Bản án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy số 05/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KRÔNG BÔNG, TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 05/2022/HS-ST NGÀY 21/02/2022 VỀ TỘI TÀNG TRỮ TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY

Ngày 21 tháng 02 năm 2022 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 36/2021/TLST-HS ngày 28 tháng 12 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số:03/2022/QĐXXST - HS ngày 07 tháng 02 năm 2022 đối với bị cáo:

Họ và tên: Phan Tuấn A; Sinh ngày: 14/10/1983; Nơi sinh: huyện T, tỉnh P. Nơi cư trú: Thôn H, xã Y, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 12/12. Con ông Phan Ngọc V (đã chết) và con bà Nguyễn Thị Út H, sinh năm 1962. Bị cáo có vợ là Trần Thị Bảo T, sinh năm 1985, có hai người con, lớn nhất sinh năm 2015 và nhỏ nhất sinh năm 2020. Tiền án, tiền sự: Không. Nhân thân: Ngày 11/8/2003 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện Krông Bông tuyên phạt 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng, về tội “Gây rối trật tự công cộng” đã xóa án tích.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 24/7/2021 đến ngày 08/10/2021 được thay đổi biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú đến nay. Có mặt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Bà Nguyễn Thị Út H, sinh năm 1962 Địa chỉ: Thôn H, xã Y, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (có mặt).

- Chị Trần Thị Bảo T, sinh năm 1985.

Địa chỉ: Thôn H, xã Y, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt – có đơn xin xét xử văng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bị cáo Phan Tuấn A ở cùng nhà với mẹ ruột là Nguyễn Thị Út H tại thôn H, xã Y, huyện K, Đắk Lắk. Vào cuối tháng 02/2021, Phan Tuấn A đi đến khu vực chợ T (thuộc Phường A, Thành phố B, Đắk Lắk) để mua gà giống thì gặp một người phụ nữ (không rõ nhân thân, lai lịch) đi xe máy (không rõ biển số) chở gà giống đến gặp Tuấn A ở mép đường gần chợ T. Tại đây, A mua gà và hỏi thăm về cách phòng ngừa và điều trị bệnh gà toi (gà rù), thì được người phụ nữ này bán cho một túi hạt giống với giá 500.000 đồng bảo về ươm trồng cho gà ăn sẽ không bị rù và mau lớn. Đến đầu tháng 03/2021, Phan Tuấn A mang số hạt giống nói trên ra sau vườn nhà, cho tất cả hạt giống vào một chậu nhựa để ươm, khi cây nảy mầm và phát triển cao khoảng 10cm thì Phan Tuấn A tiếp tục tách riêng từng cây trồng vào 80 (tám mươi) chậu nhựa để chăm sóc. Sau khi ươm, trồng số hạt giống nói trên, Phan Tuấn A đã chủ động lên mạng Internet để tìm hiểu thì biết được loại cây mình đang ươm trồng là cây Cần sa, biết rõ việc trồng loại cây này là vi phạm pháp luật, tuy nhiên, do tiếc công mình đã bỏ ra trồng và chăm sóc, mặt khác biết loại cây này cho gia súc, gia cầm ăn có thể ngăn chặn một số bệnh, do đó Phan Tuấn A không phá bỏ mà vẫn tiếp tục trồng và tàng trữ. Sau đó, A đã dựng nhà lưới rộng 30 mét vuông, lắp hệ thống dây điện và mua thêm 08 bóng đèn Led để thắp sáng ban đêm nhằm tránh côn trùng xâm hại và tiến hành bón phân cho cây. Ngoài ra trong quá trình trồng, A còn chiết cành mang đi giâm, nhân giống thêm và trồng vào 55 chậu nhựa. Những cây nào phát triển tốt A đưa ra ngoài môi trường tự nhiên trong vườn, còn những cây còn nhỏ, kém phát triển thì tiếp tục để trong nhà lưới chăm sóc. Đến đầu tháng 07/2021, khi một số cây phát triển tốt cho ra hoa thì A bắt đầu thu hái, phân loại riêng từng phần hoa, lá, thân, cành để phơi (riêng phần gốc cây vẫn để trong chậu) trong khu vực chuồng chăn nuôi; đối với số hoa đã khô Phan Tuấn A chứa trong 02 túi nylon mang vào nhà cất để tránh ẩm ướt, số còn lại chứa trong các bao xác rắn, các túi nylon để trong khu chuồng chăn nuôi và phần còn lại tiếp tục phơi tại đây. Trong quá trình A trồng và tàng trữ cây cần sa, A không nói cho bà H biết đó là cây cần sa mà nói là cây thuốc dùng để cho heo gà ăn rất tốt nên bà H nghĩ đó là cây thuốc.

Vào lúc 13 giờ ngày 24/7/2021, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế - Ma túy Công an huyện Krông Bông phối hợp với Công an xã Y, tiến hành kiểm tra tại khu vực vườn nhà của bà Nguyễn Thị Út H phát hiện, thu giữ 135 cây (nghi là cần sa) đang được trồng trong các chậu nhựa, chiều cao trung bình của cây là 1,5 mét, chiều rộng trung bình của tán cây là 0,7 mét, trong đó có 90 cây được trồng trong khu nhà lưới, có điện thắp sáng, với diện tích 40 m2 và 45 cây bên ngoài và đang trong giai đoạn phát triển bình thường, số cây tươi đang trồng nhổ lên cân ban đầu có khối lượng là 79,7kg và 14,4 kg các loại hoa, lá cây, thân cây, cành cây trong khu chuồng chăn nuôi của nhà bà H. Tiến hành khám xét khẩn cấp đối với chỗ ở của Phan Tuấn A, tại Thôn H, xã Y, huyện K, Đắk Lắk (cũng là chỗ ở của bà Nguyễn Thị Út H), đã phát hiện, thu giữ thêm 10 kg hoa thảo mộc (nghi là cần sa) đã phơi khô được chứa trong 02 bao ny lông màu trắng, 01 điện thoại di động hiệu SamSung màn hình cảm ứng và 01 máy tính xách tay hiệu Vaio Sony.

* Vật chứng thu giữ được:

+ 135 (một trăm ba mươi lăm) cây Cần sa;

+ 23,1 kg (khối lượng sau giám định) các loại hoa, lá, thân, cành Cần sa đã phơi khô;

+ 01 (một) chiếc kéo bằng kim loại, cán màu vàng đỏ, chiều dài 21 cm;

+ 08 (tám) bóng đèn Led (thường gọi là led búp;

+ 02 (hai) cuộn dây điện có gắn ổ cắm điện, (trong đó: 01 cuộn dài 40 mét, loại dây đôi 2.5, có gắn ổ cắm 03 lỗ và 01 cuộn dài 05 mét, loại dây đôi 1.5, có gắn ổ cắm 08 lỗ);

+ 01 (một) chiếc điện thoại di động Sam sung Galaxy J7, màu đen, màn hình cảm ứng;

+ 01 (một) chiếc máy tính xách tay hiệu Vaio Sony;

- Tại bản kết luận giám định số 816/GĐMT-PC09 ngày 30/7/2021 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, xác định: 135 cây thảo mộc tươi trong 01 bạt lưới màu đen được niêm phong gửi giám định là Ma túy, có khối lượng 63,7kg, loại Cần sa; Thảo mộc khô gồm: Lá, thân, cành, hoa trong 04 bao xác rắn (gồm: ba bao màu trắng, một bao màu xanh) và 03 túi nylon được niêm phong trong 01 bạt lưới màu đen gửi giám định là Ma túy, có khối lượng 13,6kg, loại Cần sa; Hoa thảo mộc khô bên trong 02 túi nylon màu trắng (túi 01 và túi 02) được gửi giám định là Ma túy, có khối lượng 9,5kg, loại Cần sa.

- Tại bản kết luận định giá tài sản số 28/KL-HĐ ngày 25/11/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự huyện Krông Bông kết luận:

+ Một chiếc kéo bằng kim loại, cán màu vàng đỏ, chiều dài 21 cm, đã qua sử dụng, có giá trị 33.000 đồng.

+ 08 bóng đèn Led búp đã qua sử dụng có giá trị 420.000 đồng.

+ Ổ cắm điện dài 40m – tự mua thiết bị về để làm (trong đó: loại dây điện đôi dài 40m, tiết diện dây 2.5mm và ổ cắm 03 lỗ cắm không công tắc điện) trị giá 434.000 đồng.

+ Ổ cắm điện dài 5m – tự mua thiết bị về làm (trong đó: loại dây điện đôi dài 05m, tiết diện dây 1.5mm và ổ cắm 08 lỗ cắm có công tắc điện) trị giá 168.000 đồng + Một điện thoại di động nhãn hiệu Sam sung Galaxy J7, màu đen, đã qua sử dụng có trị giá 1.200.000 đồng - Đối với khu vực đất mà Phan Tuấn A đã trồng 135 cây cần sa. Qua điều tra xác định - Ngày 05/10/1999 Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số P191423 đối với thửa đất 105, tờ bản đồ số 69, vị trí thuộc Thôn H, xã Y, huyện K, Đắk Lắk, diện tích 185m2 cho bà Nguyễn Thị Út H, hộ khẩu thường trú Thôn H, xã Y, huyện K, Đắk Lắk; Vị trí thửa đất trên, về hướng tây giáp với đường Quốc lộ 27, hướng đông giáp với suối tự nhiên, phía bắc giáp với đất bà Nguyễn Thị Th hướng nam giáp với đất của bà Tôn Nữ Thị M quá trình sử dụng thửa đất trên bà H đã xây dựng công trình nhà cấp 4, nhà kho và khu chuồng trại chăn nuôi, ngoài ra còn mở rộng về hướng đông để sử dụng vì phần đất này thuộc hành lang an toàn của lòng hồ thủy lợi xã Y. Do đó, xác định phần đất mà Phan Tuấn A sử dụng để trồng cây Cần sa không thuộc phần đất do bà Nguyễn Thị Út H sở hữu.

Tại bản cáo trạng số: 01/CT-VKS ngày 20/12/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Bông truy tố bị cáo Phan Tuấn A đã phạm vào tội: Tàng trữ trái phép chất ma tuý, quy định tại điểm h khoản 2 Điều 249 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, bị cáo Phan Tuấn A đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Lời khai của bị cáo phù hợp với nội dung bản cáo trạng mà Viện kiểm sát đã truy tố.

Đại diện Viện kiểm sát đã đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo và giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo Phan Tuấn A về tội: “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử:

* Về hình phạt:

- Áp dụng điểm h khoản 2 Điều 249, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Phan Tuấn A mức án từ 06 (sáu) năm 03 tháng đến 06 (sáu) năm 06 (sáu) tháng tù. Khấu trừ thời gian bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 24/7/2021 đến ngày 08/10/2021.

Đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 249 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo.

Xử lý vật chứng: Căn cứ vào Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên tịch thu, tiêu hủy:

+ 23,1 kg (khối lượng sau giám định) các loại hoa, lá, thân, cành Cần sa đã phơi khô, được niêm phong;

* Đề nghị tịch thu nộp vào Ngân sách nhà nước:

+ Một chiếc kéo bằng kim loại, cán màu vàng đỏ, chiều dài 21 cm, đã qua sử dụng; 08 bóng đèn Led búp đã qua sử dụng; Ổ cắm điện dài 40m – tự mua thiết bị về để làm (trong đó: loại dây điện đôi dài 40m, tiết diện dây 2.5mm và ổ cắm 03 lỗ cắm không công tắc điện); + Ổ cắm điện dài 5m – tự mua thiết bị về làm (trong đó: loại dây điện đôi dài 05m, tiết diện dây 1.5mm và ổ cắm 08 lỗ cắm có công tắc điện); Một điện thoại di động nhãn hiệu Sam sung Galaxy J7, màu đen, đã qua sử dụng. Các vật chứng này đang còn giá trị sử dụng.

(Các vật chứng hiện đang được tạm giữ tại Kho vật chứng cơ quan Chi cục thi hành án dân sự huyện Krông Bông) - Đối với phần đất mà Phan Tuấn A sử dụng để trồng cây Cần sa, xác định đây là phần đất của bà H và thuộc hành lang an toàn của lòng hồ thủy lợi Y, do đó không đề cập để xử lý.

Đối với hành vi trồng trái phép cây có chứa chất ma túy (cây cần sa), với số lượng 135 cây, do hành vi chưa đến mức cấu thành tội phạm quy định tại Điều 247 Bộ luật Hình sự, nhưng đã vi phạm Khoản 3 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính; do đó Ngày 03/12/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định xử phạt hành chính số 16/QĐ-XPHC đối với Phan Tuấn A và tịch thu tiêu huỷ 135 cây cần sa tươi khối lượng ban đầu là 79,7kg, khối lượng tại thời điểm giám định là 63,7kg là có căn cứ, đúng quy định pháp luật nên Hội đồng xét xử không đặt ra để giải quyết.

- Đối với bà Nguyễn Thị Út H là mẹ của bị cáo đang sinh sống cùng với bị cáo Phan Tuấn A, trong quá trình A trồng bà H có hỏi về loại cây mà Phan Tuấn A trồng, thì A nói đó là cây thuốc để điều trị và phòng ngừa bệnh cho gia súc, gia cầm, bà H không biết đó là cây Cần sa mà nghĩ đó là cây thuốc và cũng không giúp sức cho Phan Tuấn A tàng trữ trái phép cây Cần sa. Do đó, không có căn cứ xử lý đối với bà Nguyễn Thị Út H.

- Đối với bà Trần Thị Bảo T là vợ của A, tuy nhiên trong khoảng thời gian Phan Tuấn A thực hiện hành vi tàng trữ trái phép cây Cần sa thì bà T mới sinh con nên về cha mẹ ruột ở huyện V, tỉnh Bình Định không có căn cứ xử lý đối với chị Trần Thị Bảo T.

* Về án phí: Bị cáo Phan Tuấn A phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Krông Bông, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Bông, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo và những người tham gia tố tụng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Tại phiên tòa, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội như đã nêu trên, lời khai của bị cáo là phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác được thu thập trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, thể hiện:

Do ý thức coi thường pháp luật, mặc dù biết việc ươm trồng là cây Cần sa là vi phạm pháp luật; tuy nhiên, để nhằm mục đích phục vụ chăn nuôi gia cầm, bị cáo Phan Tuấn A đã trồng và chăm sóc 135 cây cần sa tại khu vực đất thuộc vườn của bà Nguyễn Thị Út H (mẹ của bị cáo) có tổng khối lượng cây tươi giám định là 63,7kg. Đồng thời bị cáo đã thu hái tàng trữ trong khu vực chuồng chăn nuôi gồm hoa, lá cây, thân cây, cành cây và hoa cần sa được phơi khô với tổng trọng lượng giám định là: 23,1 kg.

Như vậy, hành vi của bị cáo Phan Tuấn A đã phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 249 Bộ luật Hình sự như cáo trạng Viện kiểm sát đã truy tố là có căn cứ và đúng pháp luật.

Khoản 1 điểm h khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự quy định:

1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

[3] Đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo Hội đồng xét xử xét thấy: Mục đích của bị cáo ươm mầm và trồng cây cần sa là để phục vụ chăn nuôi gia cầm, phòng chống dịch bệnh cho gia cầm. Tuy nhiên, pháp luật đã quy định rõ việc sử dụng các loại chất kích thích có hại cho sức khỏe thì đều bị cấm, đặc biệt là những sản phẩm đó chính là hành vi trồng cây cần sa của bị cáo. Việc trồng cây cần sa trái phép và sử dụng nó với bất kỳ biện pháp hoặc mục đích nào thì cũng đều bị pháp luật nghiêm cấm. Bị cáo Phan Tuấn A đã trồng và chăm sóc 135 cây cần sa, đồng thời bị cáo đã thu hái tàng trữ trong khu vực chuồng chăn nuôi gồm hoa, lá cây, thân cây, cành cây và hoa cần sa được phơi khô với tổng trọng lượng giám định là: 23,1 kg.

Như vậy hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội: "Tàng trữ trái phép chất ma túy". Vì vậy Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Bông truy tố bị cáo Phan Tuấn A về tội: "Tàng trữ trái phép chất ma túy" theo điểm h khoản 2 điều 249 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

[4] Đánh giá tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến chính sách độc quyền quản lý của Nhà nước về tội phạm ma tuý. Bị cáo là người đã thành niên, có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức rõ được mọi hành vi liên quan đến việc trồng cây cần sa thuộc nhóm tội phạm ma túy là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý phạm tội. Hành vi phạm tội của bị cáo thuộc loại tệ nạn xã hội, làm mất trật tự an toàn công cộng và ảnh hưởng đến đời sống lành mạnh của nhân dân, mất đi sự cân bằng xã hội và xảy ra nhiều tệ nạn không đáng có, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân bị cáo và có thể là mầm mống của các loại vi phạm pháp luật khác. Do đó, cần phải xét xử và áp dụng mức án thích đáng là cần thiết đối với bị cáo.

Xét thấy, cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định thì mới có tác dụng cải tạo, giáo dục các bị cáo trở thành những công dân tốt và mới bảo đảm tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm chung trong xã hội.

[5]. Khi quyết định hình phạt cần xem xét về nhân thân, tình tiết tăng nặng và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Ngày 11/8/2003 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện Krông Bông tuyên phạt 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng kể từ ngày tuyên án, về tội “Gây rối trật tự công cộng” đã xóa án tích. Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Phan Tuấn A thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo có mẹ là bà Nguyễn Thị Út H được Ban chấp hành Trung ương Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong hoạt động và xây dựng hội, có ông bà ngoại là Nguyễn Văn N và Vũ Thị C được Chính phủ tặng Bằng gia đình vẻ vang, bà ngoại Vũ Thị C được Chính phủ tặng Bằng khen vì đã góp công sức trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự nên Hội đồng xét xử cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo nhằm thể hiện chính sách khoan hồng nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta.

- Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Không có [6] Về hình phạt bổ sung: Xét về điều kiện kinh tế của các bị cáo còn khó khăn nên Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 5 điều 249 Bộ luật hình sự.

[7]. Xét thấy quan điểm đường lối xử lý vụ án và đề nghị mức hình phạt của đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đối với các là đầy đủ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật nên HĐXX cần chấp nhận.

[8]. Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự, Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự:

* Cần tịch thu tiêu hủy + 23,1 kg (khối lượng sau giám định) các loại hoa, lá, thân, cành Cần sa đã phơi khô. Căn cứ thông báo số 48/TB-CSĐT tình trạng vật chứng vụ án về chuyển giao vật chứng 23,1kg các loại đã được niêm phong bảo quản tại kho vật chứng Công an huyện Krông Bông giao cho Cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Bông. Tuy nhiên, các loại hoa, lá, thân, cành cây Cần sa khi giao cho Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Krông Bông thì khối lượng còn lại là 19,5kg, do bảo quản bị suy giảm độ ẩm.

* Cần tịch thu nộp vào Ngân sách nhà nước:

+ Một chiếc kéo bằng kim loại, cán màu vàng đỏ, chiều dài 21 cm, đã qua sử dụng; 08 bóng đèn Led búp đã qua sử dụng; Ổ cắm điện dài 40m – tự mua thiết bị về để làm (trong đó: loại dây điện đôi dài 40m, tiết diện dây 2.5mm và ổ cắm 03 lỗ cắm không công tắc điện); + Ổ cắm điện dài 5m – tự mua thiết bị về làm (trong đó: loại dây điện đôi dài 05m, tiết diện dây 1.5mm và ổ cắm 08 lỗ cắm có công tắc điện); Một điện thoại di động nhãn hiệu Sam sung Galaxy J7, màu đen, đã qua sử dụng. Các vật chứng này đang còn giá trị sử dụng.

- Đối với phần đất mà Phan Tuấn A sử dụng để trồng cây Cần sa, xác định đây là phần đất của bà H và thuộc hành lang an toàn của lòng hồ thủy lợi Y, do đó không đề cập để xử lý.

- Đối với hành vi trồng trái phép cây có chứa chất ma túy (cây cần sa), với số lượng 135 cây, do hành vi chưa đến mức cấu thành tội phạm quy định tại Điều 247 Bộ luật Hình sự, nhưng đã vi phạm Khoản 3 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính; do đó Ngày 03/12/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định xử phạt hành chính số 16/QĐ-XPHC đối với Phan Tuấn A và tịch thu để tiêu huỷ 135 cây cần sa tươi khối lượng ban đầu là 79,7kg, khối lượng tại thời điểm giám định là 63,7kg. Hội đồng xét xử không đặt ra để giải quyết.

- Đối với bà Nguyễn Thị Út H là mẹ của bị cáo đang sinh sống cùng với bị cáo Phan Tuấn A, trong quá trình A trồng bà H có hỏi về loại cây mà Phan Tuấn A trồng, thì A nói đó là cây thuốc để điều trị và phòng ngừa bệnh cho gia súc, gia cầm, bà H không biết đó là cây Cần sa mà nghĩ đó là cây thuốc và cũng không giúp sức cho Phan Tuấn A tàng trữ trái phép cây Cần sa. Do đó, không có căn cứ xử lý đối với bà Nguyễn Thị Út H.

- Đối với bà Trần Thị Bảo T là vợ của A, tuy nhiên trong khoảng thời gian Phan Tuấn A thực hiện hành vi tàng trữ trái phép cây Cần sa thì bà T mới sinh con nên về cha mẹ ruột ở huyện V, tỉnh Bình Định không có căn cứ xử lý đối với bà Trần Thị Bảo T.

[9]. Về án phí: Bị cáo Phan Tuấn A phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo: Phan Tuấn A đã phạm tội: “Tàng trữ trái phép chất ma túy”

Áp dụng điểm h khoản 2 Điều 249; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Phan Tuấn A 06 (sáu) năm 03 (ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi thi hành án. Bị cáo được khấu trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam 24/7/2021 đến ngày 08/10/2021.

2. Về xử lý vật chứng: Căn cứ điểm a, c khoản 1 Điều 47, điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự:

- Tịch thu tiêu hủy: 23,1 kg (khối lượng sau giám định) các loại hoa, lá, thân, cành Cần sa đã phơi khô. Số lượng còn lại của các bộ phận cây Cần sa đã niêm phong khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Bông bàn giao cho Cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Bông là 19,5kg.

- Tịch thu nộp vào Ngân sách nhà nước: Một chiếc kéo bằng kim loại, cán màu vàng đỏ, chiều dài 21 cm, đã qua sử dụng; 08 bóng đèn Led búp đã qua sử dụng; Ổ cắm điện dài 40m – tự mua thiết bị về để làm (trong đó: loại dây điện đôi dài 40m, tiết diện dây 2.5mm và ổ cắm 03 lỗ cắm không công tắc điện); + Ổ cắm điện dài 5m – tự mua thiết bị về làm (trong đó: loại dây điện đôi dài 05m, tiết diện dây 1.5mm và ổ cắm 08 lỗ cắm có công tắc điện); Một điện thoại di động nhãn hiệu Sam sung Galaxy J7, màu đen, đã qua sử dụng. Các vật chứng này đang còn giá trị sử dụng.

(Vật chứng được cất giữ tại kho của cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk).

3. Về án phí: Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo Phan Tuấn A phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.

4. Bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (vắng mặt) có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết công khai.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

407
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy số 05/2022/HS-ST

Số hiệu:05/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Krông Bông - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:21/02/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về