TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 832/2017/HSPT NGÀY 20/11/2017 VỀ TỘI SẢN XUẤT HÀNG GIẢ LÀ THỰC PHẨM
Ngày 20 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 838/2017/HSPT ngày 30 tháng 10 năm 2017 với bị cáo Nguyễn Văn T và Vũ Thị Hoa L do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 98/2017/HSST ngày 8/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện S, Hà Nội.
Bị cáo có kháng cáo:
1. Nguyễn Văn T, sinh năm 1987; nơi đăng ký nhân khẩu thường trú và chỗ ở thôn Đ, xã T, huyện A, thành phố Hà Nội; nghề ngH làm ruộng; trình độ văn hóa 12/12; con ông Nguyễn Cầu V và Lê Thị Ng; có vợ là Lê Thị O và 02 con (con lớn sinh năm 2012, con nhỏ sinh năm 2015); tiền án, tiền sự không; nhân thân ngày 16/9/2008, Tòa án nhân dân huyện A, Hà Nội xử phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Cố ý gây thương tích"; tạm giữ, tạm giam từ ngày 17/3/2016 đến ngày 14/6/2016; hiện bị cáo tại ngoại - có mặt tại phiên tòa;
2. Vũ Thị Hoa L, sinh năm 1987; nơi đăng ký nhân khẩu thường trú và chỗ ở thôn Y, xã Th, huyện G, Hà Nội; nghề ngH lao động tự do; trình độ văn hóa 12/12; con ông Vũ Văn L và bà Khổng Thị Th; có chồng là Nguyễn Văn B và 01 con sinh năm 2010; tiền án, tiền sự không; bị cáo tại ngoại - có mặt tại phiên tòa;
Ngoài ra trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Văn H không có kháng cáo và không bị kháng nghị nên Tòa án không triệu tập.
Nguyên đơn dân sự không kháng cáo: Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T; địa chỉ thôn Y, xã Th, huyện G, Hà Nội; đại diện là ông Nguyễn Văn B; vắng mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1967; địa chỉ thôn D, xã T, huyện S, Hà Nội; vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện S và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện S thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Chiều ngày 16/3/2016 Đội quản lý thị trường số 13 - Hà Nội cùng Phòng an ninh kinh tế Công an TP Hà Nội và Công an huyện S phối hợp kiểm tra ô tô BKS 30Z – 4625 tại Đưường 131 do Nguyễn Văn T điều khiển. Phát hiện trên ô tô có 4680 lọ sa tế nhãn hiệu tôm thơm ngon loại hảo hạng 85g và 4980 lọ sa tế tôm thơm ngon loại thượng hạng 75g. T khai số hàng trên được sản xuất từ cơ sở của T tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện S. Tuy nhiên, nhãn hiệu sản phẩm ghi tên Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T (Công ty T), địa chỉ Khu công ngH Y – huyện G – Hà Nội. Cơ quan điều tra Công an huyện S khám xét cơ sở sản xuất sa tế do T quản lý xác định cơ sở đang tiến hành sản xuất sa tế nhãn hiệu ghi tên Công ty T, cơ sở sản xuất không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào về hoạt động sản xuất của mình, Cơ quan điều tra Công an huyện S đã thu giữ 520 lọ sa tế loại 75g đã được sản xuất tại cơ sở cùng máy móc, nguyên liệu sản xuất sa tế
Quá trình điều tra làm rõ: Khoảng tháng 12/2015, Nguyễn Văn T, Vũ Thị Hoa L, Nguyễn Văn H đều cùng làm ở Công ty T, trong một lần đi đưa hàng cùng nhau, L nói với T và H muốn ra ngoài làm riêng nhưng vẫn sử dụng thương hiệu T của Công ty T. L rủ T, H ra cùng làm, do không được sự đồng ý của anh Nguyễn Văn B là Giám đốc Công ty T, đồng thời không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh ngH cùng các giấy tờ khác theo quy định nên L dặn T và H không đưược nói cho anh B biết, còn đối với tiền lãi từ việc sản xuất sa tế L sẽ không để T và H phải thiệt.
T và H đồng ý cùng L tách ra làm riêng và giữ kín không nói cho anh Bằng biết. Sau đó, T, L, H lên khu vực thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược thuê đất của bà Nguyễn Thị K xây dựng nhà xưởng. L đưa cho T 200.000.000đ để T mua nguyên liệu và thuê công nhân xây dựng xưởng, L giao cho H phụ trách phần điện nước trong quá trình xây dựng, T cùng H phối hợp quán xuyến việc xây dựng nhà xưởng.
Khi xưởng bắt đầu đi vào sản xuất, L giao cho H trực tiếp pha chế công thức và nấu sa tế, L mua nhãn mác, L giao cho T mua máy móc, nguyên liệu dùng sản xuất sa tế, điều hành và trả lương công nhân, đem sản phẩm đi tiêu thụ trên thị trường theo địa chỉ L cung cấp. Quá trình sản xuất sa tế thì T, H đều biết sản phẩm mà xưởng của L, T, H sản xuất có đặc điểm hình thức khác với sản phẩm của Công ty T ở phần nắp không có chữ T dập nổi, chất lượng bên trong sản phẩm khác với chất lượng sản phẩm của Công ty T do quá trình pha chế, nấu sản phẩm H đã sử dụng một số nguyên liệu khác với nguyên liệu của Công ty T, nhưng sản phẩm có tên thương hiệu, mẫu mã, kiểu dáng, nhãn mác bao bì và số điện thoại là của Công ty T. Tổng số tiền thu được từ hoạt động sản xuất sa tế của xưởng tính đến ngày 16/3/2016 bị phát hiện bắt giữ là 150.000.000đ, L và T đã sử dụng trả lương và mua nguyên liệu quay vòng sản xuất sa tế giả, còn lại 11.000.000đ T giao nộp cho Cơ quan điều tra. H đã nghỉ làm tại xưởng trước khi Công an huyện S kiểm tra phát hiện khoảng 10 ngày do công việc không thường xuyên. Sau khi nghỉ làm H đã bàn giao lại công thức pha chế và cách nấu cho Bùi Đình M là công nhân của xưởng.
* Tại kết luận giám định số 1115 ngày 25/3/2016 của Viện khoa học hình sự – Tổng cục Cảnh sát kết luận:
Đối tượng gửi giám định:
+ Mẫu giám định :
Mẫu 01: 06 lọ Sa tế Tôm thơm ngon - Thượng hạng loại 75g ghi thu trên xe ô tô của Nguyễn Văn T.
Mẫu 02: 06 lọ Sa tế Tôm thơm ngon – Hảo hạng loại 85g ghi thu trên xe ô tô của Nguyễn Văn T.
Mẫu 03: 06 lọ Sa tế Tôm thơm ngon - Thượng hạng loại 75g ghi thu tại xưởng sản xuất Sa tế tại thôn D, xã T, huyện S, thành phố Hà Nội của Nguyễn Văn T.
+ Mẫu so sánh: Do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T, địa chỉ Khu công nghiệp Y, huyên G, Hà Nội sản xuất và cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện S.
Mẫu 04: 06 lọ Sa tế Tôm thơm ngon - Thượng hạng loại 75g. Mẫu 05: 06 lọ Sa tế Tôm thơm ngon – Hảo hạng loại 85g.
+ Kết luận :
Do không có tiêu chuẩn Việt Nam về Sa tế nên không thể xác định mẫu giám định có đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam hay không.
Mẫu 1, Mẫu 3 gửi giám định đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng so với tiêu chuẩn chất lượng của Mẫu 4.
Mẫu 2 gửi giám định không đạt tiêu chuẩn chất lượng so với tiêu chuẩn chất lượng của Mẫu 5.
Trong các Mẫu 1, Mẫu 2, Mẫu 3 gửi giám định đều không tìm thấy các chất độc thường gặp.
* Tại kết luận giám định sở hữu công ngH của Viện khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận :
- Dấu hiệu “ T Sa tế tôm ngon thượng hạng và hình” gắn trên nhãn dán lọ đựng sản phẩm sa tế tôm – như được thể hiện trên Mẫu vật 1 và Mẫu vật 3 – là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số
184100 của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T.
- Dấu hiệu “ T Sa tế tôm ngon hảo hạng và hình” gắn trên nhãn dán lọ đựng sản phẩm sa tế tôm – như được thể hiện trên Mẫu vật 2 – là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 184100 của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T.
- Dấu hiệu “ T Sa tế tôm ngon thượng hạng và hình” gắn trên nhãn dán lọ đựng sản phẩm Sa tế tôm – như được thể hiện trên Mẫu vật 1 và Mẫu vật 3 – là yếu tố xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 184100 của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T.
- Dấu hiệu “ T Sa tế tôm ngon hảo hạng và hình” gắn trên nhãn dán lọ đựng sản phẩm sa tế tôm – là yếu tố xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 184100 của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T.
*Tại kết luận định giá tài sản số 37 ngày 13/4/2016 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện S kết luận trị giá 10.180 lọ Sa tế giả nhãn hiệu Sa tế tôm thơm ngon Thượng hạng loại 75g và Sa tế tôm thơm ngon Hảo hạng loại 85g thu giữ là 55.580.000đ.
Về trách nhiệm dân sự: Ông Nguyễn Văn B – Giám đốc Công ty T không yêu cầu các bị can phải bồi thường gì về dân sự và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Vũ Thị Hoa L và Nguyễn Văn H.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 98/2017/HSST ngày 08/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện S, Hà Nội đã xét xử:
Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Văn T, Vũ Thị Hoa L, Nguyễn Văn H phạm tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm"
Áp dụng khoản 1 Điều 157; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật Hình sự :
- Xử phạt bị cáo Vũ Thị Hoa L 33 (ba mươi ba) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
- Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 33 (ba mươi ba) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam từ ngày 17/3/2016 đến ngày 14/6/2016.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về hình phạt đối với bị cáo khác, xử lý vật chứng; án phí và quyền kháng cáo của những người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 16 và 18/8/2017, các bị cáo Nguyễn Văn T và Vũ Thị Hoa L có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Căn cứ lời khai của bị cáo, lời khai của nguyên đơn dân sự; kết luận giám định; kết luận định giá và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án có đủ cơ sở kết luận việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Nguyễn Văn T và Vũ Thị Hoa L về tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” theo quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Bị cáo Vũ Thị Hoa L là người khởi xướng, đầu tư và chỉ đạo việc sản xuất xuất, tìm nơi tiêu thụ hàng hóa; bị cáo Nguyễn Văn T là người thực hành tích cực, trực tiếp tổ chức sản xuất, thuê và trả lương công nhân, đi tiêu thụ sản phẩm. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội cũng như nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của từng bị cáo để xử phạt mỗi bị cáo 33 tháng tù là phù hợp. Tại cấp phúc thẩm không có tình tiết mới nên không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo cần áp dụng hình phạt tù giam, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội nhằm răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm chung, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của các bị cáo.
Từ nhận định trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự, bác kháng cáo của các bị cáo và giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
Về tố tụng: Kháng cáo của các bị cáo trong hạn luật định nên hợp lệ được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
Về nội dung: Căn cứ lời khai của bị cáo, lời khai của nguyên đơn dân sự; kết luận giám định; kết luận định giá và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án có đủ cơ sở kết luận: Trong khoảng thời gian từ tháng 01/2016 đến tháng 03/2016, Nguyễn Văn T, Vũ Thị Hoa L và Nguyễn Văn H đã cùng nhau mở xưởng tại thôn D, xã T, huyện S để sản xuất sản phẩm Sa tế nhãn hiệu “T Sa tế tôm ngon thượng hạng” 75g và “ T Sa tế tôm ngon hảo hạng” 85g. Ngày 16/3/2016, Đội quản lý thị trường số 13 Hà Nội cùng Phòng an ninh kinh tế Công an thành phố Hà Nội và Công an huyện S phối hợp kiểm tra phát hiện bắt quả tang T đang trên đường mang sản phẩm đi tiêu thụ. Theo quy định của pháp luật thì cơ sở sản xuất của Vũ Thị Hoa L không có đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận sản phẩm và các tài liệu kèm theo cho việc công bố, sản xuất sản phẩm hợp lệ.... Trên thực tế sản phẩm Sa tế nhãn hiệu “ T Sa tế tôm ngon thượng hạng” 75g và “ T Sa tế tôm ngon hảo hạng” 85g đều đã được Công ty T đăng ký và sản xuất theo đúng quy định của pháp luật. Qua các kết luận giám định thấy rằng các sản phẩm do xưởng sản xuất của Vũ Thị Hoa L sản xuất ra có nhãn mác gây hiểu nhầm với sản phẩm Sa tế của Công ty T, về chất lượng sản phẩm thì không đạt tiêu chuẩn như sản phẩm mà Công ty T đã công bố và sản xuất. Với hành vi trên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Vũ Thị Hoa L, Nguyễn T Phát về tội "Sản xuất hàng giả là thực phẩm" theo quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
Hành vi phạm tội của bị cáo không những trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu và quyền được bảo hộ nhãn hiệu hàng hàng hóa của các công ty sản xuất kinh doanh đã có đăng ký sở hữu, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa mà còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh nói chung và gây tâm lý bất bình cho người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an trên địa bàn Thủ đô. Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, biết rõ việc sản xuất các loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chất lượng của các công ty đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là vi phạm pháp luật nhưng do hám lợi mà các bị cáo cố ý vi phạm. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội cũng như nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của từng bị cáo để xét xử các bị cáo và áp dụng hình phạt tù có thời hạn là đúng. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội về thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 để xét xử các bị cáo là bất lợi cho các bị cáo. Theo qui định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự qui định mức hình phạt tù là từ 2 năm đến 5 năm nhẹ hơn so với khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999 (khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999 qui định mức hình phạt tù là từ 02 năm đến 7 năm tù). Mặt khác, tại phiên tòa bị cáo L xuất trình tài liệu hiện nay bị cáo đang mang thai; hoàn cảnh gia đình các bị cáo khó khăn. Từ phân tích trên, xét thấy có cơ sở giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo. Do tính chất vụ án các bị cáo sản xuất hàng giả là thực phẩm, bị cáo L giữ vai trò chính trong vụ án, là người khởi xướng, rủ rê các bị cáo khác phạm tội; bị cáo T tham gia tích cực, trực tiếp tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thuê và trả lương công nhân, nhân thân xấu đã có 01 tiền án (đã xóa án tích) nên không thể cho các bị cáo được hưởng án treo như yêu cầu của các bị cáo.
Về án phí: Theo qui định của pháp luật, các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo, sửa bản án sơ thẩm, xử:
Áp dụng khoản 1 Điều 157; điểm p, điểm l (đối với bị cáo L) khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 1999; khoản 3 Điều 7; khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 2015; Nghị quyết số 41/2017/NQ-QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015:
- Xử phạt bị cáo Vũ Thị Hoa L 24 tháng tù về tội "Sản xuất hàng giả là thực phẩm", thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
- Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 24 tháng tù về tội "Sản xuất hàng giả là thực phẩm", thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam từ ngày 17/3/2016 đến ngày 14/6/2016.
2. Về án phí: Áp dụng Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Án phí, Lệ phí Tòa án; Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Các bị cáo Nguyễn Văn T và Vũ Thị Hoa L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 20/11/2017.
Bản án về tội sản xuất hàng giả là thực phẩm số 832/2017/HSPT
Số hiệu: | 832/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 20/11/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về