TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
BẢN ÁN 24/2023/HS-PT NGÀY 12/05/2023 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN
Ngày 12 tháng 5 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 15/2023/TLPT-HS ngày 20 tháng 02 năm 2023 đối với các bị cáo Đinh Văn Q, Lâm Bích C, Thượng Thị Kim N do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 02/2023/HS-ST ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bến Tre.
Bị cáo có kháng cáo:
1. Đinh Văn Q, sinh năm: 1963 tại tỉnh Bến Tre; nơi cư trú: Số 074/AP2, ấp 2, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; nghề nghiệp: giáo viên; trình độ văn hóa: lớp 12/12; con ông Đinh Văn Ư và bà Lê Thị Đ; vợ: Đinh Thị Ngọc A; có 02 người con, lớn sinh năm: 1990, nhỏ sinh năm: 1994; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại, có mặt;
2. Lâm Bích C, sinh năm: 1983 tại tỉnh Bến Tre; nơi cư trú: Số 24, đường N, Khu phố 1, thị trấn B, huyện B, tỉnh Bến Tre; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: không; nghề nghiệp: nội trợ; trình độ văn hóa: lớp 12/12; con ông Lâm Ngọc V và bà Nguyễn Thị Thu H; chồng: Lê Văn T; có 03 người con, lớn nhất sinh năm: 2006, nhỏ sinh năm: 2012; tiền án, tiền sự: không; nhân thân: Tại Bản án số 24/2019/HS-PT ngày 07/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xử phạt 01 (một) năm tù về “Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” (chấp hành xong bản án ngày 22/01/2020); bị cáo tại ngoại, có mặt;
3. Thượng Thị Kim N, sinh năm: 1989 tại tỉnh Bến Tre; nơi cư trú: Số 205/18, đường số 1, Phường 3, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh; Chỗ ở hiện nay: Số 8A, đường T, Khu phố 4, thị trấn B, huyện B, tỉnh Bến Tre; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: không; nghề nghiệp: giáo viên; trình độ văn hóa: lớp 12/12; con ông Thượng Sĩ N và bà Lý Mỹ L; chồng: Hồ Công T; có 01 người con sinh năm: 2016; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại, có mặt;
- Người bào chữa cho bị cáo Đinh Văn Q:
1. Ông Nguyễn Văn T- Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre. (vắng mặt)
2. Ông Lê Văn M- Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre. (có mặt)
- Người bào chữa cho bị cáo Lâm Bích C: Ông Nguyễn Văn T- Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre. (có mặt)
- Người bào chữa cho bị cáo Thượng Thị Kim N:
1. Ông Nguyễn Anh T - Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang. (có mặt)
2. Ông Huỳnh Minh T- Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre. (có mặt)
- Người làm chứng:
1. Ông Lê Văn K, sinh năm: 1959; Địa chỉ: ấp An Phú 1, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre. (vắng mặt)
2. Ông Trần Trung N, sinh năm: 1985; Địa chỉ: ấp Tân Bình, xã Tân Thủy, huyện B, tỉnh Bến Tre. (có mặt)
3. Ông Nguyễn Thanh T, sinh năm:1980; Địa chỉ: ấp An Hội, thị trấn B, huyện B, tỉnh Bến Tre. (có mặt)
4. Ông Trương Công M, sinh năm 1988; Địa chỉ: ấp An Điền Bé, xã An Hiệp, huyện B, tỉnh Bến Tre. (có mặt)
5. Ông Trần Văn T, sinh năm: 1970; Địa chỉ: ấp 2, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre. (vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trường Tiểu học A (gọi tắc là Trường) là đơn vị sự nghiệp công lập, có con dấu riêng và tài khoản riêng, kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn ngân sách của Nhà nước cấp. Từ năm 2013 – 2016, bị cáo Đinh Văn Q – Hiệu trưởng; bị cáo Lâm Bích C – Kế toán; từ năm 2013 đến tháng 4/2015 là bị cáo Thượng Thị Kim N – Giáo viên phụ trách Thủ quỹ; từ tháng 5/2015 đến năm 2016 bà Lê Thị Xuân H – Nhân viên y tế phụ trách Thủ quỹ. Thực hiện Quyết định số 2302/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện B về việc Thanh tra trong quản lý; sử dụng các nguồn thu – chi tài chính của Trường. Kết quả thanh tra (Kết luận số 1785/KL-UBND ngày 07/6/2017) xác định Trường có những sai phạm: (1) Bị cáo Đinh Văn Q – Hiệu trưởng Trường chỉ đạo hợp thức hóa một phần chứng từ để quyết toán nhưng do đơn vị báo cáo mất chứng từ kế toán nên không cung cấp được chứng từ cho Đoàn Thanh tra. Đồng thời không giải trình, chứng minh được số tiền từ việc hợp thức hóa chứng từ là bao nhiêu và đã chi cho những nội dung gì từ năm 2013 – 2015 trong nguồn ngân sách với số tiền 1.521.366.203 đồng. (2) Chỉ đạo bị cáo Thượng Thị Kim N – Thủ quỹ Trường rút tiền mặt với số tiền 125.550.000 đồng trong năm 2016 từ nguồn ngân sách nhưng không nhập quỹ, không quản lý và không chứng minh được số tiền này đã chi cho những nội dung gì. Ngày 03/7/2017, Ủy ban nhân dân huyện B chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) kiến nghị khởi tố. Kết quả điều tra đã xác định được như sau:
(1) Đối với hành vi của bị cáo Đinh Văn Q chỉ đạo hợp thức hóa một phần chứng từ để quyết toán nhưng do đơn vị báo cáo mất chứng từ kế toán nên không cung cấp được chứng từ cho Đoàn Thanh tra; đồng thời, không giải trình, chứng minh được số tiền từ việc hợp thức hóa chứng từ là bao nhiêu và đã chi cho những nội dung gì từ năm 2013 – 2015 trong nguồn ngân sách với số tiền 1.521.366.203 đồng.
Kết quả điều tra thể hiện trước khi có Quyết định Thanh tra thì hóa đơn, chứng từ, sổ sách theo dõi thu, chi của Trường được cất giữ trong tủ tại Văn phòng Trường, chìa khóa do 02 người là bị cáo Đinh Văn Q, bị cáo Lâm Bích C giữ. Khoảng 01 tuần trước khi Đoàn Thanh tra tiến hành thanh tra thì bị cáo C phát hiện hóa đơn, chứng từ, sổ sách liên quan đến số tiền sai phạm đã mất và thời gian xảy ra vụ việc quá lâu nên những người biết việc này không ai còn nhớ. Mặc khác, Trường Tiểu học A 1 và Trường Tiểu học A đã nhập thành Trường Tiểu học A, số tiền nêu trên đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện B quyết toán xong. Quá trình điều tra không có tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh có sai phạm trong việc chi số tiền này. Vì vậy, không đủ căn cứ để kết luận có hành vi vi phạm pháp luật để xem xét xử lý trách nhiệm hình sự các cá nhân có liên quan.
(2) Đối với hành vi của bị cáo Đinh Văn Q chỉ đạo thủ quỹ cũ (bị cáo Thượng Thị Kim N) rút tiền mặt với số tiền 125.550.000 đồng trong năm 2016 từ nguồn ngân sách nhưng không nhập quỹ, không quản lý và không chứng minh được số tiền này đã chi cho những nội dung gì.
Quá trình điều tra các bị cáo Q, C, N khai nhận trong năm 2016 có việc bị cáo C lập 03 chứng từ trình bị cáo Q ký để bị cáo N đến Kho bạc rút số tiền 125.550.000 đồng (trong khi lúc này bị cáo N không còn làm thủ quỹ). Lời khai này của các bị cáo phù hợp với kết quả Cơ quan CSĐT tiến hành xác minh và thu giữ tại Kho bạc huyện B 03 giấy rút dự toán ngân sách với tổng số tiền là 125.550.000 đồng (rút trực tiếp tiền mặt, dạng thực chi) và người nhận tiền từ Kho bạc là bị cáo Thượng Thị Kim N, gồm: (1) Giấy số 18 ngày 13/4/2016 số tiền 38.606.000 đồng; (2) Giấy số 31 ngày 15/6/2016 số tiền 38.842.000 đồng; (3) Giấy số 48 ngày 11/8/2016 số tiền 48.102.000 đồng.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT còn thu giữ 01 quyển số quỹ tiền mặt năm 2016 của thủ quỹ Lê Thị Xuân H (có chữ ký của bà Hoa trên sổ quỹ), thể hiện số tiền 125.550.000 đồng đã được nhập sổ quỹ tiền mặt vào tháng 4, 6, 8/2016. Số tiền này do bị cáo N rút về không báo và cũng không giao cho bà Hoa (lúc này bà Hoa là thủ quỹ), vì vậy bà Hoa không có nhập sổ quỹ tiền mặt. Để có hồ sơ cung cấp cho Đoàn Thanh tra, vào ngày 06/01/2017 bị cáo Q ký giấy cam kết chịu trách nhiệm để cho bà Hoa ký bổ sung sổ quỹ tiền mặt năm 2016 (nhưng thực tế số tiền 125.550.000 đồng không có nhập quỹ tiền mặt), bị cáo Q ký cam kết có sự chứng kiến của bị cáo Lâm Bích C.
Bị cáo Lâm Bích C, Thượng Thị Kim N khai nhận: Việc lập 03 giấy rút tiền và phân công bị cáo N đi rút tiền là theo sự chỉ đạo của bị cáo Đinh Văn Q để trả nợ tiền vật tư xây dựng phòng y tế cho cơ sở Ba K (toàn bộ 29 hóa đơn do bị cáo Q đưa), chi mua sách thư viện ... Toàn bộ số tiền rút về bị cáo N đều đưa hết cho bị cáo Q và việc này có bị cáo C chứng kiến 02 lần (lần thứ 1 vào tháng 4/2016 và lần thứ 2 vào tháng 8/2016). Khi bị cáo Q kêu ông T (Bảo vệ) lên lớp kêu bị cáo N xuống đi rút tiền, lúc này bị cáo N không chịu đi nhưng sau đó bị cáo Q nói tiền rút về chi cho hoạt động chứ không bỏ túi riêng và bị cáo Q là chủ tài khoản bị cáo Q không sợ thì mấy cô sợ gì, sau đó bị cáo N mới chịu đi rút. Hai bị cáo C và N khai biết được việc bị cáo N rút tiền về đưa cho bị cáo Q là sai vì số tiền này phải giao cho thủ quỹ bà Hoa giữ mới đúng nhưng do bị cáo Q không muốn cho ai biết cho nên bị cáo C cũng không thông báo cho bà Hoa hoặc những người khác có trách nhiệm trong Trường biết việc này, bản thân bị cáo C và bị cáo N không có chiếm đoạt số tiền này.
Bị cáo Đinh Văn Q xác nhận 03 giấy rút tiền 125.550.000 đồng là của bị cáo ký, nhưng không thừa nhận có chỉ đạo bị cáo N đi rút tiền mà việc ký giấy để bị cáo N đi rút là theo đề xuất của bị cáo C. Bị cáo Q phân công bị cáo N đi rút và chi số tiền 125.550.000 đồng có thông qua Hội đồng nhà trường biết và bị cáo khẳng định không có kêu ông T bảo vệ lên lớp kêu bị cáo N xuống đi rút tiền. Bị cáo thừa nhận việc ký giấy để bị cáo N đi rút tiền là sai nguyên tắc tài chính nhưng khẳng định không có nhận số tiền này từ bị cáo N, việc bị cáo N nói tất cả số tiền rút về đưa cho bị cáo và có bị cáo C chứng kiến là không đúng.
Kết quả điều tra xác minh bà Lê Thị Xuân H (Thủ quỹ năm 2016) khai hoàn toàn không biết về số tiền 125.550.000 đồng do bị cáo N đi rút về trong năm 2016. Trước khi Đoàn Thanh tra vào thanh tra tại Trường thì bị cáo Q có kêu bà ký bổ sung sổ quỹ tiền mặt năm 2016 có số tiền trên nhưng bà không ký do không có chứng từ để đối chiếu, sau nhiều lần kêu bà ký bổ sung sổ quỹ tiền mặt nhưng bà Hoa không đồng ý nên vào ngày 06/01/2017 bị cáo Q ký giấy cam kết sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai sót thì bà Hoa mới chịu ký bổ sung sổ quỹ này.
Ông Trần Văn T (Bảo vệ) khai có nhiều lần bị cáo Q kêu ông T lên lớp kêu bị cáo N xuống văn phòng để bàn công chuyện, trong đó có một lần ông T thấy bị cáo N về sớm cho nên có hỏi thì bị cáo N nói đi rút tiền dùm bị cáo Q. Còn việc bị cáo Q kêu ông T nhắn bị cáo N lên văn phòng Trường bàn công chuyện thì ông T không nhớ.
Quá trình điều tra Cơ quan CSĐT còn thu giữ được 02 quyển sổ theo dõi mua sách thư viện của Trường do ông Trương Công M quản lý gồm 01 quyển tập học sinh và 01 sổ đăng ký tổng quát (theo mẫu in sẵn), trong đó có ghi nhận có sử dụng số tiền N sách để mua sách với số tiền 180.000 đồng. Ngoài ra, ông M còn xác nhận từ năm 2013 đến năm 2016, Trường phân công ông M theo dõi sách thư viện và đồ dùng dạy học. Năm 2016 việc mua sách thư viện ông M chỉ mua tại 02 Công ty Cổ phần Sách – Thiết bị Bến Tre và Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Tiền Giang. Kết quả xác minh xác định trong năm 2016 Trường chỉ chi 180.000 đồng tiền mua sách thư viện và đã được quyết toán xong. Như vậy số tiền 21.034.000 đồng (theo chứng từ thể hiện sử dụng để mua sách thư viện) nằm trong 125.550.000 đồng của 03 giấy rút tiền không được sử dụng để mua sách thư viện.
Ông Lê Văn K (cơ sở vật liệu xây dựng Ba K) trình bày: Trường có mua vật tư của cơ sở ông nhưng rất ít chủ yếu để phục vụ cho sửa chữa nhỏ, không hóa đơn nào hơn 3.000.000 đồng. Trường có nợ tiền mua vật tư nhưng khoảng vài triệu đồng và khoảng 01 tháng là thanh toán xong; không có trường hợp nào Trường nợ tiền mua vật tư khoảng vài chục triệu đồng trong thời gian dài không thanh toán. Người mua hàng là ông T bảo vệ còn thanh toán tiền là bị cáo Q và ông T, cũng có trường hợp bị cáo Q xin hóa đơn khống của cơ sở nhưng số lượng bao nhiêu và ghi bao nhiêu tiền thì ông không nhớ.
Làm việc với các thành viên Hội đồng nhà trường, tất cả đều xác nhận việc bị cáo Q phân công bị cáo N đi rút tiền khi không còn làm thủ quỹ không có thông qua Hội đồng nhà trường, Hội đồng nhà trường biết được việc này sau khi Đoàn Thanh tra đến thanh tra.
Với những tài liệu, chứng cứ thu thập có căn cứ xác định trong năm 2016 bị cáo Q đã chỉ đạo bị cáo C lập chứng từ và trực tiếp ký 03 giấy rút tiền từ ngân sách, đồng thời phân công bị cáo N đến Kho bạc huyện B rút tiền mặt với tổng số tiền 125.550.000 đồng nhưng không nhập quỹ quản lý thu chi theo quy định để chiếm đoạt số tiền này.
Ngoài ra, quá trình điều tra Cơ quan CSĐT còn phát hiện bị cáo Đinh Văn Q cùng với bị cáo Lâm Bích C, Thượng Thị Kim N lợi dụng chính sách Bảo hiểm xã hội huyện B (BHXH) trong việc chi ốm đau, thai sản đã nhiều lần lập giấy rút dự toán chuyển tiền tài khoản ngân sách sang tài khoản tiền gửi, sau đó rút tiền mặt để chiếm đoạt với tổng số tiền 209.648.154 đồng, cụ thể:
Từ năm 2014 – 2016 Trường có làm đề nghị thanh toán tiền ốm đau, thai sản cho 06 lượt giáo viên với tổng số tiền là 75.129.400 đồng và được BHXH chấp nhận thanh toán. Theo quy định của BHXH hàng tháng Trường được trích lại 2% trong số tiền đóng bảo hiểm để dự phòng chi tiền ốm đau, thai sản khi có phát sinh. Nên khi BHXH trừ ra số tiền 2% thì số tiền còn lại BHXH chuyển cho Trường là 52.265.054 đồng, số tiền này được bị cáo Q ký 06 giấy rút tiền tại Kho bạc và chi trả cho giáo viên; riêng số tiền 2% Trường tự trích lại là 22.864.364 đồng cũng được chuyển từ tài khoản ngân sách sang tài khoản tiền gửi, sau đó Trường cũng rút ra chi cho giáo viên. Tuy nhiên, lợi dụng việc này bị cáo Q đã cùng với bị cáo C lập 10 chứng từ rút dự toán để chuyển số tiền 231.163.884 đồng từ tài khoản ngân sách sang tài khoản tiền gửi, sau đó bị cáo Q tiếp tục ký 08 giấy rút tiền mặt để cho bị cáo Ngân đi rút số tiền 232.512.500 đồng. Như vậy, sau khi trừ đi số tiền 2% thực tế Trường được tạm ứng để lại thì số tiền Trường thực rút thừa ra để sử dụng là 209.648.154 đồng (232.512.500 đồng – 22.864.346 đồng = 209.648.154 đồng).
Cơ quan CSĐT đã tiến hành xác minh tại Kho bạc huyện B và xác định quá trình kiểm soát chi đối với khoản tiền ốm đau, thai sản nêu trên Kho bạc đã thực hiện kiểm soát chi đúng theo quy định. Đã thu giữ được 06 giấy rút tiền của Trường tổng cộng 52.265.851 đồng, trong đó có 03 giấy rút tiền mặt do bị cáo N đi rút và 03 ủy nhiệm chi chuyển khoản trực tiếp cho giáo viên ốm đau; thu giữ được 08 giấy rút tiền mặt tổng cộng 234.399.500 đồng (trong đó có 232.512.500 đồng tiền ốm đau, thai sản), tất của đều do bị cáo N rút tiền; thu giữ được 10 giấy rút dự toán chuyển tiền từ tài khoản ngân sách sang tài khoản tiền gửi tổng cộng số tiền 231.163.884 đồng.
Xác minh tại BHXH được biết từ năm 2013 - 2016, BHXH chỉ thanh toán 06 trường hợp ốm đau, thai sản tổng cộng số tiền 75.129.400 đồng. Tuy nhiên, do có quy định hàng tháng Trường tự trích lại 2% tiền ốm đau, thai sản trong tổng số tiền đóng bảo hiểm để dự phòng chi trước cho nên sau khi BHXH trừ ra số tiền 2% thì số tiền còn lại chuyển cho Trường là 52.265.054 đồng.
Cơ quan CSĐT đã tiến hành xác minh tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện B, nơi Trường thực hiện chuyển khoản lương qua tài khoản ngân hàng xác định từ năm 2014 đến năm 2016 chỉ có 06 lượt giáo viên nghỉ chế độ bị trừ lương, phù hợp với hồ sơ thanh tra tiền ốm đau, thai sản của BHXH.
Kết quả điều tra còn thể hiện: Năm 2014, Trường có phát sinh 03 lượt thai sản và đã làm hồ sơ thanh toán với BHXH, sau khi trừ đi số tiền 2% Trường được giữ lại để chi trước cho BHXH đã chuyển khoản thanh toán cho Trường số tiền 43.555.054 đồng. Số tiền này cộng với số tiền 2% Trường được trích lại, bị cáo Q đã ký 04 giấy rút tiền để cho bị cáo N rút tại Kho bạc về chi trả cho giáo viên tổng cộng số tiền là 65.026.054 đồng.
Năm 2015, mặc dù Trường không có phát sinh mới trường hợp nào ốm đau, thai sản nhưng bị cáo Q đã ký 03 giấy rút dự toán tổng cộng số tiền 110.010.000 đồng để chuyển 2% tiền ốm đau, thai sản từ tài khoản ngân sách sang tài khoản tiền gửi, sau đó tiếp tục ký 03 giấy rút tiền mặt để bị cáo Ngân đi rút tổng cộng số tiền 110.010.000 đồng.
Năm 2016, Trường có phát sinh 03 trường hợp ốm đau và đã làm hồ sơ thanh toán với BHXH, BHXH đã chuyển khoản thanh toán cho Trường số tiền 8.710.000 đồng, số tiền này bị cáo Q ký 03 ủy nhiệm chi để chuyển khoản trực tiếp đến số tài khoản giáo viên có phát sinh ốm đau. Ngoài số tiền này bị cáo Q lại tiếp tục ký 04 giấy rút tiền ốm đau, thai sản và chăm sóc sức khỏe ban đầu khác để cho bị cáo N đi rút tại Kho bạc tổng cộng số tiền 102.918.500 đồng (trong đó, số tiền ốm đau, thai sản là 101.031.500 đồng). Để có thể rút số tiền này trước đó bị cáo Q đã ký 06 giấy rút dự toán tổng cộng số tiền 99.682.884 đồng để chuyển 2% tiền ốm đau, thai sản từ tài khoản ngân sách sang tài khoản tiền gửi, mặc dù trong năm 2016 không còn quy định trích lại 2% tiền ốm đau, thai sản để chi hỗ trợ trước.
Quá trình điều tra bị cáo Q xác nhận tất cả những giấy rút tiền nêu trên do bị cáo ký nhưng theo đề xuất của bị cáo C, bị cáo không có chỉ đạo bị cáo N đi rút tiền và hoàn toàn không biết việc chuyển số tiền 231.163.884 đồng từ tài khoản ngân sách sang tài khoản tiền gửi. Bị cáo Q không biết số tiền chi ốm đau, thai sản bị cáo N rút về có chi hay không, chỉ nhận trách nhiệm của bản thân trong việc ký giấy rút tiền để cho bị cáo N đi rút khi không còn làm thủ quỹ là sai nguyên tắc tài chính, bị cáo Q không có chiếm đoạt số tiền này.
Bị cáo C và N khai việc làm giấy rút tiền và đi rút tiền ốm đau, thai sản làm theo chỉ đạo của bị cáo Q. Danh sách giáo viên ốm đau, thai sản do bị cáo Q đưa. Bị cáo C không có mặt thường xuyên tại Trường cho nên cũng không biết danh sách bị cáo Q đưa thực tế có phát sinh ốm đau, thai sản hay không mà chỉ căn cứ vào danh sách này để tính toán số tiền cần rút và làm giấy rút tiền đưa cho bị cáo Q ký. Số tiền ốm đau, thai sản từ năm 2014 đến 2015 do bị cáo Q chỉ đạo bị cáo C đi rút tiền về để chi và đã chi hết theo danh sách giáo viên có ốm đau, thai sản. Riêng năm 2016 số tiền rút về bị cáo N giao hết cho bị cáo Q để quản lý chi, bản thân không có chiếm đoạt số tiền này. Bị cáo C nhận trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Q để chuyển số tiền 2% từ tài khoản ngân sách sang tài khoản tiền gửi nhiều hơn so với số tiền quy định, sau đó làm giấy rút tiền mặt rút ra. Đồng thời cũng nhận trách nhiệm việc bị cáo N đi rút tiền mặt về nhưng không có thông báo cho bà Hoa và những người có trách nhiệm trong Trường biết. Bị cáo N cũng nhận trách nhiệm của bản thân trong việc đi rút và chi tiền mặt khi không còn làm thủ quỹ, đồng thời cũng không có thông báo cho bà Hoa và những người có trách nhiệm trong Trường biết để quản lý, theo dõi chi.
Xác minh giáo viên công tác tại Trường từ năm 2014 đến năm 2016 tất cả các giáo viên đều xác nhận không có đề nghị thanh toán tiền ốm đau, thai sản trong thời gian công tác tại Trường, chỉ có 06 trường hợp khai có ốm đau, thai sản phù hợp với hồ sơ Cơ quan CSĐT xác minh tại BHXH.
Với những tài liệu, chứng cứ thu thập có căn cứ xác định ngoài 06 trường hợp phát sinh ốm đau, thai sản và đã làm hồ sơ thanh toán. Bị cáo Q còn chỉ đạo và ký nhiều giấy rút tiền khác để rút tiền từ ngân sách với số tiền 209.648.154 đồng. Bị cáo biết rất rõ về số tiền này vì thực tế năm 2015 không có phát sinh trường hợp ốm đau, thai sản nhưng bị cáo vẫn ký giấy rút tiền về để sử dụng; kể cả năm 2016 mặc dù có phát sinh 03 trường hợp ốm đau và đã làm hồ sơ thanh toán với BHXH nhưng bị cáo vẫn ký rất nhiều giấy rút tiền để rút số tiền về để sử dụng. Mặc dù, các bị cáo không thừa nhận chiếm đoạt số tiền này, tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được có căn cứ xác định ngoài những trường hợp có phát sinh ốm đau, thai sản đã làm hồ sơ thanh toán, thì bị cáo Q cùng với bị cáo C và bị cáo N còn nhiều lần lập chứng từ để rút tiền ngân sách về chiếm đoạt số tiền 209.648.154 đồng.
Kết quả trưng cầu giám định:
- Cơ quan CSĐT đã trưng cầu giám định chữ viết, chữ ký trên tờ giấy cam kết ngày 06/01/2017, kết quả xác định chữ viết là của bà Hoa viết, chữ ký là của bị cáo Q và bị cáo C.
- Cơ quan CSĐT đã trưng cầu giám định chữ ký, con dấu của 03 giấy rút tiền 125.550.000 đồng, kết quả xác định chữ ký là của bị cáo Q, bị cáo C, bị cáo N và con dấu là của Trường Tiểu học A.
- Cơ quan CSĐT đã trưng cầu giám định chữ ký, con dấu của 10 giấy rút dự toán chuyển 2% tiền ốm đau, thai sản từ tài khoản ngân sách sang tài khoản tiền gửi số tiền 231.163.884 đồng, kết quả xác định chữ ký là của bị cáo Q, bị cáo C và con dấu là của Trường Tiểu học A.
- Cơ quan CSĐT đã trưng cầu giám định chữ ký, con dấu của 08 giấy rút tiền mặt chi ốm đau, thai sản số tiền 234.399.500 đồng, kết quả xác định chữ ký đúng là của bị cáo Q, bị cáo C, bị cáo N và con dấu là của Trường Tiểu học A.
- Cơ quan CSĐT đã trưng cầu giám định chữ ký của 03 giấy rút tiền mặt và 03 ủy nhiệm chi chuyển tiền chi ốm đau, thai sản số tiền 52.265.851 đồng, kết quả xác định chữ ký đúng là của bị cáo Q, bị cáo C, bị cáo N và con dấu là của Trường Tiểu học A.
- Cơ quan CSĐT đã tiến hành trưng cầu giám định y khoa đối với bệnh Lupus ban đỏ mà bị cáo Q mắc phải, kết quả xác định bệnh Lupus ban đỏ ổn định, chưa có cơ sở kết luận bệnh hiểm nghèo.
• Đồ vật, tài liệu tạm giữ trong quá trình điều tra vụ án:
- Bị cáo Đinh Văn Q giao nộp số tiền 70.000.000 đồng; bị cáo C giao nộp số tiền 10.000.000 đồng để khắc phục hậu quả.
- Cơ quan CSĐT ra Lệnh kê biên tài sản là quyền sử dụng đất của bị cáo Đinh Văn Q thửa đất số 37, 38, cùng tờ bản đồ số 12, tọa lạc tại xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre; diện tích 4826m2 (Số vào sổ cấp giấy chứng nhận:
550723.00448QSDĐ/157QĐ.UB của UBND huyện B, cấp ngày 24/6/1994; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản gốc hiện do bị cáo Q đang giữ).
• Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm:
- Bị cáo Thượng Thị Kim N nộp 100.000.000 đồng và bị cáo Lâm Bích C nộp bổ sung 60.000.000 đồng để khắc phục hậu quả.
Tại Bản án sơ thẩm số 02/2023/HS-ST ngày 09/01/2023 của Tòa án nhân dân huyện B đã tuyên:
1. Tuyên bố các bị cáo Đinh Văn Q, Lâm Bích C và Thượng Thị Kim N phạm “Tội tham ô tài sản”.
2. Về hình phạt:
2.1 Căn cứ điểm c, d khoản 2 Điều 353; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58 Bộ luật Hình sự;
Xử phạt bị cáo Đinh Văn Q 09 (Chín) năm tù.
Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt tù.
2.2. Căn cứ c, d khoản 2 Điều 353; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58 Bộ luật Hình sự;
Xử phạt bị cáo Lâm Bích C 07 (Bảy) năm tù.
Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt tù.
2.3. Căn cứ c, d khoản 2 Điều 353; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 54; Điều 17; Điều 58 Bộ luật Hình sự;
Xử phạt bị cáo Thượng Thị Kim N 03 (Ba) năm tù.
Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt tù.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo.
Ngày 18/01/2023, bị cáo Thượng Thị Kim N kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và yêu cầu được hưởng án treo.
Ngày 19/01/2023, bị cáo Lâm Bích C kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 27/01/2023, bị cáo Đinh Văn Q kháng cáo cho rằng bị cáo phạm “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” không phạm “Tội tham ô tài sản”.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Các bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Bị cáo Thượng Thị Kim N và Lâm Bích C khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với nội dung của bản án sơ thẩm.
Bị cáo Đinh Văn Q không thừa nhận phạm “Tội tham ô tài sản” chỉ thừa nhận phạm “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng bị cáo khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với nội dung của bản án sơ thẩm.
Quan điểm của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị: không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh Văn Q, Lâm Bích C; chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Thượng Thị Kim N, sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Thượng Thị Kim N.
Áp dụng điểm c, d khoản 2 Điều 353; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58 Bộ luật Hình sự; Xử phạt bị cáo Đinh Văn Q 09 (Chín) năm tù về “Tội tham ô tài sản”.
Áp dụng c, d khoản 2 Điều 353; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58 Bộ luật Hình sự; Xử phạt bị cáo Lâm Bích C 07 (Bảy) năm tù về “Tội tham ô tài sản”.
Áp dụng c, d khoản 2 Điều 353; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 54; Điều 17; Điều 58 Bộ luật Hình sự; Xử phạt bị cáo Thượng Thị Kim N từ 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù đến 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù về “Tội tham ô tài sản”.
Người bào chữa cho bị cáo Đinh Văn Q trình bày quan điểm: bị cáo Đinh Văn Q kháng cáo cho rằng không phạm “Tội tham ô tài sản” chỉ thừa nhận phạm “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi vì bị cáo Q là chủ tài khoản, bị cáo Châu là kế toán, bị cáo N là thủ quỹ. Kế toán có quyền hạn, nhiệm vụ làm thủ tục để rút tiền bên kho bạc, dựa trên chứng từ đã được kho bạc ghi lại, kho bạc đồng ý cho rút tiền chi thanh toán thủ quỹ mới qua rút tiền được. Bị cáo N cho rằng sau khi rút tiền giao cho bị cáo Q nhưng về nguyên tắc tài chính, kế toán làm vậy là không đúng. Nguyên tắc tài chính, kế toán phải có đầu vào, đầu ra. Không có chứng cứ rõ ràng bị cáo Q nhận tiền. Bị cáo Châu làm chứng nghe nói đưa tiền cho bị cáo Q và thấy tiền trong túi đen thì không đủ căn cứ chứng minh bị cáo Q có nắm trong tay số tiền này. Bị cáo Q cung cấp các xác nhận để chứng minh đầu ra của số tiền này không phải để khấu trừ nghĩa vụ mà ý nghĩa để Hội đồng xét xử xem xét bị cáo Q không có nhận số tiền này. Về số tiền 209.648.154đồng liên quan đến Bảo hiểm xã hội như đã phân tích chủ tài khoản, kế toán, thủ quỹ phải hoạt động đúng quy chế đúng quy định. Số tiền này bị cáo N rút 6 lần, chi ra cho mấy người, còn lại số tiền hơn 209.000.000đồng. Ai giữ, ai chi số tiền này, ai làm chứng từ bị cáo Châu. Bị cáo Q ký phê duyệt nhưng chứng từ mất, người nhận phải có chữ ký, vậy ai là người giả mạo chữ ký những người nhận. Mất chứng từ thì kế toán phải chịu trách nhiệm. Bị cáo Q chỉ quản lý chung không thể quản lý hết toàn bộ. Do đó, không có căn cứ để buộc tội bị cáo Q đối với “Tội tham ô tài sản”.
Người bào chữa cho bị cáo Lâm Bích C trình bày quan điểm: thống nhất tội danh, điều khoản mà bản án sơ thẩm đã quy kết. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh gia đình của bị cáo đang rất khó khăn, cha mẹ và chồng bị cáo đều bị bệnh, bị cáo có ba con còn nhỏ đang tuổi đi học. Bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả nhiều hơn số tiền Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo chịu. Do giấy tờ thủ trưởng đưa để làm thủ tục rút tiền thì bị cáo phải làm, bị cáo không chiếm đoạt số tiền nào. Bản án sơ thẩm cho rằng bị cáo Châu có nhân thân không tốt nên không áp dụng Điều 54 khi quyết định hình phạt đối với bị cáo. Tuy nhiên, thời điểm phạm tội nhân thân của bị cáo hoàn toàn tốt. Cơ quan điều tra khởi tố vụ án xử lý “Tội làm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” trước sau đó bị cáo mới bị khởi “Tội tham ô tài sản”. Hai hành vi phạm tội thực hiện cùng thời gian chứ không phải bị cáo phạm tội mới. Lúc phạm tội nhân thân bị cáo hoàn toàn tốt. Đề nghị xem xét áp dụng Điều 54 khi áp dụng hình phạt đối với bị cáo để giảm hình phạt cho bị cáo.
Người bào chữa cho bị cáo Thượng Thị Kim N là Luật sư Nguyễn Anh T trình bày quan điểm: cơ bản thống nhất quan điểm của Viện kiểm sát đối với bị cáo N. Bị cáo N đủ điều kiện để được xem xét cho hưởng án treo theo quy định. Hoàn cảnh gia đình bị cáo hiện rất khó khăn bị cáo là lao động chính, con còn nhỏ, cha mẹ già bệnh tật, chồng ly hôn, bị cáo bị bệnh thoái hóa cột sống. Bị cáo phạm tội do bị cáo là giáo viên được phân công làm thủ quỹ nhưng không có qua trường lớp. Do trình độ non yếu và làm theo chỉ đạo cấp trên nên vi phạm nguyên tắc kế toán. Bị cáo phạm tội lần đầu cần được xem xét khoan hồng. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo, cho bị cáo được hưởng án treo.
Người bào chữa cho bị cáo Thượng Thị Kim N là Luật sư Huỳnh Minh T trình bày quan điểm: đồng ý quan điểm của Luật sư Tài, thống nhất tội danh, điều khoản mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về số tiền 209.648.154đồng Tòa án cấp sơ thẩm buộc 3 bị cáo liên đới chịu nhưng việc quy kết này là không có cơ sở vì bị cáo N thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Q, mang về đưa cho bị cáo Q 100%, không có giữ lại. Nếu bị cáo N giữ lại chỉ cần 1 lần sẽ kiểm điểm trách nhiệm nhưng bị cáo Q ký đề bị cáo N đi rút tiền rất nhiều lần chứng tỏ bị cáo N không chiếm đoạt, tiền nhận về đưa cho bị cáo Q đầy đủ. Về nguyên tắc, rút tiền phải kèm chứng từ, chứng từ do thủ trưởng, kế toán lập không phải do thủ quỹ lập. Chứng từ giả hay thật bị cáo không thể biết, lẽ ra bị cáo Q phải chịu trách nhiệm 100%. Vấn đề giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo như đề nghị của Viện kiểm sát tôi cũng đồng tình nhưng đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng án treo.
Bị cáo Đinh Văn Q nói lời sau cùng: bị cáo đã cống hiến cho ngành giáo dục trên 40 năm, đã làm việc với kế toàn của 02 trường, qua 17 lần thanh tra không bị sai phạm gì. Do quá chủ quan tin tưởng vào kế toán dẫn đến sai phạm. Kính mong Hội đồng xét xử xem xét khoan hồng, giảm nhẹ cho bị cáo.
Bị cáo Lâm Bích C nói lời sau cùng: xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo, bị cáo biết mình đã làm sai do quá chủ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ đã làm cho nhà nước bị thất thoát. Bị cáo không biết sai mới làm mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
Bị cáo Thượng Thị Kim N nói lời sau cùng: bị cáo biết sai, bị cáo rất hối hận về việc làm của mình. Kính mong HĐXX xem xét khoan hồng chấp thuận cho bị cáo hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng: đơn kháng cáo của bị cáo gửi đến Tòa án trong thời hạn kháng cáo phù hợp với quy định tại Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự nên được xem là hợp lệ. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng của cấp sơ thẩm. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng của cấp sơ thẩm đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Về nội dung:
[2.1] Tại phiên tòa phúc thẩm Lâm Bích C, Thượng Thị Kim N khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với nội dung bản án sơ thẩm; bị cáo Đinh Văn Q cho rằng bị cáo không phạm “Tội tham ô tài sản” mà chỉ phạm “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, thấy rằng: Trong thời gian từ năm 2013 – 2016, bị cáo Q là Hiệu trưởng Trường Tiểu học A đã được giao nhiệm vụ: Chủ tài khoản trong việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho Trường Tiểu học A. Bị cáo đã cùng bị cáo Châu và bị cáo N giả mạo chứng từ, mua hóa đơn khống, đưa vào quyết toán các khoản chi không có trên thực tế đối với việc mua sắm sách, vật tư xây dựng, trang thiết bị của trường và đối với các đối tượng được hưởng chính sách ốm đau, thai sản của Bảo hiểm xã hội. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đinh Văn Q cung cấp giấy xác nhận của ông Lê Văn K, Trần Trung N, thấy rằng: những giấy xác nhận này không sát khớp với những chứng từ đã được kết luận tài chính trước đó và tại phiên tòa phúc thẩm những người xác nhận này cho lời khai cũng không nhất quán. Hơn nữa, tại biên bản lấy lời khai ngày 30/8/2021 ông K khai: “ giai đoạn từ năm 2013- 2016 Trường Tiểu học A có mua vật liệu xây dựng của cơ sở nhưng mua rất ít, chủ yếu phục vụ việc sửa chữa nhỏ .... không có hóa đơn nào mua vật liệu xây dựng hơn Bệu đồng.....Ngoài việc bán hàng trên thực tế thì trong thời gian từ năm 2013- 2016 Trường Tiểu học A có đến cơ sở tôi xin hóa đơn khống về thanh toán” và tại biên bản lấy lời khai ngày 30/5/2019 ông khai: “Từ năm 2013 đến năm 2016 Trường Tiểu học A có kêu tôi đến trường để sửa bóng đèn, quạt, ổ cắm 2 (hai) lần, tổng số tiền sửa chữa hai lần khoảng 10.000.000đồng (mười triệu đồng)”. Do đó lời trình bày của ông Lê Văn K tại giấy xác nhận đề ngày 26/4/2023, lời trình bày của ông Trần Trung N tại giấy xác nhận đề ngày 26/4/2023, lời trình bày của ông Nguyễn Thanh T tại giấy xác nhận đề ngày 26/4/2023 là không đủ cơ sở để chứng minh ông K, ông N, ông T có nhận số tiền được hạch toán tại kho bạc vào các ngày 13/04/2016, 15/6/2016, 11/8/2016 theo đúng quy định. Hơn nữa, sau khi làm thủ tục rút tiền nhiều lần, các bị cáo không nhập quỹ, không vào sổ thu chi theo quy định về tài chính. Bị cáo Q còn chỉ đạo cho kế toán là bị cáo C sau khi làm thủ tục rút tiền xong giao cho bị cáo N đến Kho bạc rút tiền trong khi bị cáo N không còn là thủ quỹ và yêu cầu bị cáo N đưa hết toàn bộ số tiền 125.550.000 đồng cho bị cáo. Điều đó, cho thấy hành vi của bị cáo thể hiện rõ mục đích chiếm đoạt số tiền này. Riêng số tiền 209.648.154đồng cả ba bị cáo không cung cấp được chứng từ chi và các đối tượng được làm hồ sơ chi trả cũng cho rằng không có nhận số tiền này nên kết luận ba bị cáo cùng chiếm đoạt số tiền trên là có cơ sở. Trong quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Q không cung cấp được chứng từ hợp lệ số tiền này sau khi rút về chi cho ai? Chi vào nội dung gì? Mục đích, hành vi và hậu quả do các bị cáo thực hiện đã thể hiện rõ ý thức chiếm đoạt từ ban đầu và diễn ra trong một thời gian dài.
Từ những nhận định nêu trên và căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã thu thập trong quá trình điều tra vụ án kết hợp với lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy có đủ cơ sở xác định: vì động cơ tư lợi bất chính nên bị cáo Đinh Văn Q, Lâm Bích C, Thượng Thị Kim N là người có trách nhiệm quản lý tài sản, riêng bị cáo Thượng Thị Kim N từ tháng 5/2015 đến năm 2016 mặc dù không còn trách nhiệm quản lý tài sản nhưng với vai trò giúp sức và thực hiện theo sự phân công của bị cáo Q đã có hành vi chiếm đoạt tài sản Nhà nước (nguồn tài khoản của trường Tiển học A) với số tiền 335.198.154 đồng. Trong đó, bị cáo Châu và N giúp sức cho bị cáo Q chiếm đoạt số tiền 125.550.000đồng và cả ba bị cáo cùng chiếm đoạt số tiền 209.648.154đồng. Sự việc xảy ra từ năm 2014 đến năm 2016 tại Trường tiểu học A thuộc xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết các bị cáo Đinh Văn Q, Lâm Bích C, Thượng Thị Kim N phạm “Tội tham ô tài sản” theo quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm cho thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã kết án đối với các bị cáo là đúng quy định pháp luật, không oan sai.
[3] Xét kháng cáo của các bị cáo, thấy rằng:
[3.1] Bị cáo Đinh Văn Q kháng cáo cho rằng bị cáo không phạm “Tội tham ô tài sản” như bản án sơ thẩm tuyên mà chỉ phạm “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự nhưng như đã phân tích ở trên việc Tòa cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm “Tội tham ô tài sản” theo quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự và xử phạt bị cáo 09 (chín) năm tù là phù hợp, kháng cáo của bị cáo không có cơ sở chấp nhận.
[3.2] Xét kháng cáo của bị cáo Lâm Bích C yêu cầu giảm nhẹ hình phạt, thấy rằng: Khi áp dụng hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã cân nhắc đến tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo 07 năm tù là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Bị cáo Lâm Bích C cho rằng việc sai phạm lần này và sai phạm lần trước xảy ra cùng một thời điểm được Đoàn Thanh tra huyện B chuyển qua cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý. Tuy nhiên, hành vi sai phạm của bị cáo bị Đoàn Thanh tra huyện B chuyển qua cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý phạm hai tội. Đối với “Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đã bị đưa ra xét xử. Tại Bản án số 24/2019/HS-PT ngày 07/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xử phạt 01 (một) năm tù về “Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo đã chấp hành xong bản án ngày 22/01/2022. Nên Tòa án nhân dân huyện B xác định bị cáo có nhân thân không tốt là phù hợp. Mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ đã xử phạt đối với bị cáo là mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định là đã có xem xét đầy đủ nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt. Do đó, kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt không có cơ sở chấp nhận.
[3.3] Xét kháng cáo của bị cáo Thượng Thị Kim N yêu cầu giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo, thấy rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng theo các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo 03 năm tù là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Do bị cáo phạm tội thuộc trường hợp phạm tội hai lần trở lên nên không đủ điều kiện hưởng án treo theo quy định tại Nghị quyết số: 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 và Nghị quyết số: 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, tội phạm tham nhũng là giặc nội xâm, gây thiệt hại về tài sản Nhà nước, xâm phạm hoạt động đúng đắn trong quản lý nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước nên cần phải xử lý nghiêm nhằm để cách ly bị cáo ra khỏi cộng đồng xã hội trong một khoảng thời gian nhất định mới có đủ điều kiện cải tạo, giáo dục bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo theo yêu cầu kháng cáo của bị cáo.
[4] Quan điểm của người bào chữa cho các bị cáo không phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.
[5] Đối với quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên đã cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo để đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh Văn Q và bị cáo Lâm Bích C là có căn cứ nên được chấp nhận. Đối với đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Thượng Thị Kim N là không phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.
[6] Về án phí hình sự phúc thẩm, theo quy định của pháp luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các bị cáo phải chịu do kháng cáo không được chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Áp dụng điểm c, d khoản 2 Điều 353; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Đinh Văn Q 09 (chín) năm tù về “Tội tham ô tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
Áp dụng điểm c, d khoản 2 Điều 353; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Lâm Bích C 07 (bảy) năm tù về “Tội tham ô tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
Áp dụng điểm c, d khoản 2 Điều 353; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 38; Điều 17; Điều 58 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Thượng Thị Kim N 03 (ba) năm tù về “Tội tham ô tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
2. Căn cứ vào Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Áp dụng Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: án phí hình sự phúc thẩm bị cáo Đinh Văn Q, Lâm Bích C , Thượng Thị Kim N mỗi bị cáo phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự, án phí không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội tham ô tài sản số 24/2023/HS-PT
Số hiệu: | 24/2023/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bến Tre |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 12/05/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về