Bản án về tội tham ô tài sản số 239/2022/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 239/2022/HS-PT NGÀY 15/04/2022 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Ngày 15/4/2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà nội, mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 994/2021/TLPT-HS ngày 03/11/2021, đối với bị cáo Dương Thị L bị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn xét xử sơ thẩm về tội “Tham ô tài sản”, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2021/HS-ST ngày 22/9/2021.

- Bị cáo Dương Thị L sinh ngày 03/10/1964 tại huyện B, Bắc Kạn; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Tiểu khu 5, thị trấn C, huyện B, tỉnh Bắc Kạn; Nghề nghiệp: Cán bộ nghỉ hưu; Trình độ học vấn: Lớp 10/10; Dân tộc: Tày; Giới tính: Nữ; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Con ông Nguyễn Dương B và bà Vi Thị B1 (Đều đã chết); Chồng là Cổ Văn P; có 02 con, con lớn sinh năm 1987, con nhỏ sinh năm 1990; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Lê Văn B, Văn phòng luật sư Dân Chính, Đoàn luật sư tỉnh Thái Bình; có mặt tại phiên tòa.

- Bị hại: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh huyện B, tỉnh Bắc Kạn: Ông Nguyễn Văn T1 - Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện B, tỉnh Bắc Kạn là Người đại diện theo pháp luật; Trú tại: Tổ 8, phường P, thành phố K, tỉnh Bắc Kạn; có mặt tại phiên tòa.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Nguyễn Thị Thanh H, sinh năm 1982; Trú tại: Thôn N, xã T, huyện B, tỉnh Bắc Kạn; có mặt tại phiên tòa.

2. Bà Hoàng Thị T, sinh năm 1986; Trú tại: Tiểu khu 1, thị trấn C, huyện B, tỉnh Bắc Kạn; có mặt tại phiên tòa.

3. Bà Giá Thị H1, sinh năm 1963; Trú tại: Tiểu khu 6, thị trấn C, huyện B, tỉnh Bắc Kạn; có mặt tại phiên tòa.

4. Ông Dương Trọng K, sinh năm 1963; Trú tại: Tiểu khu 9, thị trấn C, huyện B, tỉnh Bắc Kạn; có mặt tại phiên tòa.

5. Ông Triệu Vi Đ, sinh năm 1981; Trú tại: Thôn P, xã T, huyện B, tỉnh Bắc Kạn; có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Từ năm 2013 đến năm 2019, Dương Thị L là Giao dịch viên quầy loại 2 thuộc Phòng Kế toán Ngân quỹ A Chi nhánh huyện B. Theo quy định tại tiết 3 điểm a mục 2.2 Công văn số 2138/NHNo-TCKT ngày 27/3/2014 của ngân hàng A Việt Nam quy định về hạn mức giao dịch tiền mặt, hạn mức kiểm soát chi tiền mặt tại quầy giao dịch thì Giao dịch viên quầy giao dịch loại 2 Chi nhánh loại III được giao quyền tự thực hiện, tự phê duyệt trên hệ thống IPCAS đối với các giao dịch rút tiền tiết kiệm có số tiền dưới 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng) mà không cần phải có phê duyệt của Kiểm soát viên trên hệ thống IPCAS và chứng từ giao dịch trước khi thực hiện. Đối với các giao dịch có số tiền trên 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng), hệ thống IPCAS tự động chuyển tới màn hình máy tính của Kiểm soát viên để xem xét phê duyệt; giao dịch viên phải chuyển chứng từ bản giấy cho Kiểm soát viên để đối chiếu với thông tin giao dịch trên hệ thống IPCAS sau đó Kiểm soát viên thực hiện phê duyệt giao dịch trên hệ thống IPCAS và ký chứng từ giao dịch bản giấy rồi chuyển lại cho giao dịch viên, sau đó mới cho khách hàng rút tiền.

Từ năm 2013 đến năm 2019 Dương Thị L đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn làm sai quy định trong quy trình nghiệp vụ, thực hiện 29 giao dịch chiếm đoạt số tiền trong tài khoản gửi tiết kiệm của 06 khách hàng là bà Dương Thị T2, bà Hoàng Thị H2, bà Đặng Thị H3, bà Hoàng Thị G, ông Nguyễn Văn T3 và ông Nguyễn Văn T4; cụ thể:

- Không hạch toán trên hệ thống IPCAS một phần tiền gửi của khách hàng Hoàng Thị G:

Ngày 23/12/2013, Bà G gửi tiết kiệm số tiền 250.000.000đ (Hai trăm năm mươi triệu đồng), giấy gửi tiền có chữ ký của bà G ghi số tiền gửi là 250.000.000đ (Hai trăm năm mươi triệu đồng); L lập sổ tiết kiệm sau đó dùng bút viết số 250.000.000đ (Hai trăm năm mươi triệu đồng) lên sổ tiết kiệm trình bà Giá Thị H4 - Phó Giám đốc A huyện B ký xác nhận rồi trả sổ cho bà G. Đến khi hạch toán trên hệ thống IPCAS, L chỉ hạch toán số tiền 53.000.000đ (Năm mươi ba triệu đồng). L hủy giấy gửi tiền với số tiền 250.000.000đ (Hai trăm năm mươi triệu đồng) mà bà G đã ký, lập lại giấy gửi tiền khác với số tiền 53.000.000đ (năm mươi ba triệu đồng), tự ký lại chữ ký của bà G. Số tiền 197.000.000đ (Một trăm chín mươi bảy triệu đồng) còn lại L không hạch toán trên hệ thống IPCAS mà chiếm đoạt. Chứng từ khi chuyển cho bà H5 - Kiểm soát và bà T5 hậu kiểm thì đã đầy đủ và khớp với số tiền ghi nhận trên hệ thống IPCAS là 53.000.000đ (Năm mươi ba triệu đồng). Bà H5 và bà T5 không biết việc L không hạch toán trên hệ thống IPCAS số tiền 197.000.000đ (Một trăm chín mươi bảy triệu đồng) của bà G. Kết quả điều tra xác định bà H4 không biết L chiếm đoạt số tiền 197.000.000đ (Một trăm chín mươi bảy triệu đồng) bà G gửi tiết kiệm.

- Trong thời gian từ ngày 30/10/2015 đến ngày 30/9/2019, Dương Thị L thực hiện 14 giao dịch rút một phần tiền trong tài khoản tiết kiệm của khách hàng chiếm đoạt số tiền 408.305.100đ (Bốn trăm linh tám triệu, ba trăm linh năm nghìn, một trăm đồng) gồm cả lãi suất; 14 giao dịch tất toán sổ tiết kiệm của khách hàng chiếm đoạt số tiền 396.419.500đ (Ba trăm chín mươi sáu triệu, bốn trăm mười chín nghìn, năm trăm đồng) gồm cả lãi suất.

+ Đối với các giao dịch L hạch toán rút tiền trên hệ thống IPCAS nhưng không có chứng từ rút tiền có chữ ký của khách hàng, L chọn các khách hàng có nhiều giao dịch gửi tiền và rút tiền tại ngân hàng A Chi nhánh huyện B để rút tiền chiếm đoạt. Tất cả 14 giao dịch rút tiền đều có số tiền giao dịch dưới 50 triệu đồng nằm trong hạn mức giao dịch mà L được phép tự phê duyệt trên hệ thống IPCAS không phải chuyển chứng từ cho Kiểm soát viên phê duyệt trước khi cho khách hàng rút tiền. Đến cuối ngày làm việc, L không bàn giao chứng từ cho Kiểm soát viên, lý do chưa hoàn thiện xong chứng từ giao dịch nên chưa bàn giao được.

+ Đối với giao dịch rút một phần tiền gửi không có sổ tiết kiệm gốc của khách hàng, L lập các giấy rút tiền theo số tiền đã rút, chờ khi các khách hàng đến giao dịch với ngân hàng A chi nhánh huyện B, L kẹp thêm chứng từ rút tiền do L lập sẵn vào tập chứng từ giao dịch của khách hàng để khách hàng ký hoặc L nói với khách hàng do chứng từ rút tiền bị sai đề nghị khách hàng ký lại chứng từ khác, khách hàng không để ý kiểm tra nên ký các chứng từ rút tiền L đưa thêm. L sử dụng các chứng từ trên để hợp thức cho các giao dịch rút một phần tiết kiệm của khách hàng mà L chiếm đoạt tiền. Khi hoàn thiện xong chứng từ có đầy đủ chữ ký của khách hàng và khớp với dữ liệu trên hệ thống IPCAS, L mới bàn giao chứng từ cho bà H5 để kiểm soát.

+ Đối với việc tất toán sổ tiết kiệm của khách hàng, do L không có sổ tiết kiệm gốc của khách hàng, nên không hoàn thiện được chứng từ bàn giao cho bà H5 - Kiểm soát viên. L lấy lý do chưa hoàn thiện xong để không giao chứng từ giao dịch cho Kiểm soát viên.

Ngày 01/11/2019, Dương Thị L nghỉ việc để hưởng chế độ hưu, đã bàn giao lại cho Phòng Kế toán một số giấy tờ, nhưng không nộp lại các chứng từ giao dịch còn thiếu. Đến cuối tháng 11/2019 bà H5 và bà T5 kiểm tra tủ tài liệu của L, thì phát hiện các chứng từ giao dịch của L có sai phạm. Ngày 03/12/2019, ngân hàng A Chi nhánh K đã ra Quyết định số: 2142/QĐ/NHNo.BK-TH về “Thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất công tác Kế toán Ngân quỹ tại ngân hàng A Chi nhánh huyện B- Bắc Kạn”. Đoàn kiểm tra đã làm rõ 29 giao dịch sai phạm của Dương Thị L.

Tại Kết luận giám định tư pháp ngày 21/8/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh K kết luận: “Tổng số tiền bà Dương Thị L chiếm đoạt là 1.001.724.600đ; Tổng số tiền phải trả cho khách hàng đúng lãi suất, đúng kỳ hạn là 1.137.294.208đ; Toàn bộ số tiền bà Dương Thị L đã chiếm đoạt do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện B, tỉnh Bắc Kạn quản lý”.

Ngày 23/12/2019, L đã nộp toàn bộ số tiền trên để khắc phục hậu quả và hoàn trả cho khách hàng qua ngân hàng A chi nhánh huyện B.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2021/HS-ST ngày 22/9/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã áp dụng điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 353; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Dương Thị L 15 (Mười lăm) năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án. Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ Giao dịch viên tại các hệ thống Ngân hàng trong thời hạn 02 (Hai) năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 29/9/2021, Dương Thị L có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, bao gồm việc xác định tội danh, xem xét lại hình phạt cũng như trách nhiệm của những người liên quan, tránh bỏ lọt tội phạm.

Ngày 10/10/2021, Dương Thị L có đơn kháng cáo bổ sung, bên cạnh những nội dung đã đề nghị trong đơn kháng cáo ngày 29/9/2021, Dương Thị L cho rằng Bản án sơ thẩm đã không đánh giá đúng tính chất, hành vi nguy hiểm của nhiều người khác, đặc biệt là trách nhiệm của Ban lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện B nên đã bỏ lọt tội phạm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dương Thị L giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại với lý do: việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, không khách quan; khoản tiền của khách hàng Hoàng Thị G không phải do bị cáo Dương Thị L trực tiếp quản lý; các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội xác định Tòa án cấp sơ thẩm kết tội bị cáo Dương Thị L về tội “Tham ô tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật; mức hình phạt 15 năm tù đổi với bị cáo là phù hợp, đã xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; trách nhiệm của một số cán bộ Ngân hàng đã được cấp sơ thẩm xem xét, đánh giá, được cơ quan chủ quản xử lý. Đại diện viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng, sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 29/9/2021, bị cáo Dương Thị L có đơn kháng cáo theo đúng quy định tại các điều 331, 332 và 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự; bởi vậy kháng cáo của bị cáo là hợp pháp, được xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Ngày 10/10/2021, Dương Thị L có đơn kháng cáo bổ sung làm rõ thêm những yêu cầu mà bị cáo đã trình bày trong đơn kháng cáo, không có yêu cầu nào mới nằm ngoài phạm vi mà bị cáo đã kháng cáo.

[2] Về việc xác định tư cách những người tham gia tố tụng, trong vụ án này, tuy các khoản tiền Dương Thị L chiếm đoạt được lấy từ các tài khoản tiền gửi của khách hàng nhưng Ngân hàng A Chi nhánh huyện B mới là pháp nhân bị thiệt hại vì Ngân hàng là chủ thể phải hoàn trả các khoản tiền gửi cho khách hàng. Như vậy, theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự phải xác định Ngân hàng là bị hại trong vụ án; các khách hàng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tòa án cấp sơ thẩm xác định Ngân hàng là Nguyên đơn dân sự, các khách hàng là bị hại là không đúng, cần rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết các vụ án tương tự khác.

[3] Về hành vi phạm tội của Dương Thị L, tội danh và điều luật áp dụng: tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thừa nhận từ năm 2013 đến năm 2019, bị cáo là Giao dịch viên quầy loại 2 thuộc Phòng Kế toán Ngân quỹ ngân hàng A Chi nhánh huyện B. Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Dương Thị L đã làm sai quy định trong quy trình nghiệp vụ chiếm đoạt tiền trong tài khoản gửi của 6 khách hàng tại Ngân Hàng A Chi nhánh huyện B, tỉnh Bắc Kạn; cụ thể không hạch toán trên hệ thống IPCAS 197.000.000 đồng tiền gửi của khách hàng Hoàng Thị G; thực hiện 14 giao dịch rút một phần tiết kiệm trong tài khoản của khách hàng chiếm đoạt số tiền 408.305.100đ; thực hiện 14 giao dịch tất toán sổ tiết kiệm của khách hàng chiếm đoạt số tiền 396.419.500đ (Ba trăm chín mươi sáu triệu, bốn trăm mười chín nghìn, năm trăm đồng) gồm cả lãi suất. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, tại cơ quan điều tra, Kết luận giám định tư pháp ngày 21/8/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh K và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở để kết luận Dương Thị L đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao chiếm đoạt tổng số tiền là 1.001.724.600 đồng trong tài khoản gửi của 6 khách hàng tại Ngân hàng A Chi nhánh huyện B. Tòa án cấp sở thẩm xác định Dương Thị L phạm tội “Tham ô tài sản” với tình tiết định khung là “Chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[4] Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng đối với khoản tiền 197.000.000 đồng bị cáo chiếm đoạt của khách hàng Hoàng Thị G, bị cáo không có trách nhiệm trực tiếp quản lý nên việc xác định bị cáo tham ô khoản tiền này là không đúng; tuy nhiên, bị cáo là người nhận 250.000.000 đồng của bà Hoàng Thị G, chỉ hạch toán 53.000.000 đồng trên hệ thống IPCAS và tự ký lại chữ ký của bà G; khi kiểm soát và hậu kiểm thì chứng từ đã đầy đủ theo quy định của Ngân hàng. Như vậy, quan điểm của Luật sư về việc bị cáo không tham ô khoản tiền này là không có cơ sở để chấp nhận.

[5] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong vụ án này, bị cáo đã thực hiện 29 giao dịch trái pháp luật để chiếm đoạt tiền, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự là chính xác.

[6] Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội; tự nguyện đền bù toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt để Ngân hàng hoàn trả cho các khách hàng; trong quá trình công tác, bị cáo được tặng Huy chương vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam và nhiều giấy khen do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác; có bố và mẹ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất, hạng nhì; được bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị xem xét giảm hình phạt. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, v, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo là phù hợp.

[7] Về mức hình phạt, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp có khung hình phạt từ 20 năm đến tù chung thân, hoặc tử hình. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, hậu quả của hành vi phạm tội đã được khắc phục, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo 15 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và cũng là mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề là đã thể hiện sự khoan hồng, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Tại phiên tòa hôm nay, không có tình tiết nào mới để xem xét giảm nhẹ thêm hình phạt đối với bị cáo. Về hình phạt bổ sung, do bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt bổ sung cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ là giao dịch viên ngân hàng trong thời hạn 02 năm cũng là cần thiết, đúng pháp luật, Hội đồng xét xử xét thấy cần giữ nguyên như quyết định của bản án sơ thẩm.

[8] Về việc xem xét trách nhiệm của những người liên quan, theo lời khai của Dương Thị L thì từ năm 1996 đến năm 2003, bị cáo cùng với bà Nông Thị L1, bà Giá Thị H4, bà Đoàn Thị H6, bà Triệu Thị V lập nhóm chơi số đề. Do bị thua lỗ không có tiền để trả nên cả nhóm bàn bạc mượn tạm tiền của khách hàng để trả cho chủ đề; sau này khách hàng đến giao dịch, bị cáo phải xử lý các khoản khác để bù đắp cho khách hàng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, những người liên quan đều khẳng định lời khai của Dương Thị L là không đúng sự thật, từ năm 1996 đến nay các bà không tham gia vào nhóm chơi số đề nào; cơ quan điều tra cũng không thu giữ được tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh lời khai của Dương Thị L là đúng; bản thân bị cáo khai sổ sách, chứng từ ghi chép các khoản tiền mà cả nhóm đã rút và chi cho việc đánh đề do bà V giữ, đến nay không còn nữa. Như vậy, không có căn cứ để Hội đồng xét xử xem xét trách nhiệm của bà L1, bà H4, bà H6 trong vụ án này. Bên cạnh đó, theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì năm 2003 bà V chết, bà L1 chuyển công tác lên huyện P; những người khác lần lượt về hưu; trong khi các giao dịch Dương Thị L thực hiện để chiếm đoạt tiền được xác định là từ năm 2013 đến năm 2019. Như vậy, nếu có việc bà Nông Thị L1, bà Giá Thị H4, bà Đoàn Thị H6 và bà Triệu Thị V bàn bạc với L để rút tiền của Ngân hàng chơi số đề thì đó là những khoản chiếm đoạt khác. Tòa án cấp sơ thẩm đã kiến nghị cơ quan điều tra xác minh, làm rõ, nếu có đủ căn cứ thì xem xét, xử lý trong một vụ án khác là phù hợp với quy định của pháp luật.

[9] Về Trách nhiệm của một số cán bộ Ngân hàng A Chi nhánh huyện B tỉnh Bắc Kạn, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Kạn đã xác định có một số vi phạm trong công tác kiểm soát, hậu kiểm và xử lý chứng từ nhưng kết luận chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Hội đồng xét xử phúc thẩm kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn tiếp tục xác minh, làm rõ, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì xử lý trong một vụ án khác.

[10] Về án phí, do không được chấp nhận kháng cáo, căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án", bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[11] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực thi hành.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dương Thị L, giữ nguyên quyết định về tội danh và hình phạt đối với bị cáo tại Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2021/HS-ST ngày 22/9/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn.

2. Áp dụng điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 353; điểm b, s, v khoản 1 khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Dương Thị L 15 (Mười lăm) năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án. Cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ Giao dịch viên tại các hệ thống Ngân hàng trong thời hạn 02 (Hai) năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

3. Bị cáo Dương Thị L phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1516
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tham ô tài sản số 239/2022/HS-PT

Số hiệu:239/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về