Bản án về tội tham ô tài sản số 194/2021/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 194/2021/HS-PT NGÀY 29/04/2021 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Ngày 29 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 648/2020/TLPT- HS ngày 20 tháng 8 năm 2020 đối với bị cáo Vũ Thị Hồng T phạm tội “Tham ô tài sản” do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 37/2017/HS-ST ngày 07 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ.

* Bị cáo có kháng cáo:

Vũ Thị Hồng T, sinh năm 1976; nơi ĐKHKTT: Tổ H, phường H, thành phố Đ, tỉnh Đ; chỗ ở: Tổ M, phường H, thành phố Đ, tỉnh Đ; nghề nghiệp: Kế toán Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Đ; Trình độ học vấn: 12/12; Là đảng viên ĐCSVN, đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; Con ông Vũ Ngọc X (đã chết) và bà Bùi Thị L; chồng là Lê Thanh L và có 02 con, con lớn sinh năm 2007, con nhỏ sinh năm 2012; tiền án, tiền sự: không; Bị cáo hiện tại ngoại, có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo: NBC1 (có mặt), NBC2 (có mặt), NBC3 (vắng mặt), NBC4 (vắng mặt).

* Nguyên đơn dân sự (theo bản án sơ thẩm xác định): Ban Dân tộc tỉnh Đ. Đại diện theo pháp luật: Ông Lò Văn T - Chức vụ: Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đ.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập, có đơn xin xét xử vắng mặt:

1. Bà Trần Thị H, sinh năm 1960; trú tại: Tổ dân phố N, phường M, thành phố Đ, tỉnh Đ.

2. Bà Nguyễn Thị Bích H, sinh năm 1971; trú tại: Tổ N, thị trấn C, huyện C, tỉnh Đ.

3. Bà Phạm Thị T, sinh năm 1976; trú tại: Tổ H, phường M, thành phố Đ, tỉnh Đ.

4. Bà Hà Thị P, sinh năm 1965; nơi công tác: Phó Giám đốc khách sạn H - Đ, địa chỉ: Số T, phường M, thành phố Đ, tỉnh Đ.

Ngoài ra trong vụ án còn có 2 bị cáo không có kháng cáo, không bị kháng nghị; Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 08/5/2012, Hoàng Thị M là Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Đ đã ký hợp đồng kinh tế số 05 với Ban dân tộc tỉnh Đ do ông Hoàng Hữu Q (Hoàng Q) - Phó trưởng ban Ban dân tộc tỉnh Đ về việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề thuộc Chương trình 135 giai đoạn II. Cụ thể, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Đ có trách nhiệm tổ chức 22 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng thuộc Chương trình 135 giai đoạn II năm 2011, tổng giá trị của hợp đồng là 2.615.000.000 đồng. Ngày 10/10/2012, Hoàng Thị M ký tiếp Hợp đồng kinh tế số 17 với ông Hoàng Hữu Q với nội dung: Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Đ tổ chức 02 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng thuộc Chương trình 135 giai đoạn II năm 2011, tổng giá trị của hợp đồng là 243.000.000 đồng.

Trong quá trình thực hiện 02 hợp đồng nêu trên, Hoàng Thị M đã chỉ đạo Vũ Thị Hồng T là Kế toán và Lò Thị O (Lò Thị H) là Thủ quỹ của Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Đ, thực hiện không đầy đủ theo nội dung của hợp đồng và lập khống các chứng từ như: Thuê nhà nghỉ, hỗ trợ tiền ăn, tiền vé xe, tiền chè nước, tiền thuê khánh tiết, tăng âm loa đài, thiết bị dạy học, rút ngắn thời gian giảng để quyết toán hai hợp đồng. Tổng số tiền các bị cáo đã rút ra từ việc lập khống các chứng từ để quyết toán thực hiện 02 hợp đồng nêu trên là 1.775.166.500 đồng, trong đó: Hoàng Thị M, Vũ Thị Hồng T và Lò Thị O chiếm hưởng cá nhân tổng số tiền 395.518.300 đồng (Hoàng Thị M chiếm hưởng cá nhân 324.650.700 đồng dưới hình thức tiền chi phí quản lý, làm thêm giờ và phụ cấp công vụ; Vũ Thị Hồng T và Lò Thị O chiếm hưởng cá nhân mỗi người 35.433.800 đồng dưới hình thức làm thêm giờ, phụ cấp, tiền thưởng). Đồng thời chi không đúng quy định gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền 1.379.648.200 đồng.

Cơ quan điều tra đã tạm giữ tổng số tiền là 1.816.129.700 đồng do các cá nhân, tổ chức nộp cụ thể như sau: Hoàng Thị M 1.178.950.000 đồng; Vũ Thị Hồng T 200 triệu đồng; Lò Thị O 200 triệu đồng; Trịnh Văn T 30 triệu đồng; Nguyễn Văn K 05 triệu đồng; Hội nông dân tỉnh Đ 25 triệu đồng; các đối tượng bán hóa đơn tiền ngủ: 97.254.000 đồng; Quỹ của trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh 35.471.000 đồng; tiền lãi gửi ngân hàng (do M chỉ đạo O gửi vào ngân hàng số tiền 398.950.000 đồng do M, T, O, Toàn nộp) là 28.954.700 đồng; Trường cao đẳng nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ 12 triệu đồng; các cá nhân Ban dân tộc tỉnh Đ nộp 3.500.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 54/2015/HSST ngày 18 tháng 8 năm 2015, Tòa án nhân dân tỉnh Đ đã xử phạt Hoàng Thị M, Vũ Thị Hồng T và Lò Thị O đều về tội “Tham ô tài sản”.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 45/2016/HSPT ngày 26/01/2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định: Hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 54/2015/HSST ngày 18 tháng 8 năm 2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ và giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đ để điều tra lại theo thủ tục chung”.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 37/2017/HSST ngày 07 tháng 3 năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Đ đã quyết định:

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999, điểm e khoản 2 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015; xử phạt các bị cáo Hoàng Thị M 42 tháng tù, Lò Thị O (tức H) 37 tháng tù và bị cáo Vũ Thị Hồng T 28 tháng tù về tội “Tham ô tài sản”. Buộc các bị cáo và những người có nghĩa vụ liên quan phải có nghĩa vụ bồi hoàn số tiền 1.775.166.500 đồng. Sau khi bù trừ số tiền các bị cáo và những người có nghĩa vụ liên quan đã nộp, buộc các bị cáo phải bồi hoàn và nộp vào ngân sách Nhà nước như sau:

Buộc Hoàng Thị M phải có trách nhiệm bồi hoàn số tiền 288.169.000 đồng để sung quỹ Nhà nước. Trả lại bị cáo Vú Thị Hồng T và bị cáo Lò Thị O, mỗi bị cáo 164.566.200 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, lãi xuất chậm trả do chậm thi hành án, tuyên về án phí và thông báo quyền kháng cáo theọ quy định pháp luật.

Ngày 21/3/2017, bị cáo Vũ Thị Hồng T có đơn kháng cáo với nội dung: Bị cáo không tham ô tài sản, kết án bị cáo 28 tháng tù là quá nặng và oan. Nếu Tòa cố ý kết tội thì mức án của bị cáo chỉ là án treo hoặc cải tạo không giam giữ.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 406/2018/HS-PT ngày 25 tháng 6 năm 2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định: Hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 37/2017/HS-ST ngày 07 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ. Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đ để điều tra xét xử lại theo quy định của pháp luật.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 08/2020/HS-GĐT ngày 16/6/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định: Hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 406/2018/HS-PT ngày 25 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 29/4/2021, bị cáo Vũ Thị Hồng T xác định bị cáo kháng cáo kêu oan với lý do: Bị cáo không tham ô tài sản. Bị cáo ký 3 séc trắng là do M ép ký. Khi rút được tiền về, O có vào sổ sách hay không là trách nhiệm của O, việc chi tiêu đúng hay không là trách nhiệm của bị cáo M. Bị cáo không được cập nhật tài chính hàng ngày do bị cáo đang nghỉ sinh con nên khi đưa các chứng từ cho bị cáo thì bị cáo ký để hoàn tất hồ sơ quyết toán. Bị cáo không chiếm hưởng số tiền 35.433.000 đồng, chỉ được nhận tiền thăm khi bị cáo sinh đẻ và tiền phụ cấp, tiền tết, tiền làm ngoài giờ, ốm đau.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội trình bày quan điểm về giải quyết vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo T, giữ nguyên tội danh, hình phạt đối với bị cáo vì: Bị cáo đã có hành vi lập khống các chứng từ trong đó có tiền thuê nhà nghỉ cho học viên các lớp học theo hợp đồng đã ký giữa ban dân tộc và trung tâm của các bị cáo và các chứng từ khác để lấy tiền chia nhau và chi sai nguyên tắc làm thiệt hại ngân sách của Nhà nước đã cấp cho ban dân tộc nhưng do Trung tâm đang quản lý nên cấp sơ thẩm xác định Ban dân tộc là nguyên đơn dân sự là không chính xác. Về trách nhiệm dân sự: Các bị cáo cùng thực hiện hành vi phạm tội nhưng cấp sơ thẩm không tuyên trách nhiệm liên đới của các bị cáo là không đúng. Do bị cáo T kháng cáo kêu oan nên đề nghị Hội đồng xác định lại tư cách nguyên đơn dân sự và phần trách nhiệm dân sự đối với bị cáo T. Các Luật sư bào chữa cho bị cáo T đều cho rằng: Bản án giám đốc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm nguyên đơn là ban dân tộc tỉnh là không đúng và phải xác định xác định Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Đ là nguyên đơn dân sự nhưng lại nhận định chỉ cần sửa án sơ thẩm mà không hủy án sơ thẩm là không đúng quy định pháp luật nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét kháng cáo kêu oan của bị cáo và sai phạm nghiêm trọng về tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét công khai và tranh tụng tại phiên tòa; Căn cứ trình bày của bị cáo, các luật sư và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao taị Hà Nội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng:

Để thực hiện 2 hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa Ban dân tộc và Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh. Ban dân tộc tỉnh Đ đã chuyển tiền (do ngân sách Nhà nước cấp) cho Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh điện Biên nên trách nhiệm quản lý số tiền này thuộc về Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Đ. Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tiền và chi sai nguyên tắc số tiền do Ban dân tộc chuyển cho Trung tâm để thực hiện các hợp đồng đã ký gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền 1.779.648.200 đồng nên phải xác định Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Đ là nguyên đơn dân sự (nay là bị hại) trong vụ án mới chính xác. Theo đó, Ban dân tộc tỉnh Đ chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc xác định sai tư cách tham gia tố tụng của cấp sơ thẩm là vi phạm tố tụng, tuy nhiên, khi sau khi xảy ra vụ án, số tiền các bị cáo chiếm đoạt là tiền ngân sách của Nhà nước đã được ban trung tâm và Ban dân tộc tỉnh Đ quyết toán với Nhà nước không ảnh hưởng đến Ban Dân tộc và Trung tâm nên chỉ cần sửa bản án sơ thẩm yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm. Theo đó, xác định Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Đ là nguyên đơn dân sự và Ban dân tộc tỉnh Đ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

[2]. Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo T thì thấy:

[2.1]. Về tội danh và áp dụng điều luật:

Quá trình điều tra, bị cáo T đã khai nhận hành vi lập chứng từ khống để thanh toán tiền thực hiện 2 hợp đồng đã ký giữa Ban dân tộc tỉnh và Trung tâm của bị cáo nhằm mục đích rút tiền chia nhau và sử dụng sai nguyên tắc theo chỉ đạo của bị cáo Hoàng Thị M là Giám đốc trung tâm. Lời khai của bị cáo thống nhất và phù hợp với lời khai của Hoàng Thị M và thủ quỹ Lò Thị O (tức H) và các đối tượng có liên quan trong đó có Hà Thị Phiến là người bán hóa đơn nhà nghỉ cho trung tâm. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo T vẫn khẳng định các lời khai và các bản tự khai của bị cáo tại cơ quan điều tra là đúng. Cụ thể: Tại lời khai ngày 18/12/2014 (BL3394), T khai “Tôi đã thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Hoàng Thị M về việc thanh quyết toán toàn bộ số tiền được cấp. Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 12/2012, tôi và Lò Thị H cùng làm chứng từ quyết toán… Hoàng Thị M có nói với tôi và Lò Thị H để M nhờ chị P làm ở khách sạn H - Đ mua hộ hóa đơn để quyết toán trong số tiền được cấp. Chị M đã nhờ chị P mua tổng cộng 12 hóa đơn tại 3 nhà nghỉ ở phường M với tổng số tiền ghi trong hóa đơn là 864 triệu đồng. Chị H xuất tiền để tôi mang tiền đưa cho chị P… Số tiền quyết toán khống theo hóa đơn nghỉ trọ là 864 triệu đồng, chị M nói miệng cho tôi 100 triệu đồng… Số tiền 100 triệu của tôi do chị M đồng ý cho từ nguồn kinh phí trên, tôi chưa sử dụng gì và còn để lại ở nhà… Hành vi của tôi cùng với Hoàng Thị M và Lò Thị H cùng bàn bạc mua hóa đơn nghỉ của Hà Thị P về làm chứng từ khống quyết toán, chiếm đoạt số tiền 864 triệu đồng trong nguồn kinh phí 135 được cấp năm 2012 được hơn 2,6 tỷ đồng”. Tại các lời khai ngày 19/2/2014 (BL3398), ngày 21/2/2014 (BL3403 - 3405), ngày 26/2/2014 (BL3410 - 3412) và các bản tự khai của T đều thừa nhận lập chứng từ khống để rút tiền chia nhau cùng với M và O. Do đó có căn cứ xác định bị cáo T đã cùng với Lò Thị O lập các chứng từ khống để quyết toán tiền ngủ của học viên tại các nhà nghỉ trong khi học viên nghỉ tại trung tâm và tiền ăn của học viên nhiều hơn thực tế chi, không đúng số lượng học viên thực tế có mặt cũng như các chi phí khác như tiền vé xe, tiền chè nước, tiền thuê khánh tiết, tăng âm loa đài, thiết bị dạy học… theo chỉ đạo của Hoàng Thị M để rút số tiền 1.775.166.500 đồng được Ban dân tộc thanh toán cho Trung tâm để chiếm hưởng cá nhân 395.518.300 đồng và chi không đúng 1.379.648.200 đồng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Do đó cấp sơ thẩm đã truy tố và xét xử T đồng phạm với các bị cáo Hoàng Thị M và Lò Thị O về tội “Tham ô tài sản” là đúng tội, không oan.

Căn cứ số tiền các bị cáo đã hưởng lợi 395.518.300 đồng ở thời điểm phạm tội năm 2012 nên Tòa án cấp sơ thẩm nhận định phải áp dụng điểm a khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 và điểm d, e khoản 2 Điều 353 của Bộ luật hình sự năm 2015 để xử phạt các bị cáo là chính xác và đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo cho các bị cáo. Tuy nhiên, trong phần quyết định của bản án sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng điểm e khoản 2 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 là chưa đầy đủ và có lợi cho bị cáo.

[2.2]. Về hình phạt:

Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo T khai báo thành khẩn nên được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 cùng với các tình tiết giảm nhẹ hình phạt khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 và điểm x khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 để cho bị cáo được hưởng mức án thấp (28 tháng tù), trên mức khởi điểm của khung hình phạt nhẹ liền kề là nhẹ, chưa đúng với tính và mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo lại không nhận tội, khai báo quanh co, thể hiện ý thức coi thường pháp luật nên không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt hay cho bị cáo được hưởng án treo như bị cáo đã ghi trong đơn kháng cáo.

[3]. Về trách nhiệm dân sự:

Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo T đồng phạm giúp sức cho bị cáo M và bị cáo O chiếm đoạt tiền của Ban dân tộc tỉnh đã chuyển cho Trung tâm, cùng gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước nên các bị cáo phải nộp số tiền đã chiếm đoạt để sung quỹ Nhà nước là đúng vì số tiền các bị cáo chiếm đoạt được Ngân sách Nhà nước cấp cho Ban Dân tộc và Ban dân tộc đã chuyển cho trung tâm và đã được quyết toán. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không tuyên các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền còn phải bồi thường mà chỉ tuyên các bị cáo bồi hoàn theo số tiền chiếm hưởng là không đúng quy định tại điều 587 của Bộ luật dân sự năm 2015 (bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra). Do bị cáo T kháng cáo kêu oan nên Hội đồng xét xử thấy cần sửa bản án sơ thẩm và tuyên tạm giữ số tiền bị cáo T đã nộp nhưng được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên trả lại 164.566.200 đồng để đảm bảo thi hành án số tiền bị cáo Hoàng Thị M còn phải nộp để sung quỹ Nhà nước (nếu bị cáo M chưa thi hành) do các bị cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường như đã nêu trên. Do bị cáo O không kháng cáo và bản án sơ thẩm đã có hiệu lực đối với bị cáo nên quyết định của bản án sơ thẩm về việc trả lại bị cáo O số tiền 164.566.200 đồng đã có hiệu lực pháp luật.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật và không làm bất lợi cho các bị cáo không kháng cáo được giữ nguyên.

[4]. Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Vũ Thị Hồng T phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

1. Không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Vũ Thị Hồng T; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 37/2017/HS-ST ngày 07 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Vũ Thị Hồng T như sau:

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm e khoản 2 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015; điểm b khoản 1 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999, điểm x khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Vũ Thị Hồng T 28 tháng tù về tội “Tham ô tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

2. Về trách nhiệm dân sự.

Tạm giữ số tiền 164.566.200 đồng của bị cáo Vũ Thị Hồng T (được cấp sơ thẩm tuyên trả lại) để đảm bảo thi hành án số tiền bị cáo Hoàng Thị M còn phải nộp 288.169.000 đồng (nếu bị cáo M chưa thi hành).

3. Giữ nguyên các quyết định khác của bản án sơ thẩm.

4. Về án phí phúc thẩm: Bị cáo Vũ Thị Hồng T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

126
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tham ô tài sản số 194/2021/HS-PT

Số hiệu:194/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:29/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về