Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả số 01/2024/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

BẢN ÁN 01/2024/HS-PT NGÀY 05/01/2024 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ

Trong các ngày 29 tháng 12 năm 2023 và ngày 02, 05 tháng 01 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh H xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 83/2023/TLPT-HS ngày 18 tháng 10 năm 2023 đối với bị cáo Nguyễn Văn T do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T, Công ty TNHH D, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Thành phố H, Công ty TNHH T11 đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 52/2023/HS-ST ngày 12 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh H.

- Bị cáo có kháng cáo:

NGUYỄN VĂN T - sinh năm 1962 tại L, H. Nơi cư trú: Ấp M, xã T, thành phố V, tỉnh H; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ học vấn: 4/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị Đ; có vợ là Chiêm Ngọc M và có 03 người con; tiền án: Không; tiền sự: Không; bị bắt, tạm giam: Không. (Bị cáo có mặt)

Người đại diện hợp pháp của bị cáo Nguyễn Văn T: Bà Chiêm Ngọc M, sinh năm: 1964 (vợ của bị cáo) Nơi cư trú: Ấp M, xã T, thành phố V, tỉnh H (có mặt)

Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Kỳ Việt C là luật sư của Văn phòng L1 thuộc Đoàn luật sư thành phố C.

Địa chỉ: Số E, đường Đ, phường A, quận N, thành phố Cần Thơ. Có mặt.

Những người tham gia tố tụng khác có kháng cáo:

1/ Nguyên đơn dân sự: Công ty TNHH T11.

Địa chỉ: Số H, đường B, khu phố E, phường T, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp: Ông Đào Nguyên Q, sinh năm: 1964

Nơi cư trú: số A, đường L, phường A, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo văn bản ủy quyền ngày 29/11/2023). Có mặt.

2/ Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Công ty TNHH D.

Địa chỉ: Số D, ấp M, xã B, huyện C, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện hợp pháp:

+ Bà Danh Thị Tú Q1, sinh năm: 1990

Nơi cư trú: Số G C, phường V, thành phố R, tỉnh Kiên Giang (Theo văn bản ủy quyền ngày 27/12/2023). Có mặt.

+ Ông Lý Huỳnh T2, sinh năm 2001 Nơi cư trú: Ấp C, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (Theo văn bản ủy quyền ngày 27/12/2023). Có mặt.

- Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Thành phố H.

Địa chỉ: Số B, đường N, Phường F, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp: Ông Phạm Văn T3, sinh năm 1983.

Nơi cư trú: Số A, đường T, phường A, quận B, thành phố Cần Thơ (Văn bản ủy quyền ngày 29/5/2019). Có mặt.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có liên quan đến kháng cáo:

1. Ông Nguyễn Đức N, sinh năm 1981.

Nơi cư trú: Khu V, phường V, thành phố V, tỉnh H. Có đơn xin vắng mặt.

2. Ông Nguyễn Văn N1, sinh năm 1966.

Nơi cư trú: Ấp G, xã V, huyện L, tỉnh H. Có mặt.

3. Bà Chiêm Ngọc M, sinh năm 1964.

Nơi cư trú: Ấp M, xã T, thành phố V, tỉnh H. Có mặt.

4. Bà Nguyễn Thị T4, sinh năm 1992.

Nơi cư trú: Ấp M, xã T, thành phố V, tỉnh H. Có mặt.

5. Ông Nguyễn Hoàng N2, sinh năm 1990.

Nơi cư trú: Ấp M, xã T, thành phố V, tỉnh H. Có mặt.

6. Ông Nguyễn Văn T5, sinh năm: 1967.

Nơi cư trú: ấp N, xã N, huyện H, tỉnh Bạc Liêu. Vắng mặt.

Ngoài ra trong vụ án còn có những người tham gia tố tụng khác không có kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo nên tại phiên tòa phúc thẩm không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 07/12/2018, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh H tiến hành kiểm tra bắt quả tang nhân viên của Doanh nghiệp tư nhân G (viết tắt là doanh nghiệp G) đang chiết nạp gas (LPG) vào bình gas nhãn hiệu TTAGas của Công ty Cổ phần G (viết tắt là công ty G) và SaigonPetro của Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Thành phố H (viết tắt là công ty Dầu khí thành phố H) để bán cho Đại lý bia - gas - nước suối.

Quá trình điều tra xác định: Doanh nghiệp G được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp C1 mã số 630024xxxx do Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh H cấp, đăng ký lần đầu ngày 10/6/2014, đăng ký thay đổi lần 2 ngày 22/01/2015 do bị cáo Nguyễn Văn T điều hành theo giấy ủy quyền ngày 09/3/2015 của ông Nguyễn Văn N1 đứng tên chủ doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), nạp khí LPG vào chai, xe bồn.

Ngày 01/01/2016, Doanh nghiệp G ký Hợp đồng mua bán khí dầu hóa lỏng số 02/2016/HDKT/VGAS-CT với Công ty cổ phần G (viết tắt là công ty G), hiệu lực hợp đồng là một năm. Năm 2017, 2018 thì doanh nghiệp tiếp tục ký hợp đồng mua gas của Công ty G-G để kinh doanh. Ngoài ra, Doanh nghiệp G không ký hợp đồng mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng với một doanh nghiệp gas đầu mối nào khác.

Theo điều khoản quy định trong hợp đồng đại lý tiêu thụ khí dầu mỏ hóa lỏng – LPG giữa Công ty G-Gas với Doanh nghiệp G và Biên bản thỏa thuận được ký kết hàng năm giữa hai bên thì sản phẩm, nhãn hiệu gas mà Doanh nghiệp C được bao tiêu, phân phối mang nhãn hiệu V-GAS, PM-GAS, PICNIC-GAS, được phép chiết nạp LPG vào các vỏ bình gas mang nhãn hiệu trên của Công ty cổ phần G, gas được chứa trong bình gas loại 12kg, 15kg, 45kg, 48kg và phân phối sản phẩm tại thị trường ở các tỉnh H, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau.

Sau một thời gian kinh doanh, nhằm mục đích tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, từ năm 2016 ngoài việc kinh doanh nhãn hiệu V-Gas thì bị cáo Nguyễn Văn T đã chỉ đạo cho nhân viên và người thân là bà Chiêm Ngọc M (vợ của bị cáo) và bà Nguyễn Thị T4 (con dâu của bị cáo) thực hiện việc bán các sản phẩm gas mang nhãn hiệu khác của V-Gas mà doanh nghiệp không có ký hợp đồng như:

TTAGas, E gas, Shell gas, T6, SaigonPetro (SP), O, Gia đình gas, MT gas… bằng hình thức chiết nạp khí gas nhãn hiệu V-Gas vào bình gas các nhãn hiệu khác rồi chụp niêm màng co, tem chống giả vào bình bán lại cho khách hàng.

Qua điều tra, xác minh các Công ty sở hữu nhãn hiệu DuyphatGas, TTAGas, SaigonPetrogas, T6, E1, S (nay là S1), O1 và Gia đình gas xác định từ trước đến ngày 07/12/2018 không ký kết hợp đồng mua bán, sản xuất, chiết nạp gas với Doanh nghiệp G. Việc Doanh nghiệp G chiết nạp bán gas mang nhãn hiệu của các Công ty này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Công ty nên Công ty yêu cầu làm rõ và xử lý Doanh nghiệp C đúng theo quy định của pháp luật.

Qua điều tra, bị cáo Nguyễn Văn T khai nhận: Ông Nguyễn Văn N1 là người đứng tên chủ Doanh nghiệp C nhưng thực tế doanh nghiệp này thuộc quyền sở hữu của bị cáo, vì bị cáo T đã đứng tên chủ Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn T nên không đứng tên chủ doanh nghiệp thứ hai. Bị cáo T là người trực tiếp liên hệ cơ quan chức năng xin thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp, rồi cho ông Nguyễn Văn N1 ký tên vào hồ sơ.

Sau khi Doanh nghiệp G được thành lập, ngày 09/3/2015 ông Nguyễn Văn N1 ủy quyền quản lý, điều hành và quyết định tất cả mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp V1 thời hạn cho bị cáo. Từ đó ông N1 không còn tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp. Bị cáo T là người trực tiếp đi thị trường (chào bán hàng) và đại diện doanh nghiệp ký kết hợp đồng với các đại lý, cửa hàng,…bán gas nhãn hiệu V-Gas. Đối với nhãn hiệu khác V-Gas thì không có ký hợp đồng, khách hàng muốn mua sẽ liên lạc qua điện thoại gặp bà M hoặc bà T4 đặt hàng. Từ đó, về sau việc quản lý, phân công nhân viên chiết nạp gas, tài xế và nhân viên giao hàng là do bà M và bà T4 thực hiện. Để thực hiện chuyên môn về kế toán đối với doanh nghiệp, bị cáo T thuê kế toán và trả lương theo tháng (BL số 4098-4105).

Trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, nhằm để nâng cao lợi nhuận kinh doanh, bị cáo đã chỉ đạo cho nhân viên và người thân là bà Chiêm Ngọc M và bà Nguyễn Thị T4 thực hiện việc bán các sản phẩm gas mang nhãn hiệu khác V-Gas ra thị trường. Việc này bà M và bà T4 hỏi bị cáo T là kinh doanh như vậy có đúng quy định pháp luật không, bị cáo T khẳng định là đúng và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bị cáo T còn chỉ đạo cho bà Nguyễn Thị T4 mua niêm màng co và tem chống giả nhãn hiệu khác V-G mà doanh nghiệp không ký hợp đồng để niêm vào các bình gas sau khi chiết nạp thành phẩm và bán cho khách hàng. Vào ngày 07/12/2018, trong lúc nhân viên đang chiết nạp gas để bán cho Đại lý bia - gas - nước suối T do anh Nguyễn Thanh T7 làm chủ thì bị bắt quả tang.

Về số lượng 557 vỏ bình gas mà Cơ quan điều tra thu giữ khi bắt quả tang là vỏ bình thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn T5 (sinh năm 1967, nơi cư trú: ấp N, xã N, huyện H, tỉnh Bạc Liêu) chủ đại lý bán gas lẻ thu gom vỏ bình của khách hàng ở các xã L, X, huyện L thuê DNTN gas C vận chuyển về theo Hợp đồng vận chuyển số 01/2018/HĐTX ngày 01/01/2018.

Ngoài ra, bị cáo T còn khai nhận trong quá trình kinh doanh với danh nghĩa là Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn T do bị cáo T làm chủ doanh nghiệp có ký hợp đồng mua gas bình thành phẩm với Công ty TNHH một thành viên G do ông Đặng Văn B làm giám đốc để mua các loại gas bình nhãn hiệu TTAgas, PetroVietnamgas, VTgas, MTgas và bán lại cho khách hàng. Qua đối chiếu thì Công ty TNHH một thành viên G trong năm 2018 có xuất 06 hóa đơn giá trị gia tăng cho Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn T với tổng giá trị hàng hóa là 87.818.498 đồng (T8 mươi bảy triệu tám trăm mười tám nghìn bốn trăm chín mươi tám đồng) gồm nhãn hiệu gas là PetroVietnam gas và TTAGas. Sau đó, bán lại cho khách hàng được ghi chung trong 59 quyển sổ của Doanh nghiệp tư nhân gas C mở theo dõi số lượng hàng hóa đã bán cho khách hàng bị Công an tạm giữ ngày 07/12/2018 nhưng bị cáo T không biết rõ là sổ số mấy và khách hàng nào.

- Bà Chiêm Ngọc M khai nhận: Doanh nghiệp C mặc dù do ông Nguyễn Văn N1 đứng tên chủ doanh nghiệp nhưng ông N1 đã ủy quyền cho bị cáo toàn quyền quyết định mọi việc kinh doanh của doanh nghiệp. Theo sự chỉ đạo của bị cáo T thì từ năm 2016 đến ngày 07/12/2018 Doanh nghiệp G đã bán sỉ rất nhiều sản phẩm gas nhãn hiệu khác ngoài V-Gas. Bản thân bà và bà Nguyễn Thị T4 là người trực tiếp phụ trách việc bán hàng và quản lý, ghi chép sổ sách, hóa đơn tại Doanh nghiệp C theo sự phân công của bị cáo T; 59 quyển sổ mà Cơ quan điều tra đang tạm giữ là sổ giao dịch mua bán gas giữa Doanh nghiệp gas C với các đại lý, cửa hàng, bán gas. Trong thời gian quản lý bán hàng do có khách hàng đặt mua gas khác nhãn hiệu V-G, bà M hỏi bị cáo T có được bán không và có đúng quy định pháp luật không, thì bị cáo T trả lời là được bán đúng quy định, nếu sai bị cáo sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Từ đó, bà M nhận đặt hàng bán gas khác nhãn hiệu V-Gas cho khách hàng mà không biết đây là hành vi vi phạm pháp luật.

- Bà Nguyễn Thị T4 khai nhận: Đầu năm 2017, bà T4 bắt đầu cùng với bà Chiêm Ngọc M quản lý, bán hàng tại trạm nạp của Doanh nghiệp G, công việc cụ thể như: Nhận đặt hàng, quản lý, phân công nhân viên chiết nạp và giao gas, quản lý sổ sách, hóa đơn,... Thời điểm này Doanh nghiệp G đã có bán gas nhãn hiệu V- Gas và các nhãn hiệu khác, từ đó T4 nhận đặt hàng bán các nhãn hiệu khác V-Gas cho khách hàng. Việc bán các nhãn hiệu gas khác V-Gas bà T4 hỏi thì được bị cáo T khẳng định là đúng pháp luật, có gì bị cáo hoàn toàn chịu trách nhiệm. Từ đó, bà T4 nhận đặt hàng chiết nạp bán gas khác nhãn hiệu V-Gas mà không biết đây là hành vi vi phạm pháp luật. Đối với 59 quyển sổ mà Cơ quan điều tra đang tạm giữ là sổ giao dịch mua bán gas giữa Doanh nghiệp C với các đại lý, cửa hàng, bán gas lẻ.

Ngày 07/12/2018, xe ôtô tải BS 68C-014.72 của Cơ sở bia - gas - nước suối T chở vỏ bình gas nhãn hiệu TTAGas, SaigonPetro gas đến, bà T4 là người phân công nhân viên chiết nạp khí gas từ bồn chứa vào vỏ bình gas nhãn hiệu TTAGas và SaigonPetro gas để bán. Số lượng niêm màng co, tem chống giả được chụp trên các chai LPG bán cho Cơ sở bia - gas - nước suối Tâm Lai vào ngày 07/12/2018 là do bà T4 mua của một người tên L ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không rõ địa chỉ cụ thể với giá 2.000 đồng/cái. Việc mua niêm màng co, tem chống giả là theo chỉ đạo của bị cáo T để chụp vào các bình gas bán cho khách hàng khi có nhu cầu. Sau đó, bà T4 đưa cho nhân viên tại trạm nạp để niêm vào bình gas đã nạp đầy khí gas giao cho khách hàng. Lúc mua niêm màng co và tem chống giả, bà T4 không biết đó là giả. Đến khi Cơ quan điều tra mời làm việc thông báo kết quả giám định thì bà T4 mới biết (BL số 358-425).

- Ông Nguyễn Văn N1 khai nhận: Do quan hệ là anh em ruột nên ông đứng tên chủ Doanh nghiệp giùm cho bị cáo T. Thời gian đầu ông N1 được bị cáo T đưa ký tên một số hồ sơ, giấy tờ như hồ sơ thành lập doanh nghiệp, ký hợp đồng mua bán gas với thương nhân đầu mối. Ngày 09/3/2015, ông N1 làm giấy ủy quyền cho bị cáo T quản lý, điều hành tất cả các hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp còn ông không tham gia bất cứ hoạt động gì, không thỏa thuận bàn bạc và hưởng lợi ích gì liên quan đến Doanh nghiệp G.

- Ông Nguyễn Thanh T7 khai nhận: Tháng 6/2017 có đến Doanh nghiệp C liên hệ mua gas về bán nhưng hai bên không có ký hợp đồng mua bán. Ban đầu mua gas nhãn hiệu V-Gas, PM-G, P-G. Sau tiếp tục mua nhãn hiệu khác V- Gas. Ông T7 liên lạc bằng điện thoại gặp bà M đặt hàng và chở vỏ bình gas đến trạm nạp của Doanh nghiệp G, tài xế của doanh nghiệp tự chạy xe vào trạm, khi chiết nạp gas xong thì ông T7 hoặc tài xế đến chở gas về, lúc này bình gas đã đầy khí gas, có chụp niêm màng co và tem chống giả. Vào ngày 07/12/2018, ông T7 gọi điện cho bà M đặt hàng và chạy xe đến Doanh nghiệp G, rồi ông T7 quay về nhà để giải quyết công việc. Sau đó, ông T7 mới hay nhân viên của Doanh nghiệp G đang chiết nạp gas bán cho ông T7 thì bị bắt quả tang (BL 459-478).

Ngoài ra, qua làm việc với các đại lý, cửa hàng có mua khác nhãn hiệu V-Gas trong 59 quyển sổ thu giữ vào ngày 07/12/2018, ông Trương Văn N3 (hộ kinh doanh P1 - quyển số 10) và ông Nguyễn Uy T9 (Công ty TNHH một thành viên T12 - quyển 07, 08) khai nhận việc mua gas khác nhãn hiệu V-Gas là do ông Nguyễn Hoàng N2 (con trai của bị cáo T) giới thiệu. Nhưng qua làm việc, ông N2 chỉ thừa nhận có giới thiệu bán gas nhãn hiệu V-Gas, còn nhãn hiệu khác thì yêu cầu liên hệ với Doanh nghiệp G do ông bận đi làm công việc khác không tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (BL số 698-699).

Đối với các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng mua các nhãn hiệu gas khác nhãn hiệu V-Gas của Doanh nghiệp G trong 59 quyển sổ thu giữ khi bắt quả tang ngày 07/12/2018, do nhu cầu sử dụng của khách hàng nên đã liên hệ mua gas khác nhãn hiệu V-G để bán lại nhưng hai bên không ký kết hợp đồng mua bán; cũng không biết được các nhãn hiệu khác V-Gas mà Doanh nghiệp G bán là hành vi làm hàng giả; mục đích mua gas để bán lại cho người sử dụng kiếm lời, không có lợi ích gì khác.

Đối với 59 quyển sổ khám xét thu giữ tại trạm nạp và cũng là địa điểm kinh doanh của Doanh nghiệp C đây là sổ mà Doanh nghiệp C mở theo dõi số lượng hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp với khách hàng. Qua đối chiếu thể hiện:

- Có 41 quyển thể hiện nội dung mua bán gas khác nhãn hiệu V-Gas giữa Doanh nghiệp C với khách hàng từ ngày 01/01/2018 đến ngày 06/12/2018.

- Có 18 quyển sổ thể hiện nội dung mua bán gas khác thương hiệu V-Gas giữa Doanh nghiệp gas C với khách hàng từ năm 2015 đến 2017, sổ bán gas nhãn hiệu V-Gas, đổi vỏ, ghi nhớ trả lương, sổ thu nợ, sổ trắng.

- Về giá trị hàng giả: Kết luận giám định về giá trị tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự tỉnh H thì giá trị gas ngoài hiệu V-Gas từ năm 2015 đến ngày 07/12/2018 là 24.323726.500 đồng, trong đó từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/12/2018 15.223.223.500 đồng (Mười lăm tỷ hai trăm hai mươi ba triệu hai trăm hai mươi ba nghìn năm trăm đồng). Được trừ lại số tiền từ 06 hóa đơn giá trị gia tăng do Công ty TNHH Một thành viên G xuất cho Doanh nghiệp Nguyễn Văn T ghi chung với 59 quyển sổ bán hàng của Doanh nghiệp G là 87.818.498 đồng (T8 mươi bảy triệu tám trăm mười tám nghìn bốn trăm chín tám đồng).

Như vậy, giá trị gas ngoài hiệu V-Gas (từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/12/2018) mà Doanh nghiệp G phải chịu trách nhiệm là 15.223.223.500 đồng - 87.818.498 đồng = 15.135.405.002 đồng (Mười lăm tỷ một trăm ba mươi lăm triệu bốn trăm lẻ năm nghìn không trăm lẻ hai đồng).

- Về thu lợi bất chính: Kết quả đối chiếu từ 41 quyển sổ mua bán gas giữa Doanh nghiệp C với khách hàng từ các nhãn hiệu khác V-Gas từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/12/2018 thu lợi bất chính được tổng số tiền là 592.680.397 đồng (Năm trăm chín mươi hai triệu sáu trăm tám mươi nghìn ba trăm chín mươi bảy đồng).

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 52/2023/HS – ST ngày 12 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố V đã xét xử:

Tuyên bố: bị cáo Nguyễn Văn T (tên gọi khác: Chín T10) phạm tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Áp dụng: các điểm a, b khoản 3, khoản 4 Điều 192; các điểm q, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); khoản 2 Điều 135 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Danh mục mức án phí, lệ phí Toà án kèm theo.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn T 08 (Tám) năm 06 (S2) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

Về hình phạt bổ sung: Cấm bị cáo Nguyễn Văn T (tên gọi khác: Chín T10) hành nghề kinh doanh gas trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về xử lý vật chứng, tiền thu lợi bất chính, án phí hình sự và quyền kháng cáo của bị cáo và các đương sự trong vụ án.

Ngày 19/9/2023, bị cáo T10 có đơn kháng cáo và đến ngày 10/10/2023 bị cáo có đơn kháng cáo bổ sung với các nội dung:

Đề nghị xem xét chuyển tội danh từ “sản xuất, buôn bán hàng giả” sang tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” vì cho rằng bị cáo buôn bán gas thật nhưng chỉ giả nhãn hiệu, đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền.

Đề nghị giảm nhẹ hình phạt và chuyển sang án treo hoặc áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính.

Áp dụng các quy định đối với người cao tuổi, già yếu, đau ốm cho bị cáo.

Không chấp nhận đưa Công ty TNHH D tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Ngày 19/9/2023, Công ty TNHH D kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

Ngày 22/9/2023, Công ty TNHH T11 kháng cáo bản án và đến ngày 27/9/2023 có kháng cáo bổ sung, nội dung kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Ngày 26/9/2023, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Thành phố H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đồng thời đề nghị chuyển tư cách từ người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sang tư cách bị hại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Công ty TNHH T11, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Thành phố H và Công ty TNHH D giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị xác định tư cách gia tố tụng là bị hại và yêu cầu giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại của 03 Công ty trong vụ án.

Ngoài ra, Công ty TNHH T11, Công ty TNHH D đề nghị hủy bản án sơ thẩm với các lý do: bản án sơ thẩm không áp dụng tình tiết tặng nặng có tính chất chuyên nghiệp đối với bị cáo T10; có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với bà M, bà T4, ông N2, ông N, ông N1; bỏ lọt hành vi phạm tội của bị cáo trong thời gian 2016, 2017; về xử lý vật chứng trong giai đoạn điều tra không đúng; đề nghị tăng mức án đối với bị cáo T10.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh H tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày ý kiến bào chữa và đối đáp tại phiên tòa:

Về tội danh và hình phạt: Bị cáo có hành vi phạm tội sang chiết gas theo như cơ quan tố tụng đã kết luận, truy tố tuy nhiên bị cáo sử dụng khí gas thật của công ty G, không phải là gas giả. Mặt khác, tại mục 2.7 bản án sơ thẩm nhận định “hành vi chiết nạp khí gas ngoài nhãn hiệu V-Gas giả nhãn mác”. Như vậy, theo quy định Điều 211 của Luật sở hữu trí tuệ thì đây là hành vi giả nhãn mác nên cấu thành tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Từ đó đề nghị áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo là phù hợp.

Về định lượng truy tố bị cáo: Đối với 59 cuốn sổ ghi bán các sản phẩm khác V-G, Cơ quan điều tra cho rằng bị cáo không cung cấp được hóa đơn, chứng từ mua sản phẩm khác của Công ty G là không đúng vì trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan điều tra, không phải trách nhiệm của bị cáo.

Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát đối đáp với lời trình bày của Luật sư bào chữa cho bị cáo: Đồng ý khí gas là thật nhưng chỉ đối với công ty G còn là giả đối với các nhãn hiệu khác V-G. Về định lượng, quá trình điều tra, bị cáo hoàn toàn không khiếu nại đối với Kết luận định giá của Hội đồng định giá.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục kháng cáo: Xét đơn kháng cáo của bị cáo, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Thành phố H phù hợp với quy định tại các Điều 331, Điều 332 và Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự nên được thụ lý, xét xử theo trình tự thủ tục phúc thẩm.

Đối với kháng cáo của Công ty TNHH T11 và Công ty TNHH D, căn cứ vào quyền kháng cáo được quy định tại điều 63, 65, 331 Bộ luật Tố tụng hình sự thì chỉ có quyền kháng cáo phần bồi thường thiệt hại, phần liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên, do 02 Công ty nêu trên có kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại; mặt khác, căn cứ Điều 345 Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án có thể xem xét đối với các phần khác khi xét thấy cần thiết không bị kháng cáo, kháng nghị. Do đó Hội đồng xét xử chấp nhận để xem xét nội dung kháng cáo của 02 Công ty theo trình tự, thủ tục phúc thẩm là đúng quy định.

[2] Xét kháng cáo của bị cáo, nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án:

[2.1] Về tố tụng:

Bị cáo T10 kháng cáo cho rằng không đồng ý đưa Công ty TNHH D tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Các Công ty TNHH T11, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Thành phố H, Công ty TNHH D kháng cáo đề nghị đổi tư cách tố tụng sang bị hại.

Xét thấy mặc dù trong biên bản phạm tội quả tang không thể hiện có sản phẩm gas của Công ty TNHH D. Tuy nhiên, tại 59 cuốn sổ là vật chứng của vụ án được thu giữ tại Doanh nghiệp G thể hiện có ghi nhãn hàng của Công ty TNHH D, cụ thể như cuốn số 02, 13, 42, 43...).Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã đưa Công ty TNHH D tham gia tố tụng là phù hợp.

Do khách thể của tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng nên cấp sơ thẩm xác định tư cách của Công ty TNHH T11 là nguyên đơn dân sự và Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Thành phố H, Công ty TNHH D là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là có căn cứ theo quy định tại Điều 63, 65 của Bộ luật tố tụng hình sự.

[2.2] Đối với kháng cáo về nội dung của vụ án:

Bị cáo đề nghị xem xét chuyển tội danh từ tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” sang tội danh “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” thấy rằng bị cáo T10 thừa nhận bắt đầu từ 01/01/2016, Doanh nghiệp G ký Hợp đồng mua bán khí dầu hóa lỏng với Công ty cổ phần G. Theo điều khoản quy định trong hợp đồng đại lý tiêu thụ khí dầu mỏ hóa lỏng – LPG giữa Công ty cổ phần G-Gas với Doanh nghiệp G và Biên bản thỏa thuận được ký kết hàng năm giữa hai bên chỉ cho phép Doanh nghiệp C được chiết nạp LPG vào các vỏ bình gas mang nhãn hiệu V- GAS, PM-GAS, PICNIC-GAS của Công ty cổ phần G-Gas và bao tiêu, phân phối các sản phẩm này. Ngoài ra, Doanh nghiệp G không ký hợp đồng mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng với một doanh nghiệp gas đầu mối nào khác. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến ngày 07/12/2018, bị cáo Nguyễn Văn T đã có hành vi chỉ đạo, điều hành người thân và nhân viên làm thuê chiết nạp gas từ bồn khí V-Gas vào bình gas nhãn hiệu khác V-Gas (có giá cao hơn V-Gas) mà doanh nghiệp không có ký hợp đồng như: TTAGas, E gas, Shell gas, T6, SaigonPetro (SP), O, Gia đình gas, MT gas… rồi chụp niêm màng co, tem chống giả vào bình bán lại cho khách hàng nhằm mục đích thu lợi bất chính. Trong đó, tính từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/12/2018, số lượng hàng giả tương đương với số lượng hàng thật trị giá là 15.135.405.002 đồng, tổng số tiền thu lợi bất chính là 592.680.397 đồng.

Với hành vi sử dụng nhãn hiệu, bao bì (vỏ bình) có thật của các Công ty khác để chiết nạp khí gas của Công ty G–gas vào mục đích giả mạo hàng hóa của công ty sản xuất khác, giả mạo về nguồn gốc của sản phẩm được quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hàng giả. Do đó, cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn T về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” với 02 tình tiết định khung theo điểm a, b khoản 3 Điều 192 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ.

Luật sư bào chữa cho rằng bị cáo sử dụng ga thật nhưng chỉ giả nhãn mác nên cấu thành tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Xét thấy tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” được quy định tại Điều 226 của Bộ luật Hình sự là hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý. Trong khi hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu theo Điều 129 của Luật sở hữu trí tuệ quy định là hành vi sử dụng nhãn hiệu có dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa gây nhầm lẫn hoặc khó phân biệt của người tiêu dùng. Bị cáo T không sử dụng nhãn hiệu có dấu hiệu trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu được bảo hộ của các tổ chức khác nên đối tượng không phải xâm phạm về nhãn hiệu. Vì vậy không thống nhất với Luật sư bào chữa về đề nghị chuyển tội danh cho bị cáo.

[2.3] Xét kháng cáo của Công ty TNHH T11, Công ty TNHH D về dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và bỏ lọt hành vi phạm tội vào thời gian từ năm 2016, năm 2017, Hội đồng xét xử thấy rằng: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và lời khai tại phiên tòa phúc thẩm xác định bà M là người trực tiếp tham gia vào điều hành, quản lý Doanh nghiệp C từ khi doanh nghiệp được thành lập, bà M cùng với bà T4 là người trực tiếp ghi chép, theo dõi sổ sách mua bán sản phẩm gas, điều hành quản lý nhân viên sang chiết nạp gas, trực tiếp nhận đơn đặt hàng. Ngoài ra, một số khách hàng mua sản phẩm khác nhãn hiệu V-Gas có khai do bà M là người trực tiếp đi chào hàng hoặc khách hàng điện hỏi mua sản phẩm ngoài nhãn hiệu V-Gas đầu tiên là từ bà M (BL, 491, 598, 623). Tại phiên tòa phúc thẩm, bà M thừa nhận lợi nhuận thu được từ Doanh nghiệp G do bà quản lý. Đối với bà T4 ngoài vai trò cùng với bà M là người trực tiếp quản lý sổ sách hàng hóa, điều hành quản lý nhân viên chiết nạp gas và nhận đơn hàng thì bà T4 cũng chính là người mua niêm màng co và tem giả. Ngoài ra, Doanh nghiệp C vào năm 2015 đã bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh K xử phạt vi phạm hành chính về hành vi mua bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu H – gas và buộc phải ngừng sản xuất kinh doanh thời hạn 01 tháng. Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra liên ngành – Ban chỉ đạo 389 của tỉnh H cũng đã tiến hành kiểm tra, xác minh tại Doanh nghiệp C. Đến năm 2017, Công ty TNHH T11 đã khiếu nại Doanh nghiệp ga C về hành vi sản xuất, buôn bán gas giả đến Công an thành phố V. Trong công văn phúc đáp của Công an thành phố V cho rằng Công an đã tiến hành xác minh nhưng chưa thấy có dấu hiệu vi phạm. Như vậy từ năm 2015, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra, xác minh tại Doanh nghiệp C trong đó có nội dung có hay không hành vi sản xuất, buôn bán gas giả (chiết nạp đúng nhãn hiệu, thương hiệu) nên việc bà M, bà T4 cho rằng không biết việc sang triết gas từ khí ga của Công ty G-Gas vào nhãn hiệu của Công ty khác là trái pháp luật là không thuyết phục. Từ đó cho thấy bà M và bà T4 có dấu hiệu đồng phạm trong vụ án.

Bên cạnh đó, quá trình điều tra đã chứng minh được hành vi phạm tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” do bị cáo Nguyễn Văn T thực hiện trong thời gian từ ngày 01/01/2016 đến ngày 07/12/2018 với giá trị hàng giả theo Kết luận định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự là 24.299.643.500 đồng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chỉ lấy mốc thời gian phạm tội từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/12/2018 để khởi tố, truy tố và xét xử vì cho rằng từ ngày 01/01/2018 Bộ luật Hình sự năm 2015 mới có hiệu lực pháp luật là không đúng bởi tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” không phải là tội phạm mới theo hướng dẫn tại Nghị Quyết số 41/20117 ngày 20/6/2017 của Quốc hội nên có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội trong thời gian năm 2016, 2017.

[3] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy: Với dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội của bị cáo từ thời gian năm 2016 và 2017 nên không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH T11, Công ty TNHH D, hủy bản án sơ thẩm và giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố V, tỉnh H điều tra, giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

[4] Do vụ án bị hủy để điều tra lại nên trong quá trình giải quyết lại vụ án cần tiếp tục điều tra làm rõ các vấn đề:

Xem xét việc trả lại dàn máy, thiết bị dùng để san triết gas cho ông N1 theo Quyết định xử lý đồ vật, tài liệu số 03 ngày 20/01/2020 bởi vì đây là phương tiện liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo và quá trình điều tra xác định được ông N1 chỉ đứng tên giùm Doanh nghiệp cho bị cáo. Toàn bộ máy móc, thiết bị, tài sản tại Doanh nghiệp G là của bị cáo không phải của ông N1.

Ngoài ra, cần làm rõ có hay không vai trò đồng phạm của những người có liên quan khác và cần xem xét giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án (chỉ được tách theo quy định của pháp luật) để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được công bằng, khách quan, chính xác và toàn diện.

[5] Về án phí: Chưa ai phải chịu án phí

 Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 1 Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

1. Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số: 52/2023/HS-ST ngày 12 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh H. Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố V, tỉnh H để điều tra, giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

2. Số tiền 400.370.099 đồng (Bốn trăm triệu ba trăm bảy mươi nghìn không trăm chín mươi chín đồng) và 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) bị cáo Nguyễn Văn T nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố V, tỉnh H theo các biên lai thu tiền số 0006765 ngày 05/3/2021; số 0000567 ngày 22/12/2021; số 0000656 và 0000657 ngày 31/5/2022 được tiếp tục tạm giữ và xử lý trong quá trình giải quyết lại vụ án.

3. Về án phí: Căn cứ vào điểm f khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chưa ai phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí hình sự phúc thẩm.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

214
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả số 01/2024/HS-PT

Số hiệu:01/2024/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hậu Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/01/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về