TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 618/2023/HS-PT NGÀY 17/08/2023 VỀ TỘI SẢN XUẤT HÀNG GIẢ
Ngày 17 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 432/2023/TLPT-HS ngày 21 tháng 4 năm 2023 đối với bị cáo Lê Văn Viết Th phạm tội “Sản xuất hàng giả”. Do có kháng cáo của bị cáo, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2023/HS-ST ngày 13 tháng 3 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên.
Bị cáo có kháng cáo: Lê Văn Viết Th, sinh năm 1990; tên gọi khác: Không; giới tính: Nam; nơi thường trú và nơi ở hiện tại: Thôn Lôi C, xã Việt H, huyện Kh, tỉnh H; nơi quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; trình độ học vấn: Lớp 10/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông Lê Văn D (đã chết) và con bà Phan Thị M, sinh năm 1964; tiền án, tiền sự: Không; có vợ Phạm Kim T, sinh năm 1994 và có 04 con, lớn sinh năm 2011, nhỏ sinh năm 2019; bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 14/12/2021, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên tiến hành kiểm tra tại kho chứa hàng của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiện Ngọc (gọi tắt là Công ty Thiện Ngọc) tại địa chỉ: Thôn Lôi C, xã Việt H, huyện Kh, tỉnh H. Quá trình kiểm tra phát hiện Lê Văn Viết Th đang tiến hành sản xuất các sản phẩm hàng giả gồm: Nước giặt nhãn hiệu D-nee, Fineline và nước rửa chén nhãn hiệu Tauau. Đã tiến hành thu giữ và quản lý nhiều sản phẩm hoàn chỉnh bao gồm: Nước giặt D-nee: 1.279 can, loại 3.000 ml/can; nước giặt Fineline: 1.071 can, loại 3.000 ml/can; nước rửa chén Tauau: 156 can, loại 3.600 ml/can; nước rửa chén nhãn hiệu Tauau: 6.552 chai, loại 750 ml/chai. Cùng nhiều máy móc, nguyên liệu và hơn 9.200 kg hóa chất các loại dùng để pha chế nước giặt, nước rửa chén.
Quá trình điều tra đã làm rõ: Khoảng năm 2019, Lê Văn Viết Th làm thuê cho Công ty cổ phần Nến Thiên Anh (gọi tắt là Công ty Thiên Anh), địa chỉ: Số 37, ngõ 191, đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội (năm 2020 đã đổi tên thành Công ty cổ phần thương mại và phát triển Thiên Anh, địa chỉ: Số 01, ngách 11, ngõ 80 Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) do Nguyễn Thị Thanh H, là Giám đốc, đại diện theo pháp luật; ngành nghề kinh doanh: Sản xuất nước tẩy rửa. Đến khoảng tháng 7/2019, Hằng nhờ Lê Văn Viết Th thuê đất để xây dựng hệ thống nhà xưởng của Công ty Thiên Anh tại Thôn Lôi C, xã Việt H, huyện Kh, tỉnh H (nơi sau này Công ty Thiện Ngọc sử dụng để sản xuất hàng giả), với mục đích sản xuất các loại nước giặt, nước rửa chén mang nhãn hiệu như: Fineline, Tauau, Biome. Để thuận tiện cho việc sản xuất, Nguyễn Thị Thanh H dạy cho T1 cách thức pha chế các loại nước giặt, nước rửa chén và giao cho T1 quản lý, phụ trách trông coi việc sản xuất và giao nhận hàng theo sự chỉ đạo của Hằng. Đến tháng 7/2021, Hằng dừng các hoạt động sản xuất tại thôn Lôi Cầu, xã Việt Hòa, huyện Khoái Châu, chuyển nhượng lại toàn bộ hệ thống nhà xưởng, máy móc và công nhân cho Lê Văn Viết Th. Sau khi tiếp nhận lại máy móc, nhà xưởng, T1 tự tìm hiểu tại nhiều cửa hàng tạp hóa, siêu thị trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, nhận thấy các sản phẩm nước giặt có nguồn gốc từ Thái Lan được người tiêu dùng ưa chuộng và bán chạy. Do vậy, sau khi tiếp nhận lại hệ thống nhà xưởng, máy móc, sẵn có kiến thức pha chế các sản phẩm nước giặt; nước rửa chén nên T1 đã sử dụng các máy móc, mua nguyên vật liệu và chỉ đạo các công nhân trực tiếp sản xuất hàng giả là các sản phẩm nước giặt, nước rửa chén mang nhãn hiệu D-nee, Fineline và Tauau.
Để phục vụ cho việc sản xuất hàng giả, T1 đăng ký thành lập Công ty Thiện Ngọc vào tháng 8/2021, nhưng do chưa được cấp căn cước công dân có gắn chíp nên đã nhờ ông Lê Văn D1, là bố đẻ đứng tên thành lập và giữ chức vụ Giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Sau khi thành lập Công ty Thiện Ngọc, Lê Văn Viết Th đặt mua các loại nguyên liệu gồm: Hóa chất, bao bì, can, chai, tem nhãn tại nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội. Đồng thời thuê công nhân gồm: Anh Phạm Quang T2 và anh Phạm Văn T3 cùng trú tại xã Việt Hòa, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; anh Nguyễn Văn T4 và anh Nguyễn Văn H2 cùng trú tại thị trấn Khoái Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên để sản xuất, pha chế và đóng gói các loại nước giặt giả mang nhãn hiệu D-nee.
Cách thức sản xuất các loại nước giặt mang nhãn hiệu D-nee như sau: Để tạo ra 2.000 lít (Hai nghìn lít) dung dịch sản phẩm. Đầu tiên cho 1.622 lít nước trắng (Một nghìn sáu trăm hai mươi hai lít) vào thùng của máy pha (máy khuấy có thùng vỏ thép loại 2.000 lít). Tiếp theo cho 60 kg (Sáu mươi) chất LAS (tên ghi trên bao bì là Axit Alkylbenzen Sulfonic mạch thẳng 96%min) vào bật máy khuấy đều cho tan trong nước. Tiếp theo khi chất trước đã tan đều cho tiếp 50 kg (Năm mươi Lauryl (tên khoa học là: Sodium lauryl sulphate) tiếp tục bật máy pha đều khi tan hết. Cho tiếp 190kg (Một trăm chín mươi) SLES (tên khoa học là Sodium Lauryl Ether Sulfate) khuấy đều cho tan hết. Cho tiếp 07kg (bẩy) xút (tên khoa học là Sodium Hydroxide: NaOH) khuấy đều cho tan. Sử dụng giấy quỳ kiểm tra độ PH của dung dịch. Nếu dung dịch làm cho giấy quỳ màu đỏ thì khi đó nhiều axit quá phải cho thêm xút (NaOH 99%). Nếu chuyển sang màu xanh thì nhiều kiềm lại phải pha thêm Citric Acid (monohydrate) để trung hòa. Khi giấy quỳ không chuyển màu sẽ đạt mức trung tính và không bị hại da tay là đạt yêu cầu. Tiếp tục cho 20kg (Hai mươi) CDE (Coconut Diethanol amine) khuấy đều, cho tiếp 04kg (Bốn) Glycizin khuấy đều đến khi tan hết. Cho tiếp 02 kg (Hai) chất bảo quản (Hydantol 55KC) khuấy đều cho tan hết. Cho tiếp 10kg (mười) Muối khô (Sodium Sulfate) khuấy đều cho tan hết. Cho tiếp 15kg (mười năm) LAE9 (tên khác là L9: Tergitol) khuấy đều rồi cho tiếp 20kg (Hai mươi) hương liệu để tạo mùi. Cho máy pha khuấy đều đến lúc các chất hòa tan vào nhau sẽ tạo ra dung dịch nước giặt, lúc này cho máy bơm lên téc chứa 2000 lít khác có nối ống dẫn vào máy bơm chiết (có pittong để bơm) để bơm vào từng can đóng gói. Toàn bộ quá trình trên diễn ra từ khi bắt đầu đến khi các dung dịch tan hết mất khoảng từ 3 đến 4 giờ. Sau khi pha chế hoàn thành, T1 cho máy bơm dung dịch vào các téc, bồn chứa dung tích 2.000 lít được nối với máy chiết rót có pittong thủy lực để đóng vào các can có dung tích 3.000ml/can đã được lồng tem nhãn của sản phẩm D-nee bằng nilon. Lê Văn Viết Th đã sản xuất ra các loại sản phẩm nước giặt mang nhãn hiệu D-nee như sau: D-nee Honeystar loại 3.000ml/can có tem nhãn và nắp đậy màu hồng; D-nee Lively Bright & White loại 3.000ml/can có tem nhãn và nắp đậy màu trắng; D-nee Organic Aloe Vera loại 3.000ml/can có tem nhãn và nắp đậy màu xanh lá; D-nee Yellow Moon loại 3.000ml/can có tem nhãn và nắp đậy màu tím; D-nee lovely Sky loại 3.000ml/can có tem nhãn và nắp đậy màu xanh. Các sản phẩm trên được đóng gói 04 can/thùng bằng bìa catton, ngoài bìa có in hình ảnh, mẫu mã của sản phẩm D-nee và để nhận biết, T1 cho công nhân dán miếng giấy có màu sắc tương ứng với màu sắc của tem nhãn can nước giặt chứa bên trong với kích thước (4 x 10)cm. Nhằm tránh người tiêu dùng phát hiện là hàng giả, Lê Văn Viết Th đã đặt mua các loại can, chai, tem nhãn bằng nilon màng co, thùng catton có kích cỡ, thể tích và in hình ảnh, màu sắc, chữ viết (bằng chữ nước ngoài), mã số, mã vạch trùng khớp với các loại hàng hóa nêu trên đang bày bán tại thị trường. Sau đó, T1 cho in các tem phụ (kích thước 4cm x 5cm) bằng tiếng Việt loại một mặt có keo dính thể hiện: “Công ty TNHH SX và TM Thiện Ngọc, Đ/c: số 39 Định Công Hạ, Q. H2 Mai, TP Hà Nội nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam”; “Sản xuất tại Thái Lan bởi White house cleaning products co,ltd” để dán bên ngoài các thùng catton. Cho đến thời điểm bị bắt giữ Lê Văn Viết Th đã sản xuất được tổng số: 2.199 can loại 3.000ml/can nước giặt mang nhãn hiệu D-nee các loại. Trong đó, đã tiêu thụ cho một số khách hàng 920 can. Còn lại bị thu giữ 1.279 can nước giặt các loại gồm: D-nee Honeystar: 268 can; D-nee Lively Bright & White: 203 can; D-nee Organic Aloe Vera: 252 can; D- nee Yellow Moon: 184 can và D-nee lovely Sky: 372 can. Hiện nay T1 không xác định được số lượng đã sản xuất và xuất bán cụ thể của từng loại. Giá xuất bán nước giặt D-nee giả nêu trên với giá từ 240.000 đồng/thùng đến 250.000 đồng/thùng, thu được tổng số tiền: 60.940.000 đồng được hưởng lợi 5.260.000 đồng. T1 tự nguyện nộp lại số tiền hưởng lợi nêu trên.
* Kết quả xác minh tại các đơn vị có liên quan và kết luận giám định, định giá tài sản:
- Ngày 14/01/2022, Cục Sở hữu trí tuệ có văn bản số 228/SHTT-TTKN xác định: Nhãn hiệu D-nee được Công ty Neo Factory Company Limited, địa chỉ:
113, Thanon RomKlao, Saen Saep, Min Buri, Bangkok 10510, Thái Lan đăng ký và Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ số 124945, ngày 15/5/2009 thời hạn đến 15/5/2027.
- Công ty TNHH dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu Đại Thịnh và Công ty Luật TNHH T&G, địa chỉ: Tầng 9, tòa nhà văn phòng Tổng công ty 789, số 147. H2 Quốc Việt, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội là đơn vị được ủy quyền đại diện nhãn hiệu D-nee tại Việt Nam cung cấp cho biết: Nhãn hiệu D- nee thuộc sở hữu của Công ty TNHH Neo Corporate, địa chỉ: số 55 Bio House, tầng 5-6 Soi Promong, đường Sukumvit, North Klongton, Wattana, Bangkok 10110 Thái Lan. Và Công ty TNHH Neo Factory, địa chỉ: 113 đường Romklao, Sanseab, Minburi, Bawngkok 10510 Thái Lan là nhà sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu D-nee. Ngày 06/01/2016, Công ty TNHH Neo Corporate có thư ủy quyền cho Công ty Đại Thịnh được độc quyền nhập khẩu và phân phối tất cả các sản phẩm mang nhãn hiệu D-nee tại thị trường Việt Nam và được thay mặt cho Công ty TNHH Neo Corporate để phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các quyền ngăn chặn và xử lý vi phạm đối với hàng hóa mang thương hiệu D-nee. Công ty Đại Thịnh khẳng định Công ty TNHH Neo Factory không đặt gia công, nhượng quyền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào được sản xuất các sản phẩm mang nhãn hiệu D-nee tại Việt Nam.
* Kết quả định giá tài sản và giám định:
- Ngày 24/6/2022, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Hưng Yên ban hành Kết luận định giá tài sản số 70/KL-HĐĐG xác định. Toàn bộ 2.199 can nước giặt mang nhãn hiệu D-nee loại 3.000ml/can do Công ty Thiện Ngọc sản xuất có giá trị tương ứng với hàng hóa do Công ty Đại Thịnh nhập khẩu và phân phối là 244.926.000 đồng (Hai trăm bốn mươi bốn triệu, chín trăm hai mươi sáu nghìn đồng), trong đó 920 can đã bán có giá trị: 102.470.000 đồng (Một trăm linh hai triệu, bốn trăm bảy mươi nghìn đồng).
- Tại Kết luận giám định số 81/C09-P4 ngày 14/01/2022, của Viện Khoa học hình sự xác định dung dịch tại các can nước giặt mang nhãn hiệu D-nee do Công ty Thiện Ngọc sản xuất không cùng loại với dung dịch nước giặt D-nee do Công ty Đại Thịnh cung cấp. Kết luận giám định số 251/C09-P5 xác định các lớp in trên nhãn dán trên các can nước giặt và vỏ thùng catton mang nhãn hiệu D-nee thu giữ của Công ty Thiện Ngọc so với nhãn và thùng catton do Công ty Đại Thịnh cung cấp không cùng bản in tương ứng.
- Ngày 15/12/2022, Phòng Kỹ thuật hình sự ban hành Kết luận giám định số 201/KL-KTHS xác định: Mẫu dấu của Công ty cổ phần Nến Thiên Anh tại tờ khai đăng ký gửi Cục Sở hữu trí tuệ với mẫu dấu trên các tài liệu do Lê Văn Viết Th cung cấp là cùng con dấu đóng ra; Chữ ký mang tên Nguyễn Thị Thanh H trên các tài liệu so với: Phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, kế hoạch sản xuất là do cũng một người viết ra.
- Ngày 24/01/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra ban hành Quyết định trưng cầu người dịch thuật số 01 và 02/QĐ-CSKT tiến hành dịch thuật đối với các tem nhãn và vỏ thùng catton của các sản phẩm D-nee, Fineline và Tauau. Kết quả như sau: Nội dung tem nhãn trên các sản phẩm và vỏ thùng catton nhãn hiệu D- nee do công ty Thiện Ngọc sản xuất thể hiện là nước giặt quần áo trẻ em sản xuất bởi Neo Factory co., Itd Số 168 Moo 5 Buengkhohai, Quận Lamlukka, thành phố Pathumthani; Nội dung trên tem nhãn và vỏ thùng catton của sản phẩm Fineline thể hiện là nước giặt sản xuất bởi Neo Factory co., ltd Số 168 Moo 5 Buengkhohai, Quận Lamlukka, thành phố Pathumthani, Thái Lan; Nội dung tem nhãn và vỏ thùng catton trên sản phẩm Tauau thể hiện là nước rửa chén do Công ty TNHH Lion, số 202 Moo 11 Suchaphiban 8, phường Nong Cham, Quận Si Racha, thành phố Chonburi, Thái Lan sản xuất.
* Đối với hàng hóa mang nhãn hiệu Fineline và Tauau: Ngoài sản phẩm nước giặt mang nhãn hiệu D-nee, T1 còn sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nước giặt mang nhãn hiệu Fineline và nước rửa chén mang nhãn hiệu Tauau với các nguyên vật liệu, máy móc và cách thức sản xuất, pha chế tương tự với các sản phẩm mang nhãn hiệu D-nee. Đến nay T1 đã sản xuất 1.563 can nước giặt mang nhãn hiệu Fineline loại 3.000ml/can, trong đó đã xuất bán 944 can. Bị thu giữ 1.071 can (có 619 can thu tại Công ty Thiện Ngọc; 452 can Công ty Thiện Ngọc đã bán nhưng tự thu hồi giao nộp) gồm: Nước giặt Fineline Anti- bacteria Formula: 376 can; nước giặt Fineline Sweet Floral: 219 can; nước giặt Fineline Charming Violet: 476 can. Trên tem nhãn của sản phẩm đều thể hiện do các công ty tại Thái Lan sản xuất. Nước rửa chén nhãn hiệu Tauau loại 3.600ml/can sản xuất được 856 can, đã xuất bán 700 can, bị thu giữ 156 can.
Loại chai 750ml đã sản xuất 11.502 chai, trong đó đã bán 5.274 chai, còn lại đã bị thu giữ 6.552 chai (trong đó có 6.288 chai bị thu giữ tại Công ty Thiện Ngọc; 324 chai Công ty Thiện Ngọc đã bán tự thu hồi và giao nộp cho Cơ quan điều tra).
Ngày 14/01/2022, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ có Văn bản số 228/SHTT-TTKN xác định như sau: Đối với nhãn hiệu Tauau hiện nay đang có tranh chấp giữa Công ty TNHH thương mại BT, địa chỉ: Xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội với Công ty Lion Corporation Limited tại Thái Lan và chưa có kết quả giải quyết nên Cục Sở hữu trí tuệ chưa cấp đăng ký bảo hộ cho cá nhân, tổ chức nào. chưa có đơn vị nào đăng ký sở hữu. Đối với nhãn hiệu Fineline hiện nay Do vậy, hiện nay không xác định được đại diện chủ sở hữu và thu thập mẫu so sánh để tiến hành giám định về chất lượng, thành phần, tem nhãn của sản phẩm.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2023/HS-ST ngày 13 tháng 3 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Lê Văn Viết Th phạm tội “Sản xuất hàng giả”; Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 192; điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự; xử phạt: Bị cáo Lê Văn Viết Th 03 năm tù; thời hạn tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng và biện pháp tư pháp, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Ngày 20/3/2023, bị cáo Lê Văn Viết Th có đơn kháng cáo đề nghị được cải tạo tại địa phương.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo, đề nghị xem xét quyết định hình phạt chính là phạt tiền đối với T1; thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã quy kết, ăn năn hỗi lỗi, trình bày gia đình bị cáo hoàn cảnh khó khăn, cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ mới.
Chị Phạm Kim T4 (vợ bị cáo T1) xác nhận đã gửi tiết kiệm số tiền 300.000.000đ, nay tự nguyện nộp Sổ tiết kiệm để bảo đảm nghĩa vụ tài chính, nếu bị cáo T1 được phạt tiền.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội, tình tiết giảm nhẹ và nhân thân của bị cáo, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và căn cứ kháng cáo của bị cáo, kết luận: Bị cáo Lê Văn Viết Th bị xử phạt về tội: “Sản xuất hàng giả” theo điểm đ khoản 2 Điều 192 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật; cấp sơ thẩm xử phạt 03 năm tù là thỏa đáng. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo được hưởng thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ mới theo khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, nên có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo T1. Đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Hình phạt chính xử phạt bị cáo Lê Văn Viết Th từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về tố tụng: Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tại cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Kháng cáo của bị cáo trong thời hạn luật định, được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2]. Về hành vi phạm tội: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm quy kết; Lời khai của T1 phù hợp với lời khai trong giai đoạn điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm; phù hợp lời khai người liên quan, người làm chứng, các kết luận giám định, vật chứng thu giữ và các tài liệu chứng cứ khác thu thập được trong quá trình điều tra. Hội đồng xét xử thống nhất với nhận định và kết luận về hành vi phạm tội của bị cáo như sau: Vì động cơ mục đích thu lợi bất chính, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2021 tại Thôn Lôi C, xã Việt H, huyện Kh, tỉnh H, bị cáo Lê Văn Viết Th đã sản xuất hàng giả trái phép 2.199 can loại 3.000ml/can nước giặt mang nhãn hiệu D-nee có giá trị tương đương với hàng thật là 244.926.600 đồng. Hành vi của bị cáo đã cấu thành tội: “Sản xuất hàng giả”, vi phạm tình tiết định khung: “Hàng giả tương đương với số lượng hàng thật hoặc hàng giả có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”, tội danh và hình phạt được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 192 Bộ luật Hình sự. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Lê Văn Viết Th theo tội danh, điểm, khoản, điều nêu trên là có căn cứ, đúng pháp luật.
[3]. Xét kháng cáo của bị cáo: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, gây rối loạn thị trường sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng và nhãn hiệu hàng hóa của nhà sản xuất. Vì mục đích thu lợi bất chính, bị cáo đã mua các nguyên liệu hóa chất, bao bì, can, chai, tem nhãn tại nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội, đồng thời thuê các công nhân để sản xuất, pha chế và đóng gói các loại nước giặt giả mang nhãn hiệu D-nee để bán kiến lời. Vì vậy, cấp phúc thẩm đồng tình cần có hình phạt thỏa đáng, nhằm cải tạo giáo dục riêng và phòng ngừa chung. Khi quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo điểm s, t khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự giảm nhẹ một phần hình phạt là có căn cứ. Trên cơ sơ tính chất hành vi phạm tội, nhân thân, tình tiết giảm nhẹ, cấp sơ thẩm áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự và xử phạt bị cáo Lê Văn Viết Th mức 03 (ba) năm tù là thỏa đáng. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo thực sự ăn năn hối cải về hành vi phạm tội và cung cấp thêm chứng cứ mới: Thông báo số 1589/TB-CSKT ngày 30/3/2023 của Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hưng Yên nội dung bị can Lê Văn Viết Th đã tích cực chủ động hợp tác, thành khẩn khai báo về đối tượng Nguyễn Thị Thanh H đang có hành vi sản xuất hàng giả tại khu vực Xí nghiệp X54 và ngày 02/3/2023, Cơ quan điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án: “Sản xuất hàng giả và Chế tạo, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” đối với Nguyễn Thị Thanh H; Quyết định số 31/QĐ-XN ngày 20/01/2011 của Sư đoàn 306, về việc quân nhân xuất ngũ đối với Lê Văn Viết Th; Bệnh án của Bệnh Viện đa khoa tỉnh Hưng Yên thể hiện T1 bị thoái hóa khớp háng hai bên, khớp vai (T) phải điều trị; Đơn có xác nhận của chính quyền địa phương hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bị bệnh viêm cột sống dính khớp háng do bị tai nạn năm 2007; năm 2010 đi bộ đội do sức khẻo yếu nên được ra quân sớm, hiện sức khỏe yếu vẫn phải uống thuốc điều trị, vợ không có việc làm, bị cáo hiện là lao động chính nuôi 4 con nhỏ (cháu lớn sinh năm 2011, cháu nhỏ sinh 2019), bố bị bệnh mới chết, hiện nuôi mẹ già yếu; ông nội có công trong kháng chiến được Nhà nước tặng Huân chương chiến công... Đây là những tình tiết giảm nhẹ mới cần tiếp tục áp dụng điểm u khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cho bị cáo được hưởng. Do được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, xem xét tính chất hành vi phạm tội, điều kiện hoàn cảnh gia đình hiện tại và sự ăn năn hối cải của bị cáo, chứng cứ là Sổ tiết kiệm có kỳ hạn mang tên chị Phạm Kim T4 (vợ) chứng minh có khả năng tài chính để nộp tiền phạt. Vì vậy, có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của Lê Văn Viết Th, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chuyển hình phạt chính sang phạt tiền như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, đủ tác dụng cải tạo giáo dục bị cáo thành công dân tốt cho xã hội, đồng thời thể hiện sự nhân đạo của pháp luật.
[4]. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội:
Xét thấy đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ, được chấp nhận. [5] Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo Lê Văn Viết Th không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án;
QUYẾT ĐỊNH
[1]. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Văn Viết Th.
[2]. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2023/HS-ST ngày 13 tháng 3 tháng 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên, cụ thể như sau:
Tuyên bố bị cáo Lê Văn Viết Th phạm tội: “Sản xuất hàng giả”.
Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 192; điểm s, t, u khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 32; Điều 35 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Lê Văn Viết Th số tiền 450.000.000đ (Bốn trăm năm mươi triệu đồng) để sung quỹ Nhà nước.
Tạm giữ Sổ tiết kiệm có kỳ hạn số AC 00038279561 mang tên Phạm Kim T4 gửi số tiền 300.000.000đ (ba trăm triệu đồng) tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên - Phòng giao dịch Hồng T3 để đảm bảo việc thi hành án.
[3]. Về án phí: Bị cáo Lê Văn Viết Th không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tội sản xuất hàng giả số 618/2023/HS-PT
Số hiệu: | 618/2023/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 17/08/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về