cáo trả lại nên yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét lại và miễn hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.

Người bào chữa cho bị cáo Ngô Mỹ P là Luật sư Huỳnh Trọng N1 phát biểu ý kiến: Bị cáo P không thỏa thuận, bàn bạc với các bị cáo L và bị cáo H mà chỉ phạm tội do chịu sự chi phối bởi quan hệ cấp trên cấp dưới nên phải thực hiện theo yêu cầu của lãnh đạo. Bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, đã khắc phục hậu quả, có 2 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm: Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo về tội “Tham ô tài sản” và xử phạt bị cáo L 07 năm tù, bị cáo H 04 năm tù và bị cáo P 02 năm tù là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo L, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo của bị cáo H, các bị cáo không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ chấp nhận.

Xét kháng cáo của bị cáo P, bị cáo cho rằng chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, không có tham gia thỏa thuận, bàn bạc với bị cáo L và H. Tuy nhiên, các lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra đều thể hiện bị cáo có thỏa thuận với bị cáo H thực hiện hành vi ký giả chữ ký của học viên để giúp bị cáo L chiếm đoạt tài sản, bị cáo cũng được bị cáo L chia 87.270.000 đồng từ số tiền chiếm đoạt nên bản án của Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Tham ô tài sản” là đúng người đúng tội nên kháng cáo này của bị cáo không có cơ sở chấp nhận.

Đối với kháng cáo xin miễn hình phạt hoặc hưởng án treo, bị cáo P có vai trò giúp sức tích cực và thuộc trường hợp phạm tội từ hai lần trở lên nên không đủ điều kiện được miễn hình phạt và hưởng án treo theo quy định pháp luật.

Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Trương Văn L, Nguyễn Hồng H đã thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã nêu. Bị cáo Ngô Mỹ P không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, lời khai nhận của bị cáo L, bị cáo H là phù hợp với nhau và phù hợp lời khai trước đây của cả 03 bị cáo tại cơ quan điều tra, với lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra đã thu thập được, qua đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm có đủ cơ sở để xác định như sau:

[2.1] Trong năm 2010, 2011, các bị cáo Trương Văn L, Nguyễn Hồng H, Ngô Mỹ P là người có chức vụ, quyền hạn của Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện K (L là Giám đốc trung tâm, H là Kế toán, P là Thủ quỹ). Các bị cáo đều biết rõ Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng bổ sung ngân sách và được Ủy ban nhân dân huyện K giao trực tiếp quản lý nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước, để cấp tiền ăn và tiền học phí cho 146 học viên lớp Trung cấp Thư ký Văn phòng và lớp Trung cấp Luật. Tuy nhiên, vì vụ lợi nên các bị cáo đã bớt xén chế độ tiền ăn của học viên trong những ngày không học (dù theo dự toán được duyệt là có học) và tiền học phí của học viên không tham gia học, sau đó L chỉ đạo P và H giả mạo chữ ký của học viên, lập danh sách cấp phát tiền khống để quyết toán với Kho bạc nhà nước và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, qua đó chiếm đoạt tổng số tiền 828.938.000 đồng của ngân sách nhà nước để chia nhau tiêu xài cá nhân, trong đó: L được chia tổng số tiền 600.107.600 đồng; H được chia 141.795.900 đồng, và P được chia 87.270.000 đồng.

[2.2] Trong vụ án này, các bị cáo cùng thống nhất thực hiện hành vi phạm tội, nhưng giữa các bị cáo không có sự cấu kết chặt chẽ nên thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn. Trong đó, bị cáo L giữ vai trò chủ mưu, các bị cáo H và P giữ vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo L chiếm đoạt tài sản.

[2.3] Hành vi của các bị cáo Trương Văn L, Nguyễn Hồng H và Ngô Mỹ P được thực hiện trong các năm 2010 và 2011 nên đã cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 278 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, đến ngày 29/12/2020 các bị cáo mới bị truy tố để xét xử. Tại khoản 3 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định mức hình phạt nhẹ hơn khoản 4 Điều 278 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đối với cùng hành vi phạm tội nên bản án của Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng người, đúng tội và phù hợp với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội về việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[3] Xét thấy, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản và hoạt động đúng đắn của tổ chức xã hội; vì vậy cần phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

[4] Khi lượng hình đối với các bị cáo, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:

[4.1] Các tình tiết tăng trách nhiệm hình sự:

Bị cáo L đã cùng bị cáo H và bị cáo P thực hiện hành vi phạm tội trong các năm 2010 và 2011, mỗi lần chiếm đoạt với số tiền trên 2.000.000 đồng nên thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Do đó, cả 3 bị cáo đều phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này.

[4.2] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

[4.2.1] Các bị cáo đã thành khẩn khai báo; sau khi bị phát hiện hành vi phạm tội đã trả đủ cho học viên và nộp lại số tiền mà các bị cáo đã chiếm đoạt; bản thân các bị cáo có nhân thân tốt. Do đó, các bị cáo L, H, P đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[4.2.2] Riêng bị cáo L có nhiều bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy Sóc Trăng các năm 2009, 2011, 2012; có cha là ông Trương Văn T là người có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[4.2.3] Bị cáo H có cha là ông Nguyễn Văn B1 tham gia kháng chiến chống Mỹ được tặng thưởng huân chương nên được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[5] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Văn L.

Khi lượng hình, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét vai trò chủ mưu của bị cáo trong vụ án, áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu tại các mục [4.1], [4.2.1], [4.2.2], đồng thời áp dụng khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để quyết định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng và tuyên phạt bị cáo 07 năm tù, bằng mức khởi điểm của khung hình phạt tại khoản 2 Điều 353 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là nhẹ và có lợi cho bị cáo. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo cung cấp giấy khen Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng của bà Nguyễn Thị N2 là mẹ nuôi của bị cáo và đơn xin miễn, giảm trách nhiệm hình sự có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã X về việc bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, mắc nhiều bệnh, gia đình có nhiều đóng góp cho địa phương. Tuy nhiên, các tình tiết này đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét áp dụng và cũng không làm thay đổi đáng kể tính chất của hành vi phạm tội do bị cáo thực hiện nên kháng cáo của bị cáo không có cơ sở chấp nhận.

[6] Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Hồng H.

Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu tại các mục [4.1], [4.2.1] và [4.2.3] đối với bị cáo, và áp dụng khoản 2 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để quyết định mức hình phạt 04 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng cho bị cáo là phù hợp với vai trò, tính chất và mức độ thực hiện tội phạm của bị cáo. Bị cáo kháng cáo nhưng không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ nào mới mà bản án của Tòa án cấp sơ thẩm chưa áp dụng nên không có cơ sở chấp nhận.

[7] Xét kháng cáo của bị cáo Ngô Mỹ P cho rằng không phạm tội tham ô tài sản và xin được miễn hình phạt hoặc hưởng án treo.

[7.1] Bị cáo P cho rằng không thỏa thuận, bàn bạc với các bị cáo L và H trong việc phạm tội mà chỉ làm theo yêu cầu của lãnh đạo và không hưởng lợi gì, số tiền 87.270.000 là tiền bị cáo được cho mượn chứ không phải được bị cáo L chia. Tuy nhiên, lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra thể hiện, bị cáo thừa nhận có bàn bạc với H ký giả chữ ký của các học viên nhằm mục đích chiếm đoạt tiền chênh lệch Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện K còn giữ lại không cấp cho học viên, biết số tiền 87.270.000 là tiền chiếm đoạt của Trung tâm chia cho bị cáo và nhận thức được việc bị cáo làm là vi phạm pháp luật (bút lục 1472-1473, 1476 – 1477). Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo cũng thừa nhận Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội “Tham ô tài sản” là đúng. Do đó, kháng cáo của bị cáo P cho rằng không phạm tội “Tham ô tài sản” là không có căn cứ chấp nhận.

[7.2] Khi lượng hình, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu tại các mục [4.1] và [4.2.1] đối với bị cáo; ngoài ra, còn áp dụng khoản 2 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để quyết định mức hình phạt 02 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với bị cáo là phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do bị cáo thực hiện.

[7.3] Đối với kháng cáo yêu cầu miễn hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo. Xét thấy, bị cáo P có vai trò giúp sức tích cực trong vụ án, phạm tội vì động cơ vụ lợi và thuộc trường hợp phạm tội từ 02 lần trở lên nên không đủ điều kiện được miễn hình phạt hoặc cho hưởng án treo theo quy định của pháp luật. Do vậy, kháng cáo này của bị cáo P là không có cơ sở.

[8] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo cũng như đề nghị của những người bào chữa, và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh là có căn cứ chấp nhận.

[9] Ngoài ra, về lý lịch của các bị cáo, theo các lý lịch bị can (BL 41, 64, 84) và phần thẩm tra công khai tại phiên tòa phúc thẩm, có cơ sở xác định bị cáo Trương Văn L có nơi cư trú là ấp A, xã M, huyện K, tỉnh Sóc Trăng; bị cáo Nguyễn Hồng H có nơi cư trú là ấp B, xã Đ1, huyện K, tỉnh Sóc Trăng; bị cáo Ngô Mỹ P có nơi cư trú là ấp A1, thị trấn K, huyện K, tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, tại phần lý lịch của các bị cáo tại Bản án sơ thẩm lại thể hiện đơn vị hành chính cấp tỉnh tại phần nơi cư trú là tỉnh Sóc Tăng là chưa chính xác nên cần sửa lại cho đúng với lý lịch tư pháp của các bị cáo.

[10] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị phát sinh hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[11] Án phí hình sự phúc thẩm: các bị cáo Trương Văn L, Nguyễn Hồng H và Ngô Mỹ P phải chịu theo quy định pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trương Văn L, Nguyễn Hồng H và Ngô Mỹ P. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 12/2021/HS-ST ngày 31-5-2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

[1] Tuyên bố: Các bị cáo Trương Văn L, Nguyễn Hồng H và Ngô Mỹ P phạm tội “Tham ô tài sản”.

[2] Căn cứ vào điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 353; điểm g khoản 1 Điều 52; điểm b, s, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Trương Văn L.

Xử phạt bị cáo Trương Văn L 07 (bảy) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo tự nguyện thi hành án hoặc bắt bị cáo thi hành án.

Cấm bị cáo Trương Văn L đảm nhiệm chức vụ 03 (ba) năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

[3] Căn cứ vào điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 353; điểm g khoản 1 Điều 52;

điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 2 Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Nguyễn Hồng H.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Hồng H 04 (bốn) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo tự nguyện thi hành án hoặc ngày bắt bị cáo thi hành án.

Cấm bị cáo Nguyễn Hồng H đảm nhiệm chức vụ 02 (hai) năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

[4] Căn cứ vào điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 353; điểm g khoản 1 Điều 52;

điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 2 Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Ngô Mỹ P.

Xử phạt bị cáo Ngô Mỹ P 02 (hai) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo tự nguyện thi hành án hoặc ngày bắt bị cáo thi hành án.

Cấm bị cáo Ngô Mỹ P đảm nhiệm chức vụ 01 (một) năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

[5] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị phát sinh hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[6] Án phí hình sự phúc thẩm: các bị cáo Trương Văn L, Nguyễn Hồng H và Ngô Mỹ P mỗi bị cáo phải chịu 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

490
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tham ô tài sản số 277a/2022/HS-PT

Số hiệu:277a/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/05/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về