Bản án về tội tham ô tài sản số 24/2020/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 24/2020/HS-PT NGÀY 04/03/2020 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Trong ngày 03 và 04 tháng 3 năm 2020, tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 200/2019/TLPT-HS ngày 16 tháng 12 năm 2019 đối với bị cáo Tống Thị H, do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 44/2019/HS-ST ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Cà Mau.

- Bị cáo có kháng cáo:

Tống Thị H, sinh năm 1965; Nơi sinh xã Yên Phú, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; Đăng ký hộ khẩu thường trú: huyện C, tỉnh Cà Mau; Chỗ ở: Khóm 1, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện P, tỉnh Cà Mau; Nghề nghiệp: Cán bộ, công chức; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (Đình chỉ sinh hoạt Đảng ngày 21/8/2013); Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Tống Xuân Q (đã chết) và bà Vũ Thị S (đã chết); Chồng: Huỳnh C; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Bị bắt tạm giam ngày 01/10/2013 đến ngày 13/02/2015 thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm giam.

- Người bào chữa cho bị cáo:

+ Ông Nguyễn Duy S, Luật sư – Đoàn luật sư tỉnh Bạc Liêu; Địa chỉ: thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

+ Ông Cao Thế L, Luật sư – Đoàn luật sư tỉnh Bạc Liêu; Địa chỉ: thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

- Người bị hại: Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện C;

Người đại diện hợp pháp: Ông Đặng V – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn C là người đại diện theo pháp luật.

- Người tham gia tố tụng khác không kháng cáo, không triệu tập:

Ông Trần V - sinh năm 1959, ông Tống X - sinh năm 1971, ông Trần H - sinh năm 1970, ông Đinh H - sinh năm 1963, ông Lâm Ng - sinh năm 1956, ông Phan T - sinh năm 1968, ông Đoàn H - sinh năm 1979, ông Nguyễn H - sinh năm 1959, ông Đặng V - sinh năm 1973, ông Nguyễn Đ - sinh năm 1969, ông Đoàn S - sinh năm 1965.

Tại phiên tòa: Bị cáo, Luật sư S, Luật sư L, ông M có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 1995 đến ngày 31/8/2001, Tống Thị H là thủ qũy Ủy ban nhân dân thị trấn C (viết tắt UBND thị trấn), từ ngày 01/9/2001 đến 31/12/2003 là Kế toán UBND thị trấn; Từ ngày 01/4/2004, Đặng Văn là Kế toán UBND thị trấn; Đoàn Kim N là thủ quỹ UBND thị trấn từ ngày 01/9/2001 đến ngày 31/12/2004.

Ngày 31/3/2005, Ủy ban nhân dân huyện C thành lập tổ thanh tra, thanh tra ngân sách UBND thị trấn giai đoạn 2001 - 2004, kết quả thanh tra như sau:

Tính đến 31/8/2001 (H làm thủ quỹ) tồn tại quỹ 123.349.645đ; Từ ngày 01/9/2001 đến ngày 31/12/2001 tổng thu 727.559.323đ (trong đó có 123.349.645đ của tháng 8/2001 chuyển qua), chi 568.798.922đ, tồn quỹ 158.760.401đ.

Năm 2002: Tổng thu 1.661.375.851đ (trong đó có 158.760.401đ năm 2001 chuyển qua), chi 1.409.476.388đ, tồn quỹ 251.899.463đ.

Năm 2003: Tổng thu 1.794.400.113đ (trong đó có 251.899.463đ của năm 2002 chuyển qua), chi 1.316.444.100đ, tồn quỹ 477.956.013đ.

Năm 2004: Tổng thu 2.635.650.266đ (trong đó có 477.956.013đ năm 2003 chuyển qua), chi 1.976.951.455đ, tồn quỹ 658.698.811đ.

Năm 2005 (từ ngày 01/01/2005 đến 23/3/2005): Tổng thu 1.118.892.705đ (trong đó có 658.698.811đ năm 2004 chuyển sang), chi 163.938.190đ, tồn quỹ trên sổ tính đến ngày 23/3/2005 là 954.954.515đ; trong khi tồn thực tế tại quỹ 647.447.771đ gồm tiền mặt 616.000đ, chứng từ 646.831.771đ; cân đối, hụt quỹ 307.476.744đ.

Quá trình thanh tra và điều tra, H thừa nhận giai đoạn H làm thủ quỹ tính đến ngày 31/8/2001 tồn quỹ 123.349.645đ; trong đó, gồm: 64.263.000đ tiền mặt đã bàn giao cho N, còn lại 59.086.645đ là chứng từ không bàn giao (BL: 2403, 1837). H cung cấp chứng từ của 59.086.645đ, giám định tài chính chấp nhận chứng từ hợp lệ gồm: Chứng từ tạm ứng của 10 cá nhân số tiền 35.594.900đ, chứng từ nộp Phòng tài chính huyện 13.155.000đ, chứng từ chi cước điện thoại năm 2001 số tiền 5.088.249 đồng, tổng số tiền được chấp nhận đối trừ 53.838.149 đồng; còn lại 5.248.496đ H cho rằng đã chi trả tiền cước điện thoại cho lãnh đạo Đảng ủy, UBND thị trấn từ tháng 9/2000 trở về trước ghi sổ tay cá nhân, chứng từ bị thất lạc với số tiền 5.345.260đ.

Đối với tiền mặt 64.263.000đ, H cho rằng đã giao hết cho N, N không thừa nhận; Hồ sơ chưa đủ chứng cứ chứng minh việc giao nhận 64.263.000đ, hiện N đã chết, Cáo trạng Viện kiểm sát tách ra tiếp tục điều tra khi nào có cơ sở sẽ xử lý sau.

Từ ngày 01/9/2001, H là kế toán còn Nguyện là thủ quỹ nhưng H chưa bàn giao thủ quỹ cho N nên tháng 9 và 10/2001, H tự thu – chi (vừa kế toán vừa thủ quỹ) đến ngày 31/10/2001 tồn quỹ 70.269.775đ. H cho rằng, 70.269.775đ này gồm: Tiền mặt 7.171.000đ, chứng từ khác 3.098.800đ, 03 biên nhận của Phạm Thị T (vợ Nguyễn Hoàng A) số tiền 60.000.000đ H đã bàn giao toàn bộ cho N nhưng không lập biên bản, còn N không thừa nhận. Quá trình điều tra chứng minh có 02 chứng từ của bà Trầm với số tiền 20.000.000 đồng do N cung cấp, kết luận giám định chấp nhận được đối trừ, còn lại 50.269.775đ là các chứng từ khác và tiền mà H khai thì không có chứng từ để xem xét.

Trong khoản thời gian làm kế toán từ năm 2001 đến 31/12/2003 H thừa nhận có nhận tiền tại quỹ chưa thanh toán, cụ thể: Ngày 19/12/2002 số tiền 10.242.500đ, thanh toán ngày 6/6/2004 còn nợ 28.740.300đ (10.140.300đ + 18.600.000đ), ứng ngân sách 12.655.100đ; Tổng số tiền 51.637.900đ (BL: 2403, 1837, 1583).

Ngoài ra, trong thời gian H làm kế toán, ủy nhiệm thu đăng nộp 65.370.800đ của 26 phiếu thu, H nhận 11.160.000đ (có biên nhận), N nhận 27.683.000đ (có biên nhận); còn lại 26.527.800đ các ủy nhiệm thu khai nộp cho H 14.182.300đ (không biên nhận), nộp cho N 4.250.000đ (không biên nhận), nộp cho Ban tài chính 2.300.000đ (không nhớ người nhận, không biên nhận), còn lại 5.795.500đ đã thanh toán dứt điểm với tài chính thị trấn (không làm biên nhận). Số tiền 26.527.800đ này thời điểm thanh tra và giai đoạn chưa khởi tố vụ án cơ quan điều tra xác minh thì H nhận trách nhiệm của H, đến tháng 5/2013 thì H cho rằng chỉ chịu trách nhiệm 1.860.000đ, còn lại H không nhận trách nhiệm.

Án sơ thẩm buộc H trong thời gian làm kế toán chịu trách nhiệm số tiền 89.325.700đ (10.242.500đ + 10.140.300đ + 18.600.000đ + 12.655.100đ + 11.160.000đ + 26.527.800đ), được đối trừ chứng từ hợp lệ mà kết luận giám định tài chính chấp nhận 70.936.500đ (05 biên nhận của N 5.250.000đ, chứng từ giải tỏa bờ kè 21.805.000đ, Nguyễn Chí H tạm ứng còn nợ 15.807.500đ, chứng từ 06 công trình sửa chữa 15.249.000đ, thăm viếng 5.200.000đ, ăn tết cơ quan 2.525.000đ, quà tết cho đối tượng chính sách 5.100.000đ), còn lại 18.389.200đ.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 44/2019/HS-ST ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Cái Nước quyết định:

Căn cứ vào điểm d khoản 2 và khoản 5 Điều 278, điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; Áp dụng Điều 47, 48 Bộ luật hình sự; Điều 106, 135, 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 584, 585, 586, 589 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Xử phạt: Tống Thị H 07 (Bảy) năm tù về tội “Tham ô tài sản”; Thời gian chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án; Bị cáo được đối trừ thời gian tạm giam từ ngày 01/10/2013 đến ngày 13/02/2015.

Cấm Tống Thị H đảm nhiệm chức vụ có liên quan đến việc quản lý kinh tế Nhà nước trong thời hạn 03 (Ba) năm kể từ khi bị cáo chấp hành xong hình phạt tù.

Buộc Tống Thị H phải bồi thường cho Nhà nước số tiền 73.907.471đ; Bị cáo đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện 150.000.000đ được đối trừ giai đoạn thi hành án, bị cáo H được nhận lại số tiền 76.092.529đ khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Tống Thị H phải án phí hình sự sơ thẩm 200.000đ.

Ngày 12 tháng 11 năm 2019, Tòa án nhân dân huyện C nhận được Đơn kháng cáo của Tống Thị H (Đơn đề ngày 12/11/2019) kháng cáo kêu oan; Ngày 07/01/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau nhận được Đơn kháng cáo bổ sung của Tống Thị H (Đơn đề ngày 12/11/2019), nội dung kháng cáo bổ sung kêu oan, sai yêu cầu được minh oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo giữ nguyên nội dung yêu cầu kháng cáo.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 356; điểm b khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; Không chấp nhận nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo; Sửa bản án sơ thẩm số 44/2019/HS-ST ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện C. Áp dụng khoản 1 Điều 353, điểm b khoản 1 Điều 51 – Bộ luật hình sự 2015 xử phạt bị cáo H từ 3 năm đến 4 năm tù về tội Tham ô tài sản; Buộc bị cáo bồi thường cho UBND thị trấn C 61.561.871đ; Bị cáo đã nộp 150.000.000đ được đối trừ, số tiền còn lại được nhận lại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tống Thị H là bị cáo trong vụ án, Đơn kháng cáo của bị cáo trong thời hạn luật định, chấp nhận xem xét giải quyết. Căn cứ Điều 333, 342 – Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án tiến hành xem xét, giải quyết yêu cầu kháng cáo của bị cáo Tống Thị H.

[2] Bị cáo cho rằng không chiếm đoạt tiền như án sơ thẩm kết tội; Luật sư bào chữa cho rằng chứng cứ có tại hồ sơ không đủ căn cứ để buộc tội bị cáo. Cơ quan tố tụng không chứng minh được bị cáo chiếm đoạt từ nguồn nào của UBND thị trấn, chiếm đoạt bằng cách nào; Cơ quan tố tụng cho rằng bị cáo chiếm đoạt là chỉ tính toán theo số cơ học bằng cách đối trừ chứ không chứng minh bằng một chứng cứ cụ thể. Tính đến ngày 23/3/2005 đối chiếu thì cho rằng thâm hụt quỹ 307.506.744đ, các cơ quan tiến hành tố tụng quy trách nhiệm cho H nhưng trong khoản thời gian trên thì H chỉ làm kế toán đến ngày 31/12/2003 còn từ ngày 01/4/2004 thì ông Đặng Văn làm kế toán. Cơ quan điều tra, chưa xác minh điều tra để có chứng cứ xác định năm 2003 tồn quỹ 477.956.013đ thì tồn tiền mặt bao nhiêu, tồn bằng chứng từ bao nhiêu, nhưng lại quy kết số tiền thâm hụt quỹ cho bị cáo H chịu trách nhiệm là không đủ căn cứ.

Bị cáo chứng minh cho việc có bàn giao cho N toàn bộ chứng từ và tiền mặt của số tiền 70.269.775đ là sổ quỹ tiền mặt thể hiện thu ít hơn chi; chứng từ 20.000.000đ của bà T ( vợ ông A) cơ quan tố tụng đối trừ cho bị cáo thì chứng từ này do N cung cấp.

Hội đồng xét xử xét thấy: Năm 2005, UBND huyện tiến hành thanh tra việc thu chi ngân sách UBND thị trấn giai đoạn 2001 – 2004 thì phát hiện thâm hụt quỹ 307.476.744đ, tại thời điểm này Đoàn Kim N là thủ quỹ. Giải trình về số tiền thâm hụt, N xác định: N chịu trách nhiệm 16.294.399đ, còn 291.212.345đ là của H. Số tiền 291.212.345đ là tiền H chưa thanh toán gồm: 59.086.645đ tồn quỹ của tháng 8/2001 + 51.637.900đ của 04 chứng từ + 131.700.000đ nhận tiền mặt tại quỹ 04 lần vào tháng 9 và 10/2001 + 48.787.800đ của 26 phiếu thu do ủy nhiệm thu nộp (BL: 27 – 29, 35).

Ngày 15/6/2010, làm việc với Đoàn phúc tra H thừa nhận có nhận và chưa thanh toán tiền tại quỹ 183.337.900đ như N trình bày (59.086.645đ + 51.637.900đ + 131.700.000đ), còn 26 phiếu thu thì số tiền là 65.370.800đ; H thừa nhận số liệu trên và yêu cầu Đoàn phúc tra tiếp tục xác minh và H sẽ có giải trình. Đoàn phúc tra tiếp tục làm việc với bị cáo thì bị cáo tiếp tục cung cấp các chứng từ chi số tiền trên cho Đoàn phúc tra để đối trừ cho bị cáo; Đồng thời, năm 2004 UBND thị trấn đã 02 lần yêu cầu bị cáo bàn giao nhiệm vụ kế toán cho người kế nhiệm nhưng bị cáo không thực hiện việc bàn giao (Thông báo ngày 25/3/2004 và Thông báo ngày 17/6/2004).

Từ những chứng cứ trên đã chứng minh khi bị cáo không còn làm thủ quỹ UBND thị trấn, cũng như không còn làm kế toán UBND thị trấn bị cáo đã không bàn giao đầy đủ và tất cả các chứng từ có liên quan đến ngân sách cho người kế nhiệm; Do đó bị cáo cho rằng toàn bộ các chứng từ và tiền mặt tồn quỹ bị cáo đã giao hết cho N là không chấp nhận.

Về nguồn tiền bị cáo H phải chịu trách nhiệm gồm: Số tiền 5.248.496đ trong khoản tiền 59.086.645đ tồn quỹ tính đến ngày 31/8/2001 do H làm thủ quỹ; Số tiền 50.269.775đ trong khoản tiền 70.269.775đ là tiền tồn quỹ của tháng 9 và 10/2001 do H làm thủ quỹ; Số tiền 18.389.200đ trong khoản tiền 89.325.700đ mà H nhận tại quỹ trong thời gian H làm kế toán từ năm 2001 đến 31/12/2003. Do đó, nguồn tiền H phải chịu trách nhiệm là nguồn tiền tồn quỹ, tiền ứng, tiền do ủy nhiệm thu nộp và được xác định trong thời gian từ tháng 8/2001 đến 31/12/2003 thời gian H làm thủ quỹ, làm kế toán.

[3] Về tư cách tham gia tố tụng của UBND thị trấn, án sơ thẩm xác định UBND thị trấn là nguyên đơn dân sự. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, UBND thị trấn tham gia trong vụ án này tư cách là bị hại. Song, việc xác đinh sai tư cách tham gia tố tụng của UBND thị trấn có vi phạm tố tụng nhưng không nghiêm trọng. Bởi, không làm thay đổi bản chất và nội dung của vụ án và cũng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng nên cấp phúc thẩm sửa lại tư cách tham gia tố tụng của UBND thị trấn.

Đối với ông Đặng Văn cùng một người nhưng tham gia với hai tư cách tố tụng trong vụ án (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện nguyên đơn dân sự). Thấy rằng, tư cách tham gia tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là tham gia tư cách của người trong thời gian ông làm kế toán UBND thị trấn giai đoạn năm 2004 trở đi, còn ông tham gia tư cách đại diện nguyên đơn dân sự trong vụ án vì tại thời điểm Tòa án xét xử ông là Chủ tịch UBND thị trấn là người đại diện theo pháp luật. Như đã phân tích trên, số tiền bị cáo chịu trách nhiệm và Tòa án đưa ra xét xử trong vụ án này thuộc giai đoạn 2001 – 2003, còn ông Đặng Văn làm nhiệm vụ kế toán từ năm 2004 trở đi. Do đó, quyền và lợi ích hợp của ông với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và quyền và lợi ích hợp pháp của UBND thị trấn không có mâu thuẫn, đối lập nhau nên không vi phạm tố tụng.

[3.1] Bị cáo kháng cáo không thừa nhận chiếm đoạt 5.248.496đ. Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo thừa nhận đến ngày 31/8/2001 tồn quỹ 123.349.645đ trong đó có 59.086.645đ là chứng từ đã chi chưa thanh toán. Bị cáo cung cấp chứng từ chi, các chứng từ này được đưa đi giám định, cơ quan tài chính giám định chỉ chấp nhận chứng từ hợp pháp bằng số tiền 53.838.149đ còn lại chứng từ chi trả tiền điện thoại cho lãnh lãnh đạo thị trấn từ tháng 9/2000 trở về trước do bị cáo tự ghi sổ tay với số tiền 5.345.260đ là không hợp pháp. Bị cáo cũng không cung cấp được chứng từ nào khác để chứng minh cho việc có chi trả tiền cước phí điện thoại như lời trình bày của bị cáo; Đồng thời quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng không thu thập được chứng cứ nào khác để chứng minh việc bị cáo chi trả tiền điện thoại như bị cáo trình bày. Do đó, án sơ thẩm buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm số tiền 5.248.496đ do không có chứng từ chi hợp pháp là có căn cứ.

[3.2] Bị cáo kháng cáo cho rằng số tiền 50.269.775đ Nguyện là người chịu trách nhiệm; Bởi, bị cáo đã bàn giao toàn bộ 70.269.775đ cho Nguyện. Bị cáo chứng minh cho việc đã bàn giao là quá trình điều tra, N cung cấp 02 phiếu tạm ứng của bà T (vợ ông A); các phiếu thu – chi tháng 9 và 10 N ký tên với tư cách thủ quỹ; Sổ quỹ tiền mặt thể hiện tháng 11 và 12/2001 số tiền thu ít hơn chi (thu 30.000.000đ, chi 33.991.845đ).

Còn N cho rằng, việc ký tên vào phiếu thu – chi tháng 9 và 10/2001 là ký vào năm 2002, ký phục hồi theo đề nghị của H. Lời trình bày này của N là có căn cứ chấp nhận. Bởi tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận các chứng từ thu – chi giai đoạn tháng 9 và 10/2001 do bị cáo giữ. Sổ tiền mặt của thủ quỹ đến tháng 11/2001 bị cáo mới giao cho N; N là người ghi thông tin, dử liệu chứng từ thu – chi tháng 9 và 10/2001 vào Sổ quỹ tiền mặt. Song, trong sổ quỹ tiền mặt thì phần nhật ký dữ liệu giữa tháng 10 với tháng 11/2001 có một khoảng cách, bỏ hẳn một trang giấy mà không ghi liền nhau như những phần nhật ký khác của Sổ; Đồng thời bà T chỉ thừa nhận có tạm ứng 02 lần tiền bằng 20.000.000 đồng, số tiền chênh lệch thu nhỏ hơn chi không đáng kể.

Như vậy, việc Nguyện có ký tên vào phiếu thu – chi tháng 9 và 10/2001 cũng như cung cấp phiếu tạm ứng của bà T cũng không đủ căn cứ để chấp nhận lời trình bày của bị cáo là bị cáo đã giao toàn bộ chứng từ và toàn bộ số tiền mặt cho N bằng 70.269.775đ. Do đó, án sơ thẩm buộc bị cáo chịu trách nhiệm số tiền 50.269.775đ là có cơ sở.

[3.3] Đối với số tiền 89.325.700đ, trong số tiền này bị cáo kháng cáo không thừa nhận chiếm đoạt 18.389.200đ mà cho rằng đã chi dư 13.193.200đ.

Hội đồng xét xử xét thấy: Ngày 21/6/2010, Đoàn phúc tra làm việc với bị cáo H, N và các ủy nhiệm thu. Tại buổi làm việc các ủy nhiệm thu trình bày: Số tiền 26.527.800đ các ủy nhiệm thu đã nộp cho H 14.182.300đ (không biên nhận), nộp cho N 4.250.000đ (không biên nhận), nộp cho Ban tài chính 2.300.000đ (không nhớ người nhận, không biên nhận), còn lại 5.795.500đ đã thanh toán dứt điểm với tài chính thị trấn (không làm biên nhận), bị cáo không có ý kiến phản đối với lời trình bày của các ủy nhiệm thu, bị cáo chỉ ghi vào biên bản “số tiền của ấp tôi nhận đều ghi biên nhận”. Ngày 01/8/2011, 24/8/2011, 25/8/2011 làm việc với cơ quan điều tra và tờ xác nhận ngày 28/8/2011 của bị cáo, bị cáo thừa nhận chịu trách nhiệm tiền thu lai 26.527.800đ; Như vậy, có căn cứ xác định trong khoản tiền 26.527.800đ, bị cáo phải chịu trách nhiệm 14.182.300đ. Án sơ thẩm buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm 26.527.800đ là chưa chính xác, còn bị cáo chỉ thừa nhận chỉ chịu trách nhiệm 1.860.000đ là không có căn cứ mà trong 26.527.800đ bị cáo phải chịu trách nhiệm 14.182.300đ.

Do đó, có đủ chứng cứ xác định số tiền bị cáo chịu trách nhiệm trong thời gian làm kế toán UBND thị trấn là 76.980.200 đồng (10.242.500đ + 10.140.300đ + 18.600.000đ + 12.655.100đ + 11.160.000đ + 14.182.300đ); Trong đó, có chứng từ hợp pháp được xem xét đối trừ là 70.936.500đ; còn lại 6.043.700đ bị cáo không có chứng từ chi hợp pháp nên bị cáo phải chịu trách nhiệm.

Từ phân tích, nhận định trên có căn cứ chứng minh, trong khoản thời gian làm thủ quỹ UBND thị trấn bị cáo phải chịu trách nhiệm của số tiền 55.518.271đ (5.248.496đ + 50.269.775đ), trong thời gian làm kế toán bị cáo phải chịu trách nhiệm số tiền 6.043.700đ; Tổng số tiền bị cáo H phải chịu trách nhiệm là 61.561.971đ.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng không có chứng cứ chứng minh bị cáo chiếm đoạt tiền, bị cáo cho rằng án sơ thẩm kết tội bị cáo chiếm đoạt tiền là oan cho bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy: Toàn bộ số tiền 61.561.971đ bị cáo là người có trách nhiệm trực tiếp quản lý nhưng bị cáo khai rằng đã chi, bàn giao hết cho người kế nhiệm bị cáo không còn giữ. Nhưng chứng từ bị cáo đưa ra để chứng minh cho lời trình bày của mình thì những chứng từ này không hợp pháp và không có cơ sở chấp nhận; Hành vi này của bị cáo theo pháp luật hình sự thì được xác định là hành vi chiếm đoạt. Do đó, án sơ thẩm kết luận bị cáo chiếm đoạt số tiền trên là đúng quy định của pháp luật, không sai. Song, án sơ thẩm xác định bị cáo chiếm đoạt 73.907.471đ là chưa chính xác, cấp phúc thẩm sửa giảm số tiền bị chiếm đoạt còn 61.561.971đ.

Bị cáo là người có trách nhiệm quản lý nguồn tiền của UBND thị trấn nhưng bị cáo lại chiếm đoạt số tiền mà mình có trách nhiệm quản lý; Hành vi này của bị cáo, pháp luật hình sự quy định là hành vi tham ô tài sản. Do đó, án sơ thẩm xử bị cáo phạm tội tham ô tài sản là đúng tội. Song, án sơ thẩm áp dụng Điều luật của Bộ luật hình sự 1999 đã được sửa đổi bổ sung 2009 (viết tắt Bộ luật hình sự 1999) để xử phạt bị cáo là chưa đúng theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành. Theo quy định tại Điều 7 – Bộ luật hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (viết tắt Bộ luật hình sự 2015) và Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội về việc Thi hành Bộ luật hình sự 2015 thì hành vi phạm tội của bị cáo phải được áp dụng Điều luật của Bộ luật hình sự 2015 để xử phạt bị cáo vì Điều luật quy định về tội tham ô tài sản của Bộ luật hình sự 2015 quy định có lợi cho người phạm tội so với Điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999. Do đó, đề nghị của Viện kiểm sát có căn cứ chấp nhận.

Như vậy, với số tiền bị cáo chiếm đoạt, theo quy định Điều 7 – Bộ luật hình sự 2015 thì hành vi phạm tội của bị cáo được quy định tại khoản 1 Điều 353 – Bộ luật hình sự 2015.

[4] Về tính chất mức độ phạm tội và trách nhiệm hình sự của bị cáo, thấy rằng: Hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm hại đến tài sản của Nhà nước, tiền bị cáo chiếm đoạt là nguồn tiền của UBND thị trấn, bị cáo là người có trách nhiệm quản lý. Tại thời điểm xảy ra tội phạm theo quy định Bộ luật hình sự 1999 thì hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, nhưng tại thời điểm xét xử theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 thì hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng. Án sơ thẩm xử phạt bị cáo 07 năm tù là chưa chính xác, quá nghiêm khắc so với quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, cấp phúc thẩm cần phải sửa án sơ thẩm về hình phạt theo hướng giảm hình phạt cho bị cáo.

Hành vi phạm tội của bị cáo thuộc nhóm các tội phạm tham nhũng phải bị pháp luật xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến tội phạm có sự quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra của UBND thị trấn dẫn đến có điều kiện thuận lợi để bị cáo thực hiện hành vi phạm tội của mình. Trong quá trình thanh tra, trước khi khởi tố vụ án bị cáo đã tự nguyện nộp đủ số tiền chiếm đoạt nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo chiếm đoạt 61.561.971đ nhưng bị cáo đã nộp khắc phục 150.000.000đ nên được đối trừ, số tiền dôi ra, còn lại hoàn trả lại bị cáo tại giai đoạn thi hành án.

[6] Về án phí: Do sửa án sơ thẩm nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[7] Các nội dung khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nên không đặt ra xem xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 và 3 Điều 333; Điều 342; Điểm b khoản 1 Điều 355; Điểm b, c, d khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Không chấp nhận nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo;

Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 44/2019/HS-ST ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Cái Nước.

Áp dụng khoản 1 và khoản 5 Điều 353; Điều 41; Điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung 2017;

- Tuyên xử: Bị cáo Tống Thị H phạm tội Tham ô tài sản.

- Tuyên phạt: Bị cáo Tống Thị H 03 (ba) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án; Bị cáo Tống Thị H được đối trừ thời gian tạm giam từ ngày 01/10/2013 đến ngày 13/02/2015.

Cấm bị cáo Tống Thị H đảm nhiệm chức vụ có liên quan đến việc quản lý kinh tế Nhà nước trong thời hạn 03 (ba) năm kể từ ngày bị cáo chấp hành xong hình phạt tù.

Áp dụng khoản 1 Điều 48 – Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung 2017; khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điểm a khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Buộc bị cáo Tống Thị H phải bồi thường Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện C số tiền 61.561.971 đồng; Bị cáo đã nộp 150.000.000 đồng nên được đối trừ, số tiền dôi ra còn lại được hoàn trả lại bị cáo Tống Thị H; Việc đối trừ được thực hiện ở giai đoạn thi thi hành án.

Bị cáo Tống Thị H phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng. Bị cáo Tống Thị H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

122
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tham ô tài sản số 24/2020/HS-PT

Số hiệu:24/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 04/03/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về