Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm số 395/2021/HSPT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 395/2021/HSPT NGÀY 10/12/2021 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ THỰC PHẨM, PHỤ GIA THỰC PHẨM

Ngày 10 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 194/HSPT ngày 11/5/2021 đối với bị cáo Nguyễn Văn H và bị cáo Nguyễn Thị V do có kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 43/2021/HSST ngày 18/3/2021 của Tòa án nhân dân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Văn H; Giới tính: Nam; Sinh năm: 1974 tại tỉnh Nam Định; Thường trú: 63/19 đường TL 29, khu phố 3C, phường Q, Quận W, Thành phố Hồ Chí Minh; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 8/12; Nghề nghiệp: Buôn bán; Con ông Nguyễn Văn Ô và bà Ngô Thị X; Hoàn cảnh gia đình: Có vợ là bà Đinh Thị H và 02 con (con lớn sinh năm 2002, con nhỏ sinh năm 2009); Tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo tại ngoại - Có mặt.

2. Nguyễn Thị V; Giới tính: Nữ; Sinh năm: 1971 tại tỉnh Nam Định; Thường trú: 53/18A đường TL 29, khu phố 3C, phường Q, Quận W, Thành phố Hồ Chí Minh; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 7/12; Nghề nghiệp: Buôn bán; Con ông Nguyễn Văn Ô và bà Ngô Thị X; Hoàn cảnh gia đình: Có chồng là ông Nguyễn Thanh L (chết) và 03 con (con lớn nhất sinh năm 2001, con nhỏ sinh năm 2006); Tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo tại ngoại - Có mặt.

Những người tham gia tố tụng khác:

- Người bào chữa:

Ông Lê Xuân T là luật sư của Văn phòng luật sư Minh Pháp thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn H và bị cáo Nguyễn Thị V - Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào lúc 07 giờ 20 phút, ngày 13/01/2020 tại đoạn đường Hà Huy Giáp, khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, Quận 12. Công an Quận 12 phát hiện Nguyễn Thị V đang điều khiển xe mô tô biển số 59G2-205.43 chở theo 01 thùng giấy carton và 03 bao nilon chứa hàng hóa, có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Qua kiềm tra, phát hiện trên xe đang vận chuyển 10 gói bột nêm hiệu Knorr loại 170 gam; 15 gói bột ngọt hiệu Ajinomoto loại 454 gam, 10 gói bột ngọt hiệu Ajinomoto loại 400 gam, 20 gói bột ngọt hiệu Ajinomoto loại l40 gam, 24 gói bột ngọt hiệu Ajinomoto loại 100 gam, 10 gói bột giặt nhãn hiệu OMO Comfort loại 360 gam, 05 gói bột giặt hiệu ABA loại 800 gam, 17 gói bột giặt hiệu ABA loại 400 gam không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, Công an Quận 12 đã lập hồ sơ ghi nhận sự việc và tạm giữ hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh làm rõ. Nguyễn Thị V khai nhận toàn bộ số hàng hóa nói trên không có hóa đơn chứng từ mà được mua từ Nguyễn Văn H là em ruột của V.

Vào lúc 08 giờ 00 phút, ngày 13/01/2020 tại trước nhà không số, đường TL15, khu phố 3B, phường Q, Quận W. Công an Quận 12 tiến hành kiểm tra xe số 59G1-908.90 do Nguyễn Văn H điều khiển đang chở thùng Carton chứa hàng hóa phía sau. Qua kiểm tra phát hiện trên xe đang vận chuyển 08 gói bột nêm hiệu Knorr loại 400 gam, 01 gói bột nêm hiệu Knorr loại 170 gam, 13 gói bột ngọt hiệu Ajinomoto loại 1 kg, 52 gói bột ngọt hiệu Ajinomoto loại 400 gam, 22 gói bột ngọt hiệu Ajinomoto loại 100 gam, 17 gói bột giặt hiệu OMO Comfort loại 720 gam, 52 gói bột giặt hiệu OMO Comfort loại 360 gam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, Công an Quận 12 đã lập hồ sơ ghi nhận sự việc và tạm giữ hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh làm rõ. Nguyễn Văn H khai nhận số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nêu trên được sản xuất tại nhà H địa chỉ 63/19 đường TL29, khu phố 3C, phường Q, Quận W để bán kiếm lời và giao cho Nguyễn Thị V là chị ruột của H bán kiếm lời.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 12 tiến hành lệnh khám xét khẩn cấp đối với chỗ ở của H phát hiện và thu giữ thêm một số thành phẩm là hàng giả gồm: 29 gói hạt nên Knorr loại 400 gam, 78 gói hạt nên Knorr loại 170 gam, 01 gói bột ngọt hiệu Ajinomoto loại l kg, 11 gói bột giặt hiệu OMO Comfort loại 720 gam, 82 gói bột giặt hiệu OMO Comfort loại 360 gam, 02 gói bột giặt hiệu ABA loại 800 gam, 20 gói bột giặt hiệu ABA loại 400 gam và vỏ chai, bao bì, dụng cụ ( cân, đồ xúc, máy ép nhiệt...) sử dụng cho việc sản xuất hàng giả trên. Ngoài ra còn thu giữ một xe mô tô biển số 59G1-908.90. Tại nhà của V không phát hiện tài liệu, đồ vật gì có liên quan đến việc sản xuất hàng giả.

Nguyễn Văn H khai nhận số hàng hóa trên được làm giả như sau:

- Đối với sản phẩm bột ngọt Ajinomoto: H mua nguyên liệu là bột ngọt xá (loại 25kg/bao, ngoài vỏ có in hình 02 con tôm và chữ nước ngoài) với giá 800.000 đồng/bao. H sử dụng kéo hoặc dao để cắt miệng bao bột ngọt xá nói trên rồi đổ vào thau nhựa màu đỏ. Sau đó, dùng đồ xúc tự chế bằng nhựa (cắt từ vỏ chai nhựa cũ) để xúc bột ngọt xá đổ vào các bao bì bột ngọt Ajinomoto các loại, cân đủ trọng lượng được ghi trên bao bì. Cuối cùng máy ép nhiệt hiệu Tân Thanh để ép miệng vỏ bao bì lại là hoàn thành sản phẩm bột ngọt giả mang nhãn hiệu Ajinomoto.

- Đối với sản phẩm hạt nêm Knorr: H cũng mua nguyên liệu là hạt nêm Việt (loại l0kg/bao) với giá tiền là 230.000 đồng/bao rồi H sử dụng kéo hoặc dao để cắt miệng bao hạt nêm Việt rồi đổ hạt nêm vào thau nhựa màu đỏ. Tiếp theo, H dùng đồ xúc tự chế bằng nhựa loại như trên để xúc hạt nêm nguyên liệu đổ vào bao bì hạt nêm Knorr các loại và cân đủ trọng lượng được ghi trên bao bì. Cuối cùng, H dùng máy ép nhiệt Tân Thanh để ép miệng vỏ bao bì lại là hoàn thành sản phẩm hạt nêm giả mang nhãn hiệu Knorr.

Thành phẩm sau khi sản xuất được H đem đi bán tại các khu công nghiệp ở Quận 9, Quận 2 và quận Bình Thạnh, qua hình thức bán dạo ở ngoài đường đối với khách hàng là công nhân ở các khu công nghiệp với giá như sau:

+ Bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto: Bán ra với giá 5.000 đồng/gói (loại 100 gam), 6.000 đồng/gói (loại 140 gam), 20.000 đồng/gói (loại 400 gam và 454 gam), 40.000 đồng/gói (loại 1 kg).

+ Hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr: Bán ra với giá 10.000 đồng/gói (loại 170 gam), 20.000 đồng/gói (loại 400 gam).

Ngoài ra, H còn bán lại cho Nguyễn Thị V để V đem đi bán kiếm lời. Vì V là chị ruột nên H bán lại các sản phẩm làm giả trên với giá rẻ hơn từ khoảng 5.000 - 10.000 đồng/sản phẩm so với giá bán ra thị trường, cụ thể như sau:

+ Bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto: Giá 5.000 đồng/gói (loại 100 gam), 6.000 đồng/gói (loại 140 gam), 15.000 đồng/gói (loại 400 gam), 17.000 đồng/gói (loại 454 gam).

+ Hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr: Giá 8.000 đồng/gói (loại 170 gam), 15.000 đồng/gói (loại 400 gam).

Quy trình sản xuất: H thường mua các nguyên, phụ liệu như vỏ bao bì các nhãn hiệu Knorr, Ajinomoto phục vụ hành vi sản xuất hàng giả từ người đàn ông tên Chín (tự Chín Pha), không rõ nhân thân lai lịch, bán dạo ngoài đường đoạn gần cầu Lò Heo, phường Thạnh Lộc, Quận 12.

Toàn bộ việc sản xuất hàng giả nêu trên do H trực tiếp thực hiện tại nơi ở của mình. V biết rõ việc H thực hiện sản xuất hàng giả các loại nói trên từ nguồn nguyên liệu kém chất lượng. Tuy nhiên, V không tham gia vào quá trình sản xuất hàng giả các loại nói trên cùng H. Khoảng đầu năm 2019, V bắt đầu mua hàng giả là bột ngọt Ajinomoto, hạt nêm Knorr các loại từ H với giá rẻ. Sau đó, đem bán ở các khu công nghiệp ở quận Thủ Đức, Quận 9 để kiếm lời. Khách hàng chủ yếu là công nhân và khách vãng lai. Do hàng hóa chủ yếu được bán dưới hình thức bán dạo ngoài đường cho công nhân, doanh số hàng ngày không ổn định. Đồng thời, H, V không có ghi chép sổ sách hay xuất hoá đơn bán hàng nên H, V không xác định được số tiền thu lợi bất chính từ việc buôn bán hàng hoá giả nêu trên.

Kết luận giám định số: 0040a/N3.20/TĐ ngày 06/5/2020, thì sản phẩm hạt nêm Knorr, bột ngọt Ajinomoto thành phẩm thu giữa của H, có kết quả kiểm tra bao bì, ghi nhãn, ngoại quan và thành phần chất lượng có nhiều chỉ tiêu không đồng nhất với hàng thật do Công ty sản xuất cung cấp và mức ghi trên bao bì. Về đánh giá mức độ an toàn thực phẩm của các sản phẩm thu giữ của V đối với người sử dụng thì không đủ cơ sở để đánh giá do không có thông tin liên quan đến nguồn gốc, điều kiện, quy trình sản xuất và liều lượng sử dụng.

Kết luận giám định số: 0040b/N3.20/TĐ ngày 06/5/2020, thì sản phẩm hạt nêm Knorr, bột ngọt Ajinomoto thành phẩm thu giữa của V, có kết quả kiểm tra bao bì, ghi nhãn, ngoại quan và thành phần chất lượng có nhiều chỉ tiêu không đồng nhất với hàng thật do Công ty sản xuất cung cấp và mức ghi trên bao bì về đánh giá mức độ an toàn thực phẩm của các sản phẩm thu giữ của Vóc đối với người sử dụng thì không đủ cơ sở để đánh giá do không có thông tin liên quan đến nguồn gốc, điều kiện, quy trình sản xuất và liều lượng sử dụng.

Sản phẩm bột ngọt Ajinomoto (loại 100 gam, 400 gam), hạt nêm Knorr (loại 170 gam) thu giữ của Nguyễn Thị V và bột ngọt Aji-no-moto (loại 100 gam, 400 gam), hạt nêm Knorr (loại 170 gam và 400 gam) thu giữ của Nguyễn Văn H là đồng nhất với nhau.

Kết luận Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 64/KLĐG ngày 15/6/2020, thì tổng giá trị của 149 gói hạt nêm nhãn hiệu Knorr, 103 gói bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto thành phẩm các loại thu giữ của Nguyễn Văn H có giá trị 4.984.500 đồng, tổng giá trị của sản phẩm bột giặt OMO, ABA thành phẩm các loại có giá trị 3.931.000 đồng, tổng giá trị nguyên phụ liệu, công cụ, máy móc, phương tiện không đủ cơ sở xác định giá do không có giao dịch trên thị trường. Một gói bột ngọt bán thành phẩm mang nhãn hiệu Ajinomoto, loại 400 gam, chưa ép nhiệt miệng bao bì, có giá trị 28.500 đồng. Xe mô tô biển số:

59G1-908.90 có giá là 5.000.000 đồng.

Tổng giá trị của 10 gói hạt nêm nhãn hiệu Knorr, 69 gói bột ngọt hiệu Ajinomoto thành phẩm các loại thu giữ của Nguyễn Thị V có giá trị hàng hóa tương đương hàng thật là 1.282.500 đồng, tổng giá trị của sản phẩm bột giặt OMO, ABA thành phẩm các loại có giá trị 1.677.000 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 43/2021/HSST ngày 18/3/2021 của Tòa án nhân dân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn H phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” và bị cáo Nguyễn Thị V phạm tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.

- Áp dụng khoản 1, khoản 5 Điều 193; Điều 38; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H 03 (ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt chấp hành án.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị V 02 (hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt chấp hành án.

Phạt mỗi bị cáo 20.000.000 đồng để nộp vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn còn giải quyết về vật chứng, án phí, quyền và thời hạn kháng cáo theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm.

- Ngày 29/3/2021, bị cáo Nguyễn Văn H có đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt.

- Ngày 31/3/2021, bị cáo Nguyễn Thị V có đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau khi tóm tắt hành vi phạm tội, hậu quả tội phạm mà các bị cáo thực hiện đã nhận định: mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt đối với các bị cáo là thỏa đáng, không nặng, đúng tội danh. Đối với bị cáo H kháng cáo xin được hưởng giảm nhẹ hình phạt nhưng tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ nào mới để có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo H nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo H. Riêng đối với bị cáo V mặc dù không có thêm tình tiết giảm nhẹ gì mới nhưng xét bị cáo hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nuôi 02 con nhỏ, chồng đã chết nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo V, cho bị cáo được hưởng án treo. Vì vậy, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn H, chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị V, sửa bản án sơ thẩm. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo có quan điểm tranh luận: bị cáo V chồng chết, một mình nuôi 03 con nhỏ nên luật sư đồng ý với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát về việc đề nghị cho bị cáo V được hưởng án treo. Ngoài ra, trong vụ án này các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn, các bị hại cũng không có yêu cầu bồi thường, số tiền thu lợi rất ít, giá trị tài sản phạm tội không cao. Do đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự cho bị cáo H và bị cáo V và tuyên xử hai bị cáo được hưởng án treo.

Kiểm sát viên tranh luận: Hậu quả mà các bị cáo gây ra là gây ảnh hưởng tới sức khỏe cho nhiều người tiêu dùng nên không thể áp dụng điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự cho các bị cáo. Riêng về mức hình phạt thì do Hội đồng xét xử quyết định.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Văn H và bị cáo Nguyễn Thị V khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với bản án sơ thẩm đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an Quận 12, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân Quận 12, Kiểm sát viên, Tòa án nhân dân Quận 12, Thẩm phán trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay, bị cáo Nguyễn Văn H và bị cáo Nguyễn Thị V thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung cáo trạng và bản án sơ thẩm đã nêu. Lời khai của các bị cáo phù hợp biên bản khám xét, biên bản xác minh, biên bản định giá tài sản, phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Do vậy có đủ cơ sở để kết luận:

Bị cáo Nguyễn Văn H đã có hành vi tự sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm bằng cách mua các loại vỏ bao bì mang nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto, bao bì hạt nêm hiệu Knorr; mua nguyên liệu là bột ngọt xá in hình hai con tôm loại bao 25kg; hạt nêm Việt loại bao 10 kg về, sau đó đổ bột ngọt cũng như hạt nêm ra thau nhựa, rồi bỏ vào từng vỏ bao bì cân theo đúng trọng lượng ghi trên bao bì, dùng máy ép nhiệt ép dính miệng bao lại, được thành phẩm thì bị cáo H vận chuyển đến các khu công nghiệp ở Quận 9, Quận 2 và quận Bình Thạnh bán kiếm lời và bán cho bị cáo V. Hàng giả thu giữ của bị cáo Huần có giá trị tương đương hàng thật 4.984.500 đồng.

Đối với bị cáo Nguyễn Thị V biết H sản xuất hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm nhưng vì giá rẻ nên vẫn mua hàng giả gồm bột ngọt Ajinomoto và hạt nêm hiệu Knorr của bị cáo H đưa đi bán kiếm lời, hàng giả thu giữ của bị cáo Vóc có giá trị tương đương hàng thật 1.282.500 đồng.

Đối chiếu với quy định của pháp luật nên có căn cứ để xác định bị cáo Nguyễn Văn H phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” và bị cáo Nguyễn Thị V phạm tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo khoản 1 Điều 193 của Bộ luật hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm đã kết tội các bị cáo theo tội danh và điều luật đã nêu là có căn cứ.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Văn H và bị cáo Nguyễn Thị V kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo H và bị cáo V giữa nguyên nội dung kháng cáo. Kháng cáo của bị cáo H và bị cáo V làm trong hạn luật định là hợp lệ.

Xét kháng cáo của các bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối cải để từ đó áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự và xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là phù hợp với quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Văn H và bị cáo Nguyễn Thị V không xuất trình thêm tình tiết nào mới để có cơ sở giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm của Nguyễn Văn H và hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm của Nguyễn Thị V là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn H và bị cáo Nguyễn Thị V; không chấp nhận ý kiến của người bào chữa, đề nghị cho các bị cáo được hưởng án treo; không chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát về việc cho bị cáo Vóc được hưởng án treo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bị cáo bị cáo Nguyễn Văn H và bị cáo Nguyễn Thị V phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự:

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn H và bị cáo Nguyễn Thị V; giữ nguyên bản án sơ thẩm số: 43/2021/HSST, ngày 18/3/2021 của Tòa án nhân dân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Căn cứ khoản 1 Điều 193; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn H 03 (ba) năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt chấp hành án.

- Căn cứ khoản 1 Điều 193; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị V 02 (hai) năm tù về tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” Thời hạn tù tính từ ngày bắt chấp hành án.

Mỗi bị cáo phải nộp 200.000 (hai trăm ngàn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

238
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm số 395/2021/HSPT

Số hiệu:395/2021/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về